Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Văn nghệ   /   Tọa đàm “Văn học miền núi Thanh Hóa”
Tọa đàm “Văn học miền núi Thanh Hóa”

Sáng ngày 21 tháng 11 năm 2023, Ban Lý luận phê bình thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa tổ chức buổi tọa đàm “Văn học miền núi Thanh Hóa”. Đến dự có nhà LLPB Thy Lan, Phó chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh; các đồng chí trong Thường trực Hội, Ban Chấp hành Hội cùng đông đủ các Hội viên trong Ban.

Toàn cảnh buổi tọa đàm


Trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm “Văn học miền núi Thanh Hóa”, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ tập trung nghiên cứu, đánh giá tác phẩm của các tác giả miền núi, đặc biệt là giai đoạn từ sau năm 1974 đến nay.
Gần 50 năm qua, những cây bút thuộc đội ngũ văn học miền núi đã xây dựng nhiều thế hệ. Sớm nhất là nhóm: Vương Anh, Hà Thị Cẩm Anh, Bùi Nhị Lê... (dân tộc Mường) xuất hiện ngay từ những ngày đầu thành lập Hội VHNT tỉnh. Thế hệ kế tiếp là nhóm: Bùi Nhị Lê, Bùi Kim Quy, Cao Sơn Hải, Bùi Chí Hăng... xuất hiện những thập kỷ cuối thế kỷ XX. Nhóm thế hệ thứ ba xuất hiện ở thế kỷ XXI: Trương Thị Mầu, Cao Nguyên Quyền, Phạm Tú Anh, Phạm Thị Kim Khánh, Phạm Tiến Triều, Phạm Xuân Sinh, Bùi Xuân Tứ (dân tộc Mường); Hà Văn Thương, Quách Lan Anh, Phạm Xuân Cừ, Phạm Hà May, Cao Hồng Minh, Hà Nam Ninh, Cao Bằng Nghĩa, Lương Xuân, Lò Thị Tú Oanh (dân tộc Thái); Lê Anh Hồng (dân tộc Thổ); Lâu Văn Mua (dân tộc Mông).
Tọa đàm có 20 tham luận tập trung vào các tác giả miền núi hiện đã và đang cống hiến trong sáng tạo nghệ thuật, đóng góp vào sự vận động phát triển của Hội VHNT tỉnh nhà. Các tham luận chụm lại ở hai hướng nghiên cứu: Nghiên cứu những vấn đề khái quát, với các bài viết: “Về bộ phận văn học miền núi ở Thanh Hóa” của Lâm Bằng; “Văn học miền núi Thanh Hóa trong dòng chảy văn học hiện đại” của Trịnh Vĩnh Đức; “Trực cảm sinh thái trong tác phẩm của các cây bút Mường xứ Thanh” của Hỏa Diệu Thúy. Và nghiên cứu vào các tác giả, tác phẩm cụ thể, như: Hà Thị Cẩm Anh, Cao Sơn Hải, Phạm Thị Kim Khánh, Trương Thị Mầu, Phạm Tiến Triều, Lâu Văn Mua... Các bài viết ngoài việc tìm ra đặc điểm riêng của mỗi cây bút, còn rất ý thức tìm đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong tác phẩm của các cây bút. Tính dân tộc không chỉ ở hình thức, thủ pháp nghệ thuật, mà còn là vấn đề tính chất dân tộc trong văn học.

Nhà LLPB Thy Lan - Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa phát biểu tại buổi tọa đàm


Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà LLPB Thy Lan - Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn học miền núi. Mong rằng sắp tới sẽ có nhiều tác phẩm viết về mảng nghệ thuật. Đồng chí lãnh đạo các ban có sự kết nối chặt chẽ đào sâu tìm ra nhân tố mới, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị làm giàu thêm kho tàng văn học xứ Thanh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. 
Buổi tọa đàm đã có nhiều ý kiến đóng góp thể hiện cách nhìn sâu sắc, chân thực về đội ngũ, cũng như chất lượng văn học trong đời sống hôm nay của văn học miền núi Thanh Hóa. Qua đó đưa ra những định hướng cho sự phát triển của văn học và mỗi tác giả phải luôn nỗ lực sáng tạo, giới thiệu khẳng định bằng chính những tác phẩm chất lượng, mang đậm sắc thái văn hóa vùng cao…

Lê Trang


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 137
 Hôm nay: 3604
 Tổng số truy cập: 7668341
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa