Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Rỗng làng
Rỗng làng

- Thằng Cò đứng úp mặt vào tường. Thằng Vêu cất cái vung nồi cho ông. Con Thêu đưa cái roi đây. Gớm, lũ giặc!
Trông nom bốn đứa cháu với bốn ngôi nhà cao ba tầng nhễ nhại sơn màu chung quanh ngôi nhà thấp tè của mình suốt ba năm qua, ông bà Đoán bắt đầu thấy mệt. 
Đánh ư, ông bà không dám ra tay với các cháu. Chỉ dám quát, nạt. Mà “lũ giặc” không ăn đòn thì cứ nhơn nhơn. Có đứa còn nhăn nhở xì hơi.
Ông bà sinh hạ được bốn người con, ba trai một gái, lo liệu dựng vợ gả chồng cho các con xong cũng rạc cả người. Ông vừa là giáo viên lớp một, vừa là công an viên của làng, còn bà Đoán “nông dân toàn tòng”. Lo liệu xong đứa nào là líu díu kéo nhau ra phố. Làng mấy chục năm nổi tiếng nghề thu mua đồng nát, nhôm gang sắt gỉ. Khô khan pha bụi bặm. Đó là cái nghề làm giả mà ăn thật. Tiền vào nhiều như nước chảy. Dân thành phố kênh kiệu chẳng quan tâm những thứ đồ cũ kỹ, coi như rác. Nhưng rác cũng là tài sản. Dân làng Trọng Mai nắm bắt được thời thế. Thành phố nhả ra cái gì thì họ ôm lấy. Thượng vàng hạ cám. Gom vào bán. Có những đơn hàng cả tỷ đồng. Kinh không! Toàn những người chân đất mắt toét biến thành đại gia. Những bàn tay thô nhám, xù xì trước đây chỉ biết vục xuống bùn đất, nhấc bổng những đống sắt gỉ, đống rác nhộm nhoạm, nay được chạm vào những xấp tiền mới coóng, còn thơm mùi mực in. Kể cả những cục tiền qua tay nhiều người đã bốc mùi mồ hôi. Nhưng lộc bất tận hưởng. Phải về kéo anh em họ hàng đi làm giàu. Người này kéo người khác. Người kia nhìn người kia nữa. Nhỏ thì gồng gánh thu gom nhỏ. Lớn mở đại lý môi giới, thu gom của người mua rong, bán theo hợp đồng. Không đi buôn đồng nát, thợ xây, công nhân thì xuất khẩu lao động. Đồng tiền xua họ đi tứ xứ. Đi thành phong trào. Đồng tiền nhấc bổng họ ra khỏi môi trường bao năm gắn bó để ném vào một môi trường khác, lắm cạm bẫy. Họ đi trong nô nức. Đi trong hoan hỷ. Đi trong tính toán thiệt hơn. Đi trong rất nhiều mưu cầu thụ hưởng và nhục dục. Đến nỗi tối tăm mặt mũi; quên cha mẹ, con cái, tổ tiên. Dân số vơi một nửa, ngoảnh đi ngoảnh lại làng Trọng Mai bỗng… rỗng hoác. 
Lúc ông Đoán nghỉ hưu thì con cái ông cũng ra khỏi làng. Mỗi đứa “tống” một, hai đứa con gửi lại ông bà. Ông bà già không làm ruộng, ở nhà trông các cháu, trở thành “giám đốc” bất đắc dĩ với bốn nhân viên lít nhít, thực chất là làm ô-sin. Khi chúng còn được bế ẵm hay học mẫu giáo thì vẫn vâng lời. Giọng thơn thớt, ríu rít như chim. Học lớp hai, lớp ba là khó quản, nhắc một câu là chúng chem chẻm cãi, mắt đảo như rang lạc. Ở quê ông bà nào cũng chiều, sợ cháu buồn, lắm khi định bạt tai, nhưng bàn tay vừa vung lên liền đóng băng trong không khí. Bọn trẻ đua đòi rủ nhau đi chơi điện tử, đá bóng, tè bậy vào miếu Đọp. “Giám đốc” không dám múa may chỉ đạo. Ruột gan thắt lại. Lại bốc điện thoại gọi bố mẹ chúng ở xa, bảo gọi điện về mắng mỏ, nhắc nhở cho chúng sợ. Song chỉ được dăm bữa, bọn trẻ lại đâu vào đấy. Đứa quậy, đứa phá. Tay chân không lúc nào dừng trêu ghẹo nhau. Thằng gào, thằng khóc. Nhức đầu.
Hôm rồi thằng Đức con trưởng ông Đoán về. Mang theo cả mùi mồ hôi dầu nặng, pha thói kệch cỡm đua chen. Ông thở dài, bảo: “Bốn con mà chẳng được nhờ, nay các anh chị đi hết, chỉ còn hai thân già bọn tôi với lũ trẻ, kèm những ngôi nhà mới mà bỏ hoang”. Ông Đoán nhấn vào mấy chữ “nhà mới bỏ hoang”.
Đức gắt:
- Bố lại thế rồi. Ngày xưa bố chả ao ước nhà cao cửa rộng, ăn uống đàng hoàng, các con không phải đói. Nay được như ý nguyện. Nhà thì bốn năm cái lừng lững, con cháu đều no đủ, tiền tiêu dư dả, thuốc bổ mua không phải nghĩ. Chỉ phải tội xa các con tí chút. Coi như một cái giá rẻ. Một sự đánh đổi nhỏ. Nhưng mà tốt thôi. Có mất mát đứa nào đâu. Bọn trẻ vẫn được sinh ra và lớn lên.
Nước bọt từ miệng Đức xóe ra, như nước tõe ra từ vết nứt nhỏ của đường ống nước.
Mắt ông Đoán hoa lên, đầu hơi gục xuống. Bà Đoán ngồi bên cạnh, lo lắng nhìn thằng con trai, nhìn chồng.
Ông Đoán chiêu một ngụm trà để lấy lại bình tĩnh, dù không muốn nói thêm lời nào, nhưng miệng ông vẫn buột ra: “Bố mẹ già rồi, bố mẹ thấy cô đơn”.
Cái nóng trườn trên mặt, đùn từ trong ra, từ bụng ra, từ hai thái dương xuống. Đức muốn vò nát không gian:
- Chỉ riêng năm nay này, tháng hai con ném về một cục, tháng ba con khuân về mười triệu, tháng sáu thằng Oánh con ông Oạch về con gửi nó đưa bố 20 triệu. Hồi giỗ cụ tháng tám gửi về một mớ. Cách đây ba tuần vợ con chớp nhoáng về cũng khuân về. Bố còn muốn gì nữa?
- Tiền… tiền của anh… bố vẫn nhét kỹ ở phuy thóc, cũng chả tiêu gì nhiều ngoài đóng học cho mấy đứa. Tiền ăn thì thằng Lễ đưa…
Đức đứng vụt dậy, tay vung loạn xạ, đầu lắc như con kẻ chợ.
- Điên lên mất. Gửi tiền để ông bà sướng. Ông bà không hưởng thì thôi còn than thở cái gì hả giời?
Ném lại sự bực dọc, người con cả khuân theo khuôn mặt căng mọng tức giận, với cái mũi to quá cỡ và hơi khoằm bỏ xuống ngôi nhà phía đông, đứng tên Đức được nghênh ngang xây dựng cách đây ba năm. Nơi đây Đức khuân về ngờm ngợp đủ thứ rượu ngâm, rượu tây để tết về thết đãi bạn bè. Đức mở cửa, bật điện, đưa cái tay vào tủ móc một chai rượu bằng cánh tay lông lá như tay gấu, như móc một con quay của trẻ con. Gã bật nắp, cứ thế tu. Đức là con cả, tiếng nói trọng lượng nhất trong gia đình. Các em trai Lễ, Nghĩa và em gái Tình răm rắp nghe lời Đức. Bởi thế Đức lấn át bố. Ngay cả nhà rượu, Đức cũng tiếng nhờ bố trông, nhưng là sai ông liên tục sang lau dọn, chống chuột bọ. Có đận Đức gọi về bảo ông Đoán đặt bẫy. Chuột đâu chả thấy, báo hại ông Đoán giẫm phải bẫy sắt, suýt mất hai ngón chân.
Tu hết nửa chai rượu, Đức xoe xóe gọi điện cho ai đó, văng tục một hồi rồi đổ kềnh ra ngáy khò khò.
*
Nhà tạm yên, bà Đoán bảo ông:
- Nó về, ông cứ nhịn đi. Biết là chẳng thay đổi được gì thì than làm gì!
- Nhưng mà… Bà thấy đấy, hai cái thân già lo bốn đứa cháu với bốn cái nhà mới xây cũng ốm, còn hơi đâu mà tiêu tiền. Chúng nó học cái thói trịch thượng ở phố, tưởng cứ khuân tiền về vứt toẹt vào mặt vợ chồng mình thì đã là có hiếu. Đấy, bệnh tật mình tự đi chữa, còn phải nhờ hàng xóm. Nếu không có hàng xóm thì tôi ngoẻo từ lâu. Thế mà cả thảy tám đứa con trai, dâu, rể, chỉ có một cuộc điện thoại.
Bà Đoán thở dài, quay vào trong. Mấy đứa cháu của bà nhảy nhót, lộn tùng phèo trong phòng, làm cho đồ đạc trong phòng cũng lộn tùng phèo. Tối nào cũng vậy, phải bắt được “bọn giặc” đi ngủ thì bà mới an tâm đặt mình xuống. Không thì đứa cấu, đứa trí. Tay này sờ chim, tay kia kéo quần. “Nhũn quá bà ơi”. Ông quát: “Ba cái tuổi ranh, cứng với ai!”. Không khí lúc nào cũng ồn ã, ỏm tỏi, chóng hết cả mặt. 
Ông Đoán nằm xuống trên cái đệm mười phân, ga màu cháo lòng cô con gái mua. Tay phải ông đặt ngang trán. Bình thường đệm êm vậy mà hôm nay ông thấy như nằm trên đống gai nhọn. Mình mẩy chỗ nào cũng đau rát. Ông lại ngồi dậy, lấy một cốc nước ấm đưa lên miệng. Ông châm thuốc lào. Ông hút dễ đến gần sáu mươi năm rồi. Cũng chỉ là hành động hít vào thở ra. Chẳng cảm giác. Ký ức ông trôi về những năm người làng bị dắt đi, bị cái đói khổ xua ra ngoài. Ừ. Cỡ năm hai nghìn. Trước đó một năm làng ông dính lụt, mùa màng, rau màu nhễ nhại mất hết. Người dân phải hò nhau lang bạt ra ngoài tìm cái ăn. Làng có nghề phụ là thu mua đồng nát, nổi tiếng đấy, nhưng lúc nào cũng nhọ mặt, chỉ quẩn quanh ở vùng nghèo. Các vùng quê lân cận đều nghèo thì lấy đâu nhiều chai lọ, sắt gỉ, đồng, gang vụn mà bán? Một số người trẻ mới lập gia đình được mở mắt đầu tiên, liền tìm cách kéo vợ hoặc chồng cùng đi, quyết hy sinh đời bố củng cố đời con. Cõi nhân gian vốn thế, con người phải vươn tới nơi có thể sinh ra cái ăn, cái mặc. Năm năm sau phong trào xuất khẩu lao động tràn về xã, chui vào từng thôn, bò vào ngõ xóm. Đâu đâu cũng phồng má bàn tán chuyện ngồi mát ăn bát vàng. Cảnh sung túc, giàu có được vẽ ra bằng sắc màu ngôn ngữ bóng loáng. Nước ngoài được coi là vùng đất hứa, đất thánh, nơi có thể đến xúc về ngoại tệ, đô la. Làng trên đi được thì xóm dưới học theo. Nhưng “bài toán xuất khẩu” ác quá. Năm đầu tiên đã sinh hậu họa. Chồng đi thì ở nhà vợ hư, cậy giá má hồng. Vợ đi thì chồng ở nhà cờ bạc, gái gú. Thói xấu ngấm quá nhanh vào mạch máu làng. Cái hư như thứ dịch khiến rất nhiều người từng cần cù lao động trên đồng sinh thói dửng mỡ. Người già yếu ở lại, đau đáu, hy vọng, bỏm bẻm chờ trông, với khuôn mặt rười rượi buồn. Là người suy nghĩ nhiều, ông Đoán thấy đau. Ông thường tâm sự với ông Thống, Hiệu trưởng trường tiểu học ở xã, nay đã nghỉ hưu, cùng mấy ông bạn già. Những ông bạn già khác cũng một nách mấy cháu, coi những ngôi nhà hoang. Ác hơn, đám con cháu có tiền liền về vời “các cụ” ra phố để được cháu con phụng dưỡng. Tiếng là vậy nhưng thực chất là “ô-sin” cho con.
Ông Đoán và ông Thống bị bỏ lại. Chuyện trò nhiều nhất vẫn là đề tài trông cháu. Ông Thống làm “giám đốc” trông trẻ, hai vợ chồng gánh gồng tám đứa. Cũng may hai đứa lớn học cấp ba đỡ đần ông bà được tí chút. Con cái ông Thống làm ở Hàn Quốc… Ba con, cộng dâu rể là sáu, tất thảy đều làm việc nước ngoài. Nói ra thì sang cái mồm. Các con sắm cho ông Thống nào áo khoác, mũ, quần, giày, cà vạt… toàn hàng hiệu. Mà nào ông có thời gian chưng diện. Mở mắt ra lo cháu, lúc đi ngủ vẫn nhức đầu vì cháu. Có lúc, ông Thống than với ông Đoán: “Bọn trẻ ở mãi làng thì nghèo. Nghèo nhưng tình làng nghĩa xóm giàu có. Người ốm ho một tiếng là ai cũng biết. Nhà này sang nhà kia lúc nào cũng được. Nay nhà cao tầng, nhưng lạnh lẽo, cổng khóa im ỉm. Tường rào xây cao ngất, vừa gắn mảnh chai, vừa chăng dây thép gai. Nhìn đến kinh!”.
Đang miên man nghĩ, ông giật mình khi bà Đoán đi ra.
- Ông không ngủ đi, còn ngồi đây làm gì?
- Bọn giặc ngủ rồi à?
- Ừ.
- Giặc bố rồi đến giặc con. Giá cứ nghèo như xưa…
Bụng ông hơi tức. Chắc lại chứng đau dạ dày. Bà Đoán hạ người xuống bên ông, bật một tiếng thở dài:
- Thôi ông ạ, đừng nghĩ sầu mà làm gì. Con cái chúng nó đi xa, chắc cũng phải khổ lắm mới kiếm được đồng tiền. Chúng nó mang tiền về cũng là có hiếu rồi. Chết cũng không lo thiếu cái ăn.
- Tiền? Tiền ư? Tưởng tiền của chúng nó mà to à! Trước đây thì đứa nào cũng uốn lưỡi nói thương cha, thương mẹ. Bây giờ gọi điện chúng còn chẳng thèm bốc máy. Chân sau vừa kịp bước về thăm bố mẹ thì chân trước đã đòi đi bù khú…
Ông chợt khựng lại vì nghĩ ra mình đã vô cớ nặng lời với vợ. Hơi thở dài hắt ra từ đáy sâu tâm khảm. Ông nghĩ, bà ấy nói cũng đúng. Chẳng gì thì chúng nó cũng xây được nhà, cũng biết biếu bố mẹ tiền. Với lại, cái cô đơn trống vắng diễn ra ở cả làng này chứ có chừa nhà nào. Ông bà nào chẳng chịu cái cảnh trẻ thì nai lưng làm nuôi con, già vừa trông cháu vừa ngóng con.
Nghĩ nó chán, ông Đoán ngả người xuống rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết. Sáng sau tỉnh dậy thì Đức đã đi rồi. Gã lùi xe hơi còn làm vỡ một mảng tường, sứt một gốc cau vua. Ông không tiếc gốc cau, nhưng trong tim rỉ máu, như thể Đức đã cắt vào đó.
*
Chăm cháu mệt, nhưng lâu dần cũng quen. Rồi một ngày kia, các con ông Đoán về mang hết các cháu ra thành phố. Còn chừa lại đứa con gái năm tuổi của thằng Lễ là cái Vuông. Chúng bảo bây giờ thuê ô-sin cũng tiện, có tiền là có tất cả. Họ sẽ chăm sóc cho lũ trẻ, đỡ làm ảnh hưởng “ông bà già”. Ông bà Đoán thành ra hẫng hụt. Trước đây ông bà dành nhiều thời gian cho các cháu, nay chỉ còn cái Vuông. Bà Đoán không gửi nhà trẻ, ông bà tự trông. Rảnh việc nên mỗi ngày ông bà quét tước nhà cửa vài lần. Thứ phải mua nhiều nhất lúc này là các loại chổi. Chổi quét ngoài sân và trong nhà. Quét nhiều chổi rễ, chổi lá nhanh hỏng, ông Đoán mua thêm mấy chậu cảnh về chăm. Cây cối nhu mì như lòng người. Nhưng ông cũng chẳng tiêu vào đâu cho hết thời gian, vì bà Đoán tranh hết phần trông cái Vuông. Có lúc ông Đoán lảm nhảm với mấy cái cây trong chậu, cánh hoa ngoài vườn. Y như người bị ma làm. Bà Đoán lắc đầu: “Ông này lẩn thẩn rồi!”.
Nhiều người làng gửi thêm về xây nhà. Xây như một cách giữ vốn, găm tài sản. Xây để thể hiện giàu có, sang chảnh, mát mặt với thiên hạ. Làng thành đại công trường, suốt ngày ì ọp máy móc, thợ thuyền. Trong cái om sòm của việc xây dựng, những người còn lại ở làng nhìn nhau mà thấy sầu. Lúc nào khuôn mặt cũng như đưa đám. Có của xây nhà, nhưng vẫn thở dài: “Xây xong, lại bỏ hoang”. 
Có đêm ông Đoán bần thần ngồi ở hiên nhà thằng Đức, con cả. Lũ chó hàng xóm đến ve vãn con chó nhà ông. Chúng hộc lên. Bọn động dục kêu ăng ẳng. Lại không ngủ được, ông Đoán thường thức đêm. Hai mắt u hoài màu tối. Thời gian nghĩ của ông dài thêm. Ông trồng hoa quỳnh. Đêm về ông đợi hoa nở. Bà Đoán xót xa: “Ông ấy lẩn thẩn thật rồi!”
Một hôm thằng Đức đánh xe hơi, khuân cục tiền lớn về đặt trước mặt ông Đoán.
- Con đập nhà con đi xây lại bố ạ. Xây to hơn.
- Anh xây để làm gì? - ông Đoán tròn mắt - Nhà như vậy đã to rồi, còn bỏ không. Đập đi xây lại, người ta bảo hâm đấy anh có biết không? Tiền có, mình cứ cất đi hoặc gửi ngân hàng đề phòng bất trắc.
- Ý con đã quyết.
- Quyết cái con khỉ! Tôi là bố anh mà nói anh không nghe à? - ông Đoán làm găng.
Gã con cả vờ dịu giọng:
- Khổ lắm. Chúng con là con của bố. Nhưng thời của bố qua rồi. Giờ làng này nó nói chuyện với nhau bằng đống tiền, cái nhà. Chúng nó không kham khổ, nhún nhường như thời của bố nữa.
- Tôi không nói chuyện bằng tiền. Tôi nói bằng lối ứng xử tình làng nghĩa xóm. Mặc xác các anh chị mang cái gì về. Đừng làm ô nhiễm cái làng này bằng thói thô tục.
- Bố ơi. - Đức rít lên - Bố cổ hủ quá rồi. Tất cả dân làng nó đi, nó ngấm hết cái độc vào người rồi. Hết thuốc chữa rồi. Giờ chỉ có tiền thôi. Bố đừng làm vướng chân bọn con.
Ông đành nín thinh. Biết là không thể cản được. Tiền nó kiếm được mà. Đất đai ông bà cũng đã chia, đứa nào có phúc, có phần đứa nấy, sổ sách sang tên. Ông chả có quyền hành gì nữa. Có hay chăng là cái uy của một người cha và tình phụ tử. 
Đức nhờ người gọi thợ, tính toán chi phí phá dỡ nhà cũ, thuê thiết kế nhà mới với lối kiến trúc Pháp. Ở làng mấy mẫu nhà đang được đua đòi học theo. Do khổ đất không đủ xây dựng biệt thự nhưng người làng đua đòi học theo một phần. Toàn ông chủ buôn sắt vụn đú đởn khuân tiền về. Đức hỏi dò ngôi nhà xây tốn tiền nhất làng lúc này là của thằng Khả ở xóm Trại. Chỉ tính riêng tiền đầu tư vật liệu và công thợ, số tiền đã lên đến tỷ rưỡi. Ở làng quê xây nhà tiền tỷ sẽ gây choáng váng dân làng. Đức quyết đầu tư hai tỷ. Chưa kể nội thất nhá. Chịu chơi chưa!
Nghe đến số tiền ấy, ông Đoán toát mồ hôi. “Trời ơi mày lấy đâu ra tiền để xây nhà to như thế? Mà ở làm sao hết ba tầng với cả chục phòng?”. Lúc nghe thế ông còn suýt ngã. Đức cười hềnh hệch: “Bố già rồi, cứ để bọn con lo. Con không đủ tiền thì mấy em góp lại. Bố con mình phải hoành tráng. Không thì người làng nó khinh. Đại gia đình mình đi ra ngoài làm ăn cả cơ mà”.
Chỉ một tuần sau đã có nhóm thầu đến dỡ nhà cho Đức. Người nhận đống phế thải xây dựng về đổ lấp hồ là chú Quèn. Tiền công chuyển chú chi. Chỉ trong ba ngày mọi thứ đã được dọn sạch sẽ, dành mặt bằng cho đội thầu xây dựng về đo đo, vẽ vẽ. Đội này sở hữu những thợ nề được đánh giá uy tín và tay nghề tốt ở vùng nông thôn này. Chủ thầu cũng là người có tí học hành kiến trúc đàng hoàng. Từ ngày thi công công trình, Đức về quê rồi trở ra phố liên hồi, như con thoi. Đức nói mấy câu cầu hòa, xoa dịu bố: “Thôi thì con đã làm rồi. Bố ủng hộ. Có gì giám sát việc xây dựng giúp con. Người ra, người vào thợ nó cũng nể. Con thì còn phải chạy. Trên kia người ta cũng đập cũ xây mới, lượng giao dịch nhiều lắm”. Ông Đoán gật. Đành vậy chứ sao. Ông là bố, dẫu sao nó cũng nói được lời. Thằng Lễ, thằng Nghĩa, cái Tình cũng liên tục gọi điện về hỏi ông về tiến độ. Khách đi qua, nhìn thấy không khí xây cấp tập, rộn ràng, khen nhà ông Đoán có phúc, nhiều của, nhà mới xây nhưng đã rộng tay đập bỏ cho người khác mang về lấp hồ, gạch cũ cho người ta xây hố xí, còn mình xây nhà khác. Chơi trội quá. Lúc đó ông Đoán chẳng biết giấu mặt vào đâu. Mang tiếng xa hoa. Ông bảo: “Là các cháu chúng nó tính toán, làm ăn. Tôi già rồi”.
Người làng tưởng chỉ Đức mới phá ngôi nhà mới xây đi, đặt ở đó một căn to gấp đôi, gấp ba. Ai dè bốn năm ông mãnh của làng làm như thế. Nhiều người khác có tiền tranh thủ xây công trình. Chung chí hướng ư? Không phải. Con gà tức nhau tiếng gáy? Phải! Thói ganh đua đã bò về đây từ khi nào? Hay là mầm đú đởn của những gã giàu xổi đã trỗi dậy? Những xác nhà như đang thay máu lần nữa, với đầy sự phởn phơ, đua chen. Những con đường oằn oại dưới bánh xe tải. Những cái ngõ xóm nát bét. Những hàng cây ô-dô, cúc tần bị băm nhừ. Tất cả nhường chỗ cho bê tông cốt thép, gạch ngói vôi vữa. Người già không phanh được. Họ xót lòng nhưng lực bất tòng tâm. Họ sống trong những trận gió thổi cát rào rào. Cát bay vào mâm cơm, bay vào miệng, vào giường nằm.
Một hôm, ông Đoán đứng hóng cháu dưới chân công trình thì thằng Lộ đi ngang qua, hỗn xược nói:
- Thằng Đức, thằng Lễ, thằng Nghĩa nhà ông là cái đinh gỉ. Tôi xây nhà lần này còn có cả hầm để xe, hầm rượu, nhá!
Ông chưa kịp nói gì thì Lộ đã vác mặt đi. Vác cái đầu trọc lóc đi. Vác cái bản mặt bự thịt bóng nhẫy mồ hôi bước đi. Hai bàn tay Lộ bơi bơi kềnh càng như con gấu.
 Lần khác, thằng Bình con ông Định, nghe nói phát đạt về đường đồng nát, đi qua vênh váo:
- Đẳng cấp nhất làng thì phải là thằng Vũ Bình này. Họ Trần, họ Hoàng gọi tôi bằng cụ. Họ Nguyễn ăn thua gì với họ Vũ nhà tôi. Nhà của thằng Khả xóm Trại lúc này cũng bé tí.
- Anh Bình ạ - ông Đoán dõng dạc - Tôi không ăn thua gì với các anh. Tôi với bố anh là chỗ thân tình. Các anh làm ăn phát đạt, dựng nhà cao cửa rộng, chúng tôi rất mừng. Nhưng đừng vì thế mà xóa đi lễ nghĩa, tình làng. Làng chúng ta mới chỉ phát triển được ít năm.
Là nhà giáo và công an viên đã nghỉ hưu, nhưng ông Đoán còn tham gia công tác mặt trận, gìn giữ an ninh làng xóm. Lại là người hiểu lễ nghĩa nên ông nói rất thấm thía.
Bình ưỡn tấm ngực của kẻ bự con, đứng trước ông già có phần hom hem:
- Chúng tôi cóc cần vào cái lễ nghĩa. Đã đi ra ngoài là phải ngẩng cao đầu. Phải đẳng cấp. Về làng cũng phải đẳng cấp. Cuộc đời bây giờ nó khác rồi.
Vết sẹo to như con rết trên trán của Vũ Bình bỗng đỏ au, giật giật. Dấu tích của trận đánh nhau với hàng xóm tám năm trước.
Biết là có nói cũng chẳng lợi lộc gì, ông Đoán lui về. Vũ Bình vốc một nắm cát, tung lên trời, bỏ đi, khằng khặc cười.
Bọn trẻ đang găm dao vào tim người già. Mấy ông già làng gặp nhau, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Bọn trẻ còn đưa đẩy câu móc, câu kháy, không muốn các ông già nói chuyện. Trước đây ông Đoán với ông Định gặp nhau, tay bắt mặt mừng, có ấm chè ngon cũng gọi. Nay thấy nhau tránh đi đường khác.
*
Nhà xây gần xong, các con ông Đoán gọi nhau về họp bàn. Ông đứng bên ngoài nghe mà buốt ruột, nẫu gan. Lúc đầu thằng Đức phân tích, nhà của thằng Khả xóm Trại to nhất làng. Nhưng nó đã trở nên nhỏ. Thằng Vũ Bình tuyên bố lúc này đó là căn bé tí cơ mà. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Đức bảo: “Xây to hơn bố con thằng Bình, lão Định nhá”. Lễ bảo: “Làm gần xong rồi, to thế nào được nữa?”. Nghĩa chen: “Cơi nới thêm, thêm tầng”. Đức chém tay: “Đúng, chú Nghĩa có lý. Thêm tầng, thêm cổng hoành tráng. Bọn chúng phải ngửa cổ”. Lễ hỏi: “Tiền còn không?”. Cô út Tình bảo: “Nhà em còn. Vay thêm bên nội cũng được nửa tỷ”. Đức gật đầu. 
Không chịu nổi cảnh con cái đua chen với người ta, ông Đoán quay vào, dõng dạc:
- Các con dừng lại đi được không? Đừng làm cái việc vô nghĩa này nữa. Người ta cười cho.
- Nhưng mà con hận - mặt Đức đỏ au, nóng giẫy - Chúng nó thách thức nhà ta. Chúng con không nuốt được nhục.
- Nhục cái gì? Các anh chị vẽ chuyện, đua chen hơn thua nhà cao cửa rộng. Tôi không ủng hộ một tí nào.
- Vậy bố cứ để chúng con làm. Nó bắn tin đi bắn tin lại, thách thức chúng con. Còn bảo họ nhà ta nghèo. Nghèo thì hèn. Hèn từ xưa đến nay vẫn chưa ngẩng đầu lên được. Tiên sư nhà chúng nó chứ! Thôi. Tiền chúng con kiếm được. Thể diện của họ nhà ta chúng con phải giữ cho bằng được.
Đức không nói với ông Đoán chuyện ngày xưa, gã thích cô Lụa nhưng bị Vũ Bình chinh phục mất. Khi quay ra tán tỉnh cô Yến “tễ” được thời gian thì bị thằng Lộ hớt tay trên. Lộ đưa bố đẻ đến nhà Yến “tễ” thuyết phục, tung ra những mối hời khó cưỡng. Bố thằng Lộ còn là đồng đội với bố của Yến. Gia đình Yến ngả về phía Lộ. Đức tức tối, hận nhà mình nghèo. Cái thời “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” mới chỉ bị xua tan ở làng Trọng Mai được hơn chục năm. Ngày xưa ở làng, trai gái tán tỉnh, yêu nhau đấy, nhưng không cưỡng nổi những phép tắc ngoài tình yêu. Ngày đó Đức không chỉ bị nẫng tay trên, còn bị chế giễu. Thì ra thói đố kỵ nảy nòi từ đó. Nó ngấm vào máu Đức. Nó mọc thành cây hận. Cả bọn thách thức nhau âm thầm mưng mủ nhiều năm qua ở làng. Khi kéo nhau đi làm ăn xa vẫn chưa nguôi yên. Những kẻ kiếm được mớ tiền mang về làng lại ta đây thể hiện. Thể hiện thành phong trào, rầm rộ như khi kéo nhau đi. Thằng Lộ, thằng Bình coi mình trên phân kẻ khác, kể cả mấy anh em Đức, Lễ, Nghĩa, Tình hiểu tâm trạng anh cả. Thể diện của anh cả là thể diện của cả dòng họ. 
Đức vừa có ý định bảo thợ xây thêm một tầng thì Lộ và Bình nghe lỏm được, tăng thêm hai tầng nhà mình. Hai gã chọn các loại gỗ dổi và lim quý để làm cửa. Ngôi nhà của Lộ và Bình một như cung điện, một như biệt thự. Đồ gỗ nội thất được kéo về ầm ầm, bóng láng. Họa tiết, phù điêu từ tầng một trở lên cầu kỳ phong cách, đèn chùm kiểu giả cổ sáng choang. Chiếc cổng của Vũ Bình nguy nga hiện lên với mấy cây cổ thụ giá hàng trăm triệu được bứng về trồng trong khuôn viên. Bình đổi ô tô, ưỡn ẹo cho vợ con lên xuống, guốc cao, váy ngắn. Nhiều người nhìn vào thèm thuồng. Cánh thanh niên choai choai nuốt nước bọt. Người ta ra ngoài nó phải thế mới đáng. Mát mặt họ Vũ quá. Đức biết không thể đua được. Gã không dám mua cổ thụ về trồng. Thế đất này không còn chỗ nhồi. Cố tình trồng cổ thụ, không gian nhà sẽ bị nuốt mất.
Tưởng rằng Đức sẽ an tâm không nghĩ nữa. Một hôm Đức lại họp mấy anh em. Đức bảo Nghĩa: “Hay là đập cái nhà chú đi. Ta mua cả chục cổ thụ về trồng chỗ đó. Làng nó lác mắt ngay”. Nghĩa giật mình. Miệng suýt méo. Lễ bảo: “Thế đâu có được. Bố không cho đâu”. Đức bảo: “Chúng ta kiếm ra tiền. Bố cổ hủ rồi. Kệ bố”. Tình chen ngang: “Nhưng lực của chúng ta hết rồi. Mỗi cổ thụ lúc này ít cũng vài trăm, nhiều thì cả tỷ. Chúng ta kiếm đây ra sáu, bảy tỷ để trồng cả chục cây?”. Đức gõ ngón tay lên trán. Nghĩa hiến kế: “Đi vay. Ta có sổ đỏ”. Tình phân bua: “Trả lãi và gốc ngần ấy đâu đơn giản. Chuyện làm ăn thì nay kiếm được, mai treo niêu”. Đức lại gõ ngón tay lên trán, thở dài, mồ hôi tóa ra. Không gian đậm đặc căng thẳng. Đức trấn an: “Mai anh ôm tất cả sổ đỏ đi hỏi xem cầm được bao nhiêu”. Nghĩa bảo: “Anh cả cứ làm vậy xem thế nào?”.
*
Cầm xấp sổ đỏ đi hỏi mấy nơi, Đức chỉ nhận được cái gật đầu cho vay ba tỷ. Hỏi bè bạn, mối thân, họ bảo giờ giá cổ thụ không rẻ. Đại gia nhiều như muỗi. Toàn kẻ sành chơi. Cổ thụ tăng giá vù vù. Ba tỷ chỉ ướm được hai cây, đấy là trót lọt. Không thì… Đức đặt sổ tại ngân hàng, lấy ra bọc tiền, phóng xe đi gặp đại gia chuyên buôn cổ thụ. Gã buôn cây cho Đức xem ảnh trước. Đó, lấy hai cây hoành tráng này. Một cây muỗm, một cây bồ đề. Mỗi cây trị giá bằng một cái nhà to, bằng hai, ba cái nhà bình thường. Một nửa số tiền đã được đặt. “Vườn nhà thằng Vũ Bình toàn cây hàng cháu chắt. Nó sẽ co dúm vào cho mà xem”. Đức nghĩ. Ngày bứng cây đã được định.
 Đức đánh xe đi hỏi vay thêm tiền mặt. Gã dự tính mua hai cây nho nhỏ nữa. Cổ thụ phải quần tụ, như đại gia đình vững chãi. Nhưng bí tiền. Ai có của thì gã đã hỏi rồi. Dân trong làng xuất khẩu lao động gửi tiền về cũng tranh thủ xây nhà. Giữa lúc đang rối bời thì ông Đoán gọi điện: “Các anh về mà xem, nhà đại gia Vũ Bình sập rồi”. Đức từ thành phố phóng về.
Nhà Vũ Bình sập thật. Móng làm không chắc. Nền đất yếu, gã làm một tầng hầm, hai tầng nổi. Lúc ganh đua hứng lên chồng thêm hai tầng nổi, thành bốn. Dáng nhà sai mẫu thiết kế ban đầu, quá tải. Nền đất không chắc. Cộng thêm bọn thầu ăn bớt lõi thép, xi măng bị rút. Con xe để trong hầm mới hoàn thiện bị gạch ngói đè cho dúm dó. Vũ Bình đi tong đời rồi. Người làng bàng hoàng. Họ Vũ bàng hoàng. Khắp nơi dân đổ về nhòm ngó vì tò mò. Sao có thể sập được nhỉ? Vũ Bình thất thần. Cũng may không thiệt hại người. Vợ con Bình kêu khóc thống thiết. Đức rẽ qua nhà Vũ Bình, vờ vĩnh chiêu thêm dầu vào lửa: “Mong ông bạn tai qua nạn khỏi”.
Cánh thợ được thuê phá dỡ nhà Nghĩa trồng cổ thụ đã đưa máy đến. Đức chỉ đạo bên này, rổn rảng nói bên kia. “Phen này chả bố con thằng nào hơn gia đình ta”. Gã nhủ và thầm nghĩ, một mai những cổ thụ được trồng ở chỗ này, người ta sẽ phải trầm trồ sự chịu chơi của họ Nguyễn. Trưa hôm đó, đang vui mừng uống rượu cùng anh em thợ thuyền thì Đức nhận được cuộc gọi của người quen. Họ gửi tin xấu về. Hai xe tải chở hai cổ thụ cho Đức bị tóm do không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Nghe đâu là đồ bứng trộm. Gã buôn cây đã bỏ trốn. Đức thất thần. Số tiền hai tỷ đặt cọc. Gã bấm điện thoại. Không liên hệ được gã buôn cây. Phải làm sao bây giờ? Phải làm sao?
*
Công trình phá dỡ dừng lại, bỏ đó. Sau khi nhà Vũ Bình sập, các ngôi nhà đang xây dở cũng tạm dừng. Làng nham nhở công trình dở. Bề bộn và bụi bặm. Người đi làm ăn lại đi làm ăn. Người ở lại oằn mình với tiếng hắt hơi, ho hắng. Đức mang tiền chuộc được một chiếc sổ đỏ. Còn lại xin khất, trả dần. Bốn anh em trở về với nhịp kiếm tiền trả nợ, chuộc sổ, mang hết các con ra phố. Nhà chỉ còn ông bà Đoán trông nom mấy ngôi nhà, có một nhà phá dở. Biệt thự Đức xây vẫn lừng lững ở góc trời quê, bên những ô ruộng bị bỏ nham nhở cỏ mọc. Ông Đoán hằng ngày bần thần trong khuôn viên, quét bụi, nhặt lá. Buồn quá lại ra đường. Đường cũng vắng. Vắng khủng khiếp. Ông gặp ông Định, là bố của Bình. Hai ông nhìn nhau, rưng rưng.
          

  N.V.H


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 132
 Hôm nay: 5849
 Tổng số truy cập: 7526532
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa