Tản mạn về con người Thanh Hóa trong thơ hiện đại viết về xứ Thanh
Thanh Hóa là một tỉnh đã bao đời nay không bị phân chia, sát nhập, yếu tố này đã tạo nên sắc thái văn hóa mang tính đặc trưng của người xứ Thanh. Vì vậy từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thanh Hóa đã xuất hiện một vùng văn học nghệ thuật có sắc thái riêng. Sắc thái ấy được biểu hiện rõ nét trong cốt cách và ngôn ngữ, trong phong tục tập quán, trong cách ứng xử mang đậm nét đời sống tinh thần của con người xứ Thanh. Hay nói cách khác, văn học nghệ thuật Thanh Hóa hiện đại đã khắc họa đậm nét những đặc tính cơ bản mang giá trị truyền thống của con người xứ Thanh đã được đúc kết từ bao đời nay, như: Tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần nhân ái, anh hùng - dũng cảm, tính cộng đồng, cần cù, sáng tạo, hiếu học...
Bài viết này chỉ góp đôi điều tản mạn về con người Thanh Hóa trong thơ hiện đại viết về xứ Thanh.
Có thể khẳng định, tinh thần yêu nước nồng nàn và phẩm chất anh hùng bất khuất sẵn sàng xả thân vì nước của người Thanh Hóa được khắc họa trong thơ Thanh Hóa hiện đại như là một yếu tố tự thân.
Hình ảnh anh vệ quốc trong kháng chiến chống Pháp, được nhà thơ Hồng Nguyên khắc họa trong bài thơ Nhớ:
Súng bắn chưa quen
Quân sự mười bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Trong bài thơ Cầu Bố, nhà thơ Nguyễn Duy viết:
Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
Xả hết mình khi đất nước gặp tai ương
Rồi thanh thản trở về với ruộng
Sống lặng yên như cây cỏ trong vườn.
Trong bài thơ Chào Đông Sơn nhà thơ Huy Cận khi về Hàm Rồng, đã viết:
Chào các mẹ tạm vào hang với cháu
Để con trai đi đánh giặc chiến trường xa
Để con gái con dâu ra đồng làm ra lúa gạo
Hạt gửi miền Nam, hạt để nuôi nhà.
Trải qua hàng ngàn năm chiến tranh liên miên với ngoại bang để bảo vệ lãnh thổ của mình nên người Thanh Hóa biểu hiện tình cảm yêu, ghét một cách thẳng thắn, bộc trực, đôi khi đến quyết liệt. ở Thanh Hóa có câu “Rờ đầu gối, nói chân thật” là để chỉ tính cách này của người xứ Thanh. Trong bậc thang về giá trị nhân cách, người Thanh Hóa coi yêu quê hương đất nước và căm thù giặc ngoại xâm là số một, là tuyệt đối. Bất cứ vua chúa, quan lại hoặc nhân vật có thế lực đến mấy, nếu tỏ ra hèn nhát trước quân thù, đầu hàng giặc đều bị khinh bỉ, coi là nghịch tặc, bị người đời nguyền rủa. Những người anh dũng hy sinh trong chiến đấu chống quân thù thì được tôn vinh, lập đền thờ.
Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm trong bài Cha tôi, ông viết:
Đốt hương một nắm to đùng
Mộ nào cũng cắm thắp cùng nghĩa trang
Con còn đang học dở dang
Cứ gạ nhập ngũ lên đường tòng quân.
Tinh thần kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm đã ăn sâu vào máu thịt của con người Thanh Hóa, còn hơn là một truyền thống, như một “gien” di truyền, tồn tại hết đời này qua đời khác.
Bên cạnh tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân vì nước, người Thanh Hóa còn có tinh thần nhân ái vô bờ với đồng loại, đặc biệt là những người gặp khó khăn hoạn nạn. Từ thế kỷ XV, Lê Lợi và các nghĩa quân Lam Sơn mà đa số là người Thanh Hóa đã đại xá cho quân xâm lược Minh. Sự kiện này đã được Nguyễn Trãi ghi trên bia Vĩnh Lăng rằng: “...Số giặc bị bắt và đầu hàng lên đến 10 vạn người đều tha cho về cả. Đường thủy thì cấp cho 500 thuyền, đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa. Răn cấm quân sỹ của ta không được xâm phạm mảy may đến quân giặc”.
Phát huy truyền thống nhân ái ấy của ông cha xưa, từ sau cách mạng tháng 8 đến nay, người Thanh Hóa đã 3 lần cưu mang đùm bọc bà con mình lúc hoạn nạn, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lịch sử dân tộc. Đó là lần đón đồng bào tản cư trong kháng chiến chống Pháp những năm 1947 và 1948, lần đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại Sầm Sơn và lần đón học sinh Quảng Bình, Vĩnh Linh sơ tán ra Thanh Hóa năm 1968.
Phu nhân nhà văn Nguyễn Tuân, một người từ Hà Nội tản cư vào Thanh Hóa năm 1948 kể lại:
“Cái hồi ấy chúng tôi cứ nghĩ rằng tản cư ra vùng tự do cũng xem như là đi kháng chiến và nhà nào đón người tản cư về ở cùng cũng lấy làm vinh hạnh như nhà mình đã tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Địa phương còn lập ra ban đón tiếp người tản cư để phân chia đến các nhà đồng đều, kẻo người ta thắc mắc và cũng là giúp đồng bào tản cư lúc khó khăn.
Chúng tôi được nhà chủ cho ở chỗ tốt nhất trong nhà. Hồi này chúng tôi về Thanh là đúng vào dịp gần tết. Chủ nhà không cho chúng tôi bày ra nấu nướng gì hết. Họ làm cỗ, nấu bánh chưng và mời cả nhà tới ăn uống suốt mấy ngày tết. Đến giao thừa gia đình còn sắp một mâm cỗ, bày bàn thờ riêng để chúng tôi thắp hương cúng mẹ tôi, vì mẹ tôi mới mất, gia đình chưa đoạn tang”.
Nhà thơ Huy Trụ đã hình tượng hóa tinh thần nhân ái của người Thanh Hóa trong bài Cây rau ấy thật sâu sắc:
Có khi nát dưới chân người
Mà cây vẫn chẳng mọc gai bao giờ.
Cây rau ấy là rau má đã xuất hiện khá nhiều trong thơ Thanh Hóa, có người ca ngợi như là một loại sâm của xứ Thanh. Tinh thần nhân ái của người Thanh Hóa được văn học phản ảnh đậm nét đến thế là cùng.
Người Thanh Hóa còn nổi tiếng là hiếu học. Chả thế mà có câu: “Đất Thanh đất học”. Trải qua 188 kỳ thi Đại khoa dưới thời phong kiến, số tiến sỹ cả nước có 2989 vị thì Thanh Hóa chiếm trên 200 vị, trong đó có 6 trạng nguyên, 8 bảng nhãn, 6 thám hoa. Nhiều tấm gương hiếu học được nhân dân truyền tụng muôn đời. Đó là tấm gương kiên trì học tập, nuôi chí lớn, quyết đem tài đức đóng góp cho đời của Đào Duy Từ, người Tĩnh Gia; là tấm gương mò cua bắt ốc học đỗ đại khoa làm quan đến Tể tướng của Nguyễn Quán Nho, người Thiệu Hóa, v.v...
Nhà thơ Mạnh Lê người làng Trà Đông (huyện Thiệu Hóa), quê hương của nhà sử học Lê Văn Hưu, trong bài Dô tả dô tà, ông viết:
Ngày ăn rau má, tối học chữ Nôm
Hiểu tận tâm can tiếng đất tiếng đồng.
Về tính cộng đồng hay nói khác đi là tinh thần đoàn kết của người Thanh Hóa đã được nhiều người nói đến với nhiều góc nhìn khác nhau. Thơ Thanh Hóa hiện đại cũng không né tránh vấn đề này, chỉ có điều họ nói bằng ngôn ngữ riêng mà thôi.
Trong bài Sông Mã nhà thơ Huy Trụ viết:
Một tiếng gà giữa ngã ba sông
Dân sáu huyện cùng nghe, người sáu làng cùng thức
Một tiếng hầy dô xô con đò dọc
Người trên bờ áo cũng đẫm mồ hôi.
Một cộng đồng dân cư có những cái chung từ ngàn xưa như trời định vậy, nếu không có tinh thần cộng đồng làm sao có thể tồn tại được từ thời nguyên thủy đến nay.
Thơ Thanh Hóa hiện đại còn khắc họa thành công hình ảnh người nông dân Thanh Hóa với những đức tính cần cù, đôn hậu, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đến nỗi ra Hà thành bế cháu vẫn mang trọn vẹn cái vẻ chân chất của người nhà quê ra phố. Trong bài thơ Mẹ ra Hà Nội, nhà thơ Lê Đình Cánh viết:
Mẹ ra Hà Nội thăm con
Vừa trên tàu xuống chân còn run run
áo nâu còn thẫm mưa phùn
Còn hoai mùi cỏ, sục bùn lúa non.
Lên thang chẳng dám bước dài
Vào khu tập thể gặp ai cũng chào.
Chúng ta đang bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế từ những người nông dân bình dị ấy với tất cả những truyền thống tốt đẹp lẫn những hạn chế của họ.
Thơ Thanh Hóa hiện đại còn có chức năng dự báo.
Chưa bao giờ văn nghệ sỹ người Thanh Hóa trăn trở về mảnh đất và con người xứ Thanh như giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay. Trong bài Dô tả dô tà nhà thơ Mạnh Lê viết:
Dô tả dô tà, sông Mã quê ta
Ngày nắng ngày mưa xanh bờ rau má
Múa thì đội đèn, hát như trống vỗ
“Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”
Nói về mảnh đất xứ Thanh, trong bài Sông Mã, nhà thơ Huy Trụ viết:
Chả bao giờ sông bình lặng, em ơi
Cả những lúc lòng sông phơi cát trắng
Không sóng nổi chồm bờ, thì sóng ngầm xoáy đất
Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào.
Đã sống ở đất này, dám chấp nhận cùng nhau
Một câu nói nửa rừng, nửa biển...
Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, trong bài Cứ về Thanh Hóa một lần lại đặt ra hàng loạt câu hỏi về mảnh đất thân yêu này:
Vì sao hát lại dô huầy
Vì sao nhiều lúc đò đầy vẫn sang
Vì sao đi cấy sáng trăng
Vì sao hạt cát cũng vang trống đồng.
...
Những trăn trở ấy của các nhà thơ nói riêng và văn nghệ sỹ Thanh Hóa nói chung trước cuộc cách tân vĩ đại trên mảnh đất này, chuyển một vùng đất nông nghiệp thâm căn cố đế hàng ngàn năm, trở thành một tỉnh công nghiệp hóa,hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, là những thông tin mang tính dự báo, bởi lẽ, từ xa xưa chẳng đã có người nói: “Đất Thanh là đất cuối sông, đầu núi, nhỏ hẹp, thấp trũng, loạn ở thì thích hợp, trị ở thì không thích hợp” đó sao !.
Bên cạnh việc khắc họa những hình ảnh cao đẹp của người xứ Thanh, thơ Thanh Hóa hiện đại còn cảnh báo về những vấn nạn xã hội trong thời kỳ kinh tế thị trường. Trong bài Chạy việc cho con, nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã thấm thía đến tận cùng nỗi đau của con người xứ Thanh khi phải:
Đem tiền chạy việc cho con
Niềm vui đứt ruột, nỗi buồn nẫu xương
Làm việc này người cha:
Biết là sẽ hết thanh cao
Hết liêm chính, hết tự hào thẳng ngay
Bởi vì
Tưởng rằng bom đạn Trường Sơn
Rèn thành sắt đá, chẳng sờn trung kiên
Ai ngờ về với đồng tiền !
Và nhà thơ đã thốt lên đau đớn:
Một lần chạy việc cho con
Trăm lần tự hỏi có còn mình không?
Có còn là con người Thanh Hóa với tất cả những giá trị tốt đẹp nữa không nếu tình trạng tham nhũng và các tệ nạn xã hội cứ ngang nhiên lộng hành. Nên chăng Thanh Hóa cần chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội một cách quyết liệt, tạo ra môi trường lành mạnh để con người Thanh Hóa đàng hoàng bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
L.X.G