Trước đây, mỗi lần phải qua cây cầu ấy, Yên không khỏi ngại ngần, nhưng rồi đi mãi thành quen, cô không còn cảm giác ấy nữa. Yên chỉ lo cho đám học trò dân bản. Chúng còn quá nhỏ. Mà cây cầu bao năm rồi vẫn thế, chỉ với những thân gỗ bắc qua, rất tạm bợ. Con suối lại sâu và rộng, vào mùa hè, cạn trơ đáy, không còn lấy giọt nước, bên dưới lởm chởm những tảng đá đầy góc cạnh. Vào mùa mưa mới lại càng đáng sợ. Lúc ấy, dòng suối trở nên hung dữ bởi làn nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Mọi con đường từ các bản làng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trong xã đều đổ về đây và phải qua cây cầu này. Bao năm rồi, cô giáo Yên và con em dân bản đã phải đi qua cây cầu ấy để đến trường. Cây cầu trở thành nỗi ám ảnh của bao người. Đã thành một thói quen, mỗi lần đi qua đấy, Yên đều dừng lại, đợi các em qua hết, cô mới thật sự an tâm. Lúc đến trường cũng vậy. Mà khi về nhà cũng vậy.
Nói là trường nghe có vẻ to tát, nhưng tất cả chỉ leo ngoeo vài lớp học, với tổng số học sinh chưa đến trăm em. Lớp học là những mái nhà lợp gianh, vách đất, gồm ba dãy, được thiết kế theo hình chữ u, hai dãy đối diện nhau. Một đầu có thêm căn nhà rộng hơn, vừa là nơi ở, vừa là phòng làm việc của giáo viên. Cái sân đất, mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì ướt át, trơn trợt. Xung quanh là bản làng heo hút, núi non trùng điệp. Những lối mòn quanh co, đèo dốc, đi mãi thành đường. Những ngôi nhà sàn thưa thớt, tạm bợ, nằm chênh vênh bên những sườn đồi hay trong những thung lũng. Thấp thoáng trên những thửa vườn, mảnh ruộng quanh đấy là bóng dáng những người dân quanh năm tảo tần, lam lũ làm ăn.
Cô giáo Yên đã quá quen thuộc với cảnh này từ hơn mười năm nay. Trong cô không còn bỡ ngỡ, xa lạ như cái thuở mười tám đôi mươi, khi đang là cô giáo trẻ tình nguyện lên dạy học nơi vùng cao này. Đó là một nơi đầy khó khăn, thiếu thốn. Một nơi mà người ta chỉ hình dung thôi đã cảm thấy ngại ngần. Ấy thế mà Yên đã lên đây, để rồi mười mấy năm qua gắn bó với nơi này như một người dân bản địa. Quen với phong tục, tập quán. Nói tiếng nói của đồng bào. Dùng ẩm thực của đồng bào. Và cả mặc những bộ váy áo thổ cẩm, đeo những trang sức như các thiếu nữ dân tộc trong những ngày lễ hội. Một cô giáo trẻ thơ ngây, tuổi đời còn trẻ mà có đủ can đảm như Yên ngày ấy quả không nhiều. Ban đầu cái gì đối với Yên cũng xa lạ, tưởng như khó có thể hòa đồng được với cuộc sống nơi này. Mà không hòa đồng được thì khó chiếm được cảm tình của đồng bào. Từ cái ăn, cái mặc, công việc, giao tiếp. Việc gì cũng như bị ngáng trở. Việc gì cũng như có khoảng cách. Mười mấy năm trôi qua, trong Yên bây giờ chẳng có gì để gọi là khoảng cách ấy nữa. Mảnh đất, con người, nhất là các thế hệ học sinh nơi này, giờ đã trở thành máu thịt. Tất cả vẹn nguyên một tình yêu thuở ban đầu.
Nhưng Yên cũng không khỏi chạnh lòng, không khỏi tiếc nuối. Mỗi năm thêm một tuổi, cái tuổi nó đuổi xuân đi, mà bản thân Yên vẫn phải đơn chiếc một mình. Hơn chục năm bám bản dạy học, Yên tự thấy mình đã qua rồi cái tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người con gái. Mỗi lần soi gương là Yên lại thở dài, thấy mình như vừa đánh mất một cái gì. Đồng nghiệp cùng trường, ai cũng có đôi có lứa, đề huề chồng vợ, con bế con bồng cả, chỉ có mỗi Yên là vậy thôi. Nói như người xưa, có lẽ tại duyên số Yên chưa tới.
Thời trẻ, Yên cũng là một cô gái đẹp đấy chứ! Một thân hình nở nang, với chiều cao vừa phải. Tóc dài. Làn da trắng. Và nổi bật hơn cả là khuôn mặt trái xoan, với đôi mắt, làn môi luôn ẩn chứa bên trong nụ cười. Nụ cười ấy lúc nào cũng có thể bung tỏa một cách rạng rỡ. Chẳng mấy khi thấy Yên buồn, dù cuộc sống, công tác, không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Ngày mới lên đây dạy học, Yên cũng có vài chàng trai để ý tán tỉnh. Nhưng rồi chẳng đâu vào đâu. Mối tình nào cũng chỉ thoáng qua. Mối tình nào cũng chỉ kéo dài được một thời gian rồi thôi, ai đi đường nấy. Có anh đồng nghiệp cùng trường là người đeo đẳng Yên dai dẳng nhất, để lại trong Yên tình cảm mặn mà nhất. Anh là Trường, một thầy giáo hơn Yên bốn tuổi. Tưởng ai xa lạ gì, chứ cùng cảnh, cùng trường thì quá thuận lợi trong việc tìm hiểu, xây dựng cuộc sống riêng tư. Ai cũng bảo anh và Yên hợp duyên, hợp số. Tự dưng có ngay người yêu bên cạnh, lại cùng nghề, cùng trường. Quả là một đôi “trời định”. Họ phải lòng nhau và yêu nhau tha thiết. Đúng là “cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”. Mọi người đều bảo thế. Và ai cũng mừng cho Yên. Họ bắt đầu trêu Yên, cốt vun vén cho hai người. Cô giáo Lài, bạn thân nhất của Yên vô tư nói giữa đám đông:
- Chúng mày ơi, thế là sắp sửa có đôi uyên ương xây dựng tổ ấm nơi cánh rừng này. Cánh rừng hoang vu này từ nay sẽ có thêm tiếng hót của chim từ quy đêm đêm gọi bạn.
Còn cô giáo Liên thì:
- Ôi, vui quá! Cái Yên sắp phải từ biệt cái cảnh “Đêm đêm riêng giữ phòng không, chăn đơn gối chiếc lạnh lùng một thân”. Phải vậy không Yên ơi?
Nghe bạn bè trêu, Yên cảm thấy sung sướng như hạnh phúc đang đến với mình rất gần. Đôi bạn trẻ bắt đầu tính đến tương lai sau ngày cưới. Sẽ xin đất dựng lên căn nhà nhỏ. Sẽ nhập hộ khẩu sinh sống dài lâu. Sẽ… sẽ… Nhiều dự định lắm!
Nhưng rồi tình yêu cũng chỉ dừng lại đó. Thầy giáo Trường bất ngờ làm đơn xin chuyển về dưới xuôi dạy học. Lý do thầy trình bày là thầy còn mẹ già và số năm công tác của thầy ở vùng cao cũng đã đến lúc được thuyên chuyển. Trước khi gửi đơn đi, thầy có gặp Yên bàn bạc, giải thích. Thầy khuyên Yên nên theo thầy về đồng bằng dạy học. Thầy bảo, sung sướng gì ở cái xứ sở khỉ ho cò gáy này mà bám trụ lại đây. Chúng ta phải về miền xuôi, phải về dưới ấy cuộc sống mới có tương lai. Chúng ta đã hy sinh quá nhiều cho nơi này. Chúng ta không dại gì hy sinh cả tuổi xuân ở đây. Yên nghe Trường nói mà đắng cả lòng. Thì ra, Trường xin về miền xuôi là bởi những lý do tầm thường ấy. Sao lại có thể bỏ nơi này mà đi một cách dễ dàng vậy được. Dù tôn trọng ý kiến của Trường, nhưng Yên một mực không nghe, kiên quyết phản bác. Trường ra điều kiện với Yên, nếu Yên không theo thầy về xuôi thì tình cảm hai người đến đây chấm dứt. Hàng bao đêm không ngủ, Yên phải đấu tranh với chính mình. Cuối cùng ý chí đã vượt lên tất cả. Tình yêu tan vỡ. Yên gần như sụp đổ. Cô đã giấu đi bao giọt nước mắt sau những mất mát riêng tư để vững bước đến trường.
Đất nước thời bao cấp, cuộc sống khó khăn trăm bề. Đời sống người giáo viên không nằm ngoài những khó khăn ấy. Lương thực nơi vùng cao, một phần gạo, hai phần độn. Thực phẩm thì tiêu chuẩn mỗi người vài lạng thịt mỗi tháng. Tất cả đều thực hiện theo chế độ tem phiếu. Thiếu thì tự túc lấy. Canh rau rừng, cá khô, nước ruốc… đều đều mỗi bữa vẫn… ngon! Một số giáo viên không sống nổi với đồng lương ít ỏi đã tự động bỏ nghề.
Qua tuổi ba mươi, Yên không còn nét trẻ trung, xinh xắn như ngày nào. Đã thêm nhiều vết nhăn nơi khóe mắt. Làn da cũng không còn mịn màng như xưa. Rồi mấy bận sốt rừng tưởng chết, khiến mái tóc đen dài, Yên từng nâng niu, chăm chút từ thời niên thiếu, giờ cũng ngả màu và rụng dần. Mỗi bận về thăm nhà, mẹ Yên lại được dịp ngắm con gái từ đầu đến chân, rồi thở dài ca cẩm:
- Vẫn một thân một mình vậy sao con? Năm nay đã ba ba, ba tư rồi đó. Còn chờ gì nữa hả con gái?
Phòng Giáo dục huyện mấy lần có ý cho Yên chuyển công tác về dưới xuôi, để có điều kiện xây dựng cuộc sống riêng tư. Nhưng lần nào Yên cũng từ chối, làm đơn xin ở lại. Lý do Yên đưa ra là cô không nỡ xa nơi này, không nỡ xa các em…
Trẻ em vùng cao phần lớn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Chúng lớn lên trên lưng mẹ, lớn lên trên những chiếc gùi mẹ địu lên nương, lên rẫy mỗi ngày. Chúng cùng mẹ ra đi làm ăn từ lúc bình minh mới nhú lên từ phía biển, cho đến khi hoàng hôn lịm dần ở phía núi. Chúng lớn lên, quanh năm làm bạn với bản làng, rừng cây, núi đá. Đa số không được đi học, một chữ bẻ đôi không biết. Cha mẹ chúng cũng vậy. Chẳng ai quan tâm đến việc học hành của con cái. Bọn trẻ lại nói được cả tiếng Kinh lẫn tiếng dân tộc bản địa. Có em nói tiếng Kinh chưa sõi, nên việc học của chúng càng thêm khó khăn. Dạy học ở miền xuôi khó một thì ở miền núi khó mười. Ai cũng bảo vậy. Mỗi năm khai giảng năm học mới, Yên và đồng nghiệp phải đi từng bản, từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Có gia đình đồng ý cho con em đi học. Nhưng cũng có gia đình không đồng ý. Lý do họ đưa ra theo cái lý của họ, rất đơn giản:
- Cái cô giáo ơi, học để làm gì? Cái chữ nó có làm ra hạt lúa, củ khoai, lá rau, để ăn no cái bụng không? Người Vân Kiều miềng ai cũng muốn no cái bụng thôi, không ai muốn đi học đâu cô giáo à?
Có gia đình, vợ chồng còn trẻ mà có tới năm, sáu đứa con, lít xít tuổi nhau. Đứa nào cũng còi cọc, đen đúa, quanh năm đến lớp không có lấy manh quần tấm áo lành lặn. Nhiều em tuổi mười một, mười hai vẫn tồng ngồng khi ra đường, mùa đông xo ro trong gió lạnh. Nhìn thương lắm!
Có góp ý thì họ cũng có cách lý sự:
- Đẻ nhiều, sau này chúng nó lớn lên, không cần học cái chữ, chúng vẫn hái được bắp ngô trên nương, bắt được con cá dưới suối để ăn cô giáo à.
Mỗi lần đến lớp, Yên thỉnh thoảng có những bài giảng về truyền thống các dân tộc vùng cao. Yên phải cho các em hiểu rằng, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đã bao đời chịu nhiều đau khổ. Chiến tranh, loạn lạc, chia ly. Nỗi đau nào họ cũng gánh chịu nặng nề hơn ai hết. Nhưng họ có một tinh thần yêu nước hết sức nồng nàn, trước sau như một, son sắt, thủy chung. Không một vật chất nào, dù quý giá đến đâu, có thể cám dỗ được họ, có thể chia cắt lòng trung thành của họ với cách mạng. Họ sống hiền lành, thật thà như con suối, cánh rừng quê họ. Không nói điều sai, không làm việc ác. Giặc đến nhà thì quyết đánh đến cùng. Một người đứng lên thì cả làng cả bản cùng đứng lên. Nay đất nước hòa bình, họ vẫn chịu nhiều thua thiệt so với miền xuôi rất nhiều. Phải quan tâm đến họ, trong đó có việc học hành của con em họ. Đó là điều mà Yên hằng trăn trở.
Tiếng trống trường mỗi ngày vẫn vang lên, lan xa trong những cánh rừng đại ngàn, thúc giục các em đến lớp. Mỗi ngày Yên lại nhận được niềm vui từ việc học tập của các em. Công việc cuốn lấy cô, tưởng như chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện khác. Đêm đến, ánh đèn dầu lập lòe, thoi thóp. Tiếng con nai, con hoẵng lạc bầy gọi mẹ. Tiếng gió rừng vi vu, xào xạc. Tiếng róc rách của dòng suối đầu nguồn xô vào ghềnh đá. Trang giáo án cho bài vở ngày mai Yên cũng đã soạn xong. Đấy mới là lúc cô dành chút thời gian cho riêng mình.
Yên nghĩ đến Tuấn, anh công nhân làm đường cô vừa gặp lại chiều qua. Trong đêm tối, Yên mường tượng khuôn mặt anh, dáng người anh, và cả vẻ rụt rè của anh khi đối diện với Yên. Tự nhiên Yên thấy có làn gió nhẹ thoảng qua. Chắc là khi nghĩ đến người đàn ông xa lạ ấy hai má Yên vừa ửng đỏ. Một chút e thẹn chăng? Hay niềm vui vừa chợt đến? Yên chẳng biết tâm trạng của mình lúc này ra sao nữa.
Anh công nhân làm đường ấy, Yên đã gặp đôi lần. Anh đang cùng đơn vị thi công con đường ở xã bên. Anh đã luống tuổi. Dáng người cao lớn, vạm vỡ. Nước da sạm đen của người trải nhiều sương gió. Lần nào gặp cũng thấy anh khoác bên người chiếc máy ảnh. Anh bảo, anh thích nghề chụp ảnh, nên tự sắm cho mình chiếc máy, để đi đâu, thấy cảnh đẹp là chụp vài kiểu làm kỷ niệm. Anh lên công tác vùng cao này gần chục năm nay. Và đã chụp được cả ngàn kiểu ảnh về con người, phong cảnh nơi này. Nhưng việc chính của anh vẫn là… làm đường. Công việc nặng nhọc, quanh năm dãi nắng dầm mưa. Cuộc đời được tính theo độ dài của những con đường. Cung bậc cảm xúc cũng từ đó nhân lên. Anh thường nói vậy.
Lần đầu Yên gặp Tuấn là vào một buổi chiều. Không gặp ở đâu, lại gặp ngay chỗ cái cầu tạm bợ bắc qua con suối. Lúc ấy Yên đang đợi các em qua cầu về nhà. Tháng Chín, trường vừa khai giảng năm học mới. Cũng là tháng đầu mùa mưa. Mưa trắng trời, trắng đất. Núi rừng miền Tây một màu mây đen bao phủ. Con suối nước dâng cao, cuồn cuộn chảy. Tuấn nhìn cảnh cô giáo Yên dắt từng đứa trẻ qua cầu lòng không khỏi lo lắng.
Yên đã gặp Tuấn trong một lần tình cờ như thế. Sau đó Tuấn còn quay lại chỗ cây cầu ấy vài lần nữa. Cây cầu bé tý mà không một bản nào đứng ra nhận trách nhiệm sửa chữa. Nhà trường đã bao lần nêu ý kiến với lãnh đạo xã. Họ cứ hẹn lần hẹn lữa mãi. Lại còn nêu lý do, cầu ở địa phận bản nào thì bản ấy phải làm. Và rút cục các em vẫn phải đi qua cây cầu đáng sợ ấy để đến trường. Phải nhanh nhanh làm cây cầu mới cho các em đến trường. Tuấn nói với Yên. Họ không làm thì mình làm. Không thể để tình trạng này kéo dài nữa. Rất nguy hiểm. Tuấn nói sao là làm vậy. Anh gặp lãnh đạo xã bàn bạc công việc.
- Ô, tốt quá! Cán bộ Tuấn giúp cho cái bản ta, cái bản ta biết ơn nhiều lắm! - Khề khà bên ché rượu cần, họ bắt tay Tuấn lắc lắc.
Mấy hôm sau, Tuấn bắt tay vào việc. Có thêm mấy người bạn của Tuấn cùng tham gia. Bốn người làm cật lực, không nghỉ. Chỉ chưa đầy một ngày, cây cầu cũ đã được thay thế bằng cây cầu mới. Không phải cầu bê tông, cốt thép. Chỉ là cầu gỗ, nhưng chắc chắn, rộng rãi, hai bên có lan can hẳn hoi. Xe máy có thể qua cầu một cách dễ dàng. Các em đến trường, đồng bào lên rẫy, không còn phải rón rén từng bước như khi qua cây cầu cũ nữa. Yên cũng không phải đứng đợi dắt từng em qua cầu nữa.
Trong những lần gặp gỡ, Tuấn đã để ý đến Yên. Biết Yên chưa lập gia đình, Tuấn càng tỏ vẻ quan tâm hơn. Đàn ông con trai là vậy. Sống trong một địa bàn, một việc họ tìm hiểu và nắm rất chắc, ấy là ở nông trường kia, hay trường học nọ… những ai chưa chồng chưa vợ, họ đều biết cả. Có lẽ với Yên cũng vậy. Chứ làm sao Tuấn biết được. Anh lui tới nhiều hơn. Khi đi một mình. Khi rủ bạn cùng đi. Những ngày Yên nghỉ dạy, Tuấn còn vào cả trường học để gặp cô. Cái anh công nhân cao lớn, nhìn bề ngoài thì có vẻ lầm lỳ, ít nói, vậy mà mồm miệng ra phết. Lại vui tính nữa. Trong một lần trò chuyện, Tuấn nói thật lòng với Yên, anh cũng là người chưa vợ. Rồi Tuấn hài hước nói rằng, mười mấy năm lên vùng cao công tác, qua bao bản làng, mọi vất vả, khó khăn, mọi niềm vui, nỗi buồn, anh đều nếm trải. Chỉ có tình yêu là chưa chịu đến với anh, dù anh đã rất cố gắng để kiếm lấy mảnh tình… vắt vai như người ta, mà chịu, không sao có được. Có lẽ do cái tạng anh khó tìm vợ, nên cô nào cũng chê, kể cả những cô gái bản. Anh cứ nửa thật nửa đùa như thế…
Từ ngày gặp Yên, Tuấn bỗng đổi khác. Anh thấy mình không còn lẻ loi, đơn độc nữa. Niềm vui như lúc nào cũng bất chợt ùa đến. Lòng anh bồi hồi, rạo rực khó tả. Lúc nào anh cũng nghĩ đến Yên. Nghĩ đến Yên, anh thấy như mùa xuân đang về. Những khi bận bịu với công việc thì thôi, chứ lúc rảnh rỗi, anh thường một mình tìm đến chỗ cây cầu, hy vọng được gặp Yên. Có hôm, anh ngồi hàng giờ ở đó, ngắm nhìn Yên và đám học trò vui chơi ở sân trường. Anh thấy Yên vẫn rất đẹp. Một vẻ đẹp không chỉ ở ngoại hình mà còn được toát ra từ tâm hồn của một cô giáo. Anh đến gần và chụp được tấm ảnh Yên trong trang phục áo dài, vây quanh là những học sinh, trai có, gái có, đang xúng xính trong những bộ váy áo thổ cẩm đẹp nhất của dân tộc mình. Không nói ra, nhưng anh biết mình đang thầm yêu Yên. Anh yêu Yên ngay từ lần gặp đầu tiên, từ cái nhìn đầu tiên. Anh đợi đến một ngày nào đó “mưa thuận gió hòa” sẽ thổ lộ với Yên tất cả. Nhưng anh cũng rất sợ khi bị Yên từ chối.
Yên cũng nhận biết điều đó ở Tuấn. Sau những mất mát của mối tình đầu, trái tim Yên giờ đã liền sẹo, một phần là nhờ vào tình yêu của các em đến với Yên đều đặn mỗi ngày. Yên phải thừa nhận rằng, nếu không có tình yêu của các em, Yên sẽ khó trụ vững lại nơi này. Nay có Tuấn, trái tim Yên lại một lần nữa khẽ đập những nhịp đập yêu thương. Yên cũng có cảm tình với Tuấn ngay từ những lần gặp gỡ đầu tiên. Cô thấy ở anh có nhiều thứ mà những người đàn ông khác không có. Đó là sự kiên quyết, dám làm dám chịu. Là người giàu tình thương, có trách nhiệm. Một người như thế, sao Yên có thể từ chối tấm lòng của anh được. Và Yên đợi cái ngày ấy đến. Đợi một lời yêu thương từ Tuấn.
Nhưng với Tuấn, tưởng như chẳng có gì trên đời này làm anh phải ngại ngần. Thế mà mỗi lần trước mặt Yên, bao giờ anh cũng tỏ vẻ rụt rè như cậu học trò trước cô giáo. Cho đến một lần, phải can đảm lắm Tuấn mới nói được với Yên thế này:
- Nếu… nếu… Yên không chê tôi là anh công nhân suốt ngày… lấm lem bùn đất thì tôi xin nguyện suốt đời được… được làm bạn cùng… cùng Yên…
Yên thì có vẻ bình tĩnh hơn:
- Không, em đâu dám… Em chỉ chưa biết trả lời anh thế nào thôi.
- Em hãy nghĩ cho kỹ rồi trả lời…
Yên chưa kịp trả lời, Tuấn đã lại nói:
- Tuổi anh và em đâu cần những lời bướm ong, hoa lá như những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi. Chúng ta chỉ cần thật lòng với nhau là đủ. Phải vậy không em?
Chuyện mới đến đó mà cả trường đều biết. Ai cũng bảo, Yên vừa tìm được “ý trung nhân”. Người đó là một anh công nhân có tấm lòng vàng. Chính anh là người đã đứng ra làm lại cây cầu mới cho các em đến trường. Rồi, người này một câu, người kia một câu vun vào, mừng cho Yên.
Đã vào cuối năm học. Lại sắp một kỳ nghỉ hè nữa đến gần. Lòng Yên cảm thấy bồi hồi, lưu luyến như sắp phải đi xa. Cây phượng vỹ được đồng nghiệp đưa từ dưới xuôi lên trồng ở sân trường, giờ đã vươn cao, tán lá tỏa rộng, hè đến nở đầy hoa. Những chùm hoa đỏ rực, kiêu hãnh. Tiếng ve râm ran suốt đêm ngày càng làm cho lòng người thêm phấp phỏng. Hè đến, Yên lại được về thăm mẹ. Được nằm bên mẹ mỗi tối. Được ăn những món ăn do chính tay mẹ nấu hàng ngày. Năm nay, về thăm mẹ sẽ có Tuấn cùng về. Anh đã dặn đi dặn lại với Yên rồi. Anh sẽ về thăm mẹ cùng Yên.
Từ sân trường, Yên và Tuấn cùng thong dong dạo bước. Họ đi về phía bờ sông. Con sông ranh giới hai nước Việt - Lào. Phong cảnh nơi này thật đẹp, rất dễ say đắm lòng người. Bàn tay nhỏ bé, với những đường gân xanh của Yên lọt thỏm trong bàn tay của Tuấn. Nhìn mái tóc ngả màu, không còn mượt mà của người yêu sau những chịu đựng gian khổ, Tuấn chỉ muốn ôm lấy Yên. Anh muốn nói với Yên rằng, từ nay em đã có anh. Anh sẽ là người che chở cho em trong suốt cuộc đời này. Chúng mình sẽ ở lại gắn bó dài lâu với nơi đây, như em hằng ước nguyện. Sẽ làm một cái nhà bên bờ sông này để sinh sống. Em sẽ ngày ngày đến lớp. Anh sẽ đi làm tiếp những con đường. Nơi này rồi sẽ thay đổi. Sẽ có mọi thứ như ở miền xuôi. Em xem kìa! Tuấn khoát tay một vòng. Núi đồi đang chuyển mình bởi màu xanh ngút ngàn của cây lá, của công trình đang dựng xây. Trường học của em rồi cũng sẽ được xây dựng khang trang hơn để thầy cô và các em học sinh đỡ khổ.
Tuấn nắm tay Yên quay trở lại trường học. Một tốp các em chạy ra lễ phép:
- Chúng em chào cô ạ! Chúng cháu chào chú ạ!
- Chào các em! Chào các cháu!
Chia tay, Tuấn trao cho Yên một chiếc phong bì:
- Đây là tấm ảnh chúng mình chụp dạo trước, em cất làm kỷ niệm.
Về phòng, Yên mở ra xem. Cô lật qua lật lại và dừng lại ở dòng chữ ghi ở đằng sau tấm ảnh “Hoàng hôn màu mận chín”. Đúng là tấm ảnh cô và Tuấn chụp chung dạo trước, do một người bạn của anh bấm máy. Tấm ảnh ghi lại cảnh một buổi chiều ở vùng biên cương, khi ông mặt trời bắt đầu khuất dần sau những dãy núi và đang vẽ lên nền trời hình chiếc nan quạt. Tuấn trong bộ đồ công nhân. Còn Yên trong trang phục áo dài truyền thống. Cả hai đứng bên nhau khi đến dự một lễ hội của người Vân Kiều. Ngày ấy Yên vừa nhận lời yêu Tuấn. Đó là một chiều khi hoàng hôn vừa buông xuống. Một hoàng hôn màu mận chín đang dần phủ kín phía chân trời. Một hoàng hôn với gam màu vừa nhẹ nhàng vừa yên ả. Ngắm tấm ảnh, Yên khẽ mỉm cười. Anh cũng là người lãng mạn thật đấy! Sao không dành cho em một tấm ảnh khác? Mà phải tấm ảnh này? Anh ơi, em hiểu rồi. Em hiểu thông điệp anh muốn nói với em rồi. Hoàng hôn chỉ có ở chỗ chúng mình đang sống. Chúng mình gặp nhau, trao cho nhau tình yêu khi tuổi anh, tuổi em không còn trẻ nữa. Còn màu mận chín là màu gì? Anh biết em nghĩ gì không? Màu mận chín là màu tím, phải không anh? Anh từng nói sẽ thủy chung với em suốt đời. Và em cũng vậy. Chúng mình yêu nhau như hoàng hôn màu tím - màu của tình yêu son sắt, thủy chung…
Tháng 6 năm 2022
N.N.C