Ban Văn nghệ dân gian tổ chức Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027
Sáng ngày 15 tháng 6 năm 2022, Ban Văn nghệ dân gian thuộc Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027. Đến dự có họa sỹ Phạm Duy Phương - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, các đồng chí trong Thường trực Hội và đông đủ các hội viên Ban Văn nghệ dân gian.
Toàn cảnh Đại hội
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, nhà nghiên cứu Phạm Minh Trị - Trưởng Ban Văn nghệ dân gian đã trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2017-2022. Theo đó, trong nhiệm kỳ IX bên cạnh những thuận lợi Ban Văn nghệ dân gian cũng gặp không ít những khó khăn. Nhưng với nỗ lực, đam mê, nhiệt tình với di sản văn nghệ dân gian của các hội viên; sự đoàn kết, thống nhất, năng động của lãnh đạo Ban nên Ban Văn nghệ dân gian đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển của văn học nghệ thuật xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung. Nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Văn nghệ dân gian đã hoàn thành các công trình tác phẩm tiêu biểu của tập thể như: Biên soạn xuất bản 1200 cuốn Văn thơ thời Lý và dấu ấn Thanh Hóa năm 2019 nhân dịp Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019); Phục dựng trò diễn: Múa Đèn - bản nông lịch của cư dân nông nghiệp cổ Đông Sơn; Tham mưu nội dung cho Hội VHNT Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững”.
Trong nhiệm kỳ 2017-2022 đã có 6 hội viên của Ban tham gia trại sáng tác do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội VHNT Thanh Hóa tổ chức tại Đà Lạt, Đại Lải, Hà Nội, Cao Bằng. Ban Văn nghệ dân gian cũng đã tổ chức hai chuyến đi thâm nhập thực tế tại các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân. Nhiều hội viên trong Ban đã có tác phẩm đoạt Giải thưởng văn học nghệ thuật hằng năm, trong đó có 05 giải B, 04 giải C; và nhiều giải thưởng cao quý ở Trung ương. Trong nhiệm kỳ đã có 10 hội viên được nhận hỗ trợ, tài trợ sáng tạo VHNT (trong đó có 6 loại A và 4 loại B) và đang đề nghị tài trợ 2 loại A trong năm 2022. Công tác phát triển hội viên cũng được hết sức chú trọng, nhiệm kỳ qua Ban Văn nghệ dân gian đã có 9 hội viên được kết nạp trong đó có 4 tiến sỹ, 2 thạc sỹ, 2 cử nhân, 1 trung cấp.
Họa sỹ Phạm Duy Phương - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Ban Văn nghệ dân gian khóa X, nhiệm kỳ 2022-2027
Đại hội cũng đã nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua đồng thời rút ra bài học và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ 2022-2027. Trong đó tập trung một số nhiệm vụ quan trọng như: Đề nghị Thường trực Hội trình Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học: 100 năm phát hiện Văn hóa Đông Sơn (1924-2024); Đề nghị Thường trực Hội trình Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho xuất bản Tổng tập văn hóa dân gian Thanh Hóa,...
Đại hội đã tiến hành bầu ra lãnh đạo Ban Văn nghệ dân gian khóa X, nhiệm kỳ 2022-2027, kết quả nhà nghiên cứu Phạm Minh Trị được Đại hội bầu làm Trưởng Ban, nhà nghiên cứu Trần Thị Liên và nhà nghiên cứu Đồng Văn Luân được bầu làm Phó Ban.
Q.T