Một ngày trời ngả sang thu trong xanh đến lạ. Mấy sợi mây trắng còn vắt vẻo qua nền trời chiều vàng. Mặt trời đang chiếu những tia nắng yếu ớt của một ngày tàn. Lam nặng nề đạp từng vòng quay mệt mỏi của chiếc xe đạp Thống Nhất. Lam chở theo sau là đứa con gái tên Mai vừa tròn 4 tuổi. Những lúc trời chiều thế này, nhìn bên đường những người lái xe vội vã đi về tổ ấm của mình. Họ có thể cùng gia đình quây quần bên bữa cơm chiều. Nhưng Lam mới ly hôn, hôm nay cô phải rời khỏi khu tập thể để trở về quê, về lại ngôi nhà nơi cô đã sinh ra. Nhưng chẳng ai chào đón một người con gái thất bại trong hôn nhân trở về mang theo một đứa con gái nhỏ…
Bước chân về đến cổng, người đầu tiên chạm trán là Ngọc cô em dâu của Lam. Ngọc chẳng buồn nhấc mồm lên hỏi chị mà chỉ kịp liếc ánh mắt sắc lẹm về phía Lam. Lam biết thân phận mình nên lí nhí trong mồm:
- Chào em, chị về cùng cháu.
Cực chẳng đã Ngọc buông câu:
- Chị nhớ để đồ ở phía nhà ngang kia kìa, rồi mai chuẩn bị đồ đạc đi tát nước, vỡ đất trên đồng Mua với em. Giờ chị về cái nhà này rồi, em không biết trước đây chị làm ăn to lớn gì, nhưng về cái nhà này là phải lao động.
Lam khẽ gật đầu rồi dắt xe đi vào sân.
Lam từng là công nhân Nhà máy dệt Thảm Len, thời buổi kinh tế cải cách, nhà nước chuyển sang dần tư nhân hóa, Lam thuộc diện chưa đủ trình độ nên bị trả về theo chế độ mất sức. Cùng thời điểm đó chồng Lam cũng công khai có tình nhân khác. Mặc cho Lam níu giữ nhưng không thành, ngày ra tòa ly hôn, thậm chí chồng Lam còn chẳng nhận quyền nuôi con. Chồng Lam buông câu gọn lỏn trước tòa:
- Cô nuôi được thì nuôi, không thì tôi mang về bà nội.
Nghĩa là chồng Lam chẳng có trách nhiệm gì trong cuộc hôn nhân này. Cả năm năm thanh xuân của Lam, một lòng vun vén cho chồng con cũng tan tành như gió thoảng mây bay. Lam bế đứa con gái trở về, bước chân vô định chẳng biết đi về đâu. Có những khoảnh khắc trong đời mà nỗi buồn lan thấm tới đâu đau đớn và rỉ máu tới đó. Lam nghĩ tới cái chết nhưng nhìn lại đứa con gái bé bỏng, nó đang bi bô vuốt tóc mẹ. Nó chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nó chưa biết định nghĩa nỗi buồn là gì. Chẳng lẽ một đứa con gái vô tư, đáng yêu như vậy mà Lam nỡ tự tử để lại nó bơ vơ giữa cuộc đời này ư? Ý nghĩ ấy thoáng vụt qua rồi biến mất. Lam còn vội về sắp xếp đồ đạc chuyển về quê. Một người con gái mới hai tám tuổi trong cùng một khoảng thời gian mất cả công danh lẫn hôn nhân. Có nỗi đau nào tả xiết?
Ngọc nấu vội bữa tối, Ngọc đá thúng đụng nia, khua bát đĩa um cả bếp. Gian bếp nhỏ bé ngày nào Lam cùng các em vẫn quây quần bên nhau. Bây giờ mấy đứa em gái đi lấy chồng xa, mỗi đứa đều có hạnh phúc riêng, chỉ có Lam… Thằng Lưu cũng lấy Ngọc được ba năm rồi. Ngọc là đứa bướng bỉnh, trán Ngọc lúc nào cũng bóng lên, nhô ra thách thức. Đặc biệt hơn là đôi mắt của Ngọc lúc nào cũng lia láu nhìn mọi người sắc lẹm. Trước Lam cũng khuyên em trai nên tìm đối tượng khác. Nhưng Ngọc lỡ có bầu với Lưu nên đành phải kết hôn. Bữa cơm canh tối muộn dọn lên, chỉ vài quả cà muối và đĩa rau muống luộc, rau muống tháng chín đắng ngắt. Bữa cơm buồn tẻ chẳng ai muốn nói với ai câu nào. Gia đình đã nghèo lại thêm hai thành viên mới là mẹ con nhà Lam. Nhưng cô biết đi đâu khác bây giờ. Về cùng gia đình mà bám vào đồng ruộng rồi kinh tế có chút mẹ con cô sẽ cất một ngôi nhà nhỏ. Tiền trợ cấp mất sức của Lan chỉ đủ mua một miếng đất nhỏ ở gần khu đồng Mua. Đấy là dự tính về tương lai của Lam như vậy, còn vật đổi sao dời, ai mà biết được chuyện tương lai. Lam vén màn cho hai mẹ con đi ngủ. Căn nhà nhỏ xíu, tối om, toàn gián và chuột chạy lúc nhúc. Những lúc này Lam lại mơ về ngôi nhà ấm áp ở trên thành phố. Ngày gia đình còn hạnh phúc bên nhau. Những nỗi đau lại thi nhau ùa về khiến Lam khóc ròng. Sao con người ta nỡ bạc bẽo với nhau khi họ không còn tình yêu. Rõ ràng đã có lúc họ thề non hẹn biển rằng bên nhau mãi mãi. Bây giờ những lời hứa ấy đi đâu, về đâu? Nghĩ mãi rồi Lam cũng chìm vào giấc ngủ thiếp đi và tỉnh dậy tới sáng hôm sau mặt trời đã lên đỉnh ngọn tre. Lam giật mình, Ngọc đã dặn sáng nay phải tát nước ở đồng Mua từ sớm. Cô chạy ra sân, chỉ có vài con gà ra sức bới chân đống rơm mà không thấy Ngọc đâu, cô vội lấy cái khau tát nước men theo đường đất đi ra cánh đồng Mua.
Đã lâu lắm rồi Lam mới quay lại đi trên cánh đồng này. Lam chẳng nhớ khu ruộng ở đâu nữa. Tìm loanh quanh, hỏi vài người các cô bác khác Lam mới tìm thấy Ngọc. Nhìn thấy Lam, Ngọc lu loa lên với bác Tươi ruộng bên cạnh:
- Khiếp, bảnh mắt ra mới đi đồng, sướng thế ai chả làm được. Người thành phố không quen lam lũ chân lấm tay bùn bác ạ!
Lam chẳng nói gì, cô hì hục bắc khau sòng tát nước, nhưng khổ nỗi lâu lắm rồi cô không làm việc đồng áng, nên chân tay lóng ngóng, vụng về. Mãi tới gần trưa khi mồ hôi chảy cả ra má, ra tai mà Lam vẫn chưa làm được việc gì nên hồn. Ngọc thái độ kiểu mặc kệ cho Lam muốn làm gì thì làm khiến cô càng thấy tủi thân. Những người làm đồng xung quanh nhìn điệu bộ lóng ngóng của Lam rồi phá lên cười. Lam cắn răng chịu đựng, cuối cùng khu ruộng cũng trắng phau màu nước. Ngọc vỡ đất xong rồi về trước, bỏ lại Lam một mình giữa trưa nắng gắt.
Lan lê bước từ cánh đồng về, vừa đói, vừa mệt. Lam thương cả đứa con gái bé bỏng, không biết giờ này con được ông ngoại cho ăn cơm chưa? Về tới nhà, Lam mở nồi cơm ra, chỉ còn vài cục cơm cháy cứng ngắc và bát canh rau lang. Nhưng cơn đói khiến Lam vét hết cả xoong, đói rồi cơm cháy cũng ngon như cơm giò. Ngọc buông cả mâm bát ở bờ giếng tỏ ý Lam ăn sau thì rửa đi. Lam kì cọ rồi rửa cả chồng bát đĩa cho sạch sẽ. Cô ngồi thu mình bên gốc thị già trên sân, lòng hoang hoải những nỗi chán chường và buồn tủi.
Những ngày tháng sau, Lam luôn đối diện với ánh mắt không ưa của Ngọc từng ngày. Lam giờ như con cá đã đuối sức để bơi, bị mọi người dồn đến bước đường cùng. Lam thấy mệt rồi, ai muốn nói sao thì nói, Lam cũng chả buồn hành động hay phản kháng lại nữa.
Một buổi sáng Lam đi bán đỗ trên chợ, Lam gặp lại anh Thụ. Anh từng là kế toán kho lương thực cũ trước khi giải thể, người mà Lam đã từng quen trước đây. Khuôn mặt anh có sự từng trải. Vì cùng đường đi nên câu chuyện hai người được dài hơn, anh kể đã có vợ và 5 đứa con. Vợ anh không may bệnh mất sớm nên anh đang muốn tìm người làm mẹ kế cho mấy đứa con.
Lam kể cuộc sống hiện tại cho Thụ nghe. Thụ ngỏ ý thương Lam và muốn tìm hiểu Lam. Nhưng trong lòng Lam lúc này có quá nhiều mâu thuẫn ngổn ngang. Lam còn phải chăm sóc Mai, con gái của cô. Nếu Lam đi bước nữa, điều cô băn khoăn nhất là Mai, nó còn quá bé nhỏ…
Lam mang chuyện thưa với cả nhà, bố Lam thì lưỡng lự vì còn con Mai, nhưng Ngọc thì ủng hộ lắm:
- Chị nên đi lấy chồng, đứa con gái sau này nó đi lấy chồng mất, mình không thể trông cậy vào nó. Chị lấy chồng rồi biết đâu lại đẻ được thằng con trai, rồi có chỗ về già mà nương tựa.
Lam nghĩ về hoàn cảnh của mình, chẳng có vốn liếng gì ngoài sự nghèo khó. Lam cũng muốn tìm một bờ vai để nương tựa chứ bản thân Lam cũng mệt mỏi lắm rồi. Lam khẽ hỏi ý kiến của con gái:
- Mai, con có cho mẹ đi lấy chồng không?
Mai nhìn vào mắt mẹ, mắt nó ngân ngấn như muốn khóc. Nhưng nó là đứa con gái hiểu chuyện. Nó cúi đầu xuống rồi nói:
- Con không biết, tùy mẹ thôi.
Lam ôm Mai vào lòng:
- Đời mẹ đã khổ lắm rồi con ạ! Khi nào lấy chồng mẹ mang con theo, về bên đó con sẽ hạnh phúc hơn ở đây. Mai nghe mẹ nói rồi nhẹ nhàng gật đầu.
Ngày cưới Lam, chú rể bảnh bao bên cạnh chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu xanh. Lam ngồi sau xe Thụ đèo, cô nhìn về phía bé Mai vẫn đứng buồn xo bên dì Phương. Cả đoàn rước dâu dắt xe đến quãng đê rồi dừng lại. Họ để sẵn những chiếc thuyền nhỏ cạnh đê. Lam thấy rất lạ, mỗi căn nhà được xây trên một ụ đất to và cao. Quê Thụ mùa tháng bảy nên nước sông dâng cao, nước tràn vào ngập mép cửa từng ngôi nhà ở ngoại đê. Nhà này sang nhà kia phải đi bằng con thuyền nhỏ. Lam và Thụ ngồi trên chiếc thuyền tròng trành. Lam nghĩ mình thật chủ quan khi Lam chẳng hề xuống thăm gia cảnh nhà trai trước khi cưới. Chỉ nghe lời Thụ kể thì mọi việc đều rất ổn. Lam nhìn dòng nước lũ đỏ ngầu mà lòng nặng trĩu. Có khi nào những ngày tháng sau này còn đau khổ hơn những gì Lam phải chịu trước đây?
Nhà Thụ có năm đứa con, ba con trai và hai con gái. Đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất chín tuổi. Chúng luôn mồm ca ngợi mẹ đã mất của chúng. Cả nhà tất cả 7 miệng ăn. Bữa cơm mùa lũ là những con tép nhỏ cho vào kho mặn chát. Những ngày đầu làm dâu Lam nhớ con da diết, không biết giờ này ở với mợ Ngọc nó ra sao? Hôm trước Lam hứa với nó khi nào tình hình ổn sẽ đón Mai đi theo mẹ về quê chồng. Nhưng không biết bao giờ Lam mới thu xếp được.
Từ ngày mẹ đi lấy chồng, Mai phải làm việc nhiều hơn. Buổi sáng đi học, buổi chiều khi thì trông em, khi thì chăn bò cho cậu mợ. Thằng em mới được sáu tháng lại mập, Mai mới chín tuổi, bế em phải vẹo sườn ra. Nó lê la hết đầu làng cuối xóm. Có lúc em tè ướt áo cả hai chị em, ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt. Đợi mãi cuối buổi chiều khi mặt trời khuất bóng, mợ Ngọc đi làm về Mai mới trả em cho mợ. Những buổi đi chăn bò thì thoải mái hơn, nó được cùng đám bạn hái những quả muống đút đầy túi áo để ăn. Hay cả bọn đi tuốt đòng đòng non rồi nhai ngấu nghiến cho qua cơn đói. Có buổi Mai đi chăn bò không để ý, bò ăn lúa bị vệ nông giữ mất bò. Nó bị mợ Ngọc đánh cho một trận nên thân. Nhiều buổi tối, sau khi ăn cơm chẳng được no, đêm đến ngủ cạnh ông ngoại mà nó không chợp mắt được vì đói. Nó nghe tiếng bẻ bánh đa rí rách của mợ Ngọc ở buồng bên cạnh mà nó thèm nhỏ dãi chỉ muốn chạy sang xin miếng mà nhai ngấu nghiến. Nhưng mợ ấy chắc cũng đói, chỉ đủ phần ăn cho mợ và hai thằng con trai. Cậu Lưu thì đi làm xa, nửa năm mới về một lần. Mai khóc và nhớ mẹ khủng khiếp: Mẹ ơi, bao giờ mẹ mới về đón con?
Ở lớp Mai học giỏi nhất là môn văn. Cô giáo bảo Mai buổi chiều nay sẽ đưa em đi thi kể chuyện cổ tích tự sáng tác. Mai về nhà cô giáo ăn cơm rồi chiều đi thi luôn. Cuộc thi hôm ấy diễn ra suôn sẻ, câu chuyện Mai kể giành giải Nhất toàn huyện. Mai cầm tấm giấy khen, vừa về đến cổng đã bị ăn ngay cái tát như trời giáng:
- Bốp! Bốp!... Mai hoa mắt lên, mãi mới định hình được việc gì đang xảy ra. Mợ Ngọc đứng trước mặt và nhìn Mai với đôi mắt hằn học:
- Mày đi đâu mà giờ này mới về, mày không về trông em còn đi đú đởn ở đâu?
Mai đứng líu ríu xoa hai bàn chân chạm vào nhau bên đôi dép hồng mẹ mua đã gần đứt hết quai, chỉ còn một tí nhựa bám vào.
- Con đi thi kể chuyện trên huyện được giải này mợ!
Mợ Ngọc giật cái giấy khen trên tay Mai vo viên, cuộn tròn lại:
- Giấy khen này để tao nhét lọ đỗ, cái ngữ con gái thừa thãi như mày, đến mẹ mày còn bỏ mày đi lấy chồng, học làm gì cho phí tiền.
Mai đứng như chết lặng, nó khóc nhưng không thành tiếng, chỉ dám nấc nhẹ trong cổ họng rồi nuốt vào trong. Nó lại cắp thằng em cho mợ Ngọc làm việc. Nó nhìn ra quãng đường xa xa, biết bao giờ mới thấy bóng mẹ nó về…
Một ngày mùa đông thật lạnh. Mai đang bế em đứng co ro ngoài đầu ngõ. Nó nhìn mấy đứa trẻ đang chơi bắn bi nhưng thỉnh thoảng lại liếc nhìn về phía đường cái rộng. Nó vẫn hi vọng mẹ nó sẽ về từ con đường ấy. Hôm đó mẹ nó về thật. Từ xa thấy mẹ nó reo lên, hai chân nó chạy tung lên cao. Lam nhìn thấy con gái mà xót xa, Mai gầy đen đến tàn tạ. Trên khuôn mặt của một đứa trẻ mà chằng chịt những u uất như chính mùa đông lạnh giá đang hằn sâu vào từng thớ thịt con bé. Lam đưa cho con gái một chiếc áo khoác ấm. Nắm lấy bàn tay nhỏ xíu, gầy gò của nó. Hai mẹ con dắt nhau về thưa chuyện với ông ngoại và cậu mợ sẽ đón Mai đi về nhà chồng cùng Lam. Mai nghe xong thích lắm, lòng như chim sáo nhảy múa rộn ràng. Mợ Ngọc từ nay như trút được gánh nặng, Ngọc liếc mắt nhìn Mai rồi cười nhếch mép nói với Lam:
- Cái Mai ở đây cũng được 5 tháng từ ngày chị đi lấy chồng. Mỗi tháng ăn hết một yến gạo nên chị vẫn nợ em 5 yến đấy nhé!
Lam nhìn Ngọc ái ngại nói là sẽ khất nợ đến khi nào có tiền thì sẽ trả. Ngọc lăn tăn mãi rồi cũng đồng ý.
Quê chồng Lam đã qua mùa nước nổi. Cả làng đi làm trên bãi ngô đến tối mới về. Mai lạ lẫm xách túi đồ về phía buồng nhỏ. Căn nhà tồi tàn chẳng khá hơn nhà mợ Ngọc là bao. Mẹ bảo thứ hai tuần tới sẽ làm thủ tục cho Mai nhập trường học. Mai thích lắm, cứ líu ríu bên mẹ nói cười.
Thụ bước vào nhà, chân tay vẫn lấm lem bùn đất. Thụ chào Mai bằng cái xoa đầu rồi nói:
- Con phải gọi ta là bố đấy nhé, gọi như thế cho thân thiện.
Mai thích lắm, đã từ lâu lắm rồi nó không được gọi tiếng “bố”, từ nay Mai có bố rồi.
Buổi tối cả nhà đã về đông đủ. Đứa nhỏ đi học, đứa lớn đi làm. Mấy đứa nhìn thấy Mai đâm ra thấy lạ lẫm, chưa thèm hỏi han. Chẳng đứa nào buồn thân thiện với Mai. Thấy Mai gọi “bố ơi”. Thằng Linh là anh cả lớn nhất ra vẻ ngạc nhiên rồi nói:
- Bố mày đâu mà mày gọi, vô duyên!
Cả bọn cười ồ lên khi thấy anh cả nói đúng quá! Mai thấy tủi thân vô cùng. Lam dắt Mai vào buồng, chải lại tóc cho Mai, bỏ qua những lời cười cợt phía ngoài.
Mai đem thắc mắc đến tìm bố Thụ để hỏi lại:
- Bố ơi, thế bây giờ con phải gọi bố là gì ạ? Các anh chị không cho con gọi bố là bố.
Bố Thụ không dám nhìn vào mắt Mai, cũng không dám nhắc nhở năm đứa con ích kỷ của mình. Thụ bảo tùy con, con muốn gọi ta là gì cũng được.
Mai lại chạy ra hỏi mẹ, mẹ bảo thôi con gọi là bác Thụ nhé! Để các anh chị không kêu ca. Mai nhẹ nhàng gật đầu: Vâng! Con biết rồi. Bác Thụ ạ!
Mai nhìn về phía bụng mẹ, hình như bụng mẹ to hơn thì phải. Mai lạ lẫm hỏi:
- Sao bụng mẹ to thế?
Lam nhìn Mai xoa đầu rồi bảo:
- Mẹ đang mang thai em bé con ạ! Được ba tháng rồi.
Mai nhìn mẹ lòng tự nhiên thấy tổn thương ghê gớm. Trước giờ có mỗi mẹ còn thương nó nhất, giờ mẹ nó có em rồi, bao nhiêu tình thương mẹ dành hết cho em. Nó bơ vơ lạc lõng quá! Nhưng mà buồn nhiều hay buồn nữa thì có gì đổi khác đâu. Mặt trời mỗi ngày vẫn mọc, trăng mỗi rằm lại sáng, nỗi buồn cứ đầy lại vơi.
Lam nghén nặng, Lam thèm một giấc ngủ say, Lam thèm được ăn những quả mận đỏ mọng nước. Nhưng chỉ có trong giấc mơ, bởi ngày qua ngày Lam phải theo chồng ra cánh đồng làm việc cật lực để nuôi một đàn con. Mà đồng ruộng chỉ đủ ăn còn khó. Biết bao giờ cuộc sống mới dư dả cho Lam một giấc ngủ ngon, được ăn quả mận mọng nước. Có hôm ở bãi ngô, cơn buồn ngủ kéo đến, cô vun bó lá ngô lại rồi nằm đó ngủ một giấc ngon lành. Thằng Linh nhìn thấy Lam ngủ say sưa, ngứa mắt nó đá bà mẹ kế một phát. Lam choàng tỉnh dậy, Linh nói:
- Dì chả làm ăn gì mà chỉ ngủ thế! Mẹ tôi ngày xưa chăm chỉ nhất làng lại giỏi giang. Cái nhà này không ai thay thế mẹ chúng tôi được. Gia đình tôi chỉ có năm anh em và bố Thụ, ngoài ra thì tất cả là người dưng.
Thằng Linh liếc nhìn xuống cái bụng lùm xùm của Lam, nó lại tiếp:
- Mà kể cả đứa bé trong bụng dì nữa, nó cũng là người dưng. Ăn uống phè phỡn với nhau cho lắm vào mà chửa với đẻ, rõ ghét!
Lam cúi xuống vặt những lá ngô già ở dưới gốc, cả cánh đồng ngô bạt ngàn màu xanh phất phơ trước gió. Lam nghĩ thân phận mình cũng như những gốc ngô ở đây, khi bắp ngô già rồi, thân cây vàng đi rồi héo úa, gục xuống. Lam rất sợ miệng đời để lại “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Cô luôn tâm niệm mình làm sao phải nhẫn nhịn, sống hiền từ, biết đâu sự bao dung của Lam sẽ cảm hóa được năm đứa con chồng kia. Nhưng Lam đã sai rồi, Lam càng nhu mì chúng nó càng lấn tới. Cô nghĩ chắc mình cũng phải mạnh mẽ lên, bảo vệ Mai và hi vọng đứa bé trong bụng của cô sẽ là thằng con trai.
Cuộc sống của hai mẹ con Mai trong cái nhà này ngày càng ngột ngạt. Những trận đòn vô cớ dành cho Mai liên tục xảy ra. Khi có mặt Lam ở đó, cô thường kéo Mai về phía lòng mình, đáp lại những đứa kia bằng ánh mắt đầy đe dọa. Đứa con út của bác Thụ là Liên học cùng lớp với Mai. Nó xui các bạn không chơi với Mai và gọi Mai là đồ con hoang. Mai chỉ đáp trả lại bằng ánh mắt và không nói gì. Mai học giỏi nhất lớp. Mỗi khi có bài kiểm tra mấy đứa vừa trêu ghẹo Mai cứ ngó nghiêng ngồi cắn bút. Nhìn mặt chúng nó lúc ấy Mai thấy đắc chí lắm. Mai thấy thỏa mãn trong lòng và gọi đó là sự trả thù ngọt ngào. Lần khác khi Mai ngồi ở hiên, nhìn thấy anh Linh đang bị một con kiến sắp bò qua đôi mắt to như ốc nhồi của anh. Mai định bảo nhưng nghĩ tới những lúc đáng ghét của anh, Mai mặc kệ, chăm chú nhìn xem sự tình gì xảy ra. Quả nhiên con kiến bò vào mắt Linh khiến hắn dụi mắt đỏ ngầu. Mai đang mỉm cười đắc chí thì: Bốp! Một chiếc mũ cối giáng xuống đầu Mai đau điếng. Linh chỉ vào mặt Mai:
- Con ranh, mày thích nhìn chằm chằm vào mặt tao vậy hả? Mày biết con kiến bò qua mắt tao đúng không?
Mai lấy tay xoa lên đầu, dù sao cô vẫn thấy sung sướng khi chú kiến nhỏ đã trả thù giúp cô, một đòn trả thù ngọt ngào.
Cuộc sống của hai mẹ con Lam cứ quanh quẩn và mệt mỏi bởi cuộc chiến tranh không khoan nhượng trong một gia đình đông con như thế. Có lúc Lam cầu cứu Thụ, dù sao anh cũng là người chủ trong gia đình này. Nhưng Thụ hèn yếu và nhu nhược. Anh bảo anh thương năm đứa con đã mất mẹ. Anh không bao giờ lên tiếng mắng chúng nó mặc dù chúng đầy những lỗi sai. Lam bất lực nhẫn nhịn nhìn chiếc bụng đang lớn dần.
Rồi cũng đến ngày cô hạ sinh em bé. Đó là một ngày mùa đông lạnh giá, sương mù giăng kín cánh đồng ngô đã bẻ hết bắp chỉ còn trơ gốc như những chiếc gai nhọn hoắt xiên lên trời. Tiếng đứa bé khóc cất lên sau cơn đau thấu trời của Lam, cô cố ngóc đầu lên hỏi bà đỡ:
- Con trai hay con gái vậy bác?
- Con gái cô ạ! - Bà đỡ trả lời.
Mai gục xuống chìm vào đau đớn và tuyệt vọng. Lại là con gái, thứ hi vọng cuối cùng để cô sống trong gia đình này cũng không còn. Cô chẳng buồn nhìn mặt con, cô quay vào phía tường rồi khóc.
Thụ nhờ mấy người đặt mẹ con Lam trên võng rồi khiêng về. Về tới nhà, chẳng đứa trẻ nào buồn chạy ra đỡ mẹ ngoài Mai. Nhìn em bé da trắng môi hồng nằm bên mẹ trông thật xinh. Mai hỏi:
- Mẹ định đặt em bé tên gì ạ?
- Tên Hương Mận con ạ!
Lam nghĩ đến thứ hoa quả cô nghén ngẩm mà chẳng bao giờ được ăn, chỉ ăn ngấu nghiến trong những giấc mơ.
Thụ bảo thằng Linh nấu nồi cháo chân giò cho Lam ăn tẩm bổ. Chẳng biết nó nấu kiểu gì mà một nửa là cháo và một nửa là tro. Nhưng vì đói Lam ăn ngon lành. Chắc có lẽ lâu lắm rồi từ ngày sinh con Mai, Lam mới được ăn bát cháo ngon như thế. Nhưng rồi những phún tro ứ đọng lại trong cổ, chẳng biết cháo chân giò hay cháo tro bếp nữa. Lam nắm bàn tay nhỏ xíu của bé Mận, có lẽ cô phải đi khỏi nơi đây để có cuộc đời khác hơn.
Lam viết thư cho Phương em gái Lam đang làm ăn buôn bán ở Sài Gòn. Cô kể hết hoàn cảnh và sự tình của mình hiện tại. Phương biên thư lại nói Lam hãy đợi cho bé Mận cứng cáp thêm chút nữa rồi vào đây làm ăn với Phương.
Con bé Mận tròn 8 tháng, nó còi cọc và khát sữa. Nhưng được cái ngoan ngoãn, lúc nào cũng như con mèo con nép vào mẹ. Lam để bé Mận lại cho Thụ nuôi, mặc cho Thụ van nài, níu kéo. Cô phải đi để tìm tương lai tốt hơn cho những đứa con của cô. Cả một khoảng trời hè nóng nực, cô thu xếp khăn gói, dắt chiếc xe đạp cũ, cô đèo Mai đi trên con đường đê gập ghềnh.
Lam dắt Mai về lại nhà mợ Ngọc. Lam một lần nữa lại nhờ cậy Ngọc trông bé Mai giúp cô và hứa khi nào quay lại sẽ trả lại toàn bộ chi phí nuôi nấng. Mai trở về với mợ Ngọc lần thứ hai. Mai cũng quen bị ức hiếp rồi. Năm anh em nhà Linh dù sao họ cũng có tận năm người, còn ở với mợ Ngọc, ngoài mợ ấy ra, còn ông ngoại và cậu Lưu vẫn thương Mai. Những lúc trước kia Mai bị ức hiếp cũng là mợ Ngọc giấu giếm và dọa Mai không được kể cho ông và cậu biết. Thế nên Mai nhẫn nhịn chịu đựng đợi một ngày mẹ Lam trở về.
Những buổi chiều khi mặt trời gần tắt nắng, Mai lại chạy ra phía đường quốc lộ 18, nơi có những dòng người đi qua, biết đâu mẹ Lam sẽ nằm trong số những người ấy. Từ phía xa đằng kia có một người giống mẹ cô quá, lòng Mai bỗng rộn ràng reo lên như ngọn lửa rồi chợt tắt khi nhận ra không phải. Mai lại tự an ủi mình: “Không sao!”, còn rất nhiều người trên đường, những chiếc xe hối hả ngược xuôi, sẽ có ngày mẹ Lam trở về. Ngày mưa cũng như ngày nắng, Mai đứng đó đợi chờ. Những hôm trời sì sụp mưa, Mai mặc áo mưa, đứng nép bên đường vắng hoe. Chỉ có vài chiếc xe tải hối hả băng qua rồi mất hút. Mai quay gót chân trần tự nhủ “hôm nay mưa chắc mẹ Lam không về!”.
Lam vào Sài Gòn, cô cùng Phương buôn những chuyến hoa quả rồi giao cho các đại lý. Nỗi nhớ con ngày một chất chồng nhưng Lam biến đó thành sức mạnh. Lam làm việc quên ngày, quên đêm để một ngày được trở về bên các con. Có nhiều lúc nhìn vào gương, Lam không nghĩ mình lại già nua đến thế. Sài Gòn luôn bao dung những người nhẫn nhịn và chịu khó như Lam, cô nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền. Lam dự định sẽ về quê và làm thủ tục ly hôn với Thụ. Lam thừa nhận sự thất bại hai lần trong hôn nhân, bỏ đi những dĩ vãng đớn đau của một kiếp người. Lam sẽ cùng hai con gái xây căn nhà nhỏ cạnh đồng Mua, ba mẹ con sống cùng nhau.
Một buổi chiều hè vàng óng ả, mặt trời chiều vẫn thả ánh nắng chói gắt trước khi sắp tàn. Người ta vẫn gọi đó là nắng quái chiều hôm. Mai đứng đó đợi mẹ về như thường ngày. Từ phía xa, cô thấy một người phụ nữ mặc chiếc áo xanh lơ, giống mẹ Lam quá, đúng mẹ Lam rồi. Lam đèo theo bé Mận, trên xe chở biết bao đồ đạc treo đầy xe. Mai reo lên sung sướng, cuối cùng ngày cô đợi chờ cũng đến. Mẹ đi biền biệt hai năm rồi cũng trở về. Mai mong ngày này đã lâu lắm rồi. Bé Mận nhỏ xíu cười toe toét phía sau.
Những ngày giáp tết người người nô nức mua sắm đón chờ mùa xuân sang. Lam đã xây được căn nhà nhỏ xinh. Có thêm chút vốn tích trữ cô mở một cửa hàng hoa quả nhỏ trên chợ Phủ. Sáng đi bán chiều về chăm hai đứa con. Bé Mai tết đến đã tròn mười ba tuổi, cô thấy mình ra dáng thiếu nữ, mỗi khi cười để lộ ra hai má lúm đồng tiền xinh xinh. Mai trồng sau vườn một giàn đậu biếc. Buổi sáng mùa xuân đầu tiên Mai reo lên khi nhìn thấy mấy bông đậu đầu tiên hé nở. Bông hoa chúm chím màu tím nhạt. Mẹ Lam và bé Mận cũng chạy ra xem, ba mẹ con cười ròn tan cả vào trời xuân.
T.T