Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn dự thi 2022   /   Nợ đời
Nợ đời

Hôm đó, anh Bùi đánh xe đến nhà thăm tôi. Qua mấy lời xã giao, anh trân trọng kính mời vợ chồng tôi thu xếp chiều thứ sáu này xuống Sầm Sơn dự buổi liên hoan cho cháu Dương vào đại học và nghỉ mát mấy hôm. Tôi tìm cách chối khéo, nhưng anh vẫn năn nỉ, bảo tôi cố gắng đến dự động viên Dương và gia đình anh. Không nỡ phụ lòng chân thành của anh, tôi miễn cưỡng đồng ý, nhưng bảo chỉ tham gia được từ chiều thứ bảy đến trưa chủ nhật. Vui vì tôi đã nhận lời, nhưng anh vẫn phảng phất nỗi buồn, bảo đã đặt phòng và không muốn thay đổi kế hoạch. Cuối cùng, anh bảo: “Thế thì trưa thứ bảy, thầy cứ ở nhà, tôi cho cháu đánh xe đến đón”. Tôi ngắt lời luôn: “Không cần đâu, chúng tôi tự bố trí đi được mà”. Thấy tôi từ chối, anh không chịu, vẫn khăng khăng như đã nói, tôi đành vui lòng nhận lời.   
Về công tác ở Trường Trung học phổ thông Quang Minh thuộc thành phố đã gần hai năm. Bao kỷ niệm buồn vui đã làm dày thêm ký ức cuộc đời làm nghề dạy học của tôi. Hơn hai mươi năm công tác ở Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú của một huyện vùng cao trong tỉnh, áp lực chuyên môn thì ít nhưng áp lực đời sống hàng ngày thì nhiều. Nhớ lại giai đoạn cuối những năm tám mươi của thời bao cấp, vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ, lương không đủ trang trải, thiếu thốn đủ thứ. Mỗi tháng cả nhà được mua theo sổ hơn hai chục cân gạo, gần hai chục cân sắn Gạc Nai, sắn Nạo hoặc ngô hạt. Gạo mua về bốc mùi hôi hăng hắc; lũ mọt bò ra lổm ngổm. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên rủ nhau lên rừng kiếm củi, kiếm rau, cây chuối tươi làm thức ăn cho lợn. Chị em trong trường, mỗi khi gặp nhau “vô tư” kể chuyện về đàn lợn nhà mình. Đề tài “nuôi lợn” đã trở thành câu chuyện “muôn thuở” của các gia đình cán bộ, công chức. Là giáo viên dạy toán có uy tín, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được một đồng dạy thêm. Nhiều khi còn phải xuống tận các bản vùng sâu, vùng xa để động viên các em đến trường. Những em có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi bảo nhau hỗ trợ thêm quần áo, chăn màn, sách vở và các đồ dùng sinh hoạt khác. Dẫu khó khăn về đời sống vật chất, nhưng bù lại chúng tôi được đùm bọc trong tập thể giáo viên đoàn kết, thương yêu nhau; được đón nhận tình cảm chân tình, lòng quý trọng của học sinh.
Chuyển về thành phố công tác, vợ chồng tôi phấn khởi bởi sẽ có nhiều thuận lợi hơn, nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo; chưa tự tin lắm về chuyên môn. Áp lực nhu cầu vật chất tạm ổn. Hai đứa con đã vào đại học, đời sống cơ bản ổn định. Về trường mới, Ban Giám hiệu phân tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp 11A6 thay cho cô Linh. Khi tiếp xúc bên ngoài, mấy thầy cô nói đùa “chúc mừng” tôi được phân chủ nhiệm lớp “11A Gấu”. Hôm nhận bàn giao, cô Linh dành thời gian nói sâu và rõ hơn về nhóm “Bộ tứ” trong lớp nổi tiếng cả trường về sự quậy phá. Đặc biệt, chú ý đến em Dương là “Đại ca” của nhóm. Ban Giám hiệu nhà trường đã từng mời gia đình em đến để phối hợp giáo dục nhưng Dương chẳng thay đổi. Gia đình buôn bán, có điều kiện kinh tế, lại là con độc nhất, được mẹ nuông chiều nên Dương chẳng coi ai ra gì. Tính Dương ngang tàng, tự do, sẵn sàng tỏ thái độ ngỗ ngược với thầy cô trước mặt mọi người. Dương hay ép bạn bỏ học đi chơi điện tử, lêu lổng bên ngoài. Tuy nhiên, Dương là học sinh thông minh, chỉ vì “hổng” kiến thức cơ bản nên kết quả học tập không cao.             
Tôi bắt đầu thấy lo với khó khăn, thử thách sắp tới. Lúc nào cũng suy nghĩ: mình phải làm gì, làm thế nào; bắt đầu từ đâu để xoay chuyển tình hình chung của lớp và chuyển hóa nhóm “Bộ tứ”. Tôi tự trấn an và đề ra các nguyên tắc hành động riêng cho mình, đại loại như: Cố gắng xây dựng mình thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; lời nói và hành động phải xuất phát từ trái tim nhân ái, yêu thương của người thầy; lấy tập thể lớp và những tấm gương tiêu biểu làm sức mạnh lan tỏa; không đối đầu, tạo cơ hội để Dương thể hiện tính “anh hùng” trước tập thể lớp cũng như nơi đông người. 
Buổi ra mắt đầu tiên với tư cách là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy toán lớp 11A6, tôi xin phép các em tranh thủ có mấy lời tâm sự. Cả lớp đang im lặng lắng nghe, Dương lâng láo đi vào. Tôi dừng lại, nhìn Dương, hỏi:
- Em đi đâu đấy?
- Vào lớp - Dương chẳng thèm nhìn tôi nói trống không và cứ thế bước đi.
- Em đã xin phép thầy chưa? - Tôi bình tĩnh hỏi.
Dương dừng lại, hai mắt nhìn tôi trừng trừng, nói:
- Cần gì phải xin phép ai, rách việc!
- Em tên gì? - Tôi cố tình tỏ ra mình chưa biết gì về Dương.
- Cứ yên trí, hồi sau sẽ rõ! - Vừa nói, Dương vừa tiến lại chỗ ngồi.  
Dương có dáng người thư sinh, cao to, đẹp trai, gương mặt thanh tú, giọng nói trầm ấm, đôi mắt sáng toát lên vẻ thông minh, hóm hỉnh. Mấy cậu học sinh trong lớp tỏ vẻ đắc trí cười hô hố. Các bạn nữ tay thúc nhau, mắt lấm lét hết nhìn tôi thăm dò thái độ, rồi quay nhìn Dương vẻ khó chịu. Vài em gái phản đối Dương ra mặt, nói đủ cho nhiều người nghe: “Thật là quá đáng, thấy thầy giáo mới lại giở trò bắt nạt”; “Đừng tưởng thầy hiền đâu, sau này sẽ biết”. Cả lớp rì rầm nhỏ to. Nỗi tức giận uất lên chẹn ngang cổ họng, tôi nhủ lòng mình phải hết sức kiềm chế. Tôi mỉm cười như chẳng có chuyện gì xảy ra, nhắc các em im lặng và tiếp tục, nói: “Thầy rất phấn khởi được Ban Giám hiệu nhà trường phân làm chủ nhiệm và dạy môn toán lớp ta. Thầy nghĩ, phong trào chung của lớp tốt hay không và kết quả học tập cao hay thấp tất cả đều do các em quyết định. Thầy chỉ là người đồng hành cùng các em thôi. Chỉ còn hơn ba học kỳ nữa, thầy trò mình sẽ phải chia tay nhau. Thầy mong rằng, mai này mỗi em một nơi, nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào khi nhớ đến lớp 11A6, các em đều có quyền tự hào về một tập thể đoàn kết, thương yêu nhau và trong ký ức của mình luôn mang theo những kỷ niệm cao đẹp mà chúng ta đã dành cho nhau”. Nhìn cả lớp im lặng, chú ý lắng nghe, tôi nghẹn lòng xúc động. Bỗng tiếng vỗ tay, tiếng hò la vang lên, tôi hiểu đó là biểu hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau của các em đối với tôi. Giờ học đầu tiên kết thúc, không khí lớp học sôi động hẳn lên. Dẫu biết, tiết giảng đầu tiên của mình chưa thật sự “hoàn hảo”, song thái độ đón nhận của các em đã làm tôi tự tin hơn và vơi bớt sự ức chế, nỗi buồn trong lòng.
Trực tiếp chứng kiến hành động vô lễ của Dương, thôi thúc tôi phải tìm hiểu rõ hơn những nguyên nhân đưa đẩy em trở thành học sinh “cá biệt”. Tôi luôn nghĩ phải làm thế nào tiếp cận với Dương và nhóm “Bộ tứ” theo cách tự nhiên, thân thiện để các em sẽ mở lòng với mình. Cũng may, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ban Giám hiệu nhà trường đồng ý giao Đoàn Thanh niên tổ chức giải bóng đá nội bộ giữa các chi đoàn. Sinh hoạt lớp tôi thông báo chủ trương, phổ biến quy chế của giải và giao cho chi đoàn cùng ban cán sự lớp triển khai. Tôi quán triệt: “Việc chọn ai tham gia đội bóng là do các em quyết định. Nhưng theo thầy, vì mỗi đội sẽ được chín cầu thủ trên sân nên các em chọn lấy mười bốn, mười lăm người. Điều lệ giải cũng quy định, giáo viên chủ nhiệm có thể tham gia đội bóng của chi đoàn. Vì thế, thầy cũng xin đăng ký một suất”. Cả lớp cười ồ lên. Dương đứng phắt dậy, thẳng thắn nói: “Già rồi, không biết đá thì vào làm gì cho mất chỗ người khác”. Tôi bình tĩnh, nói lại: “Các em cứ để thầy vào luyện tập. Nếu thầy không đá được thì thay người khác, lúc đó cũng chưa muộn”. Cả lớp đồng thanh: “Đúng rồi, nhất trí thôi”.
Tôi tự tin với trình độ hiểu biết về bóng đá và kỹ năng đá bóng của mình. Ngay từ nhỏ, do ham mê bóng đá nên tôi tìm hiểu, nắm khá sâu các tư liệu về lịch sử bóng đá. Tôi cũng rất may, đã từng là cầu thủ “có tiếng” của đội bóng Khoa Toán khi đang là sinh viên của trường đại học. Thời gian công tác ở trường miền núi, chiều nào thầy trò chúng tôi cũng chơi bóng ở sân trường. Tôi thực hiện khá tốt các kỹ năng cơ bản của một cầu thủ bóng đá; liên tục là tiền đạo “cứng cựa” của đội bóng nhà trường. Tôi thường được mời tham gia vào đội bóng của huyện đi thi đấu các giải giao hữu giữa các huyện miền núi.      
Buổi đầu tiên đội bóng chi đoàn lớp 11A6 tập luyện, ra sân các em hồ hởi thỏa thích thể hiện tài năng của mình. Tôi đứng vào góc sân tranh thủ khởi động, cũng là để quan sát động tác của từng em. Tuy thời gian thể hiện chưa nhiều, nhưng nhìn chung chỉ có vài ba em tạm được. Tất cả các em còn vụng về, đá theo “bản năng”, thiếu hẳn các động tác cơ bản. Khởi động xong, tôi ra sân làm động tác đầu tiên là tâng bóng, sau đó biểu diễn nhiều kỹ năng đá bóng khác. Động tác tôi làm mềm mại, điệu nghệ như cầu thủ chuyên nghiệp. Các em bị cuốn hút, bỏ tập đứng vây quanh tôi, sướng quá nhảy cẫng lên hò reo, vẻ thán phục. Tôi dừng lại, giơ tay ra hiệu mời các em tập trung một chỗ để thống nhất những công việc cần thiết. Trước hết, tôi đưa ra dự kiến chương trình, nội dung, kế hoạch tập luyện và quy chế hoạt động của đội bóng để xin ý kiến các em. Nghe xong, không ai bảo ai, tất cả đồng thanh hô to: “Tuyệt vời, đội 11A6 vô địch”. Bước tiếp theo tôi yêu cầu các em bầu ra đội trưởng để phụ trách chung của đội. Chẳng ai khác, Dương được đa số các bạn suy tôn làm đội trưởng. Mọi người đang im lặng, tôi chưa kịp nói gì, Dương đề xuất: “Em đề nghị thầy làm huấn luyện viên trưởng, ai đồng ý thì giơ tay!”. Tất cả các em hai tay giơ cao, miệng đáp lại: “Quá chuẩn”. Những buổi đội bóng tập luyện, cùng với rèn luyện các kỹ năng cơ bản đá bóng cho từng cầu thủ, chiến thuật cho cả đội, tôi còn tranh thủ cung cấp các thông tin, tư liệu quý giá về bóng đá để truyền cảm hứng cho các em. Không khí hào hứng, phấn khởi từ sân bóng đã truyền vào lớp học. Phong trào của lớp, tinh thần, thái độ và tình cảm giữa các em có nhiều thay đổi. Mọi người đều phấn khích, hăng say, chăm chỉ tập luyện. May mắn và hạnh phúc đã mỉm cười với thầy trò chúng tôi. Toàn trường có mười sáu đội tham gia, kết quả đội bóng của chi đoàn 11A6 đoạt chức vô địch. Cả lớp reo hò ăn mừng chiến thắng. Các em trong đội, thi nhau tung tôi lên trong bầu không khí náo nhiệt. Tôi sung sướng, cảm động trong niềm vui khôn tả. Khoảng cách giữa tôi và nhóm “Bộ tứ” xích lại gần nhau hơn. Các em đã mở lòng, thân thiện với tôi. Dương tuy không tỏ ra vồ vập, nhưng những hành động “ngang tàng”, thái độ coi thường đối với tôi ít dần.
Một hôm, thầy hiệu trưởng mời tôi lên phòng trao đổi về tình hình của lớp. Thầy thông báo, có một số giáo viên bộ môn dạy lớp 11A6 phản ánh nhiều bức xúc về thái độ không tốt của Dương và nhóm “Bộ tứ”. Tôi là giáo viên chủ nhiệm nhưng buông lỏng quản lý, không cứng rắn, kiên quyết xử lý. Hình như tôi có biểu hiện né tránh, sợ sệt, mơn trớn với học sinh. Nghe thầy nói xong, tôi cười vui vẻ nhận toàn bộ trách nhiệm, song cũng báo cáo thêm thực trạng của lớp cho thầy rõ. Tôi trấn an thầy: “Việc em Dương chưa ngoan, vi phạm đạo đức lối sống là có thật. Nhưng tôi nghĩ giáo dục, dạy dỗ một con người phải là cả quá trình, không thể ngày một, ngày hai. Kiểm lại, tôi thấy thời gian gần đây, các em đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, chúng ta phải ghi nhận và động viên kịp thời. Tôi hứa với lương tâm, trách nhiệm của người thầy, sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công”. Thầy hiệu trưởng vui vẻ, bắt tay tôi động viên: “Tôi tin tưởng cậu, cố gắng nhé!”.
Chiều chủ nhật, tranh thủ ngày nghỉ, tôi đến thăm gia đình Dương. Trời cuối xuân, mưa lất phất bay, gió bấc se lạnh tràn về. Dừng xe máy trước cửa ngôi nhà ba tầng, tôi lịch kịch cởi áo mưa gấp gọn lại và dựng xe vào góc sân. Thấy tôi, Dương chạy ra đon đả chào, giới thiệu với tôi: “Đây là mẹ em”. Mẹ Dương ngồi bán hàng ngay cạnh cửa ra vào của một đại lý quần áo, nhìn tôi châng châng, chẳng nói năng gì. Có vẻ xấu hổ, Dương giơ tay chỉ về phía tôi, nói với mẹ cộc lốc: “Đây là thầy giáo chủ nhiệm lớp”. Chị Mơ lí nhí trong họng: “Chào thầy, mời thầy vào trong nhà uống nước”. Tôi theo chị, lách qua các sạp hàng hai bên vào ngồi xuống ghế. Căn nhà chất kín từng đống quần áo, vải vóc làm vướng cả lối đi. Gặp nhau chưa kịp nói gì, chị Mơ hỏi tôi giọng chua chát:
- Thầy đến đây có việc gì không?
Bị “gáo nước lạnh” dội vào mặt, im lặng giây lát, tôi nói lại:
- Xin lỗi, sao chị lại hỏi thế?
Vẻ bức xúc, chị nói:
- Các thầy đến đây, ngoài việc thông báo về những tội lỗi của thằng Dương thì còn gì khác nữa đâu!
Tôi chưa biết mình phải nói thế nào, chị sồn sồn tuôn ra một hồi: “Các cô giáo chủ nhiệm nó lần nào đến cũng tố cáo thằng Dương vi phạm hết tội này đến lỗi khác. Đổ trách nhiệm lên đầu vợ chồng tôi; trách cứ gia đình không quan tâm đến con cái, chỉ lo làm ăn, phó mặc cho nhà trường dẫn đến thằng Dương trượt dài theo con đường hư hỏng. Thỉnh thoảng cô lại còn nhắn tin kể lể nó xúc phạm thầy cô, bỏ học đi chơi điện tử. Nghe lắm rồi tôi cũng quen. Nói thật với thầy, con cái như thế vợ chồng tôi cũng đau lòng lắm chứ. Hằng ngày chúng tôi tối mặt lo kiếm tiền, có vì ai đâu ngoài nó. Thế mà nó không biết điều, phụ bạc lòng tốt của bố mẹ, nói mấy cũng chẳng nghe”.
Tai nghe, mắt tôi dán nhìn lên bức ảnh hai vợ chồng chị thời còn trẻ treo trên tường. Trí nhớ trong đầu tôi hiện về rõ mồn một. Tôi khẳng định, người đàn ông chụp chung ảnh với chị đúng là “hắn” rồi. Dù đã hơn hai mươi năm, nhưng tôi không thể quên được. Khuôn mặt chữ điền, mái tóc vuốt ngược, đôi mắt sáng quắc, hắn đã ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời. Trong tâm trí tôi, lòng căm giận và ý nguyện trả thù hắn chưa bao giờ nguôi. Tiếng người đàn ông húng hắng rồi lầm lì từ trong nhà bước ra. Nhìn hắn, tôi khẳng định mình không thể nhầm được. Tôi lạnh toát người, cứ sợ hắn nhận ra mình. Dương bảo với tôi: “Đây là bố em”. Tôi đứng dậy chào, hắn chẳng thèm hỏi han gì, nhìn tôi nói trống không: “Tôi có việc phải đi, cứ ngồi chơi, có vấn đề gì thì trao đổi với cô ấy”. Vừa nói hắn vừa dắt xe ra khỏi nhà. Chị Mơ ngồi nhấp nhổm, vẻ mặt không thoải mái lắm. Tôi tranh thủ trao đổi vắn tắt mấy câu để nhanh chóng rút ra khỏi nhà. Tôi từ tốn nói:
- Hôm nay tôi đến, trước hết là thăm gia đình, đồng thời thông tin về tình hình em Dương để anh chị mừng. Thời gian gần đây, em có nhiều tiến bộ; ít bỏ học hơn; quan hệ với bạn bè, thầy cô cởi mở, đúng mực hơn. Anh chị cố gắng quan tâm, động viên em kịp thời hơn nữa.
Bất ngờ với nhận xét của tôi, chị bĩu môi, tỏ ra không tin, chẳng thèm giữ ý tứ gì, hỏi thẳng luôn:
- Có phải thằng Dương bày trò nhờ “anh” đến đây “nói khéo” để moi tiền của tôi không?     
Bị xúc phạm quá mức, không tin nổi cách ứng xử và suy nghĩ cực đoan của chị, tôi ngồi chết lặng. Biết tôi thất vọng, Dương thẳng thắn nói lại:
- Mẹ thật quá đáng, thế mà cũng nói được. Không tin con à?
Sợ mình nói hớ, chị Mơ cố phân giải để bào chữa cho lời nói của mình:
- Thầy giáo tính xem, nó nói dối như “Cuội”, bịa ra đủ trò để moi tiền của tôi. Có lần nó còn to gan “thuê” ông xe ôm đi họp phụ huynh hộ rồi nhờ người ta giả danh giáo viên nhắn tin thông báo thu tiền học thêm; câu kết với bọn xấu dựng chuyện đến đòi nợ, tống tiền tôi. Thầy bảo thế thì trời đất nào chịu nổi!
Ra khỏi nhà, đầu óc tôi choáng váng suy nghĩ miên man về gia đình Dương. Chẳng lẽ, niềm tin của bố mẹ dành cho Dương đã tắt hết rồi sao! Nếu cứ thế càng đẩy Dương ra xa khỏi nhà và có thể đến lúc nào đó Dương sẽ tuột khỏi vòng tay họ mãi mãi. Mặt ngượng tím, Dương lặng lẽ tiễn tôi. Ra ngoài vỉa hè, Dương bảo: “Thầy thông cảm, em xấu hổ lắm”. Tôi mỉm cười, đặt tay lên vai Dương động viên, xoa dịu nỗi buồn của em: “Chắc mẹ quá bức xúc với em nên làm thế. Giờ đây, nhiệm vụ của thầy trò mình là phải cố gắng để mang lại niềm tin cho mẹ”.        
Thoát khỏi căn nhà ngột ngạt, chuyện buồn với chị Mơ nhanh chóng qua đi, nhưng lòng căm thù bố Dương lại ngùn ngụt nổi lên. Thời gian trôi qua, nỗi tức giận, ý đồ trả thù trong tôi chưa bao giờ tắt. Có lẽ, đây là “cơ hội vàng” để tôi đòi “món nợ” chính anh Bùi đã cướp. Năm một ngàn chín trăm tám lăm, hai đứa con của anh Gai - Cửa hàng trưởng bách hóa tổng hợp huyện được tôi tận tình dạy kèm thêm môn toán. Thỉnh thoảng các cháu đến học, anh gửi cho tôi lúc thì cân đường, hộp sữa; lúc thì gói mì chính, bánh xà phòng, đôi áo may ô. Tình cảm hai nhà thật chân tình và vô tư. Một hôm, tôi đến nhà chơi, đang trò chuyện vui vẻ, anh nheo mắt, bàn với tôi: “Tôi nói điều này, thầy thông cảm cho. Biết gia đình thầy có nhiều khó khăn nhưng chẳng giúp được gì. Hôm sau, thầy chịu khó lấy ít khăn mặt mang về thị xã bán kiếm đồng tiêu cho đỡ vất vả”. Tôi ngơ ngác chưa hiểu đầu đuôi thế nào, sợ tôi ngại, anh giải thích rõ thêm: “Khăn mặt bông hiện nay cửa hàng đang bán phân phối giá sáu hào tám một cái. Đem về thị xã, bán cất cho bọn “con phe” ít nhất cũng được một đồng rưỡi. Nếu thầy mang khoảng hai trăm cái, trót lọt cũng kiếm được món tiền hơn nửa tháng lương”. Tôi chần chừ, chưa biết phản ứng thế nào, anh đưa ra kế hoạch, lịch trình cụ thể: “Ngày mai, tôi viết lệnh xuất hàng, thầy ra quầy bách hóa nhận khăn và thanh toán tiền cho nhân viên. Tôi sẽ bảo anh em đóng gói cẩn thận. Chủ nhật này, chúng tôi có xe xuống công ty Thương mại Miền núi ở thị xã nhận hàng, thầy bố trí đi luôn, nhớ đừng để ai biết”. Tôi cảm ơn lòng tốt của anh, rồi bộc bạch trao đổi lại để anh thông cảm: “Cảm ơn anh đã quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình tôi. Nhưng thầy giáo mà đi buôn hàng “cấm” chẳng may “người ta” bắt được thì mất nghề như chơi”. Anh cười, trấn an để tôi yên tâm. Dù trong lòng lo cho mình và sợ liên lụy đến anh, nhưng nghĩ đến món tiền kiếm được cũng kha khá, tôi vui lòng đồng ý. 
Chủ nhật hôm đó, vợ chồng tôi dạy từ ba giờ sáng, lịch kịch chuẩn bị đồ để ra xe cho kịp. Ngồi trên thùng xe tải chạy lắc lư trên con đường lởm chởm ổ voi ổ gà, một tay ôm chiếc ba lô, tay kia bíu chắc vào thùng xe, tôi bị tung lên vật xuống, người mỏi mệt, đau ê ẩm. Háo hức với món tiền sẽ kiếm được, tôi dự tính sẽ mua cho mỗi đứa con một bộ quần áo mới; mua cả bánh kẹo, đồ chơi cho chúng nữa. Số tiền còn lại, trang trải nợ nần và mua mấy thứ cần thiết. Nghĩ đến hình ảnh hai đứa con sung sướng đón nhận quà của bố, tôi quên hết khó khăn, vất vả. Xe dừng ở công ty lấy hàng, tôi rảo bước hơn cây số về phía chợ tỉnh. Đến cổng chợ, tôi vẫn đeo ba lô sau lưng, ngó nhìn xung quanh thăm dò. Ngay lúc đó, có mấy cô sồn sồn; mắt xanh, mỏ đỏ, mặt son phấn bóng nhẫy vây quanh tôi, giọng nhỏ to hỏi có gì bán không chú? Đứng nép vào góc quán bán hàng, tôi bảo có ít khăn mặt bông Nam Định. Họ nhao nhao đòi xem mẫu mã; hỏi số lượng và giá bán thế nào? Tôi sướng run người vì đã “vào cầu”. Dù hai bên chưa thỏa thuận cụ thể, nhưng vì “sướng quá” tôi lúi húi lấy hàng giới thiệu. Ba lô vừa mở hé, hàng chục cánh tay tranh nhau thò vào túm từng nắm khăn mặt lôi ra nhét vào vành quần. Tôi hoảng hốt giật lại, nhưng không kịp, vội vàng kéo dây buộc chặt kín ba lô. Nhìn xung quanh, chẳng còn thấy mặt cô nào. Tôi đang thất hồn, bực bội thì người đàn ông ăn mặc sang trọng, lịch sự tiến lại gần, hất hàm ra lệnh: “Bán gì đấy, đi theo tôi!”. Không thèm để ý đến phản ứng của tôi, hắn đẩy tôi vào phía trong căn nhà ngay cổng chợ. Mặt tôi tái mét, người thất thần, run cầm cập, tai ù lên nghe oang oang giọng hắn: “Tôi là quản lý thị trường! Chú có biết mình vi phạm tội “buôn gian bán lận” không? Bây giờ tôi sẽ lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng này”. Lấy giấy bút ra, hắn yêu cầu tôi khai rõ: họ tên, quê quán, đang làm gì; nguồn hàng lấy từ đâu, số lượng bao nhiêu? Mồ hôi toát ra đầm đìa, đứng không vững, hai chân khụy xuống, tôi chắp tay, miệng run cầm cập van xin hắn rộng lòng tha thứ. Hắn trợn mắt quát, yêu cầu tôi nghiêm túc khai báo để ghi biên bản. Tôi khiếp sợ, nếu khai ra, họ thông báo về trường, mình sẽ bị kỷ luật, mất nghề như chơi! Tôi tự nhủ lòng kiên quyết không khai, năn nỉ trình bày khó khăn mong hắn làm phúc, làm ơn tha thứ. Người đàn bà ngồi bán hàng, miệng nhai trầu bỏm bẻm, ghếch mặt về phía hắn, nói “Thôi anh tha cho cháu, tôi thấy nó cũng thật thà, đáng thương”. Bà nhìn tôi căn dặn: “Hôm sau, đừng dại thế nữa nhé!”. Bà nói chưa xong, hắn lững thững bỏ đi vào nhà trong. Hắn vừa bước qua cửa phòng, bà ra hiệu cho tôi đứng dậy chạy trốn nhanh! Như có sức mạnh tiếp thêm, tôi bật dạy cắm đầu chạy một mạch. Thỉnh thoảng tôi ngoái cổ nhìn lại phía sau để tránh có người đuổi theo. Về đến công ty Thương mại, tôi vẫn còn chưa hết run. Bụng đói cồn cào, lại bị mất tiền nhưng tôi thấy mình vẫn còn may bởi có “quý nhân” phù trợ, đã gặp được anh “Quản lý thị trường tốt bụng”.
Về đến nhà hơn mười giờ tối, hai đứa con đã ngủ ngon giấc. Vợ tôi đang ngồi soạn bài, mong ngóng chồng về. Tôi lững thững bước vào, vợ tôi xoắn xít hỏi kết quả chuyến đi. Vào phòng nhìn hai đứa con ngủ vô tư, tôi rơm rớm nước mắt thương con vì những dự định mua quà cho chúng nó không thành. Nóng lòng với chuyến “làm ăn” đầu tiên, nhưng thấy chồng buồn, vợ tôi đoán chắc có chuyện chẳng lành. Không để vợ phải chờ lâu, tôi “tường thuật” đầy đủ, chi tiết sự việc đã xảy ra. Vợ tôi buồn lắm, nhưng cố chia sẻ, động viên tôi, rằng nhà mình còn may, gặp được người tốt. Nếu không chẳng những chỉ mất tiền mà còn mất nghề nữa. Được vợ an ủi, động viên, tôi thấy lòng nhẹ hơn. Mấy hôm sau, tôi chủ động đến gặp anh Gai kể đầu đuôi câu chuyện. Anh lắc đầu, cười chua chát nói là tôi đã bị trúng kế của bọn “con phe”. Anh bảo rằng: “Nó trấn lột chú chứ tốt đẹp gì”. Trong lòng hơi dao động, nhưng tôi vẫn khăng khăng khẳng định với anh điều mình cảm nhận. Anh Gai bảo tôi ấu trĩ lắm, bọn chúng có đủ mánh khóe, mưu ma trước quỷ để lừa gạt người khác. Anh nói: “Chú ở quê xuống tỉnh, trông ngờ nghệch, khờ dại thì làm sao thoát khỏi nanh vuốt của chúng”. Anh Gai nói có lý, tôi liên tưởng những gì đã xảy ra, bắt đầu nghi ngờ về “lòng tốt” của anh “Quản lý thị trường”. 
Chuyện xảy ra, tôi âm thầm, lặng lẽ chịu đựng. Một hôm, thầy hiệu phó nhà trường đi công tác ở dưới tỉnh về, anh chị em giáo viên đang ngồi uống nước ở văn phòng. Nhìn thầy phấn khởi, mọi người tíu tít hỏi thăm tình hình chuyến đi. Thầy hồ hởi kể ra đủ thứ. Chuyện đang vui, thầy đứng dạy, mở cặp lấy ra một cái gói bọc báo vuông vắn, tay giơ lên khoe: “Hôm qua, tôi mua được cái quần vải Ga ba đin ở cổng chợ Tỉnh vừa đẹp, vừa rẻ”. Thầy lần lượt mở gói ra, giơ cái quần lên. Bỗng mặt thầy biến sắc, ngó lên, ngó xuống; nhìn xung quanh như tìm cái gì đó. Mọi người ngạc nhiên theo dõi. Tay rũ rũ cái quần, miệng thầy lẩm nhẩm: “Lạ thật, hôm qua mua tôi đã thử đoàng hoàng, mặc vừa khéo, sao bây giờ chỉ còn một ống!”. Chưa ai kịp hỏi, thầy vô tư kể lại: “Khi mặc thử xong, hai bên thống nhất, cô bán hàng gói quần lại, giục tôi trả tiền. Lúc đó, mấy cô khác cứ thúc thúc vào mông tôi bảo nhanh lên kẻo bọn “Cớm” lại thì chết cả nút. Nghe đến công an, tôi cũng hơi sợ, đưa tiền xong tôi nhận lại gói quần và vội vàng đi ngay”. Cả nhà được một trận cười vỡ bụng. Anh Long, đứng dậy bô bô giải thích: “Bố già ơi, bố đã bị bọn “con phe” lừa rồi. Chính lúc bố lúi húi đếm tiền thì bọn chúng đã đổi cái này. Cho nên mua quần hai ống, bây giờ còn một là đúng thôi!”. Nhìn thầy hiệu phó vẻ thất hồn, tôi chạnh lòng thương cảm. Tôi đau lòng, xấu hổ không dám ngẩng mặt lên, sợ họ biết mình cũng vừa “ăn” cú lừa như thế. Cái mặt nạ “nhân đức” đeo trên mặt anh “Quản lý thị trường” đã bị lột ra. Hắn lộ nguyên hình kẻ gian ác, đã trắng trợn ăn cướp hàng của tôi. Từ đó, càng củng cố thêm tâm nguyện: nhất định nếu gặp lại hắn, tôi sẽ tìm cách trả thù cho hả dạ. Biết anh Bùi là bố của Dương, có lúc tôi nảy ra ý định coi Dương là “con mồi” để chịu đòn thay cho bố. Dương làm tôi day dứt buồn vui lẫn lộn; vừa giận, vừa thương. Nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm của người thầy giáo không cho phép mình được làm hại học sinh. Tôi tạm quên đi những hận thù để trở lại chính mình.
Sự tiến bộ của nhóm “Bộ tứ” và lớp 11A6 đã khích lệ, động viên tôi. Các em đã mở lòng, thầy trò gần gũi nhau hơn. Thỉnh thoảng vào chiều chủ nhật, tôi cùng nhóm “Bộ tứ” tổ chức đi câu cá ở hồ Làng Hạ ngoại ô thành phố; cùng các em đi điền dã tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh xung quanh thị xã. Đối với Dương, tôi luôn tạo điều kiện cho em được thể hiện tài năng của mình qua các hoạt động tập thể. Bạn bè nhìn Dương với con mắt thân thiện và mến phục hơn. Để chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi cấp trường, tôi tổ chức thi khảo sát chọn năm em vào đội tuyển toán lớp 11A6. Dương đạt kết quả tương đối cao, xếp thứ ba trong số hai chục em tham dự. Lần đầu tiên được “biên chế” vào đội tuyển toán của lớp, Dương tỏ ra phấn khởi, tự tin hơn. Các em trong đội tuyển cùng tôi chạy đua với thời gian, chăm chỉ luyện tập. Điều phấn khởi và hạnh phúc đến với thầy trò tôi, Dương đã vượt qua kỳ thi sơ tuyển, chính thức được gọi vào đội tuyển toán của trường, tham gia bồi dưỡng để tiến tới dự thi học sinh giỏi lớp mười hai cấp tỉnh.
Một hôm, trường vừa tan học, tôi đi vào phòng chưa kịp ngồi xuống, em lớp trưởng hớt hải chạy vào, mặt tái xanh báo Dương bị tai nạn giao thông. Chúng tôi hốt hoảng, lo sợ hỏi rõ thêm ở đâu, mức độ thế nào. Không chần chừ, chúng tôi lao thẳng đến hiện trường. Chẳng biết Dương đi đứng ra sao mà chiếc xe máy điện đâm thẳng vào cột mốc bên đường. Nhìn Dương nằm bất tỉnh, máu chảy lênh láng, chúng tôi hoảng sợ vội đưa ngay em đến bệnh viện cấp cứu. Qua sơ cứu, bác sỹ bảo Dương bị gãy xương đùi trái, mất nhiều máu. Chúng tôi lúng túng, hỏi cách xử lý thế nào? Bệnh viện thông báo, trước hết phải có một lượng máu lớn để tiếp cho bệnh nhân. Ở đây, ai là người nhà bệnh nhân vào thử, lấy máu để truyền ngay! Tôi lên tiếng, xin được vào trước. Tôi thất vọng vì máu của mình không hợp với nhóm máu của Dương. Nhanh trí, tôi bảo em lớp trưởng tin cho các bạn trong lớp tập trung về bệnh viện. Một lát sau, nhiều em đã có mặt. Các em lần lượt vào thử theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Những em có cùng nhóm máu đã được lấy máu truyền kịp thời cho Dương. Cả kíp trực của bệnh viện, khẩn trương tập trung cứu chữa, nguy kịch bước đầu đã qua đi. Ca mổ đã xong, Dương nằm bất tỉnh trong phòng Hồi sức cấp cứu.
Nhận được tin, bố mẹ Dương đang đi du lịch cấp tốc về ngay. Chị Mơ hoảng hốt liếng thoắng hỏi các bác sỹ về bệnh tình của con; hỏi chúng tôi về đầu đuôi câu chuyện. Nhìn con nằm bất tỉnh, chị khóc toáng lên, lo cho Dương. Biết chuyện, anh Bùi lầm lỳ chẳng nói gì, mắt cứ nhìn chằm chằm vào mặt tôi như soi mói điều bí ẩn. Bình tĩnh lại, chị Mơ cầm tay cô bác sỹ khẩn khoản: “Vợ chồng tôi cảm ơn các bác sỹ đã tận tình cứu cháu”. Cô bác sỹ chỉ tay về phía chúng tôi, bảo: “Gia đình hãy cảm ơn thầy giáo và các bạn của cháu trước đã”. Khi Dương tỉnh dậy, mắt đờ đẫn, mệt mỏi, hỏi “Thầy Nam và các bạn đâu?”, chị Mơ mừng quýnh, cúi xuống ôm chặt Dương khóc nấc lên: “Mẹ đây, con đau lắm à, không sao đâu, chịu khó nhé!”. Tôi mừng quá lại bên Dương, khẽ hỏi: “Em tỉnh rồi à, cố gắng lên!”.
Dương bị tai nạn phải nghỉ học một thời gian nên kết quả không đạt qua kỳ kiểm tra lần cuối vào đội tuyển toán của trường. Tôi hơi buồn và cứ sợ Dương suy nghĩ tiêu cực. Nhưng chính em lại động viên và an ủi tôi, bảo rằng việc không đạt kết quả cao là do em. Song điều đó không quan trọng. Dương cảm động và biết ơn tình cảm, tình yêu thương của thầy cùng các bạn lớp 11A6 đã dành cho em. Quan hệ giữa Dương và các bạn ngày càng thân mật; quý trọng và thương yêu nhau hơn. Bằng sự cố gắng nỗ lực, Dương đã trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm khá cao.
Tối thứ bảy, liên hoan cho Dương xong, anh Bùi mời tôi cùng đi dạo ngoài biển. Đêm xuống, biển mênh mông phủ tấm thảm màu sẫm đen. Sao biển, sao trời hòa quyện vào nhau. Từng lớp sóng rì rào xô bờ tung bọt trắng xóa. Du khách thong thả dạo bước trên bãi cát vàng óng mịn. Thành phố biển náo nhiệt, lung linh khoe đủ sắc màu trong đêm hè huyền ảo. Hai người đang đi, bỗng anh Bùi quay sang tôi hỏi:
- Thầy có nhớ tôi không?
- Tôi chưa bao giờ quên anh! - Tôi đáp.
- Hôm gặp nhau ở bệnh viện, linh tính mách bảo, tôi giật mình khi nhận ra thầy. Thú thật, lúc ấy tôi muốn chui xuống đất để chạy trốn tội lỗi của mình, chỉ sợ thầy phát hiện ra, trong hoàn cảnh đó thì thật là khó xử!
- Hôm đến nhà, nhìn thấy ảnh anh treo trên tường tôi nhận ra ngay, nhưng vì chuyện qua lâu rồi nên chẳng muốn nhắc lại.
Được tôi mở lòng chia sẻ, anh Bùi cứ thế giãi bày hết những day dứt, khổ đau trong lòng bấy lâu. Anh kể tôi nghe, hồi đó nhìn tôi vội vã chạy ra khỏi nhà lòng anh bỗng trào lên nỗi thương cảm; định chạy theo gọi tôi quay lại để trả ba lô hàng. Nhưng bóng tôi đã nhanh chóng mất hút. Thời gian sau đó, hình ảnh của tôi lúc nào cũng ám ảnh anh. Đặc biệt, từ ngày tôi cứu cháu Dương và biết tôi quan tâm dạy dỗ cháu, anh càng ân hận, lúc nào cũng xấu hổ với lương tâm mình. Anh tự sỉ vả mình là “kẻ ăn cướp”, “kẻ khốn nạn” đáng bị nguyền rủa. Anh hỏi tôi sao nhận ra nhau mà vẫn hết mực tận tâm, nhiệt tình giúp cháu? Bây giờ tôi đã trở thành “ân nhân” của cháu, của gia đình anh. Tôi là người cứu cháu Dương thoát khỏi con đường hư hỏng, cũng là người cứu sống tính mạng cháu; “món nợ” cuộc đời chẳng biết đến bao giờ anh trả hết cho tôi! Tôi bảo: “Chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, do thời buổi lúc đó ai cũng phải tìm cách lo cho mình miếng cơm, manh áo. Cũng như ngày nay, cuộc sống bị chi phối bởi bao cám dỗ tiêu cực của kinh tế thị trường, nhiều người đã rơi vào cạm bẫy. Bởi vậy, vấn đề là mình có đủ bản lĩnh, nghị lực và nhất là lòng nhân ái để vượt qua hay không! Những việc tôi làm với cháu và với các em học sinh đó là lẽ thường tình từ lương tâm và trách nhiệm của người thầy giáo. Anh đừng băn khoăn gì”. Mở cặp, anh lấy ra bịch tiền dày cộp đặt vào tay tôi, bảo: “Nghe nói thầy cô sắp làm nhà, tôi có chút gọi là “trợ giúp” mong thầy vui vẻ  nhận cho!”. Bị bất ngờ nhưng theo bản tính, tôi từ chối, gửi lại anh bịch tiền và nói để anh vui lòng: “Dù một chút là nhiều hay ít tôi cũng không chê tấm lòng thơm thảo của anh chị. Xin anh đừng làm thế! Nói thật, gia đình tôi lúc này thêm một đồng cũng quý, nhưng nếu nhận, tôi có thể giúp anh vơi đi món nợ cuộc đời. Song chính tôi lại bị ám ảnh, day dứt với món nợ này sẽ không bao giờ trả hết. Tôi nghĩ, để cuộc sống thanh thản, tốt đẹp hơn chỉ khi chúng ta trao cho nhau tình thương yêu chân thành, lòng vị tha đích thực”. Anh thanh minh rằng không phải là anh dùng tiền trả nợ mà chỉ một chút gọi là làm quà cảm ơn và mong tôi rộng lòng tha thứ. Tôi kiên quyết từ chối. Anh lặng lẽ cất bịch tiền vào cặp.
Biển lồng lộng gió. Từng đợt sóng rì rầm vô tư trườn lên bờ cát. Xa xa những ánh đèn lung linh nhấp nháy giữa mịt mùng khơi xa, báo hiệu từng con thuyền nhỏ vẫn không bị lạc hướng để đi về đúng bến bờ. Hai chúng tôi cảm thấy vơi đi món nợ cuộc đời, giang tay đón gió, lòng thanh thản, lâng lâng thả hồn hòa quyện vào trời đất bao la.
          

 Tháng 3-2022
                   G.K


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 124
 Hôm nay: 2349
 Tổng số truy cập: 7477081
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa