Một chiều tháng tám, khi bóng tối như con quái vật khổng lồ chùm lên Thổ Sơn, cả làng như lịm đi bởi tiếng gào thét thất thanh. Tiếng kêu rùng rợn, lạnh ngắt rồi chìm vào yên tĩnh. Phạm Đốc mếu máo: “Mẹ con bị hổ bắt đi rồi!”. Tiếng hò hét, tiếng chiêng khua vang dậy cả cánh rừng. Họ tìm thấy xác người đàn bà góa phụ xấu số ở gò Mã Giáng. Lúc ấy, gió to mưa lớn, sấm chớp dữ dội, không thấy đường lối nào, cả vùng tối đen, mịt mùng…
Phạm Đốc sinh năm Quý Dậu, tháng 5 ngày 20, năm Hồng Thuận thứ 13 (1513) dưới thời vua Lê Tương Dực, triều đại Lê Sơ. Mồ côi cha từ khi tám tuổi, nay lại đau đớn khi thấy cảnh mẹ bị hổ bắt đi, cậu bé lên mười trở nên rắn rỏi hơn người. Thân hình mảnh khảnh, nước da đen nhẻm, nhưng bù lại, Đốc có đôi mắt sáng, tinh nhanh. Ở nhà một người chú bên nội, hàng ngày, cậu phải dậy từ rất sớm để đi thả trâu, nhặt củi. Tuổi thơ Đốc nhọc nhằn trôi qua trong những tháng ngày đói rét ở một miền quê xứ Thanh.
Một sáng tinh mơ, Đốc vừa đi vừa tránh những vạt lá sũng nước ven đồi nhưng vẫn làm cái quần ướt đẫm từ đầu gối xuống hai bàn chân trần. Đã qua tết mà cái rét vẫn như cắt da cắt thịt. Những cơn mưa phùn vẫn dai dẳng đeo bám cái miền quê nghèo đói. Cậu thả trâu lên đồi, mắt tìm kiếm đám bạn, chân kéo lê cái quần ướt đi về phía gốc cây sồi tránh rét. “Ùa! Giật cả mình!”, là thằng Dao nhảy tới. Tay vo ve cái nùn rơm nghi ngút khói, miệng nhoẻn cười, ưỡn bụng ra hiệu có mấy củ khoai lang giấu trong người. Dao bảnh trai, mập, da trắng, cùng tên họ với Đốc nhưng không phải anh em họ hàng. Nhà Dao giàu có hơn mọi đứa, lúc nào nó cũng tỏ ra hào phóng. Cứ có gì là nó lại xin hoặc lẻn lấy trộm bố mẹ mang ra cho bọn bạn nghèo. Hai đứa cùng nhau đi tìm kiếm những thân củi khô hiếm hoi trong các lùm cây rậm rạp để nhóm lửa, nướng khoai, chờ cái Côn và mấy đứa cùng xóm. Trong làn khói, hai đôi tay đan vào nhau, mắt lim dim thưởng thức chút hơi ấm cay xè từ những thanh củi ướt.
Dao nói: “Sao giờ này mà Côn chưa tới nhỉ?”. Chợt như có ai đang chới với dưới đầm nước. Đốc lao mình về phía sình lầy. Đôi chân đất tuông qua bụi rậm, trà qua những vạt gai xấu hổ, Đốc lao ùm xuống dòng nước lạnh như kem. Loay hoay mãi mới đẩy được người đuối nước vào bờ. Dao chạy ngược ra đường gọi người lớn. Khi Đốc thấy được Dao cũng là lúc Đốc kiệt sức và ngất lịm đi cạnh một cô bé bị đuối nước. Dân làng xúm lại cứu chữa cho cả hai. Tỉnh dậy, Đốc thấy Côn đang ngồi sưởi ấm cùng Dao và mấy đứa chăn trâu cùng xóm. Thì ra người bị đuối nước khi nãy là Côn, đứa bé nhà ở cuối xóm, sớm mai đi mò cua thì trượt chân, ngã. May mà có Dao và Đốc nhìn thấy. Giờ thì ổn cả rồi. Mấy đứa lại tíu tít chuyện trò, hơ hơ đôi bàn tay trên ngọn lửa hồng.
Chợt Dao đứng phắt dạy, nhìn lên gốc cây sồi: “Ôi, khoai! Mấy củ khoai của tôi!”. Mấy đứa trẻ chạy theo Dao về phía cây sồi. Trong đống tro tàn, chúng hì hục bươi ra mấy củ khoai đã cháy thành than đen sì, miệng chảy dãi thèm thuồng. Đốc nhìn Dao, hai đứa cười xuýt xoa.
Sau mỗi ngày cùng đám trẻ chăn trâu, hái củi, chơi đủ thứ trò chơi, Đốc lại lầm lũi một mình cùng đàn trâu và gánh củi trở về căn nhà người chú họ, nơi cậu thường nếm trải những trận đòn roi, lúc thì vô cớ, khi thì do không tìm thấy trâu. Có lần, sợ bị đánh, Đốc đã không dám về nhà, người chú họ rồi cả làng tìm cả đêm không thấy đâu. Sáng ngày ra, chỉ có Côn mới tìm được. Côn mới biết được Đốc sẽ ra mộ mẹ. Do mải hái củi, cậu để trâu lạc sang cánh rừng xa, sợ bị chú đánh như mọi lần, cậu còn biết đi đâu được. Nhớ mẹ, cậu chỉ biết ra gò Mã Giáng. Mệt, đói, cậu ôm lấy mộ mẹ rồi ngủ thiếp đi.
Cuộc sống của những đứa trẻ thôn quê luôn bền chặt, gắn bó nhau trong cái nghèo đói. Sự bền chặt ấy cũng có lúc bị phá vỡ. Sau lần không ngại giá rét, lao mình xuống dòng nước cứu cái Côn khỏi đuối nước, cả làng Thổ Sơn càng quý mến Đốc hơn. Đốc đã như đàn anh thì nay bọn trẻ còn xem Đốc như một thủ lĩnh. Làm cái gì, đi đâu cũng một anh Đốc, hai anh Đốc. Một sáng, vừa thả trâu lên đồi, Đốc dẫn đầu đám trẻ men theo con đường mòn, đi về những bụi cây rậm rạp, dẫn tới các khe suối để thăm bẫy chim. Vừa đi vừa nhảy chân sáo, mắt nhìn ngắm những bông lau cao vút trên nền trời, chợt cậu bé nhìn thấy Côn đang ngồi trên một gò đất gần vệ đường. Mặt buồn thiu, để mặc vài sợi tóc bay xõa xuống cặp má bầu bĩnh. “Côn làm sao à?” - Như chỉ đợi có vậy, hai hàng nước mắt trong veo, lăn tròn trên gương mặt người con gái chuẩn bị bước sang tuổi mới lớn.
- Đám anh Dao không muốn em chơi với anh. Họ lùa tách trâu nhà em sang bên kia rồi.
Đốc lờ mờ hiểu ra mọi chuyện. Thì ra là Dao muốn làm thủ lĩnh. Dao không muốn chơi với ta nữa. Dao lập một đội riêng. Nhưng sao Dao lại không muốn Côn chơi với ta? Hiểu rồi, hay là Dao thích Côn, muốn Côn về bên ấy? Thoáng nghĩ, Đốc liền bảo:
- Thì Côn sang chơi với đội bên ấy.
- Không. Côn thích chơi cùng đội với anh Đốc hơn.
Đốc cười, rồi tự tin:
- Em cứ đi theo trâu, sang chơi với đội bên đấy đi, anh sẽ có cách.
Không cần biết cách gì nhưng chỉ nghe Đốc nói thế là Côn đã tin tưởng và phấn khởi nghe lời. Côn chạy chân sáo, đi về phía bên kia quả đồi.
Đốc dẫn đầu đám trẻ tiếp tục đi thăm bẫy. Rất lâu mới có một hôm bẫy được nhiều chim như vậy, chủ yếu là chim cuốc, le le. Đốc sai đám trẻ đuổi trâu sang nhập hội cùng đám thằng Dao, mang chim sang đó nướng cùng. Côn hướng ánh nhìn long lanh, bừng sáng về phía Đốc. Hai ánh mắt nhìn nhau. Một cảm giác xao xuyến, gần gũi. Nhanh chóng, hai người quay ra cùng anh em nhặt củi, sum vầy bên bếp lửa hồng. Thấy mọi người vui vẻ, Dao đành lao vào cuộc chơi cùng. Đám trẻ chọn ra hai con chim to nhất ưu tiên cho Đốc và Dao. Niềm vui hiện lên gương mặt những đứa trẻ nghèo bên đống lửa, thưởng thức vị thơm ngon của chim rừng nướng. Ăn xong, Đốc rủ Dao chọn một nơi bằng phẳng để chơi cờ hùm. Đây là trò chơi mà rất ít khi Dao thắng được Đốc. Cờ hai bên đang mạnh, bất ngờ Đốc để mất tướng. Côn đứng cạnh định xông vào đòi đi lại. Đốc lại nhìn chằm chằm vào mắt Côn. Côn hiểu ý, lùi ra. Sau trò chơi, Dao cảm thấy phấn chấn, tin tưởng hơn ở bản thân, hai bên cùng chơi thân với nhau, không nghĩ đến chuyện tách đội nữa. Nhưng như thế thì ta lại chẳng được gì. Đốc vẫn là thủ lĩnh. Côn lại ngày càng thân với Đốc hơn. Dao nghĩ: Không được? Nhất định là ta phải nghĩ ra kế gì đi chứ? Ta kém gì chứ, nhà giàu có, vóc dáng, trí khôn Phạm Dao ta có kém gì mà không là người đứng đầu.
Được khoảng mươi ngày, Dao gọi Đốc ra một thung lũng, bằng phẳng nằm giữa hai quả đồi, giao hẹn:
- Hai đội xóm trong và xóm ngoài chơi đánh trận. Nếu đội của ai thắng, người đó được làm thủ lĩnh.
- Không cần phải đấu đâu, Dao làm thủ lĩnh đi, bọn bay đồng ý không?
Đám trẻ trâu nhao nhao không đồng tình. Vậy là cuộc tỉ thí của trẻ chăn trâu lại bắt đầu.
Cuộc chơi đang vui thì một hòn đá bay vèo vào lưng một người thuộc đội Đốc. Tiếng cãi nhau chí chóe. Từ trận giả, trở thành trận đánh thật. Hai bên rút về cứ điểm, củng cố đội hình, bắt đầu mai phục và tấn công. Đốc chia đội mình thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất do Đốc dẫn đầu đi về phía hai mạn dốc cao để mai phục. Nhóm thứ hai đông hơn đi theo sau để yểm trợ. Còn nhóm thứ ba gồm mấy đứa con gái và mấy đứa nhỏ con đi dọc đường vừa đi vừa chơi đùa, hát nghêu ngao để làm phân tán sự chú ý của đội bạn.
Chờ mãi hồi lâu mà không thấy quân của Dao xuất hiện. Đốc ra hiệu các nhóm thực hiện theo kế hoạch và căn dặn kĩ là không được ném đá mà chỉ xông lên bắt người, không được làm đội bạn bị đau. Theo như sắp xếp, nhóm hai tiến lên trước, vừa quá đỉnh dốc sang bên kia một chút, vừa đi vừa nghe ngóng vẫn không thấy gì. Theo kế hoạch đã định, nhóm hai dừng lại một lúc rồi tách thành một nhóm nhỏ bí mật mai phục, nhóm nhỏ còn lại giả vờ rút lui. Quân Dao thấy đội bạn rút lui liền dẫn một nhóm tiên phong xông lên, đi qua mấy nhóm mai phục của Đốc mà không hay biết. Nhóm của Đốc chỉ đợi Dao từ nhóm sau xuất hiện là đồng loạt lao ra bắt giữ Dao kéo vào bụi cây rậm. Nhóm đầu quay lại cứu Dao thì đã bị hai nhóm kia của Đốc chia cắt. Đội của Dao không còn người chỉ huy chạy lao xao, tản mát hết. Thua trận, lại bị nhóm mấy đứa con gái dẫn đầu là Côn chạy tới lêu lêu lại càng làm Dao xấu hổ hơn.
Bấy giờ là mùa xuân năm 1527, Trịnh Kiểm đi qua làng Thổ Sơn, bắt gặp Phạm Đốc đang chơi đánh trận cùng đám bạn. Ông sai người gọi Đốc lại. Nhìn bước đi đĩnh đạc, dáng vẻ tự tin, khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú, đặc biệt là đôi mắt sáng, tinh anh của một cậu bé đang tuổi mới lớn là ông ưng ngay. Lại biết Đốc mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông bèn nhã ý đem cậu về làm con nuôi. Đốc suy nghĩ hồi lâu rồi đồng ý, vâng lệnh, xin Trịnh Kiểm được về báo với chú họ và thắp hương xin cha mẹ.
Đang độ cuối xuân, thời tiết ấm áp, Phạm Đốc một mình đến bên mộ, thắp hương cho cha. Không nói gì, nhưng lòng Đốc tràn ngập bao suy nghĩ. Đốc thầm hứa với cha, quyết ra đi làm việc lớn báo hiếu cha mẹ. Ngậm ngùi bước chân đến gò Mã Giáng tìm mộ mẹ. Đốc nhớ như in cái buổi chiều tối mẹ bị hổ đến bắt đi. Khi làng xóm tìm thấy được xác mẹ thì trời mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, không thể mang mẹ về. Sáng ngày ra thì nơi mẹ nằm trở thành một ụ đất ùn lên như núi nhỏ phủ kín thi hài. Dân làng cho rằng “Thiên dữ cát địa” trời cho đất tốt và thiên táng mẹ, rồi gia đình và dân làng tiếp tục bồi đắp thêm thành đại mộ rộng chừng hai ba sào đất.
Từ xa, Đốc thấy như có dáng người con gái đang đứng trước mộ mẹ mình. Đúng rồi, Côn đến đây từ rất sớm, cô đang dọn dẹp lối ra vào mộ. Hai người nhìn nhau. Đốc lặng lẽ quỳ xuống bên mộ mẹ. Côn cũng quỳ xuống theo. Một lát sau, Đốc đứng lên, tay vuốt nhẹ mái tóc Côn, nhìn sâu vào đôi mắt long lanh ấy hồi lâu. Họ từ biệt nhau trong im lặng. Gò Mã Giáng, trời thanh minh không một chút gợn mây, lòng người và đất trời, âm và dương như đang hòa quện vào nhau, thấu hiểu và đồng cảm, hứa hẹn và quyết tâm.
Từ ngày ấy, Phạm Đốc miệt mài luyện tập binh võ, thể hiện được mưu trí tài cao. Dưới quyền Trịnh Kiểm, ngay từ những ngày đầu nhà Lê bắt đầu dựng lại (1533), ông cầm quân đánh đâu thắng đó, được vua khen ngợi. Ông được vinh phong là “Nam nghĩa tử”, thăng tước Dương nghĩa hầu. Khi Lê Trung Tông lên ngôi, ông được sai chỉ huy Vệ Kim Ngô, thăng tước Quảng quận công. Sau này ông còn được lên đến chức Thượng thư bộ binh rồi Thái phó, tước Đức quận công. Đi đến đâu ông cũng ban bố uy tín, tịch thu các quận huyện, củng cố lực lượng phòng vệ, khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất xây dựng đời sống.
Năm 1557, quân nhà Mạc tiến quân vào Thanh Hoa* và Nghệ An, Trịnh Kiểm tự mình chặn đánh Kính Điển ở Nga Sơn, sai Phạm Đốc vào chặn đánh quân Mạc ở Đan Nhai, xứ Nghệ An.
Đêm thu, cửa biển Đan Nhai trăng sáng vằng vặc. Phạm Đốc leo lên một hòn đá cao nhô ra biển, mắt dõi nhìn về phía Thanh Hoa quê nhà. Từ ngày mình được Lượng quốc công nâng đỡ, cho đi chinh chiến khắp đó đây cũng đã ba mươi năm. Mình có vợ đẹp, con ngoan. Từ một trẻ trâu ham mê binh võ, vào sinh ra tử, nay mình đã được vua ban làm Thượng thư bộ binh.
Trịnh Kiểm chắc giờ này cũng đã hạ trại ở núi Yên Mô, phục đón quân của Kinh Điển tấn công Thanh Hoa. Mình chặn ở đây không cho Mạc Phúc Nguyên dễ dàng tiến vào Nghệ An.
Càng thành công, danh vọng càng lớn, trách nhiệm càng nhiều. Trận đánh sau lớn hơn, quan trọng hơn trận đánh trước. Bày binh bố trận xong xuôi, Phạm Đốc lại chìm trong miên man với bao tâm trạng cố hương. Giờ này chắc vợ và mấy đứa con thơ cũng đang mong ngóng tin cha. Giữ yên cõi Nghệ An, nhất định ta sẽ về. Mấy đứa bạn một thời giờ mỗi đứa một nơi. Phạm Dao giờ này đang phiêu bạt nơi đâu. Dao là người cương trực, thẳng thắn, có chí lớn. Vài lần có hơn thua với mình cũng vì ganh tị tình cảm với Côn hoặc thích làm thủ lĩnh trong những trò chơi. Thực ra chuyện đó cũng là lẽ thường. Nếu Dao cùng mình trong trận đánh quan trọng này thì hay biết mấy.
Trăng càng về đêm càng sáng. Một luồng gió lạnh ngoài biển bất ngờ thổi vào làm ông chếnh choáng. Trở về trại, ông bị lên cơn sốt. Trong miên man mê sảng, ông gặp lại cha đang làm ngựa cõng mình, chạy nhong nhong quanh sân và mãn nguyện nhận lại những tiếng cười như nắc nẻ. Ông gặp lại mẹ đang âu yếm, vỗ về khi con bị trận đòn của cha. Ông gặp Côn, người vợ hiền ngày đêm tần tảo nuôi dạy con thơ, chờ chồng trở về sau mỗi trận đánh. Những đứa con đã lớn lên như thổi, sau này chúng cũng sẽ thay cha, gây dựng nghiệp lớn. Trong đầu ông lại chập chờn bóng dáng Dao, khi thì cùng nhau chia đôi củ khoai nướng, lúc thì đuổi bắt nhau mẻ trán sứt đầu.
Chợt có lính vào trại cấp báo:
- Thưa Thượng thư, quân giặc đang tiến vào cửa Đan Nhai, dẫn đầu là tướng Phạm Dao.
Phạm Đốc ngồi phắt dậy:
- Là Phạm Dao!
Đúng Phạm Dao rồi! Thì ra, sau ngày mình đi theo Lượng quốc công Trịnh Kiểm, ngày đêm luyện binh, dụng võ phò giúp vua Lê, Phạm Dao bỏ quê, đầu quân cho nhà Mạc.
Ông chợt nhớ lại trận đánh phân tranh thủ lĩnh ngày trẻ trâu. Suy nghĩ một lát, ông cho gọi các quân sư lại bàn bạc, sai Hoàng Đình Ái cắm cờ nhà Mạc dụ quân phía trong. Dàn xếp lại trận đánh, ông lại chìm trong mê man mơ sảng.
Tảng sáng, quân Mạc Kính Điển do Phạm Dao chỉ huy tiến vào cửa biển Đan Nhai. Thận trọng từng nhịp chèo qua nơi xung yếu, quân Mạc thở phào vì như đi giữa một trận địa không có quân mai phục. Khí thế tiến công trào dâng, Phạm Dao cho quân thẳng tiến sâu vào trong, tìm nơi neo đậu để đổ bộ lên bờ.
Lờ mờ phía xa lại thấy có cờ Mạc dựng thấp thoáng, binh lính hả hê, tiến nhanh về phía trước quên cả cự li đội hình. Từ trong các nơi mai phục, các đạo quân của Phạm Đốc đã được bố trí sẵn, ồ ạt xông ra. Bất ngờ vì bị chia cắt thành nhiều nhánh lẻ, quân Mạc không còn giữ được liên lạc, hồn bay, phách lạc, chạy tan tác. Tướng Phạm Dao bị bao vây tứ phía, không còn đường thoát thân. Khí thế đang như vũ bão thì bị bao vây, mất liên lạc với các tuyến quân, Phạm Dao nhớ lại trận thua thời thơ ấu, liền nghĩ ngay ra người bạn.
- Có phải Phạm Đốc tướng quân đó không?
Quân lính chạy về cấp báo. Phạm Đốc đang gồng mình chống lại bệnh tật nhưng ông bỗng ngồi phất dậy, tay với thanh gươm:
- Để ta ra gặp Phạm Dao một phen.
Mặc cho mọi người can ngăn, Phạm Đốc băng băng như chưa hề bị bạo bệnh. Phần vì muốn gặp bạn cũ, phần lại tức giận vì Phạm Dao dám to gan theo lời Mạc Phúc Nguyên, đem quân đánh chiếm Nghệ An. Phạm Đốc cười to, giọng ngân vang:
- Ta đây!
- Chào tướng quân, không ngờ chúng ta lại gặp nhau trong hoàn cảnh này. Nhưng cũng tốt, xin mời tướng quân - Phạm Dao vừa nói vừa vung gươm ra hiệu chào đòn.
- Xin mời tướng quân ra tay trước.
Nền trời sáng trong. Lấp lánh những thanh gươm chao lượn. Vun vút, chát chúa những âm thanh tìm máu. Khen khét mùi khoai cháy.
- Ta đã thua về thế trận mất rồi. Sao ta cứ mãi thua trước Phạm Đốc? Không, nhất định ta phải đòi lại bằng trận đánh này!
Những đám mây quay cuồng. Cửa Đan Nhai sùng sục hôi tanh mùi gươm giáo. Mùi khói cay xè từ những thanh củi ướt.
- Sao mỗi đòn đánh của ta đều bị hóa giải?
Phạm Đốc loạng choạng chống đỡ những đường gươm mạnh mẽ, dứt khoát của người bạn.
- Phạm Dao giỏi lắm! Ta đành hết kế sao? Nhưng ta không thể thua! Cửa Đan Nhai và vùng đất Nghệ An của vua Lê không thể rơi vào tay nhà Mạc!
Hai thanh gươm mệt mỏi tì vào nhau. Phạm Đốc lấy hết sức lực, lách khỏi sự tì đè, ra đòn quyết định. Phạm Dao chưa kịp lấy lại thăng bằng thì thanh gươm của Phạm Đốc đã chỉa vào trước ngực. Quân lính Phạm Đốc vung gươm bao vây. Phạm Dao nhìn thẳng vào mắt người bạn cũ:
- Sao tướng quân không xuống tay?
Phạm Đốc muốn đỡ người bạn cũ đứng dậy, ông muốn ôm lấy Dao để hàn huyên sau ba mươi năm xa cách. Nhưng không được! Ông là tướng nhà Lê! Nhìn sâu vào đôi mắt Dao, ông thấy trong cái rét cắt da cắt thịt, người bạn tay vo ve cái nùn rơm ấm, ưỡn bụng khoe mấy củ khoai lang… Ông thấy trong làn khói bay bay, hai đôi tay đan vào nhau, mắt lim dim thưởng thức chút hơi ấm cay xè từ những thanh củi ướt. Bụng đói meo, miệng cùng cười nhìn những củ khoai lang cháy khét lẹt, đen sì.
- Ta tha cho tướng quân phen này.
Đoạn Phạm Đốc hất hàm về phía binh lính: Quân đâu, trả lại thuyền bè cho Phạm Dao và quân lính mau rời khỏi Đan Nhai!
Phạm Dao chắp tay:
- Đội ơn tướng quân!
Phạm Đốc về trại, khao quân. Ông lại chìm trong cơn sốt. Mạo bệnh ngày một ăn sâu vào cơ thể. Y dược bất linh, sau một thời gian chữa bệnh, năm Kỉ Mùi, tháng 8 ngày mồng 5, năm Chính trị thứ hai (1559), triều đại Lê Trung Hưng, ông qua đời, thọ 46 tuổi. Thi hài ông được mang về an táng tại quê nhà, làng Thổ Sơn, Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Vua Lê Anh Tông thương tiếc ông vô hạn, truy tặng ông chức Thái úy Hữu tướng Tĩnh quốc công.
Một ngày xuân, bà Lê Thị Côn dẫn ba người con trai ra tảo mộ chồng. Họ thấy có bóng người đến dọn dẹp, thắp nhang lên mộ ông rồi vội vã ra đi. Bà nhận ra đó là người của Phạm Dao cử đến viếng ông.
Gò Mã Giáng, trời thanh minh không một chút gợn mây, lòng người và đất trời, âm và dương như đang hòa quyện vào nhau, thấu hiểu và đồng cảm, hứa hẹn và quyết tâm.
Bái Hạ - Giản Hiền, năm 2024
PHẠM THẮNG
(*) Thanh Hoa: Tên gọi Thanh Hóa ngày nay.