Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /     /   Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn sống mãi cùng dòng sông Thu Bồn (Hồi ký) - Từ Nguyên Tĩnh
Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn sống mãi cùng dòng sông Thu Bồn (Hồi ký) - Từ Nguyên Tĩnh

Quảng Nam - Thanh Hóa một nhà
Đường dài muôn dặm tuy xa mà gần.

Bây giờ câu ca dao trong bản tổng kết của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn là một tài sản chung. Có nhiều câu ca khác cũng tương tự như thế ra đời trong chiến tranh, thành tích chiến đấu từ năm1968 đến năm 1971, nó chưa được in một lần nào trên báo chí. Và cũng rất dễ như người làm nên chiến công, hóa thân vào cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ta. Sau năm 1975, đến 7-1985 tôi mới tiếp cận được với tài liệu này. Và đến mùa xuân này 2-2010 mới có điều kiện cung cấp cùng bạn đọc. Có người sẽ nói tôi gặp may là nắm được tài liệu quý này. Nhưng một khi không sử dụng, nằm trong “im lặng” còn giá trị gì nữa? Bắt đầu là chuyện từ tấm ảnh bốn người còn lại của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn mà tôi xin kể lại cùng bạn đọc.
1. Tấm ảnh
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau giải phóng là một hội mạnh, cả về số lượng hội viên trung ương và địa phương là những cây bút nổi tiếng. Nhà văn Phan Tứ không ở Hà Nội mà về quê làm Chủ tịch Hội. Các nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Ngọc, Lưu Trùng Dương, Bùi Minh Quốc… Các nhà văn sau thống nhất đất nước là hội viên của Hội Văn nghệ giải phóng như Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh… Tạp chí Đất Quảng sang và hay, in được một bài ở đó là điều ao ước của người viết.
Một sự kiện “quan trọng” với chúng tôi là Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng mở trại sáng tác, mời một số trại viên của Thanh Hóa kết nghĩa. Tôi rất muốn đi để học hỏi và biết đâu có thể viết được một cái gì. Đề tài chiến tranh thì mênh mông, làm sao mà bơi cho hết được. Một số anh cán bộ Thanh Hóa đi dự lễ Quảng Nam - Đà Nẵng, 10 năm hoàn toàn giải phóng có nói về tình kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam, có nhắc đến tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Hàm Rồng là nơi tôi chiến đấu - một đời lính mà loay hoay chưa nên cơm nên cháo, chứ nói chi cái khác. Nghĩ vậy, nhưng muốn đi vào vùng quê kết nghĩa, trong chiến tranh được ca ngợi là trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ. Hội Văn nghệ Thanh Hóa có công văn sang Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa, coi bộ khó được đi, những hai tháng kia. Phải nhờ sự can thiệp của tỉnh mới được giải quyết. Người ta nói ông Trịnh Đăng Bưởi tỉnh đội phó Thanh Hóa, có thời kỳ tăng cường vào làm tỉnh đội phó tỉnh đội Quảng Nam. Gặp ông, biết đâu lần ra manh mối của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Tôi đã lên xã Yên Trung, huyện Yên Định quê ông với sự cầu may, lần ra dấu vết của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Đại tá Trịnh Đăng Bưởi rất nhiệt tình. Ông ca ngợi về tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, chiến đấu kiên cường, phần lớn đã hy sinh trên mặt trận Quảng - Đà. Ông cũng thú nhận, họ chiến đấu ở Mặt trận 4, ông vào Quảng Nam, chiến đấu ở cánh Nam, nên chỉ biết một đại đội “chia” cho cánh Nam. Nhìn nét mặt thất vọng của tôi, ông nói:
- Xem tôi có thể giúp được đồng chí gì không?... Ông lục trong sổ sách ra, đưa cho tôi tấm ảnh 6x9. Đây là tấm ảnh mà sau giải phóng miền Nam, tôi vào Quảng - Đà ăn mừng chiến thắng, họ tặng tôi làm kỷ niệm đấy. Bốn người này là bốn chiến sĩ của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn ra đi từ ngày ấy còn lại… Ông nói giọng xúc động, tôi cũng chỉ biết được ngần ấy thôi.
Cầm tấm ảnh và chào mấy người bạn ở Hội Văn nghệ Thanh Hóa đưa tiễn lên tàu, tôi không khỏi lo lắng. Không biết họ có nói loáng thoáng hay tôi lo quá mà tưởng tượng ra: - Tay này chắc không thể viết nổi.
2. Đi tìm tiểu đoàn đặc công Lam Sơn
Sau khai mạc trại sáng tác, các trại viên bắt tay vào viết. Phần lớn những người có tay nghề thì chuyện đó như người mở máy ra để ghi lại từ trong tiềm thức, thành một bản năng hay ít ra là như thế, sự chuyển động của nhân vật và văn chương. Còn với người “chưa định hình”, văn chương vẫn nằm ở đâu đâu. Cái bản lĩnh, sự tự tin của anh ta chưa có. Sau sự “tay bắt mặt mừng” là ai vào việc nấy. Người có nguyện vọng đi về căn cứ của Khu uỷ khu V năm xưa, người về Bình Dương (Thăng Bình) nơi bám trụ của ta ngày chiến tranh. Tôi sang tỉnh đội để tìm tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Ở tỉnh đội nói đến tiểu đoàn Lam Sơn ai cũng ca ngợi. Nhưng thực tế, sau giải phóng còn một vài chiến sĩ đã nhập vào đơn vị quân cảnh Lê Độ rồi. Lúc này tỉnh đội cũng đang bắt tay vào biên soạn, tổng kết chiến tranh, người ta cũng phải lần mò, đọc báo cáo, thu lượm trên những tài liệu để làm. Ai bày cỗ cho mình. Vả lại, cũng khó mà tin vào một cái tên, cây bút lạ hoắc, vô danh. 
Được tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng giới thiệu về các huyện trong tỉnh để sưu tầm tài liệu. Chưa phân biệt được hết công việc của người viết sử và “hư cấu” của nhà văn nên trót liều thì ba bảy đường liều, biết mò ở đâu ra người hiểu biết hay ít nhất là lính tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Được đại tá Lê Công Thạnh, Chủ nhiệm chính trị tỉnh đội giới thiệu, tôi sang Quân khu V, gặp Trung tướng Phan Hoan, ông vốn là người xuống Gò Nổi nằm chỉ huy chống càn, và chứng kiến nhiều trận oanh liệt của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Ông Phan Hoan ca ngợi tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ Lam Sơn, không mấy người còn lại sau chiến tranh trở về quê quán.
Tôi thấy thật bế tắc, nhưng cái “bí hiểm” mang màu sắc huyền thoại kia như là một thứ cám dỗ. May sao, tôi gặp được đại tá Trà Thanh Lợi, có thời kỳ làm chính trị viên tiểu đoàn, nhờ anh Trà Thanh Lợi “nhận diện” giúp bốn người trong ảnh mà ông Trịnh Đăng Bưởi cung cấp.
Anh Trà Thanh Lợi, sinh năm 1936, quê ở xã Điện Thọ 1 (Điện Bàn). Từ năm 1950 anh tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1954 anh chính thức ra nhập quân đội, tập kết ra Bắc anh về F351 pháo binh. Năm 1960 anh vào trường đặc công, ra trường mang quân hàm trung úy. Vào Nam 1965 anh làm chủ nhiệm đặc công Quảng Ngãi, rồi về làm chủ nhiệm đặc công Quân khu V. Tháng 12-1968 anh về làm Chính trị viên tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Cuối năm 1970 anh rời tiểu đoàn ra Bắc. Anh Thế - chính trị viên tiểu đoàn đặc công lên thay anh. Anh Thế hy sinh năm 1972 ở Điện An (Điện Bàn), anh Nguyễn Hữu Dụng quê Thọ Xuân lên thay. Anh Dụng hy sinh cuối năm 1974 khi đánh vào cầu Đỏ (sau này gọi là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Có cô em gái nuôi là Thúy Hường ở trạm phẫu thuật X…
Tôi hỏi Trà Thanh Lợi về tấm ảnh “bốn người còn lại” sau 1975. Anh cười, thằng Cảnh này sau làm tiểu đoàn phó, Nông chính trị viên, Hùng đi học, Ngoạn đi Campuchia…
- Làm sao tìm được mấy người này? - Tôi hỏi.
- Ngò Tiến Cảnh bây giờ là cán bộ ở Học viện Đà Lạt.
Đầu mối về tiểu đoàn Lam Sơn cũng được hé mở. Anh Trà Thanh Lợi đưa tôi đến gặp cô Phan Thúy Hường, y tá của đội phẫu, gắn bó với tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, cô có người anh em kết nghĩa quê ở Thọ Xuân quê tôi, đã ngã xuống mảnh đất chôn rau cắt rốn của Hường. Thúy Hường cũng có tấm hình chụp của “bốn người còn lại” tặng.
Tôi cũng gặp được Trần Đình Tẫn lên xin kinh phí để làm nghĩa trang liệt sĩ. Anh sinh năm 1947 quê ở xã Duy Tân (xã Xuyên Thu cũ). Năm 1964 mới 17 tuổi anh đã được kết nạp vào Đảng. Anh hoạt động cách mạng từ năm 1960. Bố, mẹ anh đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Thời kỳ này căn cứ An Hòa, Đức Dục, Kiểm Lâm… là nơi Mỹ tập trung đổ quân xây dựng khu liên hợp lớn, xúc tát dân dồn cư hòng cắt đứt nơi đứng chân của bộ đội ta. Đánh bật bộ đội khỏi vùng đông và tây Thu Bồn. Căn cứ Mỹ Sơn là nơi đồng chí Trần Thận - Bí thư huyện ủy Duy Xuyên, đồng chí Hồ Nghinh - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thường xuyên bám trụ chỉ đạo chiến đấu. Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn từng hợp đồng cùng dân ven bờ Thu Bồn đánh vào căn cứ An Hòa, chi khu quân sự Đức Dục, hoặc đồn Kiểm Lâm. Ở ngay đập Thạch Bàn này, hay Chợ Được, Vĩnh Trinh còn thắm máu người chiến sĩ cộng sản trong vụ thảm sát của Ngô Đình Diệm.
Tôi theo anh Tẫn ra nghĩa trang Duy Tân. Hàng ngàn ngôi mộ của quân và dân nằm lại trên bãi cát ven sông Thu Bồn. Đó là mới một xã như Duy Tân, còn các xã khác như Duy Hòa, Duy An… biết bao người hy sinh trong cuộc kháng chiến của dân tộc… Tôi nhờ người chở mình bằng xe đạp thồ vào khu An Hòa. Lô cốt, sân bay, hầm hào… Những phế tích của chiến tranh còn đó. Những con người của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn bây giờ ở đâu, bốn người trong tấm ảnh này?
Tôi về huyện lỵ Duy Xuyên. Bộ đội ta đánh quận lỵ này rất khó. Không chỉ quân của địch bố phòng cẩn mật mà chúng có thể gọi phi pháo ở các căn cứ núi Quế, Bồ Bồ; quân lính từ Hội An, Trung Phước, Đà Nẵng… chi viện cho huyện lỵ này khi bị tấn công. Ở đây tiện sang Điện Bàn quan sát vùng Gò Nổi, bộ đội dặc công 91 (Tên phiên hiệu của tiểu đoàn Lam Sơn khi vào mặt trận 4). Tôi nhờ người chở về Ai Nghĩa nơi quận lỵ huyện Đại Lộc. Quận lỵ được xây dựng từ xưa, thời Pháp và sau này Mỹ ngụy cũng đặt quận lỵ ở đây. Đứng ở trên vị trí “đắc địa” này quan sát được tàu bè từ xa. Nơi hợp lưu của dòng Vu Gia và Thu Bồn. Địch thường rêu rao “Bao giờ nước Vu gia chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Đồn  Đen và Cồn Cao”. Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn đã đánh vào rồi đó, mặc dù nước Vu Gia vẫn xuôi dòng.
Duy Xuyên, Điện Bàn hay Đại Lộc, Hòa Vang được nghe kể về những sự tích thần kỳ của người đất Quảng. Nhưng tôi vẫn mong muốn tìm được ít ra một người lính của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Gặp được ông Đàm Quang Y (Ông quê ở Đà Nẵng. Ông tham gia cách mạng năm 1949 làm liên lạc dân chính. Cuối năm 1953 đầu 1954 tập kết ra Bắc. Ông lên tàu từ bến Sầm Sơn về Tĩnh Gia - sư 305, sau chuyển ra Vĩnh Phú. Từ năm 1958-1960 chuẩn bị đi Nam, ông sang quân dù. Năm 1965-1966 ông tham gia bảo vệ Thủ đô. Tháng 6-1966 ông được cử đi học sĩ quan đặc công. Đây là khóa huấn luyện sĩ quan đặc công đầu tiên ở Hà Tây. Ông thành lập khung tiểu đoàn 2 để huấn luyện chiến sĩ đặc công chi viện cho các chiến trường…). Ông Đàm Quang Y kể lại: Tháng 11 và 12 năm 1967 hành quân từ Chương Mỹ (Hà Tây) về Thanh Hóa, an dưỡng một tháng trời ở một làng có con kênh xanh. Vào mùa lạnh tiểu đoàn tập trung ở một sân hợp tác rộng, làm lễ xuất quân. Có đại diện Bộ Tư lệnh đặc công. Ông Ngô Thuyền - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao cờ “Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn - Đơn vị kết nghĩa Thanh Hóa Quảng Nam” và tặng sổ vàng. Đi từ 21-1-1968 ban đầu hành quân bằng cơ giới, nhưng sau địch đánh dữ quá phải đi bộ. Tháng 3-1968 vào đến tây Đại Lộc, dốc ông Huỳnh Thủ. Đại đội của Đàm Quang Y được bàn giao cho cánh Nam. Bộ Tư lệnh mặt trận xuống đón, có ông Bình tức Trung tướng Nguyễn Chánh, ông Ngọc tức Giáp Văn Cương…
Tôi “hành quân” về Tam Kỳ, sau giải phóng tách một số xã ra thành lập huyện Núi Thành. Không thể không qua huyện Núi Thành, nơi có trận đánh Mỹ đầu tiên khi chúng hùng hổ đổ quân xuống Chu Lai và Đà Nẵng. Lần lại lịch sử đấu tranh của dân tộc, người Quảng Nam bao giờ cũng đi tiên phong trong chiến đấu với ngoại xâm. Tiếng súng của hạm đội Pháp nổ vào Đà Nẵng năm 1858, hơn 100 năm sau Mỹ lại đổ bộ vào QN - ĐN, hai tên xâm lược đều chọn Đà Nẵng làm nơi nổ súng, hòng chia cắt Nam và Bắc Việt Nam, nơi trọng yếu nhất. Đánh Mỹ là một thách thức với người dân Việt Nam lúc này. Những nước lớn còn sợ Mỹ, cho rằng “Mỹ là con hổ giấy” nhưng “hổ giấy” có nanh vuốt nguyên tử… Giặc Mỹ đổ quân ở Kỳ Hà với lực lượng rầm rộ và hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ. Trận đánh Núi Thành mở màn cho ta có quyết tâm “đánh cho Mỹ cút”, cũng là những chiến sĩ Quảng Nam vận dụng những kiến thức “đặc công” để sau này ra đời thuật ngữ đầy sáng tạo và quả cảm “nắm thắt lưng giặc mà đánh”. Đi tìm tiểu đoàn đặc công Lam Sơn nhưng lạc vào vô số những sự kiện “ly kỳ” mà gặp cán bộ nào của Quảng Nam cũng có một trang hồi ký đầy sự tích anh hùng. Sau này có đi lại, ngồi trên thuyền gắn máy lên Hòn Kẽm, lúc lênh đênh giải khát bia với cá sông Thu Bồn cũng được nghe kể về thời thơ ấu đi du kích của mỗi người. Nhưng vào thời điểm năm 1985, phương tiện xe cộ và đời sống gặp nhiều khó khăn, mà đi và bơi trên biển sự tích chiến tranh đất Quảng, dường như là một sự lạc đề đáng trách. Tôi đã gặp được một lãnh đạo Tam Kỳ. Ông không biết về tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, mà cuộc đời ông là một trang đầy bi hùng.
Ông Dương Ngoạn sinh năm 1928 ở xã Tam Nghĩa (tên cũ là Kỳ Liên), căn cứ Chu Lai. Cha ông hoạt động cách mạng, làm hương lý. Bà ngoại của ông sinh được ba gái, một trai. Má ông là cả, dì ruột của ông là bà Hoàng Thị Nể lấy ông Võ Toàn (vợ đồng chí võ Chí Công) ở xã Tam Xuân. Ông Dương Ngoạn tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền vào tháng 3-1945. Năm 1946 ông vào Đảng. Ông lấy vợ vào năm 1950, sinh được một con trai cuối năm 1950. Ông ở lại hoạt động, không tập kết ra Bắc. Năm 1956 ông bị địch bắt, nhốt ở Tam Kỳ, rồi nhà lao Chợ Cồn, rồi chuyển ra Thanh Tân Ô Suối nơi trại Vườn Cam của Ngô Đình Cẩn (Quảng Điền - Thừa Thiên), chuyển ra nhà lao Quảng Trị lại về Đà Nẵng, tháng 1-1964 đi Côn Đảo, năm 1968 lại đưa về khám Chí Hòa (Biên Hòa). Năm 1969 lại đưa đi Côn Đảo. Ngày 27-5-1975 mới về Đà Nẵng… Lúc ông đi con còn lẩm chẩm, lúc về nó đã là cha của đứa con nhỏ. Cha con không nhận ra nhau. Vợ ông cũng có người chồng khác… Những câu chuyện có tính chất ngoại đề như vậy ám ảnh tôi như một thứ bùa mê. Nhưng dù sao, tôi cũng phải quyết tâm lên Học viện Đà Lạt, vì một trong 4 người trong ảnh là Ngò Tiến Cảnh, sau giải phóng anh là tiểu đoàn phó tiểu đoàn Lam Sơn.
3. Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn
Từ Đà Nẵng không có xe đi Đà Lạt, tôi phải nhảy xe đò vào TP Hồ Chí Minh để lấy vé. Lúc này xe cộ thật khó khăn. Vào TP Hồ Chí Minh, không có người quen nên đành ngồi vạ vật nơi bến xe để lên Đà Lạt. Thời đó không có xe máy để lai, mà người ta hàn vào phóc ba ga một miếng sắt để người ngồi sau đặt chân. Đà Lạt như trong mơ, nhưng với tôi như lạc vào một khung cảnh của người khác. Đến học viện người ta nói, có Ngò Tiến Cảnh đấy nhưng ở phân hiệu 2 dưới Long Bình kia. Thất vọng, nhưng đằng nào cũng phải quay lại. Mặc dù rất muốn thăm thành phố Đà Lạt mộng mơ nhưng phải từ biệt để về Biên Hòa, may ra gặp được Ngò Tiến Cảnh. Rồi tôi cũng gặp được Ngò Tiến Cảnh, chắc anh không mấy tin vào tôi, cái lý do cũng thật đơn giản. Trong thời gian chiến tranh có nhiều nhà báo, nhà văn đi theo đơn vị anh chiến đấu như một người lính thực thụ mà âm vang của tác phẩm chẳng được là bao, huống chi tôi là anh lính cao xạ Hàm Rồng, có ác liệt đấy nhưng dù sao thì cũng là “hậu phương”, máy bay đến lúc nào thì ta bắn, xong được nghỉ ngơi. Không như người lính đặc công, chỉ vận quần xà lỏn (quần đùi) nhuộm cho người có màu lẫn cùng màn đêm, cùng màu đất; da thịt cũng phơi sương gió cho không có mùi vị gì đặc biệt để kẻ địch và chó nghiệp vụ không phát hiện ra. Là không nói đến chuyện dầm mình, chịu đói khát, ruồi bọ, kiến bu hành tội. Nhưng cũng gặp may, gặp được người lính đặc công còn lại trong số những người ta đi từ lúc mang lá cờ “Tiểu đoàn Lam Sơn”.
Tôi chạy trốn từ 7-1985 đến những ngày cuối năm 2009, khi Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa “rủ” đi về lại Quảng Nam, chuẩn bị cho sự kiện 50 năm kết nghĩa Thanh - Quảng. Không tài nào tìm ra địa chỉ của Ngò Tiến Cảnh. Nhờ người dò tìm địa chỉ, điện thoại của anh mà không được… Thật may, phương tiện bây giờ hiện đại và tiện lợi, phút chót cũng có số điện thoại. Đại tá Ngò Tiến Cảnh đã về hưu, anh vẫn sống ở Biên Hòa. Nhà đài mời anh ra Quảng Nam đi cùng các nhà báo về nơi anh chiến đấu năm xưa. Thời gian thật eo hẹp vì cái tết Canh Dần đang đến gần. Không cùng đơn vị, không cùng chiến trường. Nhưng lần này tiểu đoàn Lam Sơn đã rõ ra mà tưởng như trong hơn 40 năm bị lãng quên, cho dù chiến công vô cùng hiển hách.
Mùa Xuân năm 1967, Mỹ tăng cường chiến tranh cục bộ ở miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Tỉnh Thanh Hóa, đợt tuyển quân đầu năm, ngày 25-3-1967, gọi nhập ngũ 8 tiểu đoàn tân binh. Nhưng để chi viện cho Quảng Nam kết nghĩa đã kén và lựa chọn được 1 tiểu đoàn đặc công, lấy tên là Lam Sơn, sau khi hoàn thành các khoa mục chung, tháng 5-1967 tiểu đoàn hành quân bộ 10 ngày ra Chương Mỹ (Hà Tây) chính thức được tiểu đoàn 2 Bộ Tư lệnh đặc công trực tiếp huấn luyện. Toàn tiểu đoàn biên chế thành 6 đại đội, hơn 600 quân. Nhưng sau một đại đội bàn giao cho đặc công nước ở Hải Phòng, còn 5 đại đội. Huấn luyện tác chiến hậu cứ và cơ động. Tập đánh cứ điểm, đánh giao thông, sân bay, thành phố… Tháng 11-1967 hành quân về Thanh Hóa, xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn an dưỡng một tháng. Ngày 21-1-1968 tập trung tại sân bay Sao Vàng. 17 giờ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện Bộ Tư lệnh đặc công, đồng chí Ngô Thuyền ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ, trao cờ “Tiểu đoàn Lam Sơn ra đi là Quyết thắng”, tặng sổ vàng để ghi công trạng… 19 giờ xuất phát, đi bằng cơ giới. Tiểu đoàn trưởng do đồng chí đại úy Nguyễn Văn Gián (nguyên là tham mưu phó tỉnh đội Thanh Hóa), chính trị viên do đồng chí đại úy Mai Tấn Đạt (nguyên là phó chủ nhiệm chính trị tỉnh đội). Tiểu đoàn phó Trần Văn Ơn quê Bình Định, chính trị viên phó Nguyễn Văn Kham. Chiến dịch X.1 ông Gián hy sinh ông Ơn lên thay. Cuối chiến dịch X.1 ông Đạt hy sinh ở Điện Chính, ông Kham lên thay. Sau này do tình hình chiến đấu mà cán bộ tiểu đoàn gồm 3 cán bộ quân sự và 3 cán bộ chính trị. Điều ông Thái chính trị viên C1 lên D viên phó, ông Thảo đại trưởng đại đội 3 lên D phó. Năm 1969 ông Ơn bị thương đi Bắc, ông Kham đi mặt trận, ông Thái bị thương đi Bắc, ông Thảo hy sinh khi đi trinh sát Giao Thủy, ông Hòa quê Hòa Vang, tiểu đoàn phó hy sinh chiến dịch X2 đánh bắc Cầu Đỏ. Thời kỳ này chiến trường Quảng Nam vô cùng khốc liệt. Cuối năm 1968 đầu 1969 ông Trà Thanh Lợi về làm chính trị viên, ông Được về làm D trưởng, ông Tốn (quê Hoằng Hóa) ở nơi khác bổ sung về làm D phó, ông Liễu về làm D phó, ông Thế về làm D phó. Nửa năm 1969 ông Thế bị bom tọa độ ở Hòn Tàu hy sinh, ông Được bị thương ra Bắc. Năm 1970 ông Liễu thay ông Được làm D trưởng. Năm 1971 ông Thế chuyển đi nơi khác. Ông Dụng ở Bắc vào cùng một C đặc công, Dụng lên làm tham mưu trưởng. Năm 1971 ông Lợi chính trị viên đi, ông Thiềng về thay, ông Liễu đi, ông Ngọc ở tiểu đoàn đặc công 489 về làm D trưởng. Cuối 1971 ông Thiềng hy sinh, ông Hoa đại trưởng C3 lên làm D phó. Tháng 6-1973 ông Ngọc đi, ông Vân D viên trưởng, Cảnh (Ngò Tiến Cảnh) D phó, Nông (Lê Hồng Nông) D viên phó. Năm 1974 Vân D viên trưởng, Ngọc D trưởng đi Bắc, Long và Cảnh đi học ở Quân khu, Hoa và Dụng cấp trưởng, Bảo và Nông cấp phó. Sau Bảo bị thương, đầu năm 1975 đi Bắc, cuối 1974 đầu 1975 Cảnh về thay Bảo, Long về mặt trận. Tháng 3-1975 Dụng hy sinh…
Có thể thấy khô khan và nhàm chán khi đọc những dòng trên. Đó chỉ mới liệt kê cán bộ tiểu đoàn, còn cán bộ từ đại đội và chiến sĩ thì không thể kể hết được. Vì sau giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, tấm ảnh chụp bốn người mà ông Trịnh Đăng Bưởi như đầu bài viết đề cập. Chỉ còn 4 người là: Ngò Tiến Cảnh tiểu đoàn phó, Lê Hồng Nông chính trị viên phó tiểu đoàn, Nguyễn Hữu Ngoãn tiểu đoàn phó sau đi chiến trường Campuchia, Nguyễn Văn Hùng sang làm tiểu đoàn phó ở đơn vị khác.
4. Một số chiến công của tiểu đoàn Lam Sơn
Tôi xin được trích một trang của chiến dịch X1, khi tiểu đoàn vừa hành quân từ Thanh Hóa vào, đứng chân ở Quảng - Đà.
Tiểu đoàn 491 - Lam Sơn.
(Những chiến công của đơn vị từ năm 1968 - năm 1971).
Diễn biến chiến đấu của X1 (Từ ngày 20-4-1968 đến ngày 29-6-1968).
 C1 - Đánh cứ điểm Hòa Vang (Hòa Châu, huyện Hòa Vang), đêm 4 rạng ngày 5-5-1968 tiêu diệt 140 tên ngụy, phá hủy 6 lô cốt, diệt sở chỉ huy tiểu đoàn 2 ngụy. Được tặng một huân chương giải phóng hạng 2.
 C2 - Đánh cứ điểm cầu Phương Nam: Đêm 4 rạng ngày 5-5-1968, tiêu diệt 2 trung đội địch, trong đó có 1 trung đội Mỹ 31 tên, 1 trung đội ngụy 25 tên, phá sập 1 cầu.
 C4 - Đánh cứ điểm trại lập cư Hòa Châu (Hòa Vang) đêm 4 rạng ngày 5-5-1968 tiêu diệt 98 tên ngụy.
C5 - Tập kích bãi xe Non Nước đêm 4 rạng ngày 5-5-1968 diệt 63 xe tăng và xe bọc thép, diệt 168 tên Mỹ. Được tặng 1 huân chương giải phóng hạng 3.
Tiếp đó đơn vị chống càn ở Gò Nổi từ 15-5 đến 19-6-1968.
C1- Đánh tiêu diệt 1 đại đội Mỹ ở dốc Kiên Cường diệt 150 tên Mỹ, có hai trung úy. Thu 15 súng AR15, 3 súng Côn, 1 bản đồ, 1 túi tài liệu, 53 ba lô trang bị hành quân, 9 súng M72, 3 M70, 2 cối 61 mm. Được tặng thưởng 1 huân chương giải phóng hạng ba.
 C2 - Ngày 15-8-1968 đánh địch càn ở thôn 1 Điện Chính (Điện Bàn) diệt 150 tên thuộc trung đoàn 51, tiếp đó về đánh địch ở thôn Lộc Sơn (Đại Lộc) diệt 31 tên Mỹ, thu được nhiều đồ dùng quân sự. Được tặng 1 huân chương giải phóng hạng hai.
C3 - Ngày 20-5-1968 đánh địch đi càn ở Điện Nhơn (Điện Bàn) diệt 63 tên ngụy.
C4 - Ngày 20-5-1968 pháo kích quân Mỹ ở Điện Nhơn diệt 48 tên Mỹ và nhiều tên khác bị thương.
C5 - Ngày 20-6-1968 đánh địch đi càn ở Điện Thái, Điện Thọ diệt 150 tên Mỹ ngụy, bị thương nhiều tên khác.
Trong chiến dịch X1, tiểu đoàn đã diệt 1021 tên, trong đó có 465 tên Mỹ, 525 tên ngụy, 30 tên nam Triều Tiên, thu 18 súng AR15, 3 cối M79, 6M72, 3 cối 61 mm, 3 côn, 61 ba lô trang bị, 1 bản đồ,  1 túi tài liệu, phá hủy 63 xe tăng và xe bọc thép, phá sập 28 lô cốt, 51 trại lính, diệt 3 đại đội, 20 trung đội, diệt 1 sở chỉ huy tiểu đoàn, 2 trận địa pháo cối, phá hủy một kho xăng, phá sập 1 cầu.
Tiểu đoàn được tặng: 2 huân chương giải phóng hạng nhất, 1 huân chương giải phóng hạng hai. Các đại đội: Được tặng 1 huân chương quân công giải phóng hạng ba, 2 huân chương chiến công giải phóng hạng nhất, 1 huân chương chiến công giải phóng hạng nhì, 1 huân chương chiến công giải phóng hạng ba.
Cá nhân được tặng thưởng 18 huân chương, trong đó có 3 huân chương giải phóng hạng hai, 15 huân chương giải phóng hạng ba và nhiều bằng khen, giấy khen…
  Chiến dịch X2, Đông Xuân 1969, 1970, 1972… Vào tháng 3-1975 trong một trận đánh vào Bình Long, anh Dụng tiểu đoàn trưởng đã ngã xuống cùng 24 đồng chí khác, trận đánh cuối cùng trước khi Quảng Nam - Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng… Sông Thu Bồn có hàng trăm nhánh, chảy từ ngọn núi cao nhất Ngọc Linh, tỏa ra khắp tỉnh Quảng Nam, sông Thanh Quýt, Cổ Cò nối với Trường Giang chảy về của biển Kỳ Hà (Chu Lai), chảy về Cửa Đại - Hội An về Cửa Hàn - Đà Nẵng… Sông ngòi và núi non chằng chịt, có thể sập hầm về mùa lũ, khó khăn khi lấy lương thực… Tiểu đoàn Lam Sơn đã bám trụ và hy sinh trên đất Thu Bồn. Lúc lên đường là con em Thanh Hóa, nhưng sau giải phóng là người của mọi miền đất nước, của Quảng Nam kết nghĩa nặng tình.

Câu thơ kết của bản báo cáo thành tích chiến đấu từ 4-1968 đến 30-6-1971 do cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn đặc công Lam Sơn sáng tác:
Quảng Nam - Thanh Hóa một nhà
Đường dài muôn dặm tuy xa mà gần.

Trong dịp gặp Ngò Tiến Cảnh cuối năm 2009 vừa rồi, tôi mừng vì anh vẫn khỏe và giản dị. Kể về đồng đội thì sôi nổi nhưng nói về mình có phần ngượng ngùng, đó có phải là phẩm chất của người chiến sĩ chân chính từng trải trận mạc, đã vượt qua sống mái với quân thù, từng bị kẻ địch cho máy ủi xuống hố bom trong một nấm mồ chung… Tôi mừng một lẽ nữa, hình bóng của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn đã giúp tôi trong khi viết “Truyền thuyết sông Thu Bồn”, một phần trong chiến công vĩ đại của Quảng Nam anh dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ. Nhưng không khỏi chạnh lòng vì một nỗi buồn, những người chiến sĩ tiểu đoàn đặc công Lam Sơn sau giải phóng gần 35 năm, thành lập đã hơn 40 năm mà họ chưa hề có điều kiện gặp mặt. Ai cũng ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường của họ, nhưng không ai đứng ra để đề nghị danh hiệu Anh hùng… Họ không thể là những người vô danh trong cuộc chiến tranh này. Người mẹ Thanh Hóa đã sinh thành ra họ, người mẹ Quảng Nam đã đùm bọc che chở cho họ, nâng họ thành những người dũng cảm kiên cường, họ đang nằm lại cùng dòng Thu Bồn cùng tiếng hò khoan.
Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng ậu ơi!

Đoạn kết
Có những lúc, tưởng Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn bị bỏ quên, do đơn vị bị giải tán sau năm 1975. Phần lớn cán bộ chiến sỹ hy sinh, bị thương đã rời khỏi đơn vị, hoặc do già yếu bệnh tật, chiến tranh. Lịch sử của Thanh Hóa - Quảng Nam cũng chỉ ghi lại: Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn của Thanh Hóa bổ sung cho Quảng Nam, vào tháng 2-1968. Vào mặt trận Quảng Đà có biệt danh là 491...
Tôi đã ấp ủ thời gian 23 năm để ra đời tiểu thuyết: “Truyền thuyết sông Thu Bồn”. Mong muốn ghi lại chiến công hiển hách của quê hương Thanh Hóa đã anh dũng chiến đấu, và được uống dòng sữa mẹ Quảng Nam nuôi dưỡng. Sau bao ngày chờ đợi, thắc thỏm hy vọng, liệu ước nguyện đề nghị truy tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng có được hay không?
Ngày 11 tháng 8 năm 2012, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức làm lễ, đón nhận danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang” cho tiểu đoàn Lam Sơn - 491. 42 đồng chí có mặt. Tâm trạng mừng vui khôn xiết.
Phần mình, không phải là lính Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn 491. Nhưng có niềm vui là làm sống dậy, một kỳ tích anh hùng. Mối tình kết nghĩa keo sơn, đời đời bất diệt:
Quảng Nam - Thanh Hóa một nhà
Mối tình chung thủy mặn mà keo sơn.
                       

Mùa xuân - 2020
                              T.N.T
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 2179
 Tổng số truy cập: 7604561
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa