Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Tháng ba - Trần Quỳnh Nga
Tháng ba - Trần Quỳnh Nga

1.  
Thiền Đức đại ni đang hấp hối... mau báo tin về Thăng Long!
Ta nghe bên trái nhà tăng các ni sư thì thầm về ta như vậy. Ngựa đưa tin đã gấp rút lên đường. Nhưng ta biết mình chẳng kịp để mong chờ tin trở lại bởi ta giờ như chiếc lá nhẹ nhàng rơi từ thinh không.
Đó là một buổi chiều lộng gió, sau khi nghe xong một bài kinh, ta gọi tiểu ni cạnh mình:  
- Tiểu Thanh! Ta nghe như có tiếng ngựa xa?
- Dạ không, thưa đại ni. Người nghe nhầm chăng? 
- Ta...
- À, gió chướng! Người thấy lạnh không để con hạ bớt rèm cửa?
- Thôi con, cứ để thế cho có khí trời.
Ta nói thế rồi nghiêng người nằm xuống. Tiểu Thanh lặng lẽ ngồi bên. Từ khi một lòng hướng Phật ta đã không còn vân vi luyến nhớ điều gì. Vậy mà không hiểu sao giờ đây, trước lúc buông bỏ xác phàm để về cõi khác lòng ta lại như thắp lửa. Từ đâu đó trong sâu thẳm cõi lòng tha thiết gọi ta nhớ về những tháng năm nghiệt ngã khổ đau nhưng tận cùng hạnh phúc ngày xưa ấy. Thôi đành. Nhớ, để quên trước khi ra đi.  
Âu cũng là một đời ta, cũng là một đời người... 
2. 
Thiên Thụy công chúa mang trọng tội, làm nhiều điều trái đạo lí sẽ bị đày đến An Lạc Đường! 
Ta đã từng nghe kể về lãnh cung như kể về một thế giới khác. Một thế giới không có ý niệm về thời gian bởi quanh năm hiếm khi thấy được mặt trời. Ở đó, như dưới một đáy giếng. Ánh sáng đùng đục không mờ không tỏ. Người ta chỉ có thể cảm nhận được bằng khứu giác bởi mùi tàn rữa của cỏ cây, của rêu mục bám quanh thân cây gạo cao vút. Người ta bảo gốc gạo đó nối giữa trời và đất nên chỉ khi nào hoa gạo rụng, người trong An Lạc Đường mới biết ngoài kia đang là tháng ba - mùa ân xá một năm chỉ có một lần! 
An Lạc Đường! An Lạc Đường...
Lãnh cung… lãnh cung!
Tiếng vẹt như mũi tên rời cung bay vút cắm phập vào tấm gỗ lâu ngày đóng kín nằm khuất lấp dưới vườn hoang cây dại bít bùng tựa như chưa bao giờ biết đến hơi người. Nơi đây là nỗi khiếp đảm mà chốn hậu cung vẫn thường nói đến mỗi khi có người mang trọng tội. Người ta bảo thà chết vì rượu độc hay ba thước lụa trắng còn hơn chán vạn lần bị chết mòn chết mỏi nơi đây.
Nhưng ta một lòng muốn sống. Dù có cách xa ta cũng không muốn Dư phải cảm thấy cô độc trên cõi đời này. Dư đã vượt qua được trận đòn sinh tử đó rồi vậy thì hà cớ gì ta phải cảm thấy sợ hãi? Ta thấy nơi đây bình yên. So với rượu độc, nơi đây, ta được sống. So với hậu cung, nơi đây ta được trú mình. Ta thà làm bạn với ma quỷ còn hơn phải đối mặt với lũ người ngoài kia thì thầm bàn tán chỉ trỏ về ta như một vết nhơ không thể nào gột rửa. Ta đẩy cửa bước vào căn phòng tối sực mùi ẩm mốc rồi nằm nghe sương rơi ngoài sân, tự lòng an ủi mình rằng: dù có thế nào nữa thì cuộc sống vẫn diễn ra như nó mong muốn...
*
Còn nhớ năm mười bốn tuổi ta được theo phụ hoàng đến xem đấu hổ ở Vọng Lâu. Trên đài cao, hôm đó, lần đầu tiên trong đời ta hiểu vì sao Khánh Dư lại được phụ hoàng đến vậy. Không ô che lọng rước, không người hầu đứng bên, Dư lặng lẽ ngồi gần phía khán đài tách hẳn với đám hoàng tử công chúa áo váy rực rỡ, bộ đồ nâu gọn gàng, khuôn mặt với sống mũi thẳng kiên quyết, Dư đang chăm chú nhìn vào cánh cửa chuồng hổ đang sẵn sàng bật mở với tâm thế của một chiến binh. Chàng không để ý rằng hoàng thượng đang nhìn chàng. Một mặt phụ hoàng tự hào trước một người tướng tài trẻ tuổi liên tiếp lập công trong lần chống quân Nguyên Mông đã có công nhân sơ hở đánh úp quân giặc cũng lại là người chỉ huy quân đánh thắng người Man ở vùng núi nên được phong là Thiên tử nghĩa nam. Một mặt người có phần lo ngại khi trong đám hoàng tử của mình không ai có được dung mạo mạnh mẽ và tiên quyết, tài năng như thế.
Đúng giờ Ngọ, đội hòa nhạc cử hành đại lễ. Tiếng trống thúc liên hồi. 
Đám cận vệ khiêng ra giữa khán đài hai chiếc lồng sắt khổng lồ được bọc bằng nhiễu đỏ. Trận đấu bắt đầu. Chuồng hổ bật mở, một con hổ vằn nhảy vọt ra, ngoảnh nhìn trừng trừng bốn phía rồi gầm lên vang dội. Bên kia, voi ngần ngại chưa xông ra. Quản tượng phải lấy búa đánh thúc voi. Thấy voi, hổ hung hăng sấn lại, tung mình bấu vào cổ voi mà cấu xé... Vừa trông thấy voi được quản tượng và lính bảo vệ, vừa nhảy dựng lên, mắt trừng trừng nhìn đối thủ. Đám đông hò hét vang trời. Cuộc huyết đấu giằng co như thế còn kéo dài chưa biết đến lúc nào kết thúc. Bỗng trong cơn cuồng nộ, con hổ bất ngờ nhảy lên vọng lâu làm tất cả bàng hoàng kinh hãi kêu rú lên xô nhau bỏ chạy hoảng loạn. 
Con hổ nhằm vào đám đông. Đội ngự vệ binh bị bất ngờ vội vàng vây kín bảo vệ hoàng thượng và các công chúa, hoàng tử. Chỉ còn lại mình ta đang chới với trong đám đông nhốn nháo xô đẩy. 
Trong lúc hoang mang sợ hãi nhất, một tấm áo choàng tung lên, rất nhanh quấn lấy ta trước khi con hổ tiến lại gần. Ta đã nín lặng như thế cho đến khi ánh sáng chói lòa rọi vào mắt. Hai bàn tay mạnh mẽ đỡ lấy vai và cả khuôn mặt cúi sát mặt ta nhẹ nhàng lay nhẹ.
- Ổn rồi! Công chúa! 
Sững sờ và run rẩy. Ta hé hé mắt nhìn. Lần đầu tiên trong đời ta chạm ánh mắt Dư và bối rối quay đi nhưng lòng đã như chợt hiểu rằng mọi sợ hãi trên đời đều dừng lại ở đấy. Sau này, khi gặp ta, duyên nợ với ta Dư mới thú nhận rằng: hân hoan của chàng không phải là chức Phiêu kỵ tướng quân bôn ba lẫy lừng được tung hô trong đoàn quân chiến thắng mà là khi chàng vội vàng ghìm dây cương nhảy xuống dang tay đón lấy ta đang như con chim sà vào tấm áo choàng còn ám đầy mùi chinh chiến. 
Trời đã cho chúng ta là một đôi. Đã dệt cho chúng ta bao nhiêu là mộng đẹp.
Từ ngày có Dư ta như thấy lại chính mình. Ta tách biệt với đám đông huynh đệ lố nhố ngoài kia, ngày ngày chăm chỉ đọc sách, học may vá, học thêu thùa, học trồng rau, lẫy cỏ. Dư từ ngày có ta ngày đêm luyện tập võ nghệ mong lập công dâng lên ơn trên để tỏ lòng hiếu thuận, trung thành. Chúng ta đã cùng nhau mơ về một giấc mơ nhỏ nhoi chờ lễ hội sắp tới thể nào phụ hoàng sẽ bàn đến việc hạ giá cho ta, người sẽ đích thân chọn phò mã cho người con mà người yêu thương nhất. 
 Ánh sáng mùa xuân đang bừng lên rải muôn nghìn tia nắng hi vọng vào khu vườn đẹp đẽ. Cả hậu cung như hân hoan trước cái duyên mà lá ngọc cành vàng như ta có được. Trai anh hùng với gái thuyền quyên. Âu cũng là hợp lẽ trời.
Nhưng người đã tính. Định mệnh đã cho ta gặp Dư như vậy, phụ hoàng cũng đã biết người cứu ta thoát khỏi nanh hổ năm đó là Dư rồi, vậy mà sao sau khi Hội nghị Diên Hồng vừa tan người còn gật đầu để đẹp lòng Hưng Đạo Vương mà hứa gả ta cho con trai ông là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn?
Buổi đó ta đã khóc. 
Ta nước mắt đầm đìa gối chăn mà không thể nào làm phụ hoàng mủi lòng. Kỉ luật và sự tuân phục đối với hoàng thượng lớn đến nỗi không một ai dám nói lời can gián. Ta trước giờ là một công chúa luôn được vua ân sủng mọi điều. Người đã từng nói rằng sở dĩ ta được sinh ra trong cuộc đời này chính là từ giấc mộng đẹp của người nên người gọi ta là Thiên Thụy. 
Vậy mà chính ta đã bị người khước từ ân huệ được tự do lựa chọn hạnh phúc.
- Không được.
- Phụ hoàng…
- Ai thì ta có thể xem xét nhưng Khánh Dư thì không.
- Phụ hoàng không ưa huynh ấy sao còn nhận huynh ấy làm Thiên tử nghĩa nam?
- Thiên tử nghĩa nam vì hắn xứng đáng được như thế. Nhưng làm chồng của con gái ta thì không được.
- Tại sao ạ?
- Ta chỉ muốn những điều tốt đẹp cho con. Tình yêu chỉ là thứ nhất thời của tuổi trẻ. Sự quan tâm, chia sẻ và bao dung mới là yếu tố lâu dài thì ta chưa nhìn thấy nơi hắn. Với một người nóng nảy, lạnh lùng với quân sĩ vào sinh ra tử như hắn thì làm sao có thể cho con gái ta một chỗ dựa êm ấm mà ta mong muốn? Chi bằng con làm vợ của Quốc Nghiễn cũng là một công đôi việc. Nó vừa được lòng ta, ta lại vừa được Hưng Đạo Vương, thế mạnh thêm mạnh. 
Phụ hoàng nói rồi bỏ đi không cho ta nói thêm một lời nào. 
Đêm đó Dư đã say. Tưởng như có cơn cuồng phong vừa đi qua vùng bãi giữa sông Hồng điệp trùng lau lách. Tất cả ngã rạp gãy nát dưới lưỡi đao điên cuồng của Dư. Bao nhiêu rượu trên thế gian này Dư đem ra đổ xuống sông Hồng để mà vùng vẫy. Nhưng không gì có thể ngăn cản được khi trong tim Dư đang chứa đầy cừu hận. Dư hận cả ta. 
Chẳng ai chế ngự được Dư lúc này ngoài ta cả. Ta biết điều đó. Ta không đành nhìn Dư bị đọa đày đến thế!
Đêm đó, ta đạp phăng tất cả mọi nỗi sợ trên đời. Không còn phụ hoàng, không còn công chúa, không còn lễ tiết, không còn phẩm hạnh…ta bỏ chạy tìm Dư. Cho đến tận cùng sự sợ hãi ta lại gặp được Dư. Ánh mắt của Dư cho ta biết đâu là đúng sai, đâu là hạnh phúc trong cuộc đời ngắn ngủi này.
Đêm đó, đêm nguyệt thực. Mặt trăng đang sáng rỡ bỗng nhiên bị ăn mòn. Trời đất sầm tối. Gió vần vũ thổi. Ta kìm cương ngựa luống cuống chạy đến ôm lấy vai Dư. Lần đầu tiên trong đời ta nhận ra mình mạnh mẽ biết nhường nào khi vòng tay ôm chầm lấy Dư đang điên loạn giữa dòng nước dữ. Ta không còn chú ý tới mặt trăng nữa… Ta nhắm mắt lại cúi đầu gặp hơi thở của Dư rồi thả mình trôi theo những cơn sóng mê cuồng…
3. 
- Ta là ai? Là Thiền Đức đại ni hay là công chúa Thiên Thụy?
- Ngươi ư? Ngươi chỉ là một con người. Một con người không dám sống với thực tại và ước mơ kiêu hãnh của mình, để rồi phải nương nhờ cõi Phật mà tìm nơi trú ẩn.
- Ngẫm ra muôn sự tại trời…
- Không. Tại mình…
4.
 Đoàn quân chiến thắng!
Trên bến Đông Bộ Đầu phía đông Kinh thành kèn trống rợp trời. Thăng Long vui như trẩy hội chào đón đoàn quân ca khúc khải hoàn. Mồng Một tết Mậu Ngọ năm đó, triều đình mở yến tiệc mừng thắng trận và phong thưởng cho các tướng sĩ đã có công trong cuộc phản công đường thủy tại bến Đông Bộ Đầu, quét sạch 3 vạn quân Nguyên Mông. Nhân vật được trăm mắt ngưỡng mộ dồn về, giữa buổi đại lễ, ngoài Thái tử Trần Hoảng ra còn có Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. 
Cuộc vui mới vừa tàn mà thánh chỉ đã tới vội vàng:
 “Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư mang trọng tội, làm trái với luân thường đạo lý, tư thông với công chúa Thiên Thụy nay cách hết quan tước, tịch thu gia sản, xử tội đánh đến chết...”.
- Đánh đi, giết ta đi!
Là Dư hét lên như thế giữa công đường. Lúc ấy trời nắng lắm nhưng không nóng bằng lòng ta khi nhìn thấy Dư. Lòng ta như trăm ngàn vết cứa. Cơ thể Dư nát nhừ dưới đòn trượng vẫn chưa đến hồi kết thúc. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt các quan đại thần và đám đông hiếu kì vây quanh. Một vở kịch hay đang diễn ra, kẻ hào hứng, người ái ngại đều đang đổ dồn vào Dư, xem chàng liệu có còn cơ hội sống sót khi số trượng đang dần được đếm ngược.
Ta cắn môi đến bật máu nhìn Dư, thổn thức nhớ lại những ngày tươi vui trước đó. Đêm ấy, nơi bãi cỏ ướt sương đêm, ta run rẩy khóc. Như một dự cảm, Dư nâng lấy cằm ta, nhìn sâu vào trong mắt ta nói như khẩn cầu:
- Nàng hãy trốn cùng ta.
- Mình sẽ đi về đâu?
- Đi cùng trời cuối đất.
- Nhưng nơi đâu trên đất này đều là của phụ hoàng chàng không hiểu sao.
- Hiểu! Hiểu! Hiểu! Tại sao nàng cứ sợ hãi như thế? Tại sao nàng không dám sống cho mình, vì mình. Cuộc đời này ngắn ngủi lắm nàng không hiểu sao?
Lúc đó, Dư nắm chặt tay ta không rời mà tay ta như buông lơi. Dư nói rồi lặng yên. Ta, niềm hi vọng cuối cùng của Dư, chỗ nương tựa cuối cùng của Dư vẫn không tìm ra cho mình được một lối thoát. Ta bất lực nhìn Dư - con chim đại bàng đang tung cánh bay dũng mãnh phút chốc bị bắn gục rơi nhanh xuống đất. Người ta trói gập khuỷu cánh lại mặc cho nó giãy giụa bất lực.
Nhắm mắt lại ta vẫn hình dung ra giữa pháp trường, buổi ấy. Dư bị trói nằm sấp trên chiếc ghế hành hình. Lặng lẽ. Đòn trượng vụt xuống không làm da thịt Dư nát thêm được nữa. Cơn đau hình như cũng dừng lại. Nó có thấm vào đâu so với tim Dư đang vì ta rỉ máu. Bởi thế mà Dư sống. 100 trượng không chết là thiên mệnh cho sống! Xưa nay không mấy người qua được 100 trượng mà sống được bao giờ! 
*
Sau cuộc ồn ã đó, kinh thành lại trở về với vẻ vốn có của nó. Cờ phướn rợp trời, trống chiêng ầm ĩ…Ngày xuân, lễ hội còn kéo dài cho hết tháng ba.
Chỉ còn ta trong An Lạc Đường. Thời gian nhởn nhơ như trêu ngươi. Ta chẳng còn ý niệm, chẳng còn biết nó ngược xuôi thế nào nữa. Xung quanh ta chỉ là một khoảng sáng lờ nhờ bên khu giếng ẩm. Vậy mà kì lạ thay, vượt ra khỏi vòng xoáy của sự hỗn độn đó lòng ta chẳng còn trống trải và cô đơn nữa. Đắm chìm vào sự tĩnh lặng khôn cùng nơi đây ta mới nhận ra cô đơn cũng là một niềm an ủi vô bờ. Lúc đó, ta thấy mình như thảm cỏ dưới gốc cây gạo già tự nhiên mọc lên, tự nhiên tàn lụi. 
Lộc gộc! Lộc gộc! Tiếng động nào thế nhỉ? Bao lâu rồi ở An Lạc Đường này tiếng động luôn khiến ta giật mình. Ta nằm im. Một nỗi sợ mơ hồ làm tim ta thắt lại. 
- Công chúa.
Có tiếng gọi ta khe khẽ cất lên như thế cùng với bước chân dẫm trên tàn lá khô.
- Là nhũ mẫu đây, công chúa.
- Nhũ mẫu! Nhũ mẫu.
Lòng ta như hân hoan khi được gặp người. Với ta, ngoài Dư ra, nhũ mẫu là người thương yêu ta nhiều nhất. Bàn tay ấy đã ôm ta từ khi còn đang ẵm ngửa. Bầu sữa đó đã rón rén nhỏ vào miệng đứa trẻ bị sinh thiếu tháng những dòng ngọt lành khiến ta hồi sinh. Người đã chứng kiến ta lớn lên hằng ngày cho đến khi ta đến An Lạc Đường.
Người đến để nhìn ta lần cuối trước khi rời cung.
Đêm đó, ta được nhũ mẫu kể cho nghe một câu chuyện lạ về người bán than trên bến Bình Than. Những ngày tháng ba thanh bình. Trời phơi xuân. Nắng chan hòa rải trên mặt nước một màu vàng sóng sánh đến lạ. Người ta thấy thuyền than trôi trên sông. Người cứ để mặc thuyền trôi suốt một đoạn sông dài rồi quay mũi thuyền tấp vào một đám lau sậy trắng muốt. Khách lãng du ngồi uống rượu một mình trên thuyền. Cái nón lá che kín nửa khuôn mặt thoáng một nét buồn u ẩn. Bến vắng. Trên bến, cây gạo già thả xuống dòng sông những bông hoa đỏ rực như lửa. Loài hoa vừa mới gọi tên thôi đã khiến lòng ta nhói buốt rồi!
- Người đó là Dư! Là Dư! Ta đã nghĩ như vậy.
- Vâng. Khi Triều đình tổ chức Hội nghị Bình Than, Hoàng thượng đã bắt gặp người đang chở than ngang qua đã cho mời vào bàn việc nước.
- Chàng nhận lời đúng không?
- Ban đầu người từ chối nhưng rồi vì thế nước, Hoàng thượng đã xuống chiếu tha tội, ban áo ngự, cho ngồi ở hàng dưới các Vương, hàng trên công hầu luận bàn việc nước.
- Chàng đã như hổ về rừng. Còn ta…
Ta đã bỏ lửng câu nói nửa chừng rồi thay vì khóc nấc lên ta lại điên loạn cười khanh khách nhìn nhũ mẫu đưa tay lau nước mắt. Ta không biết mình đang buồn hay đang vui khi những năm tháng ở đây ta đã cầu mong rằng: chỉ cần Dư hạnh phúc thôi thì suốt đời trong lãnh cung ta cũng cam lòng chấp nhận. Vậy mà, như ai đó nhắm vào tim ta mà siết. Bao tủi thân chợt trào lên nức nở. 
- Giá đưa được người rời khỏi nơi đây, khổ thân công chúa… mang danh là một quý nhân mà lại phải sống kiếp tù đày!
- Nhũ mẫu! Trái tim con đau… chỉ tại lòng con nghĩ gieo tin yêu sẽ gặt được những điều hạnh phúc nhưng không phải. Hạnh phúc ở nơi đâu trên thế gian này, người hỡi?
Nhũ mẫu già cầm đôi tay ta lạnh ngắt đang run từng đợt áp lên má bà. Ta vùng vằng đẩy ra. Bao giận dỗi oan khiên. Bao thê thiết điên loạn dồn cả lên tấm thân gầy khiến người quỵ xuống ôm chầm lấy chân ta. Người đâu có là mẹ ta, đâu có là cha ta mà lại đau nỗi đau của con trẻ lúc này. Giờ đây, trong lúc sắp rời xa ta, trái tim người vẫn không thôi lo nghĩ về ta mà lòng nức nở.
Chiều hôm đó nắng quái, An Lạc Đường như hừng lên ánh vàng. Căn phòng quanh năm sực mùi ẩm mốc phút chốc tan biến, nhường chỗ cho mùi trầu quế thơm nồng khắp gối chăn và tiếng ru cất lên não nề:
Gió đưa cây trúc ngã quỳ
Ba năm chực tiết còn gì là xuân.
5. 
- Là bài hát cho ta đấy ư? Công chúa sắc như bình bạc, mặt tựa gương báu mà sao cuộc đời lại bi ai đến thế? 
- Phải người không, đại ni, sao người nghĩ vậy, Phật gia có câu: “Tốt xấu xuất từ một niệm” người đã một lòng hướng Phật không thúc thủ trước những khổ đau, đã vượt ra ngoài vòng trần lụy rồi sao còn hỏi câu đấy?
- Ta rốt cuộc cũng chỉ là một phận người…
6. 
Kinh thành mới được lưng chừng lễ hội thì có biến. Vó ngựa Nguyên Mông như bão lũ tràn vào khiến Thăng Long không kịp trở tay. Cánh cửa An Lạc Đường một sớm mùa xuân đột nhiên mở toang gieo vào lòng ta biết bao hi vọng. 
Nhưng ta đâu có ngờ mọi sự lại diễn ra như thế. Khi ta trở lại là công chúa, được khoác trên mình những xiêm y lộng lẫy, Hoàng tộc lại tìm cách đưa ta sang sông làm con chim xanh để tìm cách hoãn binh.
Sáng đó, mặt sông êm đềm sương phủ. Con thuyền có hình chim phụng rời bến lững lờ trôi trên sông. Ta ngồi cuối mũi thuyền, hết nhìn lá cờ tuyết mao chấp chới bay trên đầu lại nhìn xuống dòng nước đang cuộn chảy chợt nhận ra mình suốt một đời cũng không thoát khỏi phận chim lồng, cá chậu, nên dẫu có mang danh là một liệt nữ xả thân vì nước lòng ta vẫn mong cầu được sống cho chính mình một lần trong đời.  
Nghĩ thế, ta buông mình xuống dòng sông. 
Dòng sông mở lòng đón ta từ lúc đó. Ta nằm im trong sự bao dung vô bờ, nước vấn vít vỗ về nâng ta lên thinh không nơi có giọng hát vang lên thê thiết.
Bởi vì một người từ bỏ một tòa thành
Chỉ bởi vì một người mà tìm cả một đời
Ta vẫn là ta như chưa từng rời đi
Bởi vì một tòa thành mà đánh mất một người
Yêu đến cuối cũng chỉ là vô nghĩa…
7. 
- Vô nghĩa… tất cả đều vô nghĩa
- Không, không đúng, đại ni, người đã vì muôn dân mà dìu dắt chúng sinh. Người cho khai khẩn đất hoang, lập điền trang, trồng cấy lương thực, mở chợ cho dân buôn bán, quy tụ dân trong vùng đến làm ăn sinh sống… đó làm sao gọi là vô nghĩa.
- Nhưng ta… sâu thẳm lòng ta vẫn mang nợ…
Đại ni nói được đến thế rồi khẽ khàng nhắm mắt. Đêm sầm sập xuống. Tiếng chuông chiều tắt lịm giữa lưng chừng trời. 
Không lâu sau đó, trước cổng chùa có tiếng ngựa ghìm cương. Viên tướng nhảy như bay xuống ngựa, áo choàng còn nguyên mùi chinh chiến. Nhưng đã muộn. Đại ni đã viên tịch. Bàn tay kia đã nguội lạnh rồi. Người nằm giống như đang ngủ, khuôn mặt vẫn tự tại, làn da hồng hào và thanh thoát. Không có chút gì là dấu vết của sự khổ đau. 
Viên tướng quỳ phục dưới đất, bờ vai rung lên nức nở.
Ngoài sân gió vần vũ thổi. Mùa hoa gạo buông lơi... Những bông hoa rơi xuống đỏ cả một góc chùa. 
            

T.Q.N


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 209
 Hôm nay: 11364
 Tổng số truy cập: 12844061
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa