Ngược phía bình minh (Ký sự) - Nguyễn Hải
Suối Khiết bắt nguồn từ Viêng Xay nước bạn Lào, chảy qua địa bàn bản Ho, Cháo, Poọng I, Poọng II, Chiềng Hin, Chiềng Căm, với tổng chiều dài khoảng hơn hai mươi cây số. Suối Khiết men theo sườn của hàng tá những núi đồi và từ đây cũng xuất hiện hàng loạt những đường mòn. Ở Chiềng Hin có Pù Moon, Pù Héo, Pù Khoai… ở Poọng I có Póm Tai Giác, Póm Hàng To (đồi tổ ong), Póm Cao, Póm Đón, Pha Búi, ở Poọng II có Póm Múng Mường, Pù Lin Lậu, Póm Buốc Trạng... hầu hết trong số đó đều là đồi núi thấp, dễ qua lại. Bà con Hiền Kiệt đang tiến hành phục hồi lại những đồi chè Khiết, một loại chè đặc sản, sẽ được quy hoạch thành sản phẩm OCOP của Hiền Kiệt từ diện tích đồi núi này. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây dịch bệnh covid-19 đang ngày một diễn biến phức tạp, mức độ nguy hiểm và những hậu quả nó gây ra chúng ta đã được kiểm chứng qua ba lần dịch bùng phát. Đường mòn, lối tắt do người dân hai bên biên giới tạo ra đang trở thành mối đe dọa lây lan dịch bệnh khó lường nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Chưa kể, với địa hình như vậy đã tạo ra điều kiện lí tưởng cho các đối tượng vận chuyển, buôn bán các chất ma túy, lâm sản trái phép từ phía bên kia biên giới sang. Và ở nơi ngược phía bình minh ấy người ta lại thấy hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh không quản khó khăn, gian khổ, hiểm nguy sẵn sàng bảo vệ vững chắc phên dậu của Tổ quốc.
- Hôm nay anh em tiến hành tập kết vật liệu để làm nền, còn kết cấu chốt thì Bộ Tư lệnh cấp, vài hôm nữa họ sẽ mang vào lắp ghép. Tính tới thời điểm này là Hiền Kiệt có hai trạm và một tổ công tác, đều do Bộ đội Biên phòng phụ trách, riêng chốt liên ngành đóng tại bản Cháo ngoài Bộ đội Biên phòng còn có sự tham gia của các lực lượng công an xã, cán bộ trạm y tế và dân quân của xã…
Trên đường đi vào bản Ho, thiếu tá Triệu Văn Thưởng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ vừa lái xe vừa trao đổi qua với tôi. Thấy anh đi có vẻ hơi nhanh tôi ngỏ ý nhắc, anh bảo đường này anh thuộc từng cái ổ gà, ngày nào chả vài ba lượt ra vào. Chả là trong bản Ho có tổ công tác của Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, cả tổ có bảy đồng chí, ngoài năm cán bộ thuộc năm tổ chuyên ngành thì còn có thêm một đồng chí quân y và một đồng chí cấp dưỡng. Trạm kiểm soát Biên phòng nằm cuối bản, gần với đầu nguồn suối Khiết và đường mòn lớn có nhiều người qua lại. Đứng từ đầu hồi của ngôi nhà cấp bốn là nơi đóng chân của Trạm kiểm soát có thể nhìn bao quát được hai phía, phía men theo suối Khiết và phía đường mòn từ trên núi xuống. Có nghĩa là vị trí này thuận nhưng không tiện, thuận cho quan sát, nhưng không tiện cho việc kiểm soát, xử lí khi có tình huống bất ngờ, đó cũng là lí do để Ban chỉ huy Đồn Hiền Kiệt tham mưu cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lập thêm một chốt chặn phía đường mòn chính.
- Chốt này dựng lên nữa thì yên tâm rồi, vì gần như có thể đánh chặn ngay khi các đối tượng vượt núi hoặc men theo suối Khiết để vào nội địa.
- Vậy có dày quá không, vì em thấy vừa có trạm kiểm soát vừa có chốt liên ngành rồi.
Anh Thưởng cười tươi rồi bảo:
- Mỗi chốt, trạm trước khi lập đã được nghiên cứu kỹ vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng dịch bệnh, vừa đảm bảo yếu tố chính trị, quân sự, an ninh quốc phòng. Vì vậy không có chốt nào thừa đâu.
Chín cây số để từ Đồn Hiền Kiệt vào đến trạm kiểm soát bản Ho tôi đã may mắn được anh Thưởng “bổ túc” cho rất nhiều điều thú vị và bổ ích cho chuyến công tác dọc miền biên ải xứ Thanh này.
Để xe ở mé sân khu nhà cấp bốn của trạm kiểm soát, chúng tôi men theo lối mòn dốc ngược bờ suối rồi vượt qua những phiến đá to bằng những chiếc chiếu với đủ hình thù nằm chỏng chơ, ngang dọc giữa lòng suối Khiết mùa nước cạn để đến vị trí xây dựng chốt mới. Khi chúng tôi đến nơi thì có đến đôi chục người cả lính biên phòng, cả thanh niên, cả dân quân của bản Ho đang hì hục nạo cát dưới lòng suối Khiết. Trong khi tôi mặc áo phao ấm vì cái rét se sắt đầu đông thì anh em “diện” áo cộc phong phanh mà mồ hôi vẫn nhễ nhại. Hai chiếc xe rùa bốn người đảm nhận, bởi để đưa được cát từ dưới lòng suối lên điểm tập kết không phải dễ, lúc đưa xe xuống thì phải nâng, lúc đưa xe cát lên thì người kéo người đẩy, những người còn lại thì tay cuốc tay xẻng, vét từng chút cát ven suối chứ không sẵn từng bãi, từng cồn như dưới xuôi, còn chưa kể có lúc còn phải lăn những viên đá nhỡ cỡ như cái rá vo gạo, như cái thớt mới vét được. Có chứng kiến cảnh vừa làm mướt mồ hôi vừa cười nói vui vẻ, chạo nhau giữa mấy chàng trai trẻ làm vang cả khu đầu nguồn suối Khiết mới thấy tinh thần lạc quan của những người lính Biên phòng và hơn hết đó là sự đoàn kết, tương hỗ nhau giữa quân với dân nơi biên cương xa xôi này. Hà Văn Tấn, sinh năm chín hai, thuộc thế hệ 9x, là trưởng bản Ho, cũng nhiệt tình tham gia vận chuyển cát cùng Bộ đội Biên phòng. Lúc nghỉ tay, tôi hỏi mọi người có hay tham gia sinh hoạt vì cộng đồng với bộ đội không? Tấn tủm tỉm cười rồi chỉnh lại câu hỏi của tôi, “phải là Bộ đội Biên phòng tham gia với bọn mình chứ, vì đây là làm cho bản mình cơ mà…”. Tôi hiểu ý của Tấn, nhưng để tranh thủ thời gian tôi đồng ý với suy nghĩ đó của ông trưởng bản trẻ.
- Hoạt động nào cũng có bộ đội, xây nhà văn hóa, làm đường bê tông, trồng đậu, trồng lúa, rồi cả tết, cả ngày giỗ, ngày làm vía, ngày gì bộ đội cũng đến giúp, bà con gặp việc gì khó, có việc gì vui hay có chuyện buồn đều tìm đến Bộ đội Biên phòng… ông trưởng bản trẻ cứ thao thao như thể chờ quá lâu mới có dịp để khoe. Trong cái điệu hồn nhiên trẻ trung ấy tôi thấy nét tự hào và vui sướng hiện lên trong ánh mắt Tấn, những dòng mồ hôi vẫn không ngừng chảy dài trên má, trên trán và lã chã rơi xuống ngực áo phập phồng hơi thở.
Nơi tập kết cát sỏi từ dưới suối lên là một bãi đất rộng chừng hơn trăm mét vuông lọt thỏm giữa rừng keo, luồng, xoan, nứa đã vào độ khai thác, một bên là nhánh chính của suối Khiết và bên còn lại là nhánh phụ nhỏ, đứng bên này nói vọng hết cỡ thì bên Trạm kiểm soát cũng nghe rõ được. Cách khá xa khu dân cư, phía sau là lối mòn từ trên núi xuống, ban đêm chắc sẽ buồn lắm, có lẽ gặp đồng chí nào có tâm hồn thi sĩ khi nghe tiếng nước chảy, tiếng chim rừng kêu sẽ làm được thơ. Anh Thưởng bảo, năm ngoái anh em làm lán gác cách điểm này gần bốn cây số, sâu trong rừng phía sau ngọn núi này, nhưng vì sâu quá không có sóng điện thoại nên anh em mới xin rút ra đây. Không nước, không điện anh em khắc phục được, không sóng điện thoại thì bất tiện nhiều cái, đặc biệt vấn đề nắm tình hình và công tác chỉ đạo rất khó khăn. Tôi có ý thăm dò “mấy anh trực chiến trong này chắc buồn lắm…” - “Bộ đội lo làm nhiệm vụ thời gian đâu mà buồn”. Anh trấn an tôi ngay “Ban chỉ huy Đồn luôn bàn bạc kỹ lưỡng, đưa ra những phương án hiệu quả trong công việc và hài hòa trong đời sống, anh em thường xuyên thay đổi vị trí công tác, không cố định mãi một chỗ, thứ nữa luôn tạo điều kiện cắt phép để anh em thu xếp việc cá nhân, gia đình. Đơn vị luôn làm tốt vấn đề tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc”. Nghe xong tôi trộm nghĩ “đúng chất cán bộ chính trị”, nhưng tôi biết có một sự thật mà không cần anh Thưởng “nói như tuyên huấn” tôi vẫn chắc chắn đúng đó là người lính luôn coi trọng nhiệm vụ và kỷ luật, bởi nhiệm vụ là danh dự còn kỷ luật là sức mạnh của họ.

Bộ đội Biên phòng Hiền Kiệt cùng người dân bản Ho vận chuyển cát để xây dựng chốt kiểm dịch
Trên đường đi bộ về nhà văn hóa bản anh Thưởng trao đổi với tôi về lịch tuyên truyền covid-19 cho các bản trên địa bàn xã nơi Đồn đóng quân. Khi chúng tôi đến nơi bà con đã ngồi ngay ngắn trong nhà, ở đây mọi người ngồi chiếu chứ không ngồi ghế như dưới xuôi. Hầu hết là người trung tuổi và người già, phụ nữ có con nhỏ, thanh niên phần đông đi làm ăn xa, đây là thực trạng chung không chỉ ở Hiền Kiệt của Quan Hóa mà hầu như các vùng nông thôn, miền núi trên cả nước đều “thiếu” người trẻ. Thấy nhiều người gọi tên và chào cán bộ Thưởng, tôi ghé tai anh bảo: “dân ở đây quý anh thế, ai cũng biết tên”. Anh khẽ cười rồi dí dỏm nói nhỏ với tôi “nói nhiều, người ta ghét thì người ta nhớ tên thôi…”. Tôi nghĩ bụng ghét mà cười nói với anh niềm nở, hỏi han thân mật thế thì nhiều người muốn dân ghét như kiểu của anh ấy lắm. Sau khi đồng chí giúp việc phát khẩu trang cho từng người thì anh mới bắt đầu công việc của mình. Tôi thích cái cách mở đầu của anh, mở đầu như một thói quen, hỏi han thăm nom từng người, thi thoảng còn “phát sóng ngắn” mấy câu tiếng Thái với họ, sau những lời hỏi han là những câu chuyện rất dân dã, quen thuộc gần gũi với lời ăn tiếng nói, hoàn cảnh của bà con nơi đây. Trong những câu chuyện bình dị ấy luôn kèm theo những thông điệp về phòng chống dịch bệnh, về bảo vệ rừng, về cấm sử dụng pháo, vật liệu nổ, vượt biên trái phép, vận chuyển buôn bán các chất ma túy, thu hồi vũ khí công cụ hỗ trợ… ai có người nhà làm ăn ở Quảng Ninh, Lạng Sơn anh sẽ lấy ví dụ người thật việc thật ở khu vực đó, ai có người nhà làm ở Bình Dương, Đồng Nai sẽ có những câu chuyện ở khu vực miền Nam, vì thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật nên đã bị xử lí nghiêm khắc, và luôn kèm theo sau là câu nói “các bác nhớ nhắc nhở con em mình…!”. Ai thắc mắc gì anh đều dành thời gian trả lời ngắn gọn, dễ hiểu, có người anh còn hỏi lại xem đã hiểu rõ chưa, nếu chưa rõ anh sẽ giải thích thêm. Một buổi tuyên truyền tràn ngập trong cười nói vui vẻ, tựa như một người con, người em, người anh về thăm gia đình ngồi quây quần chuyện trò, thăm hỏi động viên nhau. Tôi nhớ từng đọc được câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Bác nói về công tác tuyên truyền, Người cho rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Thiết nghĩ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cả nước nói chung và Bộ đội Biên phòng Hiền Kiệt nói riêng đã làm tốt những chỉ dạy của Người…. Họ, những người nông dân chất phác, đi từ chỗ đốt rừng làm rẫy, chọc lỗ trồng cây đến canh tác bằng máy móc theo mùa vụ; từ chữa bệnh bằng cúng ma nhà, ma rừng đến việc đưa người bệnh đến trạm xá để các y bác sĩ chữa trị, từ nghèo đói, lạc hậu đến những mô hình kinh tế thoát nghèo, làm giàu; từ móc nối, liên kết với các đối tượng xấu buôn bán, vận chuyển, trồng cây thuốc phiện đến việc trở thành tai mắt của các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm buôn bán ma túy, vượt biên trái phép… kết quả từ thực tiễn cho thấy công tác tuyên truyền của những người lính mang quân hàm xanh đã bước đầu thành công. Đặc biệt, giai đoạn này, khi dịch Covid-19 đang trở thành hiểm họa toàn cầu, rất cần sự chung tay đoàn kết của cộng đồng cùng thực hiện đúng, đủ các biện pháp phòng dịch để ngăn ngừa vết dầu loang. Những người lính Biên phòng đang gánh trên vai nhiều trọng trách trong đó có việc tuyên truyền người dân vùng biên thay đổi thói quen, vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, quân với dân đồng lòng tạo nên lá chắn thép nơi biên cương tổ quốc. Sau khi kết thúc chương trình làm việc với bà con anh dành thời gian trao đổi thêm với Tấn và bàn giao luôn mấy hộp khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn. Tôi đoán chắc anh Thưởng nói cho Tấn lưu ý về các vị trí đặt dụng cụ phòng dịch này sao cho thuận tiện và phát huy hiệu quả, đồng thời nhắc nhở bà con đeo khẩu trang và khai báo thông tin khi có người nhà đi làm ăn xa về. Ra đến hành lang nhà văn hóa, anh Thưởng nhìn hai cột cờ chôn hai bên góc sân sát nhà văn hóa bảo Tấn chỉ nên để một cột thôi. Tấn bảo treo thế cho đẹp, anh Thưởng khẽ cười vỗ vai ông trưởng bản trẻ bảo đẹp nhưng mà không đúng, mỗi người chỉ có một tổ quốc thôi, cờ tổ quốc cũng thế.
Đoàn chúng tôi rời bản Ho về Đồn khi trời nhá nhem tối, anh Thưởng chạy xe chậm hơn lúc đi vào, tôi bảo với anh thời tiết ở đây về chiều tối có vẻ ngày một lạnh hơn, anh bảo thế này còn ấm chán, có thời điểm sáng ra sương trên cây đóng đá, rét và cóng hơn thế này nhiều. Nhưng nhiệm vụ thì vẫn triển khai đều, lúc đấy lại cùng bà con bảo vệ gia súc, mùa màng, tổ chức hoạt động khám chữa bệnh và cấp phát thuốc, nhắc nhở bà con giữ gìn sức khỏe cho mình và người thân, đặc biệt là người già và các cháu nhỏ… Nội dung và cách thức tuyên truyền luôn phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, không phải cứ nhất nhất một hai nội dung như kế hoạch. Phần đông bà con trên này lành tính, thật thà, chất phác, nhưng tính tự giác chưa cao. Nội dung tuyên truyền bà con thực hiện khá đầy đủ, nhưng chỉ tự giác được vài hôm, rồi lại quay trở lại với thói quen cũ, vì vậy cần phải nhắc nhở và tuyên truyền thường xuyên, tạo cho bà con một thói quen mới, phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện sinh hoạt của người dân ở đây, có như vậy mới đảm bảo mục đích, chất lượng của hoạt động tuyên truyền. Ngoài hình thức tuyên truyền kiểu truyền thống, Ban chỉ huy Đồn còn tích cực phối hợp với chính quyền xã trên địa bàn đóng quân thực hiện triệt để phương châm “chống dịch như chống giặc”, “đi từng ngõ gõ từng nhà” tuyên truyền bằng rất nhiều hình thức khác nhau như: đọc bài tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xã, của đơn vị; sử dụng loa di động để tuyên truyền lưu động; treo khẩu hiệu tại khu trung tâm xã, thôn, bản; phát tờ rơi tới từng gia đình; hướng dẫn cho bà con sử dụng khẩu trang và nước rửa tay khô đúng cách… từ chỗ bà con còn lơ là, chủ quan, mang tư tưởng “chắc dịch bệnh nó chừa mình ra” đến nay người dân trên địa bàn đã tự giác mang khẩu trang mỗi khi ra đường và chủ động khai báo với chính quyền khi có người thân đi xa về. Bên cạnh đó Ban chỉ huy Đồn duy trì tốt công tác đối ngoại, trao đổi thông tin và hợp tác chặt chẽ với lực lượng biên giới của nước bạn nhằm kiểm soát chặt hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh. “Phòng dịch mình không làm thay được, mà mình chỉ tìm mọi cách đánh thức tinh thần tự giác của bà con để từ đó bà con tự giác làm cái việc mà bản thân mỗi người phải làm thôi!”, hơn mười năm công tác, gắn bó với địa bàn miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã giúp anh Thưởng có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về con người và tính cách của bà con miền núi. Bên cạnh điều kiện cần là giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì đó như là điều kiện đủ để xây dựng lòng tin và tình cảm của người dân đối với những người lính mang quân hàm xanh như anh. Sau những chuyến đi về miền biên giới, qua những lần tiếp xúc với các anh, tôi đã hiểu được phần nào lí do vì sao người vùng biên lại quý mến Bộ đội Biên phòng nhiều như thế.
Chúng tôi về đến Đồn Biên phòng Hiền Kiệt thì tối mịt, một màn sương dày đặc đang âu yếm ôm lấy không gian xung quanh khiến tôi cảm nhận được rõ ràng cái rét buốt đầu đông nơi miền biên viễn. Hình ảnh về những người lính mang quân hàm xanh trong bản Ho, bản sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất của Hiền Kiệt đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ đã thôi thúc tôi viết một điều gì đó về họ. Tôi thấy lòng mình không yên như hãy còn mắc nợ những con người nơi đây một ân tình, chắc chắn tôi sẽ quay trở lại vào một ngày gần nhất. Cảm ơn các anh, cảm ơn những cống hiến thầm lặng cho sự bình yên của mảnh đất này, quê hương, tổ quốc thân yêu này.
11-2020
N.H