Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn nghệ   /   Tọa đàm “Văn nghệ dân gian Thanh Hóa - 50 năm xây dựng và trưởng thành”
Tọa đàm “Văn nghệ dân gian Thanh Hóa - 50 năm xây dựng và trưởng thành”

Muốn giữ được văn hóa dân gian phải giữ được không gian vốn có của nó. Văn hóa miền núi mà không giữ được rừng, không giữ được núi, thì văn hóa mất. văn hóa nông thôn mà đô thị hóa nông thôn thì văn hóa mất. văn hóa sông nước mà thủy điện chặn dòng, sông hết nước, ô nhiễm thì văn hóa mất. văn hóa lúa nước mà nông dân bỏ ruộng, đất quy hoạch thành nhà máy, thành biệt thự, sân golf thì văn hóa mất. vì vậy, những người làm công tác văn hóa, các nhà nghiên cứu, sưu tầm… cần phải có tiếng nói để giữ lại không gian cho văn hóa sống khi đó văn hóa mới sống…
Đây là vấn đề thu hút được sự quan tâm và luận bàn khá nhiều của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các học giả trong buổi Tọa đàm “Văn nghệ dân gian Thanh Hóa - 50 năm xây dựng và trưởng thành” do Ban Văn nghệ dân gian thuộc Hội VHNT Thanh Hóa tổ chức vào sáng ngày 28 tháng 11 năm 2023. Tới dự và chỉ đạo buổi lễ có Nhà LLPB Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, các đồng chí trong BCH Hội và đông đủ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các học giả là hội viên của Ban Văn nghệ dân gian.

Tọa đàm “Văn nghệ dân gian Thanh Hóa - 50 năm xây dựng và trưởng thành”


Tọa đàm “Văn nghệ dân gian Thanh Hóa - 50 năm xây dựng và trưởng thành” là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm và các học giả cũng như những người làm công tác văn hóa nhìn lại thành tựu, đóng góp của Ban văn nghệ dân gian trong việc thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đồng thời đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa. 
Bằng sự miệt mài, tận tâm trong suốt 50 năm qua Ban văn nghệ dân gian đã cho ra đời hàng trăm công trình, tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian ở nhiều thể loại. 4 trên tổng số 29 hội viên trong Ban đã được tặng thưởng nhà nước cho các tác phẩm nghiên cứu về vắn hóa, văn nghệ dân gian. Nhiều tác giả đạt giải thưởng của Hội chuyên ngành Trung ương, giải VHNT hằng năm, giải VHNT Lê Thánh Tông 5 năm của tỉnh. Với tình yêu quê hương, đất nước, sự nhiệt huyết, tận tâm trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn nghệ dân gian, nhiều người đã miệt mài, lăn lộn ở những thôn bản, làng xa xôi để sưu tầm, nghiên cứu những thể loại, loại hình văn nghệ dân gian qua lời kể, diễn xướng của các vị cao niên. Các công trình, tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu có sự so sánh, đối chiếu với di sản vùng miền, bảo đảm tính khoa học, khách quan, nghiêm túc nên được bạn đọc và các nhà khoa học ghi nhận và khẳng định.
Với 24 bài tham luận, các nhà nghiên cứu, các học giả đã mang đến cho buổi tọa đàm những cái nhìn chung nhất, bao quát nhất cũng như những góc cạnh đáng bàn và cần được quan tâm nhất đối với văn hóa, văn nghệ dân gian. Từ dân ca Thanh Hóa đến lễ hội dân gian, từ bảo tồn di tích vật thể đến phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, từ văn hóa làng ở miền xuôi đến văn hóa các tộc người miền núi… bên cạnh nêu lên các giá trị của thể thức, loại hình các nhà nghiên cứu và các học giả cũng nêu lên thực trạng và tầm quan trọng của việc cần thiết phải phục dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo vệ, kế thừa và phát triển các hình thức văn hóa, văn nghệ dân gian trong tình hình hiện nay. Đồng thời các đại biểu tham dự cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập, khó khăn trong công tác nghiên cứu, sưu tầm đặc biệt là tìm giải pháp cho sự kết hợp giữa văn hóa, văn nghệ dân gian và phát triển kinh tế xã hội trong thời buổi hội nhập. Để vừa phát triển vừa giữ gìn được không gian cho văn hóa, văn nghệ dân gian thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả người dân và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu.

Nhà LLPB Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, phát biểu tại buổi tọa đàm


Phát biểu tại buổi tọa đàm, Nhà LLPB Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa, thay mặt Thường trực Hội ghi nhận và biểu dương những thành tựu và cống hiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các học giả cho công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian trong suốt 50 năm qua. Thay mặt Thường trực Hội, đồng chí tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm. Thường trực Hội sẽ bàn bạc, thảo luận, xem xét thống nhất tập thể báo cáo lãnh đạo Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách xây dựng phát triển văn học, nghệ thuật hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nhân dịp này, đồng chí Phó Chủ tịch hội cũng mong rằng các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học văn nghệ dân gian đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn trong sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, quảng bá tác phẩm, công trình văn hóa, văn nghệ dân gian có giá trị cả về nội dung, tư tưởng cả về thực tiễn góp phần tích cực, hiệu quả vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian tới.

P.V


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 474
 Hôm nay: 4166
 Tổng số truy cập: 9250077
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa