Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Bếp nồng đêm lạnh
Bếp nồng đêm lạnh

Đang ca trực, Thiếu tá Hùng được báo là có người cần tìm gặp. Hôm nay là thứ bảy nên bà con hai bên biên giới đều đổ về chợ Na Mèo để bán lâm thổ sản và mua các vật dụng cần thiết dùng trong cả tháng, nên lượng người qua lại cửa khẩu khá đông. Thừa dịp này, một số đối tượng xấu cũng trà trộn qua cửa khẩu vào gặp nhau trong phiên chợ để trao đổi thông tin, thống nhất phương thức hoạt động nên ca trực của anh được tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt. Đang lúc bấn, anh quay lại nói với cậu chiến sỹ:
- Cậu về nói với họ chờ tôi, hết ca trực tôi sẽ vào ngay.
Hết ca, Hùng trở vào đồn thì đã thấy cố Pún ngồi chờ trong phòng khách. Thấy anh, cố đứng dậy xoa hai tay vào quần, thủng thẳng nói luôn:
- Hôm nay cố ra chợ bán măng khô, nhân thể mang lời gửi của ệ Duống tới tận tai mày, rằng ệ có lời muốn nói. Hùng à, cái sức khỏe của ệ không mấy tốt đâu, người già mà, khi nào thần núi, thần rừng gọi thì phải đi thôi. 
Nghe vậy, Hùng vội cảm ơn cố để vào báo cáo Chỉ huy đồn rồi rồ máy lao xe ra đường. Xe vừa lên dốc thì trời đổ mưa. Hạt mưa giữa tháng mười nóng rát và có vị mặn là lạ khiến anh nhớ lại trận mưa ở bản Cha Chía cách đây mười lăm năm, lúc ấy, anh mới nhận công tác tại đồn và được phân công về cắm bản. 
Hồi ấy, sau một ngày đi bộ, nhá nhem tối anh mới vào tới nơi. Hoàng hôn nhập nhoạng khiến cho chòm bản lơ thơ dăm nóc nhà càng trở nên côi mọi như một chấm mờ giữa núi rừng u tịch. Đón anh ngay đầu sàn là một bà lão khó đoán tuổi. Lặng thịnh như đá núi, bà đưa anh vào nhà rồi chỉ cái ổ bện rơm cạnh bếp, ra dấu bảo anh ngồi đó. Vừa mệt vừa đói, Hùng thiếp đi trong tiếng nghé ọ của đôi trâu gộc dưới sàn và mùi hoai hoải của phân gia súc. Khi thức dậy thì trời đã hây hẩy sáng, dưới ánh lửa loang ra từ bếp, anh thấy dáng bà hắt lên vách lá hệt quả bầu khô treo trên dàn gác, mùi củ nướng khiến Hùng chợt nhớ là từ chiều qua đến giờ anh chưa có gì vào bụng. Bà lão, sau này anh mới biết tên là ệ Duống (ệ: tiếng Thái có nghĩa là mẹ) đưa cho anh củ mài nhỏ bằng độ hơn nắm tay, một đĩa muối hạt to ra hiệu bảo anh ăn. Chồng ệ mất ngót 20 năm, từ hồi chống lại bọn phỉ tràn qua biên giới cướp lương thực của dân trong vùng. Ệ đứng bóng một mình trong căn nhà lợp bằng lá gồi, mặt lúc nào cũng nhìn xuống hai ngón chân cái toẽ ra như cái chạc cây khi đi rừng ngang qua đàn ông trong bản. Mãi mà thành người già lúc nào không hay. Ngày đầu tiên ở bản, Hùng đã được bà con đón nhận như đứa con đi xa trở về. Già bản nhìn thấy anh cứ một điều: 
- Con Hùng đấy à? 
Anh cũng lựa lời thưa lại: 
- Vâng, ái ệ có được mạnh khỏe không?
 Dần dà, anh thông thạo tiếng Thái và có thể dễ dàng nói chuyện với mọi người trong chòm bản.
Hùng về công tác được hai tháng thì bản tổ chức lễ cầu mưa. Vùng đất này hạn hán kéo dài đã gần một năm, dân bản mong mưa hơn mong muối từ dưới xuôi lên. Phải cầu mưa thôi, phụ nữ trong bản đã bắt đầu ủ lá tuộc. Trong câu chuyện của đàn ông nơi đầu sàn cũng chỉ có việc cây lúa không có “lác” (nước). Vậy là các già làng bàn với ệ Duống đứng ra làm chủ trò trong lễ cầu mưa. Hùng hỏi thăm một hồi từ đầu chòm bản đến cuối chòm bản mới biết ệ được chọn vì ệ vừa có uy tín trong bản, vừa biết làm thầy cúng. Khi chính thức vào việc rồi thì ệ được gọi là ệt Mé. Ệt Mé chọn mười người phụ nữ giúp việc. Những người này đều giỏi múa hát, người thì mang cái “dăng” đồ nghề của ệt Mé, người mang cái “đớp” (bế) trên lưng, người thì gánh hai cái “dón” để đựng thóc gạo của dân bản cho. Vào buổi chiều tối, khi mọi người đã đi làm đồng, làm ruộng nương về, ệt Mé đi đầu đoàn người, tay chống gậy, đầu đội nón rách đi đến từng nhà trong bản. Đến trước mỗi nhà, ệt Mé và đoàn người đứng dưới chân cầu thang, chủ nhà ra mở cửa chính và cửa sổ có ý chào đón. Ệt Mé xướng lời bài hát “ủa lúm - ủa lang” để cho cả đoàn hát theo: “Ủa lúm ơi ủa lang/ Trai bản này lủng lẳng dưới chàn/ Gái bản này “man tang phạ lạnh”/ Trời hạn trời không mưa/ Tối đến xin nước mường buôn xuống làm mạ/ Xin nước mường trời xuống làm ăn...”. Cứ hát như thế từ  đầu sàn nhà này sang nhà khác, chủ nhà đem một ít gạo hoặc ngô, sắn... đứng trên cầu thang hắt xuống, người giúp việc cho ệt Mé giơ cái mẹt hứng lấy bỏ vào “dón”. Ngay khi ấy, chủ nhà nâng chậu nước lã đã để sẵn ở cầu thang té nước xuống đầu đoàn người. Những thứ dân bản cho đổ dồn lại để đổi lấy lễ vật cúng trời đất, thần linh. 
Ba ngày sau, trời làm mưa suốt bảy cái nắng. Căn nhà lợp lá gồi của ệ Duống lâu ngày đã tã, không còn ngăn nổi nước, Hùng lăn vào đảo lá, chằm thêm cỏ gianh vào chỗ dột. Cả tuần đó anh và ệ chỉ ăn củ mài. Mưa chắn mất đường ra thị trấn Na Mèo nên Hùng không thể về đồn lấy gạo. Anh đã sống bằng nguồn lương thực dự trữ cho ngày giáp hạt của ệ. Cái vị bùi bùi, nhằng nhặng đắng của củ mài nướng thôi thúc anh phải làm được thật nhiều việc để trả nghĩa cho đồng bào, cho ệ. Sau này, khi trở về đồn nhận nhiệm vụ mới, Hùng đã dùng số tiền dành dụm trong một năm của mình để thuê người xẻ gỗ, đóng cho ệ một cỗ quan tài thật tốt. Ệ không có con, được tận mắt nhìn cỗ quan tài của mình trước khi về với tổ tiên làm ệ phấn khởi, chốc chốc lại bắc ghế vào nằm thử. Liền đó, cỗ quan tài được dùng để ngô, thóc giống và những đồ cúng thần linh. Nói tiếng Kinh như nhặt thóc, ệ rằng:
 - Chả sống được bao năm, có cái hòm này thì cái bụng đỡ băn khoăn. Ệ chả cần lắm tiền nhiều thóc mà gì. Cái hòm của con Hùng cho sẽ là nhà của ệ ở dưới tầng đất đen, vững dạ mà đợi thần núi gọi đi lúc nào cũng được rồi. 
Gần bốn tháng nay do bận công tác, Hùng không xuống địa bàn nên nhận được lời gửi nhắn của ệ Duống là anh thấy lo lo. Mới vào đầu mùa mưa, nương ngô đã có nước, dân bản tranh thủ khi đất ngấu liền đi làm đất để chuẩn bị tra hạt. Anh nhớ ra là sắp tới đây bà con sẽ tổ chức lễ “lấp lỗ” sau khi hoàn tất việc tra hạt bắp xuống đất để cầu mường Trời cho hạt nảy thành cây, cây lớn cao trổ ra nhiều bắp, cái bắp nhú cho dày hạt để nhà nào cũng treo đầy gác bếp những cuộm ngô vàng óng như mật ong rừng, ấy là dấu hiệu báo các nóc nhà năm nay được đôi phần no ấm, không có nhà nào bị đứt bữa. Ệ Duống đang mệt thế liệu có làm lễ cúng cho chòm bản được không!? Nghĩ tới đây, Hùng chợt chạnh lòng. Bà con mình còn khổ quá, bao năm nay chỉ biết đến hai mùa: mùa no và mùa đói. Mai này con thú trong rừng rồi cũng hết, sản vật thiên nhiên rồi cũng cạn kiệt, bà con chỉ biết trông vào cây ngô thì còn khó khăn hơn biết mấy. Mười lăm năm gắn bó với vùng biên cương này, Hùng thấy mình chưa làm được gì nhiều cho bà con dân bản, những con người thuần hậu đã yêu quý, tin tưởng anh mà định cư lại vùng lõm giữa điệp trùng đá núi dưới chân ngọn Tu Đăng. Từ nơi đầu nguồn con suối Cha Khót, anh đã được ăn bữa cơm đầu tiên tại chân bản mới cùng dân bản. Thế mới biết, những kỷ niệm thời trai trẻ sẽ luôn nằm trong hành trang ký ức của mỗi người.
Vào đến đầu sàn, anh nghe có tiếng khua luống thình thàng ở sau nhà. Ệ đang ốm kia mà, sao lại có tiếng người khua luống chứ? Anh lặng lẽ vòng ra sau. Nhịp khua vẫn đều tay không nghỉ. Thì ra là con bé Nhút, cháu gái của cố Hợi đang đập lúa cũ từ mùa trước giúp ệ bằng tấm luống gỗ vẫn được phụ nữ bản dùng để đánh nhịp trong đêm hội. Từng nhát khua chắc mạnh làm hạt lúa tróc dần vỏ trấu. Lớn thêm chút nữa, chắc hẳn con bé sẽ là một tay khua luống giỏi. 
Ệ nằm trên chiếc ổ sát cửa gió phía Đông Nam, nghe bước chân võng trên bậc thang đã dắng: 
- Có phải con Hùng vào đấy không. Ệ không sao đâu, chỉ có lời muốn nói với mày thôi. Vào đây.
Hùng vào nhà, thấy ệ đã ngồi lên vội nói:
- Ệ cứ nằm nghỉ đi. Mà ệ ốm từ khi nảo khi nào giờ mới báo con biết?
Bà cụ vấn tóc, thắt lại chiếc khăn trên đầu. Hùng nhận ra là bà dường như không còn mấy sinh lực. Trong ánh sáng mờ nhạt hắt ngược từ cửa sổ vào, anh thấy bóng bà khắc khổ hiện trên khuông sáng khiến màu da như đã chuyển thành màu củ nâu, lớp da nhăn nheo không nhận ra tuổi tác nhưng ánh mắt bà thì vẫn tinh nhanh, dìu dịu buồn như ngày nào. Anh xót xa gắt:
- Ệ lạ thật đấy, ốm đau sao không nhờ người đưa ra trạm xá của đồn hoặc báo con để con vào đón. Mấy nắm lá của ệ chỉ chữa được cảm cúm thôi chứ bệnh của người già làm sao chữa được - Anh gọi với xuống sàn: Nhút ơi, lên giúp chú thu dọn quần áo cho bà để chú đưa bà ra trạm xá.
Nghe gọi, Nhút bỏ ống chạy lên. Ệ Duống nhìn thẳng Hùng, lựa mãi mới tìm được từ để nói:
- Hùng à, ệ biết con tốt với ệ nhưng ệ biết mình giống như con chồn già không còn tài tìm cái ăn nữa rồi. Ệ nghe thấy mường Trời gọi ệ lên gặp lại ái Gụ của con rồi. Tuần trăng trước, ệ đã làm “Mơi ngai, Mơi láu” (mời thần linh đến ăn cơm, uống rượu) và đã có lời “Xúng mưa” (lời tiễn đưa các thần linh). Còn bao nhiêu ngô, lúa trữ trong hòm ệ cũng đã nhờ con Nhút đem ra chia cho bọn trẻ và làm sẵn để chuẩn bị cúng vía cho ệ.
Bà dừng lại một lát để thở. Rồi như nhớ ra Nhút vẫn đang đứng đó, bà bảo con bé:
- Nhút à, mày xuống cửa trông xem nhỡ lũ gà vào ăn lúa. Cố có việc nói với chú Hùng, nếu có người hỏi mày bảo cố mệt ngủ rồi nhé.
Nghe dặn, Nhút khoắn khỏa:
- Vâng, con xuống ngay. Cố cần gì thì gọi con, con ngồi ngay dưới sàn thôi cố nhé.
Nói xong cô bé chạy biến, loáng đã nghe tiếng cột gỗ đâm thóc trong luống thịch thàng. Hùng lại bếp rót cốc nước nấu từ củ cây giăng mang cho bà uống. Mười lăm năm nay, khi quyết định gắn bó cả đời mình với vùng đất này, anh đã coi người đàn bà này như người mẹ thứ hai của mình. Hùng tâm niệm, thầy mẹ anh ở cách xa hàng trăm cây số, chẳng mấy khi anh có dịp phụng dưỡng lúc cha già mẹ yếu nên nhìn thấy ệ Duống, anh như nhìn thấy thầy mẹ mình. Anh đã nhận được từ bà những tình cảm trìu mến nhất của một bà mẹ người dân tộc dành cho đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Anh biết mình đã thuộc về vùng đất này, thuộc về những con người lam lũ, nồng mùi ngái của cây rừng nhưng hết mực chân thành này.
Ệ Duống uống cạn cốc nước. Bà đưa đôi tay gầy cỗi nắm chặt tay Hùng:
- Con à! Mày phải giúp bà con bỏ con đường tối để đi con đường sáng. Ệ già rồi, nói bọn trai bản nó không nghe nữa. Mày phải giúp chúng, nếu cần phạt vạ thì cứ phạt, nếu không thì vỡ bản mất thôi.
Nghe bà nói, Hùng chột dạ. Linh tính báo cho anh biết những điều bà sắp nói có liên quan đến chuyên án mà đơn vị anh đang phục kích. Ệ Duống nhìn trời, nói như sợ ai đó cướp mất lời: “Cò về. Cò dưới xuôi bay lên núi là dưới xuôi lại sắp có bão rồi đấy. Mà Cha Khót ta cũng sắp có bão rồi. Bão trong lòng người con ạ. Hỏng hết cả. Bọn trẻ bây giờ lười làm, chỉ muốn ăn sẵn nên dễ theo lời kẻ xấu mà làm việc ác lắm”.
Hùng lẳng lặng nghe và liên kết các sự kiện lại với nhau. Gần đây, trên tuyến biên giới do đồn quản lý, bọn tội phạm ma tuý đã tạo ra một trong bốn tuyến hành lang cơ bản để vận chuyển ma tuý từ Lào vào Việt Nam. Thủ đoạn của bọn chúng là lợi dụng mối quan hệ sẵn có hai bên biên giới rồi giả danh đi thăm người nhà, lợi dụng việc làm nương rẫy gần đường biên giới rồi giả danh đi làm nương hoặc đi lấy củi, hái măng, đi săn thú rừng, bắt cá,… để vượt biên trái phép hoặc đến các khu vực có các đối tượng người Lào chuyên mua ma tuý vận chuyển về cất giấu trong rừng, các lán nương rồi tìm cách vận chuyển về địa bàn bán cho các đối tượng ở địa bàn nội địa, hoặc môi giới dẫn dắt người ở nội địa đi mua ma tuý của người Lào với số lượng tương đối lớn. Đặc biệt bọn tội phạm thường sử dụng vũ khí nóng để bảo vệ và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Ban chỉ đạo chuyên án phán đoán có lẽ bản Cha Chía và một số chòm bản nằm giữa rừng sẽ nằm trong tuyến hành lang này nên đã cử cán bộ trinh sát bám địa bàn để nắm rõ quy luật hoạt động của đối tượng.
- Có một nhóm người từ Láng Thoong sang đây - Ệ Duống nhìn vào mắt Hùng: Bọn họ lấy cớ sang đổi rau cải xanh lấy muối của bản. Rồi không biết họ rót gì vào tai bọn trai bản mà chúng kéo nhau sang đấy. Đâu như gần mười đứa. Ệ có đứa cháu lấy chồng bên ấy báo về, bảo cả bản Láng Thoong đều theo phỉ cả. Lũ trai bản ta sang đấy là gia nhập quân phỉ, rồi theo lệnh chúa phỉ mang ma túy về mình bán, lấy tiền mua súng ống… Ai theo nó nó sẽ cho nhiều tiền ria để mua trâu. Chưa thấy trâu đâu thì đã mất người rồi. Cả bản giờ có ai muốn làm đâu, chỉ hong hóng chờ tiền từ bên kia gửi về thôi. Không thế được đâu, bọn phỉ ấy nó ác lắm, nó từng giết bao nhiêu người của mình. Giờ sao lại theo nó chứ. Hùng ơi, mày phải giúp bản thôi.
Vậy là sự việc không chỉ đơn giản là vận chuyển, mua bán ma túy như mình nghĩ. Hùng thừ người. Như vậy là bọn phỉ đã đổi chiến thuật, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hám lợi của một số thanh niên để dẫn dụ, lôi kéo bà con mình theo sang đó làm phỉ và làm công cụ chiến đấu cho chúng. Giận đồng bào một thì giận cái khó đã làm cho đồng bào nghĩ quẩn và giận bọn phỉ nhẫn tâm mười. Anh hỏi bà:
- Ệ có tin con không?
Ệ Duống quả quyết:
- Tin chứ. Mày gắn bó với bản, giúp bản từ khi mày mới như cây bắp nhỡ. Giờ mày giống cây bắp già, có râu rồi, lại sinh con đẻ cái ở Na Mèo thì mày có khác gì người của bản.
Hùng trầm ngâm:
- Vậy ệ có biết những ai theo sang Lào làm phỉ không? 
- Biết! - Bà lần tay vào bọc vải quấn quanh người lấy ra một tờ giấy. Tên những người bỏ làng đi ệ nhờ cái Nhút viết cả vào đây rồi. Mày xem đi. Ệ già rồi, chả biết đi lúc nào nên không sợ bọn chúng trả thù. Nhưng còn cái Nhút, ệ lo nếu chúng biết con bé giúp ệ chép tên mọi người cho bộ đội thì sẽ lừa lúc con bé đi rẫy bắt vào rừng mất.
Hùng trấn an: 
- Ệ yên tâm, con sẽ bố trí anh em lên phương án bảo vệ Nhút.
Ệ Duống gật gật đầu:
- Ừ, ệ biết là mày sẽ có cách giúp cho dân bản qua khỏi đận này. Thôi, về đơn vị đi kẻo nhỡ việc. Ệ mệt rồi, muốn nghỉ ngơi.
Hùng chào bà rồi rón rén xuống thang. Con bé Nhút vẫn ngồi ở đầu nhà nhặt vỏ thóc còn bám lại trên hạt gạo. Anh cúi xuống dặn dò nó vài điều. Con bé mím môi suy nghĩ một lúc rồi nhìn lên nhà, nghe tiếng ệ Duống húng hắng ho, nó quay lại nhìn Hùng:
- Chú Hùng cứ về đồn đi. Nhút sẽ không sao, ông nội đã dặn con phải trông nom cố Duống cẩn thận rồi. Có cố ở cùng con sẽ không sao đâu.
Biết không thuyết phục được con bé, anh đành lên xe trở về đồn. Con đường sống trâu trơn lầy mười lăm năm qua anh vẫn đi mà chưa bao giờ thấy nó xa xôi và nặng nề như lúc này.
Về tới đơn vị, Hùng lập tức báo cáo Chỉ huy đồn về tình hình ở Cha Chía. Đồn trưởng Thọ cho họp Ban Chỉ huy để cùng bàn thảo và gửi điện báo cáo về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhận được chỉ đạo của cấp trên, toàn bộ quân số của đồn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Các mũi trinh sát tỏa đi khắp các chòm bản để nắm thông tin và thăm dò địa bàn tác chiến. Thượng úy Dũng và Trung úy Quang, hai đặc tình của ta nằm vùng tại Lào đóng giả làm người đi mua thú vào các làng bản của người Thái để tìm ra khu vực có đồng bào Cha Chía đang cư ngụ trái phép. Cánh rừng thông bạt ngàn phía Đông tỉnh Hủa Phăn cháy táp vì gió Lào. Bản Chìa, bản Láng Thoong tiêu điều như vừa qua một trận cháy. Mặt người bệch bạc, khô nẻ như cây vầu giữa mùa hè nắng rát. Họ sinh hoạt cầm chừng, hoài nghi, dè dặt với người lạ vào bản. Đám thanh niên cứ chạng vạng là xách súng kíp và súng tạt ma vào rừng đi săn. Sáng bảnh mắt lại ngật ngưỡng trở về nhà, mắt đỏ ngầu ghèn gỉ. Ngày nào cũng đi từ tối đến sáng mà chẳng mang về con thú nào, húp vội bát mèn mén lõng bõng rồi đổ vật xuống ổ, kéo giấc đẫy trưa.
Dũng và Quang kiên trì trở đi trở lại Láng Thoong suốt bảy ngày trời mới phát hiện ra bốn thanh niên của bản Cha Chía đang sống trong một căn chòi canh rẫy của gia đình nhà Khầu ở lưng chừng núi Cọt. Họ còn biết thêm rằng trong thời gian này hầu hết các chòi canh của các hộ gia đình ở Láng Thoong đều có người đang ẩn nấp. Chúa phỉ đang bị lực lượng vũ trang nước bạn truy đuổi gắt gao nên chúng tạm thời bế quân không tổ chức chống phá mà chuyển sang tập trung mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào qua Việt Nam rồi tìm đường sang nước thứ ba. Đàn ông Láng Thoong được sung vào đội quân phòng vệ và vận chuyển hàng tới sát biên giới, đồng thời tiếp tục yểm trợ cho người của bản Cha Chía vượt rừng qua biên giới giao hàng cho các đối tượng trong nội địa. Bọn chúng liên lạc với nhau qua điện đàm tầm trung hoặc cho người nhắn tin trong phiên chợ Na Mèo để thống nhất thời gian, địa điểm giao hàng.
Phía bạn báo cho ta biết bọn chúng vừa nhận một chuyến hàng lớn từ Tam giác vàng và âm mưu tổ chức vận chuyển qua khu vực Na Mèo, sau đó ngược lên phía Bắc để chuyển hàng sang nước thứ ba bằng đường biển. Dũng và Quang mật báo về rằng mấy ngày này Láng Thoong có hiện tượng bất thường. Hầu hết đàn ông của bản đều tập trung lên núi Cọt, trong bản chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em. Cán bộ địa bàn cũng báo về một số đối tượng lạ mặt giả dạng người lên thu mua nứa đánh cả xe ô tô chở hàng lên Na Mèo suốt một thời gian khá dài, nhưng chủ yếu chỉ vào các bản thăm hàng chứ không thấy mua bán gì. Kết hợp các nguồn tin lại với nhau, Ban Chỉ huy đồn nhận thấy khả năng các đối tượng “đánh lớn” là rất cao. Hơn nữa, chuyên án này có liên quan đến nhiều công dân nước ta, đây có thể là một cơ hội tốt để giải quyết rốt ráo cả hai chuyên án nên cho phong tỏa các điểm trọng yếu, nhiều khả năng các đối tượng đột nhập theo đường này và có phương án đánh động các đối tượng trong nội địa. Nơi trọ của nhóm đối tượng có dấu hiệu nghi vấn liên tục bị kiểm tra đột xuất. Các sóng radio tầm trung bị chặn. Thấy động, chúng lần lượt rút về nội địa. Áng chừng đối phương sốt ruột do phải găm hàng quá lâu. Trung tá Thọ chỉ đạo cho đặc tình có biện pháp câu nhử đối tượng và thỏa thuận mua “hàng” với giá cao. Thiếu tá Hùng phụ trách tổ mật phục tại địa điểm giao hàng giữa hai bên.
Sau nhiều ngày câu nhử đối tượng, đặc tình do đồn bố trí mới hẹn được nhóm tội phạm đến địa điểm giao hàng tại hang Luông Cọt. Đó là một triền núi hoang vắng, cỏ lau cao xăm xắp ngang ngực. Nửa đêm, khí trời trên vùng biên rét căm căm, Hùng chỉ huy năm tổ đánh án hành quân xuyên rừng để 4 giờ sáng ngày hôm sau đã sẵn sàng vào vị trí mật phục. Thật bất ngờ, khi anh em đến nơi thì toàn bộ triền núi cỏ lau đã bị phóng hỏa thiêu trụi. Anh phán đoán việc phóng hỏa này là do bọn tội phạm chủ ý để tạo cho chúng thuận lợi về cảnh giới và quan sát. Tổ một của đội đánh án tìm được một hủm đất sâu chỉ đủ cho toàn đội ba người chui lọt, đấy cũng là nơi gần vị trí hẹn giao hàng của các đối tượng nhất. 
Nằm im trong ngụy trang và bất động đến chiều mà các đối tượng vẫn chưa xuất hiện. Hùng khá lo lắng. Đêm xuống, những gói mì tôm được bóc ra nhai sống cho đỡ đói lòng thì lại đến cơn khát bắt đầu hành hạ. Với kinh nghiệm dày dạn của một người lính đặc nhiệm, Hùng động viên anh em không rời vị trí và ra quyết tâm cho toàn tổ phải trụ vững tới chiều ngày hôm sau. Còn một chai nước uống duy nhất, anh nhường anh em uống để cầm lòng, buổi trưa vẫn chưa thấy tín hiệu bọn tội phạm xuất hiện, cái đói và mệt đã thấm sâu. Mười lăm giờ ba mươi phút, nhóm đối tượng gồm mười tên đã xuất hiện, một nửa trong bọn chúng mang súng AK quân dụng. Hùng nhận thấy bọn chúng sẵn sàng sử dụng hỏa lực để tháo chạy khi có biến động. Khi các đối tượng đang thực hiện hành vi giao nhận hàng thì năm tổ mật phục đồng loạt bất ngờ xông ra đã quật ngã những đối tượng đang lăm lăm khẩu AK và vô hiệu hóa các đối tượng còn lại. Khám trên người hai đối tượng các chiến sĩ đặc nhiệm phát hiện 24 bánh heroin và 90 viên đạn K56. Bọn chúng khai nhận đã cho một tên khác đứng ở trên đỉnh núi quan sát gần một ngày, thấy “im” chúng mới quyết định đi ra địa điểm giao hàng.  
Từ địa điểm mật phục về đồn phải cắt rừng đi gần trọn một đêm. Trong thâm u, ánh đèn pin loang loáng hắt lên tàn cây những bóng người đi thành một hàng dọc. Do lực lượng của ta mỏng nên để đề phòng bọn tội phạm manh động tẩu thoát hoặc nhảy xuống vực tự sát thương, Hùng quyết định mạo hiểm. Anh bàn bạc lấy ý kiến của anh em trong đội và nhận được sự nhất trí cao của anh em. Vậy là lần dẫn giải nhớ đời ấy đã diễn ra không giống với các điều lệnh về trấn áp và dẫn giải tội phạm thông thường. Mỗi chiến sỹ đặc nhiệm trở thành một chiếc còng đầy uy lực khi chính họ tự buộc dây trói ngang lưng đối tượng rồi buộc giằng vào người mình, tay ghì chặt súng. Những người còn lại cõng tang vật và vũ khí thu giữ được, đồng thời cảnh giới đầu và cuối đoàn đề phòng đồng đảng của phỉ vượt sang cướp người và hàng. Trời rạng sáng, tất cả về tới đồn an toàn trong những cái nhìn đầy ngạc nhiên của dân bản và đồng đội. 
Mất một lượng lớn ma túy và không có khả năng chi trả cho chủ hàng, lại bị lực lượng vũ trang nước bạn truy quét quyết liệt, chúa phỉ cho quân dồn ép cả bản Láng Thoong vào rừng để làm hậu cứ cung cấp lương thực cho chúng. Để thị uy, chúng bắn chết già bản vì đã ngăn cản dân làng. Càng rút sâu vào rừng, chúng càng quẫn bách và đánh giết lẫn nhau. Dân bản và những thanh niên Cha Chía rủ nhau trốn chui nhủi ở các hang đá ẩm thấp trong núi Cọt. Dũng và Quang lại tiếp tục lần rừng tìm lên rẫy của bà con Láng Thoong để vận động mọi người về bản cũ.
Chuyên án kết thúc thắng lợi. Ta thu giữ được 24 bánh heroin và bắt được 10 đối tượng vi phạm, trong đó có 7 người nước bạn. Những thanh niên ở bản Cha Chía bị dẫn dụ, lôi kéo đã theo Dũng và Quang rời hang đá, trở về trình diện với đồn và chính quyền địa phương. Họ được trở về bản làm ăn, sinh sống như trước đây. Cha Chía dường như đang gồng mình lên trong cuộc hồi sinh mới. Những khoảnh ruộng bỏ hoang được xới xáo lại, nước được khơi máng dẫn vào từng nhà. Mọi người ai nấy đều rất vui vì sắp được giao rừng trồng cây luồng trên khu vực đất biên phòng. Cây luồng sẽ cho măng, sẽ ấm bụi và mọc nhiều cây cao, dóng thẳng. Dân Cha Chía đời này, đời sau sẽ no ấm dài lâu.
Trên đường đi báo cáo thành tích Hùng được anh em trong đơn vị báo là ệ Duống mất mà lòng như có một khoảng trống ùa vào săm sắp gió. Hội nghị kết thúc, anh vội chạy xe về thẳng Cha Chía. Già làng và dân bản đã làm ma cho ệ theo nghi thức tôn kính ệt Mé của bản và mai táng ệ trên đỉnh cao nhất của ngọn Tu Đăng, sát bên mộ chồng ệ để hồn vía hai người đón đưa nhau hôm sớm.
Hùng bước vào ngôi nhà trống lạnh. Trong ánh chiều hắt bóng, anh dường như thấy bếp lửa cuối sàn vẫn hừng lên những đọi lửa mềm mại. Và ệ Duống, người đàn bà có nước da nâu như hạt dẻ rừng và khuôn mặt không có tuổi đang nhìn anh cười hồn hậu. Bất giác, mùi thơm của củ mài nướng bay trong không gian chiều thổn thức.
        

    P.V.A


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 125
 Hôm nay: 42
 Tổng số truy cập: 9253338
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa