Âm nhạc dân gian Thanh Hóa - TRẦN THỊ LIÊN
TRẦN THỊ LIÊN
Năm 2015 cùng với nhiều ấn phẩm khác, Nhà xuất bản Thanh Hóa đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm Âm nhạc Dân gian Thanh Hóa (tập 1) dày trên 200 trang của nhạc sĩ Văn Hòe. Tập sách không chỉ là niềm đam mê nhiều năm trong cuộc đời nghiên cứu, sáng tác của nhạc sĩ Văn Hòe mà còn là sự mong đợi của nhiều người làm nghiên cứu Văn hóa dân gian Thanh Hóa. Với cả cuộc đời công tác và thêm gần 30 năm nghỉ hưu gắn bó với quê Thanh, nhạc sĩ Văn Hòe đã có dịp trực tiếp tham dự, nghe kể lại, nghiên cứu và suy ngẫm để “trình làng” tập Âm nhạc dân gian Thanh Hóa lần này là một sự cố gắng lớn, không quản tuổi cao, tập hợp toàn bộ tri thức và kiến thức của mình, đem đến cho giới nghiên cứu và bạn đọc một món ăn tinh thần bổ ích và lý thú.
Tập sách này nhạc sĩ Văn Hòe bố cục làm 3 phần.
Phần I nói về Hò sông nước xứ Thanh, trong đó lại chia làm các phần nhỏ để người đọc dễ thẩm thấu đó là Hò sông nước xứ Thanh, Hò sông Mã và Hò đua thuyền trên sông Lãng.
Phần II nói về Âm nhạc lễ hội Thành hoàng gồm những phần như Âm nhạc trong lễ tục Thành hoàng, Hát nhà Trò Văn Trinh và Âm nhạc lễ tang.
Phần III nói về Đàn hát các dân tộc Mường, Thái Thanh Hóa. Trong đó tác giả giới thiệu Cồng chiêng sắc bùa dân tộc Mường. Âm hình tiết tấu một số giàn cồng, khảo tả một cuộc đi sắc bùa, giới thiệu cồng chiêng dân tộc Thái và vai trò khèn bè trong đời sống của người Thái Thanh Hóa.
Khi giới thiệu về Hò sông nước tỉnh Thanh Hóa, tác giả khẳng định: sở dĩ có thể loại phong phú này vì xưa kia giao thông xứ Thanh gắn bó nhiều với hệ thống đường thủy bao gồm các hệ thống sông tự nhiên chảy qua khắp các huyện, thị trong tỉnh đó là các hệ thống sông Hoạt, sông Yên, sông Mã, sông Bạng và các chi lưu của sông Mã.
Xưa kia khi đường bộ chưa mở mang, phương tiện vận tải ô tô chưa có thì các con đò ngang, dọc xứ Thanh là cái nôi của các điệu hò. Tiếng hò không chỉ thúc giục các cuộc đua thuyền trong các dịp lễ hội tiêu biểu là đua thuyền trên sông Lãng mà còn là sự giao duyên của các chàng trai đò dọc với khách hàng đò để giãi bày nỗi lòng của người giang hồ trên sông nước.
Đặc biệt, Hò sông Mã là một thể loại được nhiều nhà nghiên cứu và người được thưởng thức quan tâm. Hò sông mã chính là hò đò dọc sông Mã, bởi vậy khi thay đổi cách chèo chống thì phải thay đổi điệu hò.
Do đó mà hò đò dọc sông Mã có nhiều điệu hò khác nhau như:
1. Hò rời bến 8. Hò cầu chúa
2. Hò nhịp đôi I 9. Hò ru ngủ
3. Hò nhịp đôi II 10. Hò chống sào (Sắng ngược)
4. Hò đường trường 11. Hò vượt thác
5. Hò làn ai 12. Hò kéo thuyền
6. Hò làn văn 13. Hò vác cạn
7. Hò niệm Phật 14. Hò cập bến
Cùng với 14 làn điệu của Hò sông Mã gắn với nhật trình sông Chu và sông Mã tác giả cũng giới thiệu cho độc giả biết qua mỗi khúc sông, tính chất dòng chảy khác nhau nên người cầm lái phải thuộc nhật trình để có sự xử lý việc vận hành vượt qua các tình huống mà ban hành hiệu lệnh bằng các điệu hò cho sát đúng.
Phần nói về âm nhạc Lễ hội Thành hoàng, tác giả đã giới thiệu cho người đọc biết thế nào là Thành hoàng của một làng, Thần được thờ phải có công giúp dân làng hoặc linh ứng phù hộ cho người an, vật thịnh. Thành hoàng làng thường được thờ ở đình trung, đền, miếu. Tế thần nghi thức rất trang nghiêm. Từ khởi nhạc đến lễ tất gồm 3 tuần tế: Tuần sơ, tuần á, tuần chung, tổng cộng 60 tiết lễ, mỗi tiết lại có phường bát âm cử nhạc, cử bản nào là theo tiết lễ quy định trong điển lễ. Từng tuần tế lại được tác giả giới thiệu các bản nhạc để bạn đọc tham khảo. Đồng thời với việc giới thiệu nhạc tế Thành hoàng, tác giả còn giới thiệu một số bài liên quan đến việc tế Thành hoàng thờ tại đền Văn Trinh để bạn đọc cảm nhận được sự phong phú của nhạc tế Thành hoàng ở Thanh Hóa.
Trong phần giới thiệu Đàn hát các dân tộc Thái, Mường Thanh Hóa. Tác giả đã giới thiệu cồng chiêng sắc bùa dân tộc Mường là những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Mường. Xưa kia những giàn cồng chiêng là biểu hiện sự giàu có của bản Mường và dùng giàn cồng chiêng tập hợp lại đi hát chúc mừng năm mới là tục lệ đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Mường. Đồng thời tác giả cũng giới thiệu thang âm, cấu trúc và âm hình tiết tấu của bài cồng trong dịp chúc mừng năm mới.
Với đồng bào Thái, tác giả cũng khẳng định cồng chiêng là thứ nhạc khí rất phổ biến, ai cũng có thể tham gia diễn tấu cồng chiêng. Tác giả đã định nghĩa tên gọi, giới thiệu sự phân công diễn tấu giai điệu, hòa tấu cồng chiêng với các bộ gõ… để làm rõ vai trò, vị trí của cồng chiêng trong sinh hoạt tinh thần của người Thái xứ Thanh.
Cùng với cồng chiêng, khèn bè cũng là một nhạc cụ gắn với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Thái. Từ khởi đầu tác giả đã giới thiệu cho người đọc biết cấu trúc của khèn bè đến cấu tạo thang âm. Với 14 ống nứa dài ngắn khác nhau ghép lại thành 7 cặp ống song song, khèn bè là loại nhạc khí đa âm, đồng thời phát ra nhiều âm một lúc. Người Thái già, trẻ, trai, gái đều thích nghe khèn bè, nhất là các cô gái Thái rất say mê tiếng khèn vì những chàng trai thường dùng tiếng khèn bè để bày tỏ tâm tình.
Âm nhạc tuy chưa phải món ăn phổ biến với tất cả mọi người nhưng tập sách Âm nhạc dân gian Thanh Hóa của tác giả Văn Hòe đã đem đến cho bạn đọc một món ăn bổ ích và một tấm gương say mê nghiên cứu. Tác giả bài viết xem đây là lời chúc sức khỏe chân thành nhất đối với tác giả và mong rằng một ngày gần nhất độc giả sẽ được đón đọc Âm nhạc dân gian Thanh Hóa tập II của nhạc sĩ Văn Hòe.
Trần Thị Liên