Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Xây dựng nông thôn mới một thách thức với nhà văn - Từ Nguyên Tĩnh
Xây dựng nông thôn mới một thách thức với nhà văn - Từ Nguyên Tĩnh

Nông thôn và nông dân Việt Nam là một đề tài lớn, là kho tàng vô tận, có vị trí vững chắc, lâu bền “trong sáng tác văn học nghệ thuật” (Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến Văn học). Là "ký ức" của dân tộc, đất nước Việt Nam trong quá khứ, và mở ra những thách thức với người hoạch định chính sách “nông nghiệp nông thôn và nông dân” - Với người cầm bút hôm nay và mai sau. Làm sao để có những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của nông dân và nông thôn Việt Nam trên con đường "hội nhập và đổi mới".
Nông dân chiếm tới 80% dân số cả nước, sinh sống ở làng quê và lưu giữ "thuần phong mỹ tục" của dân tộc. Nói đến làng quê Việt Nam không thể trộn lẫn với quê hương khác, đất nước khác. Hình ảnh cây đa, bến nước sân đình, tình yêu đôi lứa, khát khao cuộc sống thanh bình, một tình yêu nam nữ giản dị nhưng không kém phần thi vị: "Cô kia tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"... Cũng có khi tình yêu đôi lứa ấy, không thể đến được với nhau, để: "con lợn béo, buồng cau thì già"... Là một quốc gia với nền sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng cây lúa nước, lại chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên: bão tố, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất và biết bao tai ương khác. Trong lịch sử lâu dài chống giặc ngoại xâm, nông thôn, rừng núi là căn cứ địa vững chắc - Là thiên la địa võng, được các anh hùng hào kiệt, vua chúa lựa chọn. Người nông dân là lực lượng hùng hậu làm nên chiến thắng thiên tai và giặc ngoại xâm. Vai trò của nông dân trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng to lớn. Mỗi trang sử hào hùng của dân tộc ta đều ghi lại hình bóng của họ. Nông dân, nông thôn là nguồn đề tài phong phú bất tận. Với bao câu chuyện dân gian, truyền thuyết, huyền thoại, sử thi, cách ta hàng ngàn năm mà đọc lại vẫn thấy xúc động. Nhiều văn nghệ sỹ lấy người nông dân và nông thôn, làm cảm hứng chủ đạo trong sáng tạo và đã để lại các tác phẩm có giá trị. Nhờ có họ mà bóng dáng "nông thôn và nông dân" còn lưu giữ cùng thời gian, dẫu sau này, sự nghiệp công nghiệp hóa và sự thu hẹp đất đai, con người nông dân.
Những ca dao, dân ca, chuyện kể, thần thoại, sử thi... còn đến ngày nay, là "ký ức" của dân tộc ta. Nếu thiếu vắng nó, biết đâu thiếu vắng những nhà văn viết về "nông dân và nông thôn" sau này? Ngô Tất Tố với Tắt đèn...; Nguyễn Công Hoan với Bước đường cùng; Vũ Trọng Phụng với Vỡ đê; Nam Cao với Lão Hạc, Chí Phèo...; Phạm Duy Tốn với Sống chết mặc bay, Nguyễn Tuân với Chiếc ấm đất; Bùi Hiển với Nằm vạ; Tô Hoài với Khách nợ; Ngọc Giao với Đất; Kim Lân với Làng, Con chó xấu xí, Vợ nhặt; Hồ Phương với Thư nhà; Nguyễn Thế Phương với Đi bước nữa; Nguyễn Khải với Xung đột, Tầm nhìn xa; Chu Văn với Bão biển; Vũ Thị Thường với Cái hom giỏ, Gánh vác; Nguyễn Thị Ngọc Tú với Đất làng, Buổi sáng, Hạt mùa sau; Nguyễn Kiên với Vụ mùa chưa gặt; Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ; Nguyễn Mạnh Tuấn với Đứng trước biển, Cù lao chàm; Ngô Ngọc Bội với Lá non; Lê Lựu với Thời xa vắng; Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma; Dương Hướng với Bến không chồng; Nguyễn Minh Châu với Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát; Nguyễn Huy Thiệp với Những ngọn gió Hua Tát, Thương nhớ đồng quê; Tạ Duy Anh với Bước qua lời nguyền; Lưu Sơn Minh với Bến trần gian; Sương Nguyệt Minh với Nỗi đau dòng họ; Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận; Trịnh Thanh Phong với Ma làng; Hoàng Minh Tường với Thủy hỏa đạo tặc; Hữu Phương với Chân trời mùa hạ... và nhiều các tác giả khác nữa.
Nếu anh nông dân, người lính trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, là những tên lính nông dân - đặc thù rất nông dân kiêu binh "Nghệ cậy thần Thanh cậy thế" ám ảnh mãi trong lịch sử, thì nông dân thời phong kiến đế quốc đã rất khác. Ngô Tất Tố với Tắt đèn, không gian, thời gian; làng quê Việt Nam, dồn ép lại hơn 150 trang sách. Nhưng vẫn hiện lên những khuôn mặt, từ quan lại đến chức sắc nông thôn, vợ chồng anh Dậu, chị Dậu, đến ổ chó... những thân phận nghèo hèn, rách nát, cái khổ đến cùng cực, vì sưu cao thuế nặng... Tắt đèn: Giản dị trong văn chương mà đầy triết lý, khắc họa nhân vật nông dân cùng khổ đến tận cùng. Ta còn gặp nhiều tác phẩm khác, Lều chõng, Việc làng,... của Ngô Tất Tố, ngòi bút sắc sảo, sinh động, bi hài. Đó là bức tranh đen tối của làng quê trước 1945 còn lưu giữ. Nguyễn Công Hoan với Bước đường cùng: Ba Tân anh vợ của anh Pha, Trương Thi, người hàng xóm không tốt của anh Pha, bị Nghị Lại xui ném bả rượu vào ruộng anh Pha, nhưng ném lầm vào ruộng Nghị Lại... do thấp cổ bé họng, cùng quẩn, họ lại bị Nghị Lại xui cho vay tiền để kiện lẫn nhau... Họ bị khánh kiệt và bần cùng do không trả được nợ cho Nghị Lại... Vợ chết, con cũng chết, đẩy anh Pha đến "bước đường cùng". Không hẹn mà gặp, Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan đều miêu tả người nông dân dưới đáy của xã hội Việt Nam thời phong kiến. Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn, tố cáo chính sách tàn bạo của bọn thực dân phong kiến; mất mùa lũ lụt, nạn vỡ đê liên miên, đẩy người nông dân vào chỗ chết, bọn quan lại thì phè phỡn. Nam Cao có bút pháp hiện thực nghiêm ngặt. Ông là nhà văn tài năng viết về làng quê và người nông dân, ông cũng viết về những "trí thức" bắt đầu manh nha từ "người nông dân" chưa từ bỏ làng quê ra nhập với "trí thức thị thành". Hơn hết ông hiểu sâu sắc về số phận người nông dân lầm than, thống khổ không có lối thoát. Ông trân trọng, quý mến người nông dân, sáng tạo ra nhân vật nông dân đặc sắc: Lão Hạc và Chí Phèo. Chí Phèo là người nông dân bị bần cùng mà lưu manh hóa, bị lợi dụng chém thuê, rạch mặt, ăn vạ... Ông không đẩy nhân vật của mình đến tận cùng của lưu manh, không phương cứu chữa. ở Chí Phèo, không bị mất hết tính người. Chí Phèo đến với Thị Nở - xem tình yêu có làm lành trái tim gã lưu manh không. Chí Phèo khát khao sống lương thiện. "Ai cho tao lương thiện?" - Đó lời cầu khẩn với trời đất về số phận. Đến Lão Hạc, Nam Cao dành cho tình cảm cao quý, xót thương trân trọng người nông dân. Dù cho cuộc sống có cực khổ, nhưng ở những người nông dân ấy, bắt đầu cưỡng lại "số phận thấp hèn" le lói tia hy vọng manh nha cái mới, đó là "trí thức nông dân" mà ta bắt gặp trong (anh giáo Thứ) sáng tác khác của Nam Cao.
Người nông dân và nông thôn sau hòa bình (1954) chưa kịp để văn học khắc họa cho rõ nét, rõ tính cách thì đã phải nhận một nhiệm vụ mới: Cải tạo, xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất đất nước. Xây dựng "tổ đổi công" và "hợp tác xã", ý thức hệ tập thể, cái chung đã ảnh hưởng đến khuynh hướng sáng tác của nhiều nhà văn. Sự dằn vặt để vượt ra khỏi số phận hẩm hiu, ''đi bước nữa" hay suốt đời cam chịu, sống thân phận lẻ loi, cô độc chết dần mòn bởi hủ tục, tăm tối của làng quê. Nhà văn Nguyễn Thế Phương đã xây dựng tiểu thuyết Đi bước nữa giữa lúc nông thôn còn chìm sâu trong quan niệm hôn nhân lạc hậu. Đi bước nữa, là sự báo hiệu sớm cho sự đổi mới ở nông thôn. Ta còn gặp nhân vật nông dân vùng công giáo trong tiểu thuyết Nắng của Nguyễn Thế Phương và Bão biển của Chu Văn. Có lẽ đó là những trang viết xúc động về công giáo lúc bấy giờ.
Phong trào xây dựng hợp tác hóa, làm ăn tập thể đã tạo một loạt nhân vật một thời trong tiểu thuyết. Đào Vũ với tác phẩm Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm, người nông dân "tư hữu" nhưng yêu mến tập thể vì vui vầy, vừa từ tổ đội đoàn kết lên hợp tác cấp thấp, xóm làng thân thiết, yêu mến con trâu cày, quan niệm "con trâu là đầu một cơ nghiệp " mà không muốn cho người khác “bóc lột” trâu nhà mình quá nhiều. Cái ấu trĩ tư lợi đáng yêu của “Lão Am” bấy giờ. Nguyễn Khải với Xung đột và Tầm nhìn xa là hai tiểu thuyết mới, nóng hổi khi ông đi thực tế về nông thôn Hải Hậu (Nam Định) và Phú Thọ. Vũ Thị Thường với Cái hom giỏ, Nguyễn Thị Ngọc Tú với Đất làng, Vụ lúa chiêm, Hạt mùa sau; những trang văn viết về người nông dân và nông thôn thật sinh động. Họ yêu quý hợp tác xã và việc làm ăn tập thể của mình dẫu còn thô sơ nhưng có niềm tin vào ngày mai tươi sáng hơn.
Những tác phẩm về nông dân và nông thôn càng ngày không còn thuần nông (chuyện làm ăn hợp tác xã, lợi ích cái chung, cái cá thể tư lợi) như trước nữa. Họ vốn là nông dân mặc áo lính - không phải là "kiêu binh” nhưng vẫn vấn vương hạn chế, mặc cảm, chịu nhiều hủ tục lạc hậu, chi phối bởi kiểu dựng vợ gả chồng, cưới hỏi lạc hậu, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Không thể thoát ra, cả đời cam chịu, nếu cưỡng lại bị quy vào “đạo đức”, quan niệm lạc hậu đó làm bao cuộc đời cam chịu khổ đau. Cởi trói được, tưởng tìm thấy chân trời mới, hạnh phúc mới, lại bị cái “bản chất nông dân” nhu nhược, vụng về không kịp thích nghi với phố phường. Thời xa vắng của Lê Lựu đã tạo ra sự mới mẻ, bứt phá cho văn học.
Ngô Ngọc Bội với tiểu thuyết Lá non, Phùng Gia Lộc với bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì, Tạ Duy Anh với Bước qua lời nguyền, Nguyễn Minh Châu với Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát... Nguyễn Huy Thiệp với Những ngọn gió Hua Tát... Bão đang nổi lên trong lòng người nông dân và làm xao động làng quê, không thể đối xử với người nông dân như thế, cơ chế quản lý đất đai và con người không còn phù hợp nữa, cần có sự đổi mới. Nhưng đổi mới bằng cách nào?
Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, đẩy sự mâu thuẫn thâm căn cố đế ở nông thôn giữa các dòng họ: “Việc làng giữ lấy họ, ra họ giữ lấy anh em”, cái kết cố này manh nha cho “lợi ích nhóm” mà ta thấy “quy trình cán bộ toàn dòng họ”. Nhưng lúc này là mâu thuẫn thù hận tranh chấp giữa hai dòng họ Vũ Đình và Trịnh Bá ở làng Chùa; giữa Vũ Đình Phúc (trưởng họ Vũ) và Trịnh Bá Hàm (trưởng họ Trịnh), Trịnh Bá Thu (là em ông Hàm giữ chức Bí thư Đảng ủy xã), bè phái, đấu đá nhau liên miên, không từ một thủ đoạn ti tiện nào để triệt nhau. Bởi chính quyền nắm trong tay họ nên dùng nó để thao túng kẻ khác. Người thân trong gia đình họ cũng bị kéo vào guồng máy đấu đá sát phạt. Đào, Tùng, bà Son, ông Thủ, ông Phúc... Tuy làng Chùa “nhiều ma” nhưng vẫn có những người tốt như ông Chinh, Tùng, Đào... chung tay xây dựng nên nông thôn giàu đẹp. Mối tình của Tùng và Đào, như là sự đơm trái giao tình giữa hai dòng họ Vũ và Trịnh... Bến không chồng - Cuốn tiểu thuyết của Dương Hướng là bức tranh buồn thê lương ở làng Đông - một làng quê miền Bắc thời hậu chiến. ở đó, đã không có sự bù đắp nào, không có hạnh phúc nào dành cho những người lính trở về sau cuộc chiến. Với các nhân vật: Nguyễn Vạn, Nhân, Hạnh... họ không thể tìm thấy hạnh phúc sau chiến tranh bởi không vượt qua lề thói, hủ tục tăm tối của làng quê...
Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, người nông dân miền Tây Nam bộ khi đất nước hết chiến tranh mà vẫn không sao thoát khỏi số phận éo le, họ bơ vơ ngay trên chính quê hương mình. Còn nhiều tác phẩm viết về nông thôn và nông dân, biên độ đan xen, mở rộng sang đề tài chiến tranh, bởi người nông dân làm thiên chức cầm súng đi giải phóng, sau chiến thắng họ quay về làng quê, họ không có gì ngoài hai bàn tay chai sạn bởi cầm súng, thậm chí không biết cả làm ruộng, mang trong mình bệnh tật, chất độc màu da cam, đe dọa tương lai, nòi giống. Nông dân và nông thôn lại phải gồng mình lên để chống lại “bọn cường hào mới”.
Nông thôn và nông dân ngày nay không còn thuần phác như xưa nữa. Nông dân bây giờ là nơi tập hợp, sinh sống của các thành phần: Nông dân thuần túy, là những người nông dân không “ly quê”, sống quanh năm lam lũ, trồng trọt chủ yếu là cây lúa, hoa lợi cũng chỉ trông chờ vào cây lúa, kỹ thuật canh tác hầu như rất thô sơ, sử dụng trâu, bò cày, kéo; có khác chăng là làm lúa rồi cuối vụ thuê gặt bằng máy... Lúc nông nhàn tranh thủ đến các thành phố làm đủ các thứ nghề miễn là kiếm được “đồng tiền lương thiện”. Những cán bộ, bộ đội, có vợ con làm ruộng, họ hết tuổi lao động ở các cơ quan, đơn vị, công chức và giáo chức về sống những năm tháng còn lại cuối đời. Đứng về mặt kết cấu xã hội, họ là “thành phần khác” nhưng về gốc rễ họ vẫn là nông dân, dẫu có “cải tiến” rồi lại quay về “lại giống nông dân”. Về nhận thức, họ có thể là trí thức và những thành phần tiểu thương, nhưng về hoạt động xã hội họ vẫn là con em nông dân. Nông thôn ngày nay không còn nhiều “cây đa, bến nước, sân đình” như xưa. Trong xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa, đất đai và con người đã “hóa kiếp” thành chốn đứng chân cho nhà máy, xí nghiệp - “đô thị mới”. Nông dân bây giờ là nơi cung cấp sức lao động, sử dụng nhân công giá rẻ, cho các khu công nghiệp, trang trại. Các khu công nghiệp mở ra khắp nơi, đã cuốn hút một lực lượng lao động chính của nông thôn. Do nhu cầu sống, và ước mơ muốn đổi đời mà họ ra đi, không tay nghề hoặc được đào tạo về nghề nghiệp. Tất nhiên nghề nghiệp cũng không đồng đều. Lao động thủ công, từ cửu vạn, phu hồ, thời vụ vào các xí nghiệp may mặc hoặc thợ lành nghề. Một đội quân khác, đông đúc hơn, không như cha ông mình “sống ngâm da chết ngâm xương” ở đồng ruộng, ngẫm ngợi “nhất sĩ nhì nông”. Họ ồ ạt xuất ngoại, mong đổi đời. Xuất ngoại ngày xưa là mấy ông nông dân được xung vào lính đánh thuê, một số người có văn hóa cao, con nhà giàu sang trời Tây tu nghiệp. Ngày nay đi tu nghiệp kiếm nghề, đi làm thợ thuyền, đi làm ô sin cũng có... Có nghĩa, người phụ nữ đã xuất hiện trên “thị trường bán sức lao động” ở khắp các châu lục. Thậm chí cả một lực lượng, bán thân và bán con, đẻ thuê... Ngày xưa, những làng, “thuần phong mỹ tục”, trai gái kết duyên, đỗ đạt mới cúng cho làng gạch lát đường, tạo ra một cảnh quan văn minh, lịch sự hơn những làng khác... Có những nhà gạch, giếng xây đã là hơn người; có đình làng, đền, chùa, miếu mạo; trong làng có nghi trượng để việc làng, hội làng đón rước thành hoàng, vào chùa tụng kinh niệm phật, sự tôn nghiêm, cội rễ của một miền quê, tục lệ cha ông xưa còn lưu lại. 
Ngày nay, đường xá mở mang từ Bắc vào Nam, cuộc di dân từ miền núi phía bắc, nông dân phía Bắc vào phía Nam cũng rất lớn; (vợ chồng A Phủ không còn sống ở miền núi phía Bắc nữa mà chạy vào Tây Nguyên...) các nhà Rông, nhà dài cũng bị mai một, có làm lại nhà đúc chăng nữa, nhưng không còn môi trường rừng núi, thành ra sự linh thiêng của văn hóa của rừng đại ngàn không rợp tỏa như xưa. Những con đường “bê tông hóa” khắp các làng quê, từ miền xuôi đến miền ngược. Sạch sẽ nhưng vẫn làm ta nhớ đến những bờ rào chè mạn và những cổng tre thanh bình. Những ngôi chùa mới mọc lên có to lớn, bề thế nhưng không thể sánh được những ngôi chùa rêu phong cổ kính được lưu giữ trong từng trang văn học, còn sót lại đó đây nằm chân núi, có cây đa cổ thụ nghiêng mình soi giếng nước, nước chảy ra nghe róc rách như khúc nhạc của làng quê.
Không thể nói, nông thôn đã biến dạng trước sức mạnh của đô thị hóa, không thể nói, nông dân đã bị tha hóa do được thụ hưởng văn minh vật chất khi chưa chuẩn bị về tinh thần. Không thể nói, những ngôi chùa “lớn nhất thế giới” là chùa công nghiệp, nhưng nằm ở đó cũng không nâng tầm của người nông dân và làng quê lên được. Người nông dân bây giờ, và làng quê bây giờ, nông thôn - miền núi bây giờ không đơn thuần là “có điện thay sao”; nông thôn bây giờ, không đơn thuần có “máy làm trâu thay người” mà nông thôn và nông dân đã lột xác, có nhiều trí thức - là “ông chủ mới” có tài sản, có nhiều tiền, dám làm ăn lớn và cũng thành đạt, giàu có gấp ngàn lần cha ông mình. Thủ đoạn làm giàu cũng không ở mức bóc lột địa tô như địa chủ ngày xưa. Những nhân vật mà thành tựu văn học trong quá khứ đọc lên vẫn hay và xúc động lòng người. Nếu không nói quá, nhiều “nhân vật” trong kho tàng văn học về nông dân và nông thôn đã lạc hậu với nông dân và làng quê bây giờ. Người nông dân ngày nay đã khác xưa... Họ tự do đi lại, ra nước ngoài lao động và lắng nghe thế giới, người ở lại làm dân lưu vong, kẻ về quê để làm giàu. Triển vọng lập nghiệp của họ rất lớn, rủi ro của họ cũng không thể lường hết. Họ tích cóp tiền bạc, và có những căn nhà đúc, làm thay đổi diện mạo tranh tre nứa lá ở nông thôn. Bên cạnh sự đổi đời, họ cũng phải trả giá cho sự liều lĩnh mạo hiểm... Những gia đình đổ vỡ do việc vợ hoặc chồng đi kiếm sống ở xứ người. Hệ lụy đến việc giáo dục và tương lai con cái. Mặt trái của “hội nhập” là cặn bã của lối sống suy đồi tràn vào nếp sống của nông dân và nông thôn. Nếu không có chủ trương và kế sách đúng sẽ để mặc người nông dân bị cuốn theo những thói hư tật xấu, của cơ chế thị trường. Nông thôn sẽ tự phát trôi nổi theo may rủi, bởi sự thiếu định hướng và chăm lo... Vấn đề nông thôn và nông dân vẫn là sự chi phối lớn, cấp bách trong xã hội. Vẫn là thời sự nóng hổi đối với quốc gia. Người nông dân và nông thôn Việt Nam vẫn là sự nhức nhối mỗi khi nghĩ đến họ, đặt ra cho Đảng và Nhà nước phải làm gì cho họ, không bị đói nghèo, lạc hậu để lại phía sau. Một xã hội lành mạnh không thể để người nông dân và nông thôn bị bần cùng hóa và suy kiệt được. Bởi họ là gốc rễ của dân tộc, quốc gia. Họ cũng là chủ nhân để xây dựng kiến tạo đổi mới chính mình, quê hương mình.
Xây dựng nông thôn mới luôn luôn là đề tài mới mẻ. Nông dân và nông thôn dù có thay đổi, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp có hạ thấp tới đâu trong quốc nội, thì vẫn là “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc. Đề tài về “xây dựng nông thôn mới” vẫn là thách thức các nhà văn. Không phải chỉ miêu tả, xây dựng nhân vật trái, méo mó dị biệt - phần xấu xí, cái rớt lại của nông dân và nông thôn để lại. Mà phải thực sự là “sử thi”, là “anh hùng ca” về nông dân và nông thôn mà độc giả đang kỳ vọng. Đó cũng là thách thức cho người cầm bút, các nhà văn hôm nay và mai sau.
                                                           

Thanh Hóa, mùa thu 2019
 
                            T.N.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 57
 Hôm nay: 3734
 Tổng số truy cập: 9328841
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa