(Đọc tập thơ Về nguồn của Nguyễn Văn Xuyến, Nxb Văn học, 2016)
“Cây mất gốc tức thời khô héo/ Người quên nguồn, tiên liệu được ngay”. ý thức được vai trò của cội nguồn truyền thống đối với sự phát triển của mỗi con người, GS. TSKH. NGND Nguyễn Văn Xuyến đã viết nên những vần thơ dung dị, mộc mạc để gửi gắm tình cảm của một người con dù cách trở địa lý xa xôi vẫn luôn một lòng hướng về đất mẹ.
Về nguồn thể hiện tư duy mạch lạc của người làm khoa học tự nhiên khi chia tập thơ thành những phần lớp lang rõ ràng với từng chủ đề cụ thể: gia đình, quê hương - đất nước, nhà trường - thầy trò, bạn bè - đồng nghiệp, góp phần sự nghiệp trồng người. Cũng có lẽ nhờ đó mà cảm xúc của người đọc được tập trung đậm hơn, tác động mạnh mẽ hơn khi cùng đồng cảm với những trải lòng của tác giả, về một gia đình như vành nôi yêu thương, bạn bè chân tình, trường lớp giúp con người trưởng thành và một công việc cao quý luôn khiến con người ngẩng cao đầu kiêu hãnh.
Theo suốt năm chủ đề với 47 bài thơ trong Về nguồn, người đọc thấy được những trải nghiệm có thật trong những năm tháng sống tại quê nhà, khi bôn ba xứ người, khi cống hiến cho công việc giảng dạy… và đậm nhất là những gắn bó gan ruột với mảnh đất và văn hóa quê hương, khát vọng được trở về nguồn cội như nhà nhân chủng học người Pháp Claude Levi Strauss từng khẳng định: “Người ta không thể quyết định đi về đâu nếu trước tiên người ta không biết mình từ đâu đến”.
Mảnh đất sinh dưỡng con người, nơi đó khiến tác giả tự hào, chịu ơn, ông viết những vần thơ đầy tính khái quát:
Về nguồn nhân kiệt địa linh
Quê hương đất nước nơi mình sinh ra
Gia đình, dòng họ, làng ta
Bạn bè nghĩa cả sống và ước mơ.
(Về nguồn - lời kết)
Bản thân tác giả cũng là người có đóng góp một phần tạo dựng nên truyền thống nhân tài xứ Thanh. Như tâm sự của tác giả, cuộc đời thực của ông trải qua những thăng trầm, vui buồn cả trên quê hương và nơi xứ lạ. Trong hành trình sống, yêu thương và cống hiến ấy, cha - mẹ là điểm tựa đầu tiên. Người cha truyền cho con ý chí và sự tinh luyện trong nghề, người mẹ truyền cho con sự rung cảm và đạo lý làm người. Nếu như Đời cha là một tấm gương khắc họa hình ảnh một người cha “tuổi cao nhưng chí chưa già” dìu dắt con cái: Đời cha là một tấm gương/ Hiền lương ái nghiệp sở trường nghệ tinh/ Chăm lo hạnh phúc gia đình/ Đào tạo đệ tử nghĩa tình thành danh thì hình ảnh người mẹ lại hiện lên với những xót xa và yêu thương vô bờ bến:
Phận làm mẹ thật gian nan
Nhiều lần vượt cạn chỉ còn một tôi
Mưa còn khi tạnh khi rơi
Nước mắt của mẹ chưa vơi lại trào.
(Mẹ tôi)
Khổ đau là thế, gian nan tột cùng nhưng động lực tinh thần và vốn văn hóa dân gian truyền dạy cho con không bao giờ vơi cạn. Những câu Kiều, những truyện kể về Phạm Công, Phạm Tải, Tống Trân, rồi Lưu Bình Dương Lễ, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên… ngấm vào trong tiềm thức người con, tuy vô hình nhưng lại trở thành nguồn lực quý giá, tác giả khẳng định:
Kính mẹ yên giấc ngàn năm
Nguồn thơ để lại góp phần giáo nhân.
Tập thơ đa dạng các chủ đề nhưng tập trung xuyên suốt chính là khát vọng hướng về nguồn cội, về nơi sinh thành dưỡng dục. Bóng dáng quê hương luôn ẩn hiện sau mỗi hình ảnh được tái hiện. Đến Lam Kinh nhớ hội thề Lũng Nhai, Đông Quan, về Hoằng Hóa suy ngẫm về mảnh đất địa linh nhân kiệt… Tất cả những xúc cảm ấy đều thể hiện một khát khao mạnh mẽ về cuộc sống quốc thái dân an cho muôn người. Vóc dáng xứ Thanh cũng từ đó mà được tạo dựng bằng cái nhìn chủ quan của tác giả. Hình ảnh so sánh chiếc cầu Vĩnh Trị quê hương như chiếc cung thần/ cánh giương Đông Bắc, dây vờn Tây Nam vừa sinh động vừa giàu sức tạo hình, cho thấy óc quan sát tinh tế của nhà thơ.
Những trang viết về cuộc chiến đấu của làng Vĩnh Trị trong kháng chiến và kiến quốc mang âm hưởng hào hùng, sự ngợi ca và trân trọng được bộc lộ qua từng câu chữ, hình ảnh, sự kiện. Bên cạnh đó, truyền thống văn hóa của xứ Thanh được khai thác tương đối đa dạng, từ truyền thống lừng danh khoa bảng đất thi thư, từ những cảnh đẹp thiên nhiên, ứng xử đậm tình người, đến đời sống văn hóa và mạch nguồn dân gian:
Lặng nghe dô tá dô tà
Điệu hò sông Mã tráng ca giục lòng
Hiên ngang núi Ngọc, Hàm Rồng
Cánh đồng Tam Tổng mênh mông lúa vàng.
(Vĩnh Trị làng tôi)
Đặc biệt trong tập thơ, hình ảnh dòng sông xuất hiện rất đẹp, nó như một chứng nhân cho sự trưởng thành của con người. Dòng sông tuổi thơ và lời ru của mẹ chính là đôi dòng dưỡng sinh nâng bước con trưởng thành: dòng sông là điểm tựa tìm về sau những thăng trầm, cũng là nơi để tâm tình những lúc va vấp; dòng sông còn nuôi hồn thơ trong trẻo, cho con người thỏa thuê ngụp lặn khi ấu thơ cũng như lúc xế chiều. Từ những hình ảnh đa nghĩa ấy, qua lăng kính của một người đã đi đến tuổi thất thập cổ lai hy, sự chiêm nghiệm sâu lắng, từng trải hơn mà cũng quyết liệt hơn, tác giả thể hiện cái nhìn lạc quan mà hết sức thực tế:
Sông rằng muôn sự tại trời
Còn như thành bại do người cả thôi.
(Chức trách rạch ròi)
Trong tập thơ có đôi bài còn thiếu sự nhấn nhá, thiếu sự dụng công câu chữ, có khi gượng ép về vần điệu. Ví như Đất lành chim đậu, từ chuyện hạnh phúc của đôi chim xây tổ tác giả muốn gửi gắm thông điệp về cuộc sống, về tình yêu Tổ quốc nhưng cách diễn tả và ngôn ngữ còn vụng. Có một số bài câu chữ nhiều khi không thật thơ nhưng ý tình thì đáng trân trọng. Đấy là khi ông viết về trường lớp, thầy cô, về bạn bè gắn bó một thuở; về những con người ông đã chịu ơn trên mảnh đất Xô Viết xa xôi với hành trình dài nhiều biến cố; đặc biệt là mong ước bình dị với con cháu:
Ước sao trường thọ đến khi
Tai nghe mắt thấy những gì ông mong
Vững tin hậu duệ của ông
Đức, tài, thể, mỹ, sống trong hòa bình.
(Ba niềm vui)
Tuổi tri thiên mệnh, người ta thường làm thơ triết lý, nhưng ở Về nguồn, sự dung hòa hai yếu tố đem đến một sự thú vị cho toàn tập thơ.
Đường đời còn lắm cam go
Cương nhu ứng xử sao cho vẹn tròn
Răng cứng rụng, lưỡi mềm còn
Đức, tài, chí, dũng giúp con nên người.
(Thầy Lê Huy Hoành)
Đấy là tính chất triết lý sau những thăng trầm tác giả nếm trải, song hành với sự trẻ trung, nhiệt huyết của một tâm hồn mãi mãi hoa niên:
Giờ đây bóng xế chiều tà
Có bà tôi ngỡ mình là đương xuân
Giờ đây tóc bạc da nhăn
Có em anh thấy mùa xuân lại về
Giờ đây tuổi cổ lai hy
Đôi ta nồng thắm như thì còn son.
(Hoài niệm)
Khi viết về tình yêu, tâm hồn tác giả như thanh tân, không chỉ vì sự viên mãn của tình yêu có thực mà còn bởi cái nhìn lạc quan, an nhiên tự tại của một con người đã thấu hiểu lẽ đời, lòng người. Nhiều bài thơ có những cách viết đem đến ấn tượng vì sự dí dỏm trong hình ảnh. Đôi chỗ câu chữ làm sáng cả bài thơ bởi những liên tưởng bộc trực mà cũng nhiều ẩn ngữ: “nhiệt nào sánh được nhiệt tình?”. Nhiệt tình chính là lửa tình, lửa lòng không bao giờ tắt. Chỉ một nhãn tự ấy thôi mà thấy tràn ra một cuộc sống đang tỏa nhiệt, một tình yêu vượt khó đường đời, khi vợ chồng đã sống với nhau gần trọn đời người mà vẫn nồng nàn như lửa mới nhen.
Tập thơ Về nguồn cho thấy một thái độ sống dứt khoát, rõ ràng và những ứng xử thành thực được phơi bày không chút làm màu. Sự nâng niu trân trọng tình cảm con người được tác giả thể hiện một cách rất tự nhiên. Đi qua những thời gian của đời người, đi qua những không gian trải nghiệm, tác giả mang đến một âm hưởng bình dị, yên bình cho những trang thơ. Dù không phải một người viết chuyên nghiệp, do đó những ý niệm về quê nhà, về sự gắn bó giữa người và quê, người với người được hiện lên qua những hình ảnh cụ thể, mộc mạc và chân tình. Từ những bài thơ mộc mạc, chất chứa cảm xúc ấy, chúng ta hiểu hơn về nhà khoa học có tâm hồn trẻ trung, bay bổng. Chất tỉnh táo, chính xác lại hài hòa với sự lãng mạn, uyển chuyển. Dấu ấn hoa niên có lẽ là sự đúc kết gọn mà chính xác nhất tinh thần toàn tập thơ cũng như tâm hồn tác giả: Cuộc đời bãi bể nương dâu/ Đố ai xóa được sắc màu hoa niên.
T.H