Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Con trai bé bỏng
Con trai bé bỏng

Hồi cao điểm dịch giã Covid-19, được tổ trưởng bộ môn phân công giảng bài trực tuyến cho cả khối lớp 12, tôi miệt mài với bài soạn đã mấy hôm nhưng vẫn chưa thật hài lòng. Vào một tối, tôi hạ quyết tâm, dù thức khuya đến mấy cũng phải hoàn thiện bằng được giáo án bài giảng như ý. Và trong cái buổi tự tổng duyệt cuối cùng ấy, tôi ngồi bên laptop và camera mà cứ tưởng tượng ra mình đang đứng trước cử tọa là bốn mươi học sinh lớp 12A7 do tôi chủ nhiệm. Mọi việc hoàn thiện giáo án đều trôi chảy, thậm chí tôi còn đưa được hai câu dạng lẩy Kiều dựa theo ý tứ của cụ Nguyễn Du vào đoạn kết một bài giảng sinh học trực tuyến mà câu bát dài đến mười hai từ: “Trời còn để có ước mơ/ Tan cơn dịch giã, thầy trò (ta lại sẽ học) tập trung”. Chiêu một ngụm trà đã nguội ngắt, tôi vươn vai đứng dậy và bỗng trố mắt nhìn, vì Bin, cậu con trai bảy tuổi đang học lớp 1 của tôi nằm ngủ mà nước mắt chảy thành dòng làm ướt cả một mảng trên tấm dra. Tưởng cu cậu bị gặp ác mộng, tôi vội đánh thức con dậy. Nhưng con trai tôi ngồi lên mà nước mắt vẫn cứ trào ra tiếp.
Tôi vội hỏi: 
- Bin, con không ngủ à? Sao khóc?
Con tôi bặm môi để khỏi bật ra tiếng. Tôi càng lo lắng hỏi dồn: 
- Con trai mẹ có chuyện gì nào?
Đưa tay quệt qua hai hàng nước mắt, con tôi nhìn mẹ, tin cậy hỏi: 
- Mẹ ơi! Mẹ có sinh em bé nữa không?
Tôi sững sờ giây lát rồi hỏi lại:
- Sao Bin lại hỏi mẹ câu ấy?
- Con sợ mẹ chết mất!
- Phỉ phui, phỉ phui, con không bao giờ được nói như thế nữa nhé!
Con tôi vẫn khẳng định: 
- Con nói thật mà! Con sợ mẹ chết! Con sẽ làm con gái để chăm sóc mẹ! Mẹ hứa với con đi! 
Nói ra thế và con trai lại nhìn tôi, ánh mắt đầy âu lo, khẩn cầu.
Liếc nhìn đồng hồ thấy đã sắp 11 giờ đêm, tôi vội buông lời hứa để con yên tâm vào giấc ngủ, mai còn dậy sớm học trực tuyến vào lúc 7 giờ 30 phút. Tôi hứa xong, cu cậu liền ngoắc tay tôi, dặn:
- Mẹ phải giữ lời hứa đấy!
Tôi ôm chặt con vào lòng, cà má vào tóc nó, đầu luôn gật gật đồng ý nhưng cu cậu vẫn tiếp tục nói kiểu năn nỉ:
- Mẹ yêu của con, mẹ hứa thành lời đi ạ!
- Mẹ hứa!
- Danh dự nhé!
- Thì danh dự! Muốn mẹ danh dự thực hiện lời hứa thì ngay bây giờ Bin phải ngủ đi! Không được khóc thầm một mình nữa đấy.
- Dạ! Con ngủ ngay đây ạ! Mẹ cũng mau xong việc sớm để đi ngủ, kẻo mệt mẹ nhé!
Giấc ngủ đến với con tôi thật nhanh. Nhìn gương mặt thanh thản còn hơi hoen vệt nước mắt ở một bên má nó, tôi thắt ruột lại và cứ muốn ngắm con mãi không thôi.
*
Chồng tôi là bộ đội biên phòng, trấn nhậm ở một đồn tận biên giới, mỗi năm chỉ được về thăm nhà một vài lần nên tôi phải đảm nhận hầu hết công việc của người chồng, người cha trong cái gia đình nhỏ của chúng tôi.
Lúc chiều, gió mùa sầm sập về, đường điện dẫn nguồn vào nhà tôi cứ chập chà, chập chờn rồi nổ tanh tách, phát tia lửa ở phía ngoài cột trụ có gắn công tơ. Sau đó thì điện lịm hẳn. Hai mẹ con, mẹ vác thang, con cầm sào ra trụ điện, chữa. Tôi bắc thang, trèo lên cột, dùng ngọn cây gậy “đập”, “chọc”, bé Bin thì chạy vào nhà xem có điện chưa để “ới” lên, báo cho mẹ biết.
Lát sau thấy Huê, cô bạn cùng lớp thời phổ thông của tôi, giờ là “đại gia làng mới nhớn”, như Huê vẫn thường tự giới thiệu, dừng chiếc Lexus đen bảy chỗ cạnh đường và hạ kính cabine, nói oang oang: 
- Gọi thợ điện đến nó chữa cho! Chọc chọc, ngoáy ngoáy như thế, đến mùa quýt cũng không được đâu!
Tôi cười cười nói với Huê: 
- Tạm thời để có điện đêm nay đã “đại gia làng mới nhớn” ạ, chứ chiều muộn thế này, ai người ta còn chịu đến chữa cho?
Tôi nói và chọc tiếp vào chỗ đầu dây. Trong nhà Bin reo lên: 
- Có điện rồi mẹ ơi!
Nhưng liền đó, nó cụt hứng báo ra: 
- Ầy! Lại mất rồi!
Huê mở cửa cabine, ra xe, nhìn lên, nói như ra lệnh với tôi: 
- Mang các thứ vào nhà đi, để tao sai thằng bồ tao nó đến sửa ngay cho mày, nhân thể thay béng mẹ cái dây nhôm ba lăng nhăng trên đầu cột kia đi!
Không chờ phản ứng của tôi, Huê bấm máy gọi tồng tộc: 
- Anh Huy đến nhà cái Trân. Ừ, Huyền Trân công chúa xinh đẹp, cô giáo cấp 3 ở Đông Mậu ấy. Oke! Biết rồi hả? Mang cả cuộn dây đồng thay hết mấy thứ dây nhôm của nợ đi nhé. Thế là ngoan đấy! Tinh thần là khẩn trương và sẽ hậu tạ tử tế!
Tắt máy, Huê hất mặt bảo tôi: 
- Vào nhà cà phê đi, đảm bảo mươi phút nữa, thằng Huy Gấu đến, nó sẽ điện khí hóa xong cho nhà mày đạt chuẩn châu Âu.
Như không muốn tôi phải giãi bày, Huê chủ động xách cái thang và lại hất mặt tiếp, ra hiệu. Tôi đành phải cầm cây sào đưa Huê vào nhà.
Trong lúc bé Bin giúp mẹ pha cà phê hòa tan đãi khách thì Huê xoa đầu con trai tôi khen:
- Thằng này lớn nhanh như bầu ấy nhẩy, học lớp mấy rồi?
- Dạ thưa bác, con học lớp 1 ạ.
Huê vui vẻ: 
- To con thế này, chắc được làm lớp trưởng?
Bé Bin thật thà: 
- Dạ! Con chỉ là tổ trưởng tổ 1 thôi ạ.
Huê cười:
- Tổ trưởng tổ 1 là đáng mặt lớp trưởng cứng rồi! Cố lên làm đồn trưởng như bố mày, cho oai oách cái hoành tráng Thiên Lôi, cu Bin nhé!
Tôi đưa mắt sang Huê như muốn ngầm bảo, đừng nói năng với con trẻ mấy thứ ngôn từ đó. Nhưng sau khi nhấp một ngụm cà phê, Huê lại loe toe tiếp: 
- Bảo mẹ mày sinh em bé gái đi, cháu ơi! Không thì lớn lên, có anh không có em, cô đơn lắm! Bảy tuổi mới có em bé là muộn ngắc củ đậu rồi đấy.
Và chẳng hề giữ gìn gì, Huê hỏi thẳng tôi: 
- Này! Kế hoạch hay bị hỏng “cơ” rồi? 
Tôi gắt Huê: 
- Ăn với chả nói!
Huê vẫn tiếp tục: 
- Vầng, nàng! Đẻ được đẻ ngay đi, có thêm con là thêm phúc, thêm lộc! Tao đẻ cái Gấm xong, mọi việc làm ăn cứ hanh thông ràn rạt, chứ trước đây á, buồn thảm, lay lắt, ngắc ngó như chó gặm xương khô. Sang năm mà mày sinh con gái thì mày sẽ lên giáo sư chứ không phải ngồi dạy ở cái xó trường nghèo phố huyện này nữa đâu. Rồi mai mốt, lúc bệnh tật, già yếu, không có con gái, lấy ma nó chăm cho mày à?...
Không biết Huê còn “xả” đến đâu khi con trai tôi reo lên: 
- Có điện rồi!
Tôi cũng mừng và hỏi Huê: 
- Đúng là anh Huy, bạn cậu đến nhanh như điện! Theo cậu nên hậu tạ anh ấy thế nào cho tử tế, lịch sự!
Huê nói: 
- Mày tử tế, lịch sự chỗ khác đi! Việc Huy Gấu để tao! Coi như tao giúp mày, bạn gái yêu quý xinh đẹp và rất chi là lịch sự ạ.
Nói thế rồi, Huê đứng phắt lên, đi ra. Con trai tôi chào, nó cũng chẳng buồn đáp lại. Tôi cầm vội cái ví bám theo Huê, nó quay phắt lại, gắt: 
- Tao bảo rồi, việc hậu tạ Huy Gấu để tao lo. Mày tính ngay việc sang năm có em bé đi nhé mà phải là con gái chính hiệu đấy! 
- Cậu…
Không cho tôi nói hết câu, Huê làm động tác dí tay vào bụng dưới tôi nháy mắt nói giọng cợt nhả: 
- Tối nay, điện khẩn cho bố đồn trưởng, bắt bố ấy về ngay… tắp lự đi!
Rồi Huê nháy mắt tiếp với tôi một cái nữa trước khi quăn quắn đi ra phía ngoài đường. Cô nàng tự động mở và đóng cánh cổng lại…
*
Nhớ lại câu chuyện lúc chiều với Huê “đại gia làng mới nhớn” và nhìn cảnh con trai ngủ say, đôi môi nó còn mim mỉm cười như thật an lành, tôi lâm vào tâm tư dò đoán? Có phải vì cái Huê giục tôi sinh em bé mà con trai tôi nổi lòng ích kỷ trẻ con, lo lắng, sợ không được quan tâm chăm sóc đầy đủ không? Tôi nghĩ là không, vì thằng bé từ nhỏ đã rất ham chơi với các em gái, con các cô, các chú, các dì bên nội, bên ngoại; nó cũng là đứa chưa bao giờ giành giật phần hơn kiểu trẻ nít với các chị em họ, bạn học, bạn chơi trong xóm…
Nghĩ mãi, nghĩ mãi tôi bỗng nhớ ra, trước khi bắt tôi hứa “danh dự” không sinh em bé, con tôi bảo: “Con sợ mẹ chết mất!”. Thôi đúng rồi! Tôi đã hiểu được nguyên nhân vì sao con tôi lại khó ngủ, lại khóc thầm một mình…!
*
Hơn hai năm trước, khi đang tham gia một cuộc hội thảo tầm khu vực về cách thức đổi mới dạy và học môn sinh trong trường phổ thông trung học tại một khách sạn hạng sang của thành phố trung tâm tỉnh, tôi đã gặp đại nạn, phải đưa đi cấp cứu. Cuộc hội thảo hôm đó có cả khách mời là thầy học, bạn học của tôi từ Hà Nội và một số tỉnh lân cận về. Không khí thật trang trọng nhưng cởi mở và hướng đến những mục tiêu kiến tạo. Tôi trình bày xong tham luận, về đến chỗ ngồi ít phút thì một cơn đau ập đến nhói thắt ở hông trái. Như linh tính mách bảo, tôi cầm chìa khóa phòng cố đi cho thẳng người, mở cửa hội trường, bám tường đi về phía thang máy. Lết được vào trong, tôi bấm tầng 9. Tai tôi ù lên nhưng vẫn nghe những tiếng tít... tít… tiếng đóng, mở cửa thang máy nhưng mắt thì không còn nhìn thấy gì nữa. Tôi vội gục đầu vào góc thang.
Rồi tôi nghe giọng nói của ai đó giống như giọng con trai mới vỡ tiếng: 
- Cô ơi! Cô ơi! Đến tầng 9 rồi. Cô bị làm sao đấy ạ?
- Cô…ô…ô… - Giọng tôi lạc đi.
Tôi cố mở mắt nhìn và chỉ kịp đưa bàn tay còn lại chưa bị tê ra như cầu cứu. Cậu bé dường như hiểu ý, hỏi: 
- Cô ở phòng nào, con dìu cô vào ạ? 
Tôi run run đưa cái chìa khóa số phòng 909 và miệng cứng lại nhưng tri giác vẫn còn mơ hồ nhận thức được vài thứ xung quanh.
 Cậu bé đưa tôi vào phòng 909. Tôi nằm lả luôn xuống sàn trong cơn đau muốn tắt thở. Cậu bé cố gắng lắm mới đỡ được tôi dậy, dìu lại giường. Trong đầu tôi nghĩ ngay đến bệnh viện đa khoa tỉnh, nơi đã từng phẫu thuật cho tôi mấy năm trước và cố chỉ vào tấm biển “Khách mời hội thảo” ở ngực áo.
Cậu bé chạy vội ra ngoài, đi báo… Chỉ một lúc sau, cô bạn đồng nghiệp cùng trường và ba bảo vệ khách sạn lên phòng khênh tôi ra xe taxi và đưa thẳng tới bệnh viện tỉnh để cấp cứu. 
Vào viện, các bác sĩ liền cho tôi thở oxy và quyết định đưa vào phòng mổ gấp. Do được tiêm một mũi hồi dương sinh mạch, tôi có tỉnh táo lại chút ít, mặc dù đầu óc vẫn còn đang bung biêng. Trong cơn minh minh, mang mang ấy, tôi vẫn nghe rõ được tiếng trao đổi của hai người bác sĩ nam:
- Ca này căng đấy anh ạ: huyết áp 45/70, phải mổ ngay, may… còn kịp.
- Mạch chập chờn lắm. Nhưng phải mổ thôi!
Người bác sĩ này nói và hướng ra ngoài, gọi: 
- Ai là người nhà của bệnh nhân Trân? 
Cô bạn đồng nghiệp vào và không hề do dự, tự nhận là em gái để viết cam kết cho tôi được phẫu thuật gấp.
Lúc này, trong đầu tôi chỉ duy nhất ý nghĩ đến bé Bin, vì con còn quá nhỏ. Nếu vì mệnh hệ mà không qua được thì ai sẽ nuôi con đây? Hai tiếng “Chị gái” bỗng vang lên trong đầu và buột ra khỏi miệng tôi khiến làm bật cái ống thở oxy ra… Một trong hai vị bác sĩ giật mình, ra vẻ hơi cáu và lắp lại ống thở cho tôi. Cô bạn vội xin lỗi bác sĩ rồi nắm chặt tay tôi động viên: 
- Chị yên tâm, để em gọi điện ngay cho chị Điệp… 
Do gây mê cột sống phía dưới thắt lưng, tôi vẫn còn cảm nhận được xung quanh. Trong đầu tôi miên man bao là ý nghĩ về những dự định và kế hoạch sắp tới dành cho con. Từ thẳm sâu, tôi tâm niệm nguyện cầu: “Chị Điệp ơi! Chị gái hãy giúp chăm sóc con trai em…”.
Tỉnh dậy trong phòng hồi sức, vừa mở mắt ra, tôi thấy xung quanh mình có đến hơn chục người đang mừng rỡ ra mặt nhìn tôi trong hạnh phúc vỡ òa. Đó là cha mẹ tôi, bé Bin yêu quý của tôi và một số bạn bè đồng nghiệp cùng trường. Con tôi đứng cách giường bệnh hơn một mét, bám vào tường nhìn mẹ, nước mắt ướt đẫm trên má, trên mặt. Có lẽ vì thấy nhiều dây nhợ xung quanh tôi nên con trai tôi sợ, không dám lại gần nhưng miệng thì lại đang như thầm thì một điều gì đó…
Tôi chỉ tỉnh lại được thế rồi lại chìm vào mệt lả cho đến hôm chị gái tôi bỏ dở cuộc du lịch lữ hành xuyên Việt bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra và đến thẳng bệnh viện thăm nuôi tôi, tôi mới tỉnh lại. Chị Điệp lao vào phòng bệnh ôm lấy cô em ruột mà quên mất là có ba loại dây chuyền đang lủng lẳng xung quanh cái giường tôi nằm. 
Chị khóc tu tu như trẻ bị đánh đòn:
 - Tại sao, tại sao lại thế này? Nhưng may quá… em sống rồi…!
Tôi cười: 
- Chết cũng phải có số chị ạ! Tuổi Canh Thân như em còn bị đày lâu lắm. Chết đi lấy ai để chịu trận!
Chị tôi vội ngăn: 
- Em lì lắm… cứ coi thường tính mạng như không! Chị đã hỏi bác sĩ rồi, em bị cắt một bên buồng trứng và còn bị một cái u nữa đấy. Bác sĩ nghi là u quái nên đã đưa đi sinh thiết rồi.
Nghe chị gái nói thế, tim tôi lại đau thắt, và lại chìm vào những suy nghĩ nặng nề, chán nản. Cứ mỗi lúc hơi bình tâm lại, tôi lại nói lời “di chúc” cầu mong chị gái nuôi hộ bé Bin cho tôi… Đương nhiên là chị tôi luôn nhẹ nhàng an ủi và nói độc một câu: “Nhìn em chị thấy sắp khỏe đến nơi rồi! Cố lên em gái!”.
Rồi đến một buổi sáng, lúc mới 6 giờ đã thấy cha tôi đèo bé Bin lên thăm. Hai tay con tôi ôm một bó hoa cúc vàng, mặt tươi hơn hớn, tiến lại chỗ mẹ. Đặt bó hoa ở đầu giường xong, bé ôm ghì lấy đầu và hôn vào mặt, vào trán tôi. 
Tôi dồn dập hỏi con: 
- Sao ôm mẹ chặt vậy? Con có điều gì vui thế? Lấy hoa ở đâu để tặng mẹ đấy? Mà sao lại là hoa cúc?
Cha tôi trả lời thay cho cháu ngoại:
 - Sáng nay cháu Bin dậy từ lúc 5 giờ kém, nằng nặc đòi ông đưa lên viện thăm mẹ Trân, cu cậu bảo đêm qua nằm mơ thấy mẹ Trân đã khỏe, sắp ra viện. Dọc đường cháu nhìn thấy một bó hoa ướt sương bên đường, chắc là do người đi chợ đêm đánh rơi. Cu cậu bắt ông ngoại phải dừng xe, xuống nhặt hoa bằng được. 
Bé Bin nói chen: 
- Bà ngoại bảo hoa cúc là hoa may mắn, phúc lộc đấy mẹ ạ. Con tặng mẹ, mẹ thích không?
Tôi ôm ghì con vào lòng, mặc dù vết mổ bị nhói đau: 
- Ôi con tôi! Bin yêu quý của mẹ!
Bé Bin khoe: 
- Mẹ ơi con biết niệm Phật rồi đấy!
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
 - Ai dạy con? Con niệm Phật thế nào?
Bé Bin trả lời:
- Bà ngoại ạ. Con theo bà đi chùa Mậu làng mình. Con nghe bà ngoại niệm rồi thuộc.
Tôi cố ghìm xúc động hỏi: 
- Con trai mẹ niệm thế nào?
- Dạ, niệm là: Con nam mô Vô Thượng hư không Phật Mẫu. Dưỡng sinh/ Bảo mạng/ Cứu kiếp Đại Từ Tôn…
Giờ thì tôi đã hiểu vì sao hôm đầu đến thăm tôi, bé Bin cứ thầm thì điều gì đó không nghe rõ được…
Chị gái tôi mang đồ ăn sáng vào cũng là lúc ông bác sĩ, người phụ trách ca mổ cứu tôi cũng vào theo. Ông nhìn cả nhà tôi cười tươi:
 - Chúc mừng bệnh nhân Trân và gia đình nhé - Ông quay sang bắt tay cha tôi và nói tiếp - Bác phụ huynh về mổ ba bò chín trâu liên hoan đi thôi! Con gái bác có kết quả sinh thiết, u lành rồi! Những lời cảm tạ vị bác sĩ và bệnh viện nối nhau vang lên.
Bỗng chị Điệp tôi hỏi:
- Em gái em có bị ảnh hưởng đến chuyện mai này muốn sinh thêm em bé không ạ?
- Cái này phải nói thật, ảnh hưởng chứ, an toàn là 60/40 hoặc ngược lại tùy theo cơ địa và chế độ làm việc, dinh dưỡng - Nói thế rồi ông xoa đầu bé Bin, tiếp - Có cậu quý tử hoành tráng thế này là yên tâm rồi! Muốn đẻ thêm, phải hết sức cẩn thận...
Nhớ lại câu chuyện cũ, tôi bỗng nghĩ, có lẽ, hôm đó cậu con trai bé bỏng, non nớt của tôi đã bị găm vào đầu một ấn tượng khó quên.
Nhìn con trai ngủ ngon và nét mặt bình an thánh thiện, tôi xua đi những trăn trở, nghĩ ngợi và nhẹ nhàng đi vào một giấc ngủ muộn.
*
Đã thành thói quen từ lâu, vào các buổi sáng dù lúc đêm có thức khuya đến mấy, tôi cũng dậy đúng vào lúc 5 giờ. Từ ngày gây được cái vườn sinh học, cứ sáng ra là tôi ra vườn, thay vì thể dục, tôi tưới cây, tỉa hoa, cho cá ăn… Hôm nay, mười “tòa” mẫu đơn đại đóa tôi lai ghép năm trước đều bừng nở như mười mâm xôi gấc khổng lồ đỏ tươi. Tôi lên “Phây”, gửi ảnh hoa mẫu đơn để khoe với anh xã nhớ thương nơi biên giới và các đồng nghiệp, học trò môn sinh học.
Hồi đáp tới tấp gửi về tài khoản “Phây” của tôi là các bình luận với những lời lẽ có cánh cùng các yêu cầu, đề nghị tôi chụp thêm về toàn cảnh khu vườn, post tiếp.
Say sưa quá đến lúc tôi nhìn đồng hồ đã 7 giờ kém 10 phút. Ôi chết rồi! Bảy rưỡi tôi phải dạy trực tuyến. Và bảy rưỡi, con trai tôi cũng đến giờ học trực tuyến. Tôi đi như lao vào nhà.
Tôi sững người ở hiên vì ngửi thấy mùi mì tôm. Và càng sững người hơn vì thấy con trai tôi chạy ra cửa, lễ phép:
- Con mời mẹ vào ăn sáng!
Vào nhà, tôi lại thêm một lần sững người nữa, vì thấy ở giường của hai mẹ con, cái chăn mỏng được gấp gọn gàng, phía trên đặt đôi gối bông phẳng phiu.
Hôm ấy, tôi ăn sáng có lẫn nước mắt, thứ nước mắt xúc động, vui mừng, cứ trào ra không thể nào ngăn lại được. Và, lần đầu tiên trong đời, tôi đã nói dối con trai: “Bụi bay vào mắt mẹ”, khi bị con hỏi: “Mẹ khóc à?”, khiến nó quýnh cả lên đòi thổi bụi trong mắt cho tôi.
Sáng ấy là một ngày hạnh phúc nhất đời tôi!
            

T.Đ.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 14857
 Tổng số truy cập: 7187437
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa