Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Chiếc giò lụa tết - Giang Ky
Chiếc giò lụa tết - Giang Ky

Chiều mùa hè, trời nóng như đổ lửa. Cánh rừng hai bên bờ sông Mã xanh thẫm. Hơi nóng bốc lên hầm hập rập rờn trước mắt. Bệnh viện Tái Xuân nằm thu mình dưới tán cây bên tả ngạn sông Mã. Ngân cùng tổ công tác của Sở Y tế từ ngoài hành lang bệnh viện rảo bước tiến về phía phòng bệnh nhân số sáu. Tiếng quạt trần quay vù vù, chen lẫn tiếng rên khe khẽ của mấy người bệnh.
Đến cửa phòng, Ngân giật mình đứng khựng lại, hai mắt tròn xoe, chăm chăm nhìn về phía giường bệnh số ba. Ngân không tin vào mắt mình nữa. Có đúng anh ấy đây không? Gần ba mươi năm xa nhau, tuổi tác làm cho anh già đi, nhưng khuôn mặt, ánh mắt và mái tóc của anh vẫn không hề thay đổi. Trấn tĩnh giây lát, Ngân bước lại gần, hỏi: “Anh là người nhà bệnh nhân à?”. Người đàn ông bình thản đáp: “Dạ vâng, đây là mẹ tôi”.
Ngân cúi xuống, cầm tờ tích kê găm ở đuôi giường lên, lướt mắt đọc nhanh “Bệnh nhân Mai Thị Hàn, 64 tuổi, quê xã Lương Thành”. Người run lên bần bật, cố nén cảm xúc được gặp lại những người bao năm nay mòn mỏi đợi chờ. Ngân nhẹ nhàng lồng tay vào bụng cô Hàn kiểm tra. Sau giây lát, chị ngẩng lên nhìn anh, nói: “Anh tên là...”. Người đàn ông nhanh nhảu trả lời: “Dạ thưa bác sỹ, tôi tên là Lượng”.
Thấy Ngân tỏ ra quan tâm, Lượng linh cảm có điều gì đó khác thường, nheo mắt nhìn chị với vẻ mặt đăm chiêu. Ngân mặc áo Bờ lu trắng, đầu đội mũ công tác. Khuôn mặt trái xoan xinh đẹp bị che kín bởi cặp kính cận và chiếc khẩu trang xanh lơ. Ngân hỏi anh: “Thế bác bị bệnh lâu chưa?”. Anh thành thật giãi bày: “Thưa bác sỹ, mẹ tôi bị đau dạ dày hơn ba năm nay, đã uống đủ loại thuốc lá của các thầy lang trên bản nhưng không khỏi. Lần này bà đau quá, gia đình phải cố gắng thu xếp đưa xuống đây”. Ngân đang miên man suy nghĩ, bỗng chị tổ trưởng nhẹ nhàng nhắc nhở: “Ngân ơi, có vấn đề gì mà lâu thế?”. Ngân giật mình, trả lời: “Dạ không”. Nói xong, chị cúi xuống chào hai mẹ con cô Hàn và cùng tổ công tác tiếp tục đi làm công việc của mình.
Từ lúc gặp mẹ con anh Lượng, đầu óc Ngân quay cuồng, rối tung, rối mù khiến chị không biết phải bắt đầu như thế nào, từ đâu! Ký ức một thời vui, buồn lẫn lộn hiện lên trong Ngân rõ mồn một. Tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên và đầy ắp kỷ niệm cao đẹp giữa Ngân và Lượng vẫn còn nguyên vẹn. Những oan trái, đớn đau và sự mất mát, tan vỡ của hai gia đình chẳng dễ gì khỏa lấp nổi. 
