Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Một miền ký ức, một miền thơ
Một miền ký ức, một miền thơ

(Đọc tập thơ Nắng ở rừng mưa của Lê Huy Hoàng)

Sau Tiếng lòng (Nxb Thanh Hóa) thì Nắng ở rừng mưa (Nxb Văn học) vẫn tiếp tục khơi nguồn những miền kí ức. Anh tự bạch:
                      Có một thời bảng đen phấn trắng
                      Một thời trai xuôi ngược đất này
                      Duyên nợ nào tuổi trẻ mê say
                      Bao năm tháng cùng suối nguồn tuôn chảy...
                                                            (Tự bạch)
Gắn bó với đất rừng Bá Thước gần bốn mươi năm, bắt đầu từ công việc dạy học. Yêu trẻ, yêu nghề, yêu vùng đất này đến cháy bỏng, thiết tha. Cũng từ đó, thầy giáo Lê Huy Hoàng  đã chọn nơi đây là điểm dừng chân và tạo nghiệp. Bàn chân anh in dấu trên mọi nẻo đường của Bá Thước xứ Thanh:
                       Trên đỉnh Pù Luông mây vờn gió
                       Núi cao, trời thấp vẫn hẹn hò
                       Cánh vạc chao nghiêng chiều ập đến
                       Rừng núi Mường Khoòng ai ban cho.
                                                            (Chiều Pù Luông)
 Một Pù Luông “núi cao, trời thấp” với “sương chiều giăng mắc như mưa” như gợi lên một vẻ đẹp hùng vĩ, huyền bí mà cũng đầy thơ mộng. Một Son - Bá - Mười được anh sử dụng thể thơ sáu chữ khá thành công:
                     Đường lên Son - Bá - Nậm Mười
                     Đi theo dấu chân của trời
                     Cheo leo ở bên sườn núi
                     Chênh vênh giữa đất và trời...
 Son - Bá - Nậm Mười với tình người tình đất hòa trong “tiếng cười suốt sáng”, trong “rượu cần vào cuộc lâu tàn”, trong cái “thật thà như kho như thái” có thể “níu chân khách xa ở lại”. Bài thơ toát lên tình cảm chân thành và đậm chất vùng cao.
“Thương mãi Kịt-Toong-Hoong” lại là bài thơ gây ấn tượng theo một cách khác. Lê Huy Hoàng cảm nhận được cái khó khăn trong cuộc sống thường nhật của những mế già, những em bé chân trần, những cô giáo người Mường, người Kinh lần đầu xa nhà. Nhưng nghèo khó mà vẫn nhân hậu, khát khao giao hòa với thế giới bên ngoài. Đây là cách diễn đạt cái tình  của người dân ở Kịt-Toong-Hoong:
                      Thương mãi những chiều hoàng hôn đổ
                      Mế già không giấu nổi băn khoăn
                      Kiếm đọt măng rừng thì còn dễ
                      Hơn là khi có khách đến thăm!
Kịt-Toong-Hoong, cái tên nghe đã gợi hình, gợi cảm cho cả người dân bản địa lẫn khách xa về. Có cái gì như còn lạ lắm, bí ẩn lắm, không thể không đến với Kịt-Toong-Hoong!
 “Nắng ở rừng mưa” còn được anh nói nhiều đến những địa danh như La Hán, Ghềnh Nàng, Đồng Tâm, Cổ Lũng, bản Pốn, Vạn Cha... Đó là những bài thơ sâu nặng ân tình với đất và người Bá Thước, quê hương thứ hai của anh.
Còn có một miền kí ức thẳm sâu da diết trong anh - quê hương Hoằng Hóa, nơi chôn rau cắt rốn, cứ khắc khoải nhớ thương. Chùm thơ hoài vọng ấy cũng thật ấn tượng: Thơ cho em trai, Nhà xưa, Nhớ biển, Nơi ngọn gió, Nhớ biển quê nhà... Những cái tên thật dễ thương, chân chất như tình anh với đất mẹ.               
                     Bao tháng năm lang thang xa xứ
                     Nhớ những ngày sông nước bình yên
                     Cả những lúc gầm gào sóng dữ
                     Lòng buồn mà biển chẳng nguôi yên
                     Nhìn cánh buồm lênh đênh biển cả 
                     Trong ta da diết triều cường.
                                                         (Nhớ biển)
Tứ thơ không mới, nhưng chính cái chân thật làm nên cái mới của âm hưởng bài thơ. Thơ là tiếng nói của tâm hồn, là sự rung động của con tim. Nếu thiếu đi cái chân thật của xúc cảm thì những ngôn từ ấy chỉ là lời đưa đẩy, vô cảm, vô hồn.
“Nơi biển quê nhà” lại có niềm vui, niềm tự hào về một Lạch Trường, một Hòn Nẹ đã một thời “sóng dậy, nhấn chìm tàu Mỹ”, nay thành khu du lịch sinh thái Hải Tiến, Linh Trường:
                      Nay vùng sinh thái rạng ngời
                      Thấm bao những giọt mồ hôi tình đời
                      Biển xanh, xanh biếc da trời
                      Dạt dào ngọn sóng, sáng ngời ngàn năm
                      Vùng du lịch, bạn về thăm
                      Tình yêu biển gọi, xa xăm hóa gần.
Biển và rừng, rừng và biển. Cái duyên đất trời lại được buộc vào số phận và cuộc đời anh. Thơ anh có cái phóng túng của rừng và cũng có cái thẳm sâu, mặn mòi của biển. Miền kí ức trong anh vừa cụ thể vừa thân thương, ân tình và hòa quyện với rừng, với biển, với cuộc đời...
Lê Huy Hoàng luôn trăn trở với cuộc đời, với số phận con người. Anh đã đi và đến nhiều vùng đất: từ Sapa, Hoàng Liên Sơn, Điện Biên Phủ rồi Đà Nẵng, Nha Trang... Những chuyến đi công tác như được mở rộng tầm nhìn và mở rộng tấm lòng mình để anh chia sẻ với đời. Anh “thương về một thuở”, anh thương em bé đánh giày “ngơ ngác nghe tiếng ve sầu” và những câu hỏi cứ day dứt trong anh. Thơ anh mang một nỗi niềm suy tư, sâu lắng:
                             Lên mười tuổi phải xa quê
                     Lang thang kiếm sống bến xe, bến tàu
                             Nắng mưa em biết về đâu
                    Ngác ngơ nghe tiếng ve sầu râm ran...
                                                        (Em bé đánh giày)
“Trước đền Bà Chúa Kho” anh nghĩ đến triết lý “lộc bất tận hưởng” và ngẫm về sự đời. Giọng thơ buồn buồn, một nỗi buồn thế sự bởi còn có những bọn người:
                          Bẻ hết cành gom, hết quả sai
                          Cho cạn túi càn khôn vô hạn
                          Lộc của trời, sống chết mặc ai...
Nhưng anh hiểu và trên hết là anh tin. Anh tin ở cuộc đời, tin ở lẽ đời. Cho nên anh đã tự khuyên mình và cũng như một lời nhắn gửi tới nhân gian:
                            Lẽ cuộc đời được, mất
                            Có xin thì cho, có vay thì trả
                            ... Con tin thế nên lộc trời khi hái
                            Phải nương tay kẻo tao tác lá cành.
Bài thơ “vùng lốc” là một triết lí sâu sắc và là sự trải nghiệm của cuộc đời. Chính vì thế mà ý nghĩa biểu tượng và sức khái quát rất cao. Vùng “lốc” là “bất chợt, cuồng phong, tan hoang nhà cửa, ngả nghiêng bầu trời, mặt đất chênh chao...”. Vì vậy con người vùng “lốc” cần tỉnh táo:
                            ở vùng lốc con người luôn tỉnh táo
                            Trong chiêm bao cơn lốc cũng xoáy vào
                            Hằn trong nếp nghĩ suy trăn trở 
                            Đời phải đâu chỉ hoa trái ngọt ngào.
Kết thúc bài thơ là một cách hóa giải có lí, dễ chấp nhận. Lốc xoáy, ngã chao, dập vùi... nhưng đó là quy luật và hãy ứng xử như quy luật:
                            ở vùng lốc dẫu còn bao bất cập
                            ở mãi rồi trở thành điều thường nhật
                            Với thiên nhiên quy luật muôn đời
                            Gió bão qua rồi, trời đất lại bình yên. 
 Đó là cách nghĩ, cách tư duy của nhà thơ, nhà giáo, của một Bí thư Huyện ủy - Lê Huy Hoàng.

Lê Xuân Soan


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 89
 Hôm nay: 1284
 Tổng số truy cập: 9337578
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa