Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Bài thơ buồn nhưng thấm đẫm tính nhân văn - VIÊN LAN ANH
Bài thơ buồn nhưng thấm đẫm tính nhân văn - VIÊN LAN ANH

  VIÊN LAN ANH

Bài thơ Vạch thời gian của Mai Hương trong tập thơ Khúc tự ru do Nhà xuất bản Văn học ấn hành quý IV năm 2016 đã “kể” cho chúng ta nghe một chuyện tình dở dang, nhưng rất đẹp và thấm đẫm tình nhân văn. Tôi nói như vậy vì bài thơ có nhân vật, có cảnh, có tình, có nguyên nhân, có hy vọng  trong niềm khắc khoải vô bờ và có cái kết tràn đầy nhân hậu của trái tim một người phụ nữ. Chính thứ dang dở nhưng rất đẹp đó đã thắp lên trong tâm hồn con người niềm tin vào mọi cảm xúc chân thật nơi trái tim con người, cho dù trong cuộc sống chúng ta không phải chỉ gặp toàn niềm vui mà không có nỗi buồn. Nỗi buồn chân thật là mảnh đất để ươm niềm vui và thắp lên hy vọng ở thời vị lai mà ngay cả khi niềm đau khổ khiến cho hoa đang nở bỗng như tàn úa, trời đang xanh như bỗng tối sầm. Chúng ta hãy đi tìm những lý giải đó qua bài thơ Vạch thời gian của nhà thơ Mai Hương.

Mở đầu bài thơ bằng bốn câu, tác giả Mai Hương tả cảnh và mùa của thiên nhiên để làm cái cớ nhằm gửi gắm tâm trạng nhân vật:

                Bên này có phải mùa thu

                Mà sao gió lạnh vẫn lùa qua song

                Bên kia có phải mùa đông

                Mà sao lá rụng vàng cong sân chùa?

Những câu thơ trên là câu hỏi mà như câu trả lời, hoặc có thể biết là mùa thu nhưng tác giả vẫn hỏi xem có phải mùa thu? Vì nếu không là mùa thu thì làm sao có gió lùa qua song? Bên này là thế, bên kia thì sao? Bên kia còn thảm hơn cơ, không biết bên kia có phải là mùa đông không nhưng lá rụng khô tới nỗi cong co hình hài, đã thế lá lại rơi trong sân chùa trong mùa đông rét mướt thì thật buồn! Như thế để biết, cả hai bên đều lạnh như thu và giá buốt như đông. Vì sao thế nhỉ? Nguyên nhân là do cái Vạch thời gian giữa hai mùa/ Mong manh như thể là tơ của trời. Chính cái khoảnh khắc giao mùa mỏng manh ấy chẳng mấy ai để ý, trời không hay và đất cũng chẳng hề chi, nhưng đó là chuyện của trời đất, của thiên nhiên vô tận trong cõi thiên hà mênh mang bể sở. Chỉ thế thôi thì kể ra làm gì? Đó  là thứ để so sánh với: “Vạch thời gian giữa hai người”. Bây giờ câu chuyện mới vào phần chính, rằng có một đôi trai gái yêu nhau. Đó là một mối tình rất đẹp, không hiểu vì lý do gì đó mà họ phải sống xa nhau bằng khoảng cách, không gian và đặc biệt là thời gian. Ngày xưa, có một người phụ nữ bồng con chờ chồng, nàng đứng trên đỉnh núi chờ mãi cho đến khi biển lùi ra xa vô tận mà vẫn bặt tăm cánh chim, bóng cá, không thấy chồng về, cuối cùng nàng đã hóa thân thành đá. Cái khắc nghiệt của thời gian là như vậy! Chuyện ngày xưa nàng Vọng Phu kết thúc khi nàng hóa thành bức tượng đá bồng con trông ra biển chờ chồng. Như thế để thấy giữa người đàn ông xông pha trận mạc và người phụ nữ quê nhà, ai cũng có nghĩa khí của một anh hùng để chịu đựng khoảng thời gian xa cách, như trong bài Dạ cổ hoài lang có đoạn: Từ là từ phu tướng/ Bão kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi gan vàng quặn đau í…a/…Đường dù xa ong bướm/ Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…. Với người phụ nữ một thời đã xa và kể cả thời hiện đại, họ luôn tôn thờ mái ấm gia đình, họ không mong võng lọng, sắc phong, bằng tình yêu chung thủy của chồng.

Hôm nay chúng ta đang sống trong thời hiện đại, lòng mong mỏi của người phụ nữ về một mái ấm hạnh phúc với tình yêu chung thủy vẫn độc tôn không thay đổi, thế nhưng cuộc sống với những biến động vô thường với bao nhân tình thế thái khiến thời gian chia xa của tình yêu đôi lứa hàm chứa bao hiểm họa khôn lường. Là một nhà báo có tâm hồn nhạy cảm trên những cung đường cuộc sống, tâm hồn đó lại được tưới tắm những cảm xúc thăng hoa từ thi ca, khiến Mai Hương đã phát hiện ra: Vạch thời gian giữa hai người/ Cắt ngang thành một vết rời đớn đau! Luôn lấy thiên nhiên, mây trời, hoa lá để làm phép ẩn dụ nhằm biểu đạt ý tưởng của mình, tác giả lần này lại lấy hoa, lấy sông, lấy đò để nói lên chuyện tình dang dở, để vừa nuối tiếc vừa hoài nghi trong khổ đau nhưng thấm đẫm chất thế sự hàm trong triết lý: 

                Bàn tay chưa nắm đã rời

                Nụ hoa chưa hé đã rơi, rụng, tàn…

                Người đi dọc, kẻ về ngang

                Đời sông bao chuyến đò sang lở, bồi

Sống trên đời ai chẳng muốn mọi chuyện trong đời thuận buồm xuôi gió, đặc biệt tình yêu đôi lứa thuở ông trời ban cho chút lộc thanh tân. Đó là khoảnh khắc đẹp nhất đời người, chứ để khi ta già đi: Đến khi tóc bạc da nhàu… còn không?. Biết thế, nhưng chuyện tình đã lỡ! Dù buồn nhưng đó là một kỷ niệm đẹp của một tình yêu trong sáng, là tài sản phi vật thể, là động lực nâng bước ta đi mạnh mẽ  trong gió bụi cuộc đời,  để tiếp tục khẳng định chân giá trị của tình yêu đích thực. Chính vì vậy mà tôi nói thêm lần nữa rằng: Bài thơ “Vạch thời gian” gánh một chuyện tình dở dang nhưng rất đẹp, bởi tác giả đã dồn mọi khát vọng yêu thương tha thiết, sự trân quý vào hai câu kết có giá trị nâng tầm bài thơ thể hiện tính nhân văn sâu sắc:

                Giữ trong sâu thẳm một lời

                Nhịp tim còn mãi của thời đôi mươi…

Tôi tin, nếu Mai Hương tiếp tục bám vào dòng thơ thế sự, chị sẽ thành công hơn nữa bởi “hương vị riêng” trong những tác phẩm thơ mình.

                                                                                                                   V.L.A


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 60
 Hôm nay: 4331
 Tổng số truy cập: 9334312
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa