Cưới vợ giữa mùa khoai lang lim tím - Phạm Minh Giang
Tháng chạp năm 1970, sau khi bàn giao khí tài cho đơn vị khác, đơn vị tôi chờ lệnh mới, thủ trưởng cho một số anh em được về phép, trong đó có tôi. Tôi mạnh dạn xin thủ trưởng cái giấy giới thiệu về cưới vợ vì tôi đã nhắm được một cô ở quê rồi. Tôi xin thủ trưởng cho tôi tính mười lăm ngày phép từ ngày kia vì chiều mai mới có xe của Ban Hậu cần ra Hà Nội lấy hàng. Tôi hỏi đi nhờ xe đó. Tôi có một ngày chuẩn bị nên tôi mua được bảy tút thuốc lá Hòn Mê, mấy gói chè khô ngon nữa. Tôi làm cơ công ở Trung đoàn bộ, ngoài giờ chữa máy thông tin ra, tôi còn chữa đài, lắp đài galen cho anh em nữa. Tính tôi lại hiền lành, chan hòa nên tôi nhiều bạn. Anh em biết tôi về cưới vợ nên nhiều người đã đến tặng quà. Sổ sách, búp bê, giải rút, lược bằng mảnh máy bay và bao nhiêu những thứ nho nhỏ nữa. Trước tình cảm quý mến của anh em, tôi cảm động lắm.
Thế là sáng hôm sau, tôi đeo ba lô theo xe Ban Hậu cần về quê. Ô tô đi theo quốc lộ một. Vì phải dừng lại mấy trạm để nhận hàng mang ra Hà Nội nên đến đoạn rẽ về Thái Bình thì trời đã khuya lắm. Tôi cảm ơn các đồng chí rồi xuống xe cuốc bộ. Từ đây về nhà tôi có dễ đến gần ba mươi cây số. Tôi sang phà và đi vào một khu rừng đay ngút ngàn. Những cây đay cao lút đầu… Trời tối nhờ nhờ. Tôi cứ đi như thế. Rừng đay thì cứ dài ra mãi… Không biết đây là xã nào. Năm năm trước chúng tôi lên đường làm gì có rừng đay này? Ờ, có lẽ bây giờ Thái Bình có nhà máy đay thì phải…
Bây giờ có lẽ đã gần nửa đêm. Tôi thấy mệt. Mà cái đầu gối tôi nó dở chứng đau rồi. Hôm xưa tôi đá bóng giữa Ban Tham mưu với Ban Chính trị bị bong gân tưởng xoàng thế mà bây giờ lại đau cơ chứ. Tôi quyết định tìm nhà dân nghỉ lại. May mà cánh rừng đến đây là hết. Xa xa hiện ra một ngôi làng. Tôi rảo bước tới ngôi làng ấy.
Ngôi làng này san sát những mái nhà tranh, nhà ngói, mít, nhãn, và những cái ao làng… Tất cả đều im phăng phắc. May, vẫn còn có một nhà có ánh đèn le lói. Tôi vào sân, rồi gọi:
- Bác ơi, bác…
Không có tiếng trả lời. Tôi lại gọi tiếp.
Có tiếng kẹt cửa. Một người từ trong nhà bước ra.
- Ai đấy ạ?
Ồ, thì ra là một cô gái. Trời sáng lờ mờ nhưng tôi vẫn nhìn rõ cô gái có mái tóc dài đen mướt và đôi mắt lấp lánh. Tôi trả lời:
- Tôi là bộ đội quê xã Phúc Hậu về phép đi nhờ xe đơn vị đến Nam Định rồi đi bộ về đến đây thì muộn quá rồi. Xin được gia đình cho tôi nghỉ lại, sáng mai tôi mới về được.
Cô gái kêu lên: “Ô, anh bộ đội”. Rồi cô gái quay vào nhà gọi bố: “Bố ơi, có anh bộ đội…”.
Từ trong nhà bóng người luống tuổi bước ra, tôi vội vã nói:
- Cháu là bộ đội…
Bác trai khoát tay:
- Nghe giọng anh ở Phúc Hậu hả? Anh cứ vào nghỉ đi, mai về cũng được.Anh ăn uống gì chưa?
Tôi thành thật:
- Cháu ăn bánh mì trên xe lúc chiều rồi ạ.
Bác trai bảo:
- Ô, thế thì anh phải ăn cơm đã. Hiền ơi, đi nấu cơm cho anh ăn mau đi con!
Tôi không biết nói gì, ra giếng rửa chân tay mặt mũi.
Một lúc sau đã thấy Hiền (tên cô gái) bưng ra mâm cơm và bảo:
- Em mời anh xơi cơm ạ.
Bác gái trong nhà cũng nói:
- Ăn cơm đi cháu, ăn đi cho nóng. Nhà bác cũng có thằng Hòa, anh trai cái Hiền đi bộ đội năm năm rồi chưa được về lần nào. Hai bác cứ thấy anh bộ đội nào là quờ quớ ra ngay, quý bộ đội lắm. Thôi, ăn cơm đi cháu, ăn cho nóng, cháu.
Cơm nóng dẻo với cá bống kho, trứng tráng và rau mồng tơi luộc chấm mắm tép. Đúng là bữa cơm đêm tuyệt vời cả đời tôi không thể nào quên.
Ăn cơm xong, tôi định bưng mâm bát ra giếng nhưng Hiền đã nhanh nhảu bảo “Để em… để em… Anh uống nước rồi vào nghỉ đi, em đã mắc màn cho anh rồi đó…”.
Trước khi ngủ, tôi còn nghe được điều bí mật của gia đình này. Đó là anh trai của Hiền cũng chưa vợ, còn cô em cũng chưa có đám nào vì thanh niên trai tráng trong làng ra trận hết…
Sớm hôm sau, tôi dậy đánh răng rửa mặt. Hai bác và Hiền cứ giữ lại ăn cơm sáng đã vì Hiền đã nấu xong rồi. Nhưng tôi dứt khoát từ chối nói rằng: “Hai bác thông cảm cho cháu. Thời gian phép có ít. Cháu phải về. Nhưng mấy hôm nữa cháu sẽ lại lên thăm hai bác và em”.
Tưởng câu nói ấy là câu nói xã giao. Thế mà hóa ra lại là thật. Đúng sớm ngày thứ tư tính từ sáng hôm ấy, tôi phải tức tốc phóng xe lên nhà Hiền.
Số là người mà tôi đã nhắm để cuới tên Trang Nhung cùng làng đã đi lấy chồng. Chồng Nhung là tiến sỹ mới đi Tây về. Lấy chồng xong, Nhung theo chồng sang Tây luôn. Tôi không thể trách Nhung được. Bởi vì năm năm trước, cái buổi tối cuối cùng tôi sang nhà, Nhung nhìn tôi đắm đuối lắm, thế mà tôi không biết nói một câu nào, không dám cầm vào cổ tay Nhung mặc dù tôi rất muốn, không có một lời hẹn nào, nửa lời cũng không… Và rồi tôi cứ đi, cứ đi đằng đẵng chưa biết là bao nhiêu năm trời… Ai biết đâu mà đợi chờ vào một trái tim không biết hứa cơ chứ?
Ba ngày trời tôi nằm bẹp ở nhà không đi đâu cả. Thế nhưng rồi đến nửa đêm về sáng ngày thứ tư của đợt phép, tôi nằm mê thấy đôi mắt của Hiền. Đôi mắt ấy cứ long lanh, long lanh như là tiếng gọi vậy.
Thế là hôm ấy, từ sớm tinh mơ tôi đã xuống nhà ông cậu ruột mượn chiếc xe đạp cà tàng rồi tức tốc đạp xe lên nhà Hiền ở Thanh Phúc. Đến nhà, không thấy có ai ở nhà cả. Tôi dựng xe đạp ở trước cửa rồi lững thững đi bộ ra ngõ hỏi thăm, một cô gái nhanh nhảu bảo:
- Cả nhà cái Hiền đang bới khoai ở cánh đồng Phúc Hạ độ một cây số thôi. Anh bộ đội. Anh cứ đi với em, em sẽ dẫn tới ruộng nhà nó.
Tôi đi theo cô gái và cả đoàn. Ra đến cánh đồng. Gần như cả cánh đồng đổ xô về tôi. Các ông các bà thì dừng tay cuốc nhìn, các cô gái thì nói cười ríu rít. Tôi như là một con chim vàng giữa một vườn xanh hoa lá. Quả thật, ngày ấy, có một anh bộ đội về làng là hiếm lắm, và quý lắm…
Cô gái dẫn tôi đến tận ruộng nhà Hiền và gọi to:
- Hiền ơi, Hiền ơi, người yêu của mày đã về đây này.
Tôi ra ruộng trước sự ngỡ ngàng và vui mừng của Hiền và gia đình. Tôi cùng Hiền bới khoai, người cuốc người nhặt, vừa làm vừa nói chuyện, những củ khoai lang lim ngon có tiếng trong vùng ánh lên một màu tím, còn mắt Hiền thì long lanh, long lanh hơn bao giờ hết. Loáng một cái đã được một đống khoai to đùng ở giữa ruộng. Bố mẹ Hiền ý tứ bảo tôi:
- Chúng mày gánh khoai về dần đi.
Tôi hớn hở giành phần gánh nặng nhường lại Hiền gánh nhỏ. Cả hôm ấy tôi và Hiền cứ ríu rít như đôi chim vừa bén duyên, nên chẳng mấy chốc ba sào khoai đã được bới và gánh về tận nhà.
Bố mẹ Hiền quyết định giết gà, rán cá, lôi chai rượu bổ ra, tổ chức luôn một bữa tiệc trưa nay để thết đãi anh chàng “khách không mời mà đến” này.
Năm năm trời là bộ đội, tôi học được nhiều điều, nhưng có một điều tôi áp dụng được ngay vào đợt này, vào ngày hôm nay. Đó là chiến thuật “tiến công, tiến công, và tiến công” để đi đến thắng lợi.
Chiều hôm ấy, tôi rủ bằng được Hiền về nhà tôi. Lúc đầu em còn ầm ừ. Nhưng sau tôi bảo: “Anh về phép lần này được hơn chục ngày. Bạn cùng học ngày xưa thì chúng nó đi hết, chẳng có đứa nào mà chơi cả, anh buồn lắm. Chỉ có em là anh thấy thân và gần mà thôi. Anh có một đứa em gái kém em mấy tuổi, em về, chắc nó quý lắm…”. Mãi sau Hiền mới về đấy. Công bằng mà nói, Hiền không có gì nổi trội. Nhưng tất cả từ ánh mắt, nụ cười, hàm răng, mái tóc, vồng ngực và dáng hình em… tất cả như có một sức hút kỳ lạ, hấp dẫn và thân quen đến lạ lùng… Thế là chiều hôm ấy, gia đình tôi lại tổ chức một bữa cơm liên hoan đón Hiền. Bố mẹ tôi và em gái tôi vui lắm.
Và chỉ một ngày sau đó, đám cưới của tôi và Hiền được tổ chức tại đình làng Phúc Hậu quê hương. Đám cưới của tôi và Hiền đông vui như là một cuộc mít tinh đặc biệt. Nước chè xanh làng Mét vẫn còn dư vị ngọt, khói thuốc lá Hòn Mê như vẫn còn phảng phất cái “mê” ấy cho đến nhiều ngày sau. Còn tiếng hát “Chị Hai năm tấn” và “Đường cày đảm đang” thì hình như còn vang vọng cho đến tận bây giờ.
Đến bây giờ tôi mới kể, kiểm điểm lại những việc trong đời, có nhiều nhiệm vụ tôi chưa hoàn thành, có nhiều nhiệm vụ tôi chỉ hoàn thành ở mức thấp. Thế nhưng có một nhiệm vụ tôi tự đề ra và hoàn thành xuất sắc. Đó là nhiệm vụ lấy vợ vào mùa khoai lang lim năm ấy. Âu cũng là một niềm vui đáng được vợ thưởng cho mình một cái gì đó đấy chứ?
Trong nhiều tặng phẩm như xoong quấy bột, giải rút, chậu thau men, sổ sách… thì có một tặng phẩm chúng tôi vẫn còn trân trọng lưu giữ cho đến tận bây giờ. Đó là chiếc khăn mùi xoa thêu đôi chim câu (con bay, con đậu) ở bên trên hai chữ lồng T - H (Tùng tên tôi và Hiền tên vợ tôi). Người thức suốt đêm hôm trước ngày cưới của vợ chồng tôi để thêu khăn và tặng khăn cho vợ chồng tôi là nữ ca sỹ Thúy Quỳnh, bạn thân của Hiền đã hy sinh anh dũng trong khi đang hát cho bộ đội nghe tại một trận địa cao xạ pháo năm 1972.
Những đồng đội của tôi ở trung đoàn tên lửa, những người bạn thân thiết của Hiền ở quê… bao nhiêu người đã đi xa…
Hạnh phúc đơn sơ, hạnh phúc nhỏ nhoi của vợ chồng tôi đã được bao nhiêu người chăm lo vun đắp. Tôi vẫn bảo với Hiền rằng vợ chồng mình phải luôn luôn trân trọng và gìn giữ đôi chim này, chữ lồng T - H này cùng với những tình cảm yêu thương mà bố mẹ, dân làng, đồng đội và anh em bầu bạn đã dành cho mình từ hơn nửa thế kỷ trước, cho đến mai sau, mai sau, cho đến tận đời con, đời cháu, đời chắt sau này…
P.M.G