Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Chuyện Tú Đắc ở Xiêm (Truyện ký) - Nguyễn Huy Súc
Chuyện Tú Đắc ở Xiêm (Truyện ký) - Nguyễn Huy Súc

1. ... Sau khi dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Lê Mạnh Trinh được tổ chức phân công sang Xiêm hoạt động với tên là A Thuận. 
A Thuận đến Băng Cốc bằng đường thủy. Theo lời dặn của Hồ Tùng Mậu hôm ở Huệ Ái, A Thuận vào nhà ga hỏa xa mua vé đi tỉnh Phi Chít, tìm đến Bản Đông. Ở Bản Đông có chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc phái Hồ Tùng Mậu về thành lập từ năm 1925. Chi bộ Phi Chít được lấy làm trung tâm vận động cách mạng trong Kiều bào toàn Xiêm, đồng thời làm nơi thí điểm cho các hình thức tổ chức quần chúng như: Hội Phụ nữ, Hội thân ái, Hội hợp tác… Ngoài ra chi bộ Phi Chít còn có nhiệm vụ bắt mối với Việt kiều ở Lào và các tổ chức của Tổng Hội ở mấy tỉnh miền Trung Việt Nam như Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên... A Thuận làm công tác huấn luyện chính trị và xuất bản báo “Đồng Thanh”, vạch tội ác của đế quốc Pháp và phong kiến Nam Triều, khuyên Việt kiều đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để cứu nước. Về sau, theo ý kiến của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, báo “Đồng Thanh” đổi thành báo “Thân Ái”,  phát hành rộng khắp hơn, tờ báo đã thiết thực là cơ quan tuyên truyền của Việt kiều. 
Đầu năm 1930, được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản và Đông Phương cục, Nguyễn Ái Quốc về thành lập Đảng Cộng sản Mã Lai và Đảng Cộng sản Xiêm. Cùng thời điểm đó, ở Phi Chít, A Thuận được giao nhiệm vụ tiến hành họp để chuyển những đoàn viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội sang đảng viên Đảng Cộng sản thì bị chính quyền Băng Cốc vây bắt cùng với nhiều người, thu nhiều sách vở, báo chí, nhưng không thấy gì là “Cộng sản” mà chỉ là sách văn hóa, báo tuyên truyền yêu nước và đoàn kết. Song chính quyền Xiêm vẫn giam để tiếp tục điều tra. Về sau, chúng thả phần lớn anh em tham gia họp hôm đó. Còn A Thuận và 10 đồng chí nữa của anh bị chúng đưa về giam ở nhà tù Băng Cốc. Đến đầu năm 1931, chúng ra lệnh trục xuất những người này sang Trung Quốc, qua Hương Cảng trên một chiếc tàu chở hàng. Nhiều điểm liên lạc bị mất. Những người ở Xiêm về đến Hương Cảng, phải chung cảnh tiền hết, không gặp được đồng chí mình, anh em bàn nhau kiếm mỗi người một chỗ làm thuê, kiếm miếng ăn để tồn tại và tìm cách bắt liên lạc với tổ chức. 
Trong một lần bốc vác thuê trên bến tầu ở khu Đồn Môn, A Thuận gặp đồng chí Hồ Tùng Mậu trong bộ vest mầu xám từ tàu lên bến. Hai người nhận ra nhau ở chỗ đông người. Hồ Tùng Mậu đưa mắt nhìn A Thuận rồi đặt cái vali xuống,  nói: “Này, anh kia! Vác cái vali này cho ta vào nhà trọ trên dốc bến anh lấy bao nhiêu?”. “Thưa ông, ông đưa bao nhiêu thì tùy ông nhưng trước tiên ông cho con ăn cái chi đó cho đỡ đói thì con mới vác cho ông được”. “Lại còn thế nữa!”. Hồ Tùng Mậu gọi người bán bánh bao dạo mua cho A Thuận hai chiếc bánh bao. A Thuận ăn một cái còn một cái đút túi rồi ra điều khó nhọc lắm vác vali đi theo ông khách.  Về đến nhà trọ, là cơ sở của mình, Hồ Tùng Mậu nói A Thuận: “Chúng tôi đã biết đồng chí và một số đồng chí bị trục xuất khỏi Xiêm về đây hiện đang phải mỗi người mỗi nơi kiếm sống để dò tìm tổ chức. Ở đây, như đồng chí cũng đã biết, chúng đang ráo riết nên đồng chí kín đáo hẹn tập trung anh em lại để ta về địa bàn an toàn hơn. Ba ngày nữa, lúc một giờ khuya, cũng ở bến này, có người đón các đồng chí xuống tàu đến nơi ở mới!”. A Thuận mừng như người vớ được vàng. Chia tay với đồng chí Hồ Tùng Mậu, A Thuận về nơi mấy hôm nay tá túc và tin cho mọi người tập trung để di chuyển. Thế là A Thuận và mọi người được đưa sang Cửu Long, được Hội Hồng thập tự Đỏ của Trung Quốc cấp cho tiền ăn và áo quần. Rồi lần lượt từng người được tổ chức thử thách và đưa vào các cơ sở với  nhiệm vụ và công việc khác nhau...
Một ngày vào tiết Thanh minh năm 1931, trời đã bớt rét, đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến thăm A Thuận. Trong lúc tâm sự, đồng chí Nguyễn Ái Quốc hỏi A Thuận: “Các đồng chí Ban Chấp hành Đảng ủy Xiêm yêu cầu đồng chí trở lại Xiêm công tác, đồng chí nghĩ thế nào?”. “Thưa đồng chí, được đồng chí đồng ý đáp ứng yêu cầu của Đảng ủy Xiêm, tôi sẵn sàng trở lại Xiêm cùng các đồng chí bên ấy gánh vác nhiệm vụ của Đảng!”. “Thế thì tốt rồi!”. Nguyễn Ái Quốc quay sang nói với Hồ Tùng Mậu: “Đồng chí Mậu, đồng chí “kiếm” cho đồng chí A Thuận một cái tên mới và bố trí cho đồng chí ấy lên đường vì bên ấy đang cần”. Hồ Tùng Mậu suy nghĩ một lát rồi nói với Nguyễn Ái Quốc để A Thuận nghe luôn: “Chúng ta thống nhất để đồng chí A Thuận mang tên mới là A Bum. Ngày mai có chuyến tàu thủy đi Xiêm, đồng chí A Thuận trong vai người áp tải hàng cho nhà buôn Thả Xạt đi Xiêm luôn”.
Thế là A Thuận đổi tên thành A Bum và trở lại Xiêm.
Khi mới trở lại Xiêm, đề phòng địch phát hiện, tỉnh ủy Udon đã phái A Bum lên Xiềng May là tỉnh có vị trí quan trọng, dân cư đông đúc, có đường giao thông tiện lợi qua Miến Điện, Trung Quốc. Lúc đầu, ở địa bàn mới A Bum làm nghề bán bánh dạo về các huyện để tìm hiểu tình hình, làm quen với phong tục tập quán, làm quen với môi trường, tạo lập cơ sở hoạt động.  
Một thời gian sau, tỉnh ủy Udon điều A Bum về Udon. A Bum tiếp tục làm công tác tuyên truyền. Nhiều địa phương các chi bộ đảng được thành lập, các cơ sở quần chúng được củng cố, phát triển làm cho những hoạt động của những tổ chức này ngày một phong phú và rộng rãi hơn. 
Khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị khủng bố. Xứ ủy Trung kỳ sang yêu cầu Đảng bộ Xiêm giúp đỡ. Được Đảng ủy Xiêm đồng ý và cho chủ trương thành lập Ban Viện trợ cách mạng Đông Dương. Lúc này, A Bum đã là tỉnh ủy viên ở Udon, đồng thời là người phụ trách việc viện trợ cho cách mạng Đông Dương mở lớp huấn luyện và tạo điều kiện để các đồng chí trở về nước hoạt động. Ban đầu sự trở về hoạt động trong nước của các học viên kết quả chưa cao, một số đồng chí bị bắt, bị truy nã. Về sau, A Bum chủ trương cử cán bộ đã có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài về nước cùng hoạt động, mở rộng địa bàn hoạt động cách mạng ở Lào để gây ảnh hưởng vào trong nước, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
Năm 1934, nước Xiêm đổi tên thành Thái Lan. Ban chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trung Quốc bắt liên lạc với Ban Chấp hành Đảng ủy Thái. Một hội nghị phong trào cách mạng Đông Dương tổ chức ở Ma Cao có sự tham gia của Đảng Cộng sản Thái Lan. Hội nghị này đã quyết định cho Ban Viện trợ cách mạng Đông Dương phải làm 3 việc: Vận động tổ chức Đảng ở phía Bắc Trung kỳ đi đến có thể thành lập Đảng bộ liên tỉnh; Thành lập Xứ ủy Ai Lao và hoạt động mạnh hơn nữa. Phát truyền đơn Xô Viết Nghệ Tĩnh với nội dung và cùng ngày với toàn quốc. Với 3 nội dung này đồng chí Lê Hữu Lập và hai đồng chí nữa về nước mở lớp huấn luyện, củng cố và phát triển cơ sở. Còn A Bum lúc này là Bí thư Xứ ủy Đông Bắc Thái Lan phụ trách xứ Ai Lao, sang Lào khai mạc Hội nghị thành lập Xứ ủy Ai Lao. 
Khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Udon về Băng Cốc để thành lập Đảng Cộng sản Xiêm, đồng chí Lý làm Bí thư, về sau đồng chí Lý bị giặc Pháp mua chuộc. Đảng ủy giải quyết khai trừ Lý ra khỏi Đảng. Đồng chí A Bum vào tham gia Ban Đảng ủy Thái Lan và làm Bí thư. 
Đảng ủy triệu tập hội nghị chuẩn bị thành lập Tổng Công hội Băng Cốc. Đến dự hội nghị có 12 người. Cuộc họp mới bắt đầu thì bị cảnh sát vây bắt. Chúng thu toàn bộ dự thảo và lục soát thấy có một số dụng cụ ấn loát như hộp mực, giấy nến, bàn in... ngoài ra không có thứ văn kiện nào khác. Trong lúc cảnh sát lục soát và khóa tay, trói mọi người một cách hùng hổ. A Bum nghĩ: Những người trong cuộc rất khác nhau về dân tộc, về tiếng nói, về thành phần và lứa tuổi... trong lúc gian khổ, xiềng xích, tra tấn để tránh khỏi có tư tưởng và suy nghĩ khác nhau sẽ đi đến chỗ có thái độ và cung khai khác nhau trước quân thù, sẽ tai hại cho Đảng, cho cách mạng, nên cần gợi ý thống nhất trước cho mọi người cùng biết cách trả lời khi bị hỏi cung. A Bum liền tuyên bố rất to bằng các thứ tiếng Việt Nam, tiếng Trung Quốc, tiếng Xiêm: “Đây là nhà tôi, buổi họp mặt này do tôi mời họ đến. Những thứ  các ông tịch thu là của tôi, không có liên quan gì đến những người có mặt tại đây!”. Khi chúng đưa mọi người lên xe thì không thấy hai người bản địa là Xa-ngộp và Xa-voắt. Lúc ấy mọi người mới ngã lẽ ra 2 tên này bị chính quyền mua chuộc cài vào làm nội ứng để bắt những người đến dự họp!
Suốt thời gian ở Băng Cốc A Bum và các đồng chí của ông phải ra tòa 6 lần, mỗi lần 1-2 người. Vì A Bum đã gợi ý nên trước tòa mọi người đều có những câu trả lời như nhau: “Vì điều kiện cuộc sống thiếu thốn, thất nghiệp và do A Bum khuyên đến gặp nhau để bàn bạc tìm cách giúp đỡ lẫn nhau thoát đói nghèo…”. Tòa không thể buộc tội những người này được, vì không có bằng chứng gì khác, ngoài cuộc họp mặt. Anh em vẫn ổn định tư tưởng, nói chuyện  với nhau vui vẻ, học tập lý luận do A Bum dịch ra tiếng Thái và tiếng Trung. Trong các lần ra tòa, quan tòa và cảnh sát chú ý nhất là A Bum, xung quanh mấy điểm: Có phải là Cộng sản không? Có âm mưu bạo động không? Có hành động tống tiền không?
Ở phiên tòa cuối cùng, quan tòa căn cứ vào lời khai của hai tên Xa-ngộp và Xa-voắt, là hai tên theo dõi để bắt A Bum và các đồng chí của ông. Quan tòa hỏi các bị can như gợi ý để hòng buộc tội nặng đối với A Bum. Tòa hỏi Xa-ngộp và Xa-voắt: “Họ có mưu đồ sắm súng đạn để đánh chính phủ không?”. “Không có chuyện đó”. “Họ có bảo các anh quyên góp về tài chính không?”. “Không. Họ nói mỗi tháng đóng một hào hoặc 25 xu, gọi là nguyệt phí cho chè nước mỗi khi họp mặt, nhưng chúng tôi chưa đóng”. “Họ có cưỡng bách, ép buộc các anh cái gì không?”. “Họ đối đãi với chúng tôi rất tử tế, nhiều hôm A Bum còn cho chúng tôi ăn cơm”...
Đến lượt A Bum, anh tự biện hộ. Mặc dù bọn hắn cho A Bum là can phạm chính, là đối tượng chúng dự định sẽ buộc tội nặng, A Bum cũng không cần phải biện hộ nhiều mà tụi quan tòa cũng không có gì để bắt buộc. Sau những câu hỏi của quan tòa, A Bum khảng khái trả lời: “Tôi là người đứng ra mời họ đến để họp mặt, để bàn bạc cách thoát khỏi nghèo khổ. Tôi là người theo Chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng tôi chưa tuyên truyền Cộng sản mà chỉ tuyên truyền công nhân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Chống tư bản bóc lột. Chống thất nghiệp, nghèo khổ. Tôi chưa tuyên truyền đánh đổ chính phủ bằng bạo động. Tôi chỉ nói với họ như dự thảo các ông đã thu được ở nhà tôi: “Chuẩn bị ra đấu tranh công khai”.
Cuối cùng, tòa tuyên án: “9 người khổ sai 5 năm, 2 được tha, A Bum bị kết án 5 năm, nhưng được giảm xuống 3 năm 6 tháng!”. Hóa ra phiên tòa hôm đó đã áp dụng luật của Xiêm, A Bum là can phạm chính, nhưng tòa án chiếu luật: “Nếu bị cáo khai thẳng thắn làm nhà chức trách không tốn công xét hỏi, đỡ thì giờ tranh chấp giữa bên nguyên và bị cáo, thì có thể giảm án từ một phần năm đến một phần ba”. 
Ngày 25 tháng 9 năm 1939, nhà đương cục Thái Lan gọi A Bum và một đồng chí của A Bum là ông Miền lên, chúng tuyên bố lệnh trục xuất hai người về đất thuộc Pháp. Hôm sau cai tù trả lại hai người quần áo ngày vào tù, thu lại quần áo lúc vào tù và phát cho mỗi người 4 đồng bạc Thái. Ngay sau đó, cảnh sát giải hai người bằng đường xe lửa rồi chuyển sang ô tô từ Băng Cốc ra Udon để đến Nongkhai. Ở Nongkhai chúng đưa hai người xuống tàu thủy chở qua sông Cửu Long, áp tàu vào bờ, phía đất Lào, thả hai người xuống đất Lào. Lúc này Lào đang có lụt lớn. A Bum cùng ông Miền đi theo hướng Đông Nam, xuống hạ lưu sông Cửu Long. Nhiều điểm nước dâng to, đường xá ngập lối hai anh em phải dắt tay nhau lần mò mới qua được. Đến mờ sáng, thấy một bản Lào hiện ra. Hai người vào bản để mua đồ ăn. Bà bán hàng người Lào hỏi các anh đi đâu? Hai người nói chúng tôi đi buôn, gặp lụt lội muốn về Thà Khẹt nhưng không biết sông nước ra sao? Bà bán hàng nói con rể bà tên là Tư, người Việt và chỉ nhà cho hai người vào để hỏi thăm đường. Hai người vào nhà hỏi anh Tư. Anh Tư người Quảng Bình, cùng quê với ông Miền. Vợ chồng anh Tư đón tiếp hai người rất nhiệt tình. Anh Tư cho biết: Vì lụt lội, đường bộ về Thà Khẹt không thể đi được. Đường thủy lâu nay lụt lội tàu bè cũng không chạy. Ở lại lâu không tiện, hai người bàn nhau bỏ tiền ra mua một chiếc thuyền nhỏ. Anh Tư bày cho cách lựa thác ghềnh để đi và cách đối phó. Hai người vượt thác ghềnh, nước cuốn, có lúc gần như thuyền bị lật. Những đoạn nước cuốn giữ, thuyền quay cuồng đến chóng mặt. Mệt lử. Hai người cột thuyền vào cây, lên bờ nghỉ lấy sức rồi lại cho thuyền xuôi đến Bùng Khà, thuộc đất Thái Lan rồi đi Nakhon.
Đến Nakhon ông Miền bí mật về gia đình, còn A Bum tìm vào nhà đồng chí cùng hoạt động cũ tên là Cát, làm nghề thợ mộc ở Noong-Xúng. A Bum có ý định là kiếm cho được một chỗ kín đáo hoặc ở đất Lào, hoặc ở đất Thái, yên ổn để tiếp tục hoạt động. Muốn vậy A Bum phải tìm cách có được giấy thuế thân ở đất Lào để dễ bề đi lại. A Bum sang Thà Khẹt, đổi tên thành A Tiến, xin vào làm một xưởng mộc của người Việt. Hàng ngày A Tiến đi kéo cưa, xẻ gỗ, kéo bào với công nhân. Nhưng có tin báo ông Miền bên kia sông đã bị cảnh sát bắt, nên A Tiến rời Thà Khẹt ngay.
A Tiến tìm cách đi Viêng Chăn. Vào được Viêng Chăn A Tiến đến nhà Lương Ngọc Quảng, quê ở Bái Thượng, đồng chí trước cùng hoạt động hiện đang làm nghề hàng xáo. Lương Ngọc Quảng cho biết anh mới gặp nữ đồng chí Huyền Thanh ở chợ. Biết chị Huyền Thanh mới ra tù, sáng sớm hôm sau Lương Ngọc Quảng đưa A Tiến đi gặp nữ đồng chí Huyền Thanh. Việc đi gặp một người lạ đối với A Tiến và những người hoạt động ở nước ngoài là một việc làm phải thận trọng, mặc dù đối với A Tiến lúc này rất cần kết nối với tổ chức. Có lòng tin vào anh bạn đồng hương cùng chí hướng và biết là gặp một người mới được nhà chức trách tha tù đã làm cho A Tiến có phần an tâm. Nhưng về nguyên tắc, Lương Ngọc Quảng vẫn phải bố trí một buổi gặp mặt giữa anh và Huyền Thanh với hình thức trao đổi về giá thóc gạo để A Tiến ở phòng bên cạnh có chỗ quan sát và theo dõi câu chuyện. Hóa ra Huyền Thanh mà Lương Ngọc Quảng nói là Lưu Cầm Liên, người đã cùng anh dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu. Gặp lại bạn cũ cùng chí hướng có nhiều kỷ niệm hằn sâu trong tâm tưởng, Lê Mạnh Trinh nhớ lại những hôm sắp chia tay ở Huệ Ái, Lưu Cầm Liên đã tâm sự với Lê Mạnh Trinh về chuyện riêng tư... Một em gái miền Tây thua anh năm, sáu tuổi, da trắng tóc dài, nói năng nhỏ nhẹ và đặc biệt giọng hát rất mùi với sáu câu vọng cổ đã làm xiêu lòng biết bao chàng trai. Ngọt ngào và đằm thắm khi chính em đã gợi đến chuyện riêng tư giữa hai người! Đó là bản năng của một cô gái đang ở tuổi yêu chăng? Mạnh Trinh cảm thấy xao xuyến khi được nghe những lời tỏ tình nhưng anh phải thú thật với cô là ở quê nhà anh đã yên bề gia thất!... Thế rồi từ Huệ Ái, hai người đều lên đường theo sự phân công của tổ chức. Không biết nơi đến của nhau, chỉ biết là cùng chung một mục đích... 
Được tín hiệu đồng ý của A Tiến, Lương Ngọc Quảng mở cửa phòng bên mời khách vào. Bây giờ, với sự giới thiệu của Lương Ngọc Quảng: “Đây là đồng chí Huyền Thanh và đây là đồng chí A Tiến!”. Lưu Cầm Liên và Lê Mạnh Trinh nắm tay nhau mừng mừng tủi tủi. Từ hai khóe mắt sâu thẳm của Lưu Cầm Liên những giọt nước mắt lăn dài xuống khuôn mặt gầy và xanh mai mái làm Lê Mạnh Trinh thấy mắt mình cay xè, nơi lồng ngực như có cái gì đó đè nặng làm cho nghẹn thở!... Lương Ngọc Quảng trở lại gian bán gạo. Trong những câu chuyện hàn huyên, A Tiến biết sau khi anh rời Huệ Ái vài ngày thì Lưu Cầm Liên nhận nhiệm vụ đến tỉnh Attapeu vùng Nam Lào. Rồi hai  năm trước, cô bị bắt khi đang chủ trì cuộc họp nhóm “Việt kiều cứu quốc” và chúng đưa chị lên giam trong một nhà tù ở Viêng Chăn... 
Huyền Thanh đưa A Tiến đi đến một trường học cho con em người Hoa kiều. Thật bất ngờ người chạy ra đón A Tiến lại là ông Lư và ông  Hòa. Cả hai trước đây đều ở trong Đảng ủy với A Tiến và cả hai đều bị nhà chức trách Thái Lan tình nghi là Cộng sản và bị trục xuất ở nhà tù La-hu-thột. Vì có một thời gian không hoạt động cùng nhau, theo nguyên tắc nên A Tiến, ông Lư và ông Hòa cũng không được phép nói chuyện công tác của nhau nhiều. Qua Huyền Thanh, A Tiến chỉ biết sau khi bị Chính phủ Thái trục xuất, đoàn thể giới thiệu ông Lư và ông Hòa về làm giáo viên ở trường Hoa kiều này để bắt liên lạc với tổ chức kháng Nhật ở Thái. A  Tiến ở lại đây vài ngày rồi lại ra đi.  
Trên đường đi, tới một bến sông A Tiến gặp tàu thủy của người Thái ghé đất Lào đón khách, anh xuống tàu sang Thái Lan để về Nakhon.
Về Nakhon, A Tiến vào nhà một Việt kiều cùng quê, anh ta cho A Tiến biết Chính phủ Thái Lan đã ra mặt thân Nhật. Bọn Đại Việt của Cường Để phái người về Thái Lan vận động Kiều bào ta theo Nhật. Bọn chúng xuất bản tờ báo “Hồn cố hương” làm phương tiện tuyên truyền vận động. Người bạn cùng quê đưa A Tiến đến gặp một thanh niên tên là Tha Lay trong nhóm có xu hướng kháng Nhật, được Tha Lay và người bạn đồng hương giúp sức, A Tiến dịch cuốn “Đề cương Điều ước bất khả xâm phạm Xô - Đức”, nhằm giải thích cho quần chúng biết lý do vì sao Liên Xô ký hiệp ước này. Đó chỉ là sách lược chứ không phải bắt tay với bọn phát xít như người ta hiểu nhầm… A Tiến còn viết cuốn “Mặt nạ Cường Để”, vạch trần bộ mặt phản quốc của Cường Để và dã tâm xâm lược của Nhật, làm cho quần chúng nhân dân thấy được Đại Việt, Cường Để là tay sai của Nhật.
Tình hình quan hệ giữa Thái Lan và Pháp trở nên căng thẳng, A Tiến bàn với người bạn cùng quê và Tha Lay ở lại củng cố và phát triển nhóm “xu hướng kháng Nhật” sâu rộng trong các làng bản. A Tiến lại ra đi. Lúc này ở đất Thái hay đất Lào đều nguy hiểm, chỉ có cách khi thì bên này, khi thì bên kia, nắm bắt, thúc đẩy phong trào kháng Nhật... Đang trên đường từ Nakhon đi Udon Thani, A Tiến lại bị bắt ở tỉnh Khoong Kèn, chúng dọa nạt, tra tấn rồi dụ dỗ ý muốn Việt Nam nên hợp tác với Thái Lan cùng Nhật để chống Pháp. A Tiến nói: “Tôi là người cộng sản, mà người cộng sản coi Pháp và Nhật đều là đế quốc, tôi không thể làm theo ý của các ông”. Chúng giam A Tiến và chờ đưa ra tòa án Udon giải quyết. Hai tháng sau chúng đưa A Tiến ra tòa Udon. Tòa kết án bỏ tù A Tiến 6 tháng, giam cùng mấy chục Việt kiều bị tình nghi chỉ điểm cho Pháp ném bom. Hầu hết kiều bào bị giam là hội viên Thân Ái trước kia. A Tiến lại có dịp giải thích cho họ về cục diện chiến tranh, về sự tất thắng của Liên Xô, của Mặt trận dân chủ thế giới, làm họ thêm tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng.
Chiến tranh Pháp - Thái kết thúc, các tù nhân được thả, trong đó có A Tiến. A  Tiến cũng không bị trục xuất khỏi Thái Lan nữa, vì chính phủ Thái phòng những tù nhân bị Pháp mua chuộc. 
Ra tù, A Tiến chưa bắt liên lạc được với Đảng, nhưng A Tiến vẫn kiên trì hoạt động độc lập, tổ chức và củng cố phong trào Việt kiều yêu nước, dịch và giải thích Điều lệ “Bất khả kháng giữa Liên Xô với Đức”, nhằm tránh hiểu nhầm của quần chúng cho rằng: Vì Liên Xô nên cuộc chiến tranh thế giới thứ hai mới gây ra cho thế giới nhiều tàn khốc, mà thủ phạm chính là phát xít Đức. 
Cuối năm 1943, A Tiến gặp được một số Việt Minh ở Việt Nam sang, A Tiến ra Đông Bắc hoạt động theo chương trình của Việt Minh. Cuối năm 1944 đầu năm 1945, các đồng chí trong tù được thả hết. Do đó, A Tiến cùng các đồng chí hoạt động cách mạng đã tổ chức Hội Việt kiều cứu nước, thành lập và phụ trách chi bộ Đảng ở nước ngoài trở lại. A Tiến phụ trách Tổng ủy Việt kiều cứu quốc, làm công tác vận động Việt kiều hai bên bờ sông Khoong ở vùng Thái Lan và Lào, thuộc các tỉnh Sa Khoa, Tha Non của Thái Lan và Savanakhet của Lào. A Tiến là một trong những người cùng các đồng chí Lào lãnh đạo quần chúng nhân dân giành chính quyền ở Savanakhet...
2. Tháng 1 năm 1948, đồng chí Lê Mạnh Trinh được Trung ương Đảng gọi về nước. Sau nhiều ngày băng rừng lội suối cùng hai đại đội của một đơn vị bộ đội Lào - Việt, đồng chí Lê Mạnh Trinh về đến Khu ủy đóng ở Chợ Đà, làng Mỹ Hạt, huyện Thọ Xuân. Ở Khu ủy, ông gặp lại đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Nguyễn Sơn. Vài ngày sau, ông được cấp trên cho phép về thăm nhà. Ông về quê bằng xe đạp. Khu ủy cử người chiến sỹ trẻ, vốn là giúp việc cho ông trong thời gian ông băng rừng về nước, mỗi người cưỡi một “chiến xa” về quê. 
Kể từ cậu Tú Đắc bỏ lại bộ quần áo và đôi dép, ở bến đò Cây Bàng, để lên một cái thuyền thúng do một người bạn thân đã chờ sẵn, vượt qua sông Mã sang làng Ái Sơn, ra đi theo tiếng gọi của con tim đến nay đã 22 năm. Đã đổi tên 5 lần, từ Lê Huy Đắc sang Lê Mạnh Trinh, A Thuận, A Bum, A Tiến và cho đến khi trở lại tên Lê Mạnh Trinh, những cái tên đánh dấu bao gian nan vất vả, đói ăn, thiếu ngủ, tù đày, khi thì làm thầy giáo, khi lại là người làm thuê, làm phu bốc vác…, nhưng trong lòng ông vẫn một lòng kiên trung theo Đảng làm cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến. Có những lúc ông nhớ quê, nhớ nhà, ở đó ông có người vợ tần tảo sớm hôm cùng bà cô già, để nuôi mấy đứa con, và hai đứa em, con của ông chú. Tự nhiên hai mắt ông nhòa đi, hai chân ông chùn xuống như không còn trên pedal xe đạp nữa. Ông phải dừng lại khi chỉ còn cách bến đò chừng vài bước chân, lòng ông thấy nôn nao. Ông đã khóc! Kể cũng lạ: Trước mọi gian nan, đói khát, băng rừng, lội suối, chịu bao đòn roi tra tấn của kẻ thù, những khi mất liên lạc với đồng chí, hết tiền, hết gạo đã tính đến chuyện xin ăn để sống mà hoạt động cách mạng... không làm ông rơi nước mắt mà bây giờ trở về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, gặp lại những người thân thương, ông đã lừa họ với cái chết giả trên sông Cái để dứt gánh ra đi vì lý tưởng cao cả, ông lại trở thành người yếu đuối như vậy! Người chiến sỹ có nhiệm vụ tháp tùng bảo vệ thấy vị chỉ huy của mình có vẻ không mạnh mẽ như thường ngày, khi về lại trước con sông quê hương. Anh chỉ còn biết đứng làm nhiệm vụ của mình là đảm an toàn cho vị chỉ huy chứ không dám cắt ngang những luồng suy nghĩ đang chợt đến với ông!...   
Có tiếng gọi ông lái chờ đò làm ông tỉnh lại, ông theo họ xuống đò. Vẫn dòng sông này, vẫn con nước này, có khác là bây giờ giữa thanh thiên bạch nhật, ông qua sông trên con đò to hơn, với nhiều người hơn và trên bầu trời lung linh mây trắng. Người chiến sỹ trẻ mở khuy áo thượng lấy tiền đưa tiền đò, ông lái đò không lấy tiền mà giải thích là nhà đò miễn tiền cho các chiến sỹ vệ quốc đoàn!... 
Đò cập bến. Lê Mạnh Trinh lên xe đạp một mạch về nhà. Đến ngõ, ông không còn thấy nhà mà chỉ thấy một vườn chuối. Ông liền quay xe, đạp vào nhà ông cả Hơn, trưởng họ, hỏi về nhà ông cố Cận. Ông cả Hơn hỏi lại ông và anh lính trẻ là quen biết gì với nhà cố Cận mà hỏi nhà cố Cận. Cố Cận chết lâu rồi. Nhà bán cho người khác người ta dỡ đi rồi! Vừa trả lời, ông cả Hơn vừa nhìn người lính già đứng sát ông. Nhìn kỹ từ đầu đến chân, rồi ông cả Hơn dừng lại ở khuôn mặt, hai con mắt. Bỗng ông cả Hơn la lên: “Trời ơi! Chú Tú Đắc phải không? Chú Tú Đắc! Người hay là ma đây trời! Chú Tú đã chết trôi trên sông Cái mấy chục năm rồi kia mà!”. “Tôi đây, bác Cả! - ông ôm chặt lấy ông cả Hơn, cả hai nước mắt dàn dụa -  Tôi vẫn còn sống và nay về thăm quê đây!”. Ông cả Hơn la toáng lên: “Ối làng nước ơi, Tú Đắc còn sống làng nước ơi! Tú Đắc còn sống mà lại là bô…ộ đoi…ội, là ve...ệ qu...ốc đo...àn đa...ây n...à...y!... Để tôi dắt chú và chú khách đây về nhà chú!... Nhà chú bây giờ chuyển về ở xóm Đông rồi! Nào ta đi, đi nào!”. Bà con xóm làng nghe ông cả Hơn la Tú Đắc còn sống chạy sang kín cả sân nhà ông Hơn rồi như một đoàn biểu tình theo ông cả Hơn dẫn đường cho ông Tú Đắc cùng anh lính trẻ về nhà ông Tú bên xóm Đông. Người nhà túa ra. Nào em trai ông - ông Dong, thằng cu Đậu, thằng cu Thẩm bây giờ đã chững chạc, hai người đàn bà và mấy đứa trẻ đứng cạnh chắc là vợ con chúng. Ông Tú đảo mắt không thấy bà cô Đẩu và vợ đâu. Ông Tú bước vào nhà. Một căn nhà gỗ xoan, mái lợp ngói âm dương. Trên bàn thờ, có ba bức chân dung lồng trong ba cái giá gương: Ở giữa là di ảnh của bố ông, một bên là di ảnh của bà cô Đẩu, một bên là bức chân dung của ông. Ông nghẹn lại, nằng nặng nơi lồng ngực làm ông hơi khó thở. Từ hai hố mắt ông những giọt nước mắt trào ra. Ông đến sát bàn thờ hơn, hạ cái giá gương có lồng chân dung của mình xuống, thắp ba nén nhang cúi lạy tổ tiên rồi gạt nước mắt, quay trở ra và trả lời những câu hỏi của mọi người... 
Hóa ra thằng cu Đậu, ngày ông đi mới 5 tuổi, bây giờ đã có 4 đứa con. Thằng cu Thẩm cũng đã có vợ và hai đứa con. Ông ôm các cháu vào lòng, ông bảo con vợ thằng Đậu mở ba lô ra lấy kẹo chia cho các cháu. Hai đứa con thằng Thẩm cứ quấn lấy mẹ. Mẹ chúng lại đang luýnh quýnh dàn xếp chỗ ngồi và rót nước mời bà con đến thăm. Mục sở thị xem có phải Tú Đắc đã chết trôi trên sông Cái hơn hai chục năm, nay lại về thăm nhà! Ông Dong chỉ còn biết đứng sần người ra nhìn anh, hai mắt đỏ ngầu, nước mắt nhòe nhoẹt cả xuống mặt, xuống môi, mặn chát. Ông cả Hơn sai mấy thằng cháu ngã ba cái nong và sang các nhà khiêng bàn khiêng chõng về kê ngoài sân để bà con ngồi tạm. Trong nhà chật kín người. Chị cò Đậu sai con vào nhà lấy chiếu ra trải xuống hè cho các bà, các cô ngồi tạm. Ông Tú bấy giờ mới hỏi anh cò Đậu:
- Bà o mất năm nào? Bà mất vì già hay bà mắc bệnh?
- Thưa bố! Bà o mất đã gần ba năm. Mới giỗ hết việc tháng trước. Mấy năm về già, bà o yếu đi nhiều. Cứ trở trời bà o lại ho và khó thở. Mẹ có mời ông thầy Thảo cắt thuốc Bắc cho bà o, nhưng chỉ đỡ được một thời gian sau thì bị lại. Chú Nghi mời ông Đội Thụy, đốc tờ trên làng Vĩnh xuống khám và tiêm thuốc. Đợt đó cũng khỏi, người khỏe và ăn ngon miệng. Nhưng rồi ông ấy nói bệnh của bà o là bệnh phổi mãn tính, thường tuổi càng già, người yếu đi thì bệnh càng nặng lên. Mùa rét năm kia bà o mất vì một cơn khó thở. Mấy ông trạm xá vào tiêm thuốc cho bà ngay, nhưng không qua khỏi. Bà o mất hôm đó vào ngày rằm, thiêng lắm!
- Mẹ con đi đâu mà không thấy?
- Mẹ đi chợ Bút, mẹ buôn hàng tấm nên thường quá trưa, tan phiên mẹ mới dọn hàng ra về.
- Các con ở nhà sinh hoạt thế nào?
 - Cũng tạm đủ. Mẹ đi chợ và các con làm ruộng nên nhà cũng không đến nỗi.
- Em Huệ và em Yên bây giờ ở đâu?
- Cô Huệ lấy chồng dưới Rọc. Còn chú Yên đi bộ đội.
- Thế đời sống của cô Huệ giờ ra sao? Chú Yên có thư từ về không?
- Hai vợ chồng cô Huệ làm ruộng. Cô còn nấu canh giắt bán, mỗi buổi sáng sớm cô gánh lên làng ta bán chợp một lúc cũng được hai nồi vồm canh và một rá giắt nem rồi về đi làm đồng. Mấy tháng nay chú ấy đi “dân công hỏa tuyến” nên cô bận hơn. Sáng nay con cũng có nghe cô rao bán canh giắt. Vợ chú Yên là con gái ông Kiểm Thới, xóm Đình, có một con gái và hai trai. Chú Yên tháng trước đi công tác, được cấp chỉ huy cho tạt về thăm nhà 2 ngày.  
Hai cha con ông Tú đang nói chuyện với nhau thì bà Tú hớt hải chạy về. Vừa về đến sân bà Tú đã òa khóc. Ông Tú vội vàng ra dìu bà Tú vào nhà. 
- Tôi xin lỗi bà! Bà ngồi xuống đây - Ông Tú đỡ bà Tú ngồi xuống trường kỷ - Bà thông cảm cho tôi. Đúng ra tôi phải nói với bà trước khi tôi ra đi để bà lo nuôi các con, các em, và chăm sóc cô Đẩu lúc cô về già, nhưng vì công việc của tôi làm khi đó không cho phép nên tôi phải tạo ra cái chết giả trên sông Cái để ra đi!...   
- Đến tôi mà ông cũng không tin. Còn lừa tôi để đi!... Hơn hai chục năm qua, trong lòng tôi, các con, các em biết bao đau đớn. Cô Đẩu cho đến hơi thở cuối cùng vẫn còn nhắc đến ông và còn dặn tôi cố giữ các con, các cháu chuyện sông nước, ao chum để tránh “dớp” nhà - Bà Tú khóc càng to làm Ông Tú lúng túng, không cầm được nước mắt. Đoạn, ông Tú chuyển sang chuyện hỏi thăm sức khỏe ông bà ngoại, các cậu. Rồi ông hỏi bà Tú và anh cò Đậu:
- Lúc nãy anh Đậu nói chú Nghi, là chú Nghi nào?  
- Thưa bố, chú Nghi là chú Dong. Từ khi làm việc trong tổ chức Đảng chú Dong có tên gọi kín là Nghi. Nhưng từ ngày đảo chính đến nay, phần lớn gọi là chú Nghi thay cho tên chú Dong ngày xưa.
Sau bữa cơm tối, bớt khách, ông Tú, bà Tú, vợ chồng ông Nghi cùng các con, các cháu quây quần hỏi han nhau đủ thứ chuyện của những người ở nhà và người đi xa. Nhà đang vui chuyện thì các đồng chí cho ủy ban xã vào thăm ông Tú. Sau khi mời khách uống nước, ông Tú có lời xin lỗi các đồng chí ủy ban vì ý định của ông Tú là ngay chiều nay lên ủy ban để trình báo, nhưng bà con anh em lâu ngày gặp nhau nên không thể dứt ra được. Ông Tú mở túi thượng lấy giấy được cấp trên cho phép nghỉ ra trình đồng chí Chủ tịch: “Đáng lẽ ngay chiều nay tôi phải ra văn phòng Ủy ban trình giấy được nghỉ phép với các đồng chí. Nhưng bây giờ tôi cứ tạm trình giấy rồi đúng 7 giờ sáng mai tôi sẽ có mặt tại văn phòng để làm việc theo quy định của xã”. Đồng chí Chủ tịch vừa đưa hai tay ra đón tờ giấy từ tay ông Tú vừa nói: “Thưa đồng chí, việc đồng chí về thăm quê, đồng chí chiến sỹ về cùng với đồng chí đã lên văn phòng Ủy ban báo cáo ngay từ chiều rồi. Vả lại, sáng nay chúng tôi được đồng chí Chủ tịch huyện truyền đạt cử hai đồng chí công an xã kết hợp cùng với đồng chí chiến sỹ đơn vị về cùng đồng chí, phải đảm bảo an toàn về việc: “Khu ủy bố trí cho đồng chí Lê Mạnh Trinh, mà ở Lưỡng Bột ta, nhân dân gọi là ông Tú Đắc, về quê nghỉ 7 ngày, sau 22 năm làm công tác vận động xây dựng và lãnh đạo tổ chức Đảng ở Hải ngoại”.  
Còn ba ngày nữa mới hết phép thì có xe của đơn vị về truyền lệnh của Khu ủy: “Đồng chí Lê Mạnh Trinh về đơn vị gấp để nhận nhiệm vụ mới!”.
Và ông Tú lại lên đường. 
     

Hoằng Lộc, tháng 12-4-2019
                        N.H.S

- Trong khi viết chúng tôi có tham khảo và sử dụng một số chi tiết trong Hồi ký, những ghi chép của cụ Lê Mạnh Trinh và một số chi tiết do các hậu duệ của Cụ cung cấp.
- Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Lộc.
- Hoằng Lộc đất hiếu học.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 3315
 Tổng số truy cập: 7614417
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa