Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Ngày xuân đi cùng lịch sử (Tùy bút) - Trần Hiệp
Ngày xuân đi cùng lịch sử (Tùy bút) - Trần Hiệp

Ta ngồi đây cùng nhấp chén rượu xuân. Gió rì rào từ Lam Kinh hay từ đền Bà Triệu? Sóng biển lao xao từ Nghi Sơn hay tận đảo Hòn Mê. Âm hưởng ngân nga từ Đông Anh hay từ bản Mường, bản Thái? Tiếng ai vọng về như nhắn gửi thiết tha. Tiếng non sông hay tiếng của ông cha? Lòng ta bồi hồi xao xuyến.
Xuân đang bước, lòng muôn người bận rộn. Thời gian đi mỗi khắc một nhành xuân. Nhịp tim đấy hay mạch thời gian đang điểm? Suối đang reo từ mãi thượng nguồn sẽ tụ lại sông Âm, sông Chu, sông Mã sẽ bừng lên nguồn năng lượng. Những lối đi xưa nay thành đại lộ nối các miền quê hay mạch sống thời nay làm thức dậy những tiềm năng. Đồng chiêm trũng đang dựng lên đô thị mới. Náo nức các miền với mục tiêu 50-100 triệu trên một héc ta, của mỗi gia đình. Xóa đói, giảm nghèo, dân giàu, nước mạnh, dân chủ văn minh, từ mảnh đất này hướng tới những hành tinh. Ta bước trên con đường lịch sử. Khu công nghiệp Nghi Sơn hình thành trên dấu chân An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu; Khu công nghiệp Bỉm Sơn ngày đêm âm vang cùng tiếng hò reo của đại quân Nguyễn Huệ thần tốc tiến ra Thăng Long dẹp yên giặc nước đón xuân mới; Khu công nghiệp Lam Sơn gắn liền với sự tích vua Lê, 6 năm luyện quân, 10 năm nằm gai, nếm mật đánh giặc dựng lên triều Hậu Lê rực rỡ; Khu công nghiệp Hàm Rồng, Lễ Môn gắn liền với hàng loạt chiến công hiển hách của quân dân thời đại Hồ Chí Minh. Những miền quê Đông Sơn, Thạch Thành, Thọ Xuân, Hoằng Hóa… những cái nôi của Đảng, những căn cứ cách mạng từ những năm của thập kỷ 30, 40 thế kỷ trước đang xuất hiện những mô hình làm ăn mới theo cung cách mới… tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đó phải chăng là cách xóa đói, giảm nghèo bền vững nhất của nông dân.
Hiếm có miền quê nào như xứ Thanh ta, từ thời đại đồ đá cách đây hàng chục vạn năm đến thời đại đồ đồng gắn liền với văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng ba, bốn nghìn năm… Tất cả, tất cả hãy còn đấy. Bước sang nền văn minh kim khí, nền văn minh lúa nước, Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều bậc vĩ nhân gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước: Triệu Thị Trinh; Dương Đình Nghệ; Lê Hoàn… Thời nhà Trần quê hương Thanh Hóa là hậu phương tin cậy của ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông. Năm 1397, Hồ Quý Ly dựng kinh thành Tây Đô để lại cho muôn đời sau một công trình kiến trúc kỳ vĩ. Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh dựng lên triều đại Hậu Lê dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Năm 1789, Quang Trung - Nguyễn Huệ trước khi tiến đánh tiêu diệt 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh đã dừng lại luyện binh ở Thọ Hạc, lập phòng tuyến Tam Điệp, dấu vết xưa còn in đậm ở Hà Trung, Bỉm Sơn; làng Gia Miêu, Hà Trung là đất tổ của các đời vua Nguyễn thay thế Tây Sơn… Mỗi nhân vật lịch sử ấy gắn liền với một vùng đất, một di tích lịch sử làm sáng danh quê hương ta, đất nước ta, để lại cho thế hệ ngày nay và mai sau niềm tự hào vươn tới thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 
Bên cạnh các tài nguyên phong phú về khoáng sản, lâm sản, hải sản là những thứ thiên tạo thì các di tích lịch sử là “tài nguyên” nhân tạo mà ta bắt gặp trên mỗi vùng đất quê Thanh - một nguồn tài sản trầm tích giàu có đâu dễ tỉnh nào cũng có.
Đi cùng lịch sử, tạo dựng một miền quê “kiểu mẫu” như Bác Hồ căn dặn cũng có nghĩa là viết tiếp trang sử mới rạng rỡ của thời kỳ mới. Xây dựng những cánh đồng với mục tiêu mỗi héc ta làm ra 50-100 triệu đồng trong năm. Xây dựng những khu công nghiệp mang tầm thế kỷ. Tất cả đều có thể làm được, vấn đề còn lại là thời gian. Định lượng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song, không thể chờ đầy đủ tất cả mới hành động mà phải biết chớp lấy, nắm bắt lấy thời cơ khi vận hội cho phép. Kinh Dịch là pho sách cổ - là tinh hoa văn hóa phương Đông dạy ta nhiều điều bổ ích, tựu trung chỉ dạy một chữ Thời: “Thời chỉ tắc chỉ, thời hành tắc hành” (lúc cần dừng lại thì dừng lại, lúc cần hành động thì hành động).
Chúng ta thấy rõ mỗi sự kiện lịch sử gắn liền với con người lịch sử. Bởi thế, những con người hôm nay thời của khoa học, kỹ thuật tiên tiến phát triển hằng ngày cần phải có con người của thời đại mới, với đầy đủ tri thức cần thiết của hôm nay và ngày mai. Các bậc chân sư kêu gọi: “Hãy đốt lên ngọn lửa lòng”. Lửa lòng như thế nào thì bùng lên khát vọng ấy, làm nên sự nghiệp ấy. Nhân dân ta có truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó, phẩm chất ấy được trang bị vốn tri thức hiện đại ắt sẽ làm nên những gì mà chúng ta hằng hy vọng vươn tới. Phải chăng đây là “Thời hành tắc hành”. “Hành” học tập để vươn tới “Hành” đấu tranh loại bỏ những gì cần loại bỏ, kể cả những ai cản trở bước tiến của nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. “Hành” xây dựng và phát triển. Nhìn về hướng Đông là cả miền biển kéo dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh. Nhìn về hướng Tây là cả một miền rừng núi bao la. Nhìn trái, nhìn phải đâu đâu cũng gặp đồng ruộng bát ngát, những mỏ kim loại quý hiếm. Và, hàng triệu lao động phần đông là thanh niên nam nữ. Nadim Hitmét đã nói về tuổi trẻ rất hay và rất đúng: “Tuổi thanh niên đó là ước mơ, niềm tin, sự vươn tới, đó là trữ tình và lãng mạn, những kế hoạch cho tương lai, sự mở đầu của tất cả”. Hãy tin họ, trang bị kiến thức cho họ, bồi dưỡng phẩm chất cho họ và quan trọng hơn là giao việc cho họ. Họ là chồi non, lộc biếc, ngàn hoa đua sắc của mùa xuân, tương lai của họ là rường cột của quê hương, đất nước. Có tri thức mới và được xây đắp niềm tin họ sẽ biết hướng tới tương lai và biết bắt đầu như thế nào. Chúng ta tự hào với lớp trẻ ngày nay, những thủ khoa của các kỳ thi đại học, những tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc được đem về từ các cuộc thi quốc gia, quốc tế và khu vực. Chúng ta bỗng nhớ đến lớp trẻ của thời giành chính quyền năm 1945, lớp trẻ của 9 năm kháng chiến chống Pháp, lớp trẻ của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước do được Đảng đào tạo, bồi dưỡng, xây đắp niềm tin đã làm nên sự nghiệp lớn lao; lớp trẻ của thời kỳ đổi mới cũng không ít người đã lập nên kỳ tích. Tất cả lớp trẻ ấy có người đã thành thiên cổ, có người đã là lớp cha chú có đầy đủ niềm tin để trao gửi cho lớp trẻ hôm nay.
Những cô cử, cậu tú, những trạng nguyên, thám hoa của thời đại mới, giao tiếp với người nước ngoài mà không cần phiên dịch. Ôi, lớp trẻ trí thức làm chủ tương lai để chúng ta tin, chúng ta yêu và hoài vọng.
Nhấp chén rượu xuân đón niềm vui mới nghe sóng biển lao xao, những mỏ dầu Bạch Hổ, Sư Tử Đen, Sư Tử Đỏ, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Đai Hùng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Lan Tây, Lân Đỏ đang mỗi ngày hút lên cho Tổ quốc ngàn vạn đô-la...  gió rừng rì rào, thác nước ào ào làm nên những dòng điện thắp sáng niềm tin công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà tưởng nhớ tổ tiên, dòng lịch sử cuộn chảy, chúng ta cảm thấy lòng mình phơi phới, ai nấy như muốn đứng lên, xốc tới đi cùng lịch sử tới tương lai huy hoàng. Từ ước mơ đến hiện thực không thể một sớm, một chiều. Ai nắm được thời cơ thì đi nhanh hơn, ai bỏ lỡ thời cơ thì tụt lại đằng sau. Đó là cuộc thử sức của sự nghiệp văn hóa kinh tế. Vâng, văn hóa - kinh tế là một nền kinh tế có tri thức của những con người có tri thức mà bao xuân các thế hệ nối tiếp nhau vun trồng đón xuân này phải chăng sẽ là nở hoa kết trái, sinh sôi, nảy nở như hoa xuân. Đã qua đi quá nửa thế kỷ mùa xuân cách mạng, trang sử quê hương ngời sáng huy hoàng. Xuân này, xuân nữa thắp sáng trong ta ngọn lửa lòng, sẽ cháy bùng lên niềm tin và hi vọng đi tới điều mà Bác Hồ hằng mong đợi ở Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa chúng ta.
                  

T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 195
 Hôm nay: 7671
 Tổng số truy cập: 7663095
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa