Pủa Châng đậu trên ngực núi - Phan Đức Lộc
Tiếng hót chim nồng chếnh đánh thức miền nắng chói chang trên nương ngô giữa mùa thu hoạch. Như thể đã bị giam cầm rất lâu sau những tầng mây dày đặc, nắng sóng sánh bung ra lấp đầy khoảng nương lào phào xác lá. Mới nửa buổi sáng mà trời nóng hầm hập như nồi nước xông. Mụ Dớ giao cả nương ngô này cho Pà. Hôm nay không thu hoạch xong thì đừng trách sợi roi mây mù mắt. Pà có thể chịu đói, chịu rét, chịu khổ. Nhưng không biết từ bao giờ, Pà sợ sợi roi mây trên gác bếp chưa một lần kịp ám đen bồ hóng ấy để lại sẹo trên bắp chân nà nõn của mình…
Mụ Dớ đẹp như đóa pủa châng trên thân cây nhiều gai nhọn. Pà chớm làm điều gì không vừa bụng, đôi mắt mụ lại vằn lên những tia đòng đọc. Pà là con trâu, con bò trong nhà. Chỉ khác là con trâu, con bò thong thả đi bằng bốn chân, còn Pà thì sấp ngửa đi bằng hai chân và có khi phải lết bằng cả hai tay nữa. Pà làm việc của con trâu, con bò để đổi lại những bữa cơm của con mèo, con chó. Mỗi bữa, sau khi ăn no nê, mụ thường trộn cơm, sắn với nước kho và đầu cá, chia ba phần: phần cho bầy chó, phần cho đàn mèo, phần còn lại là của Pà. Pà quen rồi, quen mình là bạn của chó, mèo, trâu, bò chứ không phải là đứa con gái nuôi cùng họ của mụ.
Mẹ ruột Pà bị người thương lừa bán sang vùng đất xa tít bên kia đỉnh Hồ Thầu, đến năm ba mươi tuổi thì xơ xác trở về bản với cái bụng đùn lên chềnh ễnh. Vào một đêm mưa gió tơi bời, bà quằn quại sinh Pà rồi chết trong vũng máu lênh láng. Tục vùng này bao đời vẫn thế, khi người mẹ chết, đứa con chưa đầy tháng nếu không ai nhận nuôi phải chôn sống theo. Mụ Dớ vùi nhúm nhau thai của Pà dưới gầm giường nhà mình. Nén tiếng thở dài trong lồng ngực, mụ than với chồng:
- Ây dà, con chị tao đấy à. Nuôi thì khổ mình. Chôn thì thương nó…
- Vất vả lắm.
- Có ngô ăn ngô. Có sắn ăn sắn. Vất vả chút rồi nó đi lấy chồng, mình lại được tiền thách cưới.
Như nương hạn khát cơn mưa rào, lễ Gầu tào(1) năm nào vợ chồng mụ Dớ cũng xin thần linh ban cho một đứa con nhưng qua bốn mùa ngô, bụng mụ vẫn chẳng khác gì quả mướp khô, lép kẹp. Thầy cúng bảo, nhà mụ có con ma xấu trốn dưới gầm giường, làm hết lễ Ùa bùa choeng(2) đến lễ Nhủa choeng(3) mà đuổi thế nào nó cũng không chịu bỏ đi. Chồng mụ là tộc trưởng của dòng họ Mùa. Nếu không đẻ được con trai, sau này chết đi sẽ thành con ma cúi đầu, chẳng dám ngẩng mặt nhìn tổ tiên, ông bà và người trong dòng họ. Sốt sắng, mẹ chồng nhiều lần sang các bản lân cận hỏi mấy đứa gái quá lứa lỡ thì về làm vợ bé cho thằng con trai độc nhất. Ba cô vợ bé lần lượt háo hức đến và lẳng lặng đi. Rồi mẹ chồng chết, cuối cùng, đàn bà trong nhà chỉ còn mụ Dớ…
Học đến lớp hai, cái cặp của Pà cứ tung tăng chạy về đến nhà là cái chữ rơi hết trên đường. Người ta nuôi cả bầy bò, đàn trâu mấy trăm con giống nhau còn nhớ hết mặt. Cái mặt chữ hiền lành thế mà Pà không kết thân được. Cô giáo người Kinh dạy: “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì thêm râu”. Mồm Pà thuộc làu làu mà mắt Pà chẳng phân biệt nổi. Cả lớp, ai cũng chê cười, chòng ghẹo Pà. Thế rồi, Pà đến trường nhưng chẳng dám vào lớp. Nghe bạn cùng lớp Pà tới nhà mách chuyện, Mụ Dớ túm tóc Pà lôi xềnh xệch từ góc bếp ra, dùng cán chổi đánh một trận rách tả tơi váy áo. Mày thích bỏ học thì tao cho mày ở nhà làm nương.
Pà làm cái gì cũng chậm chạp, vụng về. Mụ Dớ cầm tay dạy việc buổi sáng, buổi chiều Pà đã quên. Hôm thì Pà ngủ gật bên tảng đá để đàn trâu sà xuống chân núi gặm rụi cả nương lúa đang cuộn đòng đòng. Hôm thì Pà lùa nhầm bầy bò nhà hàng xóm. Mụ vót hẳn một sợi roi mây nhẵn thín giắt sẵn trên gác bếp. Hễ Pà phạm lỗi, mụ lại quất Pà đến mức trán mụ vã mồ hôi bướt bện và miệng thì thở hồng hộc như đang vỡ đất. Pà biết đau, biết khổ. Nhưng Pà không biết giận, biết hờn. Mới no đòn, nhưng lát sau, mụ sai làm việc này, việc nọ, Pà lại, vâng vâng, gật gật.
Càng lớn, Pà càng xinh đẹp giống mụ Dớ như thể con ruột. Da trắng như cánh ban. Tóc mềm như dòng suối. Ngực nhô như sóng núi. Bắp chân hoa chuối rừng. Mười lăm tuổi, nhưng cái đầu Pà vẫn mãi ngây ngô như đứa trẻ lên năm, lên sáu. Pà chỉ biết chăn trâu bò, làm nương. Còn mỗi lần ngồi vào khung cửi, đôi bàn tay Pà thể nào cũng lóng ngóng làm rối tung những sợi lanh mỏng mảnh. Những nhà có con gái tuổi đó, khi bóng tối ập xuống, ngoài cổng luôn rộn ràng tiếng sáo, tiếng kèn. Nhà Pà thì đêm nào cũng lùm lùm bóng tối. Con gái Mông không biết thêu khăn, dệt váy làm sao lấy được chồng? Mụ Dớ ức lắm. Nuôi bò đổi được tiền chứ con Pà ấy à, cho không người ta còn chẳng thèm đếm xỉa.
- Biết thế ngày xưa chôn nó cùng mẹ nó đi có phải hơn không?
- Tại mày tiếc tiền không làm lễ gọi vía cho nó. Vía khôn của nó bị ma xấu bắt mất rồi!
Mặt trời đã leo lên đến đỉnh ngọn pủa châng chúa. Pà lo lắng nghĩ về chiếc roi mây sắc bóng vẫn chực chờ trên gác bếp như con vắt thèm bắp chân gái bản. Tiếng chim nồng chếnh từ bụi cỏ lau nào đó thảng thốt vọng ra từng hồi dồn dập như thúc giục. Trên những lối mòn cong cong, người người đang cõng những chiếc lù cở vun đầy bắp túc tắc về bản càng làm ruột gan Pà nóng lên bứt rứt. Pà muốn khua nhanh mà đôi tay chẳng chịu nghe lời cứ nhừ mỏi và nặng trĩu như bị treo vào hai khúc gỗ lim. Tự dưng, Pà quỵ xuống bên gốc ngô, khóc nức nở. Lát sau, có tiếng chân thình thịch rẽ luống ngô chạy đến:
- Pà, có chuyện gì thế?
Là thằng Xè nhà ở đầu bản. Nhà Xè giàu lắm nhưng giống như Pà, ngày nào cái chân, cái tay Xè cũng phải làm việc quần quật từ khi chim rừng gọi sáng cho đến lúc mặt trời chìm sau cánh núi. Lão Nếnh, bố Xè kể rằng mẹ Xè vào rừng hái lá thuốc, đi lạc đến thung Sai Chản, bị đười ươi bắt mất. Lão cưới vợ mới, đẻ ra thằng Xá. Họ nâng niu thằng Xá như quả trứng chim nồng chếnh. Còn Xè là hạt cỏ dại sót lại trên nương, thẳng mọc thẳng, cong mọc cong. Hễ say rượu, lão Nếnh lại đánh đập Xè vô cớ. Khắp người Xè, từ gót chân tới gương mặt, chỗ nào cũng sần sùi sẹo như vỏ cây pủa châng già. Gặp Xè, con gái né tránh, trẻ con khóc ré lên. Vậy mà Pà không thấy sợ. Pà vân vê những ngón tay cáu bẩn, vừa nấc vừa nói:
- Pà sợ không bẻ kịp. Pà sợ bị mẹ nuôi đánh.
Gỡ những lọn tóc bên bết trước trán Pà, Xè cười hiền:
- Nín đi Pà. Xè sẽ giúp Pà.
Xè bảo Pà ngồi tựa vào lù cở nghỉ ngơi rồi thoăn thoắt bẻ những bắp ngô già gom lại thành từng đống nhỏ trên mặt nương. Nắng trưa làm cho nước da nâu nơi bắp tay Xè cuộn lên săn vạm. Mồ hôi Xè rỏ xuống như vẩy nước trên từng phiến lá ngô. Cái thứ mùi nồng nồng, đầm đậm ấy chợt làm sống dậy trong Pà một thứ cảm giác bồi hồi, bổi hổi. Pà cắn ngón tay ngăn nụ cười chớm nở. Xè ngoảnh lại, thấy Pà bẽn lẽn, Xè thoáng nét cười bối rối. Pà quýnh quáng quay mặt về phía cây pủa châng, giấu gương mặt ửng hồng e thẹn…
Cái đầu Pà nhanh quên lời mụ Dớ dạy nhưng vẫn còn biết nhớ những lần Xè giúp Pà. Còn nhớ mấy hôm trước, Pà mải xem đám trẻ trong bản chơi tù lu nên để trâu đi lạc mất, Xè tất tả ngược đèo trèo núi đi tìm trâu lùa về chuồng giùm Pà. Rồi những sáng Pà đi giặt quần áo bên suối, Xè toàn giúp Pà khênh cái chậu gỗ nặng trình trịch. Có đôi lần mụ Dớ vắng nhà, Pà thường ngồi bên khung cửi, ngắm cây pủa châng bung biêng thả những cánh hoa rực đỏ xuống sân rồi chẳng hiểu sao trước mắt cứ vấn vương hình bóng Xè…
Chồng mụ Dớ đi ăn cỗ bị một số người trong dòng họ Mùa đi làm ăn xa mới về, xì xào cười nhạo, cười nhạo theo cái cách nói chữ của người Kinh dưới thành phố cơ. Vợ đẹp thế mà chẳng làm ăn được gì nhỉ? Hay là nằm ngủ quên, cái ấy bị chuột tha mất rồi? Dòng họ Mùa này còn nhiều thằng trai muốn làm trưởng tộc đấy nhé! Mỗi người một câu rồi giòn giã cười rung vách nhà. Hắn vo tròn nắm đấm, điền thật lực vào chiếc mâm gỗ đã mục để lại một cái lỗ nham nhở rồi trợn trừng mắt, gầm lên:
- Cỏ đòi cao hơn ngô đây mà!
Hắn uống bao nhiêu rượu vẫn chưa trôi đi cái tức, bứt đi cái nhục. Lấy được vợ đẹp mà không biết đẻ thì khác gì nuôi chim không biết hót, dựng nhà không mái che? Lảo đảo về đến nhà, hắn đổ rạp lên giường Pà. Cái cặp môi nhầy nhẫy mỡ vồ lấy cổ Pà, hít hà, ngoạm ngoặp như con sói đói, hơi thở nóng ran sặc nồng mùi rượu táo mèo. Giật nảy mình tỉnh dậy, thấy mình đang lọt thỏm trong hai gọng kìm cánh tay của bố nuôi, sợ quá, Pà vừa ra sức giãy giụa, vừa ú ớ hét lên. Miệng hắn lải nhải: “Đêm nay, tao phải làm mày biết chửa, Dớ ơi”. Tay Pà quờ quạng làm ngọn đèn mỡ lợn treo bên cột nhà rơi vỡ loảng xoảng. Đang ngáy ro ro ở gian nhà bên cạnh, mụ Dớ choàng tỉnh, cuống cuồng chạy lại chỗ vừa phát ra tiếng động. Mụ đét một phát mạnh vào lưng chồng rồi xoắn cổ áo hắn lôi thềnh thệch ra giữa nền nhà chênh chếch ánh trăng, nghiến răng trèo trẹo:
- Rượu làm mày mù mắt rồi, chồng ạ. Tao mới là con Dớ vợ mày đây!
Chỉ khi chồng say nhễu nhão như một con cá ươn, mụ mới dám lớn tiếng như thế. Bởi mụ biết, ngày mai, rượu bốc hơi thì những câu nhiếc móc của mụ cũng chẳng ở lại lâu trong đầu hắn. Vậy mà sáng ra, mặt trời mới đơm đỏ ngọn pủa châng đầu cổng, hắn đã thức dậy, chụm tay vốc nước trong cái chậu gỗ lên rêu xanh, vả liên tục vào mặt. Hắn bước vào bếp, chằm chằm nhìn mụ:
- Tao sẽ lấy con Pà làm vợ.
Rá mèn mén trên tay mụ Dớ rơi xuống làm những hạt nhỏ li ti vung vãi khắp nền nhà. Mụ ghì lấy ngực. Mãi một lúc sau, mụ mới nghèn nghẹn cất tiếng:
- Mặt trời lên rồi, đôi mắt mày mù thì cái đầu mày cũng phải biết con Pà là con mày chứ! Mày không sợ cả cái bản này cười cái mặt mày à?
- Ây dà, mắt tao mù nên mới lấy đứa đàn bà không biết chửa. Không có con mới bị chúng nó cười. Con Pà không cùng họ với tao mà!
- Con gái vùng này chưa chết hết đâu!
Bao nhiêu ẩn ức nén trong lòng hắn nay mới có dịp vỡ ra nhức nhối:
- Tao mất non nửa đàn bò để lấy mày làm vợ. Tao mất mấy chục mùa ngô, mùa sắn để nuôi cháu mày làm con. Mày không muốn tao lấy nó thì mày đẻ con cho tao đi. Cái bụng mày không ưng, tao sẽ đuổi hai mẹ con mày vào Sai Chản làm mồi cho hổ, làm vợ đười ươi!
Thứ nhất đàn bà chửa hoang. Thứ nhì đàn bà chồng bỏ. Bao đời nay, ở rẻo cao này, chỉ có đàn ông bỏ vợ, đàn bà dù sống khổ sở thế nào cũng không được thoáng qua ý nghĩ bỏ chồng. Đàn bà chồng bỏ hoặc chửa hoang sau khi sinh thì để con lại cho bố mẹ rồi bị cả bản xua đuổi vào thung Sai Chản nằm tít bên kia nương đá trắng, làm lễ cúng ma rừng. Khi con ma rừng đã nhận mặt thì sống làm người rừng, chết làm ma rừng, đừng mong nhớ đường trốn về bản được nữa. Đồn rằng, người xấu số thì thành mồi ngon cho bầy hổ đen độc sừng thích móc ruột, moi gan. Người may mắn hơn thì thành vợ lũ đười ươi ba mắt, đẻ ra những đứa con loàm xoàm lông lá ú ớ tiếng người…
Đó là những chuyện Sai Chản mụ Dớ được nghe mẹ kể thuở ngực chưa nhú mầm để dặn mụ rằng sau này lấy chồng, cái miệng phải biết nói lời nhẹ nhàng, cái tay phải khéo léo, hay làm thì chồng mới thương, mới không dứt ra nổi. Làm mồi cho hổ, làm vợ đười ươi? Câu nói như còn chập chờn bên tai cộng với kí ức từ những chuyện ngày xưa của mẹ khiến cánh tay mụ Dớ lân rân nổi da gà từng đợt. Mụ ngồi ngẩn ngẩn, ngơ ngơ như ma xó bắt mất hồn. Giờ lấy đâu ra tiền hỏi vợ mới cho chồng? Nhà chỉ còn một con trâu nái già còm cõi. Đi vay người ta thì cái nợ cũng đè lên vai mình suốt đời. Không cho nó lấy vợ, nó đuổi mình vào Sai Chản thì chỉ còn đường chết. Càng nghĩ, mụ càng rối trí. Đúng lúc ấy, Pà từ trên nương về. Vừa cởi cái lù cở nặng trĩu ngô trên lưng đặt dựa cột nhà, Pà hí hửng khoe:
- Thằng Xè muốn lấy tôi làm vợ.
Sau khi nghe Pà kể về Xè, mụ Dớ ngồi thừ ra, ngẫm ngợi rất lâu bên bếp lửa lép bép tiếng củi nổ. Đúng rồi, cái tiền thách cưới của con Pà chắc đủ đổi một người vợ bé cho chồng. Như vậy, con Pà lấy được chồng, chồng mình lấy được vợ, mình sẽ được ở lại nhà này, chẳng lo bị đuổi vào thung Sai Chản, lại chẳng sợ ai chê cười nhà có đứa gái ế chồng hay thằng chồng lấy con gái làm vợ. Mình sẽ bàn với chồng xem sao…
Nhà Lão Nếnh xưa nay nổi tiếng ngô lợn ăn không hết, thịt gác bếp treo dày, nếp đổ đầy miệng chum, bò từng đàn béo ục. Nào ngờ, tiền thách cưới, lão chỉ trả đúng hai triệu đồng không hơn, không kém. Con gái người ta nuôi mười mấy mùa ngô chẳng bằng một con bê vừa mở mắt? Lại còn giao kèo không làm lễ nhập ma cho đỡ tốn kém. Thế khác nào mua người giá rẻ về làm con ở? Mụ Dớ đẩy chai rượu ngô về phía lão Nếnh, nói trống không:
- Mang về đi!
Mắt lão Nếnh vẫn chằm chặp dính vào vòng eo Pà đang đều đặn xoay tròn theo nhịp cái cối xay ngoài hiên, giọng è è:
- Cái tay nó còn chưa biết xay mèn mén kia kìa. Làm sao bằng một con bê vừa mở mắt được?
Đến nước này thì mụ gắt lên:
- Về!
Cái bóng lão Nếnh đã vật vờ khuất sau bờ rào đá mà hình ảnh đôi mắt lão chòng chọc nhìn Pà vẫn hiện lên rõ nét trong đầu mụ. Lão dê già này hỏi vợ cho con trai hay hỏi vợ cho lão đây? Bỗng nhiên một ý nghĩ bật lên trong đầu mụ như hòn than hồng ủ lâu trong đám lá khô bùng bùng bốc cháy...
Mụ Dớ ngồi bên khung cửi, cái đầu mung lung nghĩ một đường, đôi tay rề rà làm một nẻo khiến những sợi lanh rối mù mà không hay biết. Giàng(4) ơi, nếu mình không nuôi nó, nó cũng chết rồi. Mình đã lo cho chồng, lo cho nó trước đó thôi. Giờ mình phải nghĩ cho mình nữa chứ? Những bông pủa châng lã tã rụng xuống theo gió bay vào giăng đầy bên khung cửi, rệu rã, bã bời. Mụ mường tượng khi mình già đi, lại không có con, ai cần mụ nữa? Sự ích kỉ ngùn ngụt dâng lên trong đầu mụ. Chỉ còn cách ấy…
Đi nương về, Pà nhòa nhện mồ hôi. Mụ Dớ bất chợt luýnh quýnh chạy ra, đỡ lấy lù cở ngô trên vai Pà xuống: “Ngồi nghỉ đi con”. Giọng mụ ngọt hơn cả khúc thân ngô mọng nước lúc nãy Pà tước vỏ nhai cho đỡ khát. Rồi mụ chuẩn bị sẵn một chậu gỗ đầy nước mó, bảo Pà đi tắm. Nước suối mát lành xoa dịu những vết lá ngô cứa trên thịt da Pà bỏng rát. Pà soi mình trong mặt nước loang loáng rêu xanh. Xè bảo, Pà có đôi mắt đen láy như hòn than góc bếp, bờ môi mọng như đóa hoa pủa châng, làn da trắng như nếp nương mùa mới, mái tóc mềm như suối chảy đêm trăng. Qua những mùa ngô, tóc Pà dài thêm, ngực Pà nhú lên như hạt ngô mọng mẩy muốn chui ra khỏi lớp bẹ áo. Pà cứ mải ngắm mình cho đến lúc nhận ra trong mặt nước lấp ló hiện ra gương mặt bố nuôi:
- Pà, cái lưng còn dính cỏ kia kìa.
Pà tắm xong, mụ Dớ lấy chiếc váy đẹp nhất của mụ, chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ đính những đồng bạc tròn sáng loáng xếp trong rương, thơm nức mùi gỗ pủa châng mà mụ chỉ dám mang ra phơi nắng dịp lễ Gầu tào tháng Giêng, đưa cho Pà mặc. Buổi tối hôm ấy, chồng mụ mổ một con gà đen, mời lão Nếnh sang nhà uống rượu, bàn lại chuyện cưới xin hôm nọ.
- Ây dà, rượu ngô ủ dưới gốc pủa châng ba mùa hoa rồi đấy à!
Lão Nếnh nốc một ngụm rượu lớn, nhắm nghiền mắt “khà” một tiếng rồi gật đầu, tấm tắc:
- Mùi rễ pủa châng thấm vào thơm quá. Rượu ngon!
Chồng mụ Dớ cười phớ lớ, trở đầu đũa gắp miếng đùi gà, thả vào bát lão Nếnh. Nơi nào có thịt gà, rượu ngô, nơi ấy là Cổng Trời rồi. Mụ Dớ cho phép Pà uống rượu. Mụ bảo, con gái Mông muốn nấu rượu ngon thì cái miệng phải biết nếm rượu ngon. Tiếng bát rượu lách cách chạm vào nhau. Mấy ngụm đầu, Pà ho sằng sặc. Rượu ngô mới uống đầu lưỡi thấy đắng đắng, cay cay, về sau hơi thơm thơm, ngọt ngọt nơi cuống họng. Dần dà, Pà cũng quen. Mâm cỗ có nhiều món nhưng Pà chỉ thích nhắm rượu với khế xanh chấm muối trắng. Pà uống cho đến khi toàn thân hừng hừng nóng lên như có muôn vàn nọc kiến đâm xuyên trong gan ruột…
Nắng xua tan màn sương viền núi, đôi nồng chếnh gọi nhau tha những bông lau nhỏ về xây tổ trên cành pủa châng trước cổng, ríu ran. Tiếng cửa nhà bếp ót ót ét ét mở ra. Một bóng người đổ dài trên luồng sáng đang thủng thỉnh chiếu vào…
- Giàng ơi!
Sau tiếng thét thất thanh của mụ Dớ, lão Nếnh choàng dậy. Pà cũng choàng dậy. Đầu óc Pà nhưng nhức. Đầu óc lão Nếnh quay quay. Hai người trần truồng nằm chung trên một ổ rơm. Chồng mụ Dớ là người thức dậy sau cùng, từ trên nhà chạy xuống. Thấy cảnh đó, hắn lầm lầm lao tới bóp cổ lão Nếnh, vằn mắt:
- Mời mày sang uống rượu để mày hại con gái tao thế mà được à?
Hai hàm răng lão Nếnh lập cập không thành tiếng:
- Tao… tao…
Trần truồng như bắp ngô bị tước vỏ, Pà loay hoay mãi vẫn không tìm thấy váy đâu. Mụ Dớ kéo mảnh khăn đội đầu, quấn quanh người Pà rồi ôm chặt lấy Pà, khóc lóc dằn dẵn:
- Cái bụng mày xấu lắm, Nếnh à! Cái bụng mày xấu lắm…
Pà ngơ ngác như con nai lạc mẹ. Sao mẹ nuôi lại khóc? Mẹ nuôi khóc vì mất chiếc váy đẹp à? Và bố Xè nữa. Nhà rộng thế không về lại chui vào ổ rơm ngủ cạnh mình, nóng quá phải cởi hết quần áo thế kia? Lão Nếnh choáng choàng vơ lấy cái quần đang lộn ngược, mới xỏ vào được một ống chân thì bị chồng mụ Dớ giật phăng rồi khóa cổ, gồng sức kéo ra cửa, đanh giọng:
- Tao đưa mày đi gặp trưởng bản!
Ai chả biết báo trưởng bản, hình phạt nhẹ nhất cho lão Nếnh là cái đang tồng ngồng kia sẽ bị ngâm trong rượu ớt đun sôi, có sống cũng chẳng làm thằng đàn ông được nữa. Lão Nếnh hốt hoảng bíu lấy bậu cửa, run rẩy van xin:
- Tha… tha… cho tao đi. Tao cho mày… bốn… con… bò.
Trao bốn con bò cho vợ chồng mụ Dớ xong, về nhà, lão Nếnh ngồi rít một hơi thuốc lào thật sâu thì chợt ngẩn người khi phát hiện cái quần đang mặc hơi chần chật. Lão cố tĩnh tâm hồi lại những chuyện đêm qua và ngờ ngợ nhớ ra... Biết mình là con thú bị giăng bẫy, càng nghĩ, bụng lão càng sôi anh ách như đựng đầy sạn sỏi. Bốn con bò có mà cưới được mười đứa như con Pà ấy chứ! Lão cấm Xè bén mảng sang cổng nhà Pà. Lão bảo, cái con ma xấu mê gái đẹp dưới gầm giường nhà đó đã chui vào người Pà, rồi nó cũng không biết đẻ như mẹ nuôi nó thôi. Cưới nó về khác nào trồng cây pủa châng, thứ cây đơm hoa mà không ra quả.
Lời lão Nếnh nói vừa bò lọt tai phải đã lăn khỏi tai trái của Xè. Xè đã nối tóc mình với tóc Pà làm thành chiếc vòng, cho vào ống nứa nhỏ, chôn chặt dưới gốc pủa châng nhà Pà cái đêm trăng tròn vành vạnh ấy. Bao đời nay, ở bản Mông này, người con trai nào thật lòng thương một người con gái đều làm như vậy để nhắc đôi chân dù đi xa ba núi, bốn đèo thì cái đầu vẫn luôn nhớ về nơi tình yêu chớm nở. Đêm đêm, Xè cứ đến ngồi bên hàng rào đá nhà Pà, nhặt cánh hoa pủa châng rụng, thổi kèn réo rắt. Ánh mắt Xè đăm đắm nhìn về phía ô cửa mà những đêm trước vẫn sáng liu riu ngọn đèn mỡ lợn. Nhưng phía ấy giờ kìn kịt tối như bồ hóng bám đầy gác bếp. Lòng Xè nôn nao, tiếng kèn dìu dập. Bao lời thương thấm hết vào cánh hoa, nhờ tiếng kèn nói hộ. Tiếng kèn trôi theo gió, Pà có đang lắng nghe? Một cánh hoa, hai cánh hoa rồi ba cánh hoa… Những cánh hoa trên môi Xè mềm nhũn. Xè cố thổi cho đến lúc mụ Dớ từ trong nhà chạy ra, giọng lanh lảnh:
- Đừng thổi nữa, Xè à! Con Pà bảo, cái bụng nó không ưng mày nữa rồi.
- Tôi muốn lấy Pà làm vợ.
- Bảo bố mày lấy nửa con bê mới mở mắt hỏi đứa gái khác đi.
Lững thững về đến nhà, Xè liền hỏi lại lão Nếnh chuyện mụ Dớ vừa kể. Đang ngà ngà men rượu, lão Nếnh khua khua tay, lè nhè đáp:
- Nhà nó không chịu thì thôi. Mày bảo cái bụng quên nó đi!
- Thằng Xá muốn lấy con Mỷ, bố trả năm chục triệu. Tôi muốn lấy con Pà, bố chỉ trả hai triệu mà nghe được à? - Xè lớn tiếng - Tôi có phải là con bố không?
Lão Nếnh thấy ran rát mặt. Lần đầu tiên Xè dám gắt với lão như vậy. Cơn khùng phừng phực sôi lên, lão ngửa cổ nốc rượu ừng ực rồi ném cả cái bát vào đầu Xè, hằm hừ:
- Cút! Đi tìm mẹ mày mà hỏi!
Sau mấy đêm, tiếng kèn vút lên lại âm thầm chìm vào lòng đêm quánh đặc, Xè bỏ bản đi đâu không ai rõ. Pà vẫn ngóng. Pà vẫn chờ. Nương ngô đã bật lên những chồi xanh mượt mà mùa mới. Úp mặt làm cỏ ngô, cái đầu Pà cứ rạo rực nhớ về Xè, nhớ tiếng bước chân trên lá xạc xào, nhớ mùi mồ hôi gió đưa ngai ngái, nhớ tiếng kèn cánh hoa pủa châng đêm đêm Xè thao thức gọi xuyên qua kẽ hở trên hàng rào đá. Đá ngủ lâng lâng, Pà thức bâng khuâng:
Thương thương anh ngóng ngóng
Nhớ nhớ em mong mong
Kèn pủa châng đêm ấy
Trong lòng nhau vòng vòng…
Tiếng kèn veo tròn như những hạt ngô nếp già đượm nắng, hạt hạt gieo kẽ đá, hạt hạt vương nhành hoa. Tiếng kèn khi gần gần, lúc lại xa xa, ấm hơn lời lửa củi. Pà còn tin vào núi. Pà còn tin vào Xè. Nhưng rồi, thầm lặng đêm nối đêm, tiếng kèn ấy đã hóa thành những gợn âm thanh mong manh mắc lại trong lòng Pà khắc khoải. Lâu rồi, Pà không nghe kèn gọi. Điệu buồn lên rêu vách nhớ mỏi mòn. Cánh pủa châng rơi đỏ cổng nhà. Dấu giày qua vụn nát… Pà còn nhớ. Pà chưa quên. Pà mơ màng tưởng tượng ngày Xè hóa thành chú rể nắm chặt tay cô dâu là Pà đi dưới vòm ô xòe rộng màu đen, giữa một miền pủa châng bừng đỏ. Pà sẽ mặc chiếc váy đẹp giống váy mẹ nuôi, chiếc váy như được dệt từ muôn cánh hoa rạng ngời, tươi tắn nhất.
Kể từ ngày nhìn thấy Pà thường ra cây khế chua sau lưng nhà hái quả xanh ăn, nhiều đêm liền, hai mí mắt cứ dính vào nhau, mụ Dớ lại gặp cơn ác mộng ấy: Vào một đêm trăng đỏ quạch, trời đột ngột nổi cơn gió mạnh, mây đen vần vũ ùn về, hoa pủa châng tầm tã rụng đầy sân, Pà trở dạ sinh ra một con hổ độc sừng và một con đười ươi ba mắt rồi chết trong vũng máu lênh loang… Cứ mơ đến đó, mụ lại giật tỉnh, mồ hôi đuổi nhau lấp dấp. Mụ dần gầy sọp đi như cây ngô mùa hạn, da sạm vàng, hai hốc mắt lún sâu loèn choèn ghèn gỉ.
Mụ đứng bên gốc pủa châng, phờ phạc nhìn về mịt mờ Sai Chản. Mụ chợt động lòng, sự dằn vặt như có bàn tay rứt ngược chân tóc trong cái đầu nhói nhức, quay cuồng của mụ. Phải tống khứ cái mầm sống mới bằng hạt ngô, quả trứng kia ra khỏi bụng con Pà trước khi chồng mình và người trong bản biết chuyện may ra còn cứu được nó. Nhưng ai sẽ cứu cuộc đời mình đây? Một bên là giọt máu của chị. Một bên là giọt máu của chồng. Nắm lá răng cưa phá thai bao lần mụ lừng khừng định thả vào nồi canh đang sôi lại thất thểu ném vào ngọn lửa, cháy lèo xèo…
Cái bụng Pà đã lùm lùm đùn lên như ổ mối sau mưa. Đi đâu, làm gì, chốc chốc Pà lại xoa xoa bụng xem đứa bé lớn hơn chút nào chưa rồi tủm tỉm cười. Pà cố cuốc đất nới rộng vạt nương vùi thêm hạt ngô để sau này còn có cái nuôi con. Tiếng chim nồng chếnh ríu rít đâu đây lại làm Pà nhớ Xè. Xè đang ở đâu? Cái chân đi lạc mà sợi tóc chôn dưới gốc pủa châng sao không nhắc đường? Hay Xè chờ đến mùa thu hoạch thì mới về giúp Pà bẻ ngô? Xè sẽ làm một ngôi nhà thật to rước mẹ con mình về. Xè hứa với mình rồi. Pà đang hình dung về ngôi nhà thì lão Nếnh quần ống thấp, ống cao xuất hiện trên nương ngô nhà Pà. Lão tỏ vẻ khoăn khoải:
- Pà ơi, cái bụng con Dớ không biết chửa. Đợi mày đẻ con xong, vợ chồng nó sẽ cướp con của mày và đuổi mày ra khỏi nhà thôi à. Bọn nó bàn với nhau dưới gốc pủa châng sáng nay, cái tai tao nấp bên hàng rào nghe thấy.
Pà chợt nhớ ra, mấy hôm nay, sáng nào ngủ dậy, mụ Dớ cũng đòi áp tai vào bụng Pà nghe tiếng đứa con quẫy đạp. Rồi miệng mụ cứ lẩm nhẩm như đang nói với nó điều gì đó. Pà hoảng sợ ôm chặt lấy bụng mình, mở tròn mắt:
- Đây là con của tôi!
- Mày đi tìm thằng Xè nhà tao đi rồi trốn cùng nó. Cái bụng thằng Xè thương mày mà cái bụng mày không thương nó à?
Nghe lão Nếnh nhắc đến Xè, Pà cuống quýt:
- Thằng Xè đang ở đâu?
Lão Nếnh chỉ về những triền núi xa xăm mịt khói, mờ sương:
- Thung Sai Chản. Cứ đi thẳng, hết bốn quả núi là đến.
Đêm ấy, trăng tròn như cái bụng Pà, lấp ló nửa kín, nửa hở sau tàng mây xám xịt. Vợ chồng mụ Dớ và đàn chó ngủ say cả rồi. Pà ngồi rất lâu dưới gốc pủa châng, nhét những hạt ngô giống chật ních xà cạp. Mình đi rồi, ai sẽ mang lù cở lên nương bẻ ngô? Mình đi rồi, ai sẽ cắt cỏ cho con trâu to bụng? Mình đi rồi, ai sẽ… Bao nhiêu điều dang dở chen chúc trong đầu khiến Pà lần chần, bủn rủn. Mình ở lại, mẹ nuôi sẽ bắt con mình rồi đuổi mình ra khỏi nhà như đuổi một con chó ghẻ thôi. Chân trái muốn ở lại mà chân phải giục bước đi. Một bông hoa pủa châng rụng xuống tóc Pà, thơm dìu dịu. Pà lượm lấy, cài lên vành tai. Mùi thơm pủa châng làm những kỷ niệm về Xè ùa vào lồng ngực Pà như suối chảy mùa mưa. Và Pà đứng dậy, xoa bụng rồi đi như chạy về phía sẫm xa…
Pà loạng choạng đi đến nương đá trắng ấy là lúc một nửa mặt trời đã lút sau hõm núi sam sam trước mặt. Mắt Pà mờ đi vì ròng rã cả ngày chưa có thức gì bỏ vào miệng. Từ trong bụi rậm, một con hổ lù lù xuất hiện, khẽ khàng chuyển động theo từng bước chân mềm dẻo mà vững vàng. Pà co rúm người giữ chặt lấy bụng mình như con nhện ôm bọc trứng, đôi chân run bần bật bước thụt lùi. Pà lùi một bước, con hổ tiến hai bước. Cặp mắt nó trừng trộ giương to, nhìn xoáy vào bụng Pà chăm chắm. Bất thình lình, nó nhún mình lấy đà nhảy ập về phía Pà. Cú chộp hụt làm Pà trượt chân ngã ngửa ra sau, đầu đập vào tảng đá. Khi con hổ định ra đòn tiếp theo thì đột nhiên, từ bốn phía, những đợt đá xối xả liệng thẳng vào đầu nó khiến nó cuồng quay, choáng váng. Hoàng hôn tàn nhanh như cô gái dậy thì vội giấu nhẹm vết máu đầu đời. Khoảnh khắc nhập nhoằng sáng tối ấy, trên vòm cao sẫm đen, một người đàn ông bám sợi cây dây leo đu xuống, mạnh mẽ vung nhát dao sắc lạnh bập vào cổ con hổ. Con hổ vùng vằng gượng dậy, dõng dạc gầm lên rồi rướn bộ móng vuốt nhọn hoắt cuồng nộ vồ lấy người đàn ông. Người đàn ông vẫn bám chắc sợi cây dây leo, đạp chân vào các mô đá và thân cổ thụ thoăn thoắt đu qua, đu lại né đòn hiểm tới tấp rồi giáng thêm những nhát chém dập dồn. Con hổ phì phò thở dốc. Chờ nó đuối sức, lũ đười ươi loắt choắt túa ra vây vòng tròn xung quanh, kêu inh ỏi. Người đàn ông chợt buông sợi cây dây leo, lao xuống, vừa dang chân kẹp cổ con hổ, vừa nghiến răng dứt khoát đâm phập mũi dao chính giữa đầu nó tạo thành một chiếc sừng mọc ngược. Con hổ ngắc ngứ duỗi chân giãy giụa bên đám lá khô rồi chết đứ đử…
Người đàn ông cõng Pà về phía Sai Chản, nơi mảnh trăng non như cánh pủa châng đậu trên ngực núi. Một mùi mồ hôi nồng ấm mơn man tỏa ra từ vạt lưng người đàn ông và tiếng đạp chân thích thú của đứa trẻ trong bụng đánh thức Pà dậy. Và sau lưng họ, lũ đười ươi chí chóe trêu nhau…
P.Đ.L
(1): Lễ hội của người Mông diễn ra vào tháng Giêng để cầu phúc, cầu mệnh.
(2): Lễ cúng ma cửa.
(3): Lễ cúng ma buồng.
(4): Trời (tiếng Mông).