Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Nắm tay giữa mùa đông
Nắm tay giữa mùa đông

Tôi vẫn tin trên thế gian luôn tồn tại đâu đó chữ “duyên”, mà khi gặp rồi chắc hẳn lòng khó quên được. Như cuộc gặp gỡ này của tôi. Đó không chỉ đơn thuần là giữa những con người xa lạ với nhau, đó còn là tình thân, lòng trắc ẩn, trước một chữ duyên đẹp đẽ. Tôi và Nim… và những năm tháng đáng nhớ.
Nim là nhân viên phục vụ ở Homes. Quán nằm cạnh một trung tâm ngoại ngữ tôi đang theo học nên hầu như ngày nào tôi cũng ghé quán, riết rồi trở thành khách quen. Homes không đẹp, không sang, thậm chí còn buồn hơn bất cứ quán cafe nào tôi từng đi qua. Nhưng ở Homes có một thứ khiến tôi phải trở lại nhiều lần, đó là tầng gác mái. Một tầng duy nhất vừa đủ để bộ bàn ghế gỗ nâu đã nhạt màu. Chưa khi nào tôi thấy khách bước lên đây. Tầng gác này có lẽ là nơi buồn nhất trong ngày, dù xung quanh được dán kín bằng những tờ giấy quảng cáo sặc sỡ, nhưng chúng vẫn không thể khiến người ta quên đi sự cằn cỗi của những vết xước trên sàn. 
Một điều đặc biệt là tôi rất thích căn gác này, lần nào đến Homes tôi cũng lên đây và được Nim phục vụ. Tôi đã gặp em như thế, hằng tuần ở Homes. Càng tiếp xúc nhiều với em, tôi càng nhận ra cuộc đời em cũng buồn bã như căn gác này. Có lần Nim đề nghị tôi:
- Lần sau anh chọn chỗ ngồi ở tầng dưới, được không?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại em:
- Ủa, sao vậy? anh thấy chỗ này ok đấy chứ. 
Nim hướng ánh mắt qua khung cửa u buồn:
- Em không muốn lên đây, điều đó càng khiến em buồn hơn khi em chỉ là một kẻ cô độc…
Lời nói của Nim đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều sau đó, tôi cũng vừa nhận ra đằng sau một kẻ cô độc như em nói là một tâm hồn ngây ngô, chỉ tại cuộc đời bất công đã không cho em sống đúng như một đứa trẻ, như những gì em mơ ước. 
Cha mất, mẹ đi lấy chồng tận miền núi. Nghiễm nhiên Nim được gửi về nhà bà ngoại. Mỗi năm mẹ chỉ về thăm em một lần vào tháng chín, được vài ngày rồi lại đi. Tôi không biết nhiều về gia đình Nim, nhưng nhìn cái cảnh hai bà cháu nương tựa nhau sống trong một con hẻm nhỏ tôi đã phần nào hiểu được sự cô độc mà em nói. Đôi lần ngồi với tôi ở Homes, em bảo buồn vì người ta ở với cha mẹ quanh năm suốt tháng, còn em chỉ có bà ngoại, nhưng bà cũng đã già lắm rồi, em sợ… Nim bỏ lửng câu nói, khi nhìn vào đáy mắt rất trong ấy tôi hiểu em muốn nói gì, chỉ là tôi không muốn gợi thêm những chuyện buồn vốn đã theo em suốt cả quãng đời thơ ấu. Nhiều khi tôi cũng thấy vui vui rồi chạnh lòng, vui vì được gặp em, được là một người bạn trong phần đời bé nhỏ của em, còn chạnh lòng vì thấy em cô độc mà chẳng biết phải san sẻ như thế nào.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó, con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh, họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác, và Nim cũng như bao đứa trẻ khác, tôi tin em sinh ra trên thế gian này đã in dấu lại trong tim rất nhiều người, là bà ngoại em, là mẹ em, là người cha đã khuất luôn dõi theo em, và một người dưng là tôi. Có lẽ em là người dưng mà tôi thương nhất. Không là gì của nhau cả nhưng em luôn dành cho tôi một tình cảm rất đặc biệt. Bà ngoại em cũng rất quý tôi, bà thường mời tôi những cái bánh, cái kẹo, những ly nước, ly trà… do chính tay bà làm mỗi khi tôi đến nhà chơi với Nim, rồi bà hỏi han ân cần, chu đáo như thể tôi là cháu ruột của bà vậy. Nhiều lúc tôi tự hỏi, sao trên thế gian này người ta có thể yêu thương nhau một cách vô điều kiện như thế, người ta có thể dành tình cảm cho bất kỳ một ai xa lạ với mình mà không cần đáp lại, miễn điều đó khiến họ thấy hạnh phúc. Phải chăng đó là cái duyên, cái duyên đưa em đến bên cạnh tôi, cái duyên để em làm bạn với tôi và cái duyên khiến tôi thương em bằng một tình thương thật sự.
Mỗi một người đi qua cuộc đời ta đều để lại cho chúng ta một điều gì đó, bất cứ người nào mình gặp cũng là người mình cần gặp, bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra. Bởi những gì mình có dịp gặp gỡ trong đời thì… tất cả đều là nhân duyên, luôn khiến ta mắt ướt cay mỗi khi nghĩ về nó.    
Nim, cậu bé ấy có biết bao điều để tôi kể, và điều tôi khâm phục nhất ở Nim là dù trong hoàn cảnh nào em cũng thừa nghị lực, dũng khí để vượt qua, có thể Nim không bằng lòng cuộc sống hiện tại nhưng tôi chắc chắn em hạnh phúc với tình yêu nhỏ bé em đang có. Một lần tôi nghe Nim thỏ thẻ, em kể về quãng đời thơ ấu chỉ có hai bà cháu, về những ngày bà ngoại dầm mưa chở em đi học, em ngồi sau lưng ôm chặt bà, thoảng trong gió là mùi ẩm ướt của đất và mùi nước mưa lạnh cóng, cái mùi đi dọc tuổi thơ em không bao giờ quên được. Em còn tự đặt tên cho những năm tháng đó… là… một mảnh… vòm trời sao ký ức, nghe thật đặc biệt. 
Tuổi thơ của Nim không giống như tôi, đủ đầy mọi thứ, nhưng có lúc tôi lại thấy mình thua xa Nim, từ cách sống cho đến cách suy nghĩ. Khi Nim đang vật lộn với những thứ cơm áo gạo tiền thì tôi lại đâm đầu vào những ngày tháng ăn chơi vô bổ bên lũ bạn. Lúc Nim cần tình thương của cha mẹ, tôi lại nhẫn tâm bỏ cha mẹ mình đi lang bạt suốt hai năm trời, đến khi trở về thì cha tôi đã không còn nữa. Đó là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời khiến tôi phải thay đổi chính mình, sự thay đổi cũng bắt đầu khi tôi gặp Nim.
Tôi còn nhớ đó là một ngày bầu trời xám xịt. Mưa liên tục không nghỉ, dòm qua ô cửa cũng chẳng có một tia nắng nào. Thời tiết ủ dột. Mặt đất sình lầy. Và trời thì lạnh cóng. Đột nhiên Nim nhắn tin cho tôi, em nói đang trong bệnh viện. Tôi hốt hoảng chẳng nghĩ được gì, vội vàng đi theo địa chỉ em gửi trong tin nhắn. Tới nơi không thấy em đâu, tôi chỉ thấy bà ngoại em đang ngồi lặng lẽ trên băng ghế dài. Tôi bước đến ngồi cạnh bà và hỏi đã xảy ra chuyện gì với Nim, bà quay sang nhìn tôi nói qua làn nước mắt thổn thức:
- Bệnh cũ của nó tái phát, cháu à. Bác sĩ bảo phải ở lại bệnh viện theo dõi, mà bà thì...
Cùng lúc đó một cô y tá bước đến kêu đi làm thủ tục nhập viện. Bà chuẩn bị đứng lên, tôi đã ngăn lại, tôi hiểu câu nói lấp lửng vừa rồi của bà:
- Bà cứ để đó, cháu lo cho. 
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục tôi trở lại phòng thăm Nim. Lúc này em đã tỉnh, đang ngồi nhìn ra cửa sổ, chẳng biết ngoài đó có gì hấp dẫn mà tôi bước vô rồi em cũng không hay. Nhưng khi quay lại thấy tôi, mắt em sáng lên: "A! anh Tùng! Anh mới tới?" - tôi xoa đầu Nim "Em nhìn gì ngoài đó nãy giờ vậy?". "Suỵt, bí mật!". Nim đưa tay lên che miệng “Không nói cho anh biết đâu.”. “Trời ạ, với anh mà cũng bí mật nữa sao”. 
Tôi cốc đầu Nim một cái rồi ôm em vào lòng. Nói vậy, nhưng tôi hiểu cậu bé đang nghĩ gì. Nim luôn nói với tôi về vòm trời ngàn sao lấp lánh và mơ ước được một lần nhìn thấy chúng rõ nhất, cái cảm giác khi cậu bé kể về Bắc cực lạnh buốt với dải Ngân Hà, vùng sa mạc nơi bầu trời và mặt đất tiếp giáp nhau, vòm trời đỏ ửng nơi rừng thăm thẳm và cực quang bảy sắc cầu vồng đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Nim hay nói thành phố này sáng quá bởi nhiều ánh đèn, mà bầu trời thì ở xa quá, nên chẳng có cơ hội được ngắm trọn vẹn vòm trời sao rực rỡ. Nếu được, cậu bé muốn đến một nơi nào đó thật xa ngồi trước biển hay trèo lên đỉnh núi chẳng hạn, để được ôm trọn ngàn sao. Nim nói mà đôi mắt em sáng rực lên, nhưng bỗng chốc như sực nhớ ra điều gì cậu bé vội thu mình ngồi lặng lẽ: 
- Sao thế, đang vui mà sao em buồn?
- Em sợ không còn cơ hội để làm những điều em thích nữa. Em sợ phải xa ngoại em.
- Sao em lại nghĩ vậy?
Nim không trả lời tôi. Em lại nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi cũng bước đến xem ngoài đó có gì mà hấp dẫn cậu bé như vậy. Hóa ra bên ngoài cửa sổ chỉ là một cái cây đã trụi lá. À không, còn vài chiếc lá vẫn chưa rụng, đang bám lơ lửng trên cây. Đột nhiên Nim hỏi tôi:
- Khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống em cũng sẽ không còn nữa, phải không anh?
Thì ra cậu nhóc đang liên tưởng mình giống như nhân vật chính trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn nổi tiếng O Hen-Ri.
Tôi hỏi:
- Sao em lại nghĩ khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống, em sẽ không còn nữa?
Nim trả lời:
- Vì em mắc bệnh nan y, em sợ...
Đang nói nửa chừng Nim chợt im bặt, còn tôi bật cười trong lòng với cái ý nghĩ của Nim rằng em mắc bệnh nan y. Thật ra bác sĩ đã nói với tôi và bà ngoại Nim là em chỉ bị suy nhược cơ thể do làm việc nhiều quá lại ăn uống thất thường. Chắc bà ngoại vẫn chưa nói nên Nim cứ nghĩ mình mắc bệnh gì đó nghiêm trọng lắm. Nhưng nhờ vậy tôi biết Nim rất thích biển, ước được một lần đứng trước biển mênh mông để ôm trọn bầu trời và ngàn sao, vì ánh đèn hoa lệ của thành phố đã làm những ngôi sao trốn mất. Đột nhiên tôi thì thầm vào tai Nim "Khi nào xuất viện, anh em mình đi đâu đó chơi nha”.“Đi đâu vậy anh?”. “Anh cũng chưa biết, nhưng sẽ là chuyến đi rất thú vị…”. “Bác sĩ không cho em xuất viện nhanh vậy đâu, em không biết có đi với anh được không nữa”.
 Tôi thoáng thấy ánh mắt Nim buồn bã vì em vẫn nghĩ mình bị bệnh nan y. Tôi cốc đầu Nim một cái:
- Ngốc à, em có bệnh gì đâu, chỉ là suy nhược cơ thể thôi, hai ngày nữa sẽ xuất viện.
- Anh nói thật sao?
- Thật, anh lừa em làm gì.
Chỉ đợi có vậy, cậu nhóc nhảy tưng tưng rồi leo lên giường nằm cuộn tròn và nói:
- Em buồn ngủ quá, em muốn đi ngủ.
- “Ừ!”.
Giá như ngày nào Nim cũng cười tươi như thế.
Cái ám ảnh về đôi mắt của em trong buổi chiều mưa xám xịt đó, ánh mắt ngây ngô khi buồn, khi vui mà em nhìn tôi, khi nhớ lại tôi thấy lòng nặng trĩu. Sau tất cả thì Nim là bạn đồng hành đáng yêu nhất của tôi. Tôi vẫn nghĩ làm chuyện gì đó một mình sẽ cô đơn lắm, bởi thế người ta luôn tìm cho mình một tri kỷ, vì có một người bạn bên cạnh là một trải nghiệm tuyệt vời, và hơn hết tôi chẳng bao giờ muốn Nim ngồi lặng lẽ một mình ở Homes để nghĩ về cái tuổi thơ cô độc của em nữa.
Biển buổi chiều thật trong lành. Như đã hứa tôi và Nim đang thực hiện chuyến đi thú vị cùng nhau, kết hợp vừa chơi vừa để tôi hoàn thành bài luận văn tốt nghiệp của mình.
Giờ chúng tôi đang ngồi cạnh nhau trước biển đêm mênh mông. Dưới chân và xung quanh chúng tôi mọi thứ hiện lên như một thước phim di động, cát trắng xóa, nước biếc xanh, những đỉnh núi lấp ló phía xa xa nằm gọn trong tấm chăn mây thật dày, dải Ngân Hà uốn lượn dưới ngàn sao lấp lánh, rực rỡ, cảm giác như đang ngồi giữa không trung vậy. Nim đưa cho tôi một cái vỏ ốc em lượm hồi chiều, bảo tôi để vào tai, để lắng nghe tiếng sóng. Một cảm giác bình yên đến lạ, cứ như có một dòng suối êm dịu chảy qua và sưởi ấm trái tim tôi. Khoảnh khắc ấy đẹp hơn bất kỳ khoảnh khắc nào tôi từng có trong đời. Giữa bầu trời và mặt biển, Nim ngập ngừng nhìn tôi còn tôi khẽ nắm bàn tay gầy guộc của Nim, có giọt nước chảy ra từ đuôi mắt Nim rớt xuống vai tôi. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc, bởi trong cả biển người mênh mông này chúng tôi vẫn còn có thể đồng hành cùng nhau, từ hai người xa lạ thành những người lạ quen thuộc.
Buổi tối đó Nim đã nói với tôi rất nhiều, từ những chuyện linh tinh, vụn vặt cho đến chuyện em quyết định đi học lại. Em lưu luyến tuổi học trò rất nhiều. Mười lăm tuổi em như được sống một cuộc đời khác, em nói từ khi gặp tôi, em cảm nhận thế giới thật mới mẻ. Không còn những chuỗi ngày u buồn và tự ti về số phận nữa. Ở tuổi mười lăm của Nim chỉ một nỗi buồn nhỏ thôi cũng đủ sức nhấn chìm mọi hy vọng, em biết điều đó và càng lớn em càng nhận ra mình là chỗ dựa quan trọng thế nào cho bà ngoại đang già đi từng ngày. Em còn nói quyết định đi học lại để không phải sống trong nuối tiếc, nhất là thời cấp ba, vì em muốn là một người bạn thật sự khi đi bên cạnh tôi. Nói đến đây tôi bỗng nhớ có một lần ở Homes, Nim tặng tôi một bức tranh. Trong bức tranh ấy vẽ hai người bạn nắm tay nhau đứng trước biển, có lẽ họ đang nhìn về tương lai. Phía dưới bức tranh là dòng chữ Tiếng Anh nguệch ngoạc tôi từng dạy Nim viết: “You’re a work of art, not everyone will understand you. But the ones who do, will never forget about you”. “Bạn là một tác phẩm nghệ thuật mà không phải ai cũng hiểu. Nhưng những ai hiểu được thì sẽ không dễ dàng lãng quên bạn”.
Tôi biết Nim vẫn luôn cho rằng tôi sẽ giống như một vài người bạn nào đó của em, đến rồi đi thoáng qua trong đời, nhưng có lẽ Nim chưa biết trên thế gian này có một loại tình bạn được gọi là tri kỷ. Không vì cái duyên gặp gỡ mà còn vì thứ tình cảm bản năng sâu thẳm bên trong tâm hồn. Chỉ khi thật sự thấu hiểu chúng ta mới nhận ra điều đó. 
Nhớ về tuổi thanh xuân của mình, tôi lại nhớ Nim. Đó là câu chuyện của buổi sáng mùa đông mát lành: Homes, cappuccino, cuốn sổ tay dày đặc chữ… và cảm giác sung sướng khi nhìn ra ngoài cửa sổ thấy chiếc lá vàng cuối cùng rụng xuống từ một cái cây đang vào mùa trút lá. Người ta ngắm mùa lá rụng cũng đồng nghĩa như họ đang chờ đợi những chồi non ẩn sâu trong lớp vỏ xù xì thức giấc vươn vai gọi mùa xuân đến. Khi họ có niềm tin, hy vọng, tự khắc trong lòng họ mùa lá rụng sẽ có màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Chiếc lá ngày ấy bây giờ trong bức tranh cuộc đời, cuối cùng Nim cũng đã tìm thấy, dù chúng có rụng xuống thì hiện tại em đang sống những ngày rất vui vẻ. Đó là cách mà Nim biết mình sẽ chẳng bao giờ sợ cô đơn. Như Nim đã từng đặt niềm tin vào tôi. Như mùa đông người ta vẫn tin vào cái nắm tay ấm áp. Và chữ duyên trên thế gian này có lẽ là một sự tồn tại có thật.
                

P.L


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 318
 Hôm nay: 331
 Tổng số truy cập: 9246242
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa