Xứ Thanh trong thơ Nguyễn Duy - HỎA DIỆU THÚY
HỎA DIỆU THÚY
Lòng dân - chiếc mộc vững bền che ta
(Nguyễn Duy)
Nguyễn Duy có hẳn một tập thơ dành tặng cho quê nhà và ông lấy tên cho tập thơ: Quê nhà ở phía ngôi sao, bao nhiêu yêu thương, trân quý với quê nhà được định vị trong hình ảnh ấy.
Quê nhà ở phía ngôi sao
Qua sông mượn khúc ca dao làm cầu.
(Thơ tặng người xa xứ)
Trong lịch sử thơ ca, không thiếu những câu thơ hay viết về quê hương - quê nhà, nhưng, có lẽ chưa có nhà thơ nào ở Việt Nam (cả trên thế giới) từng đặt quê nhà ở vị trí thiêng liêng, cao quý như vậy.
Mà quê nhà của Nguyễn Duy là đây:
Nơi ấy
Mẹ ta nhễ nhãi mồ hôi
Đàn con lóc nhóc khóc cười
Tuổi ta xanh như tàu rau tươi
Buổi nhá nhem len lén mò cơm nguội
Bảy sắc cầu vồng trong xó xỉnh lọ lem
... Nơi ấy
Vùng ta còn đun rạ đun rơm
Cơm nếp cứ thơm, canh cua cứ ngọt
Con cá kho dưa, quả cà kho tép
Việc vặt giúp bà ta từng quen tay...
(Xó bếp)
Ôi chao, hóa ra, những hạt cơm nguội hồi ấy còn ngon hơn cả những loại bánh sành điệu nhất bây giờ. Tâm hồn trong veo thơ trẻ đủ sức biến không gian xó bếp lọ lem lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Món ngon tuổi thơ cứ ngọt mãi, thơm mãi trong tâm khảm ký ức. Mà ngon thật, không chỉ vì đói mà vì cái cảm giác hạnh phúc, ăn trong cảm giác thích thú, hạnh phúc mọi thứ đều thăng hoa. Quê nhà đấy, lầm lụi, lọ lem mà ấm áp, dịu dàng. Mỗi khi viết về quê nhà trái tim nhà thơ bỗng trở nên sôi nổi, thổn thức:
Ai qua Thanh Hóa về Quảng Xá
Men rượu là hương vị của làng tôi
Nhắc Cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ
Đền nhà Lê rêu phủ đã bao đời.
Từ trong xúc cảm mọi thứ cứ thế tuồn tuột hiện ra, từ nhà tôi đến cha tôi, bà tôi, mẹ tôi, dân làng tôi, bạn bè, cố nhân... một xứ Thanh yêu dấu vừa ngọt ngào, da diết, vừa khắc khoải.
Xứ Thanh của Nguyễn Duy ngọt ngào nhất trong những kỷ niệm tuổi thơ thần tiên: Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng/ Cỏ và lúa và hoa hoang cỏ dại/ Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò/ Con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít... (Tuổi thơ tôi); là những lần: Níu váy bà đi chợ Bình Lâm/ Bắt chim sẻ ở vành tai tượng phật/ Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần” (Đò Lèn). ở tuổi đến trường, cả một lũ áo nâu chân đất, bụng lép kẹp mà vẫn ham học: Bữa cháo bữa khoai đi cày và đi học/ Bụng cồn cào con chữ chạy liêu xiêu. Nhớ cả những cuộc chơi “đánh đáo ăn tiền” tinh nghịch và “thi sỹ chân đất” bấy giờ đã tỏ ra “chững chạc” hơn các bạn đồng trang lứa: Đứa chơi đáo, đứa nhảy vòng/ Còn tôi đứng nhìn dòng sông/ Tôi không chơi đáo vì không có tiền/ Có tiền tôi cũng không chơi/ Vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền/ Tôi vui tôi ngắm tôi nhìn/ Con sông có bóng con thuyền thả câu (Trên sân trường). Chiến tranh xảy ra, tổ quốc gọi, giã biệt tuổi thơ, giã biệt những kỷ niệm học trò, các chàng trai xứ Thanh gác mọi dự định, ước mơ lên đường ra mặt trận: Đâu rồi phút chia tay không ai tiễn đưa/ Trường sơ tán vào Đông Văn, Đông Phú/ Lũ anh đi mỗi đứa một chiến trường (Gửi về trường Lam Sơn).
Kỷ niệm chồng kỷ niệm, khi đi ra nhớ về ngôi nhà thân yêu trống huơ trống hoác: Nhà tôi đó không cổng và không cửa/ Ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào/ Cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ/ Gió nồm nam thoải mái ra vào. ở đó có người cha già rất đỗi yêu kính và tự hào, người cha với chiếc xe thồ lọc xọc đã từng tham dự chiến dịch Điện Biên lịch sử. Người cha hóa thân thành người dân xứ Thanh trong hình ảnh lẫm liệt này:
Những năm bom đạn như gieo mạ
Lại chiếc xe thồ đi về Nam
Cha tôi qua cầu Bùng, cầu Ghép
Tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoàng.
Cỏ đã mọc ai còn thấy nữa
Vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn
Ai thấy nữa ông già đầu bạc xóa
Đẩy xe thồ ngang dọc đỉnh Tà Cơn.
(Cầu Bố)
ở đó, còn có bà, có mẹ, người bà tảo tần và thương khó, trong hình ảnh bà ngoại của Nguyễn Duy có bóng dáng người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nhẫn nại mà bất khuất: Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế/ Bà mò cua bắt ốc ở Đồng Quan/ Bà đi gánh chè xanh Ba Trại/ Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn (...) Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất/ Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền/ Thánh với phật rủ nhau đi đâu mất/ Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn (Đò Lèn). Phiên bản của bà là mẹ, mẹ Nguyễn Duy cũng dân dã, mộc mạc như biết bao bà mẹ nghèo Việt Nam một thuở, chịu đựng và hi sinh trở thành đức hạnh, phẩm hạnh: Rối ren tay bí tay bầu/ váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa. Trước những người mẹ ấy, những đứa con dù khôn lớn mấy cũng vẫn thấy mình bé bỏng, vẫn nôn nao thèm tìm lại cảm giác mỗi khi nhớ về:
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái bòng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ta trải chiếu ta nằm đếm sao...
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Vì yêu quá, thương quá nên trái tim ấy không khỏi rung lên da diết, khắc khoải khi quê nhà vẫn còn cái nghèo bám riết. Suốt một thời chiến tranh, tất cả dốc sức cho tiền tuyến, thời hậu chiến cũng không kém phần gian nan, thiên tai cũng góp phần tạo nên cuộc sống lầm lụi cho mảnh đất này:
Năm nay lại lụt trắng đồng
Quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng
Làng ta lại lóp ngóp làng
Lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng.
(Dân ơi)
Lúa chìm xuống cỏ dềnh lên
Rác bùn gạch ngấn ngang nhiên trên tường
Bèo đi ngang ngược giữa đường
Lụt ăn theo bão lệ thường xưa nay.
(Lời ru trong bão)
Cảm xúc khắc khoải đến đau đớn này cũng bắt nguồn từ chính tình yêu thương cháy bỏng trên đây:
Đường làng cây cỏ lưa thưa
Thanh bình từ ấy sao chưa có gì
...Ruột ta thắt, mặt ta nhăn
Cha ta thì cứ không răng... cười cười
Ta đi mơ mộng trên trời
Để cha cuốc đất một đời chưa xong.
(Về làng)
Rơm rạ ơi ta trở về đây
Nắng lóng lánh trong veo mầm mạ trắng
Lưng trần ứa giọt sương mằn mặn
Tiếng cuốc kêu thất bát buổi trưa đầy.
(Về đồng)
Tình thương yêu, sẻ chia với nghèo khổ khiến hình ảnh thơ đẹp nhưng Nguyễn Duy cũng hiểu hơn hết con người quê mình, gan góc, kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Chủ nhân của vùng đất đã đồng hành với bốn ngàn năm lịch sử dân tộc luôn biết cách vượt lên cùng với can trường và nghị lực:
Lụt trắng đồng mà không trắng lòng
Bạn đón ta hoa đào và xôi gấc
Be tết không đầy nhưng lòng không nhạt
Uống rồi nghe có bão ở bên trong.
(Tết ở vùng quê sau lụt)
Vì vậy, trước quê nhà, nhà thơ vẫn luôn giành một tình cảm thân thương, âu yếm:
Rơm rạ ơi ta trở về đây
Gió sùng sục mùi bùn nằng nặng ngấu
Mộc mạc tím cánh hoa bìm bờ dậu
Vắt vẻo cành tre sáo sậu gọi tên mình.
(Về đồng)
Người thầy lớn Chu Văn An từng suy ngẫm: “Trong cuộc sống cũng như trong thi ca, người ta yêu thương cả nhân loại thật dễ, còn yêu thương được những người cụ thể thật khó. Cái lẽ của thường dân vốn cho rằng: Khó có thể tin vào tình thương dành cho nhân loại của ai đó, nếu như kẻ ấy không biết thương ngay những người quanh mình, những người thân của mình. Lòng thương với những người máu mủ ruột rà bao giờ cũng là thước đo tin cậy nhất cho lòng nhân ái của một con người”.
Đọc thơ Nguyễn Duy nhận ra điều này, những trái tim biết yêu những người thân quanh mình cũng là những người ý thức cao nhất về nguồn cội:
Trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội
Có một miền quê trong đi đứng nói cười.
Hỏa Diệu Thúy