Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Gió về ngõ vắng - Nguyễn Thu Hằng
Gió về ngõ vắng - Nguyễn Thu Hằng

Tôi vẫn còn nhớ chuyện xảy ra trong tiết trả bài tập làm văn đầu tiên hồi tôi học lớp bốn. Vừa nhìn trộm thấy điểm ba đỏ chót trong tờ kiểm tra của tôi, thằng Nhật đã nhoài người giật phăng lấy, vẫy tít như vẫy cờ rồi chạy vòng quanh lớp. Đám bạn hò reo cổ vũ. Trong lịch sử lớp 4A chưa từng có học sinh bị điểm 3. Hiện tượng này bỗng trở thành trò cười cho cả lớp. Những câu văn tôi đã phải nặn óc nghĩ cả buổi trưa, cả buổi chiều rồi lại cả buổi tối nay được đọc oang oang như loa phát thanh. Lại còn phát đi phát lại: “…Cu Tý cao bằng cây cau lùn, bố em mới trồng đôi bắp tay tròn bằng thân cau, sờ vào mềm như bún mái tóc chổng ngược. Rễ cau chập chững đi ra cổng Tý tới gốc cau thì vạch quần tưới một đường căng, vòi bơm bị bắt quả tang định chạy đã ngã oạch mông xuống vập môi vào, cây cau sưng vếu ba ngày sau thì cây cau héo rũ, còn môi Tý vẫn tím…” Tôi lao vào đấm thằng Nhật.
“Dấu câu đặt vô tội vạ. Bài văn làm ở nhà, sao con không tham khảo mấy quyển văn mẫu?”. 
Tôi cãi: “Đấy là tả các em bé khác còn đây con muốn tả cu Tý nhà mình. Còn dấu câu con mải tả nên quên mất chẳng để ý thôi”. 
Sau hôm đó, tôi không chạy lung tung đi chơi với lũ bạn trong xóm nữa, tôi ngồi lì trong nhà học viết bài tập làm văn, học cách đặt dấu câu cho đúng vị trí. Tới lớp, tôi trở nên trầm lắng. Trong các giờ học tôi ngồi nghiêm túc như một pho tượng, mắt nhìn, tai nghe, tay ghi, đúng mẫu hình của học sinh nghiêm túc. Các bài Tiếng Việt và Tập làm văn điểm đang nhích lên, còn các môn khác thì còn khả quan hơn nữa. Đã có vài lời khen ngợi trong lời phê và sổ liên lạc gửi về cho bố mẹ. Cho đến bài kiểm tra học kì, tôi đã được điểm 9 bài Tiếng Việt và Tập làm văn, còn Toán và các môn khác đều điểm 10. Khỏi phải nói là tôi vui thế nào. Tôi đi như bay về nhà. Giữ lời hứa, ngay chiều hôm ấy, mẹ chở tôi ra hiệu sách ở chợ huyện. Không có nhiều truyện thiếu nhi nhưng cuối cùng tôi cũng chọn được cuốn truyện “Hạt mít ngao du” của nhà văn Hoa Lê, tôi cũng mua thêm cho cu Tý con thỏ biết kêu bíp bíp.
Buổi sáng mùa hè đầu tiên, tôi tìm một chỗ yên tĩnh để thưởng thức cuốn truyện, đó chính là rặng nhãn mé con sông nhỏ áp ngay vườn cây nhà tôi. Chỗ này râm mát, nhiều chim chóc đến, lại có nhiều cành nhãn già như cái ghế để cho tôi ngồi đọc sách. Tôi đã chọn một cái ghế chạc ba thật vững chắc để lúc thì ngồi, lúc thì nằm trong khi mải mê đọc truyện sẽ chẳng sợ ngã xuống sông. 
Nhưng đến chiều hôm sau, khi đi học về thì tôi đã thấy “Hạt mít ngao du” của tôi bị cắt nham nhở vứt đầy dưới nền nhà. Thủ phạm không ai khác chính là cu Tý, tang vật còn nguyên trên tay là cây kéo thủ công của tôi. Mặt đã dính đầy những mảnh giấy nhỏ và tiếp tục thè lưỡi liếm nước bọt dính tiếp một mảnh nữa lên trán, cu Tý nhìn thấy tôi nhăn nhở cười, lấy tay bành mồm cho rộng ngoác ra dọa ngáo. Tôi gào lên, chạy ra giằng lấy quyển truyện đã nát như tương bần, nức nở khóc. Tôi còn nhớ rõ cảm giác rất đau đớn, tưởng như bị ai cắt từng miếng thịt trên người mình ra vậy, đau đớn hơn nhiều lần bị tụi bạn đọc bài văn Tưới cau làm chết của cu Tý hồi trước. Thấy tôi khóc to quá, cu Tý chợt kêu ré lên vì sợ và cùng đồng thanh khóc theo. Mẹ bế cu Tý lên dỗ, còn mắng tôi làm cho em sợ. 
Bị đối xử không công bằng, tôi thấy mình quá oan uổng, bèn bỏ chạy ra khỏi nhà, chui qua vườn cây nhà mình, men theo con đường mòn ra rặng nhãn rồi trèo lên cây ngồi trên đó mà khóc nốt cho hả dạ. Hồi chúng ta học lớp bốn, tôi đồ rằng tất cả chúng ta ai cũng có tính hay nhè, nên tôi như thế cũng không có gì là ngoại lệ. Khóc chán, đâm ra mệt, trưa lại nắng chang chang khiến mắt tôi díp lại, tôi đã ngủ trên cây nhãn lúc nào. Chẳng biết tôi đã ngủ bao lâu. Chỉ biết rằng trong lúc ngủ tôi đã mơ mình mọc cánh như Hạt mít rồi vươn mình định đi ngao du, nhưng khi vỗ cánh người tôi lại không bay lên cao mà rơi tòm xuống nước. Nước trùm lên tôi, tôi ho sặc sụa vì nước đang tràn vào miệng, vào mũi. Tôi cố vẫy vùng chân tay để ngoi lên nhưng không được, người tôi mỗi lúc một nặng, mỗi lúc một chìm dần trong nước, chợt một bàn tay đã túm lấy chỏm tóc của tôi.
Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trên đám cỏ ngay cạnh gốc nhãn tôi đã trèo lên ngồi khóc. Và bên cạnh là một ông lão đánh giậm với đầu tóc bù xù, răng vẩu, môi thâm, da mặt sần sùi mụn sẹo, bàn tay trái còn bị cụt mất hai ngón, bàn chân, bàn tay đều sần sùi, bong tróc như gốc rễ cây cổ thụ. Ngang lưng ông lão đeo giỏ, sau lưng là cái giậm, ống mõ.
“Tỉnh hẳn chưa cô bé?”.
Giọng ông lão rất ấm. Tôi có vẻ an tâm nhưng rồi tôi lại thấy sờ sợ khi nhìn thấy khuôn mặt và những đôi bàn tay, bàn chân của ông sần sùi như sủi cảo, tôi lặng lẽ gật đầu.
“Sao lại lên cây ngủ để bị rơi xuống sông thế cháu gái? May mà trưa nay lão Tép dở người đi đánh giậm ban trưa đấy. Cháu tên gì con cái nhà ai?”.
“Cháu là Cúc, cháu cảm ơn ông đã cứu cháu ạ”.
Ba ngày sau buổi trưa tôi hạ cánh xuống sông được lão vớt lên, tôi lại mon men ra bờ sông để trèo lên cây nhãn. Chẳng là trong mảnh giấy gói xôi sáng mẹ mua cho tôi chính là một đoạn truyện thiếu nhi của nhà văn Hoa Lê, dù có mất góc trên, góc dưới nhưng tôi vẫn hăm hở đọc đoạn giữa truyện nên không nghe thấy tiếng lội nước lõng bõng cùng tiếng đánh giậm thùm thụp dưới sông. Cho đến khi có tiếng reo vui vì đánh được mẻ cua to thì tôi mới nhìn xuống sông. Lão Tép nở nụ cười, nâng giậm lên khỏi mặt nước giơ cho tôi xem đám cua lổm ngổm trong giậm. 
Chỉ ba bước chân tôi đã tụt xuống gốc nhãn và chạy lại xem cua của lão.
“Cháu không sợ ngã à mà lên đấy?”.
“Cháu lên đọc truyện”.
“Truyện gì mà say thế”
“Cháu không biết”.
Tôi chìa tờ giấy báo dùng để gói xôi sáng cho lão xem. Mắt lão Tép vẻ sáng lấp lánh như nước dưới sông, tôi khoe ngay:
“Truyện này của nhà văn Hoa Lê đấy. Ông ấy chính là cha đẻ của Hạt mít ngao du, và là thần tượng của cháu”.
“Thần tượng cơ à? Sao cháu lại thích ông ấy?”.
“Vì ông ấy rất đẹp trai, lại hiền, còn rất yêu trẻ con. Cốt nhất là viết văn hay”. Giọng tôi dõng dạc.
Ông lão cười khà khà. Những cái mụn bỗng đỏ tấy lên trông mặt ông càng xấu nhưng cũng không quá sợ.
“Cháu đã gặp ông ấy rồi sao?”.
“Cháu sẽ cố gắng học giỏi để đỗ đại học thì mới có thể gặp được ông ấy”.
“Nhỡ đâu ông ấy vừa già khọm vừa xấu xí thì cháu có gặp không?”.
Tôi khẳng định chắc như nêm cối: “Không bao giờ có chuyện đó. Ông ấy sẽ còn rất trẻ nên chắc chắn là ông ấy sẽ rất đẹp trai!”.
“Có thể là vậy. Cháu thích trèo cây thì phải biết bơi. Có muốn học bơi không ?”.
Tôi mong muốn được bơi bằng cây chuối giống như bọn thằng Nhật. Lão Tép chặt cây chuối nhỏ cho tôi bơi. Tôi khoái chí bơi tung tăng như con cá nhỏ trên biển lớn. Lúc bơi bằng cây chuối tôi đã nghĩ thế này, theo tôi, mọi người nên thay đổi quan niệm về biết bơi, chỉ cần trẻ con biết bơi bằng cây chuối cũng nên chứng nhận cho chúng biết bơi rồi cũng được, điều đó sẽ kích thích ý chí tự tin của trẻ nhỏ.
Hai hôm sau, tôi lại trốn ra bờ sông trò chuyện với lão Tép. Lão dạy tôi đánh giậm và tôi lại tiếp tục học bơi bằng cây chuối. Lão Tép bảo, lão đã kiếm được nguyên tờ báo có cái truyện đem gói xôi tôi đang đọc dở, trưa mai ra đây lão sẽ đem cho tôi đọc. Nghe tin vui, tôi lại ôm lấy cây chuối đạp nước loạn xạ. Tôi còn dặn lão Tép đừng bao giờ nói thần tượng của tôi xấu trai, vì ông ấy là nhà văn chứ đâu có phải là nông dân chân lấm tay bùn suốt ngày ngụp lặn dưới sông nước bắt tôm, bắt tép như lão đâu mà xấu được. Lão gãi mu bàn tay đang sần lên vì ngứa, bảo, sẽ không nói, không chê thần tượng của tôi nữa.
Bỗng tiếng mẹ tôi giật giọng trên bờ:
“Lên ngay, ai cho con xuống sông bơi thế kia?”. 
Một tay ôm cây chuối, một tay tôi vẫy mẹ:
“Lão Tép đang dạy con bơi đấy.”
Tiếng mẹ rít lên: “Không bơi lội gì nữa lên ngay trông em cho mẹ đi làm”.
Tôi lên bờ, mẹ chạy lại kéo tay tôi lôi sềnh sệch đi. Lão Tép buông tay giậm, thẫn thờ nhìn theo mẹ con tôi.
Vừa làm sạch cho tôi, mẹ vừa đe dọa: “Không bao giờ con được lại gần cái lão Tép đó nữa, nghe không?”. 
“Sao lại không được gần ạ?”.
“Con lại gần là bị lây bệnh của lão người cây ấy. Chân tay, mặt mũi sẽ giống lão đấy, sẽ thành gốc cây sần sùi hết. Con có muốn như thế không?”.
“Nhưng lão mắc bệnh gì?”.
“Nghe mọi người kể lúc trẻ lão cũng khỏe mạnh bình thường, sau vài năm vào rừng làm thuê trong hầm mỏ, trở ra lão bị như thế”. 
Tôi đã không thể ra chỗ hẹn với lão mặc dù tôi rất muốn biết trọn vẹn cái truyện gói xôi đầu cuối nó thế nào. 
Một sáng, mẹ đèo tôi đi chợ mua cho áo mới và cho ăn bánh rán đường về qua một cái ngõ tre sâu hun hút, chỉ tay vào ngõ mẹ bảo, nhà lão Tép cuối ngõ này, chẳng mấy ai tới chơi. Lão cũng chỉ ra đồng làm vào sáng sớm, trưa chặt, hay tối sẩm để tránh gặp người. Cái ngõ nhỏ hanh hao nắng và hun hút gió đã thổi vào lòng tôi một nỗi buồn vu vơ.
Đến năm lớp 6 thì bố xin chuyển cơ quan cho mẹ lên ở gần đơn vị của bố, chúng tôi rời làng Hạ từ ngày đó. 
Tôi vẫn giữ vững ở vị trí tốp đầu trong lớp. Mẹ hay dẫn tôi đi mua truyện để thưởng cho mỗi kì thi tôi đạt thành tích cao. Nhiều truyện tôi cũng thấy hay nhưng chưa truyện nào hay bằng truyện đầu tiên tôi đã đọc, “Hạt mít ngao du” của nhà văn Hoa Lê. Mỗi lần đọc xong một cuốn truyện, mong ước gặp nhà văn Hoa Lê và tìm mua lại cuốn sách này càng trỗi dậy trong tôi. Cho đến khi tôi thi đỗ đại học ngành Văn học thì mong ước của tôi gần như đã sắp thành sự thực. Tôi chào bố mẹ và cu Tý để lên thành phố học. 
Chỉ sau một năm, tôi đã được bình chọn là sinh viên xuất sắc, được nhận học bổng, tôi cũng đã viết được một vài bài văn ngắn đăng báo. Bất ngờ hơn nữa là trước khi nghỉ hè, nhà trường sẽ tổ chức một buổi giao lưu giữa sinh viên ngành Văn học với nhà văn Lê Hoa, tôi được đại diện cho các bạn lên phát biểu. Tôi không hết mong mỏi biết đâu ông Lê Hoa với ông Hoa Lê là một, chỉ là đảo vị trí hai từ mà thôi, các nhà văn có nhiều bút danh lắm, nhất là chuyện đảo họ tên cho nhau thế này thường xảy ra. 
Ngày mong chờ đó đã đến. Buổi giao lưu diễn ra vui vẻ, ấm áp, đầy chất văn chương. Nhiều câu hỏi được đặt ra với những tác phẩm của ông Lê Hoa, nhưng chỉ có điều tôi chưa nghe ông nhắc đến “Hạt mít ngao du” bao giờ. Hi vọng rất mong manh, nhưng tôi cũng cố chầu trực để gặp riêng nhà văn Lê Hoa, ông đã rất niềm nở bắt tay tôi khi nhận ra cô sinh viên đã lên phát biểu lúc trước.
“Bạn hỏi về nhà văn Hoa Lê à? Ông ấy chính là thầy dạy nghề văn cho tôi. Tôi cũng thích ông kể từ khi đọc “Hạt mít ngao du”. Khoảng cách xa xôi nên thầy trò chủ yếu gặp nhau qua thư từ. Giờ thì ông ấy đang bệnh nặng lắm. Tôi định ngay sau buổi hội thảo này sẽ đáp xe về quê thăm ông ấy. Chừng sáu mươi cây số”. 
Tôi xin nhà văn cho bám càng. Chúng tôi trò chuyện đến nửa chặng đường thì tôi chợp mắt thiếp đi, cho tới lúc nhà văn Lê Hoa vỗ vai, giục xuống xe tôi mới bừng tỉnh. Nhà văn Lê Hoa giở dòng địa chỉ ghi trên một chiếc phong thư, rồi hỏi một người dân qua đường, họ chỉ tay vào làng. Tôi dụi mắt cho tỉnh hẳn ngủ, ớ người khi nhận ra cảnh sắc quen thuộc của làng Hạ. Đúng là ngôi làng tôi đã từng sống quãng tuổi thơ khi mẹ chuyển công tác đến đây. Càng sững sờ hơn nữa là ông Lê Hoa đã rẽ vào đúng cái ngõ tre sâu hun hút mà mẹ tôi đã chỉ ngày xưa. Cuối ngõ là ngôi nhà ngói cũ đã sập sệ. Ông Lê Hoa bảo đây là nhà của nhà văn Hoa Lê. Tôi thấy ngực bỗng rực lên cảm giác khó tả. Chúng tôi bước vào nhà. Gian giữa kê bàn thờ, bên trái là một giá sách đóng bằng tre, bàn uống nước cũng bằng tre, bên phải là chiếc giường ọp ẹp. Một bà già đang ngồi lau mặt mũi, chân tay cho người bệnh. Mắt tôi hoa đi khi nhận ra đôi tay sần sùi, bong tróc như gốc cây, bàn tay trái bị cụt mất hai ngón, tôi lặng người nhận ra lão Tép ngày xưa.
“Thưa thầy, biết tin thầy lại trở bệnh nặng, hôm nay em mới thu xếp về thăm thầy được. Thầy thấy trong người thế nào ạ?”.
“Từ hai hôm nay cậu ấy không ăn không nói được nữa rồi chú ạ”.
“Thầy có nhận ra em không ạ?”.
Người bệnh ngước đôi mắt mệt mỏi, gật đầu.
Ông Lê Hoa kéo tôi đứng sát đầu giường, rồi lại cúi xuống nói:
“Cô bé này đang là sinh viên ngành Văn học, đã đọc “Hạt mít ngao du” của Hoa Lê từ nhỏ, có ước mơ lớn muốn được gặp nhà văn Hoa Lê, thần tượng từ tuổi nhỏ của mình. Nên cô bé đã theo em về thăm thầy đấy. Cô ấy là...”.
Chưa đợi cho ông Lê Hoa nói hết câu, mắt tôi đã thấy cay cay, tôi cúi xuống nắm lấy đôi bàn tay sần sùi gốc cây của lão Tép.
“Cháu là Cúc đây, cái Cúc ngồi trên cây nhãn bị ngã xuống sông được ông vớt lên ngày xưa đó”.
Khuôn mặt nhăn nheo chỉ còn da, xương có những chuyển động nhỏ,  đôi mắt đã mờ đục như sương giăng, lão Tép nhìn tôi chậm chạp, rồi lão từ từ đưa mắt về phía giá sách cũ kê cạnh cửa sổ, miệng lão mấp máy, giọng lão hay hơi thở, mênh mang như gió về ngõ vắng, tờ báo có truyện ngắn bị gói xôi và cuốn “Hạt mít ngao du”, ta vẫn để dành cho cháu kia.
            

N.T.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 152
 Hôm nay: 10253
 Tổng số truy cập: 12842950
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa