Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Giữa mùa sen nở
Giữa mùa sen nở

Đêm mười sáu. Trăng tròn và sáng lắm. Dưới ánh sáng vằng vặc, cánh đồng lúa cũng trải ra một màu chín rộ. Từ phía đầm, gió nhè nhẹ lên. Hương sen thơm ngan ngát. Chạy ào đến đón anh sau nhiều đêm mòn mỏi đợi chờ, Thương không thể giữ được luồng rung cảm đang bung tỏa ào ạt. Trong hơi thở gấp gáp, Thương chỉ hỏi anh được một câu đầy nghi hoặc:
- Anh nhảy tàu về thăm em thiệt ư? 
- Ừ. Thiệt mà.
Anh gật đầu đáp và nhấc bổng Thương lên, quay mấy vòng mới chịu hạ xuống. Hai người hòa giọng cười vào trăng và dắt nhau ra chỗ chiếc thuyền nan đang đậu ở mép đầm. Đẩy chiếc thuyền ra xa, họ cùng trèo lên và ngồi mãi bên nhau như thế. Anh hôn nhẹ lên tóc Thương, anh thì thầm: "Đúng mùa sen nở rồi, chúng mình sẽ cưới nhau, em đồng ý không?". Khuôn mặt Thương ửng hồng dưới vầng trăng tỏ, ánh sáng lung linh càng tô thêm nét thẹn thùng. Thương bẽn lẽn cười, tay lay khẽ một lá sen to, đùa nghịch với giọt sương đang đọng trong lá. Lòng đã bối rối lại thêm xốn xang khi anh xoay vai lại, môi chạm vào môi Thương rất nhanh. Anh buông tay chèo, một nụ hôn thật sâu, thật nồng cháy, họ quện vào nhau như thể trao hết cho nhau những tinh túy nhất của cuộc đời. 
Trời càng về khuya trăng càng sáng nhưng hơi lạnh, anh vội cởi chiếc áo sơ mi kẻ sọc choàng qua người Thương, cả hai ngả người nhẹ nằm xuống khoang thuyền. "Em ngủ một lát đi!" - Giọng anh vỗ về. Một cảm giác vô cùng êm ái và ấm áp dưới trăng đêm. Nằm ngoan ngoãn một lúc, Thương muốn xoay mặt vào ngực anh để hít lấy mùi cơ thể quen thuộc của người yêu. Nhưng tay quờ mãi, quờ mãi mà chẳng thấy anh đâu cả. Chiếc thuyền cứ chòng chành, chòng chành giữa sóng nước chênh chao.
Một hồi còi tàu vang lên, đoàn tàu xình xịch mang thanh âm đi qua đầm sen, qua cánh đồng và vun vút xa những rặng tre làng. Thương choàng tỉnh giấc. Ôi! Thì ra là một giấc mơ. Giấc mơ tuyệt đẹp nhưng ngắn ngủi quá. Anh từng hứa, dẫu nơi này có xa sân ga, anh sẽ nhảy tàu về thăm Thương, họ sẽ cưới nhau vào mùa sen nở cơ mà. Anh nói là làm. Lời hứa kia không sớm thì muộn cũng trở thành hiện thực. Nhưng bao giờ, biết đến bao giờ?
*
Sau cuộc liên hoan vui vẻ giữa đoàn văn nghệ sĩ với các thầy cô giáo, anh bước theo Thương tản ra sau sân trường. Anh muốn được cô giáo trẻ dẫn đi thăm thú khung cảnh đẹp nhất của làng quê. Hôm ấy vì có tham gia hát giao lưu với ca khúc “Hương tóc mạ non”, Thương chọn mặc bộ bà ba tím. Bộ quần áo vừa vặn ôm lấy dáng người cân đối, đầy đặn. Mái tóc đen dày xõa ngang vai. Khuôn mặt mộc nhưng rất ưa nhìn, đôi má phính tròn với nước da trắng mịn, bờ môi mọng đỏ như tô son.
Trên chiếc xe đạp cũ, hai người chở nhau đi theo chỉ dẫn của Thương. Khoảng hai mươi phút sau, đầm sen mới hiện ra. Để đến được tận nơi, họ phải dựng xe bên lề đường và cuốc bộ. Đầm sen cách nhà chỉ một đoạn ngắn nên Thương rất ngại đi sát chàng thanh niên vừa quen biết. Lỡ người cùng làng thấy đôi trai gái đi giữa cánh đồng lại bàn tán xì xầm thì khổ. Những bước chân rất nhanh, rất thành thạo, Thương bỏ anh một đoạn khá xa. Còn anh, cứ phải xắn quần thật cao, xách đôi giày cũ sờn trên tay và lúng ta lúng túng men theo bờ ruộng. Ngoái lại nhìn anh chân nọ xọ chân kia, Thương cứ ôm bụng cười như nắc nẻ. Tiếng cười giòn tan làm xôn xao cả cánh đồng chiều. Quên hết thẹn, anh cứ dán mắt vào đầm sen rồi ồ lên xuýt xoa: "Đẹp quá em ạ. Đẹp như tranh vẽ ấy". Sen đang vào mùa nở rộ, hoa chi chít mọc như phủ kín mặt đầm. Những cánh hoa mỏng manh phơn phớt hồng xếp đều lên nhau và bám chặt vào đài sen, phô ra những cái nhụy vàng ươm. Cơn gió chiều lướt qua, cả vùng dậy lên mùi thơm ngào ngạt. Thương lặng lẽ nhìn anh, còn anh cứ đứng ngẩn ngơ, ngây ngất trước đầm hoa thiên phú ấy. Một lúc sau, họ mới ngồi xuống bãi cỏ để trò chuyện.
Ngồi cạnh nhau, khuôn mặt anh rạng rỡ hẳn lên. Vậy là Thương đã giúp anh thực hiện được mục đích của chuyến này. Với giới văn nghệ sĩ, đi là để trải nghiệm và tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Anh bảo sẽ chọn khung cảnh làng quê và đầm sen nở rộ để mở đầu cho câu chuyện mình sắp viết. Thương vội ngắt lời anh, thắc mắc: 
- Em nghe trưởng đoàn giới thiệu anh ở trong ban tổ chức mà? Em tưởng những người được mời tham gia trại mới phải viết chứ.
Giọng anh ôn tồn khiến Thương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:
- Ở vị trí nào thì cũng nên viết, em ạ. Nghề viết sợ nhất khi cảm xúc bị bào mòn. Dù gì mình cũng là người có tên tuổi trong Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh nhà, không viết thì làm sao góp ý, sửa bài cho anh chị em được! 
Thương nhìn anh với ánh mắt thán phục và thầm thêu dệt ước mơ. Mình ở gần đây mà có thấy cảm hứng trỗi dậy khi nào đâu. Có lẽ những gì thân quen, gần gũi quá người ta lại thấy bình thường đến vô cảm là vậy. Hay là tập viết nhỉ. Biết đâu, những tác phẩm của Thương cũng được đăng báo hoặc chọn đọc trên radio thì sao.
- Em cũng muốn trở thành nhà văn như anh!
Thương cao hứng buột ra câu nói ấy, giọng lí nhí nhưng đủ để anh nghe thấy.
- Hì! Em không thấy đôi giày cũ sờn của anh đây ư? Nghề viết nhọc nhằn và nghèo rớt mồng tơi. Nhưng em cứ thử viết đi. Anh muốn mình sẽ là độc giả đầu tiên! 
… Đêm về, Thương vội lật tập truyện ngắn anh kí tặng trong buổi giao lưu ra, ngắm nghía mãi những đường nét tài hoa mà phóng khoáng trên dòng chữ còn mới toanh màu mực tím. Thức cả đêm để đọc truyện, có lúc Thương rung rúc cười một mình, có lúc lại bật ra tiếng khóc tỉ tê. Chẳng ai đánh mắng mà Thương lại nằm khóc ngon lành. Rồi cứ thế nước mắt chảy tràn ra, nức nở. Thương nghĩ, viết văn đã khó, viết để đi vào lòng người như anh lại càng khó hơn. Thương biết bắt đầu thế nào đây?
*
Buổi chiều gặp nhau ở đầm sen tuy ngắn ngủi nhưng đã đủ ma lực để người ta mê luyến nhau. Hôm sau anh lại đến cổng trường đợi Thương. Họ lại tíu tít bên nhau như đôi chim sẻ dẫn ra đầm sen ngồi. Đoàn sáng tác lưu trú tại một nhà khách trong trung tâm thị xã, cách trường cả chục cây số chứ ít ỏi gì, anh mượn được một chiếc xe đạp khác và lóc cóc đạp xe đến thật đúng giờ. Thương ngoan ngoãn ngồi đằng sau nhưng lại vô cùng lo lắng.
- Sao anh không tập trung thời gian để viết đi, tới gặp em để làm gì? 
- Trời ạ. Thấy bọn anh nhàn hạ vậy thôi nhưng không giống như em nghĩ. Văn chương có dễ dãi hay vội vàng được đâu em. Người ta sẽ phải quan sát thiệt kỹ, chiêm nghiệm thiệt nhiều, chờ đến lúc cảm xúc chín muồi nhất, lắng đọng nhất mới viết được. 
Nói rồi anh cười khì khì trêu Thương: "Cứ đi chơi đi, tối nay anh sẽ thức tới sáng để viết về em. Em là nguồn cảm hứng đẹp nhất rồi…".
Câu nói tưởng như bông đùa ấy mà khiến Thương tin ngay được và cả đời vẫn không thể nào quên. Mười lăm ngày chỉ là một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi trong đời mà sao người ta lại dễ dàng đặt hết niềm tin vào nhau như thế chứ. Thương không thể lý giải nổi, mình đã yêu anh bởi điều gì và từ lúc nào. Đôi khi, Thương trộm nghĩ mình đang nhầm lẫn giữa sự ái mộ thần tượng với tình yêu trai gái. Thần tượng và người yêu có rất nhiều điểm giống nhau khiến người ta phải nhớ, phải lụy. Thương đã và đang thần tượng anh, nể phục tài năng văn chương của anh qua những câu chuyện cảm động, những cuộc tình đẹp đẽ trong tập truyện ngắn kia. Thương muốn đọc để tập viết theo nhưng thật khó. Đâu phải giáo viên nào dạy Văn cũng viết truyện, làm thơ được. Thương thấy thua kém anh nhiều quá.
Và một điều rõ ràng dễ thấy, trong tình yêu Thương không hề đơn phương.
Đêm cuối cùng của trại viết, họ lại tìm gặp nhau. Đó là một đêm thật đẹp, thật đáng nhớ. Chiều hôm ấy, chờ mãi mà chẳng thấy anh đến, Thương ngồi buồn so dưới gốc phượng vĩ ngay cổng trường, bác bảo vệ hỏi gì cũng chẳng muốn trả lời. Anh bận dự lễ bế mạc của trại sáng tác, rất có thể bị say. Nhà văn, nhà thơ họ uống được và ngồi dai lắm. Người trong ban tổ chức lại càng phải tiếp khách nhiều hơn. Thương không vội về nhà mà lủi thủi ra đầm sen, lội xuống hái một bó hoa to và ngồi trên bờ thật lâu. Lúc cô đơn quá, dù nhát vía đến đâu người ta cũng quên mất sự hãi sợ bóng tối. Đàn muỗi kéo đến đánh hơi người cùng những tiếng vo ve gọi đêm. Thương cứ ngồi nhẫn nại đợi anh đến để tặng bó hoa. Trăng đang mọc kia rồi. Mải mê thả hồn vào những búp sen đang khép hờ, Thương giật thót mình vì cái hù đáng ghét của anh. Hù, chụt… Từ phía sau, anh vội ôm chầm lấy Thương và thì thào bên tai: "Anh yêu em!". Tim Thương đập loạn xạ, nó như muốn nhảy khỏi lồng ngực trong nhịp thở dồn dập. Bó hoa vừa kịp rơi xuống nền cỏ, hương càng vương thơm. Thương vội đẩy anh ra. Nhưng đôi tay yếu mềm không đủ sức gỡ được vòng ôm xiết ngộp ấy. Người mê dại hẳn đi. Họ dìu nhau nằm xuống cạnh những đóa sen vương vãi. Mặt cỏ xanh mướt và êm mượt như nhung. Tiếng côn trùng kêu rả rích. Trời trong veo, đầy trăng.
*
Đêm trôi qua rất chậm. Nằm trên giường mà ngỡ đếm được từng giọt sương rơi lộp độp ngoài hiên. Sau giấc mơ, Thương trằn trọc mãi và không tài nào chợp mắt được nữa. Với tay bật công tắc điện, Thương nhẹ nhàng lật chiếu lên để lấy tập truyện của anh ra. Truyện anh viết, Thương đã đọc đi, đọc lại biết bao lần nhưng đâu biết chán. Qua những trang viết ấy, Thương hiểu hơn về sức mạnh kỳ diệu của tình yêu đôi lứa. Khi yêu, người ta sẽ can đảm vượt qua những cám dỗ vật chất tầm thường, sẵn lòng chấp nhận những thiệt thòi, chấp nhận hy sinh để đem đến hạnh phúc cho người mình yêu. Ấn tượng nhất là truyện “Đắng ngọt tình yêu”, Thương đọc và khóc mãi. Truyện viết về một anh công binh cùng đồng đội tham gia rà phá bom mìn sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nên không phải ai cũng may mắn trở về. Trong một lần phá bom không thành, người công binh trẻ tuổi ấy đã bị thương rất nặng, mất một mắt và cụt một cánh tay. Nhưng thật diễm phúc, trong ba tháng điều trị, anh đã gặp một cô y tá yêu anh rất chân thành. Nàng chăm sóc anh tận tình chu đáo mà không một lời kêu ca. Cuối cùng, mặc cho sự cấm cản của gia đình, nàng đưa ra quyết định táo bạo thu gói tư trang để chuyển công tác về quê anh ở. Ôi! Nếu mình được làm nàng y tá và anh chính là người công binh tàn nhưng không phế kia, Thương cũng sẽ sẵn sàng đi theo tiếng gọi tình yêu mà bất chấp tất cả. Nhưng đến khi nào Thương mới được như cô ấy? Thời gian đã thử thách quá nhiều rồi. Một tháng, một năm và có thể lâu hơn thế nữa, Thương cũng phải chờ đợi thôi.
Có lần vì quá nhớ anh, Thương mới đem chuyện kể với chị Hà - người chị thân thiết nhất và cũng là đồng nghiệp cùng tổ Văn. Chị liền quát như tát nước vào mặt: “Yêu đương gì mấy bọn văn nghệ sĩ. Ái tình với bọn ấy chỉ là thứ phụ gia cho nồi canh để cuộc sống thêm ngòn ngọt mà thôi. Rồi lại bạc phếch như vôi trắng chứ thi vị thi viếc quái gì. Đừng tin vào cái gọi là cảm xúc thăng hoa và miệng lưỡi của bọn văn vẻ rẻ tiền ấy mà chết dở. Mày đừng có dại mà tin”. Để thuyết phục Thương hơn, chị còn kể về một nhà văn rất nổi danh và cũng quá nhiều tai tiếng. Da đen thui, mũi tẹt lét, tóc dài, râu rậm nhưng vợ con thì cả đám cả bầy. Mỗi bà ở mỗi nơi và sinh cho ông ta một đứa con. Lời chị Hà khô khốc như ngói gặp nắng hè. Thương biết, cũng vì quý và lo cho mình như với em gái thì chị mới bàn ra như thế. Quá khứ bồng bột và cuộc sống gia đình đầy sóng gió nên khiến chị, một tâm hồn văn chương vốn tràn trề, lai láng đã trở nên khô khan, héo cằn là vậy. Chị hồ nghi lòng tốt của con người cũng phải thôi, Thương chỉ biết cười trừ chứ đâu thể đem người yêu ra để so sánh được.
 *
Úp tập truyện ngắn lên ngực, Thương nhẹ rờ rẫm tờ bìa như cố tìm kiếm anh. Mắt Thương cứ chong chong nhìn lên trần nhà. Gần một năm rồi, sen đã bắt đầu nở bói. Những chuyến tàu xuôi ngược vẫn đi qua làng, chở hàng trăm người ra Bắc vào Nam. Tại sao không cho Thương gặp lại anh. “Yêu đương gì mấy lão nhà văn, nhà thơ. Mày đừng có dại mà tin”. Lời chị Hà lất át những nhớ nhung, giận hờn xa xăm. Ôi! giá như hôm giao lưu Thương cũng vắng mặt như chị, cũng gạt bỏ tư tình mơ mộng trong những lần hẹn hò kia đi, làm gì Thương phải khổ sở, dằn vặt mãi thế này. Thà tình yêu chỉ dừng lại ở vòng ôm và nụ hôn xiết ngộp, Thương sẽ dễ dàng quên đi. Nếu không thực lòng với nhau, anh quay lại tìm Thương để làm gì chứ. Mọi giới hạn đã bung vỡ cùng với những khát khao mê đắm cả rồi, tại sao anh lại đột ngột im lặng. Sự im lặng ấy khác nào đêm tối khiến tình yêu mờ dần.
Sau trại viết tròn một tháng, anh đi cùng một người nữa đến thăm Thương. Đấy chính là nhiếp ảnh gia Đức Khải. Đầm sen vẫn rộ đầy hoa. Anh muốn Thương mặc lại bộ bà ba tím như hôm giao lưu để Đức Khải chụp giúp cảnh Thương ngồi say ngắm hoa sen nở.
- Để làm gì vậy anh? - Thương ngỡ ngàng hỏi. 
Giọng anh nồng nàn, tha thiết: 
- Xa em anh thấy nhớ chết đi được. Anh cần lắm một tấm hình của em để ở nơi làm việc, mỗi khi nhớ hay mệt mỏi lại lấy ra ngắm. Thiệt đấy.
Thương vội vã đưa tay bịt lấy khuôn miệng đang há hốc. Khắp da thịt rần rần lên vì nỗi sung sướng bất ngờ.
Trong lúc Đức Khải loay hoay canh thử máy để chọn góc chụp cho thật ưng ý, anh ngồi vén tóc, lau mặt cho Thương. Sự nhiệt thành của hai chàng nghệ sĩ khiến Thương không tránh khỏi lúng túng. Đức Khải ôm máy ảnh lội bì bõm dưới bùn, còn anh cũng bì bõm đẩy thuyền đưa “người mẫu” đến chỗ nhiều hoa nở nhất. Theo chỉ đạo của Khải, Thương hết nghiêng bên này lại ngả sang bên kia. “Mắt mở to, nhìn đắm vào hoa nào. Tay để sao cho thật tự nhiên. Hai, ba, chụp”. Xoẹt xoẹt... Việc ấy diễn ra hơn nửa tiếng đồng hồ. Khi Đức Khải gật đầu tỏ ý tâm đắc với kiểu hình thần thái nhất, cả ba mới chịu quay vào bờ. Ai cũng mệt đừ. Mồ hôi trên áo, trên mặt nhễ nhại nhưng anh lại nở một nụ cười rạng rỡ. Một nụ cười hàm ý biết ơn và cũng đủ để Đức Khải hiểu rằng sự có mặt của mình lúc này là không cần thiết.
Đêm ấy, trời thật trong và sáng. Trăng mười sáu tròn vành vạnh. Trăng dát một màu vàng mơ giữa đồng nội ngào ngạt thơm. Khuôn mặt hứng đầy trăng, anh thầm thì:
- Yêu một nhà văn sẽ rất nghèo, em có đồng ý lấy anh không?
 Người Thương run lên bần bật nhưng vẫn cố giãy nảy: 
- Anh kì ghê. Mình xa nhau là thế, cưới hỏi cách sao?
- Đã yêu nhau thật lòng thì không có gì là không thể. - Giọng anh chắc nịch.
Thương ngả đầu vào vai anh, chăm chú nghe anh kể về đời mình. “Em biết đấy, anh từng mê văn thơ hơn cả việc ăn ngủ. Nhưng khi có lệnh nhập ngũ, thằng thanh niên nào mà chẳng rời bỏ đam mê để khoác áo lính. Đi lính thời hậu chiến như bọn anh, không cầm súng vác đạn diệt thù nhưng cũng phải chịu cảnh vào sinh ra tử ác liệt lắm. Rà phá bom mìn là một việc không thể đùa cợt được. Sơ hở một chút sẽ bị thương hoặc thiệt mạng ngay. Lúc ấy chữ nghĩa của anh cũng bay biến đâu hết cả. Cũng sợ một ngày nào đó không thể viết được nữa. Nghĩ cũng lạ, chính những ngày tháng bi hùng lại khiến anh hăng viết và viết tốt hơn trước. Rồi lại thi thố, học hành và được nhận vào làm biên tập viên cho tạp chí. Vui.”.
 Dừng một lát, anh nắm lấy tay Thương âu yếm:
- Anh yêu em rất thật lòng. Đời đi biết bao nơi, gặp biết bao người nhưng không có một vẻ đẹp nào cuốn hút lạ lùng như nơi em. Nếu em không thể vô với anh, anh sẽ nhảy tàu về thăm em thường xuyên.
- Thiệt hông? - Thương vặn hỏi anh khi anh đã choàng tay qua người mình. 
- Thiệt!
Hơi thở hổn hển của cả hai bật tung cùng những cái cúc áo. Bờ ngực trắng ngần, tròn trịa của Thương cứ căng ra theo những mơn trớn, vuốt ve nhẹ nhàng. "Em đẹp quá, Út à. Anh không thể nín nhịn được giây phút nào nữa. Tha lỗi cho anh". "Ôi, anh đừng, đừng làm thế… Đừng".
Trăng đã lên cao dần. Một màu vàng óng ngồn ngộn khắp không gian.
*
Thả chân xuống khỏi giường, Thương búi lại mái tóc và khẽ đẩy cửa ra. Hương sen từ phòng khách thoang thoảng thơm, những cánh hoa rơi rớt dưới bàn mà nhụy vẫn còn tươi tắn. Sáng nay, mẹ bảo Thương ra đầm hái một ít đem về thay hoa cũ trong bình. Vào hôm rằm, người trong làng kéo nhau đi hái hoa nhiều quá, chắc gì còn sen. Nghĩ thế nên Thương chẳng thiết tha ra đấy. Dọn dẹp sách vở xong cũng đã trưa, Thương ăn một ít cơm cho mẹ vui rồi vào phòng nằm nghĩ vu vơ. Giấc mơ khi đêm thật lung linh nhưng khiến người nhọc quá.
Nắng đã ngả về chiều mà trời vẫn nóng như rang. Tiếng chó sủa thình lình phá tan sự im ắng trong làng. Thương liền nheo mắt nhìn ra cổng. Một người khách bước vào sân, chiếc quần jeans bạc phếch phối với áo thun rộng, trước ngực treo một cái máy ảnh, bên hông là một túi xách nhỏ gọn màu xanh. Đích thị là Đức Khải rồi.
Thương vội vàng đội nón bước ra. Những tưởng sau lưng Khải, anh sẽ bất ngờ xuất hiện để Thương chạy đến mà ôm chầm lấy. Có khi nào giấc mơ đêm qua chính là dự báo cuộc tao ngộ tuyệt vời sắp xảy ra. Phải chạm được vào da thịt nhau mới tin là sự thật.
Nhưng không, khách vào nhà, ngồi uống đã cạn ly trà sen mà Thương vẫn chẳng biết bắt đầu từ đâu để thăm hỏi tin tức người yêu. Mấy lần ra bưu điện gọi đến tòa soạn, Thương đều nghe ở đầu dây bên kia bảo rằng anh đang bận họp, lần khác lại báo anh đi công tác xa. Vào dịp nghỉ lễ, Thương còn định trốn nhà để bắt xe vào tận nơi tìm anh. Nhưng chị Hà biết tỏng, chị lại mắng cho một trận tưng bừng. “Thuở nào giờ, đã làm trâu là phải đi tìm cọc, ai đời cọc lại đi tìm trâu. Tao là tao nghi nó có vợ con trong ấy rồi, mày mà vô đó vợ nó sẽ xé xác mày ra. Ở đấy mà mơ với tưởng”. Sự xa cách bấy lâu cùng những gì chị Hà nói biến thành một liều độc dược khiến Thương không thể sống mãi cùng những hoài niệm đẹp đẽ kia được nữa. Vậy thì Thương còn mơ làm gì. Đức Khải xuất hiện vào lúc này để làm gì. Ngồi đối diện Khải, Thương vẫn im lặng chờ đợi, tay vân vê những cánh sen héo nằm vương vãi dưới chân bình hoa. Có tin vui nào đó từ anh chăng?
Đặt nhẹ ly nước lên bàn, Khải thò tay vào túi xách lấy ra một cuốn sách mới tinh. Ánh mắt nhìn Thương buồn rười rượi:
- Chị Thương! Đây là cuốn tạp chí có in hình chị ngoài trang bìa và cũng là cuốn cuối cùng do anh Đảm biên tập. Ảnh đã dặn kĩ, đằng nào em cũng phải đến đây để trao tận tay chị!
Mắt tròn xoe ngơ ngác, Thương lắp bắp hỏi:
- Nghĩa là ảnh đã thôi việc? Hiện giờ ảnh ở đâu? - Im lặng. 
“Tui chỉ muốn biết, hiện ảnh ở đâu, có khỏe không?”. Thương lặp đi lặp lại câu hỏi và nhìn như xoáy vào mặt Khải. Một luồng âm khí nặng nề phủ lấy căn phòng. Giọng Khải chùng hẳn xuống và ngắt quãng:
- Em xin lỗi vì đã nhiều lần nói dối chị. Nhưng chị phải hết sức bình tĩnh nghe em giải thích. Suốt một năm qua, cả cơ quan em phải thay nhau đưa anh Đảm ra Hà Nội điều trị căn bệnh ung thư quái ác. Chị biết ảnh yêu chị đến mức nào không? Trên những chuyến tàu đi qua làng này, cơn bạo bệnh hành hạ ảnh dữ lắm, thở thôi cũng thấy khó nhọc mà ảnh cứ nhắc đến tên chị luôn, ảnh còn muốn liều nhảy xuống để gặp chị đấy. Nhưng ảnh cấm không ai được báo cho chị biết việc ảnh bệnh. Ảnh vẫn lạc quan làm việc, vẫn tin rằng sẽ khỏi bệnh để về đây cưới chị. Nhưng thật đáng tiếc...
- Trời ơi! 
Thương chỉ kịp rú lên một câu đau đớn rồi đổ gục mặt xuống bàn. Chân tay lạnh toát, đầu óc quay cuồng. Hung tin đến đột ngột quá, Thương chẳng còn biết người đang ngồi trước mặt mình là ai nữa. Nước mắt, nước mũi chảy tràn ra ướt nhẹp. Những ý nghĩ điên loạn lần lượt ùa tới trong đau khổ. Các người thật là ác quá. Tại sao lại để tui biết tin ảnh chết trước khi nghe tin ảnh bệnh? Dẫu bệnh tình ảnh có thế nào, tui cũng sẽ sẵn sàng đi nuôi ảnh. Tụi tui sẽ cưới nhau, sẽ sống cùng nhau đến hơi thở cuối cùng. Các người đâu biết tình yêu có ma lực và sức mạnh diệu kỳ đến mức nào. Người ta bị mù, bị cụt tay mà vẫn được hưởng một cuộc đời hạnh phúc. Ảnh mà ở gần tui thì đâu đến nỗi. Tại sao các người lại nhẫn tâm, tàn độc với tụi tui đến thế. Tui hận các người. Không thể nói ra những điều tệ hại ấy, Thương chỉ muốn nhảy xổ sang phía Khải để cấu véo, gào thét cho hả cơn giận dữ. Nhưng người cứ xoãi ra, bất động.
*
Bây giờ đã vào đầu tháng sáu. Sen đang vào mùa nở rộ, những đóa hoa phớt hồng chi chít mọc lên phủ khắp mặt đầm. Vào dịp này, các cô gái, không biết từ những đẩu những đâu, kéo về đây thành từng tốp thi nhau tạo dáng chụp hình. Một mùa, hai mùa rồi đến tận bây giờ, khách đến với đầm sen thưởng ngoạn, chụp hình ngày càng đông. Vừa đi đến đầu làng, người ta đã léo nhéo hỏi thăm "đầm sen Út Thương" nằm ở chỗ nào? Cái tên vô cùng đáng yêu ấy gắn liền với một giai thoại li kì mà bất cứ ai đến đây đều được nghe, được biết. Từ khi bức chân dung cô gái ngồi nghiêng trên thuyền say ngắm hoa sen được đưa lên bìa cuốn tạp chí văn học nghệ thuật, người người rạo rực, náo nức vì sức cuốn hút lạ lùng của cô gái. Bộ quần áo vừa vặn ôm lấy những đường cong mềm mại. Mái tóc đen dày xõa ngang vai. Bờ mi nghiêng cong vút trên hai hạt nhãn đen láy đang say ngất đóa sen chớm nở. Màu áo tím, đôi má hồng thật hòa hợp với gam màu tươi sáng của lá hoa. Tin lành đồn xa, người yêu nghệ thuật ở khắp nơi đều tìm mua cho được cuốn tạp chí đắt giá ấy. Người không mua được lại được truyền tay cho xem. Cũng từ đó, các cô gái, từ nông thôn đến thị thành đều ao ước mình cũng có một vài lần đến với "đầm sen Út Thương" để chụp vài kiểu hình lưu niệm. Người thì bắt chước mặc đồ bà ba tím, người thì chọn áo dài thướt tha, một số cô táo bạo hơn còn dám mặc cả dải yếm hở lưng để chụp những bức hình gợi cảm hơn. Để ngôi làng thêm đẹp và thu hút du khách, chính quyền địa phương đã cho mở một lối đi rộng thoáng ra đầm sen. Cạnh đầm là một cái lán nhỏ, tiện cho khách gửi tư trang, thay quần áo chụp hình. Đó cũng là nơi để bà giáo Thương ra đọc sách hoặc tiếp chuyện mọi người. Gọi là bà giáo vì cô Thương đã ngót nghét năm mươi rồi, mái tóc đen dày khi xưa giờ đã điểm bạc, đôi mắt đen tròn đã phải đeo kính để trông rõ mặt người, mặt chữ hơn. Khi ai đó vô tình hỏi đến chuyện chồng con, bà giáo lại lắc đầu.
Sau lần ra tận Hà Tĩnh viếng mộ nhà văn Thanh Đảm, Út Thương thành tâm chịu tang ba năm và rồi thôi luôn chuyện yêu đương hẹn hò. Mặc dù đến tận bây giờ, vẫn có người lui tới để ngỏ lời cưới hỏi, đậu gạo nấu cơm chung nhưng lòng cô ấy đã nguội lạnh thật rồi. Ngồi đối diện người ta vài phút đã thấy chán, không ai có thể thay thế hình bóng người cũ. Hơn thế, sau cuộc tình oan nghiệt ấy, Thương rất khó nghĩ thoáng ra được. Đoan trinh - hai chữ thiêng liêng và cũng rất đỗi khắt khe, ở thời nào cũng làm khổ con gái, đàn bà, nhất là với nghề giáo. Nói chi đâu xa, như chị Hà đây thôi, vợ chồng có với nhau hai mặt con, trai gái đủ cả. Nhưng mỗi khi ngập vào cơn say, chồng chị lại lôi chuyện cũ ra để hành hạ, đánh đập vợ không thương tiếc. Những vết bầm tím trên mặt, trên người chị khiến Thương phải rùng mình ám ảnh. Đời con gái mười hai bến nước, coi như Thương đã lỡ một lần đò. Nếu cứ nhắm mắt lấy chồng để làm vừa lòng cha mẹ, để hàng xóm, đồng nghiệp không còn dòm ngó, gièm pha thì đâu cần phải đắn đo, suy nghĩ. Nhưng nếu lấy phải kẻ gia trưởng, sĩ diện, ích kỷ, cờ bạc, gái gú... thì chắc chắn là khổ cả đời. Thì thôi, tuổi về chiều, mỗi người hãy tự tìm cho mình một niềm vui riêng, một nơi neo đậu tâm hồn riêng. Ngày ngày ra đầm sen không ngắm hoa, tiếp chuyện thì ngồi thảnh thơi đọc sách, đọc truyện. Thế là đủ.
Hôm nay, một đoàn khách đã gọi đặt trước giờ chụp hình vào buổi sáng. Mùa này mưa nắng thất thường nên phải chọn thời điểm thích hợp nhất trong ngày để chụp. Sớm tinh mơ, bà giáo Thương đã đi ra đầm. Phía chân trời, ánh ban mai lấp lóa. Tiếng chim ríu rít gọi nhau đánh thức cả cánh đồng. Những cơn gió đồng mơn man, dìu dịu thật dễ chịu. Theo lệ thường, lúc ngồi đợi khách đến, bà giáo nhẹ nhàng lật cuốn tạp chí ngày xưa ra. Đặc biệt hơn cả bức hình chân dung ngoài tờ bìa chính là một truyện ngắn nhà văn Thanh Đảm đề tặng Út Thương. Tay bà giáo run run, mắt vội ngân ngấn nước khi vừa kịp chạm đến nhan đề: "Giữa mùa sen nở".
              

 H.V


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 123
 Hôm nay: 557
 Tổng số truy cập: 7190316
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa