Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Nước mắt dành cho ai
Nước mắt dành cho ai

Ánh nắng đã tràn khắp sân vườn và rọi cả vào tận cánh cửa, nhưng Vận vẫn nằm duỗi dài trên giường, dù anh biết nơi đây mặt trời đến muộn, có nghĩa là đã sắp trưa rồi. Nhưng mặc kệ anh tự cho phép mình dậy trễ hơn mọi ngày, bởi hôm nay là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè trong cuộc đời dạy học của anh. Cảm giác được thư giãn, được nằm ì sau bao ngày luôn phải dậy từ lúc sương còn chưa tan, mặt trời thì vẫn còn đỏng đảnh đâu đó, anh đã phải dậy lo soạn bài, lo nấu ăn, lo đến mấy cái lán đánh thức lũ học trò trọ lại vì nhà xa. Con May thì vẫn dậy sớm, nó vẫn ngồi trên đầu giường tỉ mẩn lật từng lọn tóc của anh mải miết tìm kiếm. Ngày nào nó cũng tìm kiếm như thế mà không hiểu rằng, anh còn trẻ lắm, đã làm gì có tóc sâu, làm gì có chấy rận mà tìm. Nhưng đó là một cử chỉ thân thiết của nó mà anh luôn thích thú mỗi khi nằm xuống giường nghỉ ngơi. Anh vòng tay lên phía đầu kéo nó xuống trước ngực, nó ngoan ngoãn áp má vào ngực anh liu riu nhắm mắt. Anh vuốt nhẹ lên lưng nó, thì thầm: “Ngày mai về quê nhé, về gặp bố mẹ, gặp bà, gặp các em, vui lắm. Anh sẽ đưa em đi chơi, sẽ theo cha đi bắt cá, theo các em đi chăn bò, tha hồ cho chúng nó thích em…”. Con May vẫn ngoan ngoãn nằm yên trên ngực anh, nó ngủ khì từ lúc nào, nó tưởng anh đang ru nó ngủ.
Vậy là đã một năm trôi qua rồi, một năm anh bước chân lên cái vùng núi non xanh thẳm này khi anh mới chỉ là chàng trai hai ba tuổi, nhận quyết định lên dạy học cho vùng cao xa xăm này, với một tâm trạng không vui mà cũng chẳng buồn, bởi anh tin vào lời hứa của ông trưởng phòng giáo dục huyện, đi dạy miền núi ba năm, sau đó sẽ được tuyển thẳng vào dạy cấp hai trường huyện. Chỉ mỗi lời hứa ấy mà cha anh đã phải bán cả con bò đang vào thời kỳ động dục, chỉ sang năm là nhà anh đã có thêm một cặp bò bê rồi. Nhưng thế cũng còn hơn là anh phải vứt xó cái bằng đại học Sư phạm để về đi chăn bò cùng các em. Hôm anh đồng ý nhận cái quyết định để đi dạy một lớp xóa mù trên miền núi, cả nhà buồn như đưa tang, nhưng bố anh vẫn rít thuốc lào sòng sọc cười rổn rảng như cố tình xua đi những giọt nước mắt đang đọng trên khóe nhăn nheo rồi bảo: “Vài trăm triệu để chạy một chân giáo viên trường huyện, bố cũng có thể lo được, bố còn mảnh vườn, nhưng con đã quyết rồi thì thôi, bố không cản. Ừ mà chịu khó đi ba năm về cũng chưa muộn con ạ”.
Tối đó Vận đèo Mai lên phố huyện làm cuộc chia tay trong một quán cà phê vườn, sau những cái ôm hôn nồng nàn, anh nói ra cái điều cần phải nói, Mai chỉ im lặng. Thôi rồi, anh biết Mai sẽ không chấp nhận phải chờ anh những ba năm, Mai cũng bằng tuổi anh, mà thời gian ba năm anh lại biền biệt nơi khỉ ho cò gáy thì Mai chịu sao nổi. Anh chuẩn bị đón nhận một câu gì đó từ Mai nhưng chắc chắn không phải bằng cái gật đầu. Khi cái ôm cuối cùng trước phút chia tay, Mai mới thì thầm vào tai Vận: “Thôi Vận cứ đi đi, nhớ giữ gìn sức khỏe, Mai sẽ chờ”.
Vận lên đường chỉ mang theo có mỗi cái ba lô, anh nghĩ đi có ba năm, mang làm gì lắm đồ cho mệt. Trường anh dạy chỉ là một dãy nhà lá cấp bốn, được khẳng định bằng một tấm gỗ có sơn mấy chữ: Trường tiểu học Lâm Kiệt, cao quá đầu người một cánh tay dựng trên hai cây keo thẳng. Trường có năm giáo viên và một ông bảo vệ, toàn đàn ông có tuổi, đã có thâm niên dạy ở ngôi trường này nhiều năm, họ đều có gia đình đang ở trong các bản quanh đây. Chỉ mỗi Vận là thanh niên chưa vợ và trẻ măng như một cậu thiếu niên. Vận được các thầy xếp cho một gian nhà, thực ra là một cái lán để các thầy nghỉ ngơi sau giờ giảng ngay trong khu trường học. Đồ đạc không có gì ngoài cái bếp củi với cái bàn có bộ ấm chén đã cáu bẩn. Vận xắn tay áo dọn dẹp mất nửa ngày mới được một gian nhà tạm gọi là ở được. Ngày hôm sau, Vận mượn xe máy của bác bảo vệ xuống chợ mua ít đồ dùng cá nhân. Nhìn cái xe như một cục sắt gỉ của bác bảo vệ Vận đã ngần ngại, nhưng bác bảo: “Nó thế mới trụ lại với đường đất ở đây đấy cháu ạ. Đi đằm lắm, cứ cầm chắc tay lái vào là chỗ nào nó cũng qua được tất”. 
Mua xong xuôi vài thứ cần thiết, Vận đang len lách qua đám đông để ra khỏi chợ thì bắt gặp một người H’Mông đang ngồi trước một cái rọ, trong rọ là một con khỉ con. Mắt người đàn ông thì cứ đảo qua đảo lại đám người đi qua như muốn chào mời. Còn con khỉ thì giương cặp mắt hốt hoảng tròn xoe nhìn người qua lại như sợ hãi lại như van xin. Vận đi qua, anh quay lại nhìn, không hiểu sao, mắt anh bắt gặp mắt con khỉ và cả hai nhìn nhau trong vài giây như có một sự đồng cảm vô hình nào đó. Ánh mắt con khỉ nhìn anh lạ lắm. Anh dừng xe và hỏi người bán khỉ: “Anh bán con khỉ này à?”. “Anh mua đi tôi bán rẻ cho. Nó cũng tầm hai năm tuổi rồi đấy. Anh chỉ nuôi nó một năm nữa là có thể bán cho người ta làm món óc khỉ được rồi, con mẹ nó bị thương, thế mà tôi cũng bán được một triệu cơ đấy”. “Sao ông không bán cả hai mẹ con cho chúng được ở bên nhau”. “Không, người ta chỉ mua con mẹ nó thôi, họ mua về để nấu cao”. Vận thoáng rùng mình, anh thấy chóng mặt như muốn nôn. “Được rồi tôi mua con khỉ này, anh buộc vào sau xe cho tôi”. Không hiểu sao khi con khỉ đã ở sau xe anh, nó lại nằm im thin thít chứ không nhảy lồng lên như lúc nãy nữa. Anh nhẩm tính đường từ đây về bản toàn đường nhựa, chỉ có đoạn vào bản là khó đi nhưng không có khu rừng rậm nào cả. Làm sao để thả con khỉ vào rừng cho an toàn được, mà đường rừng ở đây anh cũng chưa thuộc. Vừa đi anh vừa băn khoăn suy nghĩ, hay là mang về cho bác bảo vệ nuôi, nhưng khó tin lắm, biết đâu khi nó lớn ông ấy lại bán đi cho người ta ăn nhậu thì sao. May sao đi qua một đoạn đường vắng vẻ, bên cạnh đường là một dãy núi cây cối rậm rạp. Anh xuống xe cởi lồng cho con khỉ ra, hy vọng nó sẽ trèo lên dãy núi bên đường để tìm về với rừng. “Ra đi”, anh hua tay ra hiệu cho con khỉ ra khỏi lồng. Nó vẫn nhìn anh ngơ ngác. Anh thò tay ôm con khỉ ra và đặt nó lên cành cây bên đường. Con khỉ nhảy tót lên cây rồi quay xuống nhìn anh, anh vứt cái lồng xuống vực tỏ ý là nó không phải chui vào cái rọ nữa. Trời chiều nơi núi rừng đã âm u, anh tin sẽ không có ai qua lại nơi này nữa, nên lên xe định đi thì bỗng anh thấy như có cái gì rơi vào gáy, anh thò tay ra sau để hất đi thì phát hiện ra con khỉ đang bám vào cổ áo anh. “Trời ơi mày làm gì thế này. Sao không vào rừng đi”. Anh dừng xe hất nó ra nhưng nó lại nhảy bám vào tay anh, đôi mắt nó nhìn anh trong veo như đứa trẻ bị lạc đang đi tìm người thân. Hoàng hôn đã sập xuống rồi, ở rừng mặt trời thường đi ngủ sớm. Anh đành mang theo con khỉ về nhà với ý định hôm sau sẽ đem nó vào rừng. 
Thế mà bây giờ nó cũng sắp thành một thiếu nữ rồi, lông nó mượt như nhung vàng, đôi mắt nó cũng vàng óng trong suốt, luôn tròn xoe nhìn anh với ánh nhìn thân thiết. Hồi đó cứ mỗi lần anh mang nó vào rừng, là nó lại lồng lên kêu “khéc khéc” và bám chặt vào áo anh. Có lần anh phải nghiền một viên thuốc ngủ nhét vào nắm cơm, chờ nó ngủ say. Anh và Dềnh đưa nó vào rừng. Nhưng sáng ngày mai, anh đã thấy nó nhảy lên giường anh cào cào vào người anh như để đánh thức. Vậy là nó đã quyết ở với anh rồi. Thôi, Vận nghĩ, anh sẽ nuôi nó đến lúc nào nó muốn rời xa anh thì tùy nó. Vận đặt tên nó là May, hy vọng nó sẽ là vận may cho anh và cho nó. Và còn một ý nghĩ thú vị nữa là anh muốn gọi nó như gọi tên Mai của anh, để hàng ngày anh có cảm giác như được ở bên người yêu nơi rừng xanh heo hút này.
Dềnh học lớp anh dạy nhưng nó lớn người và cả lớn tuổi nhất lớp. Ở trên này thầy giáo sẽ phụ trách dạy từ lúc xóa mù cho đến lớp 5. Nhưng theo như các thầy dạy ở đây cho biết, không bao giờ còn đủ số học sinh theo cho đến lớp 5, nên thường chỉ đến lớp 3 là rã đám, học sinh còn được đứa nào theo thì các thầy gửi về trường nội trú dưới huyện để học tiếp. Dềnh tiếp thu bài học rất nhanh, nên nhiều khi Vận phải dạy riêng nó để nó có thể vượt lớp sớm hơn bạn bè. Nhiều hôm Dềnh ở lại với thầy. Hai thầy trò tâm sự với nhau như hai thằng bạn thân. Từ hồi có May lại thêm có Dềnh, Vận cũng thấy vui hẳn lên, anh cảm thấy yêu cái vùng rừng núi và ngôi trường đơn sơ này hơn trước. Thỉnh thoảng anh ra bưu điện gọi về cho Mai. Mai bảo vẫn đợi  anh. Cô ấy còn hẹn, sẽ thu xếp để lên thăm anh.
Hôm Mai lên Vận mừng quýnh, anh mượn con ngựa sắt rỉ đi đón Mai ở bến xe. Hôm ấy khu trường như rộn rã hẳn lên. Lũ học trò tíu tít “Chào cô, chào cô ạ”, làm Mai thẹn đỏ mặt. Chiều hôm đó, một bữa cơm hết sức thịnh soạn được dọn ra để tiếp Mai. Bác bảo vệ lôi chai rượu ngô, cười hết cỡ: “Lâu lắm chả có dịp nào để uống”. Dềnh thì đem đến con gà nhà với ít rau rừng, Mai trổ tài nấu nướng. Chỉ có con May cứ chòng chọc nhìn Mai, nó nhảy tít lên ngọn cây gọi mãi không xuống, miệng liên hồi kêu hú thảng thốt như tiếng gọi bạn tình. Đêm đó khi Vận vừa ôm lấy Mai định đặt một cái hôn, thì con May đột nhiên vọt đến, nó trèo vào lòng anh, làm Mai hét toáng lên. “May, đi chỗ khác đi, đây là bạn anh mà”. Nhưng con May vẫn bám chặt lấy anh như muốn tách hai người. Mai ngạc nhiên và có phần hơi khó chịu. “Hình như con khỉ này nó ghét em thì phải, nó không muốn cho anh gần em”. “Không đâu, nó ngoan lắm, vì nó chưa quen em đấy thôi, em làm thân với nó đi”. Mai vừa đưa tay để vuốt lên lưng nó thì bỗng con khỉ ngoác miệng, gằn mặt tức tối, mắt nó long sòng sọc, làm Mai phải vội vàng rụt tay lại. Mai bỗng giận dỗi bỏ ra chỗ khác, làm Vận vội vàng đứng dậy dỗ dành, con khỉ vẫn bám vào cổ anh không chịu rời. “Hư lắm nhé, hôm nay May nhường anh cho cô ấy đi, hôm sau anh bù cho May”. Mắt Mai ánh lên tia nhìn dữ dội. “Nó ghen với em đúng không?”. Vận lúng túng thanh minh, nhưng Mai như linh cảm nên khóc tức tưởi, làm cả đêm hôm ấy cứ tưởng Vận sẽ được hưởng một bữa tiệc ân ái nồng nàn thì đổi lại chỉ là những lời dỗ dành của Vận và những vùng vằng của Mai để sáng hôm sau cô ấy đùng đùng bỏ về, Vận can mãi cũng không được. Dềnh và bác bảo vệ cũng ra sức thanh minh cho Vận nhưng Mai vẫn không nghe. Cô ấy đúng là thực sự ghen với con khỉ.
Vận bàn với Dềnh, phải tìm cho con May một bạn tình thôi, nó đến thời kỳ trưởng thành rồi, nó không chịu vào rừng thì phải đưa một con khỉ đực đến với nó, nhưng điều đó thật khó. Vì không tìm đâu ra một con khỉ đực trưởng thành được. Dềnh bảo, hay ta đem đến vườn quốc gia, ở đó có trang trại nuôi khỉ. Vậy là Vận và Dềnh lặn lội một ngày đường đem con May đến cho vườn quốc gia của tỉnh. Nhưng khi biết bị đưa vào nơi nuôi nhốt khỉ, con May đã lồng lên, nó túm chặt lấy áo Vận và cắn vào tay anh khi anh cố giằng nó ra. Trong chuồng cũng có một con khỉ đực, khi nhìn thấy con May nó đã nhảy lên kêu hú loạn xạ, thế nhưng con May vẫn không thèm để ý, nó túm chặt lấy áo Vận.
Chuyến đi tìm bạn tình cho con May không thành, Vận và Dềnh đành phải đưa nó về. Anh biết con May đang rất thèm bạn tình. Nó luôn muốn gần gũi Vận, đêm nào nó cũng rúc vào lòng anh ngủ, Vận phải vuốt ve dỗ dành nó, nó mới nằm yên. Anh cũng biết con May thích anh, đôi khi anh cũng hôn hít nó với một tình cảm trào dâng. Nhiều khi vì nỗi nhớ Mai mà anh lại vồ vập ôm ấp con khỉ như chính đó là Mai vậy. Dềnh nói: “Loài khỉ cũng chung thủy lắm, nó đã thích ai rồi thì chỉ có người đó thôi, không thay bạn tình đâu”.
Hè năm đó, Vận về nghỉ nhưng không mang theo con May, anh gửi lại cho Dềnh chăm nom, trước khi về anh lại phải đánh thuốc ngủ cho con May mới trốn về được.
Từ hôm lên thăm Vận, Mai giận dỗi bỏ về nhưng cô cũng chợt thấy vô lý, ai lại đi ghen với một con khỉ, mà Vận nuôi nó, Vận phải yêu quý nó là đúng rồi, sao lại giận Vận được. Hè về, Mai tạo nhiều cơ hội để Vận luôn ở bên Mai, thế mà nhiều lúc đang âu yếm Mai, Vận lại gọi “May ơi, May à”, làm Mai tụt hết cả hứng, rồi Vận vội vàng xin lỗi bảo ở trên đó quen gọi May rồi, cũng vì nhớ Mai nên mới đặt tên nó như vậy. Mai nghĩ rồi, chỉ còn cách phải tách Vận ra khỏi con khỉ đó.
Chỉ còn một năm nữa là đủ ba năm để Vận có cơ hội trở về xuôi và đủ tiêu chuẩn tuyển vào trường huyện. Nhưng Mai nhắn tin giục cưới, vì bố mẹ nhà Mai đang ép gả cho một người đàn ông hơn Mai gần hai chục tuổi nhưng lại rất giàu, ông ta đang làm giám đốc một công ty ăn nên làm ra của huyện, ông ta vừa mới bỏ vợ. Mai nói nếu Vận không cưới năm nay thì chắc chắn Mai phải đi lấy chồng vì con gái có thì. Ừ thì tết này Vận sẽ cưới Mai, cưới xong Vận vẫn có thể tiếp tục dạy cho hết thời hạn được mà.
Vận nói với Dềnh “Tết nay thầy về cưới vợ, xuống dự với thầy nhé”. Vận mời cả bác bảo vệ, cả mấy thầy trong trường nữa, ai cũng mừng cho Vận, chỉ bác bảo vệ là hơi chùng xuống trầm ngâm. “Cưới vợ xong thầy vẫn quay lại đây dạy chứ”. “Tất nhiên rồi”, Vận hồ hởi. Con May không hiểu gì nhưng nó thấy Vận vui và vuốt ve nó nhiều hơn, nên nó cũng phấn khích nhảy chồm lên người anh và ngửi ngửi vào má anh như tỏ ý mãn nguyện.
Đám cưới của Vận tổ chức ngay hôm mùng 4 tết, trên trường chỉ có mỗi bác bảo vệ và Dềnh là xuống được. Ai cũng bận cả, có lẽ họ ngại đi thì đúng hơn, vì đường sá xa xôi đi lại tốn kém, Dềnh xuống còn xách thêm cả mấy cân thịt lợn rừng và ít măng tươi. Dềnh bảo phải nhốt con May lại đấy, nó cứ gào lên thảm thiết cả đêm, nó biết lại đánh thuốc ngủ nên nó không chịu ăn bất cứ thứ gì. Dềnh và bác bảo vệ chỉ dự một chốc rồi cả hai lại vội vã ra bến xe về cho kịp chuyến cuối trong ngày.
Cưới xong đã qua mùng rồi nhưng Mai vẫn nhất quyết không cho Vận đi. Cô nói rằng Vận không cần đi dạy nữa, ở nhà đi buôn bán với Mai. “Không được, anh phải dạy cho đủ hết ba năm mới xin về huyện nhà được chứ, Mai chịu khó đi”. Nhưng Mai không chịu, cô nghĩ đến con khỉ, Vận lên đó, nó sẽ lại quấn lấy anh, tình cảm của Vận sẽ bị chia sẻ, đêm đến không có Mai, con khỉ sẽ chiếm lĩnh anh, không được, dứt khoát không để Vận đi nữa. Vận sốt ruột lắm. Anh lo lớp anh ai sẽ dạy thay, lũ học sinh sẽ nhớ thầy lắm, anh cũng nhớ chúng và cả May nữa. May thế nào rồi, đã chịu ăn chưa, Dềnh có chăm và dỗ dành nó được không. Nhiều hôm nằm ngủ anh cứ thấy thiêu thiếu cái gì đó ở trên đầu, anh quờ tay rồi lại thở dài vuốt xuống mặt, anh thèm có May ở đây để anh được ôm chặt nó vào lòng và vuốt ve lên lưng nó, nó sẽ ngước cặp mắt trìu mến nhìn anh.
Bố anh bảo “Thôi không cần dạy học nữa, có vợ rồi thì ở nhà làm ăn, kiếm lấy một việc gì đó mà làm, miễn có tiền là được, bố không ép, các em cũng lớn rồi, anh phải ở nhà lo lắng chuyện học hành cho chúng rồi còn con cái nữa chứ”. Vận cũng buồn, cũng nhớ trường, nhưng ở nhà, anh có tất cả.
Đã năm năm trôi qua, Vận xin được một chân kế toán cho một công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuất và buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ. Một lần theo đối tác đi tìm nguồn hàng Vận có dịp trở lại cái huyện miền núi ấy. Nằm ở nhà khách của huyện, anh nảy ý định quay trở lại cái bản làng có ngôi trường cũ anh dạy ngày xưa. Anh bắt xe ôm lên cái bản đó rồi leo dốc tìm đến ngôi trường. Anh thở dài vì nó vẫn thế, nom có vẻ còn tiều tụy hơn xưa, gian nhà anh ở cũng có một thầy giáo đang ở, bác bảo vệ cũng không còn ở đó nữa, một vài thầy giáo gặp anh cũng tay bắt mặt mừng chào hỏi rồi họ lại phải vào lớp học, vẫn tiếng i tờ từ lớp học xóa mù vọng ra, khiến anh thấy chạnh lòng, không có một học sinh nào biết anh đã từng là thầy giáo nơi đây. “Con May thế nào rồi nhỉ, chắc Dềnh đem nó vào rừng rồi. Không có anh, nó sẽ vào rừng để tìm đồng loại, như vậy là tốt cho nó”, anh mỉm cười thấy nhẹ trong lòng. Vận lang thang và đi vào bản tìm đến nhà Dềnh, bây giờ chắc Dềnh đã là một thanh niên trai tráng lắm rồi, Dềnh có học lên tiếp không nhỉ, nếu học tiếp thì bây giờ chắc Dềnh không có nhà. Nhưng kệ cứ vào nhà Dềnh để hỏi thăm tình hình. Đúng là Dềnh không có nhà thật, nhưng gặp Dàng em trai Dềnh, nó bảo “Anh Dềnh đi tù rồi”. “Sao?, sao phải ngồi tù?”. “Anh Dềnh theo bọn lâm tặc đi chặt gỗ trên rừng bị kiểm lâm bắt, anh ấy chống lại, nên bị khởi tố án tù năm năm, nhưng mới tù được có hai năm thôi”. “Thế Dềnh không đi học tiếp à”. “Không, anh ấy bỏ học từ cách đây cũng năm năm rồi, nghe bảo không còn thầy dạy nữa”. “À chứ em có biết Dềnh nuôi một con khỉ không?”. “Có, một hôm anh ấy đem về một con khỉ, anh ấy chăm lắm, đêm cũng cho nó ngủ cùng, anh ấy tìm thức ăn ngon cho nó ăn nhưng nó không chịu ăn, suốt ngày nó nhảy nhót tứ tung nhưng không chịu vào rừng. Một thời gian sau, nó kiệt sức rồi chết, anh em đem chôn nó ở ngoài vườn kia kìa, anh ấy để cả tấm bia, bảo là thể nào cũng có ngày thầy quay trở lại tìm”. “Đâu, chỉ cho anh, đưa anh đến đó đi”. Thằng Dàng đưa Vận ra tận cuối khu vườn nhà, đó là một nấm mộ con con như mộ trẻ em có gắn một phiến đá nhỏ sơn hàng chữ đỏ: Mộ của May mất ngày… Vận đứng như trời trồng trước ngôi mộ của May, anh thấy lòng trống rỗng, hoang vắng. Một nỗi buồn đau đắng đót tràn ngập tim anh. Ngoảnh lại không còn thấy Dàng bên cạnh. Anh ngồi thụp xuống bên mộ, tay vuốt lên đám cỏ trên mộ như đang xoa lên lưng, lên đầu con May hồi nào, “ngủ ngoan nhé May của anh”, rồi anh bỗng bật khóc, những giọt nước mắt lăn tới tấp xuống cỏ. Không hiểu giọt nào cho May, giọt nào cho Dềnh và giọt nào cho chính anh nữa.
          

 N.C.H
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 120
 Hôm nay: 4064
 Tổng số truy cập: 7390269
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa