Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Đất thiêng
Đất thiêng

Dạo ấy đang là mùa xuân, niên hiệu Minh Đạo (1044)(1) dân Đường Bột trang ai cũng ngạc nhiên khi thấy những toán lính mặc áo giáp, tay cầm giáo, cưỡi ngựa đi trên đường làng. Mấy người đàn ông già, trước đã từng đi lính, giờ thấy vậy cũng thủng thẳng ra đường đặng nhớ lại quãng đời chinh chiến của mình năm xưa. Bến Thiên Quang, thuyền dân, thuyền lính đậu san sát. Trên bến Thiên Quang thị nhộn nhịp người mua kẻ bán. Vòng sang phía đông làng, những lính mặc áo giáp sắt cưỡi chiến mã. Nhiều nơi lều vải, lều tranh được mọc lên làm nơi cho lính và ngựa trú chân. Về nhà, các cựu lính lại ngồi quanh bếp lửa, người uống nước, người hút thuốc, thì thầm với nhau: “Có vẻ họ lập thành hai phòng tuyến gần và xa để bảo vệ phía đông làng, nơi đặt tổng hành dinh thì phải?...”. Ấy là họ có con mắt nhà binh mà đoán vậy thôi, chứ dân tình nào ai đã biết thế sự ra sao!...  
Thời trẻ, ông Nguyễn Thanh được cha mẹ cho đi học chữ Hán. Sau ngày cưới vợ, bố mẹ cho vợ chồng ông ra ở riêng. Ông mở lớp dạy học. Học trò là những con cháu trong họ, hoặc của người thân tín trong làng. Buổi sáng, học trò lớn; Buổi chiều học trò nhỏ. Hôm nay không thấy học trò đến học. Con trai ông, tối qua quản giáp gọi đi có việc, bây giờ vẫn chưa về, bụng ông nóng như có lửa đốt. Ông Thanh đành khoác cái gùi vợ ông thường ngày vẫn đi hái dâu, định bụng vừa đi hái dâu thay vợ một bữa, vừa vòng quanh làng, mục sở thị cho biết binh tình ra sao mà làng xã có vẻ khác thường đến thế! Ông đi lên ruộng dâu nhà mình ở phía đông làng. Đến cồn cây bàng, ngay cạnh đường cái quan, ở đầu ruộng dâu nhà ông thấy một cái lều vải đã được dựng lên. Trong lều những người lính đang bàn chuyện. Có hai người lính đứng gác bên đường. Một người đưa giáo ra ách ông lại. Người lính hỏi ông đi đâu? Ông chỉ tay xuống ruộng dâu và nói ông đi hái dâu về chăn tằm. Người lính bảo ông bây giờ đây là trạm soát thẻ bài, nên cấm dân đi lại. Ông Thanh quay sang phía con đường dẫn tới cồn cây đa, nơi toàn những tre, vầu và có cây đa ba gốc tán lá tỏa rộng khắp cả một vùng, thường là nơi nghỉ chân tránh nắng cho những người đi làm đồng. Một người lính khác ngăn ông lại. Anh ta nói đoạn đường này và cồn cây đa giờ cấm dân lui tới. Đó là nơi nhà vua và các quan, các tướng đang bàn việc quân!... Theo phép nhà binh, ông Thanh đành phải quay lại. Vốn là người có chữ, lại có thời gian đọc binh thư nên ông hiểu những lời người lính vừa nói thì khu vực cồn cây đa giờ là nơi đóng hành cung. Những người lính là cấm binh, là ngự tiền binh, bảo vệ nơi ở của nhà vua, vì ông thấy trên trán những người lính vừa nói với ông đều có khắc ba chữ "Thiên Tử Quân". Có đến hàng trăm lính mặc áo giáp bằng những miếng sắt mầu xam xám, to bằng bàn tay kết lại. Một tay cầm giáo, một tay cầm khiên, đứng nghiêm như tượng, trên đường từ trạm soát thẻ bài thẳng vào hành cung. Cứ khoảng hơn hai trượng(2) lại có hai người cấm vệ ngự tiền binh đứng gác. Ngay ở đầu đường vào hành cung có tới ba chặng soát thẻ. Mỗi chặng cách nhau khoảng bốn, năm trượng. Sự kiểm soát nghiêm ngặt, buộc các quan vào hành cung đều phải xuống ngựa, xuất trình thẻ bài. 
Ông Thanh quay ra phía đàng đông. Các cồn cao, bãi rộng hàng ngày là nơi chăn bò, thả ngựa cho đến các xạ trường để tập bắn cung, cưỡi ngựa, tập đánh trận giả của các tráng đinh, giờ lính kỵ binh đã đóng giữ. Trên đường làng, những toán lính cưỡi ngựa chiến, đầu đội mũ kiểu lính trận, mặc áo giáp bằng da thú, khiên, giáo chỉnh tề, ông đoán họ là những đội tuần tra. Theo như sách ông từng đọc, thì họ là điện tiền quân, là lính bảo vệ cấm thành. Thế là trang Đường Bột của ông giờ tựa như một cấm thành. Phía đông làng, chỗ những cấm vệ ngự tiền binh gác là hành cung, nơi vua và các tướng quân làm việc. Suốt gần hai dặm(2), từ phía nam vòng sang phía tây làng cho đến tận làng Cầu Cáo, trên bờ những ruộng lúa, sát mép nước dòng Lỗi giang, cứ khoảng ba, bốn trượng lại có một lính cưỡi ngựa, tay giáo tay khiên đứng canh. Dưới sông thuyền nhà binh san sát. Đến bến Thiên Quan, ông thấy Nguyễn Tuyên và quản giáp cưỡi ngựa đi cùng đoàn người nhà binh. Nhìn cách ăn mặc của lính, ông suy ra người là lộ quân của phủ huyện, người là thân quân của Triều đình, đang cùng nhau đi thị sát các cứ điểm. Ông Thanh không muốn lại gần con trai, vì Nguyễn Tuyên đang cùng quản giáp làm việc với các chức trách nhà binh, có vẻ khẩn trương và cẩn trọng. 
Từ khi Nguyễn Tuyên qua tuổi mười bảy, người lớn như thổi. Vóc dáng ngày một cường tráng. Các ông thầy dạy chữ khen Nguyễn Tuyên thông minh, học một biết mười. Ở lò võ, các võ sư nói cũng đã hết miếng luyện cho Nguyễn Tuyên, nên võ sư Tư Liên đã mời thêm mấy bạn đồng nghiệp cao cường hơn, để luyện thêm cho Nguyễn Tuyên cùng những tráng đinh được cho là có triển vọng. 
Làng bầu Nguyễn Tuyên đứng đầu đội tráng đinh. Cứ mỗi ba buổi chiều một lần, các tráng đinh của bản trang lại tề tựu với nhau để Nguyễn Tuyên hướng dẫn cho họ luyện khí, phi ngựa, lao giáo, múa thương, cách bày binh bố trận. Có hôm Nguyễn Tuyên chia các tráng đinh thành hai phe, dùng thuyền tập giao chiến trên sông. Hôm thì chia đều số tráng đinh làm hai, dùng đại dao, kiếm, chùy, giáo, thương... tập giao chiến trên bộ. Linh hoạt, uyển chuyển, khi tấn công, lúc phòng thủ... 
Nguyễn Tuyên giao du rộng, quen biết nhiều bạn cùng trang lứa bên kia sông. Thỉnh thoảng lại hẹn nhau đưa các tráng đinh của làng, mặc áo giáp bằng da thú tự làm, phi ngựa lên tận chân núi Châu Phong, vượt sông sang dãy núi Rồng, cùng với các tráng đinh của các giáp dưới chân núi, giao tập, đặng cho các tráng đinh của mình quen với lối đánh trận trên đồi núi và vùng bán sơn địa. 
Tháng mười năm ngoái, có một vị Đô úy chỉ huy đến hai chục kỵ binh của triều đình đi với huyện lệnh và hàng chục lộ quân của phủ huyện về trang Đường Bột, nói quản giáp lấy ở bản trang thêm một chục người trong đội tráng đinh, để lùng bắt những kẻ phản nghịch đã chạy trốn về đất Cổ Đằng. Ngài Đô úy nhìn địa hình, đánh dấu trên tờ địa đồ, hối thúc lính cứ gò cao sả rậm trong làng, ngoài xã mà lùng sục tìm kiếm rồi báo cáo cho Ngài biết thực hư... Ngài ghi ghi chép chép!... Hóa ra đến hôm nay, từ huyện lệnh, quản giáp cho đến lộ quân của phủ, huyện làm theo lệnh của Ngài hôm đó, mới biết chính Ngài là Đô úy, chỉ huy đội thân quân của Triều đình, đi tiền trạm để khảo sát nơi sẽ đóng hành cung cho vua tạm nghỉ và tuyển thêm binh lính trên đường tiến về phía Nam đánh Chiêm Thành. 
... Tảng sáng, nhà vua cho đòi Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu đến gần long sàng và nói: “Đêm qua, sau khi bàn việc quân xong, trẫm mới ngả lưng trên long sàng đã chiêm bao thấy ba vầng lửa rực sáng ở phía Tây và phía Nam vùng đất này, rồi từ ba vầng lửa đó xuất hiện ba vị thần ngồi trên ba đám mây hình tòa sen bay vào hành cung, nguyện giúp trẫm đánh thắng Chiêm Thành. Các vị Thần còn cho trẫm biết đất này có người tài. Nếu tuyển được người này vào quân đội, sẽ góp phần giành đại thắng!”. Đô thống Thượng tướng quân liền tâu: “Thưa Triều đình(3), thần được huyện lệnh báo cho biết, quản giáp ở Đường Bột trang đã tập hợp các tráng đinh thành một đội, do một người có tên là Nguyễn Tuyên đứng đầu, rất tinh thông võ nghệ, dũng cảm xả thân vì nghĩa để bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân lành và lãnh thổ của bản trang”. Nghe Đô thống Thượng tướng quân tâu lên, vua Lý liền nói: “Khi nào khanh duyệt tuyển đội tráng đinh của giáp Đường Bột thì để trẫm đích thân quan sát xem người mà ba vị thiên thần báo mộng có phải người chỉ huy ấy không!”. Đô thống Thượng tướng lại tâu lên: “Thưa Triều đình, đất này trước vốn là Kẻ Vụt giờ đổi thành Đường Bột trang”. Vua Lý lại nói: “Dân họ muốn dùng chữ “trang Đường Bột” thay cho chữ “Kẻ Vụt" cũng tốt! Về chữ “trang” trẫm cũng đã biết có nhiều nơi dùng thay cho kẻ, cho giáp, cho hương... Có câu “dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm trọng”, trẫm cho là những nhà Nho ở đây suy nghĩ sâu xa! Trang đi với nông, hay trang đi với điền đều nhắc cho mọi người luôn nhớ về cội nguồn, quê quán, với ruộng đồng, hồ ao, đầm áng, sông ngòi... làm ra các sản vật ngũ cốc; Chăn nuôi trâu cày, ngựa kéo; Trồng dâu chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa; Trồng bông kéo sợi, dệt vải... Toàn những thứ quý nuôi sống người và làm đẹp cho đời! 
Lê Phụng Hiểu liền quỳ xuống tâu:
- Triều đình vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Vua Lý lại nói tiếp:
- Khanh hãy bình thân! Dân họ muốn cái tên Đường Bột trang để ghi nhận vùng đất ông cha họ đặt chân đến khai sinh lập địa để trồng tỉa, để đánh bắt... Là nơi chôn rau cắt rốn của họ, nơi lập nghiệp cha truyền con nối mà sống, nơi có truyền thống không chịu khuất phục bất kỳ một thế lực nào trái với mệnh trời! Trẫm nghĩ, cùng với bá tánh đánh dẹp giặc, trẫm và các khanh còn phải dạy cho họ biết chắt lọc những cái tinh túy của mình, cộng với tiếp thu những cách làm đặc sắc của các lân bang mà xây dựng cuộc sống ngày một no ấm hơn. Không thể phụ thuộc mãi vào lân bang mà phải tự chủ! Có thế, quốc gia mới thịnh vượng, giang sơn mới vững bền! 
Lê Phụng Hiểu lại quỳ xuống tâu: 
- Triều đình vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Vua Lý lại tiếp:
- Khanh hãy bình thân! Hôm qua, khi mới đến hành cung, đứng trên kỳ đài trẫm đã nhìn thấy thế đất ở đây, đúng như lời viên đô úy, chỉ huy quân tiền trạm đã tâu lên trẫm, trước khi trẫm xuống chiếu chuẩn y dừng chân tại đây để tuyển thêm binh lính. Thế đất ở đây, chỗ như rồng chầu hổ phục; Chỗ lại như đôi cánh chim hạc đang rang rộng che chở cho đất lành, sông yên; Chỗ như hình cá chép hóa rồng phun châu nhả ngọc làm cho đất đai thêm thấm nhuận, màu mỡ, cây cối xanh tươi... Tối, trẫm lại được ba vị thần báo mộng không chỉ nguyện giúp trẫm đánh thắng Chiêm Thành mà còn cho trẫm biết đất này có người tài!... Trẫm cho rằng thần linh Ái Châu luôn âm phù, trợ giúp cho trẫm mỗi khi hữu sự. Như thần Đồng Cổ đã từng báo mộng giúp cho trẫm, khi còn là Thái tử, đánh tan quân Chiêm Thành, rồi báo mộng về loạn Tam vương và việc ba vị Thiên Thần hiện lên trong đêm qua. Tất cả những điều đó, cho thấy Ái Châu trại quả là vùng đất thiêng, có quan hệ đến sự tồn vong của vương triều! Mười lăm năm trước, trẫm đã xuống chiếu đổi Ái Châu trại thành Thanh Hóa phủ(4), với mong muốn cái đức của người dân thanh cao, trong sáng, cuộc sống của người dân no ấm, an lành!... Bây giờ lại nghe khanh nói đến trí tuệ và nghĩa khí của con người nơi đây, trẫm càng yêu người mến cảnh. Thật mừng là Đại Cồ Việt ta có những vùng quê như Thanh Hóa phủ! 
Đô thống Thượng tướng Lê Phụng Hiểu lại quỳ xuống tâu:
- Triều đình vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Đô tướng bái lạy vua Lý xin được cáo lui. 
*
... Cách bến Thiên Quang khoảng gần nửa dặm, kéo dài đến gần hai dặm, về phía thượng nguồn, người ta cấm rặt thuyền bè qua lại. Một lễ đài được dựng lên, nhìn ra giữa khu đất rộng, tiếp đến là mặt nước dòng Lỗi giang, tạo thành một quảng trường lớn để duyệt tuyển những người đàn ông cường tráng từ các trang, các giáp, các kẻ, các hương xung vào quân đội đi đánh Chiêm Thành. Mặt sông mênh mông. Gió từ phương bắc thổi xuống làm sông thêm cuộn sóng. Cách mép nước khoảng năm mươi trượng, trước lễ đài, người ta cho đóng xuống dòng sông năm chiếc cọc lớn, cột năm cái bè nứa được tạo dáng tựa hình như năm chiến thuyền lớn. Trên thuyền là những tên lính bằng bù nhìn rơm cao to như người, hai tay mang giáo bằng đoạn vầu, đoạn hóp vuốt nhọn như lính đang xung trận. Dòng chảy và sóng làm cho các thuyền chuyển động dập dềnh lên xuống. Giả định một toán năm chiến thuyền của địch đổ bộ từ biển vào qua cửa Lạch Trào để ngược lên mạn Hàm Rồng. 
Đầu giờ Thìn, xa giá đến. Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu cùng các quan đón vua Lý Thái Tông lên lễ đài để duyệt tuyển đội tráng đinh của Đường Bột trang sung vào quân đội. Khi đã an vị trên long ngai, vua hỏi Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu:
- Khanh tuyển tráng đinh sung vào quân đội qua binh pháp nào?
- Thưa Triều đình, thần tuyển binh qua cách sử dụng “giáo thương”, gồm thương pháp, thương thuật, thương thế!”, giao chiến dưới nước và trên mặt đất. Riêng đội trưởng Nguyễn Tuyên, có thêm mục tác chiến trên lưng ngựa. 
Vua Lý: 
- Cách tuyển quân lính như vậy là sát với thực tế. Kết hợp thủy, bộ tác chiến! Thương giáo là một trong thập bát ban binh khí, được liệt vào hàng anh cả của binh khí. Là vũ khí dễ hạ gục đối phương, cho cả bộ binh, thủy binh và kỵ binh! 
Đô thống Thượng tướng quân: 
- Thưa Triều đình, từ xưa dân Cổ Đằng của thần đều giỏi cưỡi ngựa, những làng bên sông như Đường Bột trang đây, ngoài trồng lúa, trồng mầu, săn bắn thú rừng, họ còn giỏi bơi thuyền đánh bắt kiếm sống bằng câu, bằng chài lưới, bằng chườm cá, dùng cung tên bắn cá... Với họ, cha truyền con nối, một trong những thứ như cây thương, ngọn giáo, lưỡi gươm, rìu, mâu, chùy là vật bất ly thân vừa là kiếm sống, vừa là bảo vệ con người và lãnh thổ... Họ thành thạo những ngón đánh dưới sông, ở mặt đất và trên lưng ngựa. Khi chưa được phụng sự Triều đình, nhiều lần thần đã cùng các tráng đinh từ hương Băng Sơn của thần sang giao tập cùng tráng đinh của các làng cũng như với tráng đinh của Đường Bột trang. Họ đều là những tay thương giáo giỏi, là những kỵ xạ cừ khôi. Giờ, tiếp đến con cháu họ!
... Lệnh truyền qua loa vừa dứt, bảy chiến thuyền bằng gỗ, dài chừng ba trượng, rộng chừng hơn trượng của các tráng đinh trang Đường Bột, mỗi thuyền có năm đôi lính chèo, thương giáo câu liêm, mác của họ được xếp nằm tựa gọn vào thành thuyền và mười tráng đinh đứng trên thuyền là những tay thương, giáo câu liêm, kèm theo cung tên sẵn sàng xung trận; Một thuyền khác có năm cặp tráng đinh chèo, trên thuyền xếp đầy gỗ thông lẫn nhựa thông, nhựa trám và với phôi bào từ gỗ thông dễ bắt lửa, đang ẩn nấp trong các đám lau sậy, các kênh rạch bên bờ Lỗi Giang đồng loạt lao ra. Nhằm khoảng các chiến thuyền địch mà quay đầu phi vun vút xuống hạ lưu. Khi còn cách đối phương chừng năm, sáu mươi trượng, những tay cung của Đường Bột trang đã dùng tên có tẩm nhựa thông đốt cháy bắn về phía có các chiến thuyền giặc. Trong nháy mắt, các thuyền của tráng đinh Đường Bột đã áp sát thuyền của đối phương. Họ dùng giáo thọc, giáo chém, giáo thương câu liêm đâm, kéo cổ những bù nhìn rơm cái đổ ngang, cái đổ ngửa. Cùng lúc, các tráng đinh ở thuyền có gỗ thông, nhựa thông, nhựa trám phát hỏa rồi nhảy sang thuyền của quân mình dùng thương, dùng giáo đẩy thuyền đang cháy đâm thẳng vào giữa đội hình đối phương làm các chiến thuyền giặc bốc cháy đỏ rực cả một khúc sông. Thoắt cái, cả bảy chiến thuyền của tráng đinh Đường Bột quay đầu nhanh chóng hướng vào phía bờ sông, băng qua vạt lúa nước ven sông đổ bộ lên mặt đất. Các tráng đinh cầm thương kiểu trước quản sau khóa, ở thế tứ bình, đưa thẳng ra trước rồi rút về sau dứt khoát như giao long ẩn hiện, đâm tới tấp vào những bù nhìn rơm được điều kéo trên hệ thống ròng rọc xông tới ngang ngửa. Những cây thương cán dài, mũi thương hình lá lúa, cổ thương có móc câu liêm, phía dưới có buộc tua bằng miếng vải màu đỏ. Khi đưa lên, lúc hạ xuống, khi gạt sang phải, lúc quay sang trái uyển chuyển... Vua Lý ngự trên long ngai gật đầu tán thưởng. Kết thúc trận giả chiến, Nguyễn Tuyên dung mạo chững chạc, oai phong dẫn đội tráng đinh của mình về lễ đài, quỳ trước long ngai để bái yết vua Lý. Vua Lý gật đầu như tán thưởng, phẩy tay cho quân lính đứng lên rồi Người đưa mắt sang Đô thống Thượng tướng Lê Phụng Hiểu. Đô Thống Thượng tướng lệnh cho Nguyễn Tuyên đưa quân tập kết về nơi quy định và đến lượt Nguyễn Tuyên thao diễn chiến thuật phi ngựa, dùng thương câu liêm và bắn cung diệt giặc... 
Nguyễn Tuyên mặc áo giáp bằng da thú, đội mũ giáp trụ tự chế kiểu của các kỵ binh xung trận, cưỡi con chiến mã hồng, cung khoác vai, ống tên đeo ngang hông, tay trái cầm dây cương, tay phải cầm thương câu liêm tiến đến trước kỳ đài, xuống ngựa quỳ bái lạy rồi ngước mắt nhìn vua Lý, mong chờ được lệnh vua ban. 
Vua Lý Thái Tông đưa cánh tay phải về phía trước, ngang tầm mắt nhìn Nguyễn Tuyên, Người nói:
- Cho ngươi bình thân! 
Nguyễn Tuyên đứng lên.
Vua Lý ngắm nhìn dung mạo Nguyễn Tuyên rồi đưa mắt sang Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu. Hiểu ý vua, Đô thống Thượng tướng quân liền hô to: 
- Thừa lệnh của Triều đình, ta ra lệnh cho ngươi xung trận! 
Nguyễn Tuyên cúi đầu nhận lệnh. Lên ngựa, tiến ra vạch xuất phát, tay kéo cương, đồng thời dùng hai bàn chân trên bàn đạp lấy lực ép thúc hai đầu gối vào hông con chiến mã. Con chiến mã vung hai chân trước như dựng đứng lên, phi nước đại về phía trước. Cùng lúc, cách vạch xuất phát hai trăm trượng, hai con hoẵng có đặc tính phóng nhanh, nhảy dài được thả ra làm mục tiêu. Khi đuổi kịp hai con hoãng, Nguyễn Tuyên dùng thương câu liêm kéo chân một trong hai con hoẵng làm nó lảo đảo. Ngay tức khắc, Nguyễn Tuyên phóng thương vào đúng tim con hoẵng, con hoẵng phụt máu, nằm sõng soài trên đám cỏ. Tiếp đến, Nguyễn Tuyên lấy cung từ vai xuống, đuổi theo con hoẵng thứ hai. Con hoãng chạy thục mạng và nhảy những bước rất dài, rồi quay rẽ ra phía sông, gặp nước, con hoẵng đang lúng túng đã ăn phải tên của Nguyễn Tuyên trúng vào ức, gục ngay nơi mép nước. Nguyễn Tuyên vòng lại lễ đài. Xuống ngựa, quỳ xuống bái yết vua Lý và Đô thống Thượng tướng quân trong tiếng reo hò, tiếng chiêng trống của binh lính, của các tráng đinh và dân bản trang. 
*
... Vua Lý Thái Tông cho đòi Nguyễn Tuyên vào chầu ở hành cung. Vua cật vấn Nguyễn Tuyên về binh pháp như: Kế sách, tác chiến, mưu công, quân hình, binh thế, hoả công, dụng gián,... Nguyễn Tuyên trả lời lưu loát những câu hỏi vua Lý đặt ra trước các tướng lĩnh. Đoạn, nhà vua cho Nguyễn Tuyên lui ra rồi nói với Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu cùng các tướng lĩnh: “Nguyễn Tuyên là một người văn võ song toàn, phong thái đĩnh đạc, nét mặt sáng sủa đầy niềm tin, thông thạo binh pháp, biết cách áp dụng chiến thuật vào thực tế, tạo ra lợi thế để tấn công đối phương. Các khanh thấy thế nào?”. 
Các tướng lĩnh đều đồng thanh hô lớn: “Triều đình anh minh! Triều đình vạn tuế! Vạn vạn tuế!”. 
Vua Lý lại cho đòi Nguyễn Tuyên vào chầu. Vua xuống chiếu phong Nguyễn Tuyên hàm Đại tướng, dẫn đầu một cánh quân tiên phong ở mũi tấn công bên tả Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu. Bấy giờ đã bước sang giờ Ngọ(5), vua cho phép Nguyễn Tuyên về bái tạ gia tiên, tạm biệt song thân, tập trung các tráng đinh của bản trang vừa trúng tuyển vào quân đội, đến đầu giờ Dậu phải có mặt tại địa điểm hội quân để sang canh bốn(5) đại quân phải rời Đường Bột trang tiếp tục lên đường ra trận.
2. 
Những tráng đinh của Đường Bột trang đi đánh Chiêm Thành khiến bản trang như trống vắng. Mấy tráng đinh không đủ sức khỏe vào lính đợt này cùng những chàng trai ngấp nghé tuổi mười tám, quản giáp phải nhóm lại thành đội tráng đinh mới. Lại tập luyện, lại tuần canh để bảo vệ dân, hoa mầu và lãnh thổ. Những người mẹ lính lại trông con bồng cháu cho những người vợ lên nương, trồng tỉa, chăm sóc cây mầu, vào rừng lấy măng, hái quả; Những người cha lính đêm ngày gắng đánh cá tôm, lấy mật ong, săn thú, bẫy chim, làm cuộc sống dần ổn định trở lại để bù cho những tráng đinh đi đánh giặc. Bến Thiên Quan thuyền vào ra tấp nập. Thiên Quan thị vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán. Nhà ông Nguyễn Thanh lại có người đưa con, đưa cháu đến nhờ dạy chữ. Tuy có làng xóm qua lại, học trò đông vui, nhưng vợ chồng ông vẫn canh cánh chờ tin của con trai. Có hôm bà nói như than phiền cùng ông, giá như ông chịu nghe bà, bắt Tuyên phải lấy vợ thì ông bà giờ đã có cháu bồng. Những lúc như vậy, ông Thanh thường nói với vợ: “Không chi mình cũng là người có tý chữ nghĩa, không thể nói thẳng đứ ra để bắt buộc con cưới vợ. Để khuyên xa răn gần rồi con nó hiểu ra mới được!”. Còn Nguyễn Tuyên, anh bận trăm công nghìn việc. Khi lên rừng đốn gỗ, chặt luồng nứa về đổi lấy thức ăn, vải vóc, sửa cửa, làm nhà, cùng với làng đi săn thú rừng, đi bẫy chim, đánh cá giúp thêm cho bữa ăn; Lúc tập võ, khi học chữ, công việc như đuổi theo anh! Cũng nhiều hôm bố con ngồi nói chuyện với nhau, nhưng phần nhiều là Tuyên hỏi bố những điều còn vướng mắc về chữ nghĩa, về điển tích, về những đoạn binh thư chưa thông... Toàn những chuyện không đầu và chưa đến đoạn kết thì Tuyên đã có bạn văn, bạn võ đến đàm đạo hay quản giáp gọi đi có việc công. Vợ chồng ông Thanh cũng không ngờ con lại được nhà vua ban cho làm tướng tiên phong một cánh quân bên cạnh ngài Đô thống Thượng tướng quân. Đành rằng ông bà thấy con trai mình càng lớn càng có những thay đổi về học hành, về hiểu biết khác người. Nhớ đêm hồi đầu mùa thu năm Thìn, chị nhiêu Hạnh thấy trời mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm. Dòng Lỗi giang nước dâng ngập gò cao bãi rộng. Mấy cái ao đầm trước nhà nước lút bờ, kéo theo những đám bèo tổ ong vào sân. Cây lộc vừng trước nhà nước dâng ngập tận lưng chừng cây. Gió thổi làm lá lộc vừng chao đi chao lại trong nước, đưa đẩy những đám bèo quay vòng trong sân. Rồi bỗng nhiên một góc sân nhà chị xuất hiện một quầng sáng đủ màu chiếu qua khe liếp vào nhà. Chị nhiêu Hạnh cùng chồng liền đưa tay kéo hé tấm liếp che cửa vóng nhìn ra. Trong giữa quầng sáng ấy có một đôi cá chép đang quấn quýt nhau quần tổ đẻ. Cá chồng thon dài phải đến hơn thước(2), cá vợ thân hình ngắn hơn, bụng to tròn, vàng óng. Cá chồng như nóng lòng lượn quanh bên cá vợ bụng mang dạ chửa đang quẫn trong đám bèo. Thỉnh thoảng cá chồng đến bên cá vợ, cọ thân mình vào thân cá vợ. Cá vợ uốn mình vật vã làm cho trứng phọt ra đám bèo tổ ong như dắt trứng vào rễ bèo. Cứ vậy, vợ chồng nhà cá lượn lờ quanh sân nhà. Rồi lặng gió, tạnh mưa. Dưới vầng sáng đủ màu, cá vợ nằm yên giữa đám bèo tổ ong, cá chồng lượn quanh vòng ngoài, bảo vệ cho cuộc khai hoa kết trái. Nghe giọng vợ ú ớ như gọi ai, nhiêu Thanh đập tay vào lưng vợ hỏi như đánh thức. Khi ấy chị nhiêu Hạnh mới mở choàng mắt ra thì trời đã sáng. Hóa ra là nãy giờ chị mơ. Nhiêu Hạnh kể lại cho chồng nghe về giấc mơ vừa rồi của mình. Nhiêu Thanh cười, nhìn vợ. Anh hiểu đã đến lúc vợ mình nóng lòng được làm mẹ!. 
Một ngày mới lại bắt đầu. Nhiêu Thanh lại đón học trò vào lớp. Vợ anh lại ra ruộng hái dâu về chăn tằm, vào rừng bẻ măng, đào củ... Chiều hôm ấy, chị nhiêu Hạnh đang ươm tơ thì trời trở gió. Giông lên, mây kéo về ùn ùn làm bầu trời như thấp hẳn xuống. Sấm ầm ầm nổi lên. Trời đổ mưa như trút. Chờ lúc ngớt hạt, chị nhiêu Hạnh cùng chồng phải đội áo tơi cõng học trò đến từng nhà giao trả cho bố mẹ nó. Mưa dầm dề mấy ngày liền, những vạt lúa, ruộng mầu ven dòng Lỗi giang chìm nghỉm. Nước từ thượng nguồn đổ về như ngựa phi nước đại, kéo theo những bè gỗ, những cây tươi, cành khô, những bụi luồng, bè nứa, những mái nhà lá xiêu vẹo bên trên còn có người cố bám lấy mái mà ra sức kêu cứu thật to như thi gan với dòng trôi, cho tiếng kêu cứu của mình vọng tới những người trên bờ sông mà giành giật lấy sự sống! Có những trai tráng trong bờ chống bè lao ra theo tiếng kêu cứu, nhưng bè cũng chỉ ra cứu được một, hai lần. Về sau, những chiếc bè lao ra cứu người đều vô vọng, vì bè của chính họ cũng bị dòng nước cuốn trôi theo, hoặc bị những cây gỗ trôi trên dòng chảy tông vỡ! Ba bốn ngày sau nước rút, làng còn vớt người chết trôi nổi dạt vào bờ lên chôn!
... Sau trận lụt, ruộng thấp bãi cao đều được phủ thêm phù sa, cây mầu xanh tươi, sai quả. Những ruộng lúa chìm dưới nước lại nổi lên, tươi xanh. Mùa về, bông to, hạt mẩy. Đời sống của dân tình dần trở lại bình thường. Cũng sau mùa lụt năm Thìn ấy, chị nhiêu Hạnh thấy mệt mỏi bất thần, thích ăn trái chua, buồn nôn khi mùi cơm sôi từ bếp bay ra. Hai bà thông gia thấy chị nhiêu Hạnh cổ cao thêm, môi nhợt nhạt, lông mày, tóc gáy, tóc mai dựng lên, hai bên thái dương nổi gân xanh... bằng kinh nghiệm của những người đã từng làm mẹ, trong lòng họ vui như mở cờ vì con mình đã có em bé. Nhiêu Thanh nhìn vợ thay đổi mà lòng xốn xang. Đến tiết Thanh minh Năm Tỵ, chị Hạnh sinh được một cậu con trai bụ bẫm, tai to, mắt sáng. Anh Thanh, chị Hạnh xin với ông bà nội, ngoại đặt tên cho con là Tuyên - Nguyễn Tuyên. Cu Tuyên hay ăn, chóng lớn. Đến ngày làm lễ thôi nôi cu Tuyên đã phổng phao như trẻ lên ba. Nói năng lưu loát, thường đứng xem cha dạy học. Anh Thanh thấy thế bèn bảo vợ lấy ghế cho Tuyên ngồi xem, làm quen với cách học chữ. Sang bốn tuổi, Tuyên xin cha mẹ cho giấy bút để vẽ chữ theo các anh. Không giấu được sự ngạc nhiên, anh Thanh mừng rỡ bắt đầu dạy cho con học chữ. Tuyên học đến đâu nhớ đến đấy. Khi Tuyên lên bảy, Tuyên thường hỏi bố những câu như những người trưởng thành. Anh Thanh cảm thấy mình gần cạn vốn chữ chỉ bảo cho con, anh đưa con đến các thầy giỏi có tiếng trong vùng nhờ dạy chữ thêm cho Tuyên. Khi đã học thuộc bài, Tuyên lại theo các đàn anh học võ. Thấy tướng mạo Tuyên chững chạc, sức học thông minh nên thầy dạy chữ gợi ý với anh Thanh cho Tuyên học chữ buổi sáng còn buổi chiều cho Tuyên theo lớp học võ...   
3. 
Nhờ thuận nước, thuận gió nên đại quân của ta dễ dàng vượt biển đến cửa Ô Long. Tin mật báo về cho biết quân Chiêm Thành đã dàn trận trên sông Ngũ Hồ để đợi quân ta vào giao chiến. Vua Lý Thái Tông liền xuống chiếu cho quân rời thuyền lên đất liền. Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu đi tiên phong, dẫn một cánh quân xông lên bên hữu. Đại tướng Nguyễn Tuyên dẫn một cánh quân xông lên bên tả. Quân Chiêm đông như ong vỡ tổ nhưng mới vào trận đã gờm vì quân Đại Cồ Việt đã đông còn thiện chiến tả đột hữu xung. Vua Lý lại cho một bộ phận binh lính reo hò, đánh trống, gõ chiêng, giương cờ làm quân Chiêm Thành càng hoảng sợ. Khí thế quân ta đang dâng lên ngùn ngụt lại gặp giông gió nổi lên, mây cuộn xuống sát đầu lính chiến, sấm chớp xé trời, mưa như trút nước. Quân Chiêm đã sợ hãi càng thêm hoảng hồn, dẫm đạp lên nhau tháo chạy bán sống bán chết. Quân ta truy đuổi, chém đầu vô số lính Chiêm. Trên đường tháo chạy, tướng Chiêm Thành là Quách Gia Di thấy quân Đại Cồ Việt truy đuổi rất sát, thần bay phách lạc, Quách Gia Di đành sinh mưu tạo phản. Quách Gia Di đã chém đầu chúa của mình là Sạ Đẩu dâng lên vua Lý Thái Tông, xin hàng để được tha chết. Quân Đại Cồ Việt giết 3 vạn quân Chiêm Thành, bắt sống 5.000 người, thu 30 thớt voi. Vua Lý vốn sùng Đạo Phật, nên đang giữa chiến trường, mặt đối mặt với kẻ thù, thấy cảnh máu chảy đầu rơi, xác chất đầy đồng, lấy làm thương xót mới hạ lệnh rằng: "Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha!". Trận đánh Chiêm Thành năm ấy quân ta toàn thắng.   
Mùa Thu, vua Lý cho thu quân hồi triều. Trên đường hồi triều, vua cho dừng quân ở Đường Bột trang để bái tạ linh địa và phong Thần cho ba vị đã báo mộng cho Ngài đêm dừng lại Đường Bột trang. Vua xuống chiếu cho quan khâm mạng đứng đầu Thanh Hóa phủ cấp tiền của cho dân dựng ba miếu ở ba nơi đã có vầng lửa tỏa sáng để thờ ba vị Thiên Thần. Vua cũng xuống chiếu cho Đại tướng Nguyễn Tuyên cùng một đô thân quân ở lại chỉ huy và giúp việc xây dựng ba miếu thờ Thiên Thần.    
  Ngày khởi công dựng ba miếu, Nguyễn Tuyên cho cắm cờ xí, dàn đội quân, treo gươm giáo trước Thần vị đồng loạt ở cả ba nơi. Các miếu làm bằng gỗ quý lấy từ rừng xứ Thanh. Làm theo kiểu chồng rường, kẻ bẩy, mái lợp bằng một thứ gỗ thơm; Hậu cung và tiền đường tạo thành chữ đinh. Hồi hậu cung cách mái gian giữa tiền đường ba thước(2), tạo khoảng không để lấy ánh sáng và đón gió trời. Hai bên hậu cung trồng những cây hoa đại tỏa hương thơm mát, đậm vẻ trầm mặc. Ba miếu đều nhìn ra dòng Lỗi Giang mênh mông sóng nước. Xung quanh miếu đắp thành đất cao tới năm thước, trên mặt thành trồng các cây mền tên, cây mây. Bên ngoài thành trồng tre tạo thành lũy vững chãi bảo vệ lấy thành đất. Chính giữa thành, về hướng nam, làm cổng tam quan bằng gỗ, ba cửa đều có cánh đóng mở. Hai bên trồng những bụi tre ngà và cho tuyển thợ uốn kết thành lưỡng long chầu vào tam quan. Đến tháng Chạp thì hoàn thành cả ba miếu thờ Thiên Thần. Đó là miếu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam.
Trong những ngày Đại tướng Nguyễn Tuyên lưu lại quê Đường Bột trang, các quan phủ, quan huyện thường xuyên về thăm sức khỏe Đại tướng và song thân cùng thân binh. Đáp ứng những yêu cầu cung cấp gỗ lạt, điều thợ thuyền làm miếu, uốn cây, đắp thành. Cũng trong thời gian này, Hội đồng kỳ mục Đường Bột trang trình lên Đại tướng Nguyễn Tuyên và quan khâm mạng đứng đầu Thanh Hóa phủ về nguyện vọng của dân là: Cồn cây đa ba gốc phía đông làng, nơi đóng hành cung để vua Lý Thái Tông và các quan bàn việc quân đêm dừng lại bản trang được mang tên mới là cồn Đông Cung; Cồn đóng điếm soát thẻ bài các quan vào ra hành cung làm việc là cồn Mộc Bài; Cồn chứa các đồ hậu cần như các loại móng sắt dùng để đóng thay móng ngựa trên đường hành quân, thuốc uống, thuốc bóp chân cho ngựa, thực phẩm tinh cho ngựa..., gọi là cồn Mã Hàng; Những cồn các đơn vị kỵ binh đóng đều gắn thêm chữ “MÔ  như: Mã Xuyến, Mã Dứa, Mã Chuối, Mã Mông, Mã Loa, Mã Hữu... Xét thấy nguyện vọng của dân làng cũng phù hợp với suy nghĩ của chính mình: Đường Bột trang cần phải có tên các vùng đất ghi nhớ ngày vua Lý cùng đại quân Đại Cồ Việt dừng lại bản trang để tuyển tráng đinh sung vào quân đội và sự tích ba vị Thiên Thần của vùng đất thiêng đã hiện lên báo mộng nguyện giúp nhà vua đánh thắng quân Chiêm Thành, Đại tướng Nguyễn Tuyên và quan khâm mạng đứng đầu Thanh Hóa phủ đã chuẩn y.
Ngày khánh thành và làm lễ yên vị ba vị Thiên Thần tại ba miếu cũng là ngày Đại tướng Nguyễn Tuyên thu quân hồi triều. Khi đoàn quân của Nguyễn Tuyên vừa đi đến khu đất Long đầu của bản trang thì trời nổi giông gió, sấm chớp ầm ầm, con chiến mã của Đại tướng Nguyễn Tuyên quỵ xuống. Nguyễn Tuyên hóa về trời. Đó là ngày 21 tháng Chạp năm Giáp Thân, 1044. 
Được tin Đại tướng Nguyễn Tuyên đã hóa về trời, vua Lý Thái Tông vô cùng thương tiếc một viên tướng văn võ song toàn, hết lòng vì dân vì nước. Nhà vua xuống chiếu xếp Đại tướng Nguyễn Tuyên vào bậc công thần của đương triều, sắc phong “ĐƯƠNG CẢNH THÀNH HOÀNG, THƯỢNG ĐẲNG PHÚC THẦN ĐẠI VƯƠNG” sức cho dân lập miếu thờ Đại tướng Nguyễn Tuyên, thượng sàng hạ mộ ngay tại nơi Ngài hóa. Đó là miếu Đệ Tứ. 
Những năm đầu, Triều đình thường cử Bộ Lễ về bản trang làm sinh nhật Thành hoàng làng, Đại tướng Nguyễn Tuyên vào tháng 3 và húy nhật vào 21 tháng Chạp. Về sau, vua giao cho quan khâm mạng đứng đầu Thanh Hóa phủ, thay mặt vua về cùng làng làm sinh nhật và húy nhật Ngài. Thế là Đường Bột trang có tới bốn miếu thờ. Ba miếu thờ Thiên Thần, một miếu thờ Nhân Thần. Cả bốn miếu thờ đều được quan khâm mạng đầu tỉnh sức cho xã quan chọn bốn nam giới, bốn lăm đến sáu lăm tuổi, dáng người thanh thoát, nét mặt sáng sủa, phong thái ung dung, tính tình hiền lành, gia cảnh hòa thuận, làm chủ từ để đèn nhang ngày vọng, ngày sóc hoặc mỗi khi dân tình có việc đến lễ bái kêu cầu, tạ ơn...
Cũng từ đó, Đường Bột trang được trên cho mở Hội làng vào ngày húy nhật Thành hoàng làng. Từ sáng 20 tháng Chạp, đường làng được dọn sạch sẽ, trống dong cờ mở, nhà nhà sắm sửa lễ vật, hương hoa. Đêm đến, tại bốn miếu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ đông nghịt người đến dự lễ cáo yết Thành Hoàng và cáo yết để rước Linh vị của ba vị Thiên Thần ở các miếu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam về phối thờ tại miếu Đệ Tứ trong những ngày diễn ra húy nhật thành hoàng Nguyễn Tuyên và Hội làng. Sau lễ dâng hương cáo yết, làng cử một người đàn ông có bằng cấp trong làng văn, đức độ, phong thái nho nhã, giọng nói hào sảng, gia phong nề nếp, lên đọc “Thúc ước văn” để mọi người nghe, đặng nhuận thấm lời khuyên dạy, răn bảo về đạo lý làm người, khuyến thiện, trừ ác. Sáng ngày 21, làng tế tại miếu Đệ Tứ xong, các dòng họ và khách thập phương vào dâng hương. Sau đó đến phần hội, các trò: Kéo co, thi vật, đánh đu, cờ tướng, cờ người, rút thẻ xem tướng số, cho chữ, xin chữ, hát bội...
Lễ hội kết thúc, giã bạn ra về, người người đều phấn chấn, khỏe thêm ra vì đã làm được việc tri ân tiền nhân. Ai ai cũng tin rằng trời đất sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt tạo ra nhiều sản vật làm cho đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc.
            

N.H.S


(1) Nhiều tài liệu nói về vua Lý Thái Tông trên đường dẹp loạn và đi đánh Chiêm Thành có qua và lưu lại Thanh Hóa. Trong truyện ngắn này chúng tôi viết theo cuốn “Địa chí văn hóa Hoằng Hóa” của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân huyện Hoằng Hóa do PGS Ninh Viết Giao chủ biên, NXB KHXH - 2000 - trang 725. 
(2) Đơn vị đo lường ngày xưa: Một trượng bằng 3,33m. Một dặm bằng 1,6km, Một thước bằng 0,4m.
(3) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Thiên Thành thứ 7 (1034), Lý Thái Tông ban chiếu định các đình thần khi tâu việc lên phải gọi vua là "Triều Đình".
(4) Theo Danh xưng Thanh Hóa của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa-NXB Thanh Hóa - 2019. Năm 1029 vua Lý Thái Tông xuống chiếu đổi tên Ái Châu trại thành Thanh Hóa phủ .
(5) Xưa kia, tính giờ theo 12 con giáp. Ban ngày tính giờ: Giờ Ngọ từ 11h đến 13h. Ban đêm tính canh. Đêm dài 10 giờ, chia thành 5 canh, mỗi canh 2 giờ: Canh 4: từ 1h - 3h.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 306
 Hôm nay: 3402
 Tổng số truy cập: 9245569
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa