Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Nước ở Tả Sùng
Nước ở Tả Sùng

Trăng đỏ quạch chiếu xuống Tả Sùng. Hơi nóng ngùn ngụt bốc lên trên mấy phiến đá khô khốc. Tiếng lục lạc dê nhà ai lanh lảnh theo những ngọn gió, len lỏi chui qua từng vòm cây bầm thẫm dưới ánh trăng. Cây muỗm già xào xạc rền rĩ. Lầu A Lềnh ngồi tựa vào vách gỗ bên ngoài căn nhà rách nát. Từ nơi này, lão có thể nhìn thấy mấy con đường mòn phía dưới kia. Những con đường ở Tả Sùng thật đặc biệt. Chúng giao nhau tại một điểm duy nhất, rồi tỏa đi những hướng khác nhau. Có con đường dẫn lên đỉnh núi cao hơn, về phía Bắc. Có con đường ngả về phía Tây, bò trườn ra miệng vực. Có con đường hướng sang phía Đông, nằm thoai thoải ngang lưng núi, lại có con đường đổ xuống phía Nam. Suốt cả cuộc đời mình, A Lềnh thích nhất là con đường men theo bờ vực, nơi lão lênh khênh đi chợ phiên uống rượu, đánh bạc, rồi say khướt bò về.
A Lềnh cựa mình một cái, mùi áo quần hôi khẳn bốc lên. Tả Sùng quanh năm khô hạn. Cả tháng nay lão không tắm rửa. Ghét đóng trên cổ A Lềnh đen sì, cợn lên từng mảng.
Tả Sùng không có nước
Bốn mùa khô như rang
Lòng ta quay về Bắc
Dòng sông Hoàng mênh mang
A Lềnh lẩm bẩm lặp lại mấy câu thơ mà tộc trưởng Lầu A Dê hay đọc trong những buổi thánh lễ Chủ nhật uể oải.
Chai rượu sắn rẻ tiền đã cạn sạch đến đáy. Đôi mắt mờ đục của A Lềnh phủ đầy ánh trăng màu đỏ. Trong hơi rượu đầm đìa, lão chợt nhìn thấy vợ và hai đứa con gái ngồi trên ngọn cây muỗm già. Cả ba đều mặc váy áo đẹp, đeo vòng bạc, hoa tai bạc. Ở trên đó rực rỡ ánh sáng. Mắt Lềnh trào ra thứ nước đục ngầu. Sao mà chúng đẹp thế? Sao không giống cái hôm lão nhìn thấy chúng trên nương, bụng trương lên như cái trống, dãi nhớt  xanh bầm, nhoe nhoét trên những đôi môi xám ngoét? Hôm ấy, mắt con bé Pa Cú trợn ngược, toàn lòng trắng, vuốt mãi mà không nhắm được. Ba cái xác nằm nghiêng ngả cạnh nhau, giữa màu xanh ơn ởn của những bụi ngón đang mùa rộ lá. 
Vậy mà giờ chúng đang ở đây, vắt vẻo trên cây muỗm già. Chẳng phải chúng đã từ cõi chết trở về với lão và thằng Pó hay sao? Trước mặt A Lềnh, ba mẹ con đang cười, đưa tay ra vẫy. Bên cạnh chúng, hình Vương Chủ Thiên Chúa mờ mờ ảo ảo không nhìn ra nét mặt. Đó có phải là nơi sung nơi sướng mà tộc trưởng Lầu A Dê nói không? A Lềnh bỗng thèm khát được lên cành muỗm già ngồi chung với họ. Người lão nhẹ bẫng, nhẹ bẫng dần theo hơi rượu…
“Á á á…!”. Tiếng thét rờn rợn của Lầu Gia Pó làm kinh động cả Tả Sùng lúc mặt trời còn chưa dậy. Như lệ thường, mờ sáng, nó ra bãi đất trước nhà, vạch quần đái ngay dưới gốc muỗm. Vừa xả dòng nước ấm nóng, nó vừa ngước nhìn lên cây muỗm, khoan khoái tận hưởng chút sung sướng đầu ngày. Đập vào mắt nó là bóng người lủng lẳng trên cành muỗm thấp nhất, chìa ra phía vực. Trời còn chưa sáng hẳn, Pó vẫn nhận ra bóng dáng rất quen thuộc. Bộ quần áo rách mèm cả tháng không thay, nhìn là biết ngay của A Lềnh - bố nó. Chỉ có điều, khuôn mặt lão đã phù lên, với cái lưỡi thè ra một cục, thòi lòi chắn ngang nơi cửa miệng. 
Chân Pó run lẩy bẩy muốn khuỵu xuống. Nhưng như bao thằng trai bản khác, nó vẫn cố trấn tĩnh lết vào nhà, mò mẫm tìm cây súng kíp treo trên vách. Ba tiếng súng chát chúa nổ vào bình minh Tả Sùng, báo hiệu một người vừa chết. 
Lầu A Lềnh chết. Tự tử. Như vợ và hai đứa con gái đầu của lão. Vợ con chết vì lá ngón. Còn lão treo cổ lên cây muỗm già. Tộc trưởng Lầu A Dê từng bảo cây muỗm già là nơi con ma rừng cuối cùng trên đỉnh Tả Sùng trú ngụ. Đó là cây thiêng, không thể đốn hạ. Muốn yên cửa nhà, chỉ còn cách phải chăm đi lễ Chủ nhật. Muốn có rượu ngon, thuốc say, cũng chỉ còn cách phải chăm đi lễ Chủ nhật.
A Dê bảo thế, nên A Lềnh có thể  say sưa ở phiên chợ từ sáng tới tối, nằm lê lết trên bãi cứt ngựa suốt từ chiều đến đêm, quên cả đường về. Cả đời A Lềnh có thể chưa từng biết trong nhà còn mấy bao ngô; lũ trẻ còn chiếc áo nào lành lặn không. A Lềnh chỉ biết uống rượu, hút thuốc phiện và đánh bạc. Nhưng Chủ nhật nào lão cũng đi lễ, cúi đầu thành tâm nguyện cầu Vương Chủ Thiên Chúa. Vậy mà con ma trên cây muỗm già vẫn chẳng buông tha cái mạng của lão.  
*
Lầu Gia Pó 17 tuổi. 
Nó thõng người nhìn thầy cúng và người thân đang làm lễ cúng ma ì xèo. Đã sáu ngày trôi qua. Nắng chiếu xuống Tả Sùng như xối lửa. Xác bố nó vẫn treo lủng lẳng giữa nhà. Tấm vải trắng bó quanh người không ngăn được mùi xú uế xộc lên. Bên dưới cái xác, thứ nước nâu sầm sậm từ thây người thỉnh thoảng rỏ xuống nền đất. 
Nhà Pó không có trâu bò. Bao nhiêu thóc, ngô, gà, lợn đều đã theo khói thuốc phiện và hơi rượu của A Lềnh tiêu tán hết. “Chưa có trâu bò làm lễ, không được đem A Lềnh đi chôn”. Trưởng tộc Lầu A Dê giơ tay lên trời tuyên bố. Mấy ngày hôm nay, người cô ruột từ tận đỉnh Cò Nòi sang, hứa đi vay giúp Pó hai con trâu làm lễ, mà chưa vay được. 
Đám ruồi lằng lèo xèo quanh cái xác A Lềnh. Mấy con đậu xuống, rồi đẻ cả chùm trứng trắng nhởn lên tấm vải bọc thây. Hai bà cô của Pó đập cành mận, cành đào phành phạch. Đàn ruồi vội bay ra bên ngoài, đậu tấp vào đĩa thức ăn của mấy gã trai bản còn đang say sưa dở bữa. Chẳng ai buồn xua đuổi. Người ta còn bận thò tay bốc miếng thịt lợn mỡ nhầy nhụa trong rổ cho vào miệng, rồi tu rượu ừng ực. 
Nhìn cảnh ấy, Lầu Gia Pó muốn nôn. Nó cố kìm lại hơi ợ chua đang thốc lên cổ họng. Mỗi khi đút cơm vào cái miệng xám ngoét nhầy nhậy nước, bứ đầy cơm thiu của bố nó, nó cũng có cảm giác ấy. 
Lầu A Lềnh chết, Lầu Gia Pó không vật vã khóc thương, như cái năm nó 11 tuổi. Hôm ấy, Tả Sùng khô hạn nhưng đầy gió. A Lềnh bán con lợn cuối cùng trong nhà để nhảy vào xới bạc. Như mọi bận, lão trở về tay trắng, hơi rượu đã liêu xiêu. Nhìn cái máng lợn ăn trống không, lão ngứa ngáy phát điên, bèn trút giận lên 3 người phụ nữ trong nhà. Chỉ riêng Pó không bị đánh, vì nó là con trai.
Sáng hôm sau, người mẹ mang khuôn mặt bầm dập lên nương, đến đêm không thấy về. Sáng hôm sau nữa, 2 đứa con gái rủ nhau đi tìm mẹ, rồi cũng không về. Họ đã bỏ đi mãi mãi, lên trời, để lại Lầu Gia Pó 11 tuổi, trần trụi trong nỗi đau mơ hồ giữa Tả Sùng lộng gió. Nó bỏ học, từ đó, cứ ngày ngày đi qua con đường phía Đông võng ngang lưng núi Tả Sùng mà chơi quay, hái mận, lên rừng bắt rùa, hay lên nương cắt lúa.
Tiếng kèn ma vẫn xéo xắt não nề. Những cơn buồn nôn lì lợm cứ trấn ngang ở cổ, chực trào lên, nhưng Pó không thể nôn. Đôi mắt xếch xém lẹm của tộc trưởng Lầu A Dê xói thẳng vào gáy cổ nó. Đôi mắt ấy ánh lên tia hằn học, tựa như khi lão nhìn thấy cán bộ biên phòng Lầu A Trẻ lên nhà vận động đưa xác A Lềnh vào quan tài đi chôn. 
- Mày cũng người họ Lầu, mà mày không hiểu tập quán của đồng bào ta. Thằng Trẻ thành cán bộ rồi, nó đã quên mất ông bà, tổ tiên.
A Dê phả vào mặt Trẻ mấy lời gay gắt. Người trong đám tang lặng im. Gia Pó liếc nhìn tộc trưởng. Nó mấp máy môi định nói, nhưng rồi lại cúi mặt. 
Người ta đã dắt đôi trâu về. Xác A Lềnh được chuyển ra bãi đất đầu bản. Đôi trâu tơ gầy guộc chịu trói đứng ngơ ngác. “Phụp!”. Một trai bản cầm búa phang vào giữa trán con trâu. Tiếng rền thê thảm của con vật vọng lên trên khắp Tả Sùng nóng như thiêu đốt.
Lầu A Dê đứng gần đó. Bị một giọt máu trâu bắn lên trán, nhưng lão không hay biết. Lão còn mải nhìn về hướng mặt trời, nói với đám trai trong họ đang vây quanh xác trâu, mà cũng như nói với mình. “Nóng quá. Tao bảo rồi mà, Tả Sùng này làm gì có nước. Nhanh làm thịt trâu để còn đem thằng A Lềnh đi chôn, hôm nay mới được ngày”.
Tiếng dao mài vào đá xéo xoét. Tiếng người lao xao. Khèn nỉ non gọi hồn người chết lên trời. Mắt Lầu Gia Pó nhòa dần đi trong cơn mệt mỏi ủ dột cùng cực.
*
Mùa hạ đã qua. Cỏ trên mộ Lầu A Lềnh lơ phơ xơ xác. Không khí dịu dần hơi nóng, nhưng vẫn chưa có mưa. Lúa ngô héo quắt. Những mảng nương úa màu xồm xộp. Không có nước. Cây không mọc được. Người cũng quắt quéo trong những tuyệt vọng ảo não.
“Tả Sùng làm gì có nước!”. 
Lầu A Dê đã nói đi nói lại điều đó không biết bao nhiêu lần, với dân bản, với người trong họ Lầu, và với chính lão. Lão muốn dắt họ Lầu ở Tả Sùng quay trở lại mấy ngọn núi phương Bắc, nơi bố lão đã từng đi qua, để tìm về vùng đất có sông Hoàng. Nhưng không ai đồng ý.
Ở Tả Sùng, họ Lầu là những người đầu tiên đến định cư. Ngày đó, tộc trưởng Lầu A May, bố của Lầu A Dê dẫn đoàn người vượt nhiều dãy núi cao, từ hướng Bắc sang đây. Nơi họ rời đi là một vùng đất chết, như bao vùng đất họ đã từng rời đi. Đốt rừng. Trồng ngô. Trồng sắn. Đất chết. Lại rời đi. Rồi lại đốt rừng...
Năm tháng du cư đói khổ làm bạc phếch nụ cười của đàn ông.
Làm sắt seo bầu vú đàn bà.
Làm teo tóp đôi mông của bọn trẻ con.
Khi thấy bố cắm ngọn dao xuống đỉnh Tả Sùng của phương Nam, thằng bé mười ba tuổi Lầu A Dê nắm tay ông bảo: “Nơi này không có nước”. Ông bố không nhìn con, hướng mắt về mấy dãy núi đá nhấp nhô trước mặt: “Nhìn đi A Dê, xung quanh toàn đá. Chỗ nào cũng thế cả thôi. Không có nước thì tao đi tìm nước”.
Thứ ông Lầu A May và các trai tráng trong họ tìm thấy, chỉ là mấy mạch nước bé tí xiu dưới chân núi. Còn cái mà Lầu A Dê muốn phải là một dòng sông nước chảy ồ ồ, rộng mênh mang, như sông Hoàng.
Từ lúc còn bé tí lê lết nơi đầu nhà chơi quay với chúng bạn, Lầu A Dê đã nghe người lớn kể lại, ngàn năm trước, tộc người của nó vẫn chiếm lĩnh một dải trung lưu sông Hoàng phương Bắc. Vì bị xâm chiếm, đánh đuổi mà tộc người ấy phải tứ tán khắp nơi. Tổ tiên nó chạy về phía Nam, rời xa hẳn sông Hoàng.
Sông Hoàng trông như thế nào?
Nước sông Hoàng có trong không?
Lầu A Dê chưa bao giờ nhìn thấy sông Hoàng. Nhưng từ khi còn cởi truồng, đầu nó đã luôn mơ về dòng sông ấy. Dòng sông vàng rười rượi, mênh mông nước. Đến tuổi lông lống biết vào rừng săn thú, đêm đêm, A Dê mơ thấy mình trôi trên sông Hoàng như trôi trên da thịt mát lành nầy nẫy của người đàn bà. Bao nhiêu lần tỉnh dậy, quần nó đẫm ướt và xộc lên thứ mùi ngòn ngọt, tanh tanh.
Nhưng cuối cùng, thằng bé Lầu A Dê cuồn cuộn ham muốn ấy lại trở thành một gã đàn ông bất lực. Mười tám tuổi, A Dê từ bỏ mối tình như hoa mận trắng với Seo Mẩy, cô gái xinh của bản, để cưới con gái một gia đình giàu có ở bản xa. A Dê thích Mẩy, nhưng khi nắm tay cô trong rừng mận, nó vẫn chỉ nghĩ đến lúc đầm mình trên sông Hoàng, trong những giấc mơ. 
Ngày cưới của Lầu A Dê,  nhà trai mổ mấy con trâu mộng. Tiếng bạc vang lanh canh. Thịt ngả xum xuê, rượu chảy đầm đìa. Tả Sùng chưa bao giờ có lễ cưới nào to đến thế. Seo Mẩy vào rừng, ăn lá ngón, chết ngồi dưới gốc mận cổ thụ, trên tay vẫn cầm chiếc vòng bạc mà A Dê mua cho.
Vào giữa đêm tình đầu tiên sau lễ cưới, A Dê hét lên thảm thiết, lúc nhìn thấy đám mụn ruồi chi chít trên cặp mông của vợ. Vợ A Dê có khuôn mặt đẹp khắc khổ. Nhưng trên mông của thị có hàng trăm cái nốt ruồi, đen sì, mọc sin sít nhau. 
A Dê của tuổi mười tám thường nhắm mắt lại, cởi váy của vợ trong đêm tối sẫm, không nến, không đèn. Nhưng không thể. Đám mụn ruồi ken đặc như đá ở Tả Sùng ấy đã làm chết người đàn ông trong lão. Chết hẳn. Chết không ngóc đầu dậy nổi. Những cơn mơ hằng đêm vẫn đưa A Dê trôi trên dòng sông Hoàng mát rượi, như trôi trên thịt da của một ả đàn bà mềm mại, lẳng lơ. Nhưng thứ phế vật kia thì mãi mãi không bao giờ có lại cảm giác đê mê thêm lần nữa.
*
Hôm ấy, Lầu A Trẻ rời đám tang của A Lềnh, khuôn mặt buồn rười rượi. 
Tộc trưởng Lầu A Dê không thích Trẻ, kể từ ngày anh theo con đường mấp mô xuôi xuống phía Nam, về thị trấn đi học. A Dê bảo, người họ Lầu không cần đi học vẫn có thể săn thú, lên nương rẫy, rồi lấy vợ, sinh con. Người họ Lầu chết vì không có mèn mén ăn, không có nước suối uống, chứ không có ai chết vì không biết chữ. 
Lầu A Trẻ thành anh lính biên phòng đầu tiên của Tả Sùng. Ngày Trẻ đưa anh kỹ sư nông nghiệp trẻ măng về bản, dạy bà  con cách trồng nghệ, tộc trưởng A Dê chém dao xuống nương: “Đất của họ Lầu ở Tả Sùng chỉ trồng ngô và lúa. Ai ăn nghệ mà sống bao giờ”. Bà con lục tục bỏ về. 
Anh kỹ sư mới vừa từ xuôi lên bối rối nhìn Trẻ. Mấy bao nghệ giống nằm chỏng chơ. Trẻ bảo vợ: “Dân bản không làm, thì nhà mình làm thôi”. Mùa nghệ đầu tiên tốt bời bời. Củ nghệ vàng ươm, thơm hắc, béo tròn nần nẫn. Dân buôn dưới thị trấn phóng xe máy vượt đoạn đường rừng chênh vênh khúc khuỷu nằm choi loi trên miệng vực, lên nương, mua bằng hết. Mùa thứ hai, họ Vừ, họ Thào, họ Hơ lục tục chọn đám nương tốt, phát gọn để trồng nghệ. Người họ Lầu cũng xao xác muốn làm theo; nhưng ai cũng ngại đôi mắt xếch sắc như dao của tộc trưởng A Dê. A Dê không chỉ là tộc trưởng. A Dê còn là hiện thân của Vương Chủ Thiên Chúa. Không nghe theo A Dê là phản bội Ngài.
Cuối mùa thu, vẫn chưa có mưa.
Ba tiếng súng kíp lại vang lên giữa Tả Sùng mây trắng.
Ông nội của Lầu A Trẻ vừa mất. Trong căn nhà gỗ, không khí nặng như bầu trời chuẩn bị đổ ập xuống. Tộc trưởng Lầu A Dê hằn học nhìn Trẻ: “Nếu không làm tang ma đầy đủ, làm sao ông nội mày có thể lên trời. Cả họ Lầu này rồi sẽ vì mày mà gặp tai ương thôi”. 
Chiếc quan tài đóng xong, đã đặt bên góc nhà. Trẻ nhìn cha mình, nhìn mấy người chú, người cô, rồi thưa ngắn gọn: “Xin dòng họ tin con, một lần này thôi”. 
Đôi mắt già nheo của Lầu A Mua ngước lên, nhìn tộc trưởng, rồi lại nhìn con trai. Mười lăm năm trước, nghe lời tộc trưởng, ông đã dùng cành mận già đánh Trẻ bò lê lết, phải rúc xuống gầm giường, vì nó dám trốn ông xuống thị trấn đi học chữ. Rồi nó thành cán bộ. Cả bản này, chỉ riêng nó trở thành cán bộ. Ba năm trước, nghe lời tộc trưởng, ông theo bà con trong họ bỏ về, để con trai, con dâu và anh kỹ sư nông nghiệp đứng giữa đồi vắng với mấy bao nghệ giống. Cuối năm đó, nhờ bán nghệ, vợ thằng Trẻ mua được cho ông một chiếc tủ lạnh mà ông luôn mơ ước.
Nhìn đôi mắt kiên quyết của con, Lầu A Mua gật đầu. Xác ông nội được đặt vào trong áo quan. Tộc trưởng Lầu A Dê hầm hầm ra khỏi cửa, tay giơ nắm đấm lên trời, miệng không thôi nguyền rủa.
Thu qua. Đông tới. Rồi lại sang xuân.
Những người chết đã không còn bị bó xác nằm trong nhà cả tuần lễ. Dân Tả Sùng không giết nhiều trâu để làm ma nữa. Tiếng mõ trâu bò trong rừng vọng lại dày hơn.
Trưa ấm, Lầu A Trẻ gặp Lầu Gia Pó trên con đường phía Đông vắt ngang lưng dãy Tả Sùng. Nợ hai con trâu từ dạo bố chết, Pó chưa trả được. Con gái trong bản không ai dám yêu nó. 
- Này Pó, trồng đào đi. Tao hỏi kĩ rồi. Đất Tả Sùng mình hợp với cây đào lai. Vừa lấy hoa, vừa lấy được quả.
- Không có tiền mua giống.
- Đồn biên phòng cho giống.
- Không có nước.
- Tao đi tìm nước với mày.
- Làm sao đưa nước về?
- Có cách. 
Pó và Trẻ đi đâu, mà vòng qua mấy ngọn núi quanh Tả Sùng?
Pó và Trẻ đi đâu, mà xục cả vào rừng Loong rậm rạp không ai dám tới?
Dân Tả Sùng hỏi nhau lúc lên nương; hỏi nhau khi đi hái măng, hái nấm. 
Tộc trưởng Lầu A Dê nghiến răng nhìn mặt trời: “Đất này làm gì có nước”.
“Tả Sùng có nước, có nước, có nước…”. Lầu A Trẻ tự nhẩm trong đầu điều ấy không biết bao nhiêu lần, khi cùng Lầu Gia Pó mò mẫm bò qua những dãy núi đá cao để đến với rừng Loong. Dân bản nói trong ấy có loài ma rừng. Chúng thích hóa thân thành cô gái đẹp, cất tiếng gọi người. Ai nghe thấy là đi theo chúng mãi. Ở trong khu rừng ấy, cổ thụ mọc ken nhau, không thấy bóng mặt trời. 
Pó và A Trẻ đi đã bảy ngày. Vẫn chưa thấy nước. Khi những giọt nước trong ống tre và lương ăn mang theo đã cạn, A Trẻ bỗng nằm bò xuống đất, nghiêng tai nghe ngóng. Có tiếng u u ào ào trong lòng đất vọng lên. Mắt Lầu A Trẻ sáng quắc: “Pó, mày nghe thấy gì không?”.
Chưa để Pó kịp trả lời, A Trẻ đã hối hả chạy về phía trước. Đường rừng gập ghềnh, bóng cây che khuất bóng người. Pó hết hơi để bám theo A Trẻ. Chạy mãi, dưới những tán xanh phủ kín. Khi đến mỏm đá dưới bóng cây cổ thụ cao vút, cả hai dừng lại. Lầu A Trẻ nhảy lên, hú hét như phát rồ. “Tao đã nói rồi mà. Đất này có nước”.
 Pó ngây người đứng nhìn. Ngay trước mắt họ là một suối nguồn đang mê mải chảy. Cuồn cuộn nhưng lặng lẽ. Như trồi ra từ lòng đất mẹ. Rồi lại hóa thân vào trong lòng đất. Giữa cánh rừng già của vùng đất phương Nam. 
Mây Tả Sùng vẫn ráo hoảnh, mưa thỉnh thoảng nhỏ giọt, chưa đủ thấm đất đã vội tạnh. Những ống dẫn nước màu đen lừng lững cắm vào lòng suối rừng Loong, vắt qua mấy dải núi đồi, dài đến vài cây số. Một sáng, nước từ suối Loong òa chảy xuống đỉnh Tả Sùng mấp mô đá.
“Aaaa...” - Lầu Gia Pó reo lên. Tiếng reo của thằng trai bản vọng giữa núi đồi, như hổ gầm, như sói tru, mà cũng như trẻ thơ vui mừng ríu rít.
Tả Sùng có nước rồi, dù trời vẫn chẳng chịu mưa. 
                

A.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 133
 Hôm nay: 6881
 Tổng số truy cập: 7518216
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa