1. Ông bà Trãi đang ngồi trước tivi say sưa với chương trình ca cải lương thì người giúp việc vào thưa với ông bà có khách. Ông Trãi đứng lên nhìn ra sân thì ông Phác, người làng Đô, đã bước lên bậc hè. Sau những cái bắt tay và nụ cười mừng rỡ là những lời hàn huyên với bao kỷ niệm ngày còn trai trẻ, bất chấp sự săn lùng của máy bay Mỹ, hai ông đưa đội thuyền nan chuyên chở khi thì lương thực, khi thì súng đạn ra tiền tuyến. Uống chén nước ông Trãi đưa, ông Phác vẫn cầm cái tách trong tay thưa chuyện với ông bà Trãi: “Chả giấu gì hai bác, hôm gặp bác trai ở buổi họp mặt đầu xuân của Câu lạc bộ hưu trí công ty ta, em không tiện nói chuyện của các cháu. Nay em lên đây, trước là thăm hai bác, sau là thưa với hai bác về câu chuyện thằng nhà em mua khu đất vườn và ao của anh Tư trên làng. Giá cả hai bên đã thỏa thuận. Thằng nhà em cũng đã đặt cọc. Nhưng trước tết bác Hân trên làng có xuống nhà chơi, nói nhỏ cho em biết cái vườn đó nguyên là của hồi môn của bác gái. Hai bác cho ông Thiều, thân sinh của anh Tư mượn làm nhà. Bây giờ anh Tư đã có nhà trên thành phố nên bán cho thằng nhà em. Em thật sự giật mình! Em nghĩ, đất cát là linh hồn của tổ tiên, gắn với vận mệnh người sống, gắn với vong linh của tổ tiên người đến ở cũng như người ra đi; Nhất đất ấy lại là của hồi môn! Chỗ bác trai và em là tình thủ trưởng với nhân viên, đã từng cùng nhau ra sống vào chết khi bom rơi đạn nổ, nên em mới lên đây thưa với hai bác cho ra ngọn ngành!”.
Nghe ông Phác nói, ông Trãi thở dài, đứng lên mở tủ lấy cái túi giấy bóng đựng tập giấy photo hồ sơ đất đưa cho ông Phác và nói: “Đây! Tất cả trong đây. Người khác thì tôi không cho xem đâu. Nhưng anh thì anh cứ xem đi. Chuyện ông Hân nói với anh là có thật. Dài dòng và xót xa lắm!”.
Ông Phác đỡ lấy cái túi từ tay ông Trãi, rút tập giấy ra xem, những là: Bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Hữu Tư và Lại Anh Đào; Biên bản họp gia đình bà Trần Thị Mơ cùng các con trai con gái, thống nhất cho ông Nguyễn Hữu Tư và vợ là bà Lại Anh Đào được thừa kế khu đất thổ cư chiều rộng 22 mét, chiều dài 33,5 mét với diện tích là 737 mét vuông theo di chúc của ông Nguyễn Hữu Thiều và bà Trần Thị Mơ đã lập khi ông Thiều còn sống, tinh thần minh mẫn. Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã; Giấy ông Nguyễn Hữu Thiều và bà Trần Thị Mơ mượn đất của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trãi và bà Nguyễn Thị Bồng có chứng thực của Ủy ban hành chính xã.
Ông Phác xem hết túi hồ sơ thì ông Trãi bắt đầu kể cho ông Phác nghe: “Khu đất vườn và ao ấy là của cụ thân sinh bà nhà tôi cho khi chúng tôi cưới nhau. Diện tích một sào rưỡi. Có mười hai cây dừa và hai chục cây kè quanh vườn và bờ ao. Chú tôi, thân sinh của bố cháu Tư, là giáo viên tiểu học trường làng; thím tôi làm ruộng. Chú thím tôi có bảy người con. Bốn trai, ba gái. Ba cô con gái đã lấy chồng. Gay cấn cho chú thím tôi là nhà của các con trai. Em Huy, con cả, sau cưới thì ở với chú thím tôi, giữ cẳng giường thờ. Em Hoàng, thứ hai, sau cưới chú thím tôi tậu cho một thửa đất để vợ chồng em ra ở riêng. Em Hòa, thứ ba, đi bộ đội chuyên nghiệp, quân đội bố trí cho vợ chồng ở trong khu gia binh. Em Thiều là út, cưới xong ở chung với chú thím tôi. Về sau có đợt tuyển dụng cán bộ của ngành thương nghiệp nên tôi xin cho làm nhân viên cung ứng của cửa hàng bách hóa Kim Tân. Các con của ông chú tôi đều may mắn. Thôi, bây giờ tôi gọi các em, con của chú thím tôi là chú là thím, thay cho các con tôi, tuy chúng là em nhưng giờ đã có cháu nội, cháu ngoại cả rồi!”. Ông Phác mỉm cười, nhìn ông bà Trãi như tán đồng. Vợ chồng chú Huy, bốn năm đẻ liền hai thằng một con. Chú Thiều cưới năm trước, năm sau đẻ thằng cháu Quang. Những năm sau vợ chồng chú ấy đẻ thêm hai con gái là cháu Liên, cháu Hiền và một thằng cu út là cháu Tư. Thế là trong ngôi nhà cũ của chú thím tôi lúc bấy giờ có tới ba cặp vợ chồng, hai thế hệ, với bảy đứa trẻ con. Kháng chiến khổ đã đành, hòa bình rồi vẫn còn bữa cơm, bữa cháo! Chú thím tôi ngày ấy chật vật lắm. Lương giáo viên của chú thấp. Thím và mấy em lăn ra với đồng áng vẫn thiếu trước hụt sau. Công điểm có vụ chỉ năm sáu lạng thóc. Anh cũng biết như vậy là khó xoay xở lắm! Chủ nhật, ngày nghỉ thêm chú Thiều về nữa là mười ba người. Mười ba con người sống trong một cái nhà cấp bốn, gọi là nhà trên, có ba gian ngoài, hai gian buồng hai đầu nhà. Một cái nhà dưới có một gian ngoài và một gian buồng. Rồi thì bếp, chuồng bò, chuồng lợn, chuồng gà, nhà xí, đống rơm, đống rạ... Bó tròn trong khu đất chưa đầy một sào! Chật chội. Ẩm thấp. Bừa bộn.
Minh họa: Kim An
Một hôm chủ nhật tôi về, chú tâm sự với tôi, ngỏ ý muốn dựng nhờ cái nhà ở góc vườn cho vợ chồng chú Thiều ra ở riêng. Tôi về nói chuyện với thầy mẹ tôi. Thầy tôi thở dài và nói: thầy mẹ cũng nghĩ nát óc ra về chuyện ăn ở của chú thím và các em, các cháu! Thầy mẹ tôi hỏi tôi nên trả lời chú thím thế nào. Tôi nói với thầy mẹ: “Con thấy cũng nên tìm cách để giúp đỡ chú thím. Nhưng vì cái vườn ấy là của hồi môn của nhà con nên để bàn thêm với nhà con xem ý thế nào”. Thầy mẹ tôi cho tôi nghĩ được như vậy là đúng. Hôm sau, đầy đủ cả nhà, thầy mẹ ngỏ ý với nhà tôi. Nhà tôi nói cái vườn ấy bây giờ là của chung cả nhà chứ đâu chỉ mình vợ chồng tôi. Nếu thầy mẹ có ý cho chú thím mượn trong hoàn cảnh như vậy thì cũng hợp tình, thuận nghĩa. Thế rồi chú thím tôi sang thưa chuyện, có cả vợ chồng chú Thiều cùng sang. Qua câu chuyện, cả nhà tôi đều đồng ý để chú thím tôi mượn đất để làm nhà tạm cho vợ chồng chú Thiều ra ở riêng.
Tối hôm sau, chú thím tôi với vợ chồng chú Thiều lại sang, chú nói: “Vợ chồng con cái em đã bàn soạn, nay vợ chồng em cùng vợ chồng cháu Thiều sang thưa chuyện với hai bác và vợ chồng anh Trãi. Dù “anh em là liền khúc ruột!”, nhưng mọi chuyện cũng cần phải rành mạch nên vợ chồng con cái em có bàn và làm cái giấy này. Ba bản có nội dung như nhau. Hai bác và vợ chồng anh chị Trãi đọc xem thế nào”. Chú tôi rút trong bao ra ba tờ giấy. Hai tay chú run run đưa cho thầy tôi xem. Xem xong, thầy tôi đưa ba tờ giấy cho tôi, vừa cười vừa nói: “Chú làm nghề giáo có khác, giấy tờ viết khúc chiết, minh bạch, rạch ròi. Anh chị Trãi xem thế nào, chứ theo tôi thế là phải!”. Giấy chú viết xin mượn đất. Bên mượn là chú Thiều, thím Mơ; Bên cho mượn là vợ chồng tôi. Mục đích mượn đất để làm tạm một ngôi nhà kè ba gian. Một cái bếp. Một cái chuồng lợn... Bên mượn không được sang tên đổi chủ, không chuyển nhượng hoặc bán, không cho người khác mượn hoặc thuê. Thay mặt chủ vườn nạp thuế sử dụng đất cho nhà nước đầy đủ theo đúng pháp luật. Khi lo được chỗ ở phải trả lại cho chủ đất. Sau ba năm, nếu chủ đất có nhu cầu làm nhà, trong vòng ba tháng phải trả lại đất cho chủ. Chú tôi đọc cho mọi người cùng nghe. Tất cả đều thỏa mãn. Chú tôi nói vợ chồng tôi và vợ chồng chú Thiều ký vào rồi ngay hôm sau, nhà tôi cùng chú Thiều mang giấy lên Ủy ban hành chính xã trình và xin chứng nhận. Một bản Ủy ban xã giữ lại, gia đình chú Thiều giữ một bản, gia đình tôi giữ một bản. May mà bản do nhà tôi giữ vẫn còn! Hai chữ ký bên mượn và hai chữ ký bên cho mượn, một chữ ký và đóng dấu của xã nữa là năm chữ ký! Ông Trãi dừng lại uống nước rồi tiếp: “Cháu Tư là hiệu trưởng cấp ba, vợ là giáo viên, lại có dạy thêm nhiều năm nên đã mua đất làm nhà ngoài phố chợ và dỡ nhà cũ trong này ra phố làm nhà dạy thêm. Năm cháu Tư trúng Hội đồng nhân dân, cháu được rút lên làm thư ký ở văn phòng UBND tỉnh, được mấy năm lại chuyển sang làm Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. Cháu Tư lên tỉnh năm trước, năm sau xin cho vợ lên dạy ở thành phố. Nhà ở phố chợ bán, vợ chồng cháu mua nhà trên thành phố. Ở các tầng trên, tầng dưới mở hàng kinh doanh. Cách đây ba năm, vợ chồng cháu mua thêm nhà trong khu chung cư Vinhomes Star City này ở cho yên tĩnh. Các cháu được như vậy, trong thâm tâm vợ chồng chúng tôi cũng mừng. Anh đã lên nhà của cháu chưa? Cách dãy nhà tôi đây khoảng hơn trăm mét”. “Chưa. Giao dịch chỉ có vợ chồng thằng con trai tôi với anh chị ấy. Tôi chỉ nghe loáng thoáng vợ chồng thằng nhà tôi mua đất trên làng. Nhưng vừa rồi anh Hân xuống chơi nói tôi mới biết câu chuyện chúng làm rắc rối đến anh chị. Tôi có hỏi vợ chồng nó. Nó bảo bố an tâm. Mọi việc các con làm đều đúng luật pháp. Nhưng rồi tôi vẫn áy náy nên mới lên hỏi anh chị”. “Thật ra, khi còn mồ ma chú Thiều, sau hai năm Tư mua đất và dỡ cái nhà gỗ ra phố chợ, nhà tôi có nói với vợ chồng cháu còn mấy thứ tranh thủ dọn đi để vợ chồng tôi cho con cháu gái bên nhà tôi hiện đang nghỉ chờ chế độ nó làm vườn trồng rau sạch. Nếu cháu nó còn nhà ở đó thì ông bà tôi đâu nỡ giục... Chuyện vợ chồng cháu Tư cứ khất lần làm thằng cả nhà tôi thấy lạ nên hắn lên ban địa chính xã xem sao. Anh cán bộ địa chính giở sổ sách ra thì thấy khu đất nhà tôi có chủ là Nguyễn Hữu Tư và vợ là Lại Anh Đào. Cháu về nói với tôi. Tôi bảo cháu đánh xe đưa tôi về Phòng Tài nguyên và môi trường huyện. Trưởng phòng giờ lại là cháu Tâm, con anh Tài cơ quan ta, chắc anh cũng biết. Cháu Tâm thấy tôi về và trình bày sự việc cháu nói cháu mới nhận chức trưởng phòng được ba năm nay. Sau đó, cháu cho nhân viên lục hồ sơ thì trước đây bảy năm huyện đã cấp giấy quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Hữu Tư và bà Lại Anh Đào khu đất thổ cư, thửa 452/ 289 có chiều rộng 22 mét, chiều dài 33,5 mét, với tổng diện tích là 737 mét vuông; thừa kế theo di chúc của người cha là Nguyễn Hữu Thiều để lại và sự thỏa thuận của bà Nguyễn Thị Mơ cùng các con đẻ và con dâu của ông bà là: Ông Nguyễn Hữu Quang và vợ là Nguyễn Thị Trinh, các con gái là Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Hiền. Biên bản do hai công chứng viên là Nguyễn Anh Tuấn, Tạ Thị Hồng Lam thuộc phòng công chứng của Luật sư Nguyễn Hải lập với sự có mặt của cán bộ địa chính xã Trần Xuân Phong. Tôi nói với cháu Tâm đây là việc giả mạo, tôi xin được photo những tài liệu này. Cháu Tâm nói với tôi đây là vấn đề nhạy cảm, cháu phải xin ý kiến của Chủ tịch huyện. Từ khi cháu về nhậm chức Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện ta cũng có vài trường hợp giả mạo giấy tờ. Mỗi trường hợp một vẻ. Con thua bạc, trộm sổ đỏ nhà đất gá cho bọn chủ hiệu cầm đồ; Chủ hiệu cầm đồ thông đồng với cán bộ địa chính, tư pháp để hợp lý hóa, sang tên chiếm luôn khu đất… Đất ở vị trí đắc địa chúng mới làm thế chứ ở những nơi hang cùng ngõ hẻm lại không có chuyện mà nói. Cháu Tâm xin phép được chụp lại cái giấy chú thím Thiều mượn đất của tôi để cháu trình đồng chí Chủ tịch huyện rồi cháu sẽ báo lại sau. Tôi như điên lên, không ngờ con cháu mình lại thành những kẻ lừa đảo thư thế! Về nhà, bà nhà tôi khuyên: “Thôi con cháu hắn đã trót làm rồi thì cho quách hắn đi cho nhẹ người. Nghĩ ngợi làm gì lại kéo ốm lên!”. Tôi nói với nhà tôi: “Khu đất