Hai tám tháng Chạp năm ấy, trời rét buốt đến tận xương tủy. Mới sáng tinh mơ, tiếng lợn kêu eng éc làm náo động cả xóm Chùa. Theo thông lệ, vào dịp tết Nguyên Đán hằng năm, từng nhóm các hộ trong xóm góp tiền lại chung nhau mua lợn mổ thịt ăn tết. Nhà Ngân tấp nập tiếng người vào ra. Mấy ông tuổi cao ngồi quây quần xung quanh bếp lửa bập bùng bên nồi nước to đùng. Thỉnh thoảng tiếng điếu cày kêu rít lên xồng xộc. Ông Tin - bố Ngân điều hành đám thanh niên lực lưỡng, lấy hết sức lực đè con lợn đang la hét, giãy giụa trên ghế để cắt tiết, cạo lông. Mọi người cười nói râm ran, vui vẻ, chẳng mấy chốc công việc mổ lợn đã hoàn tất. Trời sáng rõ mặt người, mẹ nào con nấy của các hộ trong nhóm lục đục kéo sang nhà Ngân để xem và lấy phần thịt. Bọn trẻ thích thú, chạy lăng xăng xung quanh chiếc nong bày giữa sân xem người lớn xẻ thịt, thái lòng lợn chia phần. Ông Tin làm thoăn thoắt, trông chẳng khác gì bác “Hàng xeo” chính hãng. Thỉnh thoảng ông chìa cho bọn trẻ mỗi đứa tý lòng lợn chín. Đứa nào, đứa nấy hít mắt cười, ăn ngấu nghiến. Được bố đưa cho chiếc đuôi lợn đã luộc chín, Ngân hí hửng vẫy tay gọi Lượng rồi cả hai chạy rúc vào góc đống rơm ngoài ngõ thay nhau cắn thịt ăn nhí nhấp. Lúc sau, Ngân bảo Lượng: “Anh về mang nồi sang đây lấy ít nước sít”. Trong bụng rất thích, nhưng Lượng từ chối: “Ai lại thế, xấu hổ lắm!”. Ngân trấn an: “Đừng lo, bố em làm nhóm trưởng mà! Nếu không thì em san phần của nhà em cho”. Chia phần xong, ông Tin giơ nắm giấy ghi tên từng hộ đưa cho Lượng, bảo: “Nhà cháu không có phần ở đây, nhờ cháu bỏ thăm vào giúp bác”. Lượng xấu hổ định đứng dậy tránh đi, nhưng tất cả mọi người đồng thanh: “Đúng đấy, cháu cứ vô tư bỏ vào, đừng ngại!”. Các hộ trong nhóm hỉ hả nhận phần của mình đem về. Mấy vị cao tuổi và các thanh niên quần quật từ tinh mơ, giờ mới ngồi chấp vòng tròn trên chiếu để nhâm nhi tiết canh, lòng lợn. Không khí thật ấm cúng, đoàn kết và vui vẻ. 
Mọi người đã về, ông Tin cẩn thận thái thịt lợn thành những miếng gọn gàng chuẩn bị ăn trong mấy ngày tết. Mẹ con Ngân giúp ông lau lá chuối tươi để gói giò. Đôi tay ông Tin lực lưỡng nâng hai chiếc chày nhịp nhàng giáng xuống cối thịt, mồ hôi nhễ nhại lăn trên má. Những chiếc giò lụa xinh xắn, thơm nức đã luộc xong, ông treo lên cây cột góc bếp, đứng vuốt ve, ngắm nghía hồi lâu. Mặt ông rạng rỡ, mãn nguyện với thành quả lao động của mình. Nghỉ ngơi chút lát, ông Tin lại cùng anh em trong xóm xắn tay vào việc tát ao làng để bắt cá chia cho các hộ. Công việc xong xuôi thì trời nhá nhem tối. Quần áo ướt sũng, người bê bết bùn, ông lập cập về nhà, lại góc hè rít điếu thuốc lào, ngửa cổ lên trời nhả khói vẻ khoái trí. Ông vào bếp kiểm tra lại mấy cái giò. Vẻ mặt hoảng hốt, ông đảo mắt nhìn xung quanh, trên dưới cây cột, tay lần đi lần lại đếm vẫn thấy thiếu một chiếc. Quay mặt ra vườn, ông gọi vợ, giọng hốt hoảng: “Em ơi, đang làm gì, vào đây anh nhờ tý!”. Bà Sự - vợ ông, vẫn lúi húi hái rau, miệng đủng đỉnh: “Có việc chi, anh cứ nói đi!”. Ông vẫy tay, nói vẻ quan trọng: “Vào đây, nhanh lên!”. Tay bà cầm nắm rau, lại gần đến nơi, ông Tin hỏi: “Em có cất cái giò không?”. Bà nói: “Giò nào, anh để đâu thì còn đó chứ, em biết chi”. Ông Tin ngơ ngác, lẩm nhẩm: “Lạ nhỉ, rõ ràng tôi gói ba cái, ý định là một cái để thằng Vạn về mang sang biếu nhà người yêu. Luộc xong tôi treo cả ở đây, sao bây giờ chỉ còn có hai. Hay con mèo công mất rồi”. Bà Sự trừng mắt, lý giải: “Treo cao như thế chó mèo nào trèo lên được, anh thử tìm lại xem!”. Ông Tin thẫn thờ nhìn xung quanh. Bỗng bà dậm chân, ném tung tóe nắm rau ra nhà, nói: “Đúng rồi, chỉ có hắn thôi! Chiều đến giờ hắn cứ lao liểng vào ra nhà mình”. Ông Tin trừng mắt quát: “Hắn là ai?”. Bà đáp lại đủ nghe: “Thằng Lượng chứ còn ai nữa”. Ông Tin nghiến răng ken két, rít lên: “Này, đừng có một mất mười ngờ, đổ oan cho nó là không được đâu!”. Chỉ chờ có thế, bà Sự  khua tay, nhảy tưng tưng, ghếch mặt sang nhà cô Hàn chu chéo. Giọng bà thất thanh, thất lạc tuôn ra đủ thứ tục tĩu, cay nghiệt vừa nhiếc móc, miệt thị, vừa dọa dẫm, xỉa xói: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm, đừng đi ăn trộm, ăn cắp của người khác để sống. Thì ra lâu nay nhà choa lúc mất con gà, con ngan, lúc mất cái nọ, cái kia cũng là do hắn cả. Nhất định lần này tao phải báo công an để làm cho ra chuyện”. Nghe tiếng la lối ầm ĩ, mấy bà trong xóm kéo sang. Ngượng với mọi người, ông Tin lấy tay bịt miệng vợ, rít lên trong cổ họng: “Cô có im mồm đi không! Đừng thấy người ta nghèo khó mà khinh, chưa bắt được tận tay thì chớ nói, kẻo người ta cười cho”. Chọc đúng chỗ ấm ức lâu nay, bà Sự bắt đầu lu loa tua ra hàng tràng liên thanh: “Tôi biết mà, lâu nay anh gian díu với con mẹ hắn nên bây giờ mới bênh chằm chặp. Đã thế, hôm nay tôi sẽ làm cho ra môn ra khoai”. Thái độ của bà Sự làm ông Tin ngạc nhiên. Giọng ấm ức, ông nói: “Người ta khó khăn, làng xóm láng giềng giúp đỡ nhau một tý không được à!”. Bà Sự nguýt dài: “Giúp đỡ, giúp đỡ”.
Biết chuyện, Ngân chạy từ ao Đình làng về; vừa bước chân vào sân, Ngân bị mẹ túm tay, đánh vào mông bồm bộp, miệng quát mắng: “Cả con này nữa, tao đã bảo không có chơi bời, anh em chi với hạng người khố rách, áo ôm, đầu trộm đuôi cướp đó mà không nghe. Hôm nay bố con mày sáng mắt ra chưa?”. Ngân run bần bật, mặt tái mét, khóc toáng lên, ngắc ngứ cãi lại: “Mẹ đừng có vu oan cho anh ấy”. Bị con phản ứng, bà Sự càng bức bối, la lối ầm lên: “Bố con mày bị mẹ con nhà nó cho ăn bùa mê thuốc lú gì mà không phân biệt được tốt xấu, trắng đen”. Bà nhí tay vào trán Ngân, ra lệnh: “Từ nay tao cấm mày đi lại, anh em chi với hạng người đó”. Bà nhìn chằm chằm vào mặt ông Tin, nói bóng gió: “Đứa nào giỏi thì sang hẳn bên đấy mà ăn ở với mẹ con nhà nó!”. Bà con láng giềng vào can ngăn, phân giải nhưng không thắng nổi máu “hoạn thư”, “cường hào” của bà. Ai cũng lè lưỡi, lắc đầu, thở dài ngao ngán rồi lẳng lặng ra về. Ngân vừa xấu hổ với các cô bác hàng xóm, vừa thương bố, thương cô Hàn, anh Lượng và trong lòng hậm hực giận mẹ.
Nhà Ngân và nhà Lượng cách nhau cái bờ rào chè Mạn. Cô Hàn, chồng chết sớm, quanh năm tần tảo nuôi con. Cả làng ai cũng thương cảm cho thân phận “hồng nhan, bạc phận” của cô. Hai mẹ con cô làm quần quật đủ nghề, mò cua, bắt ốc nuôi nhau. Ngôi nhà ba gian tuềnh toàng, tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá. Lượng là đứa con chăm ngoan, học giỏi, mới mười ba tuổi mà đã rất thành thạo việc đồng áng. Hơn Ngân ba tuổi, học hơn bốn lớp, Lượng vẫn hay bảo bài cho Ngân. Hai anh em suốt ngày quấn quýt bên nhau. Bố Ngân là chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, nhà thuộc tốp khá giả trong xã. Hai ngôi nhà, nằm trên cùng dong đất nhưng gia cảnh lại đối nghịch nhau. Ngân quý Lượng và cũng rất thương cô Hàn. Có miếng ăn nào ngon, Ngân thậm thụt giành phần cho Lượng. Hằng ngày Ngân thường sang thủ thỉ với cô Hàn và vui đùa với Lượng.               
La hét nhiều, giọng lạc đi, bà Sự mệt mỏi chạy vào nằm vật xuống giường khóc nỉ non. Ông Tin lẩm nhẩm: “Thật chẳng ra làm sao, thế này thì còn gì tết với nhất nữa”. Ánh đèn Hoa Kỳ lấp loáng sáng lên, nghe tiếng chó sủa, ông Tin lẳng lặng ra mở cửa. Cô Hàn quần ống thấp ống cao, mặc manh áo phong phanh, bưng cái rổ đậy chiếc nón rách phía trên, ngượng ngùng bước vào, nói: “Em chào bác, chào cháu”. Nghe tiếng cô Hàn, bà Sự bật dậy, chạy ra quát mắng: “Chưa đủ hay sao, cô còn vác mặt sang đây làm trò gì nữa?”. Cô Hàn đặt rổ xuống, lấy chiếc nón ra, hai tay cầm cái giò đưa về phía ông Tin, khẩn khoản nói: “Em xin gửi lại cho hai bác, thật xấu hổ, đúng là “con dại cái mang”, mong hai bác tha tội cho mẹ con em. Cháu mới về, nó sợ hãi quá lấy cái giò từ trong đống rơm ra bảo em đem sang trả lại”. Hai chân cô Hàn quỳ xuống, tay lạy mấy cái, mắt rưng rưng, ngắc ngứ cầu xin: “Thôi thì tất cả em xin chịu lỗi, mong  gia đình bỏ qua cho”. Bao nhiêu uất ức dồn nén trong cổ họng, bây giờ bà Sự mới có cơ hội để tuôn ra: “Bố con ông thấy chưa! Cứ bảo tôi lắm mồm, điêu toa, giờ thì ba năm rõ mười rồi nhé. Ối hàng xóm ơi, đến đây mà xem mẹ con thằng ăn trộm này! Nhất định lần này tôi phải báo công an xã tống cổ vô tù để triệt nòi ăn cắp”. Cô Hàn vừa quỳ, vừa níu kéo hai tay bà Sự, năn nỉ: “Em xin bác tha tội cho cháu. Nó còn nhỏ dại, nếu đi tù thì khổ lắm”. Mặt câng câng, bà Sự vằng mạnh làm cô Hàn ngã lăn ra sân, miệng xỉa xói: “Tôi thương nó, thì ai thương tôi. Mẹ con nhà cô làm khổ tôi thế, chưa đủ sao?”. Ông Tin lấy dao cắt đôi chiếc giò, đỡ cô Hàn đứng dạy, cầm nửa chiếc đưa cho cô, nói: “Không sao, chuyện trẻ con thôi. Cô cầm lấy mang về, tôi cho cháu”. Cô Hàn từ tốn chối: “Em không dám nhận đâu, hai bác tha thứ cho cháu là quý lắm rồi”. Hành động của ông Tin chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa, bà Sự la toáng lên: “Không nuốt nổi phải mang sang trả chứ tốt đẹp chi”. Bà quay sang chỉ vào mặt chồng vẻ đắc chí: “Anh đẹp mặt chưa, tôi nói có gì sai không?”. 
Bóng đêm trùm kín căn nhà cô Hàn, không gian hiu hắt. Lượng xấu hổ, sợ run cầm cập, ngồi tựa vào cây cột góc hè khóc thút thít. Ngân lấm lét sang nhà cô Hàn, đến bên vội vã nhét vào tay Lượng nắm tiền, năn nỉ: “Không việc chi đâu, anh đừng sợ, cầm lấy mấy đồng này, mai thích mua cái gì thì mua”. Lượng chưa kịp từ chối thì Ngân đã ba chân, bốn cẳng chạy mất hút trong đêm. 
Ngày cuối năm, đường làng tấp nập tiếng người đi lại, mua sắm, vội vã hoàn tất những công việc cuối cùng để đón năm mới. Cô Hàn mệt mỏi đi vào đi ra mong con. Cả ngày, Ngân thấp thỏm ngóng trông Lượng trong vô vọng. Xóm Chùa, đêm ba mươi tết, tiếng pháo đì đùng rồi đồng loạt nổ râm trời. Giờ giao thừa đã đến, cô Hàn một mình ngồi vò võ mong con bên ánh đèn dầu nhờ nhờ, leo lét. Sáng mùng một tết, gương mặt mọi người rạng rỡ, hân hoan đón chào năm mới và trao cho nhau những lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất. Cô Hàn cắp chiếc nón rách lầm lũi đi về phía bờ sông cuối làng. Sau một đêm mất ngủ, hai mắt cô thâm quầng. Cô siêu vẹo men theo dọc bờ sông, khóc lóc, tay vỗ vào chiếc nón, miệng kêu thảm thiết: “Lượng ơi con sống khôn, chết thiêng ở đâu thì về với mẹ! Con có thương mẹ không? Mẹ biết sống làm sao được?”. Người thân trong gia đình động viên, khuyên giải mãi cô mới chịu về. Mấy ngày tết, nhà Ngân buồn như có đám. Mẹ Ngân nằm lỳ trên giường, bố quanh quẩn chẳng đi đâu ra khỏi nhà. Việc chuẩn bị lo cưới vợ cho anh trai cũng phải dừng lại. Anh Vạn buồn lắm, chưa hết phép nhưng đã chào bố mẹ, chào Ngân và lẳng lặng về đơn vị. Ông Tin tâm trạng lúc nào cũng bồn chồn, thấp thỏm, lo âu.
Thời gian ì ạch trôi đi, hơn hai năm sau cô Hàn vắng bóng ở xóm Chùa lúc nào, đi đâu chẳng ai biết. Ngôi nhà đơn sơ của cô cửa vẫn mở thông thống. Cô chỉ đem theo di ảnh của chồng. Nghĩ đến gia cảnh mẹ con cô Hàn, có lần ông Tin đay nghiến vợ: “Cô sướng chưa, chỉ vì sự ghen tuông mù quáng, lòng ích kỷ nhỏ nhen, khinh người và tính “cường hào” không coi ai ra gì đã làm cho nhà người ta tan nát! Thằng bé còn non dại, chẳng may có việc gì thì tội ác của cô trời sẽ không dung, đất không tha!”. Ông Tin sống thu mình, lầm lỳ, ít nói. Những ngày nặng trĩu vơi đi, bình tâm lại, bà Sự thấy mình có lỗi, suốt ngày tụng kinh, niệm phật để sám hối và cầu xin thần linh phù hộ độ trì cho mẹ con cô Hàn.
Chiều phố núi, mưa rừng ào ào kéo đến đổ nước xối xả rồi nhanh chóng tan đi để lại bầu trời trong xanh không một gợn mây. Nước nguồn đổ về, dòng sông Mã đục ngầu, cuồn cuộn réo lên. Cơm nước xong, Ngân đến bệnh viện, vào phòng Trực ban nhờ chị Quy bác sỹ trực ca lên mời người nhà bệnh nhân phòng số sáu, giường số ba xuống trao đổi chút việc riêng. Lượng lững thững bước vào, Ngân chỉ tay mời anh ngồi xuống ghế. Hai người lặng lẽ nhìn nhau, Ngân lần lượt tháo mũ, kính và chiếc khẩu trang ra, nhỏ nhẹ hỏi: “Anh có nhận ra em không?”. Lưỡng lự giây lát, Lượng đứng phắt dạy định bỏ đi. Ngân cầm tay kéo lại, giọng khẩn khoản: “Anh đừng đi! Anh có biết em chờ đợi giờ phút này bao nhiêu năm nay như thế nào không? Anh ngồi xuống đây đã!”. Không gian im ắng, Lượng lấm lét nhìn Ngân, chẳng nói năng gì. Gần ba mươi năm xa nhau, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen đượm buồn và hàm răng trắng đều của Ngân vẫn như ngày xưa. Lớp bụi thời gian phảng phất trên khuôn mặt càng làm tôn vẻ đẹp dịu dàng của Ngân. Bỗng Lượng ngắc ngứ nói: “Anh còn mặt mũi nào để gặp lại em và hai bác; giữa chúng ta còn gì nữa đâu”. Nghe vậy, Ngân nói luôn: “Chính anh là người em và bố mẹ em đang rất cần trong lúc này. Chỉ có anh mới tái hợp và mang lại cuộc sống bình yên cho gia đình em”. Lượng từ tốn trả lời: “Em đừng nói thế, món nợ cuộc đời anh sẽ không bao giờ trả hết cho gia đình em”. Ngân đáp lại: “Còn rất nhiều chuyện, anh hãy can đảm lên để cùng em vượt qua, xóa hết lỗi lầm thời con trẻ”. Ngân bảo Lượng đứng dậy đi ra bên ngoài ngồi cho thoáng mát. Hôm nay hai đứa sẽ mở lòng chia sẻ để chút đi gánh nặng cuộc đời. Ngân cầm tay Lượng vừa đi, vừa nói: “Lần này em cùng mấy người lên đây để điều tra, khảo sát về tình hình bệnh sốt rét tại các địa phương miền núi theo chương trình của Sở Y tế. Gặp được bác và anh, em mừng đến rơi nước mắt. Từ ngày anh đi khỏi quê, biết bao nhiêu chuyện xảy ra, lúc nào em cũng đau buồn, day dứt, luôn trông ngóng tin anh”.
Không gian yên tĩnh, gió trời vuốt lên mái tóc Ngân bay phất phới. Hai đứa ngồi lên chiếc ghế đá dưới gốc cây xà cừ. Ngân đặt ra cho Lượng hàng loạt câu hỏi về điều chị cần biết. Sau phút tĩnh lặng, Lượng túc tắc kể những gì Ngân đang mong đợi: “Chuyện dài lắm, anh vẫn không thể nào quên những gì đã xảy ra. Mờ sáng hôm đó, anh vơ vội bộ quần áo rồi chạy như ma đuổi để ra khỏi làng, chẳng biết đi đâu nữa. Vừa chạy, anh vừa ngoái cổ quay lại sợ có người đuổi theo. Nghĩ đến cảnh công an bắt, còng tay anh dẫn đi trong tiếng la khóc, van xin của mẹ, anh càng thương mẹ đứt ruột. Vì thế đã thôi thúc anh nhanh chóng chạy trốn khỏi quê để giữ lấy sự bình yên cho mẹ. Lên đến Quốc lộ Một, đang ngơ ngác bên đường thì chiếc xe khách dừng lại. Hai gã lơ xe nhảy tót xuống, hỏi quấn quýt: Đi đâu? Chưa kịp nói gì, họ ôm anh ném thốc lên xe. Xe chạy một quãng, gã râu xồm hất hàm hỏi lại: “Đi đâu?”. Anh ngước mắt nhìn im lặng. Hắn nổi khùng: “Ủa cái thằng này, ngay hết tết đến lên xe rồi mà cũng không biết đi đâu nữa”. Trấn tĩnh lại anh hỏi: “Thế xe về đâu hả chú”. Hắn ngửa cổ lên cười hô hố. Hành khách trên xe dồn mắt về phía anh nghe hắn nói dằn giọng từng tiếng một: “Xe về Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, có đi không?”. Nghe đến Tánh Linh, anh lờ mờ nhớ hình như có một số bà con của xóm mình định cư ở đó. Anh gật đầu đồng ý. Hơn hai ngày ròng rã trên đường, trời tối mịt xe về đến thị trấn Tánh Linh. Anh đang bơ vơ giữa miền quê xa lạ, bỗng một chú xe ôm lại gần gạn hỏi: “Cháu có đi xe không?”. Ú ớ một lúc, rồi anh kể hoàn cảnh éo le của mình, chú động lòng thương đưa anh về nhà nghỉ lại. Mấy hôm sau, một người đàn ông chạc năm mươi tuổi đến chơi, gặp anh, hỏi: “Cháu có muốn đến làm giúp việc cho gia đình Bác không?”. Anh mừng quá, trả lời: “Dạ có”. Hơn sáu năm anh ở đó, hằng ngày quần quật cùng mấy người khi thì chăm sóc cây, khi thì thu hoạch hạt tiêu, hạt điều trong trang trại của gia đình bác. Chẳng biết sao, dì Sen liên lạc được với anh và thông báo đã đưa mẹ anh lên làm công nhân của lâm trường Thanh Sơn. Dì Sen, bảo anh phải về đây làm để có mẹ, có con, dì cháu chăm sóc nhau. Mẹ nhớ, mong anh nhiều lắm. Thương mẹ, anh thu xếp về và cũng được dì xin cho vào làm công nhân ở lâm trường”.
Lượng đang thủ thỉ, bỗng Ngân chen vào: “Thế chị và các cháu bây giờ thế nào?”. Mặt đượm buồn, Lượng hạ giọng: “Chẳng biết cuộc đời còn đầy đọa anh đến bao giờ nữa. Hơn mười năm trước, anh cưới cô gái trên bản cùng làm công nhân với nhau. Con gái sinh ra chưa đầy hai tuổi, cô ấy bồng con trốn đi chỉ để lại cho anh mảnh giấy “Vĩnh biệt anh, xin đừng tìm mẹ con em nữa”. Đau khổ và vô vọng, nhớ con cháy cả ruột gan nhưng anh chẳng biết làm gì. Mãi sau này nghe người ta nói, cô ấy cùng gia đình và mấy hộ trong bản di cư tự do vào Tây Nguyên theo một Tà đạo gì đấy. Từ đó đến nay, mẹ con cô ấy bặt vô âm tín. Anh buồn lắm!”.
Đêm hè, trăng lấp lánh trải rộng khắp cánh rừng. Thỉnh thoảng nghe tiếng hoẵng đi ăn đêm kêu bên sườn núi vọng lại, buồn đến nao lòng. Ngân lấy khăn lau nước mắt, rồi khẽ ngả đầu vào vai Lượng. Hơi ấm từ Ngân truyền sang mang lại cho Lượng cảm giác khác thường, người lâng lâng khó tả. Lượng hỏi: “Thế còn em bây giờ thế nào?”. Ngân chua xót giãi bày: “Anh nghĩ xem, là con gái của một người mẹ độc ác, cay nghiệt, ích kỷ thì còn ai dám lấy về làm vợ. Chuyện đêm hôm đấy lan truyền đi khắp nơi. Trong làng, trong xóm người ta tụm năm, tụm ba bàn tán đủ chuyện. Họ thêu dệt thành bức tranh đủ sắc màu loang lổ về hai gia đình mình với những lời độc địa. Người ta trút hết tội lỗi, oán giận lên đầu mẹ em. Gia đình em tan vỡ, sống gần như biệt lập với xóm làng. Hồi còn trẻ thơ, em chỉ thấy xấu hổ, giận hờn bâng quơ. Lớn lên em mới cảm nhận hết nỗi đau tột cùng và cái giá quá đắt phải trả cho những sai lầm của mỗi người. Em lúc nào cũng mặc cảm, tự ti; không đủ can đảm để vượt qua những lời nguyền rủa độc ác, cay nghiệt của người đời. Có lần em định tìm đến cái chết để chạy trốn số phận, nhưng không thành. Lúc nào em cũng thấy có tội và oán hận với chính mình vì đã đưa tiền cho anh. Lần này gặp anh và bác, rất mong anh rộng lòng tha thứ để giúp gia đình em đoàn tụ và trút đi gánh nặng cuộc đời”. Lượng đặt tay vào vai Ngân, nói: “Thôi đừng buồn nữa, làm được gì giúp em và hai bác, anh sẽ sẵn sàng ngay!”.
Tấm lòng của Lượng đã mở ra, Ngân ngẩng lên nói: “Anh ơi, bệnh bác nặng lắm, nên thu xếp chuyển bác xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám và điều trị cho yên tâm. Nếu được, ngày mai xong việc, ngày kia em sẽ thuê xe đưa bác đi cùng. Lượng từ chối khéo: “Cảm ơn em! Anh còn phải thu xếp công việc trên nhà, vả lại cũng phải chuẩn bị một số thứ cần thiết nữa”. Ngân quả quyết: “Mai em sẽ xin bệnh viện làm thủ tục chuyển, nếu anh cần thu xếp công việc gia đình thì cứ về rồi xuống sau. Về dưới ấy, em sẽ chăm sóc và lo tất cả cho bác, anh đừng ngại”. Trầm ngâm giây lát, Lượng bảo: “Để anh suy nghĩ thêm. Trên nhà công việc bề bộn lắm. Hiện nay, anh đang phải chăm sóc, bảo vệ gần chục héc ta rừng, hơn hai trăm bọng ong và chăn nuôi thêm gà, lợn vất vả lắm, hơn chục công nhân không ai quản lý, anh đi không yên tâm”. Sau khi nghĩ lại, vì thương mẹ đau ốm quanh năm, nhận thấy Ngân chân thành giúp đỡ, đây là dịp thuận lợi để làm tròn chữ “Hiếu” với mẹ, Lượng khẽ gật đầu đồng ý. Ngân nhẹ lòng, nói: “Thế chứ! Anh cứ để em lo, bây giờ về đừng nói gì với bác, kẻo nếu biết, bác sẽ ngại và từ chối”.
 Trăng lùi dần về phía cuối rừng. Gió nhè nhẹ thổi, hai đứa bồng bềnh trong không gian thơ mộng. Trái tim Ngân rạo rực như muốn tung ra khỏi lồng ngực. Lúc chia tay, Ngân ngượng ngùng ôm ngang lưng Lượng, đôi mắt đỏ hoe, miệng ấp úng đủ nghe: “Anh Lượng!”.
Hơn nửa tháng nằm viện, bệnh tình của cô Hàn đã khỏi. Trước khi xa nhau, Ngân khẩn cầu: “Bác ơi, hôm sau ra viện xin bác và anh về thăm quê nghỉ ngơi mấy ngày, đồng thời giúp cháu luôn”. Cô Hàn nhìn Lượng rồi đủng đỉnh trả lời: “Bác biết rồi, nhưng cháu thông cảm, lần này chưa về được, khi nào có điều kiện mẹ con bác sẽ về sau”. Nghe cô Hàn từ chối, Ngân hơi buồn nhưng vẫn nài nỉ thêm: “Bác ơi, nếu vậy thì trên đường ra bến xe, xin bác và anh tranh thủ ghé thăm mẹ cháu”. Nghĩ đến những gì Ngân đã kể và lời giãi bày của bà Sự với con gái: “Không tìm thấy mẹ con thằng Lượng, khi chết mẹ không nhắm mắt được” càng làm cho cô Hàn cảm thấy xót xa, không nỡ lòng nào từ chối.    
Ngày ra viện, chiếc xe Toyota bốn chỗ, màu đen bóng lộn chạy bon bon đến chùa Phước Thịnh cách nhà Ngân chừng vài cây số. Ngồi trên xe nhìn ra bên ngoài, cô Hàn cảm nhận thấy làng quê thay đổi quá nhiều. Đường làng, ngõ xóm hồi ấy, ngày nắng xe chạy bụi cuốn theo mù mịt; mùa mưa, bùn đất nhầy nhụa, chân bước đi chật chẹo, bây giờ đã được trải thảm, láng bê tông phẳng lỳ, rộng mở thênh thang. Hai bên đường những ngôi nhà cao tầng bề thế mọc lên. Hàng rào chè mạn, bờ gai mây, rặng Cúc tần trước đây giờ đã thay bằng những bức tường vững chắc. Nhà nào cũng kín cổng cao tường. Nhờ Ngân giới thiệu, mẹ con cô Hàn mới nhận ra những địa danh gần gũi với nơi chôn rau, cắt rốn của cuộc đời mình. 
Xe dừng lại giữa sân, ngôi chùa Phước Thịnh trầm mặc dưới những lùm cây xanh mát. Mùi hương trầm tỏa thơm ngào ngạt. Người đi vãn cảnh chùa, dâng lễ cầu tự lặng lẽ ra vào. Ngân đưa mẹ con cô Hàn lại góc hiên nhà chùa gặp người đàn bà mặc bộ đồ tu hành đang chăm chỉ quét lá. Tiến lại gần, Ngân cầm tay người đàn bà quét rác, khẽ reo lên: “Mẹ!”. Bà Sự nhẹ nhàng dựng chiếc chổi ngay ngắn tựa vào gốc cây, hai tay chắp lại, đầu cúi xuống, miệng thì thầm: “Mô phật!”. Ngân hỏi: “Mẹ có biết ai đây không?”. Bà Sự ngượng ngùng nhìn mẹ con cô Hàn, chẳng nói năng gì. Nước mắt của bà lã chã lăn trên gó má. Từng là người đàn bà độc ác, cường hào, cay nghiệt giờ bà trở nên trầm lặng, từ bi, yếu đuối, trông thật đáng thương. Lấy khăn thấm hai khóe mắt, cô Hàn bước lại ôm chặt bà Sự, thút thít gọi: “Chị ơi!”. Bị bất ngờ, bà Sự chẳng kịp phản ứng, hai tay buông thõng xuống. Nước mắt cô Hàn nóng hổi, ướt đầm đìa vai áo bà. Hơi ấm, hành động cao thượng, lòng vị tha của cô Hàn như dòng điện truyền cho bà sức mạnh và sự tự tin khi gặp lại nhau. Bà đưa tay ôm chặt cô Hàn. Bóng hai người lắc lư, đung đưa dưới hiên chùa trông thật là cảm động. Người tỉnh dần, bà Sự định nói gì đó, cô Hàn cầm tay bảo: “Em biết hết rồi, hôm nay cháu Ngân đưa mẹ con em về ghé thăm chị. Gặp nhau thế này, hai bên gạt bớt nỗi hận thù, oan trái. Thời gian đau khổ, có những lúc cận kề cái chết tưởng không vượt qua đã lùi vào quá khứ. Bây giờ mẹ con em phải lên bến xe để về cho kịp. Hôm sau em sẽ thu xếp về thăm quê và thăm anh chị, chúng ta sẽ tâm sự nhiều hơn”. Bà Sự giơ tay, ôm lấy Lượng, khóc nức nở. Ngân sụt sùi vòng tay ôm cả hai người, nghẹn ngào nói: “Mẹ ơi, bác Hàn vừa trải qua một trận ốm “thập tử, nhất sinh” tưởng không qua khỏi. Bác nằm điều trị ở trên thành phố hơn nửa tháng rồi. Hôm nay được xuất viện, bác tranh thủ đến thăm mẹ. Đường về nhà bác gần hai trăm cây số, nên tranh thủ đi kẻo muộn. Ước mong của mẹ đã thành hiện thực. Mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị lo việc “Trăm năm” cho bọn con đấy!”. Chia tay nhau, mọi người lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Bà Sự đứng lặng nhìn chiếc xe xa dần. Bà thấy lòng mình nhẹ tênh, thanh thoát; người lâng lâng như đang cùng chiếc xe bồng bềnh bay về chốn bồng lai, tiên cảnh.
        

Tháng 6 năm 2020
            G.K          
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 190
 Hôm nay: 9390
 Tổng số truy cập: 12842087
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa