Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Đất lành
Đất lành

Tôi đứng dậy khoác chiếc túi lên vai định bước xuống chân nhà sàn. Chủ tịch xã Vi Say bất ngờ gọi với theo:
- Cô giáo à... định đi đâu mớ?
- Tôi phải đến trường thôi. Lúc khác sẽ thăm Chủ tịch mà - Tôi nghĩ chắc Chủ tịch có ý định mời cơm nên từ chối khéo. 
- Ố... Không có trường đâu, cô giáo ở đây thôi...
Đến lượt tôi trố mắt. Rõ ràng tôi được phân công đến đây để dạy học kia mà? Bước chân hăm hở chùn lại, tôi ngồi bệt xuống chân cầu thang gỗ bạc phếch khăm khẳm mùi phân trâu từ gầm nhà sàn hắt ra khiến tôi muốn hắt xì hơi. Chủ tịch xã cho biết, đã sáu năm nay xã không còn trường. Giáo viên cứ đến rồi đi. Không có thầy nên trường lớp bỏ không, trâu bò húc phá giờ chỉ còn mỗi nền đất không. Bây giờ tôi mới hiểu cái cười trừ của người cán bộ tổ chức khi tôi hỏi về nơi này. Chủ tịch xã không nói thêm câu nào. Tôi lặng lẽ leo lên cầu thang ngồi bó gối. Nơi tôi cầm viên phấn đầu đời dạy học sẽ là nơi này sao?!
- Cô giáo sẽ ở lại chứ? - Chủ tịch Vi Say dè dặt.
Tôi ngước mắt nhìn Chủ tịch, Chủ tịch nhìn tôi nửa dò xét, nửa như cầu khẩn, lại có vẻ như khinh bạc. Hẳn đã có nhiều người đến rồi bước qua chân cầu thang này. Tôi ngước đôi mắt thất thần nhìn Vi Say:
- Vâng, tôi ở lại.
Bữa chiều được dọn ra. Bát của tôi nhanh chóng đầy ú hụ thứ thịt nai đã bốc mùi rất khó chịu, có lẽ nó đã được săn bắn từ nhiều ngày trước, thậm chí tháng trước. Tôi không thể phân biệt đâu là mùi đồ ăn, đâu là mùi chất thải của đám trâu bò từ dưới sàn bốc lên, và mùi của những đứa trẻ ngồi bên cạnh. Đành nhắm mắt gắp vài cọng măng chua nấu lẫn nhái. Những thứ gì liên quan đến thịt thì không thể chấp nhận được nhưng rau thì khá lạ miệng. Tôi húp một bát canh rau rừng. Ăn xong đã nhá nhem tối. Tôi mở túi móc một gói dầu gội và bánh xà bông, thu bộ quần áo đi xuống cầu thang. Nhìn trước ngó sau, tôi không thể phát hiện ra chỗ nào có nước. Bà Hơ Hon vội buông bát đũa dọn dở chạy xuống chỉ tay theo một con đường mòn đã bị cỏ rợp kín, phải chú ý mới nhận thấy. Ra suối. Tôi bê chậu chuẩn bị lên đường. Bỗng tôi giật nẩy mình. Từ trên chiếc chòi cao tít dựng ở góc sân, những loạt âm thanh lạ rúc lên từng hồi, ba tiếng một vang dội. Tôi ngước lên, Chủ tịch Vi Say đang đứng hiên ngang chõ tù và ra khắp các hướng mà thổi. Tôi ngơ ngác như lạc vào cõi lạ, một mình rẽ cỏ đi tìm dòng suối. 
Khi tôi trở về cùng với chậu quần áo ướt và mùi hăm hăm của nước suối rừng đọng trên tóc thì trên nhà sàn đã chật kín người. Chủ tịch Vi Say nói gì đó bằng thứ ngôn ngữ của dân bản mà với tôi nó hoàn toàn xa lạ. Dân làng ngồi nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng lại rộ lên, có vẻ như họ đang bàn tán vấn đề gì đó rất khó thống nhất. Một người dáng vẻ kỳ quái liên tục huơ tay, miệng sổ ra một tràng dài thổ ngữ. Tôi ngần ngại dưới chân cầu thang. Chủ tịch xã có vẻ như cố giảng giải không được, nhìn thấy tôi liền kêu lên với người đàn ông:
- Vi Leng, Vi Leng à, cô giáo về mớ...
Người đàn ông đang thao thao nhìn thấy tôi bỗng im bặt. Chủ tịch Vi Say kéo tôi lên trong tiếng vỗ tay của dân làng. Có lẽ đó là thông điệp bày tỏ tình cảm phổ thông nhất mà họ nghĩ tôi sẽ nhận được một cách dễ dàng. Sau đó dân làng tiếp tục họp. Tôi ngồi nghe tất cả và không hiểu tất cả. Mãi khuya mọi người mới châm đóm lục tục ra về. Bà Hơ Hon đưa mắt về phía người đàn ông ngậm tẩu dềnh dàng đi sau cùng nói nhỏ vào tai tôi:
- Vi Leng là người của Phạ mớ. Nhiều cái Vi Say nói dân làng không nghe nhưng Vi Leng nói lại nghe mớ...
Đêm đó tôi nằm lại góc nhà sàn của Chủ tịch Vi Say. Muỗi nhiều vô kể. Mặc dù bà Hơ Hon đã cẩn thận căng cho tôi chiếc mùng thâm mà không hiểu sao chúng vẫn chui vào được. Có lẽ chúng chui lên từ khe nhà sàn. Tôi nằm trằn trọc. Dưới lưng, bầy trâu có lẽ cũng bị muỗi cắn, quặc sừng vào văng cột lục khục khiến cả sàn nhà rung rinh. Cho đến lúc này thì tôi bắt đầu ân hận về quyết định của mình, bỗng nhiên lại nhớ đến lời cha và những giọt nước mắt của mẹ khi tôi quyết định ra đi...
Tốt nghiệp trung cấp Sư phạm, tôi hăm hở mang tấm bằng đỏ chói về nộp cho Sở Giáo dục. Thực ra thì với những mối quan hệ của bố tôi và tài lo liệu của ông có lẽ tôi cũng sẽ về được ngôi trường mà mình mong muốn, hoặc chí ít cũng không phải ném xa cái thành phố nơi gia đình tôi đang sinh sống quá bán kính mười cây số. Nhưng tính tôi vốn bướng, cả nhà đã chịu thua nhiều phen nên khi tôi nói con sẽ không về nơi bố xin đâu thì ông đành ngồi im không động tĩnh gì. Mẹ tôi vốn là bác sĩ trong bệnh viện, dương đôi mắt nội soi chẩn đoán: 
- Thế mày định đi đâu? 
- Con sẽ đi nơi nào người ta phân công. 
- Không định làm dâu già làng, trưởng bản đấy chứ? - Bố liếc xéo. 
- Biết đâu đấy, trâu béo rượu ngon, bố không thích à? 
Và tôi được toại nguyện thật. Xiểng On. Thú thực, tôi không nghĩ trên đời này lại tồn tại một cái tên lạ huơ lạ hoắc ấy. Đó là một xã cao nhất của một huyện vùng cao sát biên giới Việt Lào. “Thì đi, sợ gì?” Tôi hất cằm thách thức. Bố tôi nói mãi không được đành buông xuôi:
- Thì đấy! Mày đi rồi biết, đừng trách tao không nói trước. 
Mẹ tôi kéo vạt áo chấm nước mắt. Bố rít thuốc lào vặt. Tôi lên đường. Chiếc xe của Phòng Giáo dục quẳng tôi xuống ven con đường đất rồi lượn một đường quay mũi biến thẳng bỏ lại luồng bụi đỏ ngầu lên. Tôi cùng người dẫn đường rẽ xuống lối mòn bắt đầu hành trình cuốc bộ. Ba ngày trời, hết trèo đèo lại lội suối, đôi chân tôi phồng lên rồi lại xẹp xuống, lớp da trầy trật ra bỏng rát, tưởng như không thể bước tiếp. Lạy trời, Xiểng On cuối cùng cũng hiện ra... 

Minh họa: Lê Hải Anh

*
Bà Hơ Hon biết tôi không ngủ được quay qua bắt chuyện:
- Cô giáo à, đầu tiên là phải học tiếng.
- ...
- “Bố mi” phiên ra tiếng Kinh là không có. “Bú hụ” là không biết. Mỗi hôm học một ít, dần rồi sẽ biết thôi...
Tôi lí nhí vâng dạ. Miệng lẩm nhẩm bố mi - không có, bú hụ - không biết, bố mi bú hụ, không có không biết... Giấc ngủ đến chờn vờn. 
Rồi tôi cũng được đến trường. Ngay sáng hôm sau, dân làng vác dao vào rừng. Họ chặt những cây luồng còn xanh lét đem về. Trên nền cũ, cỏ được rẫy. Hai gian nhà mới được dựng lên nhanh với tốc độ của ánh sáng, ngoài sức tưởng tượng. Chủ tịch Vi Say giải thích, một gian là để dạy học, một gian sẽ là nơi ở của tôi. Những cây luồng lại được chẻ đôi chẻ ba ghép thành bàn ghế cho học sinh học, ghép thành bàn để tôi soạn giáo án, ghép thành giường để tôi nằm. Tôi nhanh chóng tiếp quản đại bản doanh, một mình vừa làm hiệu trưởng, vừa làm giáo viên chủ nhiệm, vừa làm giáo vụ văn thư... 
Học sinh của tôi là hai chục em đủ các độ tuổi từ năm đến mười lăm, chủ yếu là người dân tộc Thái, một ít là dân tộc Mường. Trở ngại lớn nhất là các em không biết tiếng Kinh, chỉ nói được vài câu thông thường, còn tôi thì lại không hề biết thứ ngôn ngữ các em nói. Buổi học đầu tiên diễn ra khó nhọc. Các em không có lấy nổi một tờ giấy hay một mẩu bút chì. Tôi lúng túng, Bà Hơ Hon nói đúng, đầu tiên là phải học tiếng. Bài học đầu tiên tôi phải dạy các em âm O. Tôi viết chữ O lên bảng. Các em nhìn lên bảng ngơ ngác. Tôi hỏi, con gà nó gáy thế nào? Các em nhìn tôi rồi nhìn nhau. Tôi liền bắt chước tiếng gà gáy. Các em cười ngặt nghẽo đồng thanh:
- Tô cay, tô cay! 
A, tô cay là con gà, tô cay là con gà - Tôi lẩm nhẩm. Tôi đề nghị các em bắt chước tiếng gà “gáy” theo tôi. Thế là xong một bài học. Hôm sau học đến âm Ô. Phát huy kết quả buổi học đầu tiên, tôi không viết chữ Ô lên bảng nữa mà vẽ một chiếc ô và hỏi:
- Đây là cái gì các em?
Các em đồng thanh trả lời:
- Hệt nun! 
Tôi cũng đã học được vài từ tiếng Thái, tuy không biết hệt nun là gì nhưng tôi cứ đinh ninh các em đang nói về cái ô nên hào hứng hỏi tiếp:
- Thế hệt nun dùng để làm gì?
- Kin, chép... 
Tôi nghe loáng thoáng có từ ăn, nghĩ rằng các em chưa hiểu, tôi vẽ tiếp một hình người đứng dưới ô và mấy hạt mưa rơi lất phất để gợi ý và lại hỏi tiếp. Học sinh của tôi lại cười ầm lên. Các em đồng thanh hô:
- Bố mi, bú hụ...
Mãi khi hỏi lại bà Hơ Hon tôi mới biết thì ra hệt nun là cái nấm, còn kin chép là ăn ngon. Những buổi học đầu tiên đã qua đi như thế. Tôi lao vào học tiếng để cải thiện tình hình bằng cách năng đến thăm nhà bà con trong bản, giao tiếp nhiều với họ. Ba tháng sau, vốn liếng đã tương đối khá. Các em cũng nói và nghe tiếng Kinh tốt hơn. Tôi và các em đã hiểu nhau hơn. Rào cản về ngôn ngữ bước đầu đã được khắc phục. Tôi nghĩ rằng công việc của mình từ nay sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng bất ngờ, số học sinh của tôi cứ thưa dần đi. Ngày mùa đã đến, em lớn thì phải theo cha mẹ lên rẫy, em nhỏ thì ở nhà trông em, lấy củi, nấu cơm. Rẫy xa nhà đến cả chục cây số đường rừng. Các em không còn thời gian đến trường. Tôi đành bó gối chờ đợi. Nhưng chờ đến nửa tháng các em vẫn chưa quay trở lại lớp học. Tôi đành đến nhà các em, cùng đi rẫy, cùng lấy củi, lấy măng vừa để các em nhớ trường, vừa để tôi học tiếng cho tiện. 
Ngày mùa kết thúc, các em trở lại trường cũng là lúc dịch sốt rét ập đến. Bệnh nhân nằm như ngả rạ, kín cả sân bệnh xá xã. Người y tá cũng lăn ra sốt, rên hừ hừ. Chủ tịch Vi Say nhìn dân bản bất lực. Bệnh viện huyện cách sáu chục cây số đường rừng. Mọi sự trợ giúp hầu như không có. Gần một nửa số học sinh của tôi phải nghỉ học nằm nhà. Tôi nghỉ dạy, đến từng nhà thăm các em. May mắn học được chút nghề gia truyền của mẹ, tôi lao vào làm công việc của một thầy thuốc. Tôi đắp khăn lạnh lên trán con bé Hơ Lan, vò lá diếp cá đổ vào miệng thằng Vi Sơn, hướng dẫn dân làng làm vệ sinh, lấp những vũng nước đọng, phát quang cây cối, tách gia súc khỏi nhà ở. Dịch sốt qua đi, lớp tôi vơi mất hai em. Các em khỏi bệnh đi học được thì là lúc đến lượt tôi. Người tôi run lên, chân tay bải hoải, đang đứng trên bục giảng tôi đổ xuống nền đất ẩm. Học sinh khênh tôi vào phòng đặt lên chiếc giường tre. Chiếc giường tre run lên theo tôi, rùng rình như sàn nhà Chủ tịch Vi Say bị trâu cọ hôm nào. Số thuốc phòng thân mẹ dúi vào va-li tôi đã chia hết cho các em. Con bé Hơ Lan vò lá diếp cá đổ vào miệng tôi. Thằng Vi Sơn đem khăn mặt ra suối nhúng nước đắp lên trán tôi. 
Lũ trẻ nhệu nhạo:
- Cô giáo Mai à, đừng chết nhé... Cô giáo Mai...
May thay trời thương, một tuần sau tôi cắt cơn. Nhìn lại thân mình thì trời ơi, hàng trăm con bọ chó thi nhau cắn đốt, cả tuần nay tôi vừa phải chịu sốt, vừa phải chịu đựng chúng hoành hành. Chúng bám vào quần áo, đốt khắp người tôi, lần vào dây coóc xê của tôi, len vào thắt lưng tôi cắn cấu làm tôi buốt nhói. Tôi gãi bật cả máu, nhiều lúc như phát điên, chỉ muốn nhảy vào lửa. Xuống ăn ở, chăm sóc các em tôi đã chịu vạ lây không sao chống đỡ được. Thằng Vi Sơn, con Hơ Lan giúp tôi bắt từng con bọ trong gấu quần, trên ve áo ném vào lửa nổ tanh tách. Rồi chúng khênh đến một chiếc chảo, tất cả quần áo của tôi được cho vào đó đảo đều trong nước sôi, coóc xê xi líp nổi lềnh phềnh như nồi thắng cố. Hết mùa hoa xoan nở, bọ chó cũng không còn. Chiều chiều ra suối tắm, ngắm thân mình, nước da trắng hồng đã được điểm xuyết bởi chi chít vết sẹo tím bầm, tôi lặng lẽ khóc. Những vết sẹo mang màu hoa xoan.
Hết nửa năm học, tôi đã trở thành một cô gái Thái thực sự. Hơ Lan và lũ con gái khâu cho tôi bộ váy Thái, dệt cho tôi những chiếc túi thổ cẩm. Thằng Vi Sơn và lũ con trai dạy tôi hát những bài hát Thái. Chúng tôi ngồi quanh bếp lửa. Tôi dạy các em hát những bài hát tập thể vui vẻ. Bản làng cũng sạch sẽ hơn, bà con đã biết nghe theo tôi ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh để phòng bệnh. Những người bị ốm đã không còn giết gà, mổ lợn mời lão Vi Leng cúng tế linh đình mà đã chọn cách uống thuốc hoặc đi bệnh viện. Vì không phải giết gà lợn cúng tế, nhiều gia đình đã có nguồn thực phẩm dự trữ. Cái ăn cái mặc cũng khá lên. Tôi cũng được hưởng lây thành quả này. Tôi không phải lo lắng đến cái ăn. Sáng nào trên bàn tôi cũng đầy cơm nắm các em mang đến cùng thịt thú rừng. Có hôm, bàn tôi chất đầy mấy chục nắm cơm với măng rừng. 
*
Phòng Giáo dục quyết định nâng cấp điểm trường thành trường tại Xiểng On. Giáo viên được điều về. Lớp được mở thêm. Tôi có thêm đồng nghiệp. Đó cũng là lúc những thách thức mới tìm về. Một buổi chiều ra suối, lão Vi Leng nhảy từ gốc cây dẻ bên đường ra chặn trước mặt tôi giương cặp mắt ti hí đỏ quạch. Tôi tránh sang một bên. Lão vung dao chém phập vào gốc cây hoa dẻ rồi đứng chống nạnh ngang lối đi:
- Mày đem cái thứ bùa ngải gì lên đây cướp cơm tao mớ? Con ma lai đồng bằng?
Lão nói rồi hầm hầm bỏ đi. Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Từ ngày dân làng nghe theo tôi mà bỏ đi tục cúng tế, đã ảnh hưởng đến thu nhập của lão Vi Leng. Lão cho rằng tất cả là tại tôi nên đã nhiều lần khằn khò. Nay thì đã ra mặt. Hôm sau, con Hơ Mua và thằng Vi Lả nhà Vi Leng đến lớp muộn. Khi đã gần kết thúc buổi học mới thấy hai đứa thập thò ngoài cửa. Thì ra lão Vi Leng cấm không cho con đi học, hai đứa phải rình mãi, lão đi khỏi nhà mới trốn được. Lão còn xúi giục các gia đình khác không cho trẻ đến trường. Những gia đình này vì không muốn con thôi học nhưng cũng không muốn mất lòng Vi Leng nên cứ lờ đi. Lão Vi Leng hậm hực lắm mà không làm gì được. Nhưng rồi cơ hội trả thù của lão cũng đến. Vi Ba - đồng nghiệp của tôi - cũng là người dân tộc Thái nhưng ở xã bên mới được tăng cường về Xiểng On đã phạm phải một sai lầm. Vi Mộc - học sinh của Vi Ba đã trêu ghẹo học sinh nữ lớp tôi. Nghe các em mách tôi có nói Vi Ba nhắc học sinh lớp anh. Khi được nhắc nhở, Vi Mộc tỏ ra rất ngang bướng, Ba đã lấy dây rừng trói nó nhốt trong phòng giáo viên. Vi Mộc đã cố vặn đứt dây trốn về. Hôm sau không thấy Vi Mộc đến lớp. Cả con Hơ Lan, chị gái nó, học lớp tôi cũng không thấy đến. Học sinh của tôi cho biết Vi Mộc bị ốm. Lão Vi Leng nói với bố Vi Mộc rằng con ma nhà trường đã làm cho Vi Mộc ốm rồi, thế là ông bố không cho các con đi học nữa. Tôi vội vàng cầm lọ thuốc sốt mới mua chạy đến nhà Vi Mộc. Đến nơi đã thấy gà lợn bày la liệt, lão Vi Leng đang hành lễ chập cheng, khấn vái lu loa. Ông bố Hơ Lan nhìn tôi lạnh nhạt. Vi Mộc sốt cao, hai cổ tay hằn vết trói đỏ tấy. Nghĩ rằng tình hình sẽ rất xấu nên tôi chỉ dặn gia đình cho em uống thuốc rồi vội vã trở về trường tìm Vi Ba thông báo tình hình để bàn cách ứng phó.
Đúng như tôi dự đoán, hôm sau học sinh đồng loạt nghỉ học. Lớp tôi lúc đầu còn mười em, rồi bảy em, rồi ba em... Lớp của Vi Ba cũng tương tự. Tôi cho học sinh nghỉ học để tìm cách thuyết phục gia đình các em nhưng vô ích. Tôi và Chủ tịch Vi Say đã đi đến mòn chân cầu thang từng nhà, Vi Ba cũng đã xuống xin lỗi gia đình Vi Mộc nhưng tình thế vẫn không thay đổi. Buổi chiều ra suối, cái Hơ Lan và mấy đứa đang nô đùa, thấy tôi bèn trốn biệt. Tôi ngồi nhìn dòng suối, con suối đã sắp cạn khô, chỉ còn chút nước róc rách chảy về xuôi, vài cánh hoa rừng nổi nênh phiêu dạt theo dòng nước, nay bị kẹt lại trong hốc đá. Nhìn những cánh hoa, nghĩ đến mình, tôi tức tưởi ngồi khóc. Vi Ba lặng lẽ ngồi bên gốc dẻ bẻ đốt tay. Biết không thể làm gì, tôi dự định sẽ lên đường về Phòng Giáo dục báo cáo lại tình hình và xin ý kiến chỉ đạo. Nhưng tôi còn chưa kịp lên đường thì xảy ra một chuyện làm tình hình xoay chuyển.
Chiều đó, do suối cạn tôi phải ra sông Huơ Lang tắm giặt và đánh cho sạch chiếc túi đựng hành lý cho chuyến đi. Đang lúi húi với chậu quần áo và những ý nghĩ về chặng đường sẽ đi ngày mai tôi giật mình bởi tiếng trẻ con la to:
- Lay nậm! Cô giáo ơi, lay nậm...
Nếu không có từ “cô giáo ơi” thì chưa chắc tôi đã chú ý, bởi tôi có biết lay nậm là gì đâu. Phần nữa vì cảm giác mình bị cô lập đang vây bủa nên tôi cũng thờ ơ với xung quanh. Nhưng nghe từ “cô giáo ơi” tôi vội vã quay lại phía tiếng gọi. Cách tôi một đoạn về phía thượng nguồn là con bé Hơ Lan đang hoảng hốt chỉ xuống dòng nước. Dưới đó là một đứa bé đang chới với sắp bị nước cuốn đi. Phía trên, Vi Sơn cùng vài ba đứa trẻ đang la hét. Tôi vội vã chạy ngược lên, lao xuống dòng nước chụp lấy đứa trẻ. Tôi quờ chân tìm lớp đất dưới đáy sông thì tất cả chỉ là khoảng trống chơi vơi. Lúc này tôi mới hoảng hồn mà sực nhớ ra rằng, tôi cũng đâu có biết bơi. Tôi cùng đứa bé dập dềnh, chới với. Tôi nghe loáng thoáng tiếng con Hơ Lan, tiếng thằng Vi Sơn, tiếng bước chân thoăn thoắt chạy đi, tiếng nện đất thình thịch chạy tới. Đúng lúc gần như phó mặc cho dòng nước thì tôi thấy chân mình chạm đất, tôi đã có thể đứng được. Sóng dềnh lên bởi vật gì rất nặng vừa quăng xuống ngay sát tôi. Tôi thấy mình được một chiếc bóng xanh dìu đi. Người đàn ông đưa tôi và đứa bé lên bờ. Tôi nôn thốc nôn tháo cố đẩy ra nước sông cùng với những gì có trong ruột. Thằng bé đã đuội đi. Người lính biên phòng vừa cứu chúng tôi đặt nó nằm trên cỏ làm hô hấp nhân tạo, nước trong họng nó ộc ra. Nó từ từ tỉnh lại, ôm chặt cổ tôi run rẩy. Nó chính là em của Hơ Lan và Vi Mộc. Ân nhân của tôi giới thiệu tên Lâm, đóng ở đồn biên phòng cách bên kia sườn núi. Lâm cho biết anh được cử đi khảo sát, gặp chính quyền Xiểng On liên hệ để lập tổ công tác tại xã. Tôi và Lâm đưa thằng bé về nhà, chờ bố mẹ nó đi rẫy về bàn giao lại. Lúc đó tôi mới nghĩ đến chậu quần áo và chiếc túi đi đường của mình đã bị nước cuốn trôi. 
Lúc nửa khuya, đang tìm thứ gì để đựng hành lý cho chuyến đi ngày mai thì Hơ Lan đến tìm tôi. Bố em cho mời tôi đến để cảm ơn việc làm chiều nay. Tôi bỏ cả đó để đến nhà Hơ Lan. Trong nhà đầy ắp người. Gia đình Hơ Lan làm rất nhiều gà lợn để cúng con ma lay nậm. Họ mời tôi đến ăn cỗ để cảm ơn. Lão Vi Leng cũng có mặt, gườm gườm nhìn tôi. Tôi ăn uống chiếu lệ rồi ra về. Tưởng thế là xong, không ngờ sáng hôm sau, khi tôi chuẩn bị lên đường thì học sinh của tôi đến chật sân trường. Các em nắm tay tôi, đòi tôi dạy học. Tôi sung sướng đến trào nước mắt. Tôi và các em lại được sống vui vẻ, chan hòa. Lại được cùng nhau hát những bài tình ca mượt mà của dân tộc Thái.
Trước ngày hai mươi tháng mười một năm ấy tôi cho các em nghỉ học. Con Hơ Lan thắc mắc:
- Cô ơi, tại sao không phải là chủ nhật mà lại được nghỉ học hả cô?
Tôi nói cho các em biết về nguồn gốc ngày hai mươi tháng mười một và sự vui vẻ của ngày này ở dưới xuôi. Các em trầm trồ vẻ thèm muốn, ngước những cặp mắt trong trẻo nhìn tôi như muốn tôi thông cảm cho điều kiện của các em ở đây. 
Sáng ngày hai mươi tháng mười một, vì không phải lên lớp nên tôi dậy muộn hơn thường lệ. Khi tôi còn đang ngái ngủ trên chiếc giường tre của mình thì một cảnh tượng như trong mơ bày ra trước mắt tôi. Tôi không còn nhận ra căn phòng vách nứa trống huơ trống hoác hàng ngày nữa. Xung quanh tôi toàn là hoa, những bông hoa rừng đủ màu sắc dắt vụng về trên những nan vách. Trên bàn tôi cũng có một lọ hoa cắm bằng chiếc chai thuỷ tinh sáu nhăm. Tôi như một nàng công chúa trong muôn ngàn hương sắc. Tôi đưa tay rút một bông hoa cài lên mái tóc, đi ra suối, cảm thấy mình thật hạnh phúc. Đang lúi húi rửa mặt thì tôi bỗng nhìn thấy mấy quả quýt trôi dập dềnh trên mặt nước. Tôi vội vàng vớt lấy cho vào chậu, nhưng hễ cứ vớt hết quả này thì quả khác lại trôi đến, hết quýt lại đến bưởi. Tôi lội ngược dòng nước vớt những quả đang trôi, say sưa đến độ dẫm phải đá trơn ngã dúi dụi, quần áo ướt mèm. Những tiếng cười bỗng rộ lên. Tôi nhìn lên đầu nguồn thấy các em học sinh của mình cùng với anh bộ đội tên Lâm đang hái quả thả xuống dòng suối. Lâm đứng đó nhìn tôi nói lớn: “Chúc mừng cô giáo có một ngày 20-11 đáng nhớ!”. Còn các em chạy ào về phía tôi cùng những bưởi những cam, các em chất đầy quả vào chiếc chậu của tôi, dúi vào tay tôi, nhét vào túi quần, túi áo tôi. Chúng tôi đã có một bữa liên hoan thật vui vẻ.
Cuối năm ấy tôi được Phòng Giáo dục gọi về để đi học đại học. Hôm chia tay, dân làng quây quần đông đủ tại nhà Chủ tịch Vi Say hệt như hôm đầu tiên tôi đến. Lão Vi Leng cũng có mặt nhưng không to tiếng như trước, ngồi một góc uống rượu tì tì bên cạnh Vi Ba. Thằng Vi Sơn tặng cho tôi một cây sáo. Con Hơ Lan rân rấn nước mắt ngồi vân vê hai bím tóc của tôi. Bộ đội Lâm lặng lẽ ngồi uống rượu cùng đàn ông trong bản. Trên đường về trường, đến dưới gốc cây hoa dẻ, tôi bị một kẻ lao ra chặn đường, đúng chỗ lão Vi Leng rình tôi dọa dẫm hôm nào khiến tim tôi giật thình thịch. Nhưng lần này không phải lão, bộ đội Lâm ấn vào tay tôi chiếc khăn piêu bằng thổ cẩm bảo:
- Cô giáo về rồi lại lên nhé. Tôi chờ…
Sáng hôm sau tôi lên đường. Con bé Hơ Lan nắm tay tôi:
- Cô Mai ơi, đừng đi...
Tôi bịn rịn chia tay, đi đến đoạn vòng chỗ cây dẻ, vẫn thấy những bóng học trò nhìn theo. Hoa dẻ đang vào mùa thơm dìu dịu. Tôi đưa tay vẫy các em, cổ nghèn nghẹn:
- Cô đi... rồi cô sẽ về...            
          

 Nguyễn Xuân Thủy
 


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 208
 Hôm nay: 2419
 Tổng số truy cập: 9248330
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa