Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Nhân đọc bài thơ “Lời gửi lại cho ai” của Chế Lan Viên
Nhân đọc bài thơ “Lời gửi lại cho ai” của Chế Lan Viên

Anh chẳng đem được đêm trăng nào vào huyệt
Trong tổng số đêm trăng anh được ngắm
Tổng số mặt trời và nắng sáng
Anh đành để lại không mang đi.
Dù có liệm cho anh một chén gạo hạnh phúc, một nhúm muối thi ca
Thì anh làm sao ăn được.
Liệm cho anh triết học để làm gì
Anh không mang đi, anh chỉ còn để lại
Để lại câu thơ, để lại lời tạ tội
Để lại những lời nhớ lấy hoặc quên đi.
                                    (Chế Lan Viên)
Chế Lan Viên (1920-1989) là một nhà thơ có sự chiêm nghiệm về cuộc đời rất sâu sắc. Thực tế cuộc sống khắc nghiệt và nỗi đau bệnh tật không làm giảm đi niềm đam mê với cuộc sống đến “điên cuồng” của ông. Hành trình từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, “từ chân trời một người đến chân trời tất cả” là quá trình tự giác ngộ, niềm yêu sống càng tăng lên gấp bội. Bởi vậy dẫu biết rằng đời mình ngắn ngủi, những trang viết cuối cùng của ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết của trái tim luôn hướng về cuộc đời. “Lời gửi lại cho ai” dồn nén và chan chứa cảm hứng này của nhà thơ.
Bài thơ “lời gửi lại cho ai” vừa như bộc bạch vừa như trăng chối. Cái dễ đồng cảm là nhà thơ nói hộ được lòng người trước cái chết cận kề. Thực tế không thể khác là con người ai cũng trải qua “sinh, lão, bệnh, tử”, chỉ khác là đến sớm hay muộn mà thôi. Và không phải ai cũng dự cảm về đời mãnh liệt như trái tim nhà thơ đa cảm này. Đó cũng là lý do vì sao ông đã về cõi vĩnh hằng gần 30 năm nhưng bài thơ vẫn nóng hổi tình đời, tình người, khắc khoải nhân thế đến vậy chăng?
Bài thơ trước hết là tâm sự của một người sắp lìa cõi sống. Con người ấy luôn có một tâm hồn rất lãng mạn, thả hồn dưới ánh trăng và thưởng thức vẻ đẹp của nó. Cũng như ánh trăng đã ghi dấu bao kỷ nhiệm đời thi sĩ. Đến lúc sức lực hao kiệt nhà thơ thốt lên đầy tiếc nuối: “Anh chẳng đem được đêm trăng nào vào huyệt/ Trong tổng số đêm trăng anh được ngắm/ Tổng số mặt trời và nắng sáng/ Anh đành để lại không mang đi…” Đây là nỗi lo rất thi sĩ. Thông thường khi biết mình không thể sống dài thêm thì trước hết họ lo cho người thân, cho những việc còn dang dở. Đằng này nhà thơ vẫn thả hồn theo ánh trăng cùng lo âu rất khác biệt “chẳng đem được đêm trăng nào vào huyệt". Từ “đêm trăng” được tác giả nhắc hai lần chứng tỏ sự ám ảnh. Nhưng có phải nhà thơ đơn thuần chỉ nhớ đến thiên nhiên? Hay ánh trăng kia ẩn dụ bao điều? Những bóng hình? Những ân tình? Cùng ánh trăng kia là bao kỷ niệm buồn vui của đời người thi sĩ. Danh từ “tổng số” nhắc lại hai lần, ta nhận thấy một chân dung đang đếm ngược những ký ức của mình. “Tổng số” ở đây còn hàm chứa sự ăm ắp, tràn đầy, nối dài của sự sống đang đối lập với sự cô đơn, trống chuyếnh mà tác giả đang trải qua. Một chút dằn lòng không giấu nổi sự lo âu, tiếc nuối của tâm hồn đầy khát khao, giao cảm. ánh trăng vừa là bạn, vừa là tình nhân, vừa như là sự hiện diện của thương yêu. ánh trăng khắc khoải trong tâm tư nhà thơ.
Bài thơ “Tiếng hát con tàu” (1960) nhà thơ từng viết “Ngoài cửa ô tàu đói những vàng trăng”. ánh trăng luôn thật đặc biệt. Biểu tượng trăng mới tinh tế mà sâu sắc làm sao! Trăng tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, thánh thiện, thanh bình thì mặt trời tượng trưng cho sức mạnh và sự vĩnh cửu. Từ vẻ đẹp bất tử của thiên nhiên, nhà thơ đối sánh với sự hữu hạn của đời người, tất yếu buồn và bất lực “đành”: “anh đành để lại không mang đi”. Tâm trạng nhà thơ đã được đẩy lên cấp độ cao hơn từ “anh chẳng” đến “anh đành”. Sự luyến tiếc đã đẩy lên mức tuyệt vọng. Thế chủ động đã thay vào bằng thế bị động. Còn gì day dứt hơn khi con người đang là chủ thể của thiên nhiên, sự sống lại phút chốc tan biến vào hư vô. Triết lý sống vì thế mà trở nên sâu sắc:
Dù có liệm cho anh một chén gạo hạnh phúc, một nhúm muối thi ca. Thì anh làm sao ăn được
Liệm cho anh triết học để làm gì…
“Liệm” là tưởng nhớ, tri ân. Nhà thơ đã góp một tiếng nói nhân sinh tiến bộ: Khi con người đã về cõi tinh thần thì mọi giá trị vật chất đều trở nên vô nghĩa. Bởi vậy chỉ có giá trị tinh thần mới khỏa lấp được đó là yêu thương, là kỷ niệm đang hiện diện, tụ hội trong ánh trăng, nhà thơ khao khát rằng giá mà có thể mang tất cả đi theo được. 
Còn triết học ư? To tát quá! Triết học là khoa học của đời sống, cùng để chỉ trở lại phục vụ đời sống. Tỉnh táo quá, đó là lúc nhà thơ thấy chết là hết! Thái độ dứt khoát khiến ta giật mình “anh không mang đi, anh chỉ còn để lại”. Để lại cái gì? Một câu thơ ư? Một lời tạ tội ư? Để lại những lời nhớ lấy hoặc quên đi ư? Đến đây bi kịch trong tâm hồn thi sĩ đẩy lên cao độ. Nhà thơ nói có vẻ bình thản “không mang đi” nhưng trong lòng thì nặng trĩu. Đoạn tuyệt với cuộc sống càng không thể khi con người ấy quá yêu cuộc sống này. Bài thơ là tâm sự của người sắp từ giã cõi đời nhưng lại khao khát hơn gắn kết của con người với con người, con người với thiên nhiên bền chặt hơn lúc nào hết. Và đằng sau câu chữ là sự khát khao nhà thơ về cuộc sống nhân ái, con người đối tốt với nhau khi sống, đừng đợi cái chết đến rồi mọi thứ cúng liệm đều trở nên vô nghĩa!
Bài thơ “Lời gửi cho ai” là lời của muôn đời. Đầu đề “Lời gửi lại cho ai”- là tựa đề mở, từ đó thông điệp gửi đi nhiều chiều, sức lan tỏa rộng. Đối tượng tiếp nhận hoàn toàn không hạn chế. Đọc bài thơ ai cũng cảm giác nhà thơ đang tâm sự với mình. Bài thơ xuất hiện 8 từ anh, không hề có từ em nào. Thế nhưng anh và em vẫn là một thể thống nhất của nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình - thống nhất trong chiều liên tưởng. Ngoài ra đối tượng giao tiếp được mở rộng hơn các đối tượng khác, đó cũng là dụng ý nghệ thuật bài thơ này.
 Nhà thơ Chế Lan Viên là người rất nặng ân tình, ham sống và ham viết. Hòa bình lặp lại ông không chỉ tham gia vào ban lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, tham gia các khóa Quốc hội khóa IV,V,VI,VII và các hoạt động đối ngoại diễn đàn văn học quốc tế mà ông còn sáng tác nhiều hơn cả đời thơ ông về trước.
Hôm nay nhà thơ đã về cõi vĩnh hằng nhưng 13 tập thơ và 14 tập văn của ông vẫn cùng ta đi tiếp trên đường đời. “Lời gửi lại cho ai” được xem như là di chúc của nhà thơ để lại cho đời. Chúng ta nhớ về ông cũng như xưa ông nhớ về mẹ, về con người, những mảnh đất ông qua:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Đó phải chăng là sự gặp nhau của những tấm lòng?

T.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 71
 Hôm nay: 1313
 Tổng số truy cập: 9337607
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa