Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Gái làng
Gái làng

Hơn hai năm về trước, cũng vào tháng áp Tết này, trong làng Thành An xuất hiện một quán ăn ngon có tiếng, có ba cô chủ quán, gọi là quán ba cô.
Cả ba cô gái đều là người trong làng, đi kiếm sống ở ba nước khác nhau, gom đủ vốn, về quê, chung tiền mở quán ăn. Cô Tuyết ở Nga, cô Mai ở Hàn Quốc, còn cô Lan ở Đài Loan. Bôn ba xứ người, mãi lo kiếm tiền, khi trở về làng, cả ba cô đều đã xấp xỉ tứ tuần. Làng Thành An cách xa đường tỉnh lộ có dễ đến gần cây số, nên thực khách chủ yếu là người trong làng. Kiếm được đồng tiền, bát gạo, giữa thời buổi này, đâu phải dễ.
Ba cô ba tính cách khác nhau. Cô Tuyết từ Nga về, da thịt trắng nõn, mềm mại, đặc trưng của người sống lâu ở xứ lạnh, đúng với tên cô, Tuyết! Tóc cô màu vàng óng như vạt nắng chiều thu, buộc thành hai bím to, đi lại cứ lúc lắc, đung đưa trước ngực, đôi mắt to, thoáng vẻ ngơ ngác, trông như một cô gái Nga chính hiệu. Khi cô bưng món ăn đến các bàn, eo lưng và bụng cô gần như áp vào lưng khách, có cảm giác luồng hơi từ cơ thể của cô tỏa ra mùi thơm man mát. Cặp mông tròn, núng nính, đùi to, đôi cánh tay trần lộ ra sau ống tay áo ngắn có viền đăng ten màu hoa cà, bụ bẫm, trắng ngần hệt như cánh tay búp bê, trông cô càng quyến rũ. Cô Lan, cô Mai không có được dáng vẻ ấy, có lẽ vì sống ở hai quốc gia thuộc Đông Bắc Á, khí hậu gần giống quê nhà, nên, mặc dù phiêu bạt xứ người bao nhiêu năm, nhưng màu da, ánh mắt, cũng không đổi khác là mấy so với ngày đầu bước chân ra đi. Nhìn vào mắt hai cô, thấy ánh nhìn lanh lợi, lấp lánh trên hai cánh mũi hơi tẹt, vẻ khôn ranh, láu lỉnh. Hai cô này không thu hút khách bằng cô Tuyết - Na Ta Sa, mặc dù Na Ta Sa cao tuổi hơn...
Mở quán ăn, tức là mở một “nghiệp vụ kinh doanh” nói theo thuật ngữ của đám chuyên ngành tài chính kế toán. Một người bình thường cũng phải biết làm phép tính dự thu trước. Tỷ dụ như trong làng có bao nhiêu đàn ông làm chủ gia đình thuộc diện khá giả, bao nhiêu cán bộ hưu trí, thợ xây, thợ mài đá, thợ lăn sơn, mức thu nhập ngày bao nhiêu... Vì chỉ có đám thợ hàng ngày có thu nhập, thêm mấy ông hưu trí, mở mắt ra là có tiền thì mới hay ăn sáng ở quán, chứ mấy ông nông dân thuần túy, quần xắn quá gối, quanh năm trồng cà, trồng ớt, dưa chuột, giá cả bấp bênh, được đồng nào mụ vợ quản lý hết, dù quán có món lạ như trên cung trăng, nhử kẹo cũng chả dám thò mặt ra. Rồi nữa, phải dự đoán xem, mỗi tháng họ góp mặt ở quán được mấy lần? Mỗi lần, ăn món gì? Lời lãi được mấy ngàn? Nhân lên cả làng? Rồi khách ở các làng lân cận, khách vãng lai, tính theo công thức toán xác suất, cộng thêm bao nhiêu, trừ hết chi phí, thành tổng tiền thu trong ngày, trong tháng. Lợi nhuận chia ba... Có chắc ăn rồi mới mở. Sau bao nhiêu năm bôn ba xứ người, kiếm được chút lưng vốn, chắc ba cô cũng đủ khôn ngoan và tính chán ra rồi.
Làng Thành An có thể nói là kiểu mẫu của một vùng quê đang chuyển đổi mạnh mẽ từ làng lên phố. Hôm quán khai trương, làng đông như có đám cưới, người ra người vô tơi tới, người gọi người kêu đồ ăn ồi ồi, khiến ba cô phải nhờ thêm mấy người nhà phục vụ. Trông ba cô chạy bàn tíu tít, mồ hôi mồ kê lấm tấm trên trán nhưng nét mặt thì tươi cười phớn phở lắm. Sự hấp dẫn của quán, chủ yếu vẫn là ba cô chủ chưa chồng, mà tuổi thì đã quá hai lần cập kê. Tuổi ấy, độ trải nghiệm cuộc sống, ăn nói, xử sự, có thể trung hòa được nhiều thành phần, tầng lớp trong làng. Ba cô lại bôn ba hải ngoại, như những bông hoa nửa mùa đẫm đầy sắc hương lạ. Đến như lão Kiệm, ngấp nghé sáu mươi, hai mắt kèm nhèm toàn nhử, quanh năm làm vườn, cuốc đất gieo hạt giống rau rền lại nhầm là củ cải, trồng cà lẫn cả vào ớt, keo kiệt có tiếng, xưa nay chưa ai thấy ra quán ăn sáng bao giờ, vậy mà hôm khai trương, nhân mụ vợ về quê ngoại ăn giỗ, cũng đủng đỉnh bước ra khỏi nhà, rủng rỉnh trong túi áo, số tiền, ước tính, trị giá hơn nửa yến ớt khô chứ ít gì. 
Từ ngày có quán ba cô, làng Thành An sáng ra, nhịp điệu đón bình minh vui hẳn lên. Cô Tuyết hay làm duyên theo kiểu gái Nga. Mùi cơ thể cô cũng khác. Nước hoa Nga cô xức có mùi thơm ngậy như mỡ cừu. Ai đã từng tiếp xúc hay ở gần người Nga, rất dễ nhận ra. 
Trong làng có Thiếu tướng công an về hưu, ông Nguyên Quyền rất thích món ăn Nga được làm từ tay cô. Biết ông một thời học ở học viện Kỹ thuật phòng cháy chữa cháy Kharkov, nên sáng nào ông ra quán, cô Na Ta Sa cũng nhanh tay chế biến cho ông một đĩa xa lát nhỏ ăn kèm với phở. Thiếu tướng Quyền góa vợ. Đến quán, ông thường ngồi bàn ở góc cuối, ở vị trí ấy, ông có thể đưa mắt quan sát hết độ nhộn nhịp của một quán ăn sáng trong làng và thỏa sức ngắm cô Tuyết đi lại, phục vụ thực khách rất điệu đàng. Thành ra, muốn bê thức ăn đến bàn của ông, cô Na Ta Sa phải đi qua mấy dãy bàn kê gần nhau. Mấy gã trung niên né lưng cho cô đi, kẻo nhỡ không may vô ý mà bị vướng vào, cả bát phở bò tái hay bát sườn hầm nóng bỏng đổ ụp xuống lưng thì chỉ có mà la trời. Vậy mà nhiều anh vẫn cứ mong cho cô vô ý chạm cặp mộng nở hay cánh tay trắng nõn vào lưng hoặc vai hay cái khuỷu tay như cái dùi đục cố ý khuỳnh ra. Nhiều con mắt kín đáo nhìn theo cái eo lưng béo lẳn của cô, không nén nổi một tiếng thở dài vì ghen với ông Thiếu tướng.
Đã vào những ngày áp Tết, quán ba cô được vinh hạnh tiếp một vị khách người Nga, bạn cùng Học viện với Thiếu tướng Quyền. Đó là tiến sỹ Xu kha nốp Ni cô lai A lếch xan đơ rơ I va nô víts. Nhìn thấy ba cô chủ quán xinh đẹp, ông tươi cười giơ tay: “Xin chào ba cồ gái! Ba cồ gái khỏe chứ?”. Ba cô chủ quán đều vui vẻ đến bắt tay vị khách đặc biệt. Nhìn thấy thái độ niềm nở của ba cô, ông ta khẽ cúi đầu: “Xí bờ! xí bờ... (Cám ơn! Cám ơn) ba que em!”. Cám ơn ba cô em mà nghe cứ như cám ơn ba que kem, khiến ba cô cười ré lên.
Ông sang Việt Nam lần này mới biết bạn mình đã về hưu. Đã từng là cộng sự trong nhiều năm, tâm đầu ý hợp, ông vào thăm Thiếu tướng và cũng kết hợp tranh thủ thêm một vài ý kiến của bạn. Sau cái lần gặp gỡ ấy, hình như ông bị nàng Tuyết - Na Ta Sa hớp hồn, nên cứ vài tuần lại về làng Thành An chơi và lần nào cũng thế, những cuộc gặp gỡ với ba cô chủ quán đều diễn ra hết sức thân thiện.
Hôm ấy là sáng chủ nhật, người trong làng hết sức ngạc nhiên khi thấy ông tiến sỹ Nga Xu kha nốp mái tóc vàng hoe rủ xuống vầng trán cao bóng nhẫy, mắt màu ánh kim, hai tay cầm cán rìu đang dùng hết sức bổ những khúc củi đã cưa sẵn ở sân sau của quán ba cô. Người ta đồn, gã tiến sỹ ấy đã mê tít thò lò nàng Tuyết, con gái của làng Thành An và có ý định trồng cây si rồi. 
Cứ tưởng cô Tuyết sẽ bay sang Nga kết duyên cùng ông tiến sỹ sau bao nhiêu cố gắng chứng minh tình yêu của mình. Vậy mà, cô lại lắc đầu khi gã tiến sỹ ngỏ lời cầu hôn. Người ta bảo rằng không phải cô Tuyết không yêu anh chàng tiến sỹ kia, gần bốn mươi cái lá vàng, vớ được ông ta, vừa là nhà khoa học, lại giàu có mà là cô chỉ không muốn nhập quốc tịch Nga mà thôi. Thế mà, cuối cùng, gã tiến sỹ đã phải nghe theo ý nguyện của người yêu. Ông nhập quốc tịch Việt, sang nhận công tác tại một Viện khoa học từ hơn tháng nay. Vậy là từ bữa đó, quán ba cô chỉ còn lại hai… 

Minh họa: Kù kao Khải


Tết đến nơi! Hôm ấy tôi đến chơi nhà lão Kiệm. Mấy tuần rồi mà mắt lão vẫn còn chưa hết đỏ, có lẽ vì suốt ngày bận bịu phơi ớt, đóng bao. Mụ vợ đã ra đồng từ rất sớm. Lão nháy tôi ra quán ba cô. Trông thái độ của lão, ý tứ như muốn tiết lộ một vấn đề gì đó quan trọng lắm mà tự cái đầu hói của lão mới nghiệm ra. Từ ngày cô Tuyết đi lấy chồng, trông hai cô có vẻ già đi chút ít và khách cũng thưa hơn so với thời còn cô Tuyết. Dịch bệnh đã đánh một đòn chí mạng vào ngành kinh doanh ăn uống. Trông thấy chúng tôi, hai cô cười rất tươi:
- Chào hai bác! Lâu lắm lại mới thấy hai bác ghé quán chúng em. Hai bác dùng gì để chúng em phục vụ ạ? 
Lão Kiệm mặt hơi vênh:
- Cho đĩa nòng nợn đi! Miếng nòng mề nào ngon nhất thì thái vào!
- Nòng mề quán em, miếng nào cũng ngon mà! - Cô Mai hiểu ý, nhại lại.
Dạ con và dạ dày lợn chấm mắm tôm dằm ớt dé hay ớt chỉ thiên, ăn kèm với bún lát cùng các rau gia vị là món khoái khẩu của lão Kiệm. Món lòng mề ấy thì ngon nhưng mà hơi đắt. Nhưng hôm nay, đối với lão thấm gì? Trông lão Kiệm vẻ mặt vui vẻ, tự tin lắm. Tôi đoán số dư trong túi lão cũng kha khá, chắc vừa bán ớt chiều qua. Nghe nói ớt năm nay được giá, mà nhà lão, diện tích ớt trồng ngoài đồng có những năm sáu sào.
- Mời hai anh ạ! - Cô Mai đặt đĩa lòng xuống bàn rất nhẹ. Tôi thoáng nhìn thấy đôi bàn tay của cô ta đợt này có vẻ xanh xao, đường gân xanh nổi mờ mờ, nét mặt lộ vẻ ưu tư chứ không trắng hồng mịn màng như các lần trước.
- Cám ơn cô!
Tôi với lão Kiệm cụng chén với nhau. Lát sau, có mấy người trong làng đến chào chúng tôi, lại nâng chén chúc buổi sáng tốt lành. 
Ăn xong, lão Kiệm bảo tôi về nhà lão uống cà phê. 
- Này, hôm nay ông thấy cô Mai có gì khang khác không?
- Không? - Tôi giả vờ ngớ ra. 
- Cái nhà cô tên Mai, đi xuất khẩu bên Hàn về ấy! Độ này trông lông mày đã sếch ngược, da lại khô, mà mông hơi tóp. Bụng phình ra thì kéo mông tóp lại, đó là sự dịch chuyển theo cơ cấu của tạo hóa. - Thì ra cái lão già này, mắt kèm nhèm mà tinh hơn sói rừng - Tôi tự nghĩ và cười thầm trong bụng.
- Thế thì đã sao nào?
- Thì đã sao? Nhưng vấn đề là cô ta chưa chồng mà chửa! Mà chửa với ai ở cái làng này mới được chứ? Cô ta là chúa khôn ngoan, láu lỉnh, đâu có như cô Tuyết, thật thà.
- Chửa với ai là việc của người ta! Miễn không chửa với lão là được! Bận tâm làm gì? - Lão Kiệm cười nhếch mép, khịt khịt lỗ mũi, rồi lấy ngón tay ngoáy, vênh mắt lên, có vẻ tự ái, cho rằng thái độ của tôi là không tôn trọng bạn, còn đơn giản và nông cạn lắm, chưa hiểu hết cái ý thâm sâu của lão. Ý tứ của lão là phải quan sát hiện tượng, hệ thống hành vi, nhìn sự vật và đánh giá ở tầm vĩ mô kia! 
- Làng người ta đồn, cô ta chửa với thằng cha tên Đài làm trên huyện. Cái thằng cha ấy cũng là người tử tế mà lại có tình người ông ạ!
- Nhưng mà này! 
- Lại còn gì nữa đây?
- Cái thằng cha Đài ấy nghe nói cũng là dân góa vợ, đang cảnh gà trống nuôi con! Cho nên, khả năng tháng sau chúng cưới chạy, chứ cứ để cái bụng lù lù trước mặt bàn dân thiên hạ thế mà được à?
- Thế thì quán chỉ còn có một cô?
- Chả còn cô nào! - Lão Kiệm vênh mặt lên như khẳng định - Cái cô Lan ấy, biết bạn mình nay mai đã có chỗ, cũng tự lo. Chả lẽ bán quán đơn độc một mình? Nên cũng tính kế, liều thân, đơn phương tấn công ông Quyền. Cứ chiều tối là cô ta chả thiết gì đến quán, tự mò sang nhà lão quét dọn, lau nhà, lau cửa, nấu cơm ăn chung. Có hôm còn bưng sang cho lão cả một con gà rán. Hình như tướng Quyền đã dính mỹ nhân kế của cô ta rồi! Chứ không, sao lại cho cô ta đến sinh hoạt như người nhà, tình cảm lại mặn nồng như thế?
Lão Kiệm dừng lại, nâng ly cà phê lên miệng nhấp, vẻ trầm ngâm.
- Thế là, cuối cùng thì, như tôi đã từng nói với ông từ lúc ba cô mở quán, giờ thì ba cô, cô nào cũng có nơi có chốn rồi nhé! Theo thiển nghĩ của tôi, có khi lại là một sự may cho ba cô khi về làng, ông ạ! Phiêu bạt chân mây góc bể, phận nữ nhi, gần bốn chục cái mùa thu lá vàng, về quê hương bản quán, cho dù rổ rá cạp lại, nhưng gặp được những người có gốc gác, căn bản, tử tế. Phận con gái được sống ở đất quê, gần cha gần mẹ, anh em họ hàng, dòng tộc, chả hơn khối cô ở lại bên đó, lấy chồng Tây, chồng Tàu, xe hơi nhà lầu, lại đẻ ra một mớ con mang họ nhà người ta, chả mắt xanh mũi lõ thì tóc cũng hoe vàng, mang dòng máu khác, lạ hoắc, về quê, không biết nói tiếng mẹ đẻ. Như thế khác chi mất gốc, vong bản? Mà cái truyền thống ngàn xưa của người Việt, ở đâu cũng chả bằng về cái ao làng mình. 
Nghe lão nói, tôi giật mình. Cứ tưởng là đang nói chuyện với một người khác chứ không phải lão già trồng ớt. Thì ra, cái làng Thành An này, tồn tại từ ngàn đời nay, nhà nào cũng xây nhà dựng cửa theo nhiều kiểu dáng, kiến trúc rất hiện đại, bề thế như thế này, cũng có nguyên cớ của nó đấy chứ. Đi đó đi đây, thu vén được tiền bạc, tri thức hiện đại, học được từ người ta là để mang về xây dựng làng mình, quê mình. Cái bản tính, hay nói khác là dòng máu dân tộc, phải thấm từ làng quê. Mất gì thì mất, chứ không thể mất gốc.
- Ừ! Ông nghĩ như thế, chí phải! Ở một làng Việt truyền thống, từ đời cố kỵ, ông bà sinh ra và lớn lên, hàng ngàn năm, đã hình thành nên văn hóa bản địa, ăn sâu bén rễ vào từng đường gân thớ thịt của các lớp con cháu, nếu không bồi đắp, để phai nhạt dần rồi mất đi là có tội với tổ tiên! Ông ở quê, sống trên đất làng, uống mạch nước giếng làng, nên cái nhìn cũng bao dung, rộng lượng, thấu cảm cái tình người trong làng. Giống như việc ông trồng ớt, trồng rau trên đồng làng ấy, có phải nơi nào rau cũng có màu xanh rất riêng, ớt cũng đỏ mà lại cay ngọt như trồng trên đất làng ta đâu?...
Chia tay với ông bạn già, đầu óc có phần thủ cựu, nhưng mà những lời lão nói, cứ ám vào tôi. Đành rằng tình yêu là không biên giới, nhưng cái cảnh con gái đưa chồng con về nước, thăm ông bà, cha mẹ, viếng mồ mả tổ tiên mà thằng con rể với mấy đứa cháu ngoại, không nói được một câu tiếng mẹ đẻ, ngồi với nhau, cùng mâm nhưng bất đồng ngôn ngữ, nhìn nhau như người xa lạ mà buồn. Rồi thì lúc ốm đau, bệnh tật, muôn thứ tai ương rình rập trong đời một con người, đến lúc ấy, sao gọi được hai tiếng: Mẹ ơi!?
            

12-2023
                Trịnh Tuyên


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 126
 Hôm nay: 3336
 Tổng số truy cập: 7487192
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa