Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Tinh tế và lịch lãm Lê Lựu - LÊ MINH
Tinh tế và lịch lãm Lê Lựu - LÊ MINH

Có nhiều bạn văn nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu khi viết về ông thường yêu mến mà họa ông như một người xuề xòa pha lẫn lôi thôi lếch thếch đáng buồn cười, bản thân ông cũng hay tự coi mình là một gã nhà quê cóc cáy ngơ ngác trước thế cuộc, nhất là khi tiểu thuyết Thời xa vắng được đông đảo độc giả đón nhận, ông nghiễm nhiên trở thành một Giang Minh Sài bằng xương, bằng thịt ngoài đời. Ông Lựu, xem ra, rất tự hào về danh xưng đó và cười khoái trá, cái cười rất Lê Lựu. ở đời, dám tự cười cợt chính mình cũng là một phẩm chất bản lĩnh ngang ngửa hào kiệt.
Tôi thích thú đọc những nét đời họa  Lê Lựu và ông tự họa nhưng tôi còn thấy một Lê Lựu rất phong độ lịch lãm, tinh tế ấn tượng mà tôi từng chứng kiến.
Cuối năm 1972 đang cùng phân đội trực chiến chặn đánh tàu Mỹ lởn vởn ở ngoài khơi Đảo Mê, tôi có điện thoại gọi khẩn từ sở chỉ huy. Đang chạy dưới con hào từ phía đông nam lên đảo bộ, tôi chợt dừng sững và tròn mắt, nhìn. Trời! Trên mỏm núi có ba người đứng đẹp tựa cụm tượng nghệ thuật mà tôi đã thấy ở cuốn báo ảnh nào đó. Nó hệt giống như dáng vẻ của vị tướng huyền thoại Tsapaev đứng với cộng sự trước chiến địa sắp mở ra với quân trắng mà tôi đã xem trong bộ phim Sư trưởng Tsapaev.
Khi tôi vừa đến lán chỉ huy, đảo trưởng Lê Hồng Nga còn chưa kịp nói lý do cho gọi tôi thì ba ông dáng Tsapaev vào. Một thiếu tá, một đại úy và một trung úy. Ông đại úy cao phải hơn thước tám, người đen trũi và chắc nịch như một cây gỗ lim; ông thiếu tá dáng người vừa phải, rắn rỏi, da ám mầu sốt rét có cái miệng cười rất tươi; ông trung úy, người tầm thước râu quai nón, lông mày rậm, tóc dầy xõa nét viền loăn xoăn xuống gần nửa cái trán thấp. Ba ông đều mặc áo khoác dạ quân dụng có đai, đội mũ mềm. Lúc này, tôi thấy các ông rất gần gũi, rất lính tráng. Ông trung úy râu quai nón vỗ vai, thân mật bảo tôi: Anh nuôi đãi gạo vội/ Vo lẫn lời cúc cu. Không ở đảo thì không viết được những câu như thế!”. Tôi ngượng chín người vì hai câu đó là thơ báo tường của tôi viết về loại chim cu ghì là đặc sản của đảo Mê.
Sau đó, tôi được đảo trưởng cho biết, ông thiếu tá chính là nhà văn Mai Vui, tổng biên tập báo Quân khu 3, người có cuốn truyện vừa Từ một góc Tà Cơn viết rất sinh động về cuộc chiến ở phía tây Quảng Trị; ông đại úy là kỹ sư công trình quốc phòng Lương Hiền (bây giờ là nhà văn Lương Hiền), người ra đảo để thiết kế  những hầm pháo bán lộ thiên; còn trung úy trẻ là nhà văn Lê Lựu đang nổi tiếng như cồn với tác phẩm Người về đồng cói được dựng thành phim mà tháng trước lính đảo mới xem. Các ông ra đảo công tác, đọc báo tường của đơn vị, phát hiện ra tôi... Thấy tôi cứ một điều thủ trưởng, hai điều thủ trưởng trong xưng hô, Lê Lựu cười, bảo: “ở đây chú em chỉ cần gọi đảo trưởng Lê Hồng Nga của chú và nhà văn Mai Vui, tổng biên tập của tớ là thủ trưởng thôi. Còn lại, chúng ta đều là lính tráng, chỉ hơn nhau tí chút thâm niên, gọi thủ trưởng, anh ngượng lắm! Nhớ nhé!”. Chiều hôm đó tôi được ở lại ăn cơm với chỉ huy đảo và ba vị khách. Trong bữa, trung úy Lê Lựu cho biết, ông thích bài thơ Bắt đầu từ tháng Giêng của tôi trong báo tường đón năm mới 1973 của bộ đội Đảo Mê. Nếu tôi đồng ý, ông sẽ nhờ điện đài của đảo trực tiếp đọc cho bạn ông là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, biên tập thơ Văn nghệ quân đội ghi lại, biên tập để trình in. Ôi trời! Làm sao tôi lại không đồng ý chứ?
Ngày hôm sau, thiếu tá Mai Vui và đại úy Lương Hiền về đất liền, trung úy Lê Lựu ở lại đi thực tế sáng tác. Đảo trưởng Lê Hồng Nga giao cho tôi tháp tùng nhà văn Lê Lựu đến từng khẩu đội trên đảo. Lê Lựu kể chuyện phim mê ly như diễn viên thượng hạng, ông có trí nhớ tuyệt vời, dựng lên trước người nghe bộ phim miệng Người về đồng cói. Lời thoại không sai một từ.
Dưới con mắt của lính đảo, quanh năm chỉ tiếp xúc với trời nước, ngày ngày đêm đêm phải đối mặt với máy bay tàu chiến và bom đạn giặc, ông Lựu là người trời. Nhiều chàng lính trẻ bắt chước cách Lê Lựu pha trò nói vui, cách Lê Lựu thắt dây lưng hơi trễ phía trước, cách Lê Lựu để tóc xõa trước trán... Những ngày Lê Lựu ở đảo là những ngày hội của cánh lính trẻ chúng tôi.
Năm 1974 tôi được dự trại viết của Quân khu 3 ở tiểu đoàn công binh 27 do đại úy Lương Hiền làm tiểu đoàn trưởng. Các thầy lúc đầu của chúng tôi là nhà thơ Xuân Thiêm, nhà biên tập Đỗ Gia Hựu, nhà văn Mai Vui, nhà văn Vũ Sắc. Sau đó, có thêm các thầy trẻ, nhà thơ Duy Khán lên lớp về thơ, nhà văn Lê Lựu (lúc này đã về tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà văn Trần Hữu Tòng, báo Quân đội nhân dân lên lớp về truyện và ký. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh nhà thơ Duy Khán trong bộ quân phục không quân, đeo lon thượng úy, ông nói về thơ nghe hay đến lịm cả người và bật mí cách thức làm thơ là khi cảm xúc trào ra thì hãy viết. Học viên và các thầy ngồi nghe vỗ tay rầm rầm khi nhà thơ Duy Khán dùng từ “trào ra”.
Nhà văn Lê Lựu ở lại cùng các thầy Mai Vui, Vũ Sắc giúp chúng tôi hoàn thiện bản thảo. Khi đến lượt tôi được thầy Lựu góp ý bản thảo, ông rủ rỉ khuyên, nhà thơ Duy Khán nói rất đúng, khi cảm xúc trào ra thì hãy viết, nhưng đó là sáng tác thơ; viết văn thì cứ phải hùng hục mà viết, phải vừa viết vừa khóc như cụ Nguyên Hồng; mình trẻ, mới vào nghề thì càng phải cần cù hơn; ngòi bút trang giấy và ngồi lì, viết đến vã mồ hôi, đến mờ mắt là người thầy vĩ đại nhất trong nghề viết văn.
Kết thúc trại viết không lâu, truyện ngắn Chị dâu của tôi được đăng trên báo Quân đội nhân dân. Tôi nhớ, nhà thơ Huy Trụ, bạn trong trại viết cũng được đăng bài thơ Bắt đầu từ đất có những câu thật thơ: Bắt đầu từ đất mà ra/ Ước mơ gần, ước mơ xa hỡi mình/ Ba gian nhà lá chông chênh... Hôm nhận nhuận bút, 30 đồng bằng bốn tháng phụ cấp quân hàm hạ sĩ của tôi lúc đó, từ số 7 Phan Đình Phùng tôi tắt sang số 4 Lý Nam Đế mời Lê Lựu đi ăn phở. Ông từ chối và bảo tôi ra Hàng Đào mua cho mẹ một cái áo bông còn lại mang về đơn vị liên hoan với anh em. Năn nỉ cách mấy, ông cũng không đi ăn phở, đã thế ông còn đèo tôi ra Hàng Ngang mua áo rồi đèo tiếp ra ga. Lúc qua chợ Hàng Da ông mua cân chè gửi tôi mang về cho phân đội trực chiến ở cực đông nam đảo Mê.
Cách đây mấy năm,  có dịp trở lại đảo, đến phân đội cũ gặp cánh lính trẻ,  tôi kể ngày xưa nhà văn Lê Lựu đã đến đây nói chuyện phim Người về đồng cói. Nhắc đến Lê Lựu, cánh lính trẻ bàn rôm rả về Thời xa vắng. Tôi hỏi một hạ sĩ, thích đoạn nào nhất trong sách, hạ sĩ đưa ngón tay cái lên dứ dứ mấy cái và nói, đoạn Sài với Hương trên bè nứa, Sài đã bật được cúc áo ngực của Hương nhưng rồi không biết cách... tới như thế nào. Hai người ngủ quên cho đến sáng và người đi đường trông thấy rồi bị tiếng là hủ hóa... Theo hạ sĩ, tình tiết ấy thật là văn chương, thật tinh tế đến trên cả lịch sự.
Do công việc, mãi đến năm 1998, tôi mới có cơ hội được gần gũi Lê Lựu để viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập từ tiểu thuyết Sóng ở đáy sông của ông. Lê Lựu vui lắm. Tôi và một nhà biên tập có chức sắc đến xin sự chỉ đạo của ông về cấu trúc chủ đề. Ông cởi mở: “Cấu trúc chủ đề nghe to tát quá, chú mày cứ cho anh mỗi tập phim một tí ti ý tưởng là được, có cái tí ti ý tưởng ấy, khi xem nó thú, giống như dư vị của chè ngon”. Vâng theo ông, tôi đặt cho mỗi tập phim một cái tên và chỉ gói vào ý tưởng đặt ra ban đầu. Nhờ thế mà tôi viết tương đối nhanh, cứ viết xong tập nào tôi lại đưa ông đọc tập ấy, chỗ nào tôi viết tốt, ông viết liền ba chữ khá có dấu chấm than khẳng định; chỗ nào tôi viết vụng, ông chỉ đặt dấu hỏi chứ tuyệt nhiên không sửa không phê gì. Tôi nhớ, khi viết đến nhân vật Minh Vũ, một trí thức bị lừa đảo mà rơi vào vòng lao lí. Trong tù, Minh Vũ đã kiên trì nuôi dạy khai tâm đứa con gái của Núi, bé Yển. Tôi hỏi Lê Lựu về nguyên mẫu, ông đưa tôi đến. Người phụ nữ lúc ấy đã được tự do, chị không mấy ân hận bị kẻ xấu giáng họa mà khẳng định, trong tai nạn chị đã may mắn được thổ lộ hết nông nỗi với một nhà văn biết chia sẻ, biết gợi mở động viên chị bằng câu nói để đời: “Cái gì dù phức tạp đến mấy rồi cũng qua đi, cô phải biết giữ sức khỏe và niềm tin để làm lại, khởi lại từ đầu”. Nghe động viên của Lê Lựu, chị đã làm thơ tự răn mình: “Bắt đầu từ những ban mai/ Trong khô khát bức có vài giọt sương...”.
Khi quay Sóng ở đáy sông, Lê Lựu gắn bó với đoàn làm phim từ ngày khai máy đến tận ngày họp báo giới thiệu tác phẩm. Chỗ nào khó khăn về bối cảnh như ga tàu thời bao cấp, như phố cổ Hà Nội, Hải Phòng...  Nơi nào phải huy động lực lượng diễn viên quần chúng đông đến hàng trăm người... Ông Lựu xuất hiện là trôi hết. Đạo diễn NSƯT Lê Đức Tiến phong ông là Đại sứ lưu động, còn phó đạo diễn Nguyễn Trung Thực ngưỡng mộ ông bằng câu: “Thầy Lựu mà nói thì kiến trong lỗ cũng bò ra nghe”. Vậy mà khi họp báo, khi mang phim đi hội thảo... biên kịch tri ân ông, đoàn làm phim tri ân ông, ông chỉ một mực xúc động nói, nhờ nghệ thuật điện ảnh, nhờ các thành phần trong đoàn làm phim mà Sóng ở đáy sông của ông có thêm một số phận mới, nó như một bài thơ được phổ nhạc thành công.
Sau khi hồi phục do một cơn tai biến, đôi chân thiên lý vạn lý của Lê Lựu đã không còn khỏe nữa. Bởi thế, mỗi ngày sau giờ làm việc, ông Lựu được hai cô gái trong Trung tâm Văn hóa doanh nhân thân thiết hộ vệ đi bộ thể dục khoảng hơn một giờ. Tôi và đạo diễn Nguyễn Trung Thực mỗi lần đến thăm ông đều thấy ba bác cháu thong thả đi trên đường con phố hẻm khuất. Khi có công việc nhờ ông, tôi và Thực cũng đi theo họ và xin ý kiến ông luôn.
Tôi tò mò hỏi nhà báo Trần Thị Hoài, chánh văn phòng Trung tâm Văn hóa doanh nhân kiêm phó tổng biên tập tạp chí Văn hóa doanh nhân, người đã kính trọng yêu thương ông Lựu như cha đẻ, thường ngày đi như thế, ông Lựu hay rủ rỉ những gì? Chị Hoài kể, ông nói nhiều chuyện, tình yêu, lập nghiệp, may mắn, nhỡ nhàng... Cứ tràng giang đại hải như Một nghìn một đêm lẻ mà chuyện nào cũng mới, cũng bật cười rồi ngậm ngùi và xúc động. Tôi tò mò hỏi tiếp, động cơ nào chị Hoài có nhiều năm chăm sóc ông Lựu như tình phụ tử, nhất là thời gian ông bạo bệnh? “Ân nghĩa!”. Chị Hoài nói rồi kể tiếp, ngày chị mới ra trường, đi kiếm việc khó quá. Đọc báo, biết tạp chí Văn hóa doanh nhân tuyển người. Chị đến ứng thí trong bộn nỗi lo, vì người xét tuyển là nhà văn Lê Lựu nổi tiếng. Lo nhưng vẫn đến trong hồi hộp. Ông Lựu ra đề cho thí sinh: “Cháu hãy viết một câu chuyện mà cháu thấy xúc động!”. Chị Hoài ngồi tại văn phòng Trung tâm viết hơn một tiếng thì xong câu chuyện Ngoại tôi nộp cho ông Lựu. Ông đọc rất kỹ rồi phán, cháu viết có văn, có chuyện, có tình người, thay mặt trung tâm Văn hóa doanh nhân, bác nhận cháu, ngày mai cháu đến làm việc chính thức. Đến nay, chị Phạm Thị Hoài là một nhà báo, nhà biên tập chững chạc của tạp chí với vị trí phó tổng biên tập tạp chí.
Nhân trò chuyện với chị Hoài, tôi bỗng nhớ lại ngày cùng ông Lựu đi phố Quán Thánh mua hoa cúc về thắp hương ngày tuần. Bữa ấy cuối thu, trời se lạnh, một thiếu nữ dừng xe mua hoa, hương con gái và màu áo khoác trang nhã của cô khiến Lê Lựu nhìn theo và nhận xét: “Nét thu đấy!”. Tôi đã mượn ý đó viết bốn câu tặng ông: “Vẫn bóng chuồn búng mặt ao/ Vẫn cúc vàng với hanh hao nắng vàng/ Sáng nay mấy lẻ sương giăng/ áo em làm mới cũ càng nét thu”. Nghe xong, Lê Lựu cười tóa: “Chú chỉ được cái giỏi ảo mộng Nam Kha!”
Thật là tinh tế và lịch lãm kiểu Lê Lựu.

Lê Minh


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 80
 Hôm nay: 5935
 Tổng số truy cập: 9335916
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa