Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Lý luận phê bình   /   Mấy lời tâm sự với đồng nghiệp trẻ - LÊ THÀNH NGHỊ
Mấy lời tâm sự với đồng nghiệp trẻ - LÊ THÀNH NGHỊ

      Người viết có thể cầm bút ở những độ tuổi khác nhau, có người rất sớm, có người khá muộn, nhưng đều bắt đầu từ một tâm hồn trẻ, từ một ngọn lửa đam mê. Văn chương cũng như nết người, người thì thuận tay trái, người thì thuận tay phải. Điều viết ra bắt đầu từ những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau, vì vậy rất khác nhau, và may mắn thay, sự khác nhau này lại là điều cốt tử của sự tồn tại và phát triển của văn chương nghệ thuật. 
      Người ta nói rằng nếu thơ mà giống nhau, thì thế gian từ cổ chí kim chỉ cần một nhà thơ là đủ. Bởi vì con người không cần đến hai câu thơ giống nhau, nên thế gian xuất hiện rất nhiều nhà thơ khác nhau. Cũng như con ong cần hút nhụy ở nhiều hương thơm khác nhau, nên cánh đồng mọc lên nhiều loài hoa khác nhau. Bên cạnh Đante là Gớt, tiếp theo Bairơn là Tagor, bên cạnh Puskin là Lermantov, tiếp theo Nguyễn Trãi là Nguyễn Du… Văn chương như lối hẹp, đi một lần là tới đích, đích khác có lối đi khác, không phải con đường theo kiểu đi mãi thành đường. Cái riêng, hương vị riêng hay tiếng nói riêng trong văn chương nghệ thuật là một bí mật của tâm hồn. Tâm hồn được hình thành từ rất nhiều yếu tố. Nó là phần thiêng liêng nhất của mỗi con người. Người ta dùng từ khóa này để chỉ những người sống thánh thiện, luôn hướng tới những điều tốt đẹp: lòng nhân ái, nhân văn và yêu chuộng cái đẹp. Tâm hồn là phần đặc trưng, phần cốt lõi, phần bên trong, tiếng nói riêng nhất của mỗi người cầm bút. Nhà văn Nga thế kỷ 19 Turgheniev từng nói: “Cái quan trọng của tài năng… là tiếng nói riêng. Đó chính là đặc điểm phân biệt chủ yếu của một tài năng độc đáo”. Vì vậy, sứ mệnh của mỗi nhà văn là anh ta buộc phải thêm vào cái kho vô tận của nhân loại tiếng nói riêng của mình.
      Cũng ở nước Nga thế kỷ 19, rất nhiều người cầm bút trẻ tự đi tìm mua cho mình một chiếc mũ giống như chiếc mũ L. Tônxtôi đang đội. Mũ thì tìm mua được, nhưng cái đầu của nhà văn vĩ đại thì chỉ có một, không có hai. Mọi sự bắt chước đều thừa và không mang lại ích lợi gì, ngoài một chút ảo tưởng. Mà ảo tưởng thì không có bà con họ hàng gì với khát vọng sáng tạo. Bởi vậy, hơn ở đâu hết, văn chương nghệ thuật đòi hỏi một sự trung thực của lao động. Nhà văn có thể bị ảnh hưởng lẫn nhau, về văn phong, về cá tính. Thậm chí, đôi khi như vô thức viết ra những câu na ná như đã có đâu đó. Tế Hanh từng viết: “Đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình”, là vì vậy. Nhà thơ ngâm thơ của người khác, nhạc sỹ hát bài hát của nhạc sỹ khác, là chuyện bình thường. Chỉ không bình thường nếu thực hành một cách ý thức trong trang viết của mình, đặt dưới cái tên của mình dù một câu thôi của ai khác không phải của mình. Hiển nhiên, ở đây cần phân biệt vô thức và ý thức. Và thể tất cho sự hy hữu của vô thức. 
     Cái mới trong văn chương nghệ thuật là chuyện không phải bàn. Nhà văn trẻ hơn ai hết luôn luôn hướng đến cái mới, cái độc đáo so với cái đã có. Cố nhiên, cái mới độc đáo luôn luôn phải đương đầu. Henry Fielding (1707-1754), nhà tiểu thuyết và kịch tác gia hàng đầu của châu Âu thế kỷ 18 từng nói: “Một số người bị người khác không ưa là vì họ có cái thứ mà người khác không có”. Nhưng người không ưa chỉ là số ít, số đông vẫn là những người trân trọng. Nếu đọc những sáng tác của các nhà văn trẻ hiện nay, dễ dàng nhận ra những cái mới, cái khác so với thế hệ nhà văn trước. Điều đó là hiển nhiên. Mới và khác trong văn phong, trong đề tài, trong cách tiếp cận hiện thực phi truyền thống, phù hợp với người đọc thế hệ họ.
     Những điều này có thể được tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau. Nó sẽ bổ sung cho những gì văn chương nước nhà thiếu. Nhưng ở đây cần có lưu ý nhỏ. Đã diễn ra khắp các nền văn hóa khi mở cửa như một quy luật, đó là những gì phù hợp với truyền thống của mỗi nền văn hóa sẽ được tiếp biến để phát triển. Những gì ngược lại sẽ bị chối bỏ. Chúng ta biết Thơ mới 1932 - 1945 bắt nguồn từ thơ phương tây, nhưng khi vào Việt Nam các nhà thơ mới đã biến hóa nó thành những câu thơ Việt hiện đại. Và nó đã được tiếp nhận nồng nhiệt. Nhưng chính khi phong trào Thơ mới đang phát triển nhất, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã cảnh báo: “Những gì khác với tinh thần Việt đều mất”. Đúng vậy, những sự vay mượn thuần túy hình thức như thơ âm thanh, thơ hình học, thơ bí hiểm… Đều đã không phù hợp với sự tiếp nhận của người đọc bấy giờ. Và nó đã không tồn tại. Bài học cũ, nhưng tinh thần của nó thì không cũ. 
      Nhà văn trẻ bao giờ cũng có khát vọng nắm bắt những kiến thức của thời đại. Nhiều người khi đã cao tuổi nói rằng họ không dám viết phê bình nữa vì sức đọc không còn như xưa nữa. Điều này có lẽ đúng. Nếu đọc những nhà phê bình trẻ hiện nay có thể thấy trang viết của họ khá phong phú những kiến thức cập nhật của văn chương đây đó của trong nước và thế giới. Lý giải và phân tích tác phẩm, tác giả, vì thế thuyết phục hơn, bớt đi những cách làm quen thuộc của phê bình văn học trước đây. Tuy vậy, đôi khi nhà phê bình trẻ làm người đọc như “vào rừng chẳng biết lối ra”. Có phải vì người đọc thiếu kiến thức, không theo kịp nhà phê bình? Có phải nhà phê bình trẻ thường hay mắc một căn bệnh rất dễ mắc của tuổi trẻ là hay phô diễn khi chưa nắm thật chắc điều mình nói, hoặc khi chưa thật cần thiết, phù hợp mà đã vội dẫn ra điều mình dẫn… Có lẽ tại cả hai. Người đọc cũng cần nâng mình lên, người viết trẻ cũng cần tỉnh táo. “Tầm đón đợi” không chỉ đến từ một phía. Nhưng cũng cần nói rằng, có cái tưởng mới hóa ra đã cũ mèm, quá đát thậm chí đã bị vượt qua lâu rồi của thiên hạ. Xin hãy đọc một trong rất nhiều ví dụ, cuốn Văn chương lâm nguy của Tôđôrôv do Trần Huyền Sâm dịch. Hóa ra, đi qua rất nhiều những ngộ nhận, văn chương lại trở về những nguyên lý muôn thuở của nó.
     Đó là nguyên lý chân-thiện-mỹ nằm trong hạt nhân của triết mỹ phương đông mà sinh thời R. Tagor thực hành không mệt mỏi để chứng minh. ở văn hóa Việt Nam, đây cũng là một nguyên tắc truyền thống. Và cho dù thế giới có “phẳng” đến đâu những điều này vẫn không bị san phẳng, vì nó đã được thực tiễn bảo đảm, nói cách khác nó đã được lắng cất từ thực tiễn. Những nguyên tắc này nằm trong một liên kết của giá trị. Chỉ xa rời một trong các yếu tố này, văn chương nghệ thuật trở nên phiến diện và mất cân bằng trong tiếp nhận. Đó là tính chân thực nghệ thuật, K. Pautovxki, một nhà văn nước Nga đặc biệt tài năng trong những tình huống tưởng tượng đầy chất thơ, từng nói, đối với ông chỉ một giọt bịa đặt thôi cũng không thể chấp nhận được. Chân thực để không dẫn người đọc đi chệch khỏi quỹ đạo của đời sống, để không bóp méo những gì đang diễn ra trong cuộc sống, để không đánh mất đi trong trang viết của mình điều cốt lõi của cuộc sống… Đó là tính nhân văn của văn chương nghệ thuật. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, văn chương nghệ thuật cũng mãi mãi vẫn là nơi con người tìm đến để làm vợi nhẹ nỗi đau không dứt của con người trên thế gian. Cho dù nhà văn dùng gam giọng nào thì điều cuối cùng còn lại trong tác phẩm vẫn là tình yêu con người. Vì vậy, hơn bất cứ ở đâu, văn chương trước hết cần một tấm lòng nhân ái, độ lượng của mỗi ngòi bút. Điều này thì Nguyễn Du đã từng biến một cốt truyện gần như vô cảm của Thanh Tâm Tài Nhân thành một “khúc đoạn trường” bất hủ, chúng ta đều đã biết. Và sau Nguyễn Du một ít, R. Tagor với lòng nhân ái cao thượng của mình cũng đã hiến dâng cho nhân loại những kiệt tác của ông, chúng ta cũng đã biết. Nhưng tất cả là để hướng con người đến cái đẹp. Cái chân, cái thiện nào rồi cũng hóa thân thành cái đẹp, nếu văn chương không mất đi khả năng vươn tới cái đẹp. Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế gian, như Đôtxtôievxki đã nói. Bởi vậy, bổn phận của người sáng tạo văn chương nghệ thuật là hướng con người đến cái đẹp.    
     Nhà văn trẻ hơn người khác ở chỗ, trong tâm hồn họ luôn luôn đầy khát vọng sáng tạo, đầy những ý tưởng mới mẻ, đầy những dự định… Vấn đề là thực hiện nó. Nhà văn có tuổi thường bị áp lực thời gian, nên họ tranh thủ. Nhà văn trẻ không chịu áp lực này nên họ chờ thời cơ. Người miền núi Đaghetxtan nói: “Nếu có con bò lớn chạy qua mà anh không túm lấy sừng giữ nó lại thì anh không thể nắm đuôi mà giữ nó được”. Túm lấy sừng, mạo hiểm đấy, nhưng nếu làm được anh sẽ có thứ anh muốn, nắm lấy đuôi thì tuột hết, không còn thứ gì. Người Đaghetxtan còn kể câu chuyện chú ếch nọ định mọc thêm cái đuôi, vì bận gì đó, dự định mãi, cuối cùng chẳng có cái đuôi nào sau con ếch cả. Hồi còn làm biên tập ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi thường có những cuộc tiếp xúc với những bạn viết trẻ tuổi. Có bạn nói họ đầy những dự định, thật đáng ao ước cho những người có tuổi. Nhưng rồi chờ khá lâu vẫn chưa có dự định nào được thực hiện. Họ chần chừ, bận nhiều việc hay cầu toàn rồi để qua mất những dự định đó? Thật đáng tiếc. Tìm lại một xúc động, một ý tưởng nghệ thuật đã trôi qua khó hơn chờ điều đó đến. Vậy là, cả một trời sao dự định đến sáng thì chẳng còn một ngôi sao nào cả.
    Người viết trẻ hôm nay có rất nhiều cái khác so với các thế hệ trước. Chỉ lấy một việc in ấn dễ dàng như hiện tại cũng đủ thấy sự khác biệt. Ngày trước in ấn khó vô cùng. Hai ba tác giả, dăm bảy năm mới được in một tập đã là may mắn rồi. Nay thì khác hẳn. Có thể một năm in một tập, nhất là thơ. Nhưng cái dễ này đã sinh ra cái khó. Nó có thể tạo ra sự chủ quan, dễ dãi, có thể tạo ra ngộ nhận rất đáng đề phòng của nghề bút mực. Ngày trước Lưu Quang Vũ chỉ mới in có một nửa tập thơ, tập Hương cây mà đã định hình một gương mặt tài năng. Ngày nay tôi biết có người đã in dăm ba tập thơ mà vẫn nhạt nhòa. Vậy nên, số lượng không phải là tiêu chí duy nhất của một nhà văn.
      Ai bước vào con đường văn chương nghệ thuật đều đã lường hết khó khăn của nó. Đường xa vạn dặm, trăm năm không là gì, chỉ như một cái cựa mình của vũ trụ. Nhưng việc ấy to lớn ấy đã có chiếc kim giây đồng hồ tích tắc tích tắc bé xíu kia lo. Cái khó khăn nhất của văn chương nghệ thuật đối với mỗi người cầm bút chúng ta, giản dị hơn, là làm sao đừng nhạt. Có thể mất một đời để chiến đấu với một chữ “nhạt”. Vậy mà nhiều người xoay xở mãi, gắng sức mãi vẫn không làm được. Hoặc được lúc này lại thua lúc khác. Đấy, thật là khó, một việc tưởng bé như vậy mà đã khó, huống chi những việc to lớn khác. Vì ai cũng biết rằng, không có loài cây nào hoa lá xanh tốt lại mọc trên đất cằn, không có ngọn lửa nào có thể cháy sáng trên cái phao cạn dầu, không có bài thơ hay nào cất lên từ một tâm hồn nghèo nàn. Để đừng nhạt, ngoài yếu tố hầu như không tu dưỡng được, đó là tài năng trời phú, còn một khả năng để bù lại đối với những người không may mắn được trời phú nhiều, đó là yếu tố không nhìn thấy được, ẩn nấp phía dưới những câu thơ tưởng như dễ dàng viết ra kia, tức là sự tích lũy vốn văn hóa và vốn sống hầu như vô tận, là sự cố gắng gần như cả đời…  
     Có người nói vui rằng, mọi cái đều thuộc về tuổi trẻ, cả tuổi già sớm muộn rồi cũng thuộc về những người hôm nay đang trẻ. Cũng như trong Hội nghị này, có người đến đây lần đầu, nhưng có người thì đã lần cuối. Trong số những người dự các cuộc Hội nghị trước, nhiều người không thấy viết nữa. Văn chương nghệ thuật là một cuộc chơi tự nguyện. Ai không còn đủ đam mê nữa, không còn sức lực nữa… Thì việc chuyển sang công việc khác cũng là điều bình thường. Nhưng chừng nào trong mỗi người còn cháy lên những khát vọng sáng tạo thì không có một thí dụ nào cho những ai bỏ cuộc giữa chừng. Vì vậy, cũng từ những cuộc Hội nghị trước, đến nay nhiều người đã thấy hiện rõ gương mặt. Và đó là lý do để chúng ta hy vọng. Nói vậy để thấy văn chương nghiệt ngã, nên sự tiếp nối hôm nay giữa các thế hệ cầm bút đang làm nên một dòng chảy văn chương liên tục, trong đó sự đóng góp của mỗi người rồi sẽ tích hợp lại thành diện mạo chung của văn hóa dân tộc.
                             Tháng 9 năm 2016 
                               L.T.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 89
 Hôm nay: 2494
 Tổng số truy cập: 9332475
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa