Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Cố hương
Cố hương

Còn hai cây số nữa mới về đến làng nhưng lão Đa đã ra hiệu cho tài xế dừng xe. “Cậu cho tôi xuống đây nhé. Đến nơi rồi”. Lái xe ngạc nhiên: “Thưa bác, bác bảo quê ở Vồm sao lại xuống từ đây? Nếu con không nhầm thì về làng bác còn gần hai ki lô mét nữa”. “Anh cũng đến Vồm rồi à?”, Lão Đa đăm đăm nhìn về cái vệt xanh thẫm vắt dưới chân đồi. “Đúng là về Vồm còn phải đi thêm hai cây số nữa. Nhưng tôi muốn ngồi đây ngắm làng một lát rồi sau đó sẽ đi tắt qua cánh bãi này về. Ngày xưa tôi vẫn thường đi như vậy”. “Nhưng bây giờ bác đã cao tuổi rồi, đi bộ làm gì cho cực!”. Lái xe nhìn cái cặp số sang trọng lão xách trên tay, ái ngại: “Thôi thế này, bác muốn ngắm làng từ xa thì cứ ngắm thoải mái đi, rồi con đưa bác về tận nhà chứ chiều muộn thế này bác lội bộ qua cánh bãi rậm rì những mía kia, nhỡ ra... Thời buổi bây giờ phức tạp lắm!”. Lão phá lên cười: “Anh lo tôi bị trấn à? Không ai làm gì tôi được đâu!”. Lão rút hai tờ năm trăm ngàn đưa cho lái xe: “Thôi, anh quay về thành phố đi. Cứ mặc tôi”. Lái xe cảm ơn rồi rút tấm các, cung kính đưa tận tay lão: “Đây là số máy của con. Khi nào bác đi thì gọi xuống, con sẽ lên đón tận nhà. Xin bác cho con biết quý danh”. “Vào làng Vồm anh cứ hỏi lão Đa. Đa Việt kiều”. “Con nhớ rồi! Chúc bác những ngày nghỉ thăm quê thật vui vẻ”.
Chiếc ta-xi màu xanh quay đầu đi đã xa lão Đa mới xách cặp thập thững bước lên cái gò đất cao, lấy tờ báo trải dưới gốc cây gạo ngồi. Chóng thật! Mới đó mà đã qua ngót nửa thế kỉ! Ngày lão từ giã mảnh đất này ra đi cây gạo mới nhỉnh bằng gốc cau. Vậy mà bây giờ cái thân sần sùi của nó phải mấy người vòng tay mới khít. Ngôi miếu cổ nơi lão Đức giấu chiếc xe đạp và bọc quần áo vẫn còn đó, nhưng nhìn kĩ nó có vẻ mới hơn cả ngày lão ra đi. Người ta sửa sang hay nó đã bị đập phá rồi bây giờ mới xây dựng lại? 

Minh họa: Bùi Quang Đức


Nắng đã dịu. Bãi Vồm xanh ngắt một màu xanh của mía. Tiếng lá mía lao xao trong gió như cả một rừng gươm khua. Không biết người ta trồng mía từ bao giờ, chứ ngày xưa một năm cánh bãi ấy chỉ làm một vụ ngô xen lạc, những tháng còn lại bỏ hoang để cả làng thả trâu, thả bò. Cây nhân trần mọc lấn lướt cả cỏ. Tuổi thơ của lão đã gắn bó với bãi Vồm và hương vị nồng nàn của loài thảo mộc ấy đến độ những năm tha hương nơi đất khách quê người, khi mùa đông tuyết rơi, lão chỉ ước được một lần trở về lăn mình trên những đám nhân trần vừa khô tái mà ngủ một giấc cho thật đã. 
Cứ tưởng học hết cấp hai trường huyện rồi mình sẽ theo ngành Sư phạm, sẽ trở về làm thầy giáo, gắn bó với cái làng đồi và cánh bãi rộng ấy suốt đời, thế mà chưa đầy mười sáu tuổi lão đã phải từ bỏ tất cả để ra đi. Cái ngày định mệnh ấy sau này mỗi lần nhớ lại lão vẫn thấy xót xa. Buổi chiều, vừa bước chân vào lớp lão đã được ông khán trường báo lên gặp Hiệu trưởng. Lão ngơ ngác không hiểu tuần qua mình đã vi phạm khuyết điểm gì. Thắc mắc của lão được giải đáp ngay khi Hiệu trưởng thông báo lão phải về địa phương gấp để giải quyết một số việc theo yêu cầu của Đội cải cách. Không kịp quay lại nhà trọ lấy quần áo, lão vội vã rời phố huyện trong tâm trạng đầy hoang mang, lo lắng. Trọn một buổi cuốc bộ, sẩm tối lão mới về đến ngôi miếu nhỏ này. Đang định ngồi nghỉ chân một lúc thì bất ngờ có người từ sau miếu bước ra. Lão mừng rỡ reo lên: “Kìa, anh Đức! Anh làm gì ở đây?”. Lão Đức nhìn trước ngó sau rồi ấn lão ngồi xuống, khẽ thì thào: “Tôi đợi cậu đã lâu. Cậu về theo lệnh của Đội đấy chứ?”. Lão nôn nóng: “Ở nhà có chuyện gì vậy anh?”. Lão Đức run run nói: “Tình hình căng thẳng lắm. Nhà cậu bị quy thành phần địa chủ, người ta đã đưa ông đi tập trung, tưởng học tập ít ngày rồi sẽ được tha về, nhưng vừa rồi ở nhà thằng Hán đến khóc lóc khai thêm với Đội là bố hắn trước đây do bị ông nhà cắt cho chén thuốc có pha nhiều vị độc nên đã chết oan. Đội căn cứ lời khai của hắn đã cho dân quân xuống trại giải ông về, sáng mai sẽ mở tòa án đặc biệt để xử”. “Trời!” - Lão hét lên phẫn nộ: “Làm sao Đội lại tin những lời xằng bậy của đứa gắp lửa bỏ tay người ấy? Bố tôi đâu có làm chuyện thất đức như vậy. Tôi phải làm cho ra nhẽ mới được!”. Lão đứng dậy toan đi. Nhưng lão Đức đã túm áo lôi lại: “Tôi lạy cậu. Cậu về làng lúc này nguy hiểm lắm! Chiều nay lúc đưa cơm cho ông, ông chỉ dặn tôi tìm cách báo tin cho cậu, dặn cậu hãy lánh đi đâu đó một thời gian đã”. Lão ngồi phịch xuống đất, ấm ức: “Vậy là bố tôi cam chịu chết oan à?”. Lão Đức lắc đầu: “Rõ làm phúc múc phải tội. Không ngờ cái thằng khốn nạn nó lại táng tận lương tâm thế!”. Lão gạt nước mắt, rút trong túi gói tiền dúi vào tay lão: “Tôi chỉ có từng này, mấy bộ áo quần ông cho còn chưa mặc đến và cái xe đạp bà nhờ tôi giữ hộ, tôi đem cho cậu dùng làm phương tiện đi đường, lúc cần thì bán để lấy cái mà tiêu. Thôi, cậu đi đi!”. Lão quỳ dưới chân người hàng xóm nghèo nhưng tốt bụng, nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Anh Đức, đến nước này thì tôi phải đi khỏi làng thật rồi. Mọi sự sau này nhờ anh cả!”.
Lão buộc đầm quần áo vào Poóc- ba - ga rồi dắt xe rời khỏi ngôi miếu cổ, nhằm hướng đường Trâu Lăn cắm cúi đạp. Đi đâu bây giờ? Đến Nghệ An lão mới giật mình tự hỏi. Khắp nơi ở đâu chả giống làng mình. Chỉ còn nước sang Lào. Sang đó mình sẽ tìm người lái buôn đã được cha tận tình thuốc thang cứu chữa để nương nhờ. Nghĩ vậy lão tìm người bán chiếc Pơ-giô, hỏi đường đi tiếp lên biên giới để sang Lào. Mất cả tháng trời lão mới lần ra tung tích nhà buôn nọ. Lão được ông giữ lại, tiếp đãi như thượng khách. Hai năm sau lão trở thành con rể của ông trước khi cái gia đình lớn ấy chuyển qua Ca-na-đa định cư. Ở Ca-na-đa được mấy năm, vì không muốn phụ thuộc và nhờ vả gia đình, lão tìm cách đưa vợ và con trai sang Mỹ. Ở Mỹ, vợ chồng lão mở một tiệm ăn nhỏ, thu nhập tuy không đáng kể nhưng cũng đủ trang trải các khoản chi phí và nuôi con ăn học. Điều kiện tài chính, mối hận trong lòng cùng với những thông tin thất thiệt của đám người Việt di tản là những nguyên nhân làm lão buồn chán không muốn về nước. Những năm cuối đời, nỗi nhớ cố hương vụt trỗi dậy cồn cào, thôi thúc. Vợ lão, trước khi từ giã cõi đời khuyên lão nên thu xếp về nước một lần để xây cất mồ mả cho cha mẹ. Được vợ chồng con trai mua tặng cặp vé khứ hồi, lão thu vén thêm mấy ngàn đô dắt túi, quyết làm một chuyến hồi hương. Thế là sau đúng năm mươi năm rời bỏ quê cha đất tổ ra đi, bây giờ lão đàng hoàng trở về với tư cách là một Việt kiều.
Mặt trời đã xuống rất thấp. Cái làng đồi của lão trở nên xanh sẫm hơn. Lão đứng dậy, xách cái cặp số nhằm con đường mòn cắt ngang bãi mía, xăm xăm bước những bước thật dài...
*
Sau phút ngỡ ngàng, lão Đức vụt nhào đến, ôm chầm lấy lão Đa, khóc rưng rức: “Trời ơi! Đúng là cậu đã về đấy ư?”. Lão Đa cũng không kìm nổi xúc động, mãi lúc lâu sau mới nói thành lời: “Anh vẫn khỏe đấy chứ? Chị và các cháu đâu mà nhà vắng vẻ thế này?”. Chủ nhà lau nước mắt, kéo lão Đa ngồi xuống sa lông: “Nhà tôi mất đã mười năm rồi. Nghèo quá, có dám đẻ nhiều đâu. Được thằng con trai đang làm bảo vệ trong nhà máy đường. Vợ nó cũng là công nhân. Chúng nó mua đất làm nhà ở thị trấn rồi. Thu nhập cao lắm. Cơ ngơi này chúng nó làm cho tôi ở đấy. À mà tôi đoãng quá. Để tôi chuẩn bị nước nóng cậu tắm rồi sắp cơm cậu ăn đã”. “Không cần đâu! Tôi vừa tắm và ăn uống ở khách sạn rồi mới lên xe về đây. Anh ngồi xuống, nói chuyện ngày xưa cho tôi nghe đi”. Lão Đa tỏ ra nôn nóng. Lão Đức tráng ấm, pha trà rồi thong thả kể: Đúng như tôi nói với cậu, ngay sáng hôm sau Đội mở tòa án đặc biệt ngoài bãi Vồm. Người đi đông lắm. Tưởng quan tòa là ai hóa ra chỉ có ban Đội và mấy ông bà thành phần cốt cán. Họ xử cũng rất đơn giản, kể tội ông đã giết hại người bệnh như lời khai của thằng Hán rồi tuyên án tử hình. Ai cũng sửng sốt. Nhiều người thương cụ quá không kìm nỗi đã khóc. Tòa không cho cụ thanh minh một lời mà hô dân quân kéo cụ lại cái cọc đã đóng sẵn để thực hiện bản án. Chính thằng Hán được giao súng bắn cụ. Hắn lên đạn, mắm môi mắm lợi bóp cò. Nhưng lạ quá, giương súng bóp cò đến lần thứ ba súng vẫn không nổ. Đúng lúc ấy thì có tiếng vó ngựa dồn dập. Người giao thông nhảy xuống chìa ra một tờ giấy. Ông Đội đọc xong vội hét thằng Hán dừng tay. Thì ra đấy là lệnh của trên yêu cầu hoãn thi hành bản án. Sau này dân làng mới biết sở dĩ có cái lệnh ấy là nhờ ông giáo Tập đã đạp xe xuống huyện trực tiếp kêu oan và lưu ý cấp trên việc cụ nhà đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc để mua công phiếu kháng chiến, dẫn đầu danh sách những người mua công phiếu kháng chiến trong vùng mà hồi ấy ông giáo là thư kí của ban vận động. Tôi cùng một số người chạy đến cởi trói cho cụ. Thằng Hán cũng xộc đến, bất ngờ trở báng súng đập vào hông cụ. Cụ lả đi, toàn thân mềm nhũn. Tôi bế cụ về nhà. Cú đánh thâm thù, ác hiểm của thằng Hán đã làm cụ bị dập lách, nằm liệt trên giường không ăn uống gì được. Cụ suy sụp rất nhanh. Ba ngày sau cụ gọi tôi sang, dặn: “Tôi chắc không qua khỏi đêm nay đâu. Cảm ơn vợ chồng anh đã đối xử tốt với gia đình tôi. Tôi chết rồi nhờ anh giúp đào sâu chôn chặt, khi nào thằng Đa về hãy sang cát!”. Cụ đi ngay đêm ấy. Tôi đã làm đúng như lời cụ dặn. Đào sâu chôn chặt rồi kiếm gạch đá bao quanh cho khỏi thất lạc. Cuối năm ấy bà cũng theo ông. Phần mộ bà sau này tôi đã xây cất đàng hoàng, xây sẵn cả sinh phần cho ông. Chỉ chờ cậu về để cất bốc, đưa ông vào nằm cạnh bà nữa là xong. “Ôi! Cậu đi những đâu mà biền biệt suốt năm mươi năm trời thế?”. Lão Đa quỳ sụp dưới chân lão Đức: “Tôi đúng là thằng con bất hiếu. Cảm ơn vợ chồng anh đã lo cho bố mẹ tôi được mồ yên mả đẹp”. “Kìa cậu!”. Lão Đức vội đỡ lão Đa dậy. “Vợ chồng tôi may nhờ có ông bà cưu mang mới qua nỗi mấy kì giáp hạt. Ơn ấy có trả suốt đời cũng không hết. Chẳng qua vì thời cuộc. Chỉ tiếc là ngày ấy cậu đi một mạch không về. Lúc sửa sai, trên hạ thành phần và trả lại nhà cửa, vườn tược thì không có ai mà ở. Làng dùng làm trụ sở hợp tác xã một thời gian. Hồi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại người ta dùng nó làm kho chứa muối dự trữ để chuyển qua Lào. Một thời gian sau tường gạch cứ mũn ra, để thế thì nguy hiểm quá người ta phải phá bỏ. Tiếc ngôi nhà đẹp là thế”. Lão Đa ngồi trầm tư một lúc rồi hỏi: “Ông giáo Tập bây giờ ở đâu anh?”, Lão Đức rít một hơi thuốc lào, giọng buồn buồn: “Vợ chồng ông giáo mất cả rồi. Sau vụ gỡ tội cho cụ nhà, ông ấy bị người ta làm khó dễ một thời gian. Nghĩ ở đời con người ta có phúc ắt rồi có phần cậu ạ. Mấy người con ông ấy tuổi thơ phải chịu đói khát khổ cực là thế mà anh nào học cũng giỏi. Hai anh lớn bây giờ người là bác sĩ trưởng khoa ở một bệnh viện, người là cán bộ giảng dạy bậc Đại học. Cậu út bằng tuổi thằng Hậu nhà tôi học hết cấp ba tình nguyện đi bộ đội, chiến đấu ở Cam-pu-chia gần mười năm mới về, giờ đang giữ chức Chủ tịch xã. Cậu ấy làm việc rất được lòng dân, cả làng ai cũng quý...”. “Thế còn thằng Hán?” - Lão Đa không muốn nhắc đến cái tên ấy tí nào, nhưng câu hỏi cứ tự nhiên buột ra. Lão Đức phẩy tay: “Cái thằng phản phúc ấy, nhắc làm gì. Hắn chết từ năm sáu lăm rồi. Chết vì bệnh lao cậu ạ!”. “Bệnh lao? Vẫn là cái bệnh của bố hắn à? Hồi tôi còn ở nhà mỗi lần cắt thuốc cho chú ấy bố tôi lại đưa thêm ít tiền dặn mua con gà nấu cháo mà bồi dưỡng. Bố tôi bảo bệnh ấy khó chữa khỏi lắm. Uống thuốc nhưng phải ăn uống tẩm bổ nhiều mới mong nó không nặng thêm”. Lão vuốt mặt, khẽ buông một tiếng thở dài: “Thôi anh ạ, chuyện cũ đừng nhắc lại nữa. Bây giờ cuộc sống làng mình thế nào rồi? Trên đường về tôi nghe cậu lái ta-xi nói vùng mình bây giờ dân toàn trồng mía, đời sống khá lắm phải không?”. “Cũng chưa thật khá lắm. Nhưng so với ngày xưa thì đã có một bước tiến dài. Cậu cứ nhìn cơ ngơi của tôi thì thấy. Ngày xưa cụ nhà chỉ có bộ sập gụ và cái tủ chè mà đã vào loại sang nhất vùng. Còn bây giờ nhà nào cũng sắm sa lông, giường tủ bóng lộn. Lại còn ti-vi, xe máy, những thứ ngày xưa đến vua chúa cũng không có nữa chứ! Thôi, muộn rồi, đường xa chắc cậu cũng đã mệt. Cậu đi nghỉ rồi mai tôi sẽ đưa cậu đi thăm làng. Lứa tuổi mình, trừ những người đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, số còn lại tay nào cũng lên lão cả rồi”.
*
Tấm ván thiên được bật lên, để lộ bộ xương nằm lăn lốc dưới ánh đèn măng sông sáng rực. Lão Đức bật nút chai rượu đổ ra lòng bàn tay rảy đều khắp đáy quan tài rồi nhấp một ngụm lớn, nuốt đánh ực, nói: “Bây giờ mình tôi xuống. Cậu ở trên này tắm rửa cho cụ rồi xếp vào tiểu. Chú ý xếp cho gọn để khi đậy nắp tiểu không cộm lên mới tốt”. Lão tụt xuống, nâng hộp sọ chuyển lên cho lão Đa rồi cúi nhặt hai ống xương đùi săm soi thật lâu. “Cậu xem này, gần năm mươi năm rồi mà xương cốt cụ vẫn sáng đẹp. Tôi đã sang cát cho nhiều người nhưng chưa gặp bộ hài cốt nào đẹp như hài cốt của ông. Vậy mà từ hôm cậu về đến giờ tôi cứ băn khoăn không dám nói thật với cậu điều nghi vấn của mình…”. “Có chuyện gì vậy anh? - Lão Đa lo lắng hỏi. “Là tôi nghi ông chết vì thuốc độc cậu ạ!”. “Thuốc độc? Ai đã đầu độc bố tôi?”. Lão Đức lắc đầu: “Không, không có ai cả! Chả là lúc nghe ông dặn dò xong, trở ra tôi bất chợt thấy hình như ông cho vật gì đấy vào miệng. Lúc ấy đầu óc tôi ngu lâu quá nên không nghĩ ra. Sau này mỗi lần nhớ lại tôi cứ tự trách mình sao sơ suất vậy. Bây giờ nhìn hài cốt ông tôi mới thật sự yên tâm. Hài cốt đẹp thế này rõ là không phải ông chết vì thuốc độc”. Lão Đa thở phào, nhẹ nhõm. Nhưng câu chuyện lão Đức kể đã làm thức dậy trong kí ức lão một sự kiện tuồng như đã bị lớp bụi thời gian phủ kín. Lão bần thần lúc lâu rồi hỏi: “Chính xác anh thấy trước lúc nhắm mắt bố tôi cho một thứ gì đấy vào miệng à? Không lẽ lại là vật ấy!”. “Tôi nhớ không sai đâu! Nhưng cậu bảo vật ấy là vật gì?”. “Tôi ngờ lắm. Bây giờ anh tiếp tục công việc đi. Chú ý xem ngoài hài cốt có lẫn thứ gì lạ không. Rồi tôi sẽ nói anh nghe chuyện này sau”.
Lão Đức lại cúi xuống, cẩn thận nhặt từng mẩu xương đưa lên cho lão Đa. Công việc gần xong lão vẫn không tìm thấy vật lạ gì ở đáy quan tài. Lão Đa đã tỏ ra thất vọng. Bất chợt lão Đức bỗng reo lên khi dưới ánh sáng ngọn đèn măng sông có một vật lạ phát ra những tia đỏ rực trong bàn tay lấm lem của mình. Lão nắm chặt tay, hồi hộp leo lên mặt đất. “Có thứ này trong quan tài cậu ạ!”. Lão Đa đón vật lạ từ tay người bạn già, rưng rưng nói: “Tôi đoán không sai mà. Đúng là nó đấy! Trước khi nhắm mắt bố tôi đã ngậm vật báu này trong miệng. Trời ơi!” - Lão bỗng thốt lên đau đớn. “Vậy là bố tôi vẫn giữ lại cho tôi cả một gia tài...”. Lão Đức ngạc nhiên: “Cậu nói sao? Hòn đá đỏ nhỏ tí này... nó là cái gì mà có giá như vậy?”. “Anh đã gọi đúng tên nó rồi đấy! Đá đỏ hay còn gọi là Hồng ngọc, bên Tây họ gọi là Ruby. Thứ này quý hơn vàng tới cả ngàn lần!”. “Nó là vật gia bảo của cụ nhà à cậu?”. Lão Đa lắc đầu: “Không! Đây là kỉ vật của người khác tặng. Chuyện dài lắm anh ạ”. “Vậy thì thế này!” - Lão Đức nhìn những tia nắng hình dẻ quạt đã hắt ngược ở chân trời phía đông, nói: “Chuyện đâu còn đó. Cậu gói ghém cẩn thận, cất nó vào túi đi. Sáng mất rồi. Để tôi xuống rà lại lần cuối xem có sót mẫu xương nào không. Rồi ta đưa ông đến chỗ bà xây cất cho gọn đã”.
Hai người bạn già quỳ mọp trước hai ngôi mộ, một mới, một cũ sì sụp vừa lạy vừa khấn. Khói hương tỏa nghi ngút. Lúc sau họ kéo nhau lại mô đất cao ngồi. Lão Đa lấy viên đá đỏ ra mân mê, ngắm nghía hồi lâu rồi kể: “Ngày ấy tôi mới mười một, mười hai tuổi. Một hôm có mấy lái buôn người Lào khiêng đến nhà một người ốm rất nặng. Ông ta nằm thở thoi thóp trên cáng, bụng trương to như bụng ễnh ương, da mặt và tay chân vàng ệch. Một người trong bọn nói với bố tôi bằng tiếng Việt lơ lớ: “Ông ấy là anh tôi, bị sốt rét ác tính đã mấy ngày rồi. Chúng tôi không có điều kiện về nước chạy chữa, mà bên ấy cũng không có thầy thuốc giỏi. Trăm sự nhờ thầy giúp cho, tốn kém bao nhiêu chúng tôi cũng chịu”. Bố tôi đã tận tình thuốc thang cứu chữa người bệnh. Một thời gian sau ông người Lào ấy khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe dần. Người em và mấy người bạn rất mừng. Họ đưa ra rất nhiều bạc trắng để trả công bố tôi. Nhưng bố tôi chỉ nhận chút ít gọi là đủ tiền thuốc. Người này rất cảm kích đã đưa vật này tặng bố tôi. Trả đi trả lại mãi cuối cùng bố tôi phải nhận cho vừa lòng người Lào ấy. Sau này khi phải bỏ Tổ quốc sang Lào, tôi đã tìm đến ông ấy, được ông ấy cưu mang, gả con gái cho rồi chúng tôi cùng sang Ca-na-đa định cư. Từ Ca-na-đa tôi mới qua Mỹ...”. “Chà, chuyện như vậy mà tôi không biết!”. Lão Đa vui vẻ bộc bệch: “Anh Đức ạ. Thú thật với anh là từ hôm lên chào các anh trong Đảng ủy, Uỷ ban về tôi rất áy náy. Vì rằng trong câu chuyện thân tình, cởi mở các anh ấy có gợi ý tôi hỗ trợ địa phương một số tiền để xây dựng ngôi trường cao tầng. Hình như các anh ấy nghĩ đã là Việt kiều thì tay nào cũng giàu có! Mà thu nhập của tôi thì anh biết rồi đấy, chỉ đủ nuôi con ăn học và dành ra chút đỉnh phòng thân lúc đau ốm, tuổi già. Được về thăm lại mảnh đất chôn rau cắt rốn, thăm lại anh là nhờ vợ chồng thằng con trai tài trợ cho cặp vé máy bay khứ hồi, chứ tôi làm gì có tiền mua. Mấy ngàn đô dành dụm mang theo tôi tính chỉ đủ tiền xây cất mồ mả cho bố mẹ và chi phí trong thời gian ở thăm quê. Không ngờ bên mình cái sự ăn uống quá rẻ. Một ngày tôi chỉ tiêu hết vài đô mà đã thấy thật thoải mái. Tôi định sau khi bốc mộ ông cụ, xây cất xong sẽ trở về Mỹ ngay. Số tiền còn lại tôi gửi biếu anh một nửa, còn một nửa nhờ anh chuyển cho lãnh đạo địa phương, gọi là chút lòng thành với quê hương và mong các anh ấy thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Nhưng bây giờ thì tôi có thể làm khác được rồi. Tôi sắp có rất nhiều tiền! Thằng Hậu nhà anh từng là lính đặc công, võ nghệ giỏi lắm phải không? Tuần sau anh bảo nó cắt phép, đi Hà Nội với tôi ít ngày. Tôi sẽ bán viên Hồng ngọc lấy tiền tặng xã xây trường học, xây trạm xá... Anh đừng nói với ai chuyện này. Cứ để họ xem tôi như là một Việt kiều sộp cũng không sao!”. Lão Đức phá lên cười: “Hay lắm! Còn chuyện trở sang Mỹ cậu định bao giờ thì đi?”. Lão Đa đưa hai tay lên vuốt mặt: “Không đi nữa, anh ạ! Con trai tôi đã đưa vợ con sang một thành phố khác làm ăn. Ở bên ấy bây giờ tôi sống đơn độc một mình. Tôi sẽ viết thư nói rõ ngọn ngành cho chúng nó. Bây giờ chắc tôi thừa tiền để sống nốt những năm còn lại của cuộc đời rồi. Tôi thấy mình không thể bỏ quê mà đi một lần nữa được!”.
Lão Đa chợt im lặng. Đâu đây trong gió sớm thoang thoảng dậy lên cái hương vị nồng nàn rất đỗi quen thuộc của một thời thơ ấu. Lão nhìn sang bãi Vồm. Hôm qua có ai đó vừa cắt một đám nhân trần phơi đã tái. Mắt lão vụt sáng lên. Lão đột ngột trao viên đá quý cho người bạn già rồi xăm xăm nhào đến thảm thảo mộc, buông mình nằm đè lên, lăn đi lăn lại như đứa trẻ với một cảm giác thật hả hê, thật dễ chịu...
            

2000-2023
               Đào Hữu Phương
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 132
 Hôm nay: 2479
 Tổng số truy cập: 7486335
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa