“Những nốt trầm xao xuyến” trong Trăng suông - HÀ VINH TÂM
HÀ VINH TÂM
Không hiểu sao mỗi lần đọc Trăng suông của Đinh Quang Tốn, tôi lại tưởng tượng đến hình ảnh con tằm lặng lẽ, cần mẫn, cặm cụi rút ruột mình nhả tơ mà không màng gì đến chuyện khen chê của người đời. Ai thích thì ngắm tơ, lấy tơ dệt vải, ai không thích thì thôi. Tơ ấy là tơ lòng mong gặp những tấm lòng đồng điệu! Đọc thơ ông lòng ta trở nên thanh tĩnh lại như nhìn ngắm những "bông hoa đẹp trên vách đá khô cằn"(1) nhưng lại ẩn tàng một sức sống, sức cuốn hút mãnh liệt níu giữ bước chân của người đi đường. Đặc biệt những dòng thơ trong ngoặc đơn đã tạo được một ấn tượng riêng - hay, đẹp và lạ. Có thể gọi đấy là "những nốt trầm xao xuyến" góp phần làm nên điểm nhấn hấp dẫn cho tập thơ và tạo nên khuôn mặt thơ, thế giới nghệ thuật riêng của Đinh Quang Tốn!
Tập thơ gồm 58 bài (được tinh tuyển từ 300 bài) với một hành trình sáng tác khá dài từ năm 1972 đến 2005. Điều đó cho thấy sự nghiêm túc, cẩn trọng của tác giả khi trình diện đứa con tinh thần của mình giữa làng thơ hiện đại Việt Nam. Ông "thả Trăng suông vào cuộc đời, đến với bạn đọc, tìm người tri âm"(2). Và ta hứng nhận Trăng suông với những dải ánh sáng đặc biệt tỏa ra từ những dòng thơ trong ngoặc đơn. Thông thường, những dòng thơ trong ngoặc đơn chỉ là những phần phụ, có chức năng chú thích làm rõ nghĩa cho những dòng thơ trước nó. Nó chỉ có ý nghĩa phụ trợ, nên có cũng được, không có cũng chẳng sao. Hơn nữa, những câu thơ trong ngoặc đơn khiến ta nghĩ đến sự khép kín, bó buộc, tiết chế cảm xúc. Nhưng trong Trăng suông, loại dòng thơ này lại có ý nghĩa quan trọng, không thể thay thế và thực sự gợi mở được nhiều ý nghĩa sâu sắc. Nó như những họa tiết điểm xuyết trong một bức tranh mà lại ẩn chứa hồn cốt, bức thông điệp thẩm mỹ của người nghệ sĩ muốn gửi gắm đến cuộc đời. Nếu thiếu nó bức tranh sẽ kém đi sức hấp dẫn và độ gợi mở. Khảo sát tập thơ ta nhận thấy có sáu lần trong năm bài thơ tác giả có sử dụng dòng thơ trong ngoặc đơn. Có thể nhận thấy những dòng thơ này trong tập Trăng suông có những ý nghĩa, giá trị đặc biệt.
Thứ nhất, dòng thơ trong ngoặc đơn thể hiện sự giãn nở, nới rộng, mở rộng biên độ liên tưởng, tưởng tượng cho độc giả và góp phần chuyển đổi ý thơ. Ví dụ trong bài Đồng mưa:
Mưa tầm tã mà cánh đồng rộn rã
Hối hả trâu đi
Náo nức mạ xuống đồng...
(Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh)
... ì oạp tiếng gầu đổ nước ra sông...
Bài thơ như một bức ảnh sống động tác giả chụp được trên cánh đồng khi trời mưa. Trong bài thơ dày đặc những từ láy giàu tính tượng hình và tượng thanh: tầm tã, rộn rã, hối hả, náo nức, ì oạp... Chúng đã tả và gợi được sức sống đầy tràn, giàu âm thanh, nhịp điệu, hình sắc của vạn vật khi trời mưa "tầm tã". Sự quan sát cụ thể, tinh tế là bệ phóng cho cảm xúc thơ được thăng hoa và sự liên tưởng, tưởng tượng được cất cánh. Câu thơ thứ ba được đặt trong dấu ngoặc đơn nhưng lại chính là điểm nhấn quan trọng của toàn bài thơ giống như phần đường cong của một người đẹp. Đây là câu thơ đặc biệt so với ba câu còn lại, không có từ láy cũng không có động từ chỉ hành động, chuyển động nào. Nó là khoảng lặng nhưng lại là trung tâm phát sáng của cả bài thơ. Với câu thơ này, thi sĩ đã chuyển đổi điểm nhìn từ cảnh vật sang con người nhưng không phải là sự quan sát từ bên ngoài mà lại xoáy sâu, phóng chiếu từ bên trong (Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh). Hình ảnh "chiếc nón" thật đẹp và giàu chất thơ! Có biết bao nhiêu "khoang trời tạnh" trong cánh đồng mưa ấy! Hình ảnh ấy không chỉ gợi được cảnh những người nông dân đang cần mẫn, chăm chỉ lao động trên cánh đồng mưa mà còn gợi và mở ra cả một khoảng trời, cả một thế giới bình yên trong mỗi chiếc nón. Chiếc nón không chỉ là vật dụng che mưa, che nắng, nó còn ẩn chứa cả một thế giới tâm hồn của con người. Câu thơ sáng lên bởi những liên tưởng bất ngờ, thú vị. Tài năng của người nghệ sĩ chính là ở khả năng lạ hóa những cái bình thường như thế! Câu cuối cùng kết thúc bằng âm thanh thân thuộc, gần gũi mà đầy "náo nức", say mê tạo nhiều dư ba trong lòng người đọc: ì oạp tiếng gầu đổ nước ra sông... Đồng mưa vẻn vẹn chỉ có bốn câu nhưng khả năng tạo nghĩa thì rất nhiều, một phần chính là nhờ hình thức đặc biệt của câu thơ thứ ba. Đọc bài thơ ta cứ liên tưởng đến bản giao hưởng đồng quê vừa ào ạt, rộn ràng nhưng cũng hết sức sâu lắng, mê say.
Thứ hai, dòng thơ trong ngoặc ở đây còn giàu triết lý và cảm xúc. Trong bài Mảnh vườn, khi nói về những kỷ niệm "ngọt ngào", "trong xanh" của hai chị em giữa "Những ngày hè ngập nắng", Đinh Quang Tốn thốt lên đầy nuối tiếc, băn khoăn, da diết, khắc khoải:
Những ngày hè ngập nắng
Chị em tôi đùa chơi
(Những trò chơi con trẻ
Góp điều chi với đời?)
Xen vào những dòng thơ tả và kể về kỷ niệm tuổi thơ - một tuổi thơ đẹp, hồn nhiên là hai dòng thơ thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình được đặt trong dấu ngoặc đơn. Hai dòng thơ bung ra hết sức nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu lắng. Dấu ngoặc đơn như be bờ, đắp đập chắn dòng cảm xúc đang dâng trào trong lòng thi sĩ. Ông nhớ về những trò chơi của hai chị em thuở nhỏ rồi ông chợt lặng người đi để hỏi lòng mình, hỏi cuộc đời: (Những trò chơi con trẻ/ Góp điều chi với đời?). Hỏi đấy nhưng thực chất là đang kìm giữ lòng mình, đang mở rộng biên độ của suy tư, ngẫm ngợi để tự trả lời, để khẳng định tầm quan trọng của những trò chơi thuở nhỏ - những trò chơi đã nuôi, dưỡng, giữ tuổi thơ cho ta và giúp ta lớn khôn từng ngày. Tâm hồn mỗi con người giàu có hơn, phong phú thêm cũng nhờ những trò chơi thuở bé thơ ấy. Tất cả kỷ niệm thuở bé thơ bỗng sống dậy trong tâm trí nhà thơ: Mà giờ tôi còn nhớ/ Dưới gốc cây khế già/ Nắng xuyên qua cành lá/ Lung linh từng chùm hoa… Từ quá khứ, tác giả quay về hiện tại - khi tuổi thơ đã vụt qua đi, khi đã trải qua bao thăng trầm, biến cố, sóng gió của cuộc đời, ông vẫn quay quắt nhớ về tuổi thơ với "những trò chơi con trẻ". Đó là thế giới tinh thần - thế giới thần tiên đầy lung linh, mơ ước, khát vọng của tuổi thơ. Nó góp phần làm nên cuộc đời, làm nên đời sống tinh thần của mỗi con người. Phải chăng đó là lời bình luận, lời khái quát, đúc kết của nhà thơ? Ông đã có một cái nhìn sâu sắc và giàu triết lý trước cuộc sống thường nhật mà nhiều người dễ bỏ qua hay lãng quên! Hoặc khi Khóc với tình yêu, ông viết:
Em đi qua đời tôi rực rỡ tựa hừng đông
(Có mối tình đầu nào chẳng đẹp!)
Giờ nhìn lại vẫn không sao hiểu được
Làm sao mình lại khóc bóng mây trôi?
Trong con mắt của người đang yêu, người mình yêu trở nên đẹp hơn, "rực rỡ" hơn (Nhất lại là khi tình yêu dang dở, yêu mà không lấy được người ta làm vợ!). Điều đó là hẳn nhiên. Ngay cả triết lý: Có mối tình đầu nào chẳng đẹp! được ông nén chặt vào trong dấu ngoặc đơn cũng không có gì mới. Song quan trọng là ở đây, dòng thơ này đã tạo được điểm nhấn, tô đậm thêm tâm trạng đau tình, yêu người, xót xa cho mình của nhân vật trữ tình. Như vậy, dòng thơ trong ngoặc đã góp phần tạo nên độ sâu sắc cho lời thơ, ý thơ và bài thơ!
Thứ ba, dòng thơ trong ngoặc giúp tác giả diễn tả được cảm xúc dâng trào đang ào ạt dâng lên trong lòng nhà thơ. Trong Xuân quê hương, hai lần tác giả sử dụng những dòng thơ trong ngoặc. Mở đầu bài thơ là khung cảnh làng quê đẹp, yên bình với những hình ảnh bình dị, thân thuộc và nên thơ:
Cành mận nở tung hoa trắng
Mưa bay thẫm những mái nhà
Cầu ao mẹ ngồi rửa lá
Pháo nổ đì đùng gần xa
Đó là khung cảnh, phông nền cho sự xuất hiện của những người con yêu quý của quê hương lâu ngày mới được trở về thăm quê, thăm nhà:
Những người công tác xa về
Gặp nhau chào hỏi tíu tít
(Được về quê hương đón tết
Niềm vui tăng gấp hai lần)
Hai dòng thơ tiếp vẫn là sự kể tả khách quan nhưng đến hai dòng thơ sau được bỏ trong dấu ngoặc đơn để giãi bày, thổ lộ, phát ngôn trực tiếp trạng thái tâm hồn của “Những người công tác xa về”. Đằng sau những cử chỉ "chào hỏi tíu tít" là niềm vui dâng trào. Tết về đã vui, được về quê đón tết niềm vui tăng lên như có thể đong, đo, đếm được: Niềm vui tăng gấp hai lần (tất nhiên niềm vui này thật khó định lượng cụ thể nên suy cho cùng nó cũng chỉ là ước lượng và độc giả cảm nhận được là người về quê đón tết đang rất vui mừng!). Cách diễn tả cuả tác giả mộc mạc, tự nhiên, chân thành nhưng thể hiện được sự chuyển biến tâm trạng hết sức sâu sắc, nhạy cảm trong tâm hồn người con đi xa lâu ngày mới được trở về đất mẹ thân thương. Bởi vậy, đến khổ tiếp theo, cảnh và người ở quê cùng hòa hợp, cộng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc với người con quê hương:
Đường làng rộng rinh cởi mở
Những cô gái rúc rích cười
Những từ láy được sử dụng hết sức đắc địa. Sự rộng rinh của đường làng tương ứng với điệu rúc rích cười của các cô thôn nữ. Qua điệu cười ấy người đọc có thể hình dung đó là những cô gái đang độ xuân thì vừa trẻ trung, vui tươi, tinh nghịch vừa dịu dàng, e ấp, kín đáo! Và chính vẻ đẹp trẻ trung, tươi mới, duyên dáng ấy của các cô gái khiến anh bộ đội về quê thốt lên đầy ngạc nhiên đến ngỡ ngàng:
(Em mới xuống đồng cấy lúa
Hay vừa đi tưới rau tươi?)
Hai dòng thơ được bỏ vào ngoặc đơn như lời nói thầm, lời độc thoại nội tâm, như dòng cảm xúc, ấn tượng chợt vụt lên trong tâm tưởng nhà thơ. Đó là ấn tượng về vẻ đẹp thần thái của các cô thôn nữ - vẻ đẹp khỏe khoắn, trẻ trung gắn liền với những hoạt động lao động bình dị hằng ngày của họ. Dù là "xuống đồng cấy lúa" hay "đi tưới rau tươi" thì đó cũng chính là những hành động gieo niềm vui, gieo sự sống! Các cô gái chính là tâm điểm, là linh hồn của bức tranh đường làng thôn quê, là niềm thương mến, là xuân tình trong lòng những người lính xa quê lâu ngày trở về!
ý nghĩa này cũng thể hiện rất rõ trong bài Mẹ tôi. Thơ Đinh Quang Tốn cứ tự nhiên tuôn chảy một cách mộc mạc, chân thành khi nhớ về mẹ:
Một kỷ niệm xa nhất tuổi thơ
Ba sáu năm, như đang trước mắt
Lên sáu tuổi, tôi trên bờ câu cá
Mẹ dưới cầu giặt áo cho tôi
Ký ức tuổi thơ ùa về một cách bất chợt mà da diết, rõ ràng, cụ thể. Đọc những dòng thơ ấy ta dễ đồng nhất với nhận định của Mai Văn Phấn và Dương Kiều Minh khi cho rằng thơ Đinh Quang Tốn có mùi vị thiền. Sự tường thuật lại sự việc nương theo dòng mạch cảm xúc:
Giật được con cá nào, tôi cũng reo: “Mẹ ơi!”
Mẹ tôi ngẩng lên: “Con giỏi quá!”
(Con cá nhỏ mà mẹ khen nhiều thế)
Tôi lâng lâng, nắng gió cứ xôn xao...
Lời đối thoại đầy âm vang trong ký ức gắn liền với hình bóng mẹ hiền thân thương. Chi tiết nhỏ này đã toát lên được tình mẹ con thật cảm động và thiêng liêng. Và hơn thế, người mẹ ở đây đã cho đứa con thơ bé một kỉ niệm thật ngọt ngào. Lời khen của mẹ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người con để đến bây giờ người con vẫn không nguôi ngẫm ngợi, suy tư, không nguôi khắc khoải nhớ về tình thương mến vô bờ bến của mẹ: (Con cá nhỏ mà mẹ khen nhiều thế). Phần này được tác giả đặt trong ngoặc đơn như một lời bình luận mang tính phát hiện của người con sau bao nhiêu năm lăn lộn với cuộc đời mỗi lần nhớ về "Một kỷ niệm xa nhất tuổi thơ". Người con vẫn còn nhớ đến cái ấn tượng, cái cảm xúc khó quên của mình sau khoảnh khắc được mẹ khen ấy: Tôi lâng lâng, nắng gió cứ xôn xao... ở đây lòng người và nắng gió cùng hòa điệu, cùng rung ngân nhịp cảm xúc vui sướng, say mê, náo nức niềm hạnh phúc lớn lao (từ một chi tiết bình dị, nhỏ nhặt!). Hình ảnh người mẹ và kỷ niệm câu cá thuở lên sáu đã theo nhân vật trữ tình đi suốt cuộc đời dài rộng! Rõ ràng trong Trăng suông, tác giả đã lấy suy tưởng chiêm nghiệm làm cơ sở chủ đạo để đẩy ý nghĩa câu thơ "Tới những chiều kích của những ý tưởng khoáng đạt, sâu xa, gợi mở"(3).
Tóm lại, ở Trăng suông dạng những câu thơ trong ngoặc đơn mặc dù số lượng rất ít nhưng lại có tầm quan trọng không thể bỏ qua. Chỉ tiếc là khi viết như thế, giá như tác giả có ý thức xây dựng được một hệ thống những câu thơ kiểu này thì chắc hẳn nó sẽ tạo được một nét độc đáo trong nghệ thuật thơ Đinh Quang Tốn rõ nét hơn. Tuy vậy, với những câu thơ ấy trong Trăng suông, ông cũng đã phần nào góp vào làng thơ Việt Nam những "lời thơ thô mộc" mang dấu ấn đặc biệt chan chứa cảm xúc, ân tình, ân nghĩa góp phần đổi mới cách diễn đạt cho thơ Việt Nam hiện đại.
Anh Sơn, ngày 02-08-2016
H.V.T
(1), (2) Trích từ Lời bạt trong Trăng suông, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 12-2005
(3)Dương Kiều Minh (2006), Đọc Trăng suông nói gì với Đinh Quang Tốn?, http: //vanchuongviet.org