Vợ chồng Vạn chạy đến làng Nga, xin ở đậu mảnh đất “chó nằm thừa đuôi” tận cuối làng. Dù muộn mằn nhưng họ cũng sinh được một mụn con trai đặt tên là Vạn. Hoàn cảnh ngụ cư đói khổ đủ bề. Cả hai vợ chồng đều mất sớm, bỏ lại đứa con mới bảy, tám tuổi đầu. Nhờ manh áo miếng cơm bố thí, Vạn vật vã lớn lên. Tay trơ mình trọi, Vạn phải đi ở đợ làm thuê cùng làng cuối xóm. Với bản tính siêng năng, thật thà nên vào tuổi thành niên, Vạn cũng lấy được cô vợ trong làng cùng cảnh với mình tên là Ngọt. Không tấc đất cắm dùi, hai vợ chồng nối tiếp cái nghiệp làm thuê. Tháng ba ngày tám, ít người thuê mướn, Ngọt lặn lội đồng trên bãi dưới mò cua bắt ốc đổi lấy mớ khoai, bơ gạo. Vạn đi làm thuê năm cho nhà Chánh tổng Cang với đồng công chết đói. Nhà Chánh tổng giàu nứt đố đổ vách. Nhà cửa dãy dọc tòa ngang, ruộng cả ao liền, trâu to bò lớn, quyền uy nghiêng trời lệch đất. Chánh tổng có con trai là Tất làm ký lục trên huyện, con gái theo tên quan năm Pháp nên càng cậy thế, cậy quyền tác oai tác quái trong vùng, đối đãi tàn ác với nhân dân, với kẻ ăn nguời ở.
Hôm Ngọt cùng mấy chị em đi gặt thuê, giữa buổi thấy bụng đau râm ran. Biết đã đến ngày sinh, Ngọt xin về trước. Đi được vài bước, Ngọt thấy bụng đau dữ dội rồi đẻ táo họa ngay đầu bờ ruộng. Mấy người thợ gặt vồn vã chạy đến thì đứa bé đã cất tiếng khóc oa oa. Giữa đồng giữa bái, các chị thợ gặt đành dùng liềm cắt lúa để cắt rốn cho bé trai sơ sinh. Không biết luống cuống thế nào, cái lưỡi liềm chạm vào khuỷu tay cháu bé. Vết thương đã kín miệng, lên da non nhưng để lại vết sẹo dài. Từ ngày có thêm một sinh linh bé nhỏ, túp lều tồi tàn của vợ chồng nghèo tràn đầy hạnh phúc. Vợ chồng chuyền tay nhau bồng bế, ôm ấp đứa con bé bỏng và phát hiện ra một cái bớt màu hồng to bằng cái lỗ đồng tiền bên vai phải của con. Bà con hàng xóm cứ đùa “cái bớt tiền bớt của đấy!”. Chả biết tiền của đâu nhưng nhìn con kháu khỉnh, khôi ngô, vợ chồng Vạn càng vui, dành hết tình thương yêu cho con. Bàn cãi mãi sau cùng vợ chồng quyết định đặt tên con là Phúc. Bố là Vạn, con là Phúc, là ước mơ nhiều phúc đức về sau.
Năm ấy trời làm trận đói khủng khiếp. Con người phải ăn đến rau má, củ chuối, bả nâu, thân cây đu đủ cốt để đầy bụng. Rồi các thứ đó cũng hết. Tất cả những thứ gì có thể đút vào mồm, người ta đều vơ váo cho đầy bụng. Có cả người táng tận lương tâm cướp giật miếng ăn của đồng loại để sống còn. Người chết đói đầy đường chồng chất lên nhau không kịp chôn. Cứ ba bốn ngày nhà chức trách mới cho xe bò đi gom xác một lần đem dồn đống vào cái hố nông choèn, lấp sơ đất lại để đỡ mùi hôi thối. Có nhà chết đói không sót một người, hàng xóm phải bảo nhau chôn ngay trên nền nhà. Nhiều người đem con đi cho cũng không ai nhận nuôi. Người ta đem con ra chợ, lừa bỏ đi mong ai nhân đức đem về nuôi hộ.
Nhà Vạn càng trong tình trạng quẫn bách. Mấy tháng rồi, Ngọt bị ốm liên miên không làm được công việc gì. Đồng tiền công đi ở của Vạn có thấm vào đâu khi quan tiền đồng lúc khác mua được cả thưng gạo thì bây giờ không mua nổi vài sét bơ. Chờ đã ba ngày không thấy Vạn về, trong nhà không còn thứ gì có thể ăn đỡ lòng, Ngọt đành dắt đứa con lên năm vừa đi tìm chồng vừa xin ăn cố cứu lấy đứa con trứng nước. Ngọt đang bị ốm lại vừa đói, vừa say nắng nên đã gục xuống, ngắc ngoải một hồi rồi tắt thở giữa đường. Một vùng vắng lặng, nắng chói chang. Không một bóng người qua lại. Đó đây xác người chết đói ngổn ngang. Lâu rồi mới có một phụ nữ ra dáng nhà giàu đi ngang, thấy cháu bé ôm người đàn bà chết đói, thân xác đã lạnh giá mà kêu gào thảm thiết. Tiếng cháu bé cũng đã lả đi, yếu dần chỉ còn như tiếng mèo kêu. Thấy có người đi đến, cháu ngẩng lên, vừa sợ vừa cầu xin bằng điệu bộ của đứa trẻ lên năm, bằng giọng nói đứt quãng “…m…ẹ …ch…ết”. Người phụ nữ đã hiểu sự tình. Chị vội gỡ tay cháu bé ra rồi cởi áo ngoài của mình phủ lên thi thể tong teo của người mẹ đã chết lạnh cứng. Nhẹ nhàng, âu yếm, chị ôm cháu bé, dạy cháu làm điệu bộ vái mẹ nó ba lần. Vuốt mắt, lạy người quá cố, chị khóc nấc trong tiếng thì thầm “Em cầu mong cho chị về chín suối được mát mẻ. Xin chị cho em được nhận cháu bé này làm con nuôi”.
Chị bế cháu bé đi nhanh về phía làng xa.
Lợi dụng tình hình đói kém, Chánh tổng Cang mở kho lúa đầu cơ bán cho dân nghèo với giá cắt cổ. Những người không đủ tiền trả ngay nó bắt ký nợ. Biết khó có thể trả hết món nợ đời này nhưng vì mạng người là trọng, họ đành phải liều. Chánh tổng bắt kẻ ăn người làm trong nhà cũng phải ăn cháo cám trừ bữa. Mỗi ngày được chia một bát cháo cám nước lõng bõng, bỏ thêm mấy hạt muối, Vạn phải nhịn, đùm vào mảnh lá chuối đem về cho vợ đang bị ốm và đứa con đói lả. Hôm ấy Vạn đánh liều lấy thêm một bát cám của lợn định đem về, không may bị mụ Chánh trông thấy. Mụ tru tréo ầm ĩ vu cho Vạn ăn trộm của nả nhà mụ. Vạn bị tên Tất con trai Chánh tổng sai tuần đinh trói nghiến lại, giam ở chuồng trâu, tra khảo ba ngày sau mới thả vê.
Vạn lao đi tìm vợ con. Vợ anh chết nằm đó còn con thì được biết có người phụ nữ đã mang đi đâu không rõ. Chôn cất vợ xong, anh uất ức, bỏ làng ra đi. Nửa năm trời Vạn lùng sục khắp chợ cùng quê dò hỏi tin tức đứa con nhưng vẫn bặt vô âm tín. Mấy năm lang bạt kỳ hồ, giữa thời buổi đói kém, nhiễu nhương, đâu cũng gặp những thân phận bị bóc lột, áp bức bởi bọn nhà giàu ôm chân đế quốc. Vạn càng phẫn uất nhưng không tìm ra lối thoát. Đến một vùng bán sơn địa trập trùng giữa miền ngược và miền xuôi, Vạn nghe nói có toán cướp chuyên lấy của nhà giàu đem cho dân nghèo. Vừa hận cho bản thân vừa thù bọn giàu có hà hiếp dân nghèo, Vạn tìm đến, xin được theo toán cướp mong có dịp báo thù. Theo con đường độc đạo hiểm trở, Vạn đã tìm đến được sào huyệt của họ. Đúng là giang sơn nào anh hùng nấy. Trong những dãy nhà thưng ván, lợp lá cọ, có đến hàng trăm con người da cháy đen, trông như hộ pháp với những khuôn mặt dữ dằn “nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”. Vạn cũng được dung nạp với “chỉ dụ”: luật rừng xử nghiệt ngã với bất cứ ai lừa dối, phản bội! Đã một thời toán cướp là nỗi kinh hoàng của bọn bất nhân. Vạn nhanh chóng trở thành tay anh chị kéo toán cướp về làng Nga, trói ghè vợ chồng con cái nhà Chánh tổng Cang, vô hiệu hóa đàn chó hàng mấy chục con. Vốn đã từng làm thuê ở đây, anh biết hết đường ngang ngõ tắt, nhà ngang nhà dọc, kho to, lẫm lớn nên chỉ trong vòng vài canh giờ, của nả nhà Chánh tổng đã bị toán cướp khuân nhẵn. Họ chỉ lấy một phần còn lại đem ném rải rác khắp làng cho những người cùng khổ. Toán cướp cũng cảnh báo cho Chánh tổng: “Nếu còn hà hiếp bắt nạt dân nghèo thì họ sẽ quay lại lấy mạng cả nhà”. Chánh tổng Cang mặt xanh như đít nhái, cắm cổ lạy toán cướp như tế sao. Gần sáng, toán cướp rút đi êm thấm.
Từ ngày Vạn thay quyền thủ lĩnh, thanh thế của toán cướp càng lan rộng. Hành động của họ cũng được kiểm soát hơn. Nhiều lần họ công khai can thiệp trừng trị bọn cường quyền địa phương cậy thế, cậy quyền ức hiếp người dân thấp cổ bé họng. Bọn giàu có trong vùng như đứng ngồi trên ổ kiến lửa. Chúng vừa đút lót quan trên vừa cầu cứu “Nhà nước bảo hộ” hòng nhổ kỳ được cái gai trước mắt. Đã nhiều lần quan huyện sở tại sai quân đi tiểu trừ nhưng đều thất bại. Đa phần toán cướp là những tay nhanh nhẹn, khỏe mạnh, thông thuộc địa bàn miền sơn cước, thoắt ẩn thoắt hiện như người chơi trò ú tim. Khi núng thế họ âm thầm chui vào rừng núi, mất hút dưới tán đại ngàn. Bọn lính dõng nhát gan sợ chết lại không được nhân dân đồng tình nên đã nhiều tên bỏ mạng.
Một thời gian sau có người khách lạ trạc tuổi ba mươi, khỏe mạnh, có vẻ tự tin, bản lĩnh tìm đến địa bàn, lân la dò hỏi về toán cướp. Bộ trang phục kiểu người dân tộc mà cách thức con người anh ta lại có vẻ giang hồ lãng tử càng làm mọi người chú ý. Được đàn em trình báo, thủ lĩnh Vạn ngứa mắt, sai bắt anh ta về định giết bỏ, trừ hậu họa. Người khách lạ không chống cự, dũng cảm trước những tay dao búa đang hằm hằm sát khí:
- Tôi đã chấp nhận để các anh bắt về đây tức là tôi không sợ chết. Nhưng trước khi tôi chết, chúng ta hãy nói chuyện với nhau như những người đàn ông.
Toán cướp hạ hỏa, dãn ra. Thủ lĩnh Vạn có phần ngạc nhiên, có phần vị nể con người đơn thương độc mã, đứng hiên ngang giữa vòng vây gươm giáo mà vẫn có thái độ bình tĩnh lạ thường. “Tù nhân” nói tiếp vừa đĩnh đạc vừa tha thiết:
- Chúng ta cùng chung nhau một điểm đó là căm thù bọn thực dân cướp nước và bọn nhà giàu bóc lột nhân dân. Tôi biết, các anh chưa từng giết người, chưa từng mưu lợi cho cá nhân mà chủ yếu là lấy những thứ mà bọn nhà giàu bóc lột của nhân dân, trả lại cho nhân dân. Trong một chừng mực nào đó, tôi đồng tình với các anh. Nhưng về danh nghĩa, các anh cũng chỉ là kẻ cướp. Những hành động của các anh mới chỉ dọa nạt được một số tên cường hào ác bá chứ chưa diệt được tận cùng cái gốc rễ sản sinh ra nó. Khi quan chức sở tại cấu kết với bọn thực dân Pháp mở những cuộc truy quét quy mô, thử hỏi chừng này con người với giáo mác thô sơ, thiếu kỷ luật liệu các anh có chống đỡ nổi không, có tồn tại được không? Vậy nên tôi đề nghị các anh suy nghĩ lại cho trọn đôi đường…
Anh ta vẫn bình tĩnh, ôn tồn nói tiếp:
- Nên chăng các anh liên kết với các cánh quân khác, tạo thành lực lượng mạnh mẽ đủ sức không chỉ đập tan các cuộc truy quét mà còn tấn công vào các đồn bốt quy mô của chúng và tiến tới…
Sống bên cạnh toán cướp một thời gian, anh đã thuyết phục được họ cùng lên chiến khu, trở thành những chiến sỹ Vệ quốc quân sau này.
Làng Nga đất rộng, dân số đông. Làng hình thành đã trên dưới sáu trăm năm. Người cùng đinh, người phạm tội bị quan quân truy nã, hết đất sống nên mới rủ nhau tá túc thành làng như bây giờ. Một nửa dân làng theo đạo Thiên chúa. Chánh tổng Cang cũng có đạo thuộc “Dòng Mân Côi”. Tên Tất, con trai chánh tổng Cang theo Pháp đã đóng lon đại úy đưa đường cho quân Pháp từ mặt biển đổ bộ vào chiếm đóng làng Nga. Chúng xây đồn kiên cố, có nhiều lô cốt bê tông cốt sắt, trên nóc có súng đại liên quay đi các hướng. Dưới lòng đất có hầm ngầm thông ra biển. Bọn lính ở trong những ngôi nhà xây nửa nổi nửa chìm. Chung quanh làng dày đặc hàng rào dây thép gai. Cổng đồn chấn ngữ ngay đầu làng “nội bất xuất ngoại bất nhập”, coi như thánh địa của cả vùng Nam Định, Ninh Bình thời đó. Chúng còn lập đường “dây thép” liên lạc với các đồn Pháp, các nơi sẵn sàng nã đạn “moocschie” chi viện khi nguy cấp.
Tư tưởng thực dân được bọn quan thầy Pháp nhồi sọ cộng với thói đểu giả cố hữu của con nhà địa chủ cường hào đã biến tên Tất thành kẻ mất tính người, say máu, hung hãn, sắn sàng chém giết. Dưới sự cố vấn của quan thầy Pháp, tên Tất lợi dụng danh Chúa chỉ huy một số phần tử phản động, đàn áp dã man những người yêu nước, lùng sục, bắt bớ những người mà nó cho là có mối thù với gia đình, anh em họ hàng nhà Chánh tổng Cang. Cha nó khom lưng quỳ gối tôn thờ “nước mẹ Pháp”, bán rẻ đồng bào, khích lệ bọn lính Lê Dương bắt bớ phụ nữ trong làng đem về đồn hãm hiếp. Ngày nào chúng cũng gây ra những vụ hiếp vợ giết chồng thảm khốc. Một số người bạc nhược, khiếp đảm theo Tây. Người phẫn uất nuôi chí trả thù bằng cách hợp thành những Hội, Đoàn chờ thời cơ rửa hận.
Vạn tha thiết xin cấp trên được về đánh giặc giải phóng quê hương. Sau khi cân nhắc kỹ, Chính ủy trung đoàn đồng ý cho Vạn chỉ huy một đại đội tăng cường xuất quân. Để giữ bí mật cho trận đánh, Vạn lệnh cho đơn vị ém quân cách xa làng Vồm. Đích thân Vạn cùng một số quân báo đi điều nghiên, nắm địch tình, kết nối với cơ sở làm nội ứng.
Cấp trên đã duyệt phương án tác chiến của Vạn.
Làng Nga đã bị quân ta bao vây. Đường “dây thép” liên lạc bị nội gián của ta cắt đứt. Các đồn Pháp vùng tề phía Bùi Chu, Phát Diệm cũng bị các cánh quân của ta bố trí chặn đứng nên chúng bị cô lập hoàn toàn. Đúng giờ hẹn, những người lính phản chiến đã mở sẵn cổng đồn cho quân ta tiến vào. Sinh ra ở làng Nga, đã từng ngụp lặn trong khổ đau nghèo đói của đất mẹ ngày xưa, Vạn biết rõ từng gốc cây, hòn đá, từng đường ngang ngõ tắt. Những người bạn của Vạn một thời đi ở, làm thuê sống cuộc đời nô lệ cơ cực bây giờ sẵn sàng tiếp tay cho quân giải phóng nhổ bốt, diệt đồn. Lính của Vạn có nhiều người từng là các tay lục lâm giang hồ một thời, khi được giáo dục đi theo chính nghĩa, họ trở thành những người lính dày dạn, thông thạo chiến thuật đánh ở địa bàn dân cư. Dựa vào những lợi thế đó, Vạn chỉ huy các chiến sỹ di chuyển, ẩn nấp, thoắt ẩn thoắt hiện tránh được nhiều thương vong, mở đường xuyên thẳng vào sào huyệt của giặc. Tên đồn phó Tất như chó dại cùng đường dứt dậu, rút vào hầm ngầm chống trả điên cuồng, nhằm bỏ trốn nhưng chúng không ngờ cửa hầm thông ra biển đã bị quân ta bịt kín. Vạn trực tiếp chỉ huy tiểu đội chủ công áp sát cửa hầm tung lựu đạn vào trong. Tên Tất miệng hô “tử thủ”, tay xối đạn tiểu liên vào phía quân ta. Vạn nhảy tới đá văng súng của nó. Hai bên quần nhau bằng dao găm. Sau cùng, lưỡi dao sắc lẹm của Vạn đâm trúng tim, kết liễu đời tên Việt gian khát máu. Bọn còn lại bỏ chạy xuống xuồng bơi ra hạm đội đã đón sẵn, bỏ lại bốn năm chục xác chết. Tên Cang định tìm đường trốn vào đồn Pháp ở tỉnh bên bị nhân dân truy bắt giao cho tòa án cách mạng. Đại đội trưởng Vạn bị thương nặng, đã đưa vào bệnh viện vùng tự do cấp cứu.
Nhận được báo cáo, Chính ủy Trung đoàn đến thăm, đem theo một bác sỹ quân y giỏi trực tiếp cứu chữa cho người chiến sỹ giải phóng quân dũng cảm. Chân ướt chân ráo vừa đến nơi, viên bác sỹ đã xắn tay áo lao vào phòng bệnh tác nghiệp ngay. Toàn thân Vạn có đến gần chục vết thương. Mất máu trầm trọng. Mạch quá yếu, phải tiêm thuốc trợ lực liên tục. Bệnh nhân vẫn nằm bất động. Không có bình dưỡng khí, bác sỹ phải dùng miệng truyền thêm hơi thở cho bệnh nhân. Như có sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, mê man bất tỉnh mà khi bác sỹ đụng chạm vào người thì bỗng như có sức mạnh thần kỳ, dần hồi tỉnh lại. Đôi mắt Vạn đã lờ đờ bỗng có tia sáng ánh lên, nhìn đăm đăm vào viên bác sỹ trẻ tuổi với cái nhìn rất lạ. Vạn cựa mạnh như hốt hoảng, định ngồi bật dậy nhưng vì không đủ sức, anh lại đổ ập xuống giường, gắng gỏi thều thào điều gì đó. Rồi bỗng dưng mắt mở to, sáng quắc, chân tay quờ quạng, bệnh nhân ra hiệu đỡ mình dậy. Người bác sỹ xắn tay áo đỡ đầu bệnh nhân lên lòng mình. Nhận ra vết sẹo trên khủy tay bác sỹ, bệnh nhân cất tiếng nói đứt quãng:
- Đô…ng chí c…òn có cái bơ…t bên vai ph…a…ỉ ?
Viên bác sỹ ngạc nhiên:
- Đúng ạ, sao đồng chí biết?
Bệnh nhân đã dùng hết sức bình sinh nhưng bất lực, chỉ động cựa được hai cánh tay yếu ớt và tiếng nói đứt quãng:
- Trời!… Con… tôi!
Chính ủy chính là người khách lạ năm xưa đã đến dò la toán cướp của Vạn và giúp họ cải tà quy chính, rèn luyện họ trở thành những chiến sỹ vệ quốc quân dũng cảm từng đánh đông dẹp bắc. Ông khẽ nâng tay Vạn đặt vào tay bác sỹ Phúc, xúc động kể cho mọi người nghe:
“… Năm 1945, một nữ đồng chí cán bộ của ta phải cải trang thành thiếu phụ giàu có để tránh sự theo dõi của kẻ thù. Hôm đi công tác qua làng Nga chị gặp một đứa bé đang ôm lấy mẹ đã bị chết đói bên đường mà kêu khóc thảm thiết. Bọn giặc đã áp sát sau lưng chị. Biết không thể cứu được người mẹ nữa, chị bế lấy cháu bé về làm con nuôi. Cháu bé ấy chính là Phúc. Mấy năm sau, chị đã hy sinh cho cách mạng. Tổ chức tiếp tục nuôi dạy, học hành và bây giờ Phúc đã thành bác sỹ quân y.
Cha con Vạn, Phúc ôm lấy nhau, róng riết với bao nhiêu tình sau hai mươi năm xa cách nay mới được gặp lại trong hoàn cảnh đặc biệt này. Nhưng vết thương quá nặng, sức Vạn đã cùng kiệt. Đôi tay Vạn từ từ buông lơi rồi bất động nhưng trên môi anh vẫn phảng phất nụ cười mãn nguyện.
P.V.L