- Chi mà nặng trịch như đá rứa Lư? - Dạ, là sách vở và quần áo cho ba mươi ngày đi thực tế đó ngoại. - Cháu định đi vùng nào? - Dạ, lên Đường 20 ngoại ạ. Chiều nay, cháu sẽ sang mượn con Cúp cà tàng của anh Huy bỏ không trong kho. Anh Huy bây giờ chỉ khoái đi xe SH nên chẳng đoái hoài gì đến nó nữa. - Rứa cháu lên đấy đã nói cho bố mẹ biết chưa? Mỗi lần nghe tin cháu đi lên khu vực Trường Sơn là bố mẹ cháu lo sốt vó và trách ngoại sao không ngăn cháu lại… Lư mỉm cười nhẩn nha chiếc lá sung chan chát trong miệng, thầm nghĩ: Bà không thể biết được cái cảm giác chạy xe uốn lượn dưới mép núi đá vôi của đường Trường Sơn thú vị đến thế nào đâu? Hai bên những cung đường bạt ngàn hoa sim và hoa mua tím ngắt, những ngọn măng le cong vít cần câu và sương mù bồng bềnh như mây dưới thung lũng. Vẳng từ bên kia mái rừng là những tiếng kêu khẹc khẹc của loài linh trưởng và những tiếng hót của muôn loài chim, nghe thật thích tai biết bao. Ôi! Nhắc đến Trường Sơn, nghĩ đến loài sim mua lòng Lư lại cảm thấy nôn nao…
*
Dòng Son xanh ngắt một màu phẳng lặng trôi đi, nhà thờ đổ bóng in xuống mặt nước, năn, lác dập dìu. Đôi ba chiếc thuyền máy vừa chạy qua xô những con sóng ì oạp vỗ vào khoảng bê tông đã tróc lên từng đám. Đây là bến trung chuyển Khương Hà năm xưa, nơi hàng nghìn người làm nhiệm vụ bốc vác hàng lên các bến bãi, cùng nhiều đơn vị thanh niên xung phong và cầu đường. Vùng đất mang tính đụng đầu lịch sử nên không một ngày nào vắng tiếng gầm rít của các loại máy bay và tiếng nổ tàn bạo của bom đạn giặc Mỹ. Nhưng bây giờ, trước mặt Lư chỉ là những ngọn đồi trập trùng sắc tím. Lư bấm một vài kiểu ảnh lưu lại, sau đó tiếp tục chạy xe dọc con đường ven sông Son qua bến phà Xuân Sơn rồi theo đường Hồ Chí Minh mở rộng, rẽ vào tuyến đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây để đi đến ngầm Trạ Ang, là ngã ba gặp nhau giữa hai tuyến đường mòn nhánh Đông và nhánh Tây. Chạy xe trên con đường mòn, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, Lư nhìn xuống lòng suối bắt đầu bước vào mùa khô trơ ra những phiến đá màu nâu sạm. Cả một rừng bươm bướm trắng bay rập rờn. Nhìn cảnh này, Lư nhớ lại mỗi khi cô hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” đến cái đoạn: Còn em thương bên Tây anh mùa đông/ Nước khe cạn bướm bay lèn đá/ Biết rằng anh say miền đất lạ…, bà thường thở dài: Nếu thấy cảnh đó lúc chập tối thì cầm chắc cái đói vì không có nước nấu cơm. Cả chục cây số vuông quanh đó không thể có nguồn nước…
*
Xe càng vào sâu, rừng đại ngàn Trường Sơn càng rợp bóng che phủ. Con đường gập ghềnh, uốn khúc tạo nên những cú xóc mạnh như trời giáng. Lư tấp xe vào lề đường lúi cúi kéo vạt áo lau lại cặp kính mắt, thầm nghĩ: Mình đã đi quá sâu rồi! Và khi Lư ngẩng lên thì một cảm xúc vỡ òa, sau đó là lặng người đi. Trước mắt Lư là cả một rừng cây săng lẻ cao vút mấy chục mét đang dang rộng cánh tay chào đón cô. Những bóng nắng tròn xinh như trứng vịt lọt qua tán lá vung vãi xuống mặt đất điểm tô cho vẻ đẹp diễm kiều, ma mị. Rừng săng lẻ mộc mạc đơn thuần cứ xạc xào trút lá vàng khô. Lư ngây ngất cùng du khúc của rừng và ngắm những cụm hoa tím lãng mạn như đang ở trời Tây. Chiếc máy ảnh trên tay cô không ngừng vang lên những âm thanh xoạch xoạch. Đi đến mỏi chân, Lư dừng lại dưới một gốc cây săng lẻ cổ thụ xem lại mấy bức ảnh rồi thiếp đi từ lúc nào… Trong giấc ngủ mê man giữa rừng, những câu chuyện không đầu, không cuối cứ bùng bùng bên tai: - Sao vườn nhà mình nhiều cây cổ thụ thế hở ngoại? - Ừ, ngày ấy làng ta là bãi tập kết hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Riêng nhà mình đã hiến cả nhà, cả vườn cho binh trạm giao liên làm kho. Nhà mình đã đón biết bao lượt quân đi và quân đến nghỉ lại. Cây bằng lăng này là do anh Tính, bộ đội quê Thanh Hóa trồng. Những cây săng lẻ kia là của tốp lính Hà Nam. Còn cây sưa này là… Giọng ngoại như nghẹn lại… Bà rưng rưng đưa tay vuốt ve lên những vết chặt nham nhở của thân cây như vuốt ve vết thương trên ngực của Trịnh Hùng, người chiến sĩ quê ở Tiền Hải, Thái Bình mà ngoại đã trao gửi cả đời con gái… Thấy nhà ngoại có cây sưa cổ thụ có giá trị lên đến tiền tỷ nên bọn trộm ngày đêm không ngừng rình rập ở khu vườn. Thân cây đã đôi lần hứng chịu những nhát rìu nham nhở. Ngoại lo lắng báo cho bố mẹ Lư biết và ngay tuần sau, một bờ tường rào kiên cố được bao bọc xung quanh khu vườn. Cả ngoại và Lư đều không thích bờ rào cứng nhắc ấy, nhưng đành phải làm thế để bảo vệ cây sưa kỷ niệm. Đã có lần, ngoại kể cho Lư nghe về cái tên Trịnh Thu Sưa của mẹ Lư… Từ ngày cây sưa bị thương, sức khỏe của bà cũng yếu dần đi, có lẽ càng về già bà càng cảm thấy cô đơn và những yêu thương xưa cũ thi nhau kéo về bóp chặt lấy vòm ngực xẹp lép của bà với những cơn ho rút ruột hằng đêm… Từng mảnh ký ức chập chờn tâm tưởng… - Hoa sưa trắng trong và tinh khiết như tâm hồn của em vậy Liêu ạ. Anh nhặt được cây non này ở rừng Trường Sơn sau một trận bom xới. Em dẫn anh ra vườn trồng nó nhé. Liêu xúc động rửa lại vết thương trên ngực Trịnh Hùng rồi dìu anh ra vườn. Liêu chỉ cho anh một khoảnh đất gần ngay chỗ những cây bằng lăng và săng lẻ của những tốp lính trồng trước đó. - Anh không thích trồng ở đó, em sẽ nhầm với cây của những chàng trai khác rồi quên mất anh thì sao? Liêu mỉm cười véo vào má Trịnh Hùng rồi úp mặt vào ngực anh nũng nịu: "Làm sao mà em quên anh được chứ?". Hùng nhăn nhó kêu lên: - Á đau! - Ôi, em xin lỗi… Liêu rời khỏi vòm ngực anh, mắt rưng ngắm những vết thương. Hùng đưa tay khẽ lau những giọt nước mắt trên má Liêu rồi kéo người yêu bé nhỏ vào lòng thủ thỉ: "Anh đùa chút thôi, em đừng khóc nhé…".
*
Những âm thanh vang rền ngoài kia đã đánh thức Lư dậy. Chiều rồi ư? Lư thảng thốt nhìn ngắm khu rừng nhạt nhòa trong thứ ánh sáng ma mị, bí ẩn. Cô chạy một mạch ra khỏi khu rừng và như có ai xui khiến, cô lao ra đường dang tay chắn ngang đoàn xe đang đi tới. Một người đàn ông đầu bạc mặc bộ quân phục bạc phếch ngồi trên ca-bin ló đầu ra hỏi: - Có việc gì thế hả cháu gái? Cô liếc nhìn đoàn người ngồi trong xe. Đa phần họ cũng đều mang những bộ quân phục cũ sờn cùng vài người phụ nữ ăn mặc bình thường. Ai nấy đều mệt mỏi phờ phạc, có lẽ họ đã trải qua một chặng đường khá xa để tới đây. - Cho cháu hỏi đây có phải đoàn xe của Hội Cựu chiến binh đi tìm mộ liệt sĩ không ạ? - Ừ đúng rồi cháu. - Cho cháu theo với có được không ạ? Cháu đi tìm ông ngoại cũng hy sinh ở cánh rừng Trường Sơn này. - Ông cháu quê ở đâu? - Dạ ở Tiền Hải, Thái Bình. - Ồ thế thì trên xe cũng có người đồng hương với ông cháu đấy! - Dạ, cảm ơn các bác, các cô chú… Lư ngồi cạnh chàng trai đã giúp cô gửi xe vào trạm kiểm lâm bên đường. Anh không dám nhìn thẳng vào mặt cô để hỏi chuyện mà thỉnh thoảng chỉ liếc vào gương chiếu hậu. Cô gái có nét gì đó thật bâng khuâng khó tả. - Anh cũng quê Thái Bình à? Anh đi tìm ai thế? - Ừm, anh ở Thái Bình, đi tìm ông chú là chồng bà cô trong họ của anh hy sinh ở trong này. Bà cô của anh lớn tuổi rồi nên mới nhờ cậy anh theo đoàn đi tìm giúp. Đáng lẽ ra anh đã đi tìm lâu rồi, nhưng vì công việc nên cứ lần lữa mãi... Còn em đang học hay đã đi làm rồi? - Em là sinh viên năm cuối khoa Báo chí. Em có một tháng để đi thực tế làm đề tài tốt nghiệp. - Thế à... Xe dừng lại ở một mái đá bên cánh rừng. Bên trái là một vực thẳm, đoàn người lần lượt xuống xe và lần theo sự chỉ dẫn của một cựu chiến binh lớn tuổi nhất. Lư thầm nghĩ, liệu mấy chục năm rồi, trí nhớ có còn minh mẫn để đưa đường dẫn lối? Nhưng cô đã sai, ký ức của những người lính đã một thời vào sinh ra tử ở mặt đường này không bao giờ phai nhạt, dù rừng núi, đất đai có bị mưa lũ xói mòn, cây cối phủ xanh rợn ngợp… Họ vẫn nhận ra dấu tích bên mái đá này là cây dâu da rừng cao vút, quả vàng mọng chi chít xum xuê từ thân kéo dài tận gốc. Lư gần như reo lên khi nhìn thấy những chùm dâu da. - Khoan, để cô y tá làm phép trừ bệnh cho đã. Một người đàn bà áo đen tiến lại gần và chiếu ánh nhìn rất sâu vào mặt cô rồi đưa tay ấn những điểm huyệt trên đầu. Bà lẩm nhẩm nói những câu gì đó như là thần chú. Linh hồn của cô y tá đang nhập vào bà ấy? Lư không tin lắm vào chuyện nhập đồng, nhưng bây giờ dưới vực sâu Lư cũng đang khấn. Cô nguyện cầu ở đâu đó trên cánh rừng Trường Sơn xanh trùng điệp này, linh hồn của ông ngoại sẽ nhập vào trong thể xác cô mà dẫn lối. Lư nhắm mắt một hồi lâu, những giọt mồ hôi lấm tấm mướt ra trên trán và một bàn tay vững chãi khẽ đặt lên vai cô: - Em mệt à? Lư mở mắt. Phú Thái, chàng trai quê ở Thái Bình đứng trước mặt cô với vẻ quan tâm lo lắng. - Em không sao, chỉ hơi mệt chút thôi anh ạ! - Để anh dìu em lên trên đường nhé… Từ trên mặt đường nhìn xuống nơi những cựu chiến binh và các thân nhân của liệt sĩ đang gói ghém hài cốt vào một cái tiểu được phủ vải đỏ, một đàn bướm trắng bay từ dưới vực lên, lượn vòng xung quanh cô cùng Phú Thái và người cựu chiến binh cụt một chân đang ngồi nghỉ bên tảng đá. Ông đưa máy ảnh lên định chụp một con bướm đang đậu trên một cành khô nhưng chưa kịp chụp thì nó lại bay sang đậu ở bên một tảng đá khác. Vài lần như vậy, người cựu chiến binh thốt lên: "Có phải đồng đội của tôi thì xin dừng lại cho tôi chụp một kiểu ảnh kỷ niệm. Tôi cũng muốn đi xuống dưới đó lắm nhưng ngặt nỗi chân cẳng thế này không đi được…". Mắt Lư đỏ hoe, vòm họng đắng ngắt: "Ngoại ơi, bây giờ ngoại đang ở đâu?". Lư đang mơ màng như tỉnh như say thì bỗng đâu có tiếng sáo cao vút cất lên, đánh thức hoàn toàn tâm trí của cô. Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Em đứng, đứng ở bên đường, như quê hương, vai áo bạc quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã. Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa… - Ôi, bác thổi sáo hay quá! - Đây là cây sáo của một đồng đội tôi đã hy sinh, chúng tôi đều là những người lính văn nghệ nên rất hiểu nhau và thương nhau như anh em ruột thịt. Không biết bây giờ cậu ấy đang nằm ở đâu giữa khu rừng này? Trịnh Hùng ơi… tôi đang thổi cái bài mà cậu thích thổi nhất đấy! - Kìa bác! Bác vừa nhắc đến... người đồng đội của bác là Trịnh Hùng à? Đó là tên của ông ngoại cháu… Lư sà đến bên người cựu chiến binh và nắm chặt lấy cây sáo. Một nỗi xúc động trào dâng đến nghẹt thở, khiến cô không thể nói thêm được lời nào nữa. - Cháu gì ơi… Mau xuống đây đi! Lư lao tuột xuống con dốc phủ đầy lá và gai góc, người đàn bà áo đen đưa cho cô một lọ thủy tinh bé xíu, bên trong có mảnh giấy ghi tên tuổi và địa chỉ đầy đủ của người nằm ở dưới đó. Bà nói sẽ đưa hài cốt đi thẳng về quê hương chứ không ghé ngang, ghé dọc ở đâu hết. - Ngoại ơi… Lư bốc một nắm mùn đất đưa lên ngang mặt, nước mắt lã chã rớt xuống những ngón tay run rẩy. Phú Thái quỳ xuống bên cạnh Lư, cũng xúc động không kém: "Cô ơi, cháu đã tìm thấy chú rồi, cháu sẽ đưa chú về đoàn tụ với gia đình, với quê hương Tiền Hải…". Lư quay sang nhìn Phú Thái, trong niềm xúc động không thể kìm nén, họ ôm chặt nhau, nụ cười nhòa trong nước mắt. - Anh sẽ đón ngoại và em ở Thái Bình. Một ngày nào đó… Lư gật đầu. Bấy giờ Trường Sơn đang mùa hoa sưa…
T.D