Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Nhật ký chim Sâu
Nhật ký chim Sâu

Thế là đã ba ngày tôi được hồi sinh, kể từ sau cái ngày định mệnh nhưng cũng đầy may mắn ấy. Tôi nhìn bầu trời này như cao xanh hơn, khí hậu trong lành hơn. Tôi uống từng ngụm khí trời, mà ngỡ như thể trong đó ướp mật ong, hương hoa, mùi quả chín. Tôi ngợp đi trong từng làn gió mới, đắm mình trong mỗi tia nắng ban mai, líu lo cất lên giọng ca của dòng tộc, ca ngợi mỗi ánh bình minh lên, ngợi ca cuộc đời này. Từ khi còn mờ đất, đằng đông còn chưa kịp hừng lên màu của một ngày mới, tôi đã thoăn thoắt chuyền cành trên cây mít đầu nhà, ngay sát cái giường cá nhân của ân nhân cứu mạng, được kê trong căn phòng liền kề. "Sáng, sáng, chào! Sáng, sáng, chào! lích chích", "lích chích, lích chích, lích chích…" ca lên bài ca biết ơn tới ân nhân, tới cuộc đời. Trong giai điệu cảm ơn da diết ấy, từng khắc thời gian như một cuốn phim, chầm chậm tái hiện trong tôi…
Tôi vốn sinh ra tại một nơi xa lắm, xa đến nỗi, thậm chí bây giờ cho tôi tự tìm về, cũng chẳng phải là việc dễ dàng gì, mà cũng chẳng bao giờ tôi muốn về lại cái nơi đầy tang thương ấy. Cánh rừng quê hương tôi giờ chỉ còn là những ngọn núi trọc, từ sườn tới đỉnh mang đầy thương tích của những đợt núi lở, hậu quả sau những chiến dịch chặt, đào và khoét, của sự tàn phá rừng, bởi những đám người ở những nơi khác tràn đến quê hương tôi gây ra. Khi ấy tôi vừa qua thời kỳ được cha mẹ dạy khóa huấn luyện chuyền cành. Bài hành quân đường xa tránh rét, tôi đang học dở dang thì cô giáo tôi đã bị nạn trong những ngày tan nát ấy, ra đi tức tưởi do uống phải nước từ nguồn suối nhiễm độc, bởi những sinh vật đi bằng hai chân, cố tình xả thải xuống, khi hè nhau đào đãi, khai thác vàng. Bố mẹ tôi cùng các anh em bà con đồng loại, chỉ còn nước bảo nhau chia nhóm, dắt díu, bồng bế, dìu nhau mà bay đi lánh nạn. Chẳng biết những nhà khác đi tìm miền đất mới ở những đâu, gia đình tôi cùng vài ba nhà khác trong họ mạc nhà chim Sâu chúng tôi may mắn đến được nơi này. Ơn giời! Chẳng may mắn sao, khi mà xung quanh toàn những khối lô cốt hình hộp cao thấp, thụt thò bằng bê tông xám xịt, san sát kề nhau, thì nơi chúng tôi cập bến như một ốc đảo xanh còn sót lại giữa sa mạc, có hẳn ba cây mít tỏa bóng xum xuê, cách đó không xa là cây thị bốn mươi năm tuổi, cây dừa già nua mà xanh tốt, ngày ngày mượn gió đung đưa buông những cây lược nhẵn bóng, lao xao chải xuống thời gian. Cây cau chót vót vươn cao, ngọn ngỡ như chấm tới ngang trời. Ở đó đã có họ hàng nhà các cụ Chào Mào, cô Chích Bông, bác Sẻ Đồng… ríu ran họp chợ, chẳng biết họ cư trú tại đây đã bao đời. Bấy nhiêu là quá đủ cho chúng tôi kiến thiết một giang sơn mới, với những nếp nhà quần tụ quanh nhau. Còn thức ăn ư? Chúng tôi quá hạnh phúc với cuộc sống no đủ nơi đây, khi bên cạnh mấy gốc cây to, nơi chúng tôi xây nhà, là một hàng chè xanh lâu niên, nở trắng hoa thơm, ngày tiếp ngày gọi mời đàn đàn Ong Mật, cạnh đó là cả một rừng đào, với vô vàn là trứng, ấu trùng nhện đỏ, bọ trĩ, mối, rệp... Chúng tôi được no say, và cũng phần nào giúp con người nơi đây có những mảnh vườn quanh năm xanh tốt. Bố tôi bảo, chỉ vài ba năm nữa, nơi đây sẽ chả kém rừng Mẫu Sơn bên xứ Lạng trứ danh kia là mấy, bởi cái địa danh làng Đào mang tên Hoàng Nguyên, nơi quê hương thứ hai này của chúng tôi, những chủ nhân của làng, hàng năm ngoài số cây mang đi bán, làm đẹp cho mùa xuân tới khắp muôn phương thì nhiều nhà trong vườn vẫn còn những cây đào to, phát triển tự nhiên, không uốn tỉa, cắt ghép (người ta vẫn gọi là đào thả rông), bung hoa rực cả góc vườn mỗi độ xuân về. Mẹ tôi thở dài, có lẽ bởi họ không bán hết trong những dịp tết, nên những cây ấy tồn lại như thế, nhưng bố tôi có vẻ am hiểu và yêu đời hơn, bảo đấy cũng là một cách chơi, họ muốn mang rừng đào về phố. Tôi nghiêng về phía giả thiết của bố tôi hơn.
Lại nói về cái ngày định mệnh kia, cái ngày tôi được tái sinh. Chuyện này chắc phải kể hơi dài dòng, vì đã kể, phải kể tới từng nhân vật, trong cái gia đình có vườn cây đã cưu mang, che chở họ mạc nhà chim, bởi từng ấy nhân vật, đều để lại dấu ấn, với những cung bậc khác nhau trong mỗi chúng tôi. Ông chủ đã chớm vào lớp người già, về hưu ngót chục năm nay, suốt ngày ông ngồi tư lự, khi ôm cây đàn, lúc viết lách, thi thoảng mới ra khỏi nhà, mà đã ra là mang theo ba lô, máy ảnh, túi xách để đi xa, thậm chí có khi đi tới cả tháng mới về. Bà kém ông tầm chục tuổi, ở nhà làm vườn và đi chợ. Buổi sáng một ngày giữa tháng trước, bà gọi điện cho cô con gái đang làm việc tại Nhật Bản rằng “mẹ không về quê ngoại ăn cưới con trai con bác cả kỳ này được đâu, bởi còn phải vừa chăm bón vườn đào, vừa trông nhà vì bố mày lại đi dự trại sáng tác của Liên hiệp các Hội Văn học và nghệ thuật, ở mãi trong miền Nam kia!”. Bà chủ còn nói chuyện với bà ngoại của cô chủ rằng anh con cả của nhà này vẫn đang bát ngát lo công chuyện, xây ước mơ cho riêng mình trong miền Đông đất đỏ… 
Bữa ấy, ông chủ vừa đi dự trại sáng tác về được hai ngày, lại tiếp tục suốt ngày ngồi trong nhà, khi chúi mũi vào cái máy tính, lúc lại vớ cây bút, hí húi viết viết, xóa xóa. Buổi chiều, bà rửa xe cho sạch, mặc quần áo đẹp, trang điểm nhẹ, đeo trang sức và dặn ông chủ “ông ở nhà tự nấu ăn tối nay nhé, tôi đi dự tiệc dưới đứa bạn thuở học sinh đây!” (là vì mọi bữa, bà thường nấu ăn). Ông ừ hữ rồi lại cắm đầu xuống, khi hai tay bấm bấm, lúc buông vội máy, nhao ra quát đuổi mấy cậu choai choai đầu đỏ, đầu xanh, mình xăm trổ vằn vện, rú ga, vác súng hơi tự chế đi dọc con đường làng, nghiêng ngó săn lùng những tổ chim còn sót lại…
Cảm kích bởi vẫn còn những người như ông chủ, quan tâm và bảo vệ cho sự bình yên của lũ chúng tôi, mải đuổi theo những lo toan về cuộc sống cho tổ ấm của mình, tôi sảy chân sa xuống chậu nước trong veo, gần đầy, đặt ở sân giếng. Chậu nước này bà chủ vừa bơm sẵn cho ông trước khi lên xe đi dự tiệc, bởi bà biết tính ông khi viết bài, thi thoảng lại ra vã nước lên mặt, lau và vuốt mặt bằng hai tay, vặn người, vung chân khoát tay mấy động tác thể thao cho đỡ mỏi, rồi mới lại vào viết tiếp, bà sợ ông vã phải nước đã dùng rồi, không tốt cho con mắt của ông…
Bố mẹ tôi cho tôi ra ở riêng đã lâu, từ khi tôi mới làm quen với vợ tôi bây giờ, nhà bố mẹ vẫn ở chỗ cũ, mãi trong tán cây thị bốn mươi năm tuổi phía cuối vườn, ngôi nhà mới của vợ chồng chúng tôi được hai đứa cùng cặm cụi kết nối, khâu vá chắc chắn bằng những chiếc lá mít còn tươi nguyên đang bám trên cành, lót bằng những cọng cỏ mật khô, nhỏ li ti, thơm nức, ngay chạc ba giữa chừng tán cây mít mật, cạnh đầu nhà ông chủ và giếng nước. Lúc tai họa ập đến, vợ tôi đang nằm ấp ổ trứng đã cận kề ngày nở, đợi tôi mang nước uống về. Khốn nạn thân tôi khi ấy, tiếng kêu cứu thảng thốt, hoàng hôn buông xuống đã lâu, tiếng rít của đợt gió trái mùa đã át đi những tiếng kêu cứu cứ nhỏ đi, lạc dần của tôi. Do chậu nước chưa đầy hẳn, khoảng cách từ mặt nước lên miệng thau là quá lớn so với sức bật từ đôi chân khiêm tốn như hai cọng tăm, cùng đôi cánh nhỏ nhoi hơn cả chiếc lá cây hoa đào, của họ hàng chim Sâu chúng tôi. Đôi cánh sau một hồi cuống cuồng quạt, phối hợp với những cái đạp nước trong vô vọng của đôi chân, tôi đã hoàn toàn kiệt sức. May nhờ có thói quen vã nước lên mặt khi viết bài của ông chủ, mà trong cái lần ra vã nước, có lẽ là cuối cùng trong ngày, để sau đó ông nghỉ viết chuẩn bị cho bữa ăn tối, ông đã gặp tôi. Một thoáng trấn tĩnh, ông nhận ngay ra tình trạng nguy khốn của tôi, chưa kịp vã nước, ông nâng tôi lên. Khi ấy, đôi chân tôi đã tê liệt, co quắp, cứng đờ, thi thoảng mới giật nhẹ do thần kinh cũng rối loạn. Đôi cánh và nửa thân người phía dưới của tôi sũng nước, tái nhợt, một mắt nhắm tịt tự khi nào, chỉ còn một bên hơi hé mở, trái tim nhỏ bé chỉ nhỉnh hơn đầu tăm đôi chút của tôi chỉ còn thoi thóp đập. Tuy vậy, tôi vẫn cảm nhận được tường tận ông chủ cứu tôi như thế nào. Lạ thế! Có phải vào giây phút chuẩn bị sang thế giới bên kia, hồn lìa khỏi xác, lơ lửng ngang trời, để tôi tự nhìn thấy cơ thể sũng nước, tím tái, co quắp, cứng đơ của chính mình từ trên cao hay không? Chỉ biết rằng, tôi nhìn rõ một tay ông bồng tôi, tay kia vội vã vớ chiếc khăn khô trên bàn uống nước cách đó mấy bước chân, thấm vội vàng đôi cánh, rồi chạy vào nhà bếp, bật điện sáng trưng, ra bếp ga, bật lửa, cẩn thận đưa tôi vào, hơ gần ngọn lửa, sưởi ấm cho tôi. Tôi nghe rõ từng chút máu từ tim, kiên nhẫn tìm đường về lại đôi cánh, cặp chân. Ông thì xoay trở tôi liên tục, có lẽ phải tới nửa giờ như thế mà tôi vẫn chưa khá hơn bao nhiêu, dù tim đã đập nhanh hơn, nhưng dòng máu chảy về tận cùng của nơi cuối cánh, đầu các ngón chân thì vẫn là chưa thể, tôi chỉ có thể gọi lên một tiếng "chích", hai chân duỗi thẳng được ra, cánh khẽ cựa, bên mắt nhắm nghiền khi nãy giờ đã he hé mở. Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi lại thiếp đi, bồng bềnh thực hư mê tỉnh. Trong cõi thực hư mê tỉnh ấy, tôi nghe rõ một tiếng "ngoao!", tiếng bước chân gấp gáp, tiếng ông chủ khẽ gọi "meo meo", rồi những tiếng lách cách... sau cái khiếp đảm bởi tôi vừa kịp nhận ra cái tiếng "ngoao" khi nãy là tiếng của một gã mèo! Mèo nhà ông chủ nuôi. Gã mèo này tôi biết, gã đã thuộc lớp mèo già, theo như cách tính tuổi cho loài mèo thì gã phải ngót nghét tám mươi, tuy nhiên vẫn quắc thước, linh hoạt, tinh khôn, nhanh nhẹn vô cùng, có điều tuổi già nên đôi khi gã lẫn mã và tham ăn. Từ nhỏ gã đã đi theo và được ông bạn cùng nhà ông chủ nuôi, được cậu chủ và cô chủ nhỏ khi đó còn ở nhà rất quý và vẫn gọi thân mật là Vàng. Vàng đã chỉ bảo cho gã, biết phân biệt đâu là gà nhà ông chủ nuôi, đâu là gà nhà hàng xóm lai vãng qua, gà nhà thì có thể xù lông nhảy bổ vào gã, gã nhường, không thèm chấp, nhưng gà lạ mà sang bới vườn, ăn thóc cô, cậu chủ phơi thì đừng có mơ! Chỉ sau mấy động tác trườn bò, kết thúc bằng một cái nhún chân thôi, là một tiếng "quác" và cùng lúc với những tảng lông rơi lả tả, con nào, con nấy chạy chối chết. Cả mảnh vườn trên ngàn mét vuông ấy, suốt bấy lâu nay, chả một bóng gà lạ nào dám bén mảng. Chim thì khó tiếp cận hơn, bởi chim biết bay cao, nhưng đấy là chim khỏe, chứ cái ngữ như tôi lúc ấy, cả cơ thể chưa bằng cái hạt mít na, thiêm thiếp bất động, thì không bõ một miếng trong miệng gã… 
Tôi lại thoát xác, lơ lửng trên cao, thấy rõ ông chủ vội vã ấn tôi ngay vào trong cái lồng bàn, trước đó đang úp trên chiếc mâm đồng cạnh bếp ga, cẩn thận hơn, ông chèn thêm cái thớt lên trên lồng bàn, rồi bằng cách quen thuộc, ông tìm ngay cái cũi sắt, nhốt gã mèo vào đó. Cái cũi này, bà chủ nhờ bạn bà làm cách đây ít lâu, chỉ để nhốt gã, vì từ ngày đổ đốn lẫn mã và tham ăn, gã hay ăn vụng, giỏi cạy vung nồi. Mỗi khi nhà có tiệc, gã vẫn bị tống vào đó cho mọi người yên tâm làm cỗ, sau khi được động viên bằng một mẩu mỡ hay mảnh xương nhỏ, bỏ vào cái bát mẻ đặt sẵn trong góc cũi. Do bị lẫn, lại tham ăn, nên gã không thể nhớ đã vào nơi đó là bị nhốt, dù đã trải qua bao lần gã phải gào lên sau khi ăn hết mẩu mỡ, vụn xương và cửa lồng đã bị chốt chặt. Lần này thì còn chả có miếng mỡ nào, ông chủ chỉ kịp gọi "meo meo" và đi về phía đó, tưởng được ăn nên lập tức gã chạy theo. Thế là tôi qua được mối nguy, đe dọa từ gã mèo khi sức khỏe chưa thể hồi phục.
Hồn tôi lại nhập trở về với thân thể mình khi tôi choàng tỉnh bởi tiếng gào lên của gã mèo sau khi vào cũi mà không có gì ăn, tôi gần như trở lại bình thường trong không gian chật hẹp của cái lồng bàn úp trên mâm, việc đầu tiên là tôi lập tức hét lên gọi tên vợ đang đỏ mắt chờ mong, và líu lo ngay bài ca biết ơn tới ân nhân cứu mạng, trong khi chân thoăn thoắt nhảy từ cái bát nọ sang đôi đũa, cái thìa kia. Chỉ thế thôi mà tim tôi đập như muốn vỡ ra trong lồng ngực vì niềm vui, vì hạnh phúc và biết ơn, hình ảnh vợ tôi đang nằm ủ cho mấy đứa con sắp thoát ra khỏi vỏ trứng, thắt ruột chờ tôi từ chập tối tới giờ như hiện ra ngay trước mắt tôi. Tôi hét lên, mong lời tôi tới được nhà tôi nơi tán cây, tới tai ông chủ đang đi lại phía cái lồng bàn! "Thoát, thoát rồi! Sống, sống rồi! Lích chích, lích chích". 
Tôi đã được hồi sinh! Tay ông chủ giờ ngỡ như còn run hơn cả chân tôi khi gặp nạn, bởi ông sung sướng trước sự hồi sinh của tôi chăng? Cái lồng bàn được mở ra, tôi vươn vai nhảy lách chách mấy nhịp. Ông lại bồng tôi lên, miệng reo khẽ: “Tốt quá rồi, lại líu lo ngay được nhỉ! Nhưng chú mày chưa thể bay ngay được đâu, để tao tìm cách trả mày về nhà”. Tôi run rẩy kêu lên những lời biết ơn: "cri, cri" khe khẽ. Quả thực, giờ thì tôi chịu chết, chả biết đường nào mà bay, mà tìm đường về nhà. Khi màn đêm buông xuống, là lúc chúng tôi đã yên vị cho giấc ngủ, chả nhìn thấy cái gì rõ ràng cả, có lẽ bởi vậy mà loài người vẫn bảo những người mắt kém là bị quáng gà chăng? Vì loài gà khi trời tối là về chuồng đi ngủ, và chả nhìn được gì. Gà cũng có quan hệ họ hàng bà con gần gũi với chúng tôi. Ông chỉ bồng tôi, mở cửa, đi ra phía cổng, liền cổng là cây mít mật, có tổ ấm gia đình tôi trên tán cây. Nhưng lên nhà ngay vào thời điểm ấy với tôi là không thể, mặc dù tôi đã gần như bình thường, mà ông chủ cũng không thể biết chính xác nhà tôi ở đâu giữa tán mít rậm rì trên cao kia. Một giải pháp an toàn và hợp lý là ông bắc ghế đặt tôi bám chắc lên một cành cây đu đủ cạnh cây mít, tán lá đu đủ cũng đủ che sương gió qua đêm cho tôi. Tôi kêu lên một hồi nữa, để cảm ơn ông, cảm ơn tất cả, rồi mới chìm vào giấc ngủ theo chu kỳ sinh học thường kỳ của loài chim. 
Hôm nay là một ngày tuyệt đẹp, ngày hạnh phúc cho cuộc sống muôn loài. Sinh ra trong một gia tộc có truyền thống chăm chỉ và kỷ cương, nền nếp, chúng tôi có tục lệ là mỗi ngày đều quây quần, ríu ran rút kinh nghiệm vào mỗi ban mai, cùng chia sẻ mỗi niềm vui, nỗi buồn. Mỗi sự kiện lớn của bất cứ thành viên nào, cả gia đình họ mạc lại ríu rít bên nhau, liên hoan và ca lên những giai điệu truyền đời về những bài học, lời tri ân, giống như loài người vẫn ghi nhật ký hay viết sách để lưu cho hậu thế vậy. Bàn tiệc hội nghị giao ban của họ mạc nhà chim Sâu hôm nay được râm ran mở tại vườn đào, nơi bà chủ đang cầm cây kéo cắt tỉa và uốn nắn từng nhành cây non mới vươn xanh vào khuôn khổ, tùy theo hình thế của từng cây. Ngày trọng đại đẹp đến trong từng sợi nắng trong veo, từng lọn gió ngọt lành xua đi vài làn sương đông mỏng manh còn sót lại, đang bảng lảng tan dần. Đến dòng khí thở cũng tinh khôi, thơm tho như ướp mật. Tinh mơ hôm nay, hai đứa con thân yêu của chúng tôi vừa mổ mỏ, vươn ra khỏi vỏ trứng, chính thức cất lên tiếng khóc chào đời, gia nhập đại gia đình chim Sâu. Trọng đại là vậy, nhưng tôi vẫn không quên nhiệm vụ và lời dặn của cha mẹ tôi từ ngay sau hôm tôi lâm nạn và được hồi sinh cách đây ba hôm, là vào tinh mơ mỗi sớm phải nhớ gọi, chào ân nhân, ca lên bài ca biết ơn của dòng tộc. 
Cùng lúc giai điệu chào, biết ơn của tôi vừa ngân xong những nốt nhạc cuối, là tiếng xôn xao ngoài đường lớn, mấy thanh niên đầu đỏ, đầu xanh bữa nọ, đang cúi đầu, theo nhau mang nộp lại cho an ninh địa phương những khẩu súng hơi tự chế trái pháp luật. Thì làng nước có luật, bờ vách có tai, trời có mắt, huống chi mấy "kễnh" vác súng, rồ ga, nghênh ngang, ngó nghiêng khắp làng giữa thanh thiên như vậy, ai để cho yên! 
Vừa sải cánh từ đầu nhà để gọi và chào ân nhân, chưa kịp ra đến bàn tiệc ngoài vườn đào, bố tôi đã hỏi vọng vào, sao ở trong ấy lâu vậy? Tôi líu ríu trả lời, bởi con vừa chung niềm vui với ông chủ, khi nghe ông nói chuyện qua điện thoại thông minh với con trai ông, hình ảnh chàng thanh niên trong màn hình tươi cười chúc bố mẹ sức khỏe và cho biết vừa xuống sân bay một giờ trước, đang trên taxi về gần tới nhà, sau cả thời gian dài xa cách… 
Nhật ký của chúng tôi được viết mỗi ngày như vậy đấy, chúng tôi không viết được vào sách vở, nhưng chúng tôi biết nói, bằng thứ ngôn ngữ chỉ của riêng loài chim, chúng tôi viết vào thời gian, bằng lời, bằng những ngợi ca hay ai oán, lời chúng tôi lanh lảnh thấu tận cao xanh. Chúng tôi tẩy chay, nguyền rủa và quay lưng với cái ác, rủ nhau bỏ đi, tìm miền sống khác. Chúng tôi mừng vui, ngợi ca và ca hát suốt ngày trước những cái thiện, cùng con người bắt sâu, diệt bọ... Trước kia là cha mẹ, giờ là vợ chồng, anh em chúng tôi cùng ríu ran viết vào bình minh mỗi ngày, và sau này chắc chắn khi chúng tôi già yếu, việc này là của các con, tiếp bước chúng tôi. Chúng vừa chào đời vào tinh mơ sớm nay.
Lích chích, lích chích, lích chích…
Nhớ, nhớ, chào! Nhớ, nhớ, chào! Lích chích, lích chích...
          

 T.T.M


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 137
 Hôm nay: 4946
 Tổng số truy cập: 7459177
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa