Hôm nay chiếu chèo làng Quán tập làn điệu mới nên cụ Trùm Lênh đến rất sớm và sửa khăn áo ngồi vào chiếu. Chưa ấm chỗ thì cánh nhạc công cũng lục tục tiến vào sân đình.
Con bé Mầm te tái chạy tìm chổi thoăn thoắt quét sân. Tiếng chổi tre ràn rạt khua trên nền gạch sân đình và tiếng hát véo von của nó cũng làm ấm không gian vốn lạnh lẽo và cô tịch. Nó reo lên: Ô thày ơi! Các bác, các cô đang đến rồi, con đang cắm nước pha trà! Thày đợi con một lát con bưng nước hầu thày ạ... Nói xong nó lại ràn rạt quét, lại nhí nhẩm hát điệu đào liễu: Đào liễu có một mình/ Em đi đâu hỡi cô nàng ơi... Cụ Trùm thở dài tư lự một hồi rồi gọi con Mầm: Con nên tập kĩ điệu "cách cú" hay "lới lơ" hát cho vui. Tí tuổi mà lúc nào cũng đào liễu một mình nó vận vào người đấy con ạ. Như ta đây này...
Con Mầm lặng ngắm cụ Trùm không nói gì. Cụ già quá rồi. Tết này là cụ Đại thọ. Hôm nọ các thành viên chiếu chèo họp kín góp tiền mua áo lụa đỏ bằng tơ tằm mừng cụ. Ai lên lão cũng được hội Người cao tuổi trích quỹ mua, tuổi nào áo ấy nhưng quỹ có hạn chỉ mua được áo lụa của Tàu mỏng tang lại hay nhăn nhúm, mặc mấy lần là rạt sợi, sứt tà.
Kể cũng lạ. Nhiều người sống dư dả đủ điều nhưng đoản thọ. Như cụ đây cả đời khổ, cả đời cô đơn hưu quạnh nhưng vẫn vô bệnh tật, vẫn thuộc trên trăm làn điệu chèo có bài bản chỉn chu. Cụ ngồi đấy như một pho tượng cổ phơi phong chốn dương thế với mái đầu tóc trắng như cước, làn da sạm và nhiều chỗ nhám đen như đồng xu. Cây già thì mọc rêu ở thân, người sống lâu cũng thế, cũng khô hạc da mồi.
Chiếu chèo đã đủ mặt. Toàn bộ thành viên có 16 người cả nam lẫn nữ nhưng hiếm khi đi đủ. Hôm nào có trên mười người coi như là đi đông. Thời buổi con cháu chen nhau lên tỉnh thành làm ăn rồi yêu nhau thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái nên các bà hay các ông lại bị chúng nó gọi lên làm ô sin không công. Có người ở nhà nhưng ốm đau bệnh tật không lê chân ra sân đình tập được. Chiếu chèo quê không có quỹ, không có thù lao, ai yêu thì gắn bó, ai tính thiệt so hơn thì bỏ chả ai ép họ được. Chỉ có hai đứa trẻ là con Mầm và con Nhinh là gắn bó từ ngày mới học lớp Năm, bây giờ chúng đã ngoài hai mươi tuổi. Nó yêu chiếu chèo đến mức bỏ cả người yêu ở khác làng đến cầu hôn. Nó tong tớn bảo: Chỉ lấy chồng làng để còn hát chèo. Chúng học xong trung học chả đứa nào ôn thi đại học mà đi học nghề. Con Nhinh ở giữa làng học chụp ảnh, trang điểm cô dâu, cho thuê váy cưới, con Mầm học nấu ăn rồi lập nhà hàng chuyên chế biến gà Móng đặc sản bán chạy như tôm tươi. Nó thuê hẳn ba con bạn tốt nghiệp đại học không có việc làm đến bưng bê băm chặt. Cả hai đứa giàu có nhưng ngỏng ngảnh không lấy chồng. Nó mua xe đẹp, mặc đồ đắt tiền. Chính hai con bé này nuôi chiếu chèo từ áo quần diễn viên đến nhạc cụ. Nó tranh nhau chăm sóc cụ Trùm như cha đẻ để cụ dạy hát.
Nhạc nổi lên rồi. Đám nhạc công đã mở mạng Yotube tập trước nên rất nhuần, chỉ có cánh hát là lớ ngớ. Hôm nay họ tập từng chỗ một và làm quen nhịp nội, nhịp ngoại theo hướng dẫn cụ Trùm.
Vuốt chòm râu bạc, cụ trầm tư giảng giải: Các cháu hôm nay tập điệu "Tò vò". Đây là một trong gần hai trăm làn điệu chèo cổ của ta, rồi cụ hát trước: Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nhện lớn nó quyện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ tì ti/ Nhện ơi là cái con nhện hỡi mày đi cái phương lai nào... Tiếng hát trầm đục, thống thiết cất lên giữa sân đình, giữa tiếng lá đại, lá nhãn tao tác rơi trong gió bấc.
Cái Nhinh đỏ hoe con mắt: Thày ơi sao điệu hát buồn đến thế, buồn hơn cả điệu Đào Liễu nữa kia! Sao tò vò lại nuôi con nhện làm gì hả thày?
Cụ Trùm giảng giải: Trong dân gian ta ngày xưa nhà nào cũng có một căn nhà lợp lá hay lợp bằng tranh, tường buộc dựng trát rơm trộn với bùn dẻo. Đấy là nơi con tò vò về làm tổ sinh con. Con tò vò giống con ong nhưng hiền lành không đốt ai cả, chỉ ăn thịt những con có hại. Nó xây tổ bằng đất rất khéo. Xây xong nó đi tìm con nhện châm nọc vào cho đờ ra dở sống dở chết rồi tha về tổ. Nó đẻ trứng vào bụng con nhện và bít cửa tổ lại, giam con nhện ở đó. Khi con tò vò con sinh ra có sẵn thức ăn rồi lớn lên cậy tổ chui ra. Khi biết bay để tự kiếm sống nó cũng chẳng biết mẹ mình là ai và mẹ nó sau lần bít cửa tổ coi như đã xong việc sinh nở, phó thác con cho cái tổ trong đó có xác con nhện... Khi cậy tổ chui ra, người ta cứ tưởng đấy là con của nhện chứ ai đâu biết con nhện là nạn nhân hiến thân cho mẹ con nhà tò vò.
*
Anh Cu Lênh sinh ra ở làng Quán. Mười tám tuổi đã nghĩ kế kiếm ăn bằng nghề đóng cối xay lúa. Thường thì các ông đứng tuổi mới làm nghề này nên thiên hạ vẫn gọi vui là "Bác phó cối" còn Lênh trẻ quá người ta gọi là "Anh cối". Lênh là người tài hoa và có giọng hát chèo hay đến mê hồn. Trong hành trang đi đóng cối thuê lang bạt kì hồ trong vùng, ngoài bị dăm cối, cái chày vồ, cưa đục còn có cây đàn nguyệt treo lúc lắc bên cạnh. Phím đàn lõm xuống vì tay Lênh chăm chỉ luyện tập. Cái bầu đàn bóng mầu cánh gián và chỗ tì dây để gảy có mồ hôi tay lớp nọ đè lớp kia nhầy nhẫy đen. Nghề đóng cối không phải ai học cũng được. Đó là nghề cần sự khéo tay và đức kiên nhẫn. Những chiếc răm cối bằng gỗ nhãn già cũng phải biết pha ra đều tăm tắp để thớt trên thớt dưới cà vào nhau không được sứt mẻ. Loại đất chèn răm không phải là đất sét cũng không phải đất thịt, nó phải pha đấu nhào luyện công phu để dẻo như kẹo mạch nha. Nan cài phía ngoài là tre già luộc kĩ và nhỏ đều tăm tắp.
Lênh thổi hồn vào mỗi chiếc cối xay lúa và mỗi khi hoàn thành tác phẩm, chàng đứng lặng ngắm nghía rồi ngồi xuống bên cối gảy đàn và hát chèo văn. Cái điệu "cờn" vấn vít bay lên trong một không gian làng quê yên ả. Lênh ăn dè hà tiện vì bố mẹ anh em không còn. Cả nhà Lênh chết vì dịch thương hàn từ khi chàng mới năm hay sáu tuổi. Một mình nuôi thân nên sớm biết lo thân. Lênh làm thợ đóng cối không phải mất tiền cơm. Cứ ở nhà ai, nhà đó lo tươm tất nên tiền công anh gói lại chả phải tiêu pha gì ngoài mấy ngày giỗ cha mẹ. Lênh tích lại cứ đủ một đồng cân vàng là đến hiệu Mỹ Chi mua rồi bỏ lọ. Chỉ mấy năm cái lọ vàng con con ấy đã cắn nắp. Năm 22 tuổi, anh thợ ấy mới lấy vợ. Vợ Lênh là con gái cụ hoạn lợn làng Lơ. Nàng đẹp và hát hay nhưng lẳng lơ lắm. Cái môi cô ta lúc nào cũng rớn lên chực cười, cái mông quả bầu cứ đánh vắt theo bước đi. Toàn thân thể cô nàng mời mọc ướt át đến chết người. Tốt mái thì hại trống. Nàng hút kiệt sinh lực chồng. Lênh càng èo uột, hao hiết thì cô vợ lại hơn hớn lên như thài lài mọc trên cứt chó. Thế rồi nhân một chuyến xa làng đi đóng cối cho mấy làng bên tỉnh Thái, vợ Lênh đem theo cậu con trai 3 tuổi, cuỗm sạch bạc vàng tích cóp một đời làm thợ của chồng, theo gã cung văn chả biết đi về phương nào.
Lênh chả thiết làm ăn và sinh ra lẩn thẩn. Cứ thấy đàn bà đi qua là chàng lại ra rấp cổng. Lênh thù đàn bà, ghét nhan sắc, bỏ nhà đi ai thuê gì làm nấy. Cái kí ức về người vợ đẹp, đứa con trai bụ bẫm, ngôi nhà lá bình yên dưới tán mít cứ ám ảnh chàng. Mỗi khi nhớ con Lênh lại khóc thầm và lôi đàn ra gảy.
Hội làng năm ấy Lênh tìm về quê. Cũng mái đình rêu phong này đây, cả làng ùa ra đón người con lang bạt đã mấy mùa hội không về, người ta cứ nghĩ chàng đã bỏ xác phương nảo phương nào.
Lênh vào hội với tiếng đàn hát hầu bóng thánh thót, ma mị với bước nhảy múa của đám hát cung văn hầu đồng. Có Lênh không khí ngày hội làng ấm cúng và thiêng trọng lên. Cụ Chánh Cân khuyên chàng đừng bỏ làng, hãy trở về với nơi mình chào đời cùng tiếng hát, tiếng đàn để giữ hồn cốt cho làng. Một đêm ngủ lại đình làng cùng Hội tế nam Lênh suy nghĩ nhiều lắm... Ừ nhỉ! Quê làng dù có xoàng xĩnh đến đâu cũng là nơi mình sinh ra. Vợ chồng duyên số là tự trời se. Nếu cơm lành canh ngọt thì cùng chan húp cho xong bữa, nếu chán nhau thì cũng là ý trời. Buồn đau, hờn giận cũng thế mà thôi. Đấy là duyên phận hẩm hiu của mình chứ làng xóm quê hương có lỗi gì đâu ... Lênh dọn lại mái nhà, mảnh vườn và tiếng hát, tiếng đàn lại cất lên như duyên nợ cuộc đời không ai có thể từ chối khi trời bỡn cợt khoác lên vai mình. Tuổi trẻ đau khổ đi qua, chỉ còn cuộc sống phía trước đầy may rủi. Chàng không gá nghĩa với ai và bạn với tiếng đàn, câu hát.
*
Đêm trăng tròn mười sáu.
Ánh trăng mướt mát trải trên sân đình làng Quán. Những bóng cây tắm trăng xào xạc đung đẩy hắt bóng xuống nền sân thành những hình thù sinh động. Hình như cây cũng giống người. Những đêm trăng đẹp như thế này cây cũng thấy mình đầy tâm sự. Những cây song hàng như lả tán sang nhau, gần gụi và tình tứ.
Đêm nay cụ Trùm lại dạy tốp hát điệu "Con nhện giăng mùng". Cũng như những lần truyền thụ trước cụ lại hát làm mẫu. Tay cụ cầm phách, tiếng hát cất lên đầy thiết tha, luyến nhớ: Ai sui con nhện nó giăng mùng/ Đêm năm trống canh một mình thiếp tôi xin chịu ới chàng chàng ơi/ Đêm năm trống canh một mình thiếp tôi xin chịu mà để lạnh lùng suốt cả năm/ Anh ơi anh chàng bỏ ra về/ Nay thiếp vẫn thăm hỏi thăm...
Xã Văn Quán mở hội làng để đón nhận "Làng văn hóa cấp tỉnh".
Lãnh đạo tỉnh Nam bàn với lãnh đạo xã Văn Quán mời chiếu chèo của xã công diễn vở "Vua đi cày", một câu chuyện lịch sử mà vua Lê Đại Hành đã cày ruộng Kim Ngân dưới chân chùa Long Đọi. Nhân dịp này, tỉnh cử đội cụ Trùm Lênh đi tham gia hội diễn không chuyên khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Tin này đến với chiếu chèo là một niềm vui nhưng cũng là nỗi lo lắng ngày đêm của những người sắp phải "đem chuông đi đánh nước người". Con Mầm cứ rối cả lên. Nó nhờ một con bạn coi sóc cửa hàng đặc sản để nó theo các bác, các cô tập vở. Không lo sao được. Đến diễn viên nhà nghề ăn lương nhà nước còn phải bò ra tập huống hồ diễn viên không chuyên. Nó bàn với con Nhinh, hai đứa cùng lo nuôi đội. Cứ mỗi buổi tập xong lại về cửa hàng con Mầm ăn bồi dưỡng miễn phí để dưỡng sức. Nó mua thuốc bắc bắt cụ Trùm uống và tẩm bổ cho cụ rất chu đáo. Kể ra trời cũng để mắt đến cụ mà sinh ra hai con bé lòng dạ thảo thơm.
Sau bao ngày ép xác luyện tập, ngày mong đợi đi công diễn cũng đến. Được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, các cán bộ ngành văn hóa cấp huyện, cấp xã luôn lo lắng đầu tư tinh thần, vật chất để động viên chiếu chèo làng Quán. Đi hội diễn khu vực lần này, mọi người hi vọng về tiếng hát chèo của những diễn viên không chuyên nhưng đầy tâm huyết.
Buổi công diễn mở màn sau nhiều nghi thức rất long trọng. Tài trợ chính cho chương trình là một Việt kiều Pháp. Trong trang phục áo lương cặp, anh bước ra sân khấu như một công dân Việt Nam thời xưa. Anh giới thiệu mình là Huỳnh Văn Lếnh, người con xa quê lâu ngày nơi phương trời lạ nay về Việt Nam lập nhà máy đồ hộp xuất khẩu. Lếnh khoe biết hát chèo và vẫn tổ chức những đêm hát chèo cùng đồng bào xa xứ để nhớ về tổ quốc.
Sau cái gật đầu ra hiệu. Chiếu chèo làng Quán khăn áo rộn ràng như đàn bướm sặc sỡ bước ra trình diện trong tiếng vỗ tay như sấm dậy của hội diễn. Đúng là "có bột mới gột nên hồ". Cánh diễn viên trang phục đẹp đến không thể đẹp hơn. “Người đẹp vì lụa” có khác. Thôn nữ ra thôn nữ, quan ra quan, hoàng tử ra hoàng tử. Chưa biết họ hát hò thế nào nhưng nhìn trang phục các đội bạn đã trầm trồ. Toàn bộ số trang phục này, con Nhinh, con Mầm bỏ tiền ra sắm. Nó bắt từng người đi may đo chứ không mua quáng mua quàng hàng chợ. Hôm nay Mầm đóng vai cô Sen còn Nhinh đóng vai mẹ Sen. Cậu Hải thợ sửa tivi đóng hoàng tử. Diễn viên nam thiếu quá. Các vai hề, vai lính tráng toàn cánh trung tuổi giả nam. Khổ thân cô vợ Hải. Thấy cái cảnh chồng làm hoàng tử thì vênh mặt lên, lúc hoàng tử với cô Sen tình tứ thì nhấp nhổm cái mông như kiến đốt... Đã thế mà cứ nằng nặc đòi theo chồng để xem mới khổ.
Trời chả phụ công. Cuộc thi lần ấy chiếu chèo làng Quán giật quán quân. Vị tài trợ chính trao phần thưởng 50 triệu cho đội và bế bổng cụ Trùm Lênh thán phục. Cụ bỗng giật mình khi nhận ra nốt ruồi son bên tai phải, mép chân tóc của anh Việt kiều. Chiếc trán bò liếm, cái gáy có túm đuôi ri... Cụ lặng người. Không còn nghi ngờ gì nữa. Thằng Lếnh con trai duy nhất của mình đây rồi. Cụ khóc, những giọt nước mắt hiếm hoi chắt từ khóe mắt.
Khi chia tay không biết có phải linh ứng huyết nhục không, chỉ thấy Lếnh cứ ôm chặt lấy ông Trùm. Cụ Lênh nói nhỏ vào tai anh: Mai anh về làng Quán. Làng chỉ cách đây già ba cây số thôi. Tôi có chuyện nói với anh. Chuyện dài lắm, nói đây không hết được
- Ngày ấy mẹ dẫn con đi đâu? Ông Lênh hỏi con trai.
- Dạ, con nhớ láng máng là ra vùng Kiến An, Hải Phòng. Năm con lên bốn theo cha dượng đi các chùa cùng mẹ. Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường bố ạ.
- Anh nói sao? Dượng gì, cái thằng quyến rũ vợ người khác. Phải nói nó là thằng gian phu anh hiểu chưa? Nó là gian phu thì mẹ anh là dâm phụ. Tôi chỉ thương anh vì anh là huyết nhục của tôi chứ tôi giận mẹ anh lắm.
- Thôi bố ạ, chuyện cũ cho qua đi! Ông ấy cũng khổ vì mẹ con nhà con lắm. Ông ấy đúng là tò vò mà nuôi con nhện.
- Sao hử! Anh nói sao?
- Dạ! Năm con lên sáu, mẹ con lại trốn ông ấy mà đi. Mẹ con không chịu khổ được. Cứ nay chùa này, mai chùa khác đàn hát nuôi nhau mà con lại hay đau yếu bệnh tật. Không có ông ấy, con chết rồi.
Và Lếnh kể:
- Dạo ấy Tây càn luôn nên chùa chiền cũng chẳng ai cúng bái. Nghề hát cung văn cũng chết đói luôn. Ba con người lang thang ở bến Bính vừa làm thuê, vừa ăn xin, vừa ăn xin vừa làm thuê. Tối thì ngủ gầm cầu, gầm quán. Con bị thương hàn chỉ chờ chết. Bố nuôi con (Anh xin phép ông Lênh gọi như thế) quên thân mình để cứu con. Ông mang con vào bệnh viện gặp đốc tờ Tây và quỳ xuống lạy. Bố nuôi con vẫn đeo trên lưng cây đàn như vật bất li thân. Ông bác sỹ có vẻ cảm động và nói bằng tiếng Việt: Tôi thương bố con anh rồi đấy! Nhưng anh phải hát, phải đàn cho tôi nghe. Tôi yêu người Việt, người Việt có nhiều bài hát hay lắm...
Bố nuôi con lấy đàn và vừa hát, vừa khóc. Con còn nhớ bài hát có câu: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi...” rồi ngẩn mặt ra vì quên câu sau. Cụ Trùm ôn tồn, câu tiếp là: “Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên...”. Khổ thân ông ấy! Người trót mang nghiệp đàn ca như bố anh... Rồi sau thì sao? Hử?
- Nhờ bệnh viện Tây và nhờ ông bác sỹ ấy con còn sống. Cả ba người lại đi ăn xin, đi làm thuê. Cũng năm ấy ông ốm nặng. Mẹ con bế con trốn ông ấy trong một đêm mưa. Hai mẹ con trốn lên một chuyến tàu chở than về Hà Nội. Được mấy tháng thì mẹ con cũng bị phù thũng chỉ ngồi thở. Một hôm mẹ gọi con vào xoa đầu. Mẹ khóc và bảo con: Đây là kỷ vật cuối cùng của bố đẻ con, mẹ mang theo. Chiếc vòng xà tích bằng bạc khắc tên bố và mẹ. Mẹ dặn con không được cải tên, cứ gọi là Lếnh để dễ tìm bố. Mẹ không sống để nuôi con được nữa, thôi thì lạy trời phật thương để con làm người. Nếu gặp được bố, tạ tội thay mẹ với bố nghe con. Mẹ có tội với bố con vì ông ấy là người chồng rất tốt, tốt nhất trên đời này...
Mẹ mất, con lang thang vỉa hè. Con lại được một người Pháp nhận làm con nuôi và sau chiến tranh con theo ông về Pháp. Bố nuôi con cũng mất cách đây 3 năm.
Lếnh mở cặp số, trịnh trọng dâng bố đẻ kỷ vật. Cụ Trùm nhạt nhòa nước mắt ôm chiếc vòng xà tích lẩm bẩm điều gì đó.
Bây giờ thì nền đất cũ mọc lên ngôi nhà mới. Lếnh dựng cho bố ngôi nhà sàn, phía trên là phòng ở và toàn bộ phần dưới là sân khấu, dàn âm thanh hiện đại. Chiếu chèo làng Quán coi nơi đây là nhà. Con Mầm bây giờ là cháu dâu cụ. Anh con trai Lếnh theo bố về Việt Nam làm Giám đốc công ty, thích ăn phở Việt chế biến bằng giống gà Móng, thích luôn cô chủ cửa hàng. Họ đã sinh cho ông, cho cụ cháu trai đầu tiên.
Giờ thì trên ban thờ nhà cụ Trùm Lênh có thêm ba chiếc bát hương mới. Bát hương hai người bố nuôi của Lếnh. Một ông Ta và một ông Tây cùng bát hương vợ cũ của cụ. Người mẹ đau khổ của Lếnh.
Hôm kỵ nhật bố nuôi Lếnh. Cụ Trùm khăn áo chỉnh tề. Cụ khấn hai người đàn ông chưa biết mặt đã cưu mang gây dựng cho con trai mình và cũng nói cùng người vợ xấu số đã trót một thời lầm lỡ:
- Nếu ta tin vào điều lành, cố sống làm điều tử tế thì điều lành sẽ đến với ta. Tất cả chúng ta vừa là tò vò, vừa là nhện, vừa là nhện nhưng cũng là tò vò. Dù là thân gì trong kiếp nhân sinh này cũng cố làm trọn đạo.
Cụ cầm đàn, Lếnh cầm phách, Cái Mầm lấy giọng. Tiếng hát rưng rưng bay lẫn trong khói hương: Ai xui con nhện (nó mới) giăng mùng...
L.Q.H