Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Bạn ấu thời
Bạn ấu thời

Các cụ trong làng thường bảo từ đỉnh núi Sơn Viện nhìn xuống ngôi làng nhỏ với cái tên Chiến Lợi trông giống như một con chim đang sải cánh bay về phía núi. Để kiểm chứng lời các cụ, lũ con nít chúng tôi nhiều lần lên Sơn Viện, leo lên những ngọn thông cao nhất, một tay bám vào cành cây, tay còn lại che trán cố nheo mắt, nghển cổ nhìn về phía làng mà chẳng thể nào tưởng tượng ra dáng hình của con chim. Thửa đất Chiến Lợi trong mắt lũ trẻ con bọn tôi nó cứ méo mó, vẹo vọ chẳng ra hình thù gì. Thế nhưng đứa nào, đứa nấy đều chắc nịch cho rằng mắt con chim không đâu khác chính là giếng làng.
Nếu làng tôi hình con chim thì mắt chim nằm gần cuối làng sát chân núi Sơn Viện. Cái giếng cũng cổ xưa như cái tên của làng tôi. Từ ngày tôi biết nhận thức, giếng làng đã nằm đó phủ đầy rêu phong như một cụ cao niên đắc đạo lặng thầm quan sát mọi người trong làng. Người làng tôi đã từ lâu không phải gồng gánh những xô nước từ giếng làng về đổ trong chum để sử dụng nữa mà chuyển qua dùng giếng đào, hiện đại hơn có nhà còn có giếng khoan để lấy nước.
Giếng làng vẫn ở đó nhưng không mấy ai lui đến thành ra nó trở thành địa điểm tụ họp của hai đứa trẻ nhà ở chân núi. Ở đó thường diễn ra những cuộc họp để bàn bạc xem hôm nay chơi gì và tất nhiên tôi sẽ là người lựa chọn còn con Lan hấp là người răm rắp nghe theo không lần nào có ý kiến khác. Những đứa trẻ trong làng tôi thường được gọi bằng những biệt danh, đứa thì người lớn đặt, có đứa thì tụi trẻ con tự đặt. Các biệt danh đa phần đều dựa vào đặc điểm nhận dạng của đứa trẻ đó và đều xấu. Như cái biệt danh Trung móm bởi khuôn mặt móm của tôi hay thằng Hiếu nhà ở giữa làng cũng là đứa bạn thân trên lớp của tôi, người nó đen như củ súng nên bị gọi Hiếu đen. Thế nhưng có vẻ cái biệt danh con Lan là xấu nhất, chữ hấp thật nặng nề và bất công với nó.
*
Bố tôi và bố Lan, chú Huân vốn là bạn của nhau sau này lại cùng đi B một đợt nên càng trở nên thân thiết. Trong những cuộc nhậu của hai người những câu chuyện bắt đầu có thể khác nhau khi là chuyện giống má, phân tro, đồng bãi, lúc là tiền nong con cái học hành hay có khi là chuyện thời tiết nắng, mưa. Thế nhưng nói một vòng kiểu gì câu chuyện cũng quay về những tháng ngày chiến tranh. Những lúc như vậy dù đã ăn xong tôi vẫn ngồi chầu hẩu bên cạnh bố để hóng chuyện trong khi mẹ tôi đã xuống dưới bếp dọn dẹp. Trong hơi rượu, giọng hai người đàn ông khê nồng kể về những năm tháng tuổi mười tám từng sống và chiến đấu.
Mười tám năm chỉ gắn bó với cánh đồng, con trâu, với dòng sông Vân và ngọn núi Sơn Viện quê nhà. Đi cùng mẹ từ nhà đến thị xã mà cảm tưởng đã đi xa lắm rồi, vậy mà đùng một cái đăng lính, nhập ngũ. Trên chiếc xe thùng người ta chở cả hai đến khu tập trung nơi cách nhà tôi vài trăm cây số để rèn luyện sức khỏe cho cuộc hành trình vào Nam. Dù là con nhà nông vốn quen với những công việc chân tay nặng nhọc nhưng vào lính thời gian đầu vẫn chẳng thể quen được, đặc biệt bố tôi vốn không được to cao gì nên việc luyện tập càng trở nên vất vả. Bố tôi kể: “Ngày ấy mỗi ngày đều luyện tập đi bộ trên hai mươi cây số qua đủ các loại địa hình mà người ta dựng lên cho giống với thật. Ba lô người nào người nấy nhét nặng chịch toàn gạch, số cân nặng theo thời gian cứ tăng dần lên, ban đầu là mười cân sau đó tăng dần đến ba mươi cân. Luyện tập đi cả ngày rồi đêm cho đôi chân, con mắt quen dần với sức nặng và bóng tối. Tập thì mệt nhưng ai cũng háo hức, bởi đi B là điều gì đó thiêng liêng lắm, ngày ấy cả một thế hệ thanh niên với khát khao mãnh liệt được vào Nam chiến đấu”. Cả bố tôi và chú Huân đều mong ngóng đến ngày đi, cuối cùng sau một tháng rèn luyện thể lực và học chính trị mọi người cũng được lên đường bắt đầu một cuộc hành trình “vĩ đại” của thời kỳ hoa lửa.
Cuộc hành quân trong những cánh rừng Trường Sơn rậm rạp kéo dài nhiều tháng trời đầy nguy hiểm, đói và mệt. Ngoài bom đạn, chết chóc, sốt rét rừng thì những con vắt bu đặc dưới nền đất đầy lá ẩm mục cũng là điều ám ảnh kinh hoàng với những người lính. Những con vắt nhỏ như những cái kim tua tủa vươn cái vòi trực bám vào chân người để hút máu. Sau nhiều ngày đi rừng bố tôi bắt đầu lên cơn sốt, đầu nóng hâm hấp nhưng người thì lạnh dù trời nắng như đổ lửa. Bố uống hết số thuốc được cấp phát, chú Huân phải cho thêm mà chẳng khỏi, có khi mệt quá chẳng đủ sức mà uống chú Huân phải mài ký ninh để đổ vào miệng cho bố tôi, rồi dìu ông đi. Người bố tôi cứ lả dần, lả dần trong khi cuộc hành quân vẫn phải tiếp tục. Đôi chân ông vẫn cố gắng lê theo đoàn, dù cơn sốt hành hạ và cả người đau nhức mỏi nhừ, nhiều lúc có cảm tưởng chú Huân kéo bố tôi đi chứ chân không còn sức để lết nữa. Tình trạng đó kéo dài suốt gần tuần trời cho đến một hôm trời bỗng đổ sập trước mắt tối sầm lại và ông không hay biết gì nữa.
Bố tôi được chuyển ngược ra Bắc, còn chú Huân tiếp tục hành trình. Ông tỉnh lại trong căn phòng trắng, hỏi cô y tá mới hay mình đã hôn mê suốt một tháng cả người tím tái tưởng chết. Cô kể, trong lúc hôn mê bất tỉnh bố tôi miệng liên tục gọi ai đó tên Huân. Sau lần đấy bố tôi được chuyển đến đơn vị phục vụ hậu cần vì tình trạng sức khỏe yếu. Chú Huân với bố tôi tách nhau từ đợt đó, mãi sau này khi giải phóng về làng mới gặp lại nhau. Chú Huân nói: “Đó là thời kỳ kinh hoàng, khắp nơi là bom đạn, cái chết thường trực khắp mọi nơi nhưng những người lính Cụ Hồ đúng là dũng cảm, đi giữa những cánh rừng cháy khét mù mà vẫn lạc quan hát khúc quân hành. Bố tôi nghe vậy vỗ đùi cái đét đưa chén cụng ly với chú Huân rồi nâng lên miệng nuốt ực một cách đầy khoái trá, tự hào. Tôi ngồi bên cạnh nghe chuyện mà cũng râm ran, hừng hực lây cái khí thế đầy quyết tâm đấy. Thế nhưng có một điều về chiến tranh mà bố tôi và chú Huân ít khi đụng đến. Đó là nỗi buồn của chú Huân, là dấu hiệu kết thúc cho những cuộc nhậu của hai người khi mắt chú bắt đầu long lanh nước nhìn về nơi nào đó xa xăm lắm.
*
Tôi là chúa nghịch dại và người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những trò đó của tôi không ai khác là Lan hấp. Có lần tôi rủ nó cùng đi trêu gà nhà bà Khôn. Bà Khôn sống một mình trong căn nhà cũng lâu niên y như bà. Bà nuôi rất nhiều gà, trong số đó có một con gà trống thiến rất hung dữ. Chỉ cần nó thấy người, đặc biệt trẻ con là sẽ bay đến đạp tới tấp cái cựa sắc nhọn vào đối phương. Sau nhiều lần vô tình đi qua nhà bà bị con gà ngang ngược đó đạp đến tóe máu tôi tức trí rủ Lan hấp cầm theo gậy nghênh chiến. Chúng tôi lựa hôm bà Khôn đi vắng, mỗi đứa cầm theo một khúc tre lẻn qua hàng rào dâm bụt nơi ngăn cách vườn nhà bà với đường làng để vào trong vườn. Hai đứa mon men núp đằng sau những gốc chuối phục kích để đánh úp con gà. Thế nhưng khi chúng tôi còn đang thậm thò, thậm thụt thì con gà chẳng biết từ đâu lao tới, nó rướn cổ hung hăng chuẩn bị nhảy lên để bổ những cú đạp vào người chúng tôi. Nhìn thấy nó như vậy tôi hoảng quá bỏ gậy chạy một mạch đến hàng rào rồi chui tót ra ngoài, khi ngoảnh lại thì không thấy con Lan hấp đâu. Thì ra nó không kịp chạy nên bị tụt ở lại, hậu quả sau lần đó chân con Lan bị sưng vù phải đắp lá mất mấy ngày. Cũng may con Lan hấp cầm theo cây gậy, trong lúc bị gà đạp nó hoảng quá khua khua gậy đập trúng con gà nên mới thoát được ra ngoài.
Lần đấy về tôi nghĩ mình sẽ bị bố đánh cho một trận no đòn vì cái tội nghịch dại. Hôm đó tôi đưa Lan hấp về nhà xong mới về nhà mình trong tâm trạng lo lắng. Tôi cứ nhìn cây roi tre bố gác lên mái nhà, nhớ lại những âm thanh vun vút xé gió của cây roi trước khi chạm vào mông tôi nơm nớp chờ. Tôi chờ cho con mực sủa inh ỏi nơi đầu ngõ, chờ chú Huân sang báo với bố tôi về cái trò nghịch dại nhưng tôi chờ suốt cả buổi đến tận sáng hôm sau mà vẫn không thấy chú Huân sang, đến khi ấy tôi mới tạm yên tâm.
Chuyện trêu gà vẫn chẳng ăn thua gì với việc giữa trưa nắng khi hai đứa đang nhẩn nha trên cây ổi để gặm những quả vừa xanh vừa cứng ngắc chát xít thì tôi nổi hứng rủ Lan đi bơi. Hồi ấy tôi mới biết bơi được ít nên ti toe lắm, thường thì chúng tôi chỉ được phép bơi buổi chiều, vì khi đó người lớn cũng ra ao để bơi và trông chúng tôi. Lan hấp hơi rụt rè nhưng để chiều lòng tôi nó vẫn đi bơi cùng. Lan không biết bơi nên nó chỉ mon men ở bờ, tôi rủ nó ra chỗ tôi đứng chơi cho thích, nước chỗ sâu mát hơn nhiều. Chả đợi nó đồng ý tôi cứ thế kéo tay nó đi, vừa kéo được một đoạn thì cả hai thụt xuống một cái hố. Theo phản xạ tự nhiên tôi buông Lan ra và bơi chối chết vào bờ, con Lan ngụp lặn trong nước và càng lúc càng xa bờ. Tôi với cái gậy cố đưa ra cho nó và gọi nhưng dường như nó chẳng nghe thấy gì. Người nó cứ đuối dần, đuối dần, tóc nó dập dềnh trên nước như đám rễ bèo bị sóng đánh tả tơi trên sông Vân những chiều mưa bão. Khi những cái rễ bèo cuối cùng lặn mất sau làn nước thì bố tôi từ đâu nhảy ùm xuống ao, bố quờ quạng một lúc mới vớt được Lan hấp. Cả người nó trắng bợt vì ngâm nước còn mặt tôi thì trắng bợt vì lo lắng. Lan bất tỉnh, bố tôi xách ngược hai chân nó lên chạy một vòng quanh sân, may mắn nước từ mồm nó ọc ra rồi nó dần tỉnh và bắt đầu khóc. Chú Huân chạy sang giã lá trầu không cho nó uống để nôn hết số nước còn lại trong bụng, nó vừa uống nước vừa tiếp tục khóc. Cả nhà tôi được một phen hú vía, dù cho trước khi ra về con Lan vẫn cố nói với bố tôi và chú Huân là do nó ngã xuống ao nhưng tôi vẫn bị cho một trận no đòn.
Ngoài những lần nghịch dại nhớ đời đó ra thì những trò chơi khác Lan hấp cũng rất nhiệt tình hưởng ứng với tôi như một chiến hữu thân thiết, dù nó không thực sự thích trò chơi tôi bày ra lắm. Như trò lên Đồng Chó bắt chuột chẳng hạn. Làng tôi có một cánh đồng với cái tên lạ lùng,  tên Đồng Chó. Đồng không trồng lúa chẳng tỉa ngô, tra đậu mà chỉ toàn là cỏ và những mô đất như những nấm mồ. Đồng Chó là nơi lũ trẻ chăn trâu của làng thường tụ tập thả cho trâu ăn cỏ rồi bỏ đi chơi. Ở những mô đất nhô cao trên đồng có rất nhiều chuột nên lũ bọn trẻ con thường thi nhau bắt chúng. Chúng tôi bắt chuột không phải để nướng ăn nên mỗi một con chuột bị đập chết chỉ chặt cái đuôi để cuối buổi đếm xem đứa nào bắt được nhiều hơn sẽ được phong “vua săn chuột”. Mỗi đội sẽ có hai người, tất nhiên tôi với Lan hấp một đội, điều đó hiển nhiên đến mức bọn nó mải mê bắt cặp với nhau mà chẳng thèm quan tâm hai đứa tôi. Phải cái, Lan hấp rất sợ chuột, tôi đốt rơm ở đầu này để chuột sặc khói chạy về đầu kia, nơi mà tôi dặn nó cầm gậy thấy chuột chạy ra là đập ngay. Vậy mà lần nào thấy con chuột ló cái đầu ra nó cũng nhắm tịt mắt vừa vung gậy loạn xạ vừa nhảy câng câng như đỉa phải vôi. Trong khi ấy đội thằng Hiếu đen đã bắt được ba con, đi qua chúng tôi nó còn ve vẩy ba cái đuôi trêu tức. Tôi bực mình vứt bịch cái đuốc rơm xuống đất và quát lớn rằng: “Lan hấp là đồ ăn hại”, làm nó co rúm lại. Nhìn nó vậy tôi lại thấy thương nên bảo để nó qua hun khói tôi sẽ đập chuột. Lan hấp vẫn còn rất sợ nhưng hình như con chuột không làm nó sợ bằng việc tôi quát nó, nên luôn cố gắng làm tốt việc hun khói được giao. Hai chúng tôi nhanh chóng đuổi kịp số chuột của đội thằng Hiếu đen và vươn lên, hai đội đuổi nhau từng con một. Từng tiếng chít chít kêu lên là một con chuột lìa đời, cuối buổi tổng kết hai bên hòa nhau khi đều cùng bắt được mười lăm con.
Lan hấp luôn cun cút đi theo và làm theo những gì tôi sai bảo, nhiều lần nó bị những trò nghịch dại của tôi làm đau thậm chí suýt mất mạng nhưng chưa lần nào nó mách chú Huân hay bố tôi. Tôi nghĩ chắc nó sợ tôi không chơi với nó nữa, nếu tôi không chơi với nó thì nó sẽ chẳng còn ai chơi cùng.
*
Chú Huân đi lính về rồi lấy vợ, chú đẻ được hai người con gái. Con đầu của chú ấy là chị Huệ, chị Huệ hơn tôi và Lan ba tuổi nhưng có vấn đề về thần kinh. Lũ trẻ trong làng thường gọi chị là Huệ hâm, chị chẳng thể nói thành tiếng mà chỉ ú ớ biểu đạt. Lần nào tôi sang nhà chú Huân để rủ Lan hấp đi chơi cũng thấy chị ngồi ở gốc cây dừa trước nhà chú, hai chân thõng xuống ao đạp nước, mặt chị mũi dãi tèm lem. Lạ một cái mỗi lần nhìn thấy tôi chị đều nở một nụ cười, nụ cười ngờ nghệch nhưng tươi rói. Nhưng lần nào thấy chị, tôi cũng cố chạy thật nhanh, tôi sợ lỡ chị lên cơn chị lùa đánh tôi như đánh mấy đứa con nít trong làng thì toi. Bình thường chị Huệ rất hiền nhưng mỗi lần lên cơn chị như biến thành con người khác, hung dữ và rất đáng sợ. Kết thúc cơn điên loạn bao giờ cũng là tiếng hét rú lên rồi chị ngất lịm, cả người co giật, nước dãi từ miệng chị nhễu ra trắng xóa. Bố tôi bảo bị động kinh, mỗi lần thấy chị bị như vậy chú Huân phải chạy tới vỗ lưng, xoa dầu cho tay chân chị giãn ra. Cũng vì để trông chị nên vợ chồng chú Huân chẳng thể đi làm ở đâu xa. Lần nào chứng kiến cảnh ấy bố tôi cũng rơm rớm nước mắt. Có lẽ thương chị Huệ, thương vợ chồng chú Huân mà nhà có gì bố cũng bắt tôi mang sang cho nhà chú. Đặc biệt bố bắt tôi phải chơi với Lan.
Lan bằng tuổi tôi, nó bình thường không ngờ nghệch như chị Huệ, vẫn đi học cùng với tôi như bao đứa trẻ khác. Mỗi cái Lan hấp vẫn không thể thoát khỏi bệnh động kinh. Thi thoảng trong lớp học tự nhiên nó rú lên và nằm sõng soài ra đất giãy giụa. Lần đầu tiên nó lên cơn trên lớp là vào cái hôm sau giờ thể dục vận động mạnh quá, lũ trẻ con xúm lại sợ hãi nhìn nó trên đất. Cô giáo đã được chú Huân dặn trước, mỗi lần nó lên cơn cô đều biết cách xử lý một cách kịp thời nên không có ảnh hưởng đến sức khỏe của nó. Nhưng bọn trẻ trong lớp bắt đầu kêu nó với cái tên Lan hấp. Lan lại không học giỏi, đấy là tôi tránh không muốn nói nó khá ngu ngơ trong việc học hành nên bạn bè lại càng có căn cứ để đánh đồng nó cũng như chị nó, chúng gọi hai chị em Lan Huệ là chị em hâm hấp và trêu chọc. Mỗi giờ ra chơi bọn nó thường hùa nhau xô đẩy Lan hấp và kêu nó là đồ thần kinh, nhưng Lan hấp vô cùng mạnh mẽ khác hẳn vẻ khiêm nhường khi chơi với tôi, đứa nào đụng vào là nó sẵn sàng cho ăn đấm ngay. Nhờ có việc đó mà tôi mới biết Lan hấp khỏe vô cùng khi một lúc nó xơi tái luôn ba thằng trong lớp. Thế nhưng sự xù lông lên của nó càng khiến những trò trêu chọc trở nên ác ý và càng đẩy nó xa mọi người. Sau tất cả chỉ còn mỗi tôi là chơi với Lan hấp, nhưng có vẻ như tôi cũng tự tạo cho mình một khoảng cách với nó.
*
Sau cái vụ bị trêu chọc và gán ghép với trái tim hai bên là Trung móm và Lan hấp ở trên trường, tôi thường tảng lờ và coi như không quen biết với Lan hấp bởi sợ những lời gán ghép đó. Tôi sợ một ngày tôi cũng sẽ bị bọn chúng đánh đồng là có vấn đề về thần kinh giống như Lan hấp và chị Huệ. Mỗi lần đi học về, khi nghe tiếng trống tan trường là tôi ôm cặp phi ra cửa lớp chạy một mạch về nhà mà chẳng chờ Lan hấp đi cùng như mọi lần. Thế nhưng ngoài những giờ đi học ở nhà tôi với nó vẫn chơi với nhau. Hai đứa chúng tôi vẫn rủ nhau ra giếng làng để nô đùa nằm sõng soài trên nền gạch mát lạnh của thành giếng, nhìn xuyên qua tán lá đa về phía bầu trời xanh thẳm. Những hôm không có trò gì hay để chơi, cả hai cứ nằm dài nhìn những đám mây hình dung ra những hình thù và xí cho mình những đám mây làm của riêng. Đa số những đám mây đẹp với những hình rồng, hình phượng, hình voi do tôi độc chiếm cả, còn lại những hình như sâu, bướm, cái cây, ngôi nhà là của Lan hấp. Rồi chúng tôi lảm nhảm sang đủ thứ chuyện, Lan hấp bảo nó muốn chế tạo ra loại thuốc thần kỳ giúp chữa cho chị nó. Tôi nghe vậy thì bĩu môi bảo ước mơ của nó cỏn con, tôi muốn được làm con chim để cất cánh bay trên bầu trời rộng lớn và trong xanh kia, tôi sẽ sải đôi cánh rộng để bay về rừng như con chim làng Chiến Lợi vậy. Lan hấp nghe tôi nói thao thao bất tuyệt và tỏ vẻ ngưỡng mộ lắm.
Thi thoảng tôi với Lan hấp cũng rủ theo chị Huệ lên Sơn Viện để nhặt quả thông chơi hay hái sim chín ăn cho đỡ buồn mồm. Trên núi Sơn Viện sim nhiều lắm, chúng tôi men theo con đường lên đỉnh núi vừa đi vừa hái mà được cả vạt áo đầy. Chúng tôi ăn chán thì chuyển qua ném nhau, Lan hấp luôn cố tình ném trượt vì sợ tôi đau, còn tôi thì ném những quả sim chín nẫu làm tím cả chiếc áo nó đang mặc rồi cười hỉ hả. Chơi chán hai đứa nằm dài trên những lá thông khô, chị Huệ ngồi bên gốc thông vừa nhẩn nha quả sim vừa cười ngờ nghệch một mình. Cuối buổi hai đứa tôi còn tranh thủ vơ được một ôm lá thông lớn về nhà để nhóm bếp trong niềm hân hoan như một chiến lợi phẩm lớn. Nhẽ ra tôi sẽ tiếp tục chơi với Lan hấp mãi như vậy nếu không có sự việc xảy ra sau đó.
*
Tôi chạy về nhà, xô cái cổng tre kêu lạo xạo như xương người ra và ném cái cặp đang đeo trên vai xuống đất rồi khóc bù lu bù loa. Tôi vẫn nhớ như in đó là cái cặp vải màu đỏ với viền ngoài màu xanh, cặp có hai khóa và ba ngăn, bên ngoài có in hình bốn năm đứa trẻ cả gái cả trai với đủ sắc màu da đang nắm tay nhau. Công bằng mà nói đó là chiếc cặp đẹp và rất xịn so với cái cặp rách nát mà mẹ tôi mua từ hồi năm ngoái.
Chuyện là cặp của tôi đã bị rách tả tơi sau những lần chui rúc khắp các xó xỉnh sau giờ học. Tôi đã nhiều lần đòi bố mẹ mua cặp mới nhưng mẹ chưa cho, mẹ tôi cố gắng may thật khéo lại chỗ rách để tôi tiếp tục dùng dù chỉ vài bữa là nó lại nát tươm. Hôm đó có đoàn thiện nguyện đến trao quà ở trường tôi, tôi chẳng nhớ tên chỉ biết đó là một tổ chức của nước ngoài vì có những ông tây cao to như người khổng lồ cứ xì xồ xì xào chúng tôi nghe chẳng thể hiểu. Họ nhờ nhà trường và Ủy ban xã tập hợp những trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin, trẻ dị tật và mắc các hội chứng về tâm thần. Người ta đến nhà bảo chú Huân mặc cho chị Huệ bộ quần áo đẹp để dẫn ra trường nhận quà. Hôm đó ngoài những người như chị Huệ lên nhận quà còn có cả Lan hấp do thầy hiệu trưởng đưa lên. Phần quà là một túi bánh kẹo lớn và chiếc cặp màu đỏ sặc sỡ. Sau khi trao quà xong thầy cô ra hiệu để chúng tôi vỗ tay tán dương, cả lũ thi nhau vỗ tay rầm trời, rất hân hoan dù chẳng biết gì. Có lẽ tôi là đứa hân hoan nhất trong cái đám ngồi vỗ tay phía dưới bởi tôi biết kiểu gì Lan hấp cũng chia cho tôi những gói kẹo ngon lành mà nó vừa được tặng kia.
Tôi không ngờ ngoài kẹo chú Huân còn cho tôi cả chiếc cặp của chị Huệ bởi chị không đi học nên chiếc cặp giữ chẳng để làm gì còn Lan thì đã có cặp của nó. Nhận chiếc cặp của chú tôi có chút bối rối, vừa mừng vui vì có cặp mới vừa linh cảm có điều gì đó làm tôi thấy sợ sợ. Và linh cảm ấy của tôi hoàn toàn chính xác, khi tôi đeo cặp đi bộ đến trường. Ngay trên đường thấy tôi đeo chiếc cặp đỏ nhiều đứa tôi chẳng quen biết đã chỉ trỏ, chúng thì thầm nhỏ to với nhau về việc cái thằng đeo cặp đỏ có thần kinh hay không? Vì rõ ràng chỉ có bọn thần kinh, dị tật mới có cặp đó. Tôi nghe thấy nhưng cố lờ đi và rảo bước thật nhanh cho đến khi tôi bước vào lớp học, vừa thấy tôi cả lớp đã cười ồ lên: 
- Ồ! Trung móm với Lan hấp đeo cặp đôi. Đôi vợ chồng thần kinh.
Đằng sau mỗi câu nói là tiếng cười hỉ hả của cả lớp và trong suốt buổi học ngày hôm đấy tôi cứ lầm lì cúi mặt xuống bàn, không ra khỏi chỗ ngồi nhưng vẫn không tránh được những lời trêu chọc ác ý. Tôi như con thú hoang tội nghiệp giơ tay chịu trận trước bọn thợ săn với những mũi tên độc được bắn ra từ miệng họ. Trong giờ học tôi chẳng thể nào tập trung, mắt toàn lơ đãng nhìn ra cửa sổ và trông ngóng mau mau hết giờ để chạy về nhà. Vài lần tôi vô tình lướt nhìn về chỗ ngồi của Lan hấp, tôi bắt gặp ánh mắt của nó nhìn tôi buồn thăm thẳm. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi giận và ghét nó cùng chị Huệ ghê gớm, dù chị em nó chẳng làm điều gì có lỗi với tôi.
Sau ngày hôm đó tôi kiên quyết đeo cái cặp rách đi học dù bố tôi đã đánh đòn và đe nạt thế nào đi nữa. Cuối cùng bố tôi đành chịu mua cho tôi một chiếc cặp khác, chẳng biết vô tình hay cố ý mà chiếc cặp mẹ mua cho tôi cũng có màu đỏ. Lạ chiếc cặp chỉ là khác một tí hoa văn và hình dáng, về chất liệu tương đối giống với cặp chú Huân cho. Ấy vậy mà khi tôi đeo nó ra đường chẳng còn ai bàn tán hay chú ý gì nữa. Cũng kể từ lần đó tôi ít chơi với Lan hấp, tôi sợ cái cảm giác bị trêu chọc, bị gán ghép là thần kinh.
Rồi chúng tôi lên cấp hai, tôi học lớp chọn còn Lan hấp học lớp đại trà. Lớp tôi học buổi sáng còn lớp nó học buổi chiều, những ngày nghỉ tôi chỉ vùi đầu vào những cuốn truyện tranh ở nhà nên hai đứa chẳng gặp nhau. Khi chán truyện tôi cũng chạy vào giữa xóm để tìm thằng Hiếu đen chơi chứ tuyệt nhiên không chơi với Lan hấp. Nhiều lần trên đường đi học thấy Lan hấp lủi thủi một mình dắt trâu ra đường, thấy tôi mắt nó hấp háy, mặt rạng rỡ hẳn lên nhưng rồi ngay sau đó quay trở lại trạng thái buồn rầu khi thấy tôi vờ đi liếc nhìn sang phía khác. Mãi khi cách nó một đoạn khá xa tôi mới quay đầu lại thì thấy cái dáng nó nhỏ xíu, cô liêu bên con trâu trên đường làng rộng thênh thang. Thời gian cứ thế trôi qua và chúng tôi như những người xa lạ chưa từng xuất hiện trong cuộc đời nhau. Bài vở rồi những người bạn, những trò chơi mới cuốn tôi đi và tôi quên mất mình từng có đứa bạn tên Lan hấp cho đến ngày hôm đấy.
Tôi đi học về ngang qua cổng nhà Lan hấp thấy nhộn nhạo rất đông người, thấp thoáng trong đám đông lố nhố ở sân đấy tôi thấy có cả bố tôi. Tôi định bụng cất cặp sách rồi chạy sang hỏi Lan hấp coi có chuyện gì mà nhà nó đông vậy. Đó là lần đầu tiên sau hơn một năm trời tôi mới có ý định bắt chuyện lại với nó. Tôi còn chưa kịp về đến ngõ nhà tôi thì mẹ đã từ đâu chạy đến ôm chầm lấy tôi khóc nức nở: 
- Con Lan, con Lan nó chết rồi Trung ơi.
Tôi bàng hoàng không tin vào tai mình, chân tay bủn rủn như không còn sức sống. Mẹ tôi nói: “Nó ra cầu ao vớt bèo về nấu cám cho lợn, chẳng biết thế nào mà nó lên cơn động kinh ngã úp mặt xuống ao, cái ao nông choèn chỉ chừng mắt cá chân mà không ai biết. Đến khi người ta vớt nó lên thì xác nó đã cứng đơ với những bó cơ co rút nhìn vô cùng thống khổ. Con sang thắp cho Lan nén hương”. Tôi theo mẹ vào đám tang, nghe bảo xác của nó phải bóp rượu rất lâu mới có thể thẳng được. Nó nằm trên chiếc giường tre, trên mặt đắp một tấm khăn trắng nên tôi không nhìn thấy mặt nó. Hình như tôi quên mất mặt nó rồi, sau một năm tôi chẳng thể hình dung ra con Lan ngày nào cùng tôi chạy cùng làng cuối xóm, con Lan leo lẻo theo tôi như cái đuôi mà chẳng đòi hỏi gì. Giờ nó nằm đó không động đậy, liệu nó có trách tôi đã bỏ rơi nó và xa lánh nó như bao đứa trẻ khác không? Chẳng biết lúc đó tôi nghĩ gì mà dám cả gan tiến lại gần toan lật tấm khăn ra để nhìn mặt nó. May mẹ tôi cản lại và tôi ôm mẹ khóc nức nở: “Mẹ! Mẹ ơi con muốn nhìn mặt Lan lần cuối, con quên mặt nó mất rồi”.
Đám tang của Lan người làng tôi đến đông lắm không ai cầm lòng được khi chứng kiến vợ chồng chú Huân vật vã bên chiếc quan tài của con. Ngoài bố mẹ Lan, thì tiếng khóc mà như hú hét của chị Huệ cũng làm bao nhiêu người ám ảnh. Chị đau đớn vặn vẹo những bó cơ mặt một cách thống khổ để ép những giọt nước mắt chảy ra cùng với nước mũi và nước dãi. Nhìn chị chẳng ai nói người điên không biết đau, nỗi đau của họ còn lớn hơn những người thường cả trăm ngàn lần ấy chứ, chỉ là cách biểu đạt của họ có khác với người thường mà thôi. Hôm đó đưa Lan ra bãi tha ma xong tôi không về nhà mà qua giếng làng ngồi thẫn thờ dưới gốc đa. Từ ngày không nói chuyện với Lan tôi cũng không còn ra giếng nữa. Giếng làng chắc lâu lắm thiếu vắng bóng người nên trở nên đục ngầu, lá đa rụng kín mặt giếng. Ngồi bên giếng làng tôi chợt nhớ đến ước mơ của Lan và ước mơ của chính tôi. Ước mơ của Lan giờ đã xa vời vợi chỉ còn ước mơ của tôi. Tôi bỗng tự hỏi mình, liệu con chim bị mù có thể tìm thấy đường mà bay về rừng được không? Lan ơi!
          

 L.Đ.T


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 127
 Hôm nay: 10137
 Tổng số truy cập: 7639046
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa