1. Thân nghe tiếng Phương lẫn trong tiếng rít của gió và tiếng rú của đoàn xe: “Em đau bụng lắm a...nh ơ…ơ…ơi!”. Thân lách ra khỏi đoàn xe, trả ga cho xe đi chậm rồi dừng lại. Thấy mặt Phương tái xanh, anh đỡ Phương xuống xe. “Em đau thế nào? Mặt mũi xám ngoét rồi kìa!”. “Em thấy đau lâm râm ở bụng dưới từ khi qua trạm nghỉ một lúc. Tưởng chỉ đau thoáng qua nào ngờ càng đi càng đau!”.
Thấy có xe dừng lại, người của trạm tiếp sức người hồi hương chạy đến chỗ Phương nằm. Một người phụ nữ cỡ tuổi Phương hỏi: “Chị đau ở đâu?”. “Đau đ…a...au ở bụ…ng d…ư…ới!”. Thấy ở cổ chân Phương có vết máu, như một phản xạ, người phụ nữ kéo ống quần Phương lên. Những vệt máu như từ trên xuống còn ướt. “Sẩy rồi! Chị tắt kinh lâu chưa?”. “H…ai năm nay em tháng th...ấy, tháng kh…ông”. Tiếng Phương trả lời nhỏ dần. Hai mắt nhắm, những giọt nước mắt lăn xuống hai bên thái dương của Phương. “Đứa nhỏ nhất mấy tuổi rồi?”. “Cháu 12 tuổi!” - Thân trả lời. Thêm mấy người của trạm tiếp sức chạy tới. Người phụ nữ nãy giờ hỏi Phương nói như ra lệnh: “Đưa vô trạm y tế ngay!”. Thân cúi xuống ghé lưng vào thì một cô gái vừa kéo anh ra vừa nói: “Anh để em!”. Người phụ nữ nãy giờ hỏi Phương cùng Thân đỡ Phương lên lưng cô gái. Hai nữ thanh niên nữa đi hai bên người cõng Phương, đưa tay ra giữ Phương làm Thân phải rút tay ra. Một nam thanh niên rút điện thoại trong túi quần ra hỏi Thân: “Anh là gì với chị ấy?”. “Tôi là chồng!”. Anh ta vừa nghe Thân trả lời vừa bấm điện thoại. Rồi anh ta la lên với người ở đầu bên kia: “A lô! 115 hả? Cho xe đến Trạm Phong Thanh ngay nhé. Có cấp cứu! Mộ ô…t phụ nữ ngất. Nhanh lên nh...é…é…!”. Anh quay lại nói với Thân: “Trạm y tế ngay đây thôi. Anh theo tôi! Để xe đó sẽ có người kiểm tra tình trạng xe và xăng dầu”.
Xe 115 đến. Từ trên xe, hai người mặc áo blouse trắng đẩy cái brancard có bánh xe trượt về cuối xe, đón lấy Phương. Thân đưa tay víu lấy thành xe định trèo lên. Người mặc blouse trắng không cho. Anh ta đẩy brancard về phía trước rồi nắm lấy cổ tay Phương bắt mạch. Người còn lại quấn băng đo huyết áp vào tay bên kia của Phương. Xe 115 chuyển bánh, rú còi inh ỏi để lại phía sau Thân và mọi người. Họ đứng thẫn thờ, nhìn theo cái đèn đỏ trên nóc xe xa dần và tiếng hú còi xe nhỏ dần. Nam thanh niên lúc nãy gọi xe 115 nói với Thân: “Yên trí! Chúng tôi sẽ đưa anh đến bệnh viện”. Một cô ở bộ phận phát bánh mỳ đưa đến cho Thân một túi có hai bánh mỳ, hai hộp sữa tươi và hai chai nước suối. Thân lắc đầu. Anh thanh niên nói: “Cứ cầm lấy! Anh phải uống sữa đi cho đỡ mệt!”. Thân buộc phải cầm lấy túi bánh và sữa từ tay cô gái. Người kiểm tra xe đưa xe của Thân tới. Nam thanh niên hỏi: “Thế nào?”. “Hai bánh chắc. Bình xăng vơi, tôi đã đổ đầy”. Người kiểm tra giao xe lại cho Thân thì nam thanh niên đã đưa tay ra nhận xe và dặn lại: “Bánh mỳ, nước uống cấp đủ theo yêu cầu. Nếu có xe cạn xăng chỉ cấp một lít, đủ cho họ chạy đến cây xăng ở ngã tư. Giải thích cho họ biết điểm này chủ yếu là bánh mỳ, sữa, nước uống, còn nếu cạn xăng chỉ cấp cho xe đủ chạy đến cây xăng. Ở cây xăng họ sẽ được đổ đầy bình!”. Rồi anh quay sang nói với Thân: “Để tôi cầm lái cho. Ta đi thôi!”. Hai nữ thanh niên nữa cho xe nổ máy, nói: “Các em đi cùng!”.
Phía bên kia đường, đoàn xe hướng về phía Bắc ùn ùn như một dòng chảy.
2. Họ ngồi ở phòng chờ của khu khám bệnh. Một trong hai cô gái cùng đi giới thiệu với Thân: “Em là Loan, còn bạn đây là Lệ, bạn nam là Thủy. Chúng ta làm quen với nhau cho tiện giao tiếp. Các em đều là thành viên của “Trạm tiếp sức người hồi hương Phong Thanh”. Phong Thanh là tên xã em đó!”. Hai cô và Thủy vào viện. Một lúc lâu, cô tên Loan quay ra báo cho Thân biết: “Đưa vào phòng mổ cấp cứu rồi. Bác sỹ nói chị nhà bị chửa ngoài dạ con vỡ. Bạn Lệ ở lại trong ấy cùng bạn Thủy. Bác sỹ đang lấy máu của bạn Thủy để truyền cấp cứu cho chị nhà. Chị nhà thuộc nhóm máu hiếm. Nhóm B-Rh âm. Bệnh viện mới hết máu nhóm ấy sáng nay. Hai chúng em cùng thử nhưng không cùng nhóm với chị nhà. May có bạn Thủy trong câu lạc bộ nhóm máu hiếm lại hợp nhóm với chị nhà nên giải quyết ngay được yêu cầu cấp cứu!”... Thân hốt hoảng nhìn Loan. Loan nói: “Đã đến đây, kịp thầy kịp thuốc rồi anh đừng quá lo!...”. Nhìn Thân phờ phạc, ỉu xìu như cây rau dưa phơi nắng. Anh ngồi tựa vào chiếc ghế băng, đầu hơi ngửa, mắt nhắm. Một cô mặc blouse trắng từ trong phòng khám đi ra với cái máy huyết áp trên tay. Loan vỗ vào vai Thân. Anh mở choàng mắt ra. Cô bác sỹ nói Loan cùng cô dìu Thân vào giường của phòng khám. Nhưng Thân nói: “Cảm ơn bác sỹ. Tôi thấy hơi chóng mặt, nhắm mắt lại chút là đỡ thôi!”. “Để các em đưa anh vào giường nằm nghỉ chút cho lại sức!”. “Dạ! Cảm ơn bác sỹ. Tôi ổn rồi, ngồi đây cũng được”. Loan tìm cách bắt chuyện để kéo Thân về trạng thái tỉnh táo. Loan đắn đo nên hỏi Thân như thế nào cho tiện. Cuối cùng, Loan hỏi: “Anh chị đi từ trong ấy ra đến đây phải mấy ngày rồi?”. Thân thở dài: “Hai ngày hai đêm rồi, cô à”. “Còn phải đi bao lâu nữa mới về đến quê anh?”. “Nếu không có chuyện này, chiều tối mai là về tới nhà! Nhưng giờ nhà tôi bị thế này, không biết rồi sẽ ra sao đây. Thật cái số vợ chồng tôi là cái số trâu bạc!”. “Phụ nữ cũng có lúc này, lúc khác mà anh! Chị dâu em, chừng tuổi chị nhà, đứa thứ ba đã bảy tuổi, năm ngoái cũng ốm thừa sống thiếu chết”. “Mấy tháng nay dịch dã đã khó khăn, nhất là những ngày thành phố thông báo “Ai ở đâu ở yên đấy!”, không xoay xở được gì. Ban đầu còn đủ sinh hoạt do vốn còn, cộng với mì gói cứu trợ. Về sau chỉ nhờ vào đồ cứu trợ, đa phần là mì gói nên ông bà chủ nhà trọ giúp thêm đồng loạt mỗi người 5 ký gạo. Một bữa mì gói, một bữa cơm cho đỡ xót ruột, ông bà chủ nhà trọ nói thế”. “Ngoài này trên tivi thấy nhiều người mắc Covid, chết phần nhiều là người già và những người có bệnh nền thật thương tâm. Chưa có thuốc diệt virus, phải tiêm phòng gấp để chống lây nhiễm nên biết là ta đang gặp khó khăn. Hôm kia, một anh đèo vợ và một con nhỏ, bị nổ bánh xe, phải dừng ở trạm em để thay. Anh ấy kể những nhà ở gần đường, thuận xe chạy thì nhận được nhiều đồ cứu trợ, còn chỗ xa đường xe chạy nhận được ít, có chỗ nhận được không đáng kể, nhất là trong các hẻm, bộ đội phải đưa vô từng nhà”. “Đúng như thế thật. Nhà nước nghĩ nhiều cách làm, nhiều lực lượng tham gia tiếp tế cho người trong vùng dịch nhưng không xuể! Như chỗ tôi chẳng hạn, khi có đồ cứu trợ đến, ông bà chủ khu nhà trọ phải cử anh bảo vệ khu trọ và chị giúp việc nhà cho ông bà ra nhận rồi phân chia đều cho mọi người. Người trọ phòng gần đường cũng như người trọ xa đường. Làm như vậy, bọn nhỏ trong hẻm mới đủ sữa uống và bố mẹ các cháu mới có mì gói mà ăn. Tháng này, ngoài đồ cứu trợ ra, ông bà chủ hỗ trợ thêm cho tất cả người thuê nhà mỗi người 8 ký gạo, hai người một lít nước mắm, một bịch bột canh, 10 người một bịch mì chính, rau xanh có gì phát nấy. Trong các tháng dịch bệnh ông bà chủ giảm một nửa tiền thuê nhà, cho chịu sau đi làm được có tiền thì trả”. “Thật là trong khó khăn mà có những con người như vậy là quý hóa quá, anh à!”. “Ông bà chủ nhà trọ của chúng tôi kiệm lời, trông cứ tưởng khó khăn, nhưng lại thoáng! Xem tivi thấy khắp các vùng quê cả nước ủng hộ người trong vùng dịch, chúng tôi rất cảm động”. “Em nghe bố em kể lại thời chống Mỹ, khi đơn vị bộ đội của bố em vào ếm quân chuẩn bị cho tổng tiến công, được nhân dân đùm bọc, bí mật lo cho sinh hoạt hàng ngày như người trong nhà”. “Dân ta là vậy mà cô! Khi có giặc thì đánh đến cùng. Trong hòa bình thì lao động hết sức. Lúc gặp thiên tai, dịch bệnh người yên lành ai cũng rộng lòng giúp đỡ người gặp nạn. Nghe ông bà chủ nhà trọ của chúng tôi kể, ngày kháng chiến hai cụ thân sinh và cô út trụ lại ở thành phố buôn bán, ông và người anh trốn lên xanh với cách mạng. Rồi ông gặp bà cùng đơn vị, hai người lấy nhau. Sau giải phóng ông bà về thành phố, bà sinh một lèo, năm năm ba người con. Khi vợ chồng tôi có điện vô, biết mẹ tôi bị đau phải đi bệnh viện để phẫu thuật, lúc tôi sắp về, ông bà xuống khu trọ cho hai vợ chồng tôi hai triệu và cho vay hai triệu. Ông bà nói thêm vào mà mua xăng và ăn uống dọc đường. Ông bà còn gửi một triệu về thăm mẹ tôi! Vợ chồng tôi thuê ở đấy hơn sáu năm rồi. Ông bà có tới hai mươi phòng trọ và năm gian kiot. Vợ chồng tôi thuê được một kiot để bán rau củ quả. Khi có dịch Covid, ban đầu mở cửa bữa đực bữa cái, phần vì dịch dã, phần vì không đi lấy được hàng. Những ngày có lệnh giãn cách xã hội thì đóng cửa luôn, ngồi một chỗ!”.
3. Một phụ nữ mặc blouse trắng từ trong khu điều trị bệnh nhân ra phòng chờ của khu khám, hỏi:
- Ai là người nhà của nữ bệnh nhân vừa vào viện mổ cấp cứu ạ?
Thân trả lời:
- Thưa bác sỹ, tôi ạ!
- Anh là gì với bệnh nhân?
- Dạ! Tôi là chồng cô ấy!
- Lúc nãy vì cấp cứu, phải đưa chị nhà vào mổ ngay. Bây giờ anh làm ơn cho chúng tôi biết thêm một số thông tin nhé.
- Dạ!
- Họ và tên của chị nhà?
- Dạ! Nhà tôi là Nguyễn Thị Phương.
- Năm sinh hoặc tuổi?
- 38 tuổi.
- Quê ta ở đâu vậy anh?
- Dạ! Thôn X, xã Y, huyện NL, tỉnh PT.
- Khi cần báo tin cho ai?
- Dạ! Báo cho tôi. Tôi là: Nguyễn Văn Thân, 46 tuổi. Vợ chồng tôi cùng quê.
- Số điện thoại của anh?
- Dạ! 0982...34.
- Chị nhà có thai lần này là lần thứ mấy?
- Dạ! Lần thứ 4.
- Các lần trước chị nhà sinh bình thường chứ?
- Dạ! Bình thường. Vợ chồng tôi có một cháu gái 15 tuổi, một cháu trai 12 tuổi; năm kia có làm kế hoạch một lần và lần này không biết sao lại vậy!
- Vào thành phố chị nhà làm nghề gì?
- Vào trong ấy, ban đầu vợ chồng tôi cùng đi làm cho công ty giày da 2 năm. Bốn năm sau này, vợ chồng tôi thuê được một kiot nên vợ tôi bán rau củ quả. Còn tôi chạy kiếm nguồn hàng. Khi tiện, tôi làm thêm cuốc xe ôm!
- Anh chị ăn ngủ luôn ở kiot hay có chỗ sinh hoạt riêng?
- Chúng tôi ở luôn tại kiot. Kiot có một cái gác lửng.
- Ở ngay tại nơi bán hàng nhưng đi lại soạn hàng, lấy hàng cho khách, tính ra đoạn đường chị nhà phải đi mỗi ngày cũng dài dài.
- Dạ! Ước tính ra, nhà tôi đi lại từ tám đến chín, mười cây một ngày. Bán loại hàng này phải vừa bán vừa trau chuốt, nhặt bỏ lá úa, lá nhũn ra, sửa sang, buộc bó lại cho vừa mắt người mua.
- Có khi còn lấy phải loại rau người ta phun thuốc kích thích, thuốc trừ sâu?
- Dạ! Cũng có.
- Các loại thuốc ấy, liều nhẹ thì kích thích sinh trưởng, nhưng tiếp xúc suốt ngày đêm, ý tôi muốn nói là có phải ngày nào anh chị cũng bán hết rau đâu, có khi rau còn lại qua đêm. Gọi là rau sạch nhưng thế nào người trồng chẳng phun các thuốc hóa học!
- Dạ!
- Ở trong môi trường như vậy, tuy ở mức độ nhẹ nhưng lâu ngày lại thành ra độc hại. Rồi nóng bức, chật chội tạo cơ hội cho bệnh phát sinh, đặc biệt là các bệnh phụ khoa, một trong những nguyên nhân gây thụ thai ngoài tử cung.
- Dạ! Nhưng nghề nghiệp mà, bác sỹ! Vì miếng cơm manh áo cho mình, cho mẹ già, cho con trẻ ở quê nhà! Tin vô, mẹ tôi đau. Phải mổ ở bệnh viện tỉnh nên hai vợ chồng tôi vô cùng choáng váng. Thành phố mới nới lỏng giãn cách là chúng tôi quyết ra về. Tàu hỏa, ô tô tuyến Bắc - Nam chưa được chạy nên chúng tôi đành phải về bằng xe máy.
Người bác sỹ như chững lại, nhìn nét mặt buồn buồn của Thân, có vẻ đắn đo, rồi nói:
- Chị nhà hiện đang ở phòng hậu phẫu dành riêng cho người có nguy cơ nhiễm Covid, vì anh chị từ trong vùng dịch ra. Tuy test nhanh âm tính, nhưng phải chờ kết quả RT-PCR, theo đúng quy định phòng chống dịch.
- Dạ!
- Anh cứ yên tâm, thuốc men bệnh viện đã tập trung tối đa. Còn anh, khi vào đây đã thử test nhanh kết quả âm tính rồi. Chờ kết quả test RT-PCR, phòng kế hoạch bệnh viện sẽ có cách giải quyết. Anh và các bạn Trạm Phong Thanh ngồi đây chờ nhé.
Cô bác sỹ quay vào khu điều trị. Thân gọi với, cô bác sỹ quay lại. Thân ngập ngừng:
- Bác sỹ cho tôi gửi chiếc điện thoại và cục sạc cho vợ tôi. Khi vợ tôi tỉnh táo lại, bác sỹ cho chúng tôi liên lạc với nhau, được không?
Cô bác sỹ nhìn Thân, thông cảm:
- Được chứ! Chúng tôi sẽ chuyển tới chị nhà, khi có thể!
Đến chập chiều thì có kết quả xét nghiệm RT-PCR. Thân âm tính cả hai loại xét nghiệm. Một người đàn ông đã luống tuổi từ khu điều trị ra khu khám bệnh gặp Thân. Chiếc mũ trắng trên đầu ông còn để lộ ra những sợi tóc muối tiêu. Ông là bác sỹ, phó phòng kế hoạch bệnh viện. Ông ôn tồn nói cho Thân biết ý kiến của Giám đốc bệnh viện: “Bệnh viện cấp toàn bộ chi phí trong thời gian bệnh nhân Nguyễn Thị Phương nằm điều trị. Khi khỏi bệnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ liên hệ đơn vị đưa bệnh nhân về tận quê, bàn giao cho địa phương và gia đình. Còn người nhà phải tự túc. Bệnh nhân đang trong phòng hậu phẫu đặc biệt, lại đang trong dịch Covid nên bệnh viện cấm người nhà vào thăm nuôi. Mong anh thông cảm”. Ông chào Thân và mọi người rồi quay vào khu điều trị bệnh nhân.
4. Loan đưa Thân về “Nhà tạm lánh cộng đồng” của xã Phong Thanh. Thân được người trực đưa vào nhận phòng. Cô chuẩn bị phòng vừa chỉ từng phòng vừa nói với Thân: “Em được bạn Loan báo về lo cơm nước và chỗ nghỉ cho anh tối nay. Cơm em đã soạn trên bàn ăn. Anh rửa ráy rồi ăn cho sốt. Ăn xong bát đũa anh để nguyên trên bàn, sẽ có người đến dọn. Đây là phòng ngủ. Phía trong phòng này có hai buồng nhỏ. Buồng bên phải là nơi đánh răng, rửa mặt và tắm. Xà phòng, thuốc đánh răng, bàn chải, khăn sạch em đã để ở trong đó. Buồng bên trái là khu vệ sinh. Nước nôi tắm giặt, điện đóm ở đây ổn định. Giường chiếu, chăn màn sạch sẽ. Nước sôi, trà có trên bàn nước. Nếu cần thêm nước sôi thì có ấm siêu tốc để ở ngăn dưới của bàn. Đêm có gì đặc biệt, anh gọi điện thoại cho trạm y tế. Trạm y tế ở khu nhà bên tay trái, cách đây khoảng 50 mét. Điện thoại đặt trên bàn đầu giường, số gọi khi cần, ghi và dán trên mặt máy, đó anh! Ông chủ tịch xã, là trưởng ban phòng chống dịch Covid xã em, nói: “Anh tạm nghỉ ở đây đêm nay. Ngày mai, nếu ở lại thì có người hướng dẫn anh sang khu cách ly tập trung của huyện, như những người dân địa phương mới từ vùng dịch về quê. Anh dùng bữa tối rồi nghỉ! Em về nhé!”. “Cảm ơn em!”.
5. Người trực ra khỏi phòng. Thân nằm ềnh xuống giường. Các khớp xương rã rời. Người ê ẩm. Mắt díu lại. Anh cảm thấy như có người đang dẫn anh vào một miền vắng lặng lạ thường. Bỗng anh thấy bố. Bố nói gì mà anh chỉ nghe câu được, câu chăng. Rồi bố đến gần anh hơn. Giờ thì anh mới nghe rõ: “Biết mẹ con phải vào bệnh viện để mổ, từ Vị Xuyên bố về liền. Mẹ con mới tỉnh nên bố chưa hỏi han được nhiều. Mẹ con đã qua cơn nguy kịch. Bố nghe các bác sỹ nói với nhau: “Bệnh nhân ổn rồi!”. Bố còn nghe hai đứa cháu tranh luận với nhau. Thằng Chiến: “Em nghe các bác sỹ nói bà bị vỡ khối u ở đoạn ruột già!”. Con Tuyết: “Chị cũng nghe thế. Về sau, còn nghe hai cô bác sỹ từ trong nhà mổ đi ra nói chuyện với nhau, phải đưa một đầu đoạn ruột của bà ra hông làm hậu môn nhân tạo”. “Hậu môn nhân tạo là giống như ông Tường xóm ta ấy à? Ông ấy đi bệnh viện cả tháng mới về. Giờ đi đâu cũng đeo cái túi giấy bóng kè kè bên hông! Anh Toàn bảo là ông ấy phải để hậu môn nhân tạo”. “Ừ! Đại loại là như vậy. Nghe chừng là căng! Không biết bố mẹ giờ đã về đến đâu rồi! Trên trời, máy bay ngừng bay. Dưới đất, tàu hỏa, ô tô không được chạy tỉnh này sang tỉnh khác. Ông thôn trưởng gọi điện vô báo cho bố mẹ biết phải đưa bà đi bệnh viện tỉnh để mổ. Gọi điện cho bố mẹ xong, ông ấy thở dài rồi nói bố mẹ phải về bằng xe máy nên ba bốn ngày nữa mới về tới nhà! Mọi việc giờ anh em họ hàng, làng xóm phải xúm tay vô giúp nhau thôi!...”.
... Bố ngồi xuống giường anh nằm. Bố bảo: “Vào đây thấy vợ con qua được cơn nguy kịch là bố mừng rồi! Giờ con nằm sấp lại để bố bấm huyệt ở lưng và bóp vai cho”. Tay bố chuyển đến đâu là anh hết đau mỏi đến đấy. Khi bóp hai vai, bố thấy anh đeo sợi dây bạc có đính cái răng nanh hổ, bố nhắc: “Ngày con cùng mẹ ra sân đình tiễn bố đi bộ đội, bố đã cởi cái dây này từ cổ bố đeo sang cho con. Cái dây này ông nội đeo cho bố từ nhỏ, để khu phong, trấn quỷ trừ tà, mang lại nguyên khí, tài lực!... Khi đeo nó cho con, bố nghĩ để kỵ sương gió cho con là chính, và về một khía cạnh nào đó, cái dây còn giống như quý nhân phù trợ cho con! Mẹ con bảo: “Đi chiến trường nơi bom rơi, đạn nổ bố nên đeo nó cho kỵ chứ!”. Bố bảo: “Đeo cho con vì con là tương lai của bố mẹ! Lên biên giới bố đã có đồng đội ở bên trợ giúp!”. Mẹ đã khóc.
Ngày bố đi anh còn nhỏ nên về mẹ cất giữ cái dây cho đến lúc anh ra lớp 1 mẹ mới lấy ra đeo cho anh. Lớn lên với đời, nhiều lúc nghĩ cứ như anh có quý nhân phù trợ thật. Này nhé, trong thành phố anh được bạn bè mách dẫn cho anh gặp được ông chủ cho thuê nhà tốt bụng. Những năm vợ chồng anh làm lụng, buôn bán đã có tiền. Mẹ và vợ chồng anh đã sửa sang lại ngôi nhà cổ tổ tiên để lại, làm thêm mấy gian nhà mái bằng, sửa sang vườn ao, làm khuôn viên nhà thêm sáng sủa... Mẹ anh không may bị bệnh, ở nhà được anh em họ hàng, bà con chòm xóm giúp đỡ đưa đi viện. Trên đường về, vợ anh không may bị bệnh được “Trạm tiếp sức người hồi hương xã Phong Thanh” và bệnh viện cứu chữa... Anh hỏi bố: “Trạm tiếp sức người hồi hương Phong Thanh nhiệt tình giúp đỡ con. Có người còn hiến cả máu truyền cấp cứu cho vợ con. Ơn trời bể của mọi người không biết lấy gì mà đền đáp. Người hiến máu cho vợ con còn rất trẻ. Anh ta hoạt bát và thông minh. Hay xin bố cho con lấy sợi dây bạc có chiếc răng hổ này tặng lại anh ta! Gọi là một chút kỷ niệm!”. “Cũng được!..., ứng vạn biến mà con! Đối diện với những việc làm trong khó khăn là một trải nghiệm. Phải biết trải nghiệm, vì cùng với thời gian, sự trải nghiệm giúp con người chín chắn hơn, trưởng thành hơn, biết mình, biết người! Hãy nhớ: “Đức năng thắng số!”, con nhé!...”.
Có tiếng tít tít của điện thoại làm Thân giật mình, mở mắt ra. Đèn điện sáng choang. Không thấy bố đâu nữa. Hóa ra nãy giờ là anh mơ...! Đúng rồi. Là mơ!... Bố anh đã hy sinh trong chiến tranh biên giới rồi kia mà!
... Tiếng tít tít vẫn kêu như giục giã. Anh nhìn màn hình sáng. Là Zalo của Phương. Anh chộp lấy cái điện thoại. Trên màn hình hiện lên người nữ áo trắng. “A lô... Anh Thân phải không?”. “Dạ! Dạ!...”. “Anh nói chuyện với chị Phương nhé!”. “Dạ! Dạ!...”. Thân thấy những bệnh nhân nằm trên giường trắng toát, những chai thuốc và dây truyền chạy thoáng nhanh trên màn hình. Rồi anh thấy Phương cũng nằm trên giường nệm trắng. Phương cười với anh. Giọng Phương thỏ thẻ, nhẹ như gió bay: “Sống rồi! Anh đừng lo nữa nhé! Mẹ thế nào rồi anh?”. “Em yên tâm. Mẹ ổn rồi. Bác Mùi và các con mới gọi cho anh. Em ổn là mừng rồi!”. “Em ổn! Có cô y tá bên cạnh đây nè. Cô ấy đang giúp cho em nói chuyện với anh đấy. Anh phải về xem mẹ thế nào. Về ngay đi! Nhỡ mẹ có mệnh hệ gì thì một mình vợ chồng bác Mùi lúng tú…ng…!”. “Em đừng lo! Còn có bệnh viện, có bà con làng xóm bên cạnh vợ chồng bác Mùi!... Cố gắng lên! Mẹ ổn rồi!”. “Thôi nh…é! Hẹn gặp lại!...”. Thân còn nghe tiếng cô y tá hỏi Phương trong máy: “Mẹ em ốm à?”. “Là mẹ chồng em!”. Rồi lại giọng cô y tá: “Anh Thân à! Vui lòng nhé. Để chị nhà nghỉ nhé!”. “Dạ! Cảm ơn cô nhiều!”. Màn hình điện thoại tối trở lại.
6. Sáng rõ. Thân gọi Zalo cho Phương. Phương bắt máy. Trên màn hình Thân thấy Phương đã tỉnh táo hơn. Phương cười rạng rỡ. Giọng nói ấm hơn, gọn hơn. Trong câu chuyện giữa hai vợ chồng, Phương vẫn nhắc nhiều đến chuyện anh phải về quê chăm mẹ...
Thân trả phòng. Anh ra cảm ơn những người trong “Trạm tiếp sức người hồi hương” để vào bệnh viện. Anh không thấy Thủy. Anh gửi lại chị trưởng trạm gói giấy có chiếc răng hổ bọc bên trong. “Nhờ chị chuyển vật này đến anh Thủy dùm tôi.”. “Anh gói gì trong đó?”. “Cái dây có chiếc răng hổ bố tôi cho tôi khi ông lên biên giới chống Tàu!”. “Thủy là em trai tôi, không chỉ có lần này Thủy hiến máu cho chị nhà mà trước đây Thủy đã nhiều lần hiến máu cứu người. Cũng có người cảm ơn và tặng quà. Dù rất quý, nhưng Thủy không nhận quà của bất kỳ ai. Ở đây là vậy, anh à!”. Thân phân trần: “Anh Thủy không tiếc máu mình để cứu vợ tôi, tôi muốn tặng anh cái dây này làm kỷ niệm”. “Thay mặt Thủy tôi cảm ơn anh. Nhưng nhận quà thì không!”. Thân bần thần. Chị phụ trách trạm chúc mừng ca mổ của Phương đã thành công và chị trao cho Thân một cái phong bì và nói là của một nhà hảo tâm trong xã, được biết vợ anh và mẹ anh phải mổ cấp cứu, người ấy đã hỗ trợ anh năm triệu đồng. Thân cảm động, anh run run nói với chị trưởng trạm: “Trạm ta và bệnh viện đã giúp vợ chồng tôi nhiều rồi. Xin trạm giữ lại giúp người khó khăn hơn”. “Đây là người ta gửi chúng tôi chuyển đến tận tay anh để lo cho chị nhà và bà cụ. Chúng tôi không có quyền chuyển cho người khác”. “Thế chị cho tôi tên và địa chỉ của người ấy để khi về quê tôi viết thư vào cảm ơn”. “Người ấy yêu cầu chúng tôi không cho anh biết tên mình. Mong anh thông cảm!...”.
Thân đi thẳng vào cổng khu điều trị. Người bảo vệ ngăn anh lại và chỉ cho anh rẽ sang phòng làm test Covid như mọi người trước khi vào bệnh viện. Anh trình bày với người bảo vệ mình là chồng bệnh nhân Nguyễn Thị Phương trên đường hồi hương mới được bệnh viện mổ cấp cứu hôm qua. Anh đã được bệnh viện làm 2 loại xét nghiệm, đều có kết quả âm tính. Giờ anh xin được vào thăm bệnh nhân. Người bảo vệ hướng dẫn anh vào phòng tiếp dân của bệnh viện ngồi chờ và điện xin ý kiến của phòng kế hoạch bệnh viện. Một lát sau vẫn ông bác sỹ phó phòng y vụ, hôm qua Thân đã được tiếp xúc, ra gặp anh. Ông tươi cười nói cho Thân biết vợ anh đã tỉnh táo và các chỉ số sinh học đang dần trở về bình thường. Hiện tại anh không thể vào thăm được vì vợ anh đang nằm trong phòng hậu phẫu đặc biệt. Ông cũng cho Thân biết, sáng sớm nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh điện báo cho bệnh viện biết là xí nghiệp Z112 đã đăng ký nhận đưa bệnh nhân Nguyễn Thị Phương về quê khi bệnh nhân được xuất viện. Anh cứ an tâm về quê mà chăm mẹ già đang mổ.
Thân lại gọi Zalo cho Phương. Trên màn hình Phương nhìn anh, mắt Phương rưng rưng. Phương hỏi anh còn nấn ná chi nữa mà chưa về. Phương giơ tay vẫy chào: “Về đi! Em đã bảo anh là đừng lo. Em ở đây đã được bệnh viện chăm sóc chu đáo. Mọi trục trặc rồi sẽ qua! Anh nhớ nói với mẹ là em còn ở trong thành phố để giải quyết một số việc rồi về sau nhá! Đừng nói em bị bệnh. Nhớ nhá! Em chúc anh thượng lộ bình an!...”.
Phương tắt máy.
Thân nổ máy cho xe chạy ra đường lớn và nhập vào dòng người hồi hương.
27-2-2022
N.H.S