Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Huyết lệ vương quyền
Huyết lệ vương quyền

1. Trời đã sang thu. Cái lạnh của buổi sớm mai như một bàn tay vô hình níu chặt cánh rừng già chìm sâu trong cơn ngái ngủ. Một lớp sương mù trắng xóa phủ kín cả ngọn núi Quân Yên(1) tựa như một tấm màn ma mị, mù u và ảo não. Trên con đường thoai thoải lên núi, trong lớp sương lạnh lẽo, thấp thoáng bóng người đang chậm rãi cất bước. Đó là hai người đàn ông. Đầu tiên là một người cao lớn, hông dắt đoản đao, lưng mang tay nải, vừa đi vừa cố gắng dùng lồng đèn soi đường cho người bên cạnh. Người đàn ông còn lại có vóc dáng mảnh khảnh của một văn nhân nhưng bước đi đầy oai vệ không thua kém một bậc quân vương. Mà cũng đúng thôi, cả giang sơn nước Việt này, ông ta chỉ dưới một người mà trên cả vạn người.
Hai người dừng lại trước một ngôi mộ ở bên hữu ngọn núi. Trên tấm bia mộ có khắc dòng chữ lớn, sơn màu đỏ: “Thái phó Trung quốc công Trịnh Cối chi mộ”(2). Người đàn ông cao lớn châm lửa cho những ngọn nến đã tắt, đoạn lấy trong tay nải ra các đồ lễ rồi đặt lên các khay đựng trước bia mộ. Trong số đồ lễ, có một thứ mà khiến cho anh ta luôn để ý. Đó là ba quả trứng gà luộc cùng một ít muối. Lần nào chủ nhân anh ta viếng ngôi mộ này, đồ lễ bao giờ cũng không được thiếu chúng. Tạm gác sự tò mò bấy lâu, người đàn ông cao lớn kính cẩn đưa hương cho chủ nhân của mình. Người đàn ông mảnh khảnh nhận lấy rồi vẫy tay ra hiệu cho anh ta lui xuống. Đoạn, ông cúi gập trước tấm bia mộ, vái ba vái rồi thắp hương. Mùi trầm thơm từ những cây hương đang nghi ngút khói cùng hơi ấm từ những ngọn nến vừa mới được thắp lên đã làm cho ngôi mộ vơi bớt đi vẻ hoang lạnh giữa chốn thâm sơn cùng cốc. 
Dưới ánh sáng leo lắt của những ngọn nến, khuôn mặt của người đàn ông mảnh khảnh hiện ra với những nếp nhăn giữa một vầng trán cao rộng, cặp lông mày rậm rạp chạy hết cả khóe mắt tựa như hai cánh cung vừa mới bung dây. Đôi mắt phượng hẹp và dài, đang khép hờ lại như cố giấu đi ánh nhìn đầy uy lực của một kẻ mang hùng tâm tráng chí. Ông chính là Bình An Vương Trịnh Tùng - vị Chúa chính thức đầu tiên của dòng họ Trịnh dưới thời Lê Trung hưng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Còn người đang nằm dưới mộ chính là Trịnh Cối - người anh trai cùng cha khác mẹ của ông.
Khi hương đã tàn được phân nửa, Trịnh Tùng bước đến khay đựng ba quả trứng gà. Kỳ lạ thay, đó đều là những quả trứng luộc còn để lại lòng đào. Ông lấy một quả, bóc hết vỏ, chia làm đôi, lấy một ít muối rắc lên chỗ lòng đào vẫn còn sền sệt rồi cho cả vào miệng nhai nhồm nhoàm như một đứa trẻ. Bất giác, một giọt lệ chạy dài trên gò má nhăn nhúm của ông. May thay, ánh nến heo hắt không đủ sức phô bày giọt lệ ấy cho bất cứ ai được thấy.
2. Hôm ấy, Thái sư Trịnh Kiểm đang đau đầu với cả mớ quân tình từ biên ải thì kinh hãi nghe tin hai đứa con trai của mình là Trịnh Cối và Trịnh Tùng lén đi tắm ao suýt bị chết đuối, may mà được người hầu cứu kịp. Nhìn hai đứa con đang co ro quỳ dưới sân, ông vừa thương vừa giận, cầm roi chỉ thẳng vào mặt thằng cả, quát lớn:
- Cối ! Con là anh, sao không biết bảo ban em ở nhà đọc sách mà lại lén đi chơi, để xảy ra cơ sự này hả?
Trịnh Cối khoanh tay, nhìn em rồi lại nhìn cha, lắp bắp:
- Con… con…
- Nằm xuống! - Không đợi đứa con giải thích, Thái sư cắt ngang bằng một mệnh lệnh dứt khoát.
Trịnh Cối chỉ mới vừa nằm sấp xuống, ngọn roi mây từ tay Thái sư Trịnh Kiểm đã vụt mạnh vào mông của cậu, đau rát đến cả da thịt. Vốn xuất thân cơ hàn, tay trắng làm nên sự nghiệp, Trịnh Kiểm rất nghiêm khắc trong cách dạy con. Ông sợ những đứa con của mình sống trong nhung lụa từ bé, chưa nếm trải khổ cực ngày nào, nếu không được rèn giũa, lớn lên sẽ không đủ bản lĩnh để thay ông gánh vác sự nghiệp mà cả đời ông khó nhọc lao tâm. Thế nên, hễ cứ đứa nào mắc lỗi, ông đều trừng phạt rất nghiêm. Một đứa mắc lỗi thì đứa kia cũng bị phạt liên đới vì không chịu bảo ban lẫn nhau.
Những ngọn roi cứ tiếp tục vụt xuống trong tiếng khóc nức nở của hai đứa trẻ. Bỗng, cậu em Trịnh Tùng chạy tới, ôm lấy chân cha mình gào lớn:
- Huhu… Không phải là lỗi của anh Cối đâu cha ơi… huhu… là con đầu têu… ban chiều, anh Cối đang viết chữ trong thư phòng… chính con đã rủ anh ấy đi tắm ao… cha cứ đánh con đi… đừng đánh anh Cối mà tội…
Ngọn roi vừa được vung mạnh lên bỗng từ từ hạ xuống. Trịnh Kiểm cúi xuống, trừng mắt hỏi:
- Cối! Có đúng như em nói không?
Nhìn ánh lửa trong đôi mắt hung dữ của cha, cả người Trịnh Cối run lên bần bật. Thế nhưng, cậu vẫn im lặng, không hé nửa lời. Tuy vậy, với một người đã đi qua sương gió như Trịnh Kiểm, sự im lặng ấy cũng đủ cho ông biết câu trả lời. Vứt ngọn roi xuống sân, ông nói:
- Thằng Cối là anh cả, không chịu khuyên can em lại nghe lời rủ rê, bỏ học đi tắm ao nay phạt 10 roi đã xong. Thằng Tùng là phận em, nhưng lại đầu têu, rủ anh bỏ học đi chơi, để xảy ra cơ sự, nay phạt quỳ từ đây cho đến khuya, cấm được ăn cơm, uống nước. Ai mang đồ ăn, thức uống cho nó, ta chặt tay.
Đoạn, Thái sư định quay đi, chợt thấy đám người hầu cận hai vị công tử vẫn đang quỳ mọp gần đó, ai nấy đều run rẩy, lo lắng bị trách phạt. Trịnh Kiểm khựng lại rồi hét lớn.
- Lính đâu? Trừ kẻ có công cứu nhị vị công tử, số còn lại, đem ra ngoài chém hết cho ta!
Nghe vậy, đám người hầu mặt cắt không còn giọt máu, rối rít xin tha mạng. Dù đang còn rất đau vì những vết đòn roi, Trịnh Cối vẫn gắng sức chạy đến níu tay áo cha mình:
- Cha ơi! Anh em con biết lỗi rồi. Xin cha hãy tha mạng cho họ...
Trịnh Tùng thấy vậy cũng chạy tới cùng anh xin cho đám gia nhân:
- Xin cha tha tội cho họ. Là con bắt họ không được nói cho cha biết. Chúng con không dám nữa đâu… Con xin cha…
Trịnh Kiểm nhìn hai đứa con đang ra sức cầu xin cho đám người vô tội, bất giác cảm động, nhưng lệnh đã ban đâu có thể rút. Ông lạnh lùng đáp:
- Ý ta đã quyết, không có chuyện cầu xin. Các con hãy nhớ cho kỹ. Đám người kia chết không phải do ta tàn nhẫn, mà là do các con. Do sự ích kỷ, ham chơi của các con đã làm liên lụy đến chúng. Quân bay đâu? Lập tức thi hành.
Hơn chục người lính to khỏe lao tới lôi xềnh xệch đám người hầu đi trong tiếng van xin, la hét thảm thiết. Họ bị lôi ra cửa sau. Một tiếng hô “chém” vang lên khiến cho hai anh em lạnh cả tóc gáy. 
Tiếng la hét tắt ngấm. Một mùi máu tanh nương theo những cơn gió bay vào.
3. Trăng đã lên cao, nhưng Trịnh Tùng vẫn phải quỳ trước sân. Không có lệnh của Thái sư, không ai dám mang đồ ăn nước uống cho cậu. Trịnh Tùng gần như kiệt sức, tưởng sắp đổ gục xuống thì một bàn tay đỡ lấy tấm thân mảnh khảnh, gầy gò của cậu.
- Tùng! Gắng lên em.
Trịnh Cối đỡ lấy người em trai của mình, đoạn lấy bầu nước đưa cho em uống. Trịnh Tùng nhờ hớp nước của anh mà tỉnh lại, mếu máo: 
- Anh Cối! Em đói bụng quá...
- Suỵt! - Trịnh Cối để ngón tay lên miệng ra dấu giữ im lặng, đoạn nhìn quanh không có ai, bèn lấy trong người ra ba quả trứng gà đang còn nóng hổi với một ít muối. Cậu lấy một quả, bóc hết vỏ rồi bẻ đôi ra. Trịnh Tùng tròn xoe mắt:
- Ớ! Trứng luộc chưa chín hả anh?
Trịnh Cối cười khì:
- Ngốc! Không phải là trứng luộc chưa chín, mà là... chưa chín hết... Hihi... Đây trứng lòng đào. Bên ngoài lòng trắng đã chín, nhưng bên trong thì để cho lòng đỏ chín vừa phải, còn anh thì thích để nó cứ lỏng lỏng như thế...
- Èo! Nhìn tanh chết đi được...! - Trịnh Tùng ngúng nguẩy.
- Ngon lắm! Không tanh đâu. Nhìn này... - Trịnh Cối vừa nói vừa thổi phù phù cho bớt nóng, đoạn lấy ít muối rắc đều vào giữa lòng đào vẫn đang còn sền sệt, nóng hổi - Há mồm ra nào. Ăn trứng lòng đào phải ăn cả miếng to mới ngon.
Trịnh Tùng nhăn mày, nhưng vì đang đói nên đành phải làm theo lời của anh. Cậu há miệng rồi lủm luôn một mạch. Bỗng, nhị công tử khựng lại trước một trải nghiệm vị giác mà lần đầu được biết. Vị béo ngậy nóng hổi của trứng gà quyện lại với vị mặn vừa phải của muối tạo nên một hương vị kỳ lạ, khó tả nhưng đầy tuyệt hảo, hơn bất cứ mỹ vị nào mà trước đây cậu được nếm qua. 
- Ngon quá! Ngon quá anh Cối ơi… 
Trịnh Tùng reo lên, vội lấy miếng trứng còn lại, toan cho vào mồm, nhưng thấy anh đang chép miệng, nuốt nước miếng ừng ực, cậu chợt thấy xấu hổ cho cái tật tham ăn của mình, bèn chia nửa miếng trứng rồi đưa cho Trịnh Cối. Hai anh em ăn ngon lành. Thoáng chốc, ba quả trứng chỉ còn đống vỏ. 
- Ngon ghê á! Nhưng sao anh luộc ít vậy?
Vừa nói, Trịnh Tùng vừa cho những ngón tay vào miệng mút lấy mút để những giọt lòng đỏ trứng gà còn sính lại. Nhìn hành động ngây ngô của cậu em tham ăn, Trịnh Cối cười khì:
- Anh lẻn vào nhà bếp, còn đúng ba quả thôi đó. Mà đừng có mút tay nữa, nhìn chẳng ra dáng công tử con nhà Thái sư gì cả. 
Nghe thế, Trịnh Tùng xị mặt:
- Hứ! Có ai nhìn thấy đâu. Mà sau này, có anh gánh vác hết rồi. Em chỉ đi chơi với ăn trứng lòng đào anh luộc thôi... hihi...
Trịnh Cối chững lại trước câu nói vô tư của người em. Gánh vác ư? Sao ai cũng muốn cậu gánh vác? Sao ai cũng kỳ vọng ở cậu? Đặc biệt là cha. Tuổi thơ cậu lớn lên trong sự thiếu vắng hơi ấm của ông. Cha cậu hiếm khi ở nhà. Nhà của ông là chiến trường. Những lần về nhà hiếm hoi, ông đều mang theo trên người những vết thương, có lần là những vết máu vẫn còn tanh nồng. Cậu chỉ dám nằm trong buồng, lén nhìn cha. Gương mặt ông khi ấy thật đáng sợ. Lớn lên một chút, ông bắt đầu dùng roi vọt để dạy cho cậu những thứ thuộc về thế giới của người lớn, về đạo quân tử, về nghĩa vua tôi, về cái gọi là Trung hưng nhà Lê, về đám người họ Mạc mà ông phải diệt trừ, mà nếu đời ông chưa làm được, cậu sẽ phải tiếp tục gánh vác. Với một đứa trẻ chỉ hơn mười tuổi, như vậy đã là quá nhiều. Sự kỳ vọng đó khiến cậu sợ hãi, khi cái bóng của cha - Thái sư Trịnh Kiểm - linh hồn của cuộc Trung hưng Lê triều quá lớn. Cậu sẽ làm được gì đây?
- Anh... anh ơi!
Tiếng gọi réo của người em làm cho dòng suy nghĩ mông lung của Trịnh Cối bị cắt ngang.
- Mấy người hầu... bị... bị cha chém hết cả rồi ạ?
Trịnh Cối bỗng rùng mình. Cậu buồn bã gật đầu, kể lại lúc ra sân sau, thấy quân lính đang xối nước lau dọn những vết máu. Cậu còn tận mắt chứng kiến bọn lính xách những cái đầu lâu được đựng trong các túi vải trắng để mang đi. Máu trên những cái thủ cấp vẫn còn chưa khô, thấm qua lớp vải mà cứ thế nhỏ giọt xuống nền. Cậu đã phải lấy tay che miệng để kìm lại cơn buồn nôn đang chực trào trong cổ họng. Cha là người nghiêm khắc, nhưng không phải là người hiếu sát, vậy mà ông lại giết đám người vô tội chẳng chút nương tay. Nếu cả mấy mạng người chết oan uổng chỉ đổi lấy bài học cho anh em thì quả thực, ông quá tàn nhẫn. 
- Là do em hết! - Trịnh Tùng mếu máo - Tại em ham chơi... mà anh bị cha đánh đòn... rồi làm cho đám gia nhân bị chết oan... 
Nói đến đó, cậu út òa lên khóc nức nở. Trịnh Cối vội ôm chầm lấy em mà an ủi. Cách đó không xa, Thái sư Trịnh Kiểm cùng thầy dạy học của hai anh em chứng kiến tất cả. Ông hài lòng vì những đứa con của mình đã có được bài học cần thiết về việc chịu trách nhiệm cho hành vi của chúng. Đại trượng phu muốn làm nên nghiệp lớn thì phải cẩn trọng suy xét, không thể tùy tiện muốn làm gì thì làm. Quan trọng hơn nữa, ông thấy được hai anh em đều rất yêu thương nhau. Sau này, Trịnh Cối là con trưởng sẽ kế tục sự nghiệp của ông, Trịnh Tùng là con thứ sẽ ra sức phò trợ anh mình. 
- Đại nghiệp của họ Trịnh ta có hy vọng rồi - Trịnh Kiểm vừa nói vừa quay đi, lòng đầy phấn khích.
Thế nhưng, ông đồ già với mái tóc bạc lại không nghĩ như thế. Linh tính ông mách bảo rằng, không lâu khi Trịnh Kiểm mất, giữa hai đứa trẻ này sẽ xảy ra một cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu. Nhưng Thái sư đang vui nên ông không dám nói ra sợ làm ngài phật ý. Màn đêm của phủ Thái sư như hiểu được suy nghĩ ấy, vội giúp ông che đi cái lắc đầu.
4. Đúng như dự đoán của ông đồ già năm xưa, tháng 2 năm Canh Ngọ (1570), Thái sư Trịnh Kiểm qua đời khi sự nghiệp Trung hưng nhà Lê vẫn còn dang dở. Vua Lê Anh Tông xuống chiếu giao cho Tuấn Đức hầu Trịnh Cối nắm giữ binh quyền, thống lĩnh các quân dinh thủy bộ. Cũng từ đây, khi không còn đứng dưới cái bóng nghiêm khắc của cha, Trịnh Cối như con chim sổ lồng mà sải cánh vùng vẫy. Người anh cả hiểu chuyện năm xưa đã quá mệt mỏi với những kỳ vọng của cha nay tự buông thả mình, ham mê tửu sắc, rông rỡ kiêu ngạo khiến các tướng dưới quyền không mấy ai nể phục. Họ bắt đầu chú ý đến Phúc Lương hầu Trịnh Tùng, người em trai cùng cha khác mẹ với Trịnh Cối. Cũng từ đây, ngọn lửa huynh đệ tương tàn đã bắt đầu âm ỉ, chỉ chờ một cơn gió thổi qua để bùng lên cuộc nồi da xáo thịt. 
Một đêm muộn đầu tháng 4 năm 1570, Trịnh Tùng bị đánh thức bởi một cuộc viếng thăm bất ngờ. Đó là các tướng Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương hầu Trịnh Bách cùng bọn Lương Quận công, Phổ Quận công và Lại Quận công, họ đem gia quyến và binh lính tới chỗ Trịnh Tùng, ngỏ ý muốn phò trợ ông lên ngôi minh chủ. 
- Không được! Các ông định ép ta vào chỗ bất nghĩa với anh mình ư?
Trịnh Tùng lắc đầu phản đối. Đám người Lê Cập Đệ đưa mắt nhìn nhau. Quả đúng như dự liệu, hai anh em Trịnh Cối và Trịnh Tùng xưa nay tình như thủ túc, để thuyết phục quả không phải dễ. Bí thế, Lê Cập Đệ bèn tuốt gươm rồi tự kề vào cổ mình, khóc ròng mà nói:
- Chúng tôi dưới trướng Thái sư bao năm, hết lòng vì đại nghiệp “phò Lê diệt Mạc”. Nay Tuấn Đức hầu được trao binh quyền, lại ham mê tửu sắc, bê trễ việc binh, chúng tôi không thể ở dưới trướng ông ta được. Xin Phúc Lương hầu hãy vì đại nghiệp Trung hưng mà đứng ra gánh vác trọng trách. Bằng không, cả nhà tôi gần trăm mạng người xin chết tại đây!
Thấy thế, đám tướng lĩnh cũng theo cách của Lê Cập Đệ rút gươm kề cổ, bức ép Trịnh Tùng phải hành động.
- Phúc Lương hầu! Ngài có biết, lúc này ở đại doanh, Tuấn Đức hầu vẫn đang say sưa đàn hát hay không? Trong khi quân Mạc đang đánh ráp ngoài kia. Ngài muốn sự nghiệp một đời cha ngài lao nhọc bị hủy trong nay mai ư? 
Trịnh Tùng nhìn đám người đang kêu khóc, mặt không chút biến sắc. Diễn xuất của họ quả rất tròn vai trong vở kịch suy tôn minh chủ này. Nhưng lời họ nói không phải không có lý. Tình thế hiện tại nếu còn do dự thì đại cục nguy mất. Nhưng nếu nghe theo đám Lê Cập Đệ, ông biết ăn nói sao với anh mình đây.
“Huynh trưởng! Đừng tha thứ cho đệ”.
Trịnh Tùng thở dài, ra lệnh thu thập binh tướng, trong đêm chạy đến Yên Trường, hôm sau, đến dinh Kim Thành rồi cùng vào bái yết nhà vua. 
Vua Lê Anh Tông vô cùng bối rối trước sự xuất hiện của đám người Trịnh Tùng. Lê Cập Đệ chưa biết dặn Trịnh Tùng nên mở lời như nào thì bất ngờ trước loan điện, Trịnh Tùng đã quỳ xuống, khóc ròng mà tâu:
 - Bẩm Thánh thượng! Anh thần là Trịnh Cối say đắm tửu sắc, mất lòng mọi người, sớm muộn thế nào cũng sinh loạn, lại đêm ngày mưu tính đoạt minh tượng và ấn báu của thần nên bọn thần phải nửa đêm trốn vào cửa khuyết, đau xót báo tin, xin Thánh thượng thương tình thu nạp.
Lê Cập Đệ cùng đám tướng lĩnh sửng sốt khi chứng kiến những gì đang diễn ra. Chỉ mới đó thôi, Trịnh Tùng còn chần chừ không quyết, sợ tiếng bất nghĩa với anh, nay lại quay ngoắt khóc lóc kể lể về Trịnh Cối với vua. Trong giây phút ấy, Lê Cập Đệ chợt nhận ra, mình đã tìm đúng người để diễn vở kịch này.
Nhìn Trịnh Tùng khóc lóc trước mặt, vua Lê Anh Tông rối bời, không biết phải làm sao, đành nói:
 - Khi Thượng phụ(3) còn sống không đến nỗi thế, làm thế nào bây giờ?
Nghe đến đó, Trịnh Tùng bèn đưa mắt sang Lê Cập Đệ. Hiểu ý, ông ta liền bước tới mà tâu rằng:
- Muôn tâu Thánh thượng! Phúc Lương hầu Trịnh Tùng văn võ song toàn, lại là người nhân nghĩa, được lòng trên dưới, chúng thần thiết nghĩ, bệ hạ nên sắc phong Phúc Lương hầu làm Trưởng Quận công tiết chế thủy bộ chư dinh, thống lĩnh ba quân. Có như vậy, tướng sỹ trong ngoài mới yên lòng ra sức đánh giặc. Sau đó, ta nên dời về cửa Vạn Lại, rồi chia quân bố trí các nơi hiểm yếu.
- Nhưng... Nhưng...
Thấy vua còn do dự, đám tướng lĩnh bèn quỳ xuống đồng thanh nói lớn:
- Xin Thánh thượng minh xét!
Trước sự quyết liệt của chư tướng, cùng việc binh lính của họ đã vây kín ngoài dinh, nếu trái ý sợ sinh điều bất trắc, vua Lê Anh Tông đành phải thuận theo. Trịnh Tùng nhận sắc phong trước mặt ba quân, tuốt gươm thề một lòng tận trung với nhà Lê, quyết tâm diệt Mạc, lấy lại giang sơn. Tướng sỹ thấy vậy thì tung hô vang trời, ai nấy đều mừng rỡ vì tìm được minh chủ để phò tá. Duy chỉ có Lê Cập Đệ mặt không biến sắc. Ông ta không thể ngờ rằng, cậu con út ham chơi của nhà Thái sư năm xưa đã lột xác trở thành một kẻ gian hùng, biết chớp lấy thời cơ để bước lên vũ đài chính trị. Nhưng điều gì đã khiến Trịnh Tùng thay đổi như vậy? Lê Cập Đệ không thể lý giải nổi, nhưng ông ta biết rằng, vở kịch do mình soạn lên đã không chọn nhầm vai chính. Kẻ mà ba quân đang tung hô trước mặt, sau này uy danh sẽ còn lừng lẫy hơn cả người cha quá cố của hắn.
5. “Thằng bất nghĩa Trịnh Tùng! Ngươi ra đây cho ta!”.
Một tiếng hét như sấm vang lên trước cửa ải Vạn Lại. Tin về việc Trịnh Tùng được vua trao binh quyền thay anh đã bay về đại doanh của Trịnh Cối. Tức giận vì bị hất cẳng bởi người em mà mình tin tưởng, Trịnh Cối tức tốc dẫn quân đến cửa Vạn Lại hỏi tội. Đám lính giữ ải thấy cờ hiệu Trịnh Cối liền vội vàng vào trong cấp báo. Trịnh Tùng và các tướng nhanh chóng lên thành ứng chiến. 
- Huynh trưởng! Sáng sớm đã mang binh đến ải. Có việc gì muốn chỉ dạy chăng?
Nghe vậy, Trịnh Cối thúc ngựa đến, lớn tiếng mắng nhiếc:
- Ngươi còn mặt mũi gọi ta là huynh trưởng hay sao? Cha mất chưa lâu, ngươi đã thông đồng với bọn Lê Cập Đệ cướp binh quyền của ta. Em cướp binh quyền của anh. Việc làm bất nghĩa như vậy mà ngươi cũng làm được ư?
Trịnh Tùng bình thản đáp:
- Huynh trưởng! Vốn dĩ Thánh thượng đã trao binh quyền cho huynh, nhưng thân làm tướng, huynh lại đam mê tửu sắc, bê trễ việc quân, làm mất lòng tướng sỹ. Trong khi quân Mạc đang ở ngoài kia. Đệ chỉ vì đại cục mới phải tâu vua xin gánh vác trọng trách, thực lòng không hề có dã tâm muốn cướp binh quyền của huynh.
Nghe đến đó, Trịnh Cối càng tức giận hơn:
- Nói bậy! Ta chỉ mở tiệc khao quân, khích lệ tướng sỹ hăng hái đánh giặc, vậy mà ngươi xàm tấu rằng ta ham mê tửu sắc, bỏ bê việc quân. Mà nếu có thật như thế, ngươi là phận em, sao không buông lời khuyên can mà lại bày trò tâu vua cướp binh quyền của ta?
- Hahaha... - Trịnh Tùng cười lớn - Huynh trưởng, đại quân họ Mạc đã ở sát biên ải, chúng sẽ chờ cho đến khi đệ khuyên được huynh tỉnh ngộ rồi mới xuất binh đến đánh ư?
 Trịnh Cối cứng họng, không nói lý được bèn buông lời đe dọa:
- Ta không cần biết! Hôm nay, nếu ngươi hối cải, mở cửa đầu hàng, trao lại binh quyền cho ta, niệm tình anh em, ta sẽ tha cho, còn không...
- Huynh trưởng! - Trịnh Tùng lắc đầu - Xin thứ cho đệ không thể.
 Nghe đến đó, Trịnh Cối biết không thể thuyết phục được người em của mình. Lửa giận phừng phừng, ông tuốt gươm chỉ về Trịnh Tùng nói những lời cuối cùng:
- Vậy thì từ nay, ta với ngươi không còn anh em máu mủ gì nữa! Dưới vòm trời này, có ngươi thì không có ta!
Trịnh Tùng như lường trước được việc này, dẫu rất đau lòng nhưng vẫn bình nhiên chắp tay đáp lại:
- Vậy thì đệ cũng chỉ biết vì đại nghĩa diệt thân! 
Trịnh Cối vung gươm, hét lớn:
- Toàn quân! San phẳng thành Vạn Lại cho ta!
Dứt lời, tiếng trống trận ầm ầm nổi lên. Tướng sỹ của Trịnh Cối ở phía sau ào ạt xông tới. Trên thành, Trịnh Tùng cũng lệnh cho các tướng đốc thúc binh lính ứng chiến. Bầu trời Vạn Lại trong vắt không một gợn mây bỗng bị sạm đen vì khói lửa. Vùng Vạn Lại của xứ Thanh Hoa(4) có địa thế chật hẹp nhưng núi đồi hiểm sâu, dễ thủ khó công, rất thuận lợi cho việc phòng ngự. Do vậy, nơi đây được Thái sư Trịnh Kiểm ra sức xây dựng thành lũy, doanh trại, dinh điện, kho tàng, bến bãi để trở thành căn cứ địa chống nhà Mạc. Trớ trêu thay, công trình tâm huyết ấy lại là nơi chứng kiến cảnh nồi da xáo thịt của hai đứa con ông.
 Nhờ địa thế thuận lợi cùng việc đã có chuẩn bị trước, quân Trịnh Tùng vẫn đứng vững trước những đợt tấn công như vũ bão của quân Trịnh Cối. Mấy ngày sau đó, Trịnh Cối cho quân ra sức hãm thành nhưng vẫn không thể công phá được Vạn Lại. Đương khi hai anh em họ Trịnh đánh nhau, nhà Mạc sai Mạc Kính Điển đem hơn mười vạn quân vào đánh Thanh Hoa khiến Trịnh Cối ở thế lưỡng đầu thọ địch, liệu sức không nổi, bèn đem quân về hàng nhà Mạc.
Trước khi nhổ trại, Trịnh Cối sai người mang một hộp gỗ đến cửa Vạn Lại gửi cho Trịnh Tùng. Mở hộp gỗ ra, Trịnh Tùng thoáng chút trầm tư không nói nên lời. Chư tướng thấy vậy bèn tò mò lại xem, thì ra trong hộp là ba quả trứng gà và một ít muối. Trịnh Tùng bóc trứng rồi bẻ đôi, lòng đào vẫn còn sệt đỏ. Ông lấy muối rắc lên, định cho vào miệng thì các tướng ngăn lại:
- Chủ tướng! Không nên khinh xuất. Lỡ đâu có độc.
Nghe vậy, Trịnh Tùng lắc đầu, cho cả vào miệng trong sự kinh ngạc của các tướng. Kỷ niệm xưa lại ùa về khiến nội tâm của Trịnh Tùng bị giằng xé đến khó tả, nhưng ông phải cố kìm nén để không biểu hiện ra trước mặt thuộc hạ. Ăn hết ba quả trứng, Trịnh Tùng vẫn bình an vô sự. Ông nói:
- Các ông không hiểu huynh trưởng bằng ta đâu.
Phép thử mà hai anh em dành cho nhau đều cho ra một kết quả khiến cả hai vừa lòng. Đoạn, Trịnh Tùng ban thưởng cho người lính của Trịnh Cối và dặn anh ta về báo lại rằng, quà của huynh trưởng, ông đã ăn hết, xin huynh ấy bảo trọng. Người lính về báo lại, Trịnh Cối mỉm cười, nhẹ lòng lên ngựa tiến về doanh trại của Mạc Kính Điển. Tháng 9 năm Giáp Thân (1584), Trịnh Cối chết trên đất Bắc Triều, linh cữu sau đó được đưa về an táng tại núi Quân Yên, đất Nam Triều.
6. Thực tâm, ta chưa từng có ý định cướp binh quyền của anh trai ta.
Thế nhưng, số phận bắt ta phải lựa chọn.
Trịnh Cối - huynh trưởng của ta, mang trong mình một trái tim yếu đuối nhưng phải gánh vác cả một giấc mơ quá lớn. 
Giấc mơ không phải của huynh ấy, mà là của cha ta. Cha kỳ vọng huynh ấy rất nhiều với tất cả sự nghiêm khắc mà ông có. Và có lẽ, ta sẽ vẫn là cậu út ham chơi nhà Thái sư nếu như năm đó, ta không rủ anh trai cùng đi tắm ao để rồi bị cha phạt. 
Để dạy cho chúng ta bài học đầu đời về sự cẩn trọng trong cách hành xử, cha ta đã dựng lên một màn kịch mà sau này ta mới biết. Năm đó, không có người hầu nào bị giết cả. Họ được cha cấp tiền rồi đuổi ra khỏi phủ, cấm không được quay lại đất Thanh Hoa. Vết máu đỏ ở hậu phủ chỉ là máu lợn và những cái đầu còn rỉ máu đựng trong túi vải đều là những quả dưa nhét thêm rơm rạ vào. 
Cha ta đã cố ý làm vậy để huynh trưởng thấy được, qua đó, hy vọng huynh ấy sẽ trưởng thành hơn. Thế nhưng, cú sốc ấy khiến cho anh trai ta càng thu mình lại, làm gì cũng hỏi, việc gì cũng xin, sợ sệt, do dự, thiếu quyết đoán, không thể là minh chủ thống lĩnh ba quân được. Còn ta, sau cú sốc ấy, cũng đã day dứt rất nhiều, vì đã làm liên lụy đến người vô tội. Cũng từ đó, ta đã hiểu được rằng, trong cái thời loạn thế này, muốn ban phát ân đức thì phải nắm trong tay quyền lực. Đạo thánh hiền nếu không có quyền lực thì cũng chỉ là một mớ lý lẽ nơi cửa miệng mà thôi.
Trong cái đêm bọn Lê Cập Đệ đến phủ, ta đã đắn đo rất nhiều nhưng cuối cùng đành chịu tiếng bất nghĩa với huynh trưởng. Ta không thể để cơ nghiệp một đời cha ta khó nhọc đổ sông đổ bể. Nếu đại sự thành, công lao lẫy lừng của ta sẽ lu mờ đi việc cướp binh quyền của anh, nhưng nếu ta thất bại, ta sẽ là tội đồ của cả hai họ Lê - Trịnh, thiên hạ sẽ cười chê ta, sử sách sẽ khinh miệt ta ngay cả khi ta chỉ còn là nắm xương tàn trong mả. 
Nhưng ta chấp nhận đánh cược với số phận.
Và ta đã làm được hơn những gì mà cha ta kỳ vọng, khi đánh đuổi được họ Mạc ra khỏi Đông Kinh, lấy lại giang sơn cho họ Lê, hoàn thành đại nghiệp Trung hưng mà ông ấp ủ. Nhưng một đời khó nhọc của cha ta lại chỉ vì ngai vàng của kẻ khác, còn ta thì không. Thánh thượng đã phải phong ta làm Bình An Vương, chấp thuận cho ta xây cất phủ Chúa bên cạnh hoàng cung, bá quan văn võ nếu có việc gì phải tấu trình với ta rồi mới được tâu vua. Nắm thiên tử, lệnh thiên hạ, họ Trịnh ta giờ chỉ dưới một người mà trên cả vạn người.
Huynh trưởng. Vì cơ nghiệp của họ Trịnh, đệ đành mang tiếng bất nghĩa với huynh. Điều mà đệ có thể làm là đưa linh cữu của huynh về lại bên mình để sớm tối khói hương. Mỗi lần đến thăm huynh, đệ đều mang theo ba quả trứng lòng đào, món mà anh em ta đều rất thích từ nhỏ. Nhưng bao năm rồi, không miếng trứng nào có thể ngon bằng miếng trứng đêm đó, huynh đút cho đệ ăn. Chớp mắt, huynh đệ ta đã âm dương cách biệt. Đệ hứa, khi cơ nghiệp họ ta đã vững như bàn thạch, đệ sẽ đến trước huynh chịu tội. Còn bây giờ, đệ phải ngồi vững cái ngôi Chúa của mình, dù cho tay đệ có phải nhuốm thêm bao nhiêu máu.
7. Tiếng gà rừng cất lên khiến Bình An Vương Trịnh Tùng bừng tỉnh. Ông lấy vạt áo lau đi giọt nước mắt còn chưa khô trên má, đoạn cúi người bái biệt huynh trưởng rồi quay lưng. Bất giác, ông hỏi người hộ vệ cao lớn đi bên cạnh:
- Con trai ngươi mấy tuổi rồi? Ngươi có kỳ vọng gì ở nó không?
Viên hộ vệ ngạc nhiên trước câu hỏi của chủ nhân. Anh ta kính cẩn đáp:
- Bẩm Chúa thượng! Con trai thần mới được 5 tuổi ạ. Thần cũng chỉ mong nó chăm chỉ học hành để sau này đỗ đạt, làm rạng danh dòng tộc. Nhưng thấy nó ham chơi lắm ạ.
Nghe thế, Trịnh Tùng mỉm cười và nói:
- Trẻ con mà, đứa nào chả ham chơi. Cha mẹ nào cũng kỳ vọng con cái công thành danh toại, cho bõ công dưỡng dục, điều ấy không sai. Nhưng cũng đừng kỳ vọng quá và cũng đừng đem ước mơ dang dở của đời mình gán lên cuộc đời chúng. Mỗi người đều có một phận số riêng, hãy cứ thuận theo, đừng cố cưỡng cầu hay ép buộc. 
Viên hộ vệ tuy không hiểu vì sao Chúa thượng lại nói những lời ấy nhưng vẫn kính cẩn bái lĩnh. Hai người túc tắc xuống núi, để lại đằng sau ngôi mộ tiếp tục những tháng ngày hiu quạnh giữa chốn thâm sơn. Màn sương đã tan ra, để lại những giọt nước nhỏ đọng trên những kẽ lá, long lanh và tinh khiết, mong manh nhưng đầy tự do, tự tại.
                

Quảng Bình, 5-8-2023
            N.A.T

(1) Thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
(2) Mộ của Thái phó Trung quốc công Trịnh Cối.
(3) Chỉ Thái sư Trịnh Kiểm.
(4) Nay thuộc xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 89
 Hôm nay: 6823
 Tổng số truy cập: 9252734
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa