Tôi dừng xe máy bên vệ đường để tránh lối cho một đám tang, đoàn người kéo dài trong im lặng, nhưng tất cả đều nghiêm trang. Thấy cháu tôi trong đoàn người tôi liền cất tiếng:
- Ê! Thắng. Đám tang ai vậy?
- Dạ! Thằng Hoang, bạn cháu...! Nói rồi nó vội vàng chạy đi.
Tôi dắt xe đi theo đoàn người ra nghĩa địa. Huyệt đã đào xong. Mọi nghi lễ được tiến hành. Chiếc quan tài vừa hạ xuống, tôi cùng mọi người xúm lại chiếc quan tài bỏ cho nó nắm đất để vĩnh biệt. Tội nghiệp, nó là một đứa con hoang bị bỏ rơi, không có gia đình.
Nghe mọi người kể lại. Ngày đó thằng Hoang đỏ hỏn như miếng thịt bò, nhỉnh hơn bắp chuối một tí. Chị Mai đi nhặt rác, nhặt ve chai kiếm sống đã nghe tiếng trẻ con oe oe trong thùng tôn, chị sợ, mặt tái xanh định bỏ chạy. Nhưng tiếng khóc đã níu chân chị lại. Một bé trai được quấn trong tả lót, da nhăn nheo, miệng đang khát sữa khóc nấc từng cơn.
Chị Mai sống một mình trong căn nhà lụp xụp. Ngày xưa, chị là cô gái xinh đẹp trong vùng. Nước da trắng ngần, khuôn mặt trái xoan, mái tóc đen mượt thoảng thơm mùi hương bưởi, trai làng anh nào cũng muốn tán tỉnh chị. Từ ngày đi Thanh niên xung phong về, những cơn sốt rừng đã làm tàn phai nhan sắc của chị. Không có anh nào lui tới, chị đành ở vậy.
Hôm nghe tin chị nhặt được đứa bé bị bỏ rơi, hàng xóm đến chơi chật nhà, mọi người mừng cho chị từ nay có trẻ con, chị sẽ vui thêm. Ngày chị lên Ủy ban trình báo và làm giấy khai sinh cho nó chị cứ lúng túng không biết đặt tên là gì, rồi chị khai cho nó cái tên là Hoang.
Cu Hoang lớn lên trong sự yêu thương của chị Mai, sự đùm bọc của chòm xóm. Lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn, con tép, con ốc mà mẹ nó kiếm được. Khi nó khoảng mười ba tuổi, chị Mai cứ ốm vặt. Bẵng đi một thời gian, chị ngã bệnh nặng. Bác sĩ cho biết chị bị ung thư do nhiễm Dioxin. Như sét đánh ngang tai, chị quay cuồng trong đau khổ, tuyệt vọng. Không phải chị uổng, tiếc thương cái thân chị mà chị thương cho thằng Hoang, rồi đây ai chăm sóc, giúp nó học hành?
Chị Mai qua đời, thằng Hoang ngơ ngác như gà mất mẹ. Nó sinh ra lầm lì, ít nói, cáu kỉnh. Rồi nó bỏ học và không chịu về ở với ai, mặc dù nhiều nhà hàng xóm vẫn muốn nhận nó về nuôi. Nó lên chợ ngồi ở vỉa hè và trở thành đứa ăn xin từ đó. Ai cho gì cũng lấy, thấy gì cũng xin. Tội nhất là mấy ngày mưa, đầu đội trời, quần áo ướt tả tơi, không ai cho nó gì cả. Cơn khát, cơn đói cứ dày vò cái dạ dày làm cho nó muốn ăn cắp quá đi thôi! Nhưng tâm trí nó cũng cưỡng lại được, nó không muốn mang tiếng con của người có công cách mạng lại đi ăn cắp. Nó đành uống nước lã cho căng bụng thay cơm…
Tối, tôi sang thăm anh chị và các cháu. Tôi gặp thằng Thắng ngay đầu cổng, tay cầm thẻ nhang. Thấy tôi, nó mừng rối rít:
- May quá! Gặp chú đây rồi, cháu định sang nhà rủ chú cùng đi.
- Đi đâu vậy?
- Cháu đi thắp nhang cho thằng Hoang. Nói dứt lời nó kéo tôi đi luôn.
Hai chú cháu đi nhanh ra nghĩa địa. Trên mộ thằng Hoang ánh lửa tàn nhang đang còn lập lòe, hình như có ai cũng vừa thắp nhang cho nó. Thằng Thắng đưa bật lửa cho tôi, nó đi tìm được một nắm cỏ khô làm mồi cho nhang bén lửa nhanh hơn. Tất cả những thao tác của nó như người từng trải. Đột nhiên, nó quay sang tôi và bảo:
- Chú thắp nhang khấn vái mà xin lỗi thằng Hoang về cái vụ chú lỡ tay đánh nó dạo trước đó.
Đúng rồi, tôi nhớ lại cách đây không lâu, tôi về quê. Trên đường có một đoạn lầy lội xe khó đi qua, tôi nhờ toán trẻ con đẩy giúp. Tôi đi rửa tay, tự dưng nghe tiếng xì rất mạnh phát ra từ chiếc xe. Tôi vội chạy lại xem. Một chiếc lốp xì hơi lép kẹp, chiếc xe mất thế đổ kềnh. Bọn trẻ con hốt hoảng bỏ chạy. Tôi đuổi theo túm lấy một đứa trong bọn, đó là thằng Hoang. Trong tay nó đang cầm một chiếc đinh mới. Bụng bảo dạ, thằng này đâm thủng lốp rồi hoảng quá bỏ chạy đây. Chưa hỏi han gì tôi đã tát cho nó một cái “bốp” rất đau. Nó mếu máo rồi òa khóc: “Chú! Sao chú lại đánh cháu? Cái đinh này… !”. Không chờ nó nói hết, tôi quay lại dựng xe và đẩy về. Hôm sau, nghe Thắng kể lại là cái đinh găm vào lốp xe tôi từ trước, thằng Hoang thấy vậy liền dùng hết sức để lôi chiếc đinh ra. Tiếng xì của chiếc lốp làm bọn chúng hoảng quá mà bỏ chạy. Tôi cứ thấy ân hận đã lỡ tay đánh thằng bé, muốn xin lỗi nó nhưng chưa có dịp. Vậy mà giờ đây thằng bé đã ra đi, chút lòng thành này mong thằng bé sẽ tha thứ cho tôi.
Hai chú cháu đã làm xong những thủ tục cần thiết. Thằng Thắng ngồi bệt bên nấm mồ, tay cầm hòn đất còn mới mân mê trong tay, miệng lẩm bẩm: “Thương mày lắm Hoang ơi!...”. Rồi Thắng kéo tôi sang vạt cỏ gần bên nấm mồ, hai chú cháu cùng ngồi xuống, nó kể chuyện thằng Hoang cho tôi nghe.
Bà Tám, người hàng xóm sang nhà Hoang, thấy nó đói lả, ngất xỉu trong bếp. Bà hô hoán mọi người đến giúp đỡ. Người xoa dầu, người cho uống nước, một lúc nó tỉnh dần. Bà Tám nấu cháo cho nó ăn và muốn đưa nó về nhà bà nhưng nó lắc đầu. Bà biết tính nó nên bà chẳng nài. Mấy hôm thì nó khỏe lại, bà Tám bảo:
- Từ nay, cháu sang chăn giúp cho bà mấy con trâu, thay chị Tí đi học trường huyện nhé.
- Dạ! - Thằng Hoang lí nhí đáp.
Thắng lớn hơn Hoang một tuổi, hai đứa cùng học một lớp và rất thân nhau. Từ ngày Hoang bỏ học Thắng vẫn thường qua lại chơi với nhau. Thỉnh thoảng có miếng bánh, tấm quà hai đứa cùng chia nhau. Cái Nụ, con bà Tám cũng thương Hoang lắm. Mỗi lần mẹ bảo Nụ đưa cơm cho Hoang, lúc nào Nụ cũng thêm miếng ngon vào.
Mấy hôm nay trời mát, bầy trâu ngoan ngoãn gặm cỏ. Hoang đang nằm bên bụi cây nghĩ ngợi mông lung, mắt đang thiu thiu thì nghe tiếng ồn ào trên đê.
- Ê! Con nhỏ. Cái gì vậy? Đưa lại đây cho tụi tao coi.
- Em đưa cơm cho anh Hoang mà! - Cái Nụ nói như mếu. Mấy đứa không buông tha, chúng giằng co túi cơm với Nụ. Một đứa giật mạnh, túi cơm văng ra, cơm canh đổ lăn lốc trên đê. Thằng Hoang thấy thế liền chạy nhanh đến. Không nói không rằng Hoang cầm cái gậy đánh mạnh vào đứa lớn trong bọn. Đau quá, thằng này hét lên:
- Chúng mày! Đánh thằng Hoang cho tao. - Cả mấy đứa đè ngửa thằng Hoang xuống. Đứa đấm, đứa tát:
- Thằng này láo! Dám đánh “đại ca” chúng tao à. - Thằng Hoang cũng không vừa, nó khua tay trúng viên đá, rồi nhằm vào đầu đứa đang đè ngực nó đập mạnh, máu chảy tứa ra. Cả bọn thấy thế hoảng hồn đứng cả dậy. Lúc này Thắng cũng vừa đến kịp liền lên tiếng:
- Chúng mày hãy thôi ngay thói bắt nạt người khác đi. - Nói xong, nó nhổ nắm cỏ hôi nhai ngấu nghiến đắp vào vết thương cho đứa bị thương trong sự ngỡ ngàng của cả bọn.
Một hôm, Hoang lùa bầy trâu đi ngang qua đầm làng, nó dừng lại xem mấy chiếc máy hút bùn đang hoạt động. Tiếng máy chạy ầm ầm, bùn theo dòng nước chảy tràn lên ruộng. Người ta vét đầm để làm gì nhỉ? Có lẽ để chống hạn! Nó vừa hỏi vừa tự trả lời, rồi tư lự: “Đầm sâu thế này trẻ con đến đây tắm nguy hiểm lắm!”.
Mới đầu hè mà trời đã nắng nóng. Bảnh mắt, ông mặt trời dậy từ lâu mang theo khối lửa đỏ au chiếu xuống làm mặt đất rực lên. Càng trưa, cái nóng oi nồng càng bức, phả vào mặt rát bỏng. Một nhóm học trò đi học về sớm, ngang qua đầm thấy nước trong veo liền rủ nhau xuống tắm. Cái đầm đã sâu, mấy hôm máy hút bùn làm cho đầm càng sâu thêm. Từ xa, Hoang thấy thế liền chạy đến để can ngăn chúng lại. Vừa tới nơi, thằng lớn trong bọn thấy Hoang liền bảo:
- Oắt con! Đến để gây sự nữa hả! Cút đi để chúng tao tắm.
Hoang tức giận bỏ đi nhưng lòng nó thấy không yên. Bọn chúng cũng không bận tâm đến Hoang, rồi cùng nhau nhảy “tùm” xuống đầm. Hoang vừa quay lưng thì nghe tiếng: “Cứu! Cứu…với…”. Hoang quay lại thấy hai, ba đứa chới với, mấy đứa biết bơi lao nhanh vào bờ. Không kịp suy tính, Hoang nhảy xuống, lặn một hơi như rái cá, kéo lên được một đứa. Bọn trẻ hoảng quá không kịp mặc quần áo chạy về làng gọi người lớn ra cứu. Hoang nghỉ sức, lại lao xuống, ngụp lặn một hồi kéo lên một đứa nữa. Trong xóm, từng đoàn người lũ lượt chạy ra. Còn một đứa nữa, thằng Hoang thấy thấm mệt, mặt tái xanh, nó thấy đói lắm rồi. Từ sáng nó vội đưa trâu ra đồng sớm để cày nên chưa lót dạ gì. Nghỉ một lúc, nó lại lao xuống đầm. Người lớn chạy đến cấp cứu cho hai đứa vừa được vớt lên, một lúc thì hai đứa tỉnh lại. Một số người biết bơi lao xuống để cứu đứa còn lại. Một lúc sau, họ cũng kéo được lên bờ. Người xóc nước, người hà hơi, thổi ngạt mong sao thằng bé qua khỏi. Thắng cũng vừa đến, biết chuyện xảy ra, nó hỏi: “Thằng Hoang, thằng Hoang đâu?”. Lúc đó mọi người mới sửng sốt nghĩ đến Hoang. Mấy thanh niên sức lực, bơi giỏi lại lao xuống đầm. Lặn một hồi không thấy Hoang đâu, họ lên bờ lấy lại sức rồi lao xuống tìm kiếm.
Khi thằng Hoang được đưa lên bờ thì cái xác đã tím tái, tay chân lạnh ngắt. Mọi người đưa nó về và làm các thủ tục cần thiết cho một người qua đời… Kể đến đây, Thắng chép miệng:
- Thật tội nghiệp thằng Hoang quá, nó ra đi quá sớm! Một cái chết oan uổng, nhưng cũng thật ý nghĩa phải không chú?
Ngọn gió thoảng qua, sương khuya giăng giăng bao phủ màn đêm. Tôi và thằng Thắng chậm rãi trên con đê đầu làng. Lòng tôi như thấy có cái gì nghèn nghẹn khi nghĩ về câu chuyện của Hoang, một con người tốt mà không có được một cuộc sống trọn vẹn.
Trời về đêm càng tĩnh mịch, yên ắng. Tôi nghe như có tiếng văng vẳng bên tai: “Chú ơi! Hãy có lời cảnh báo về cái đầm “tử thần” để các bạn cháu không ai bị đuối nước nghe chú!”.
N.Đ.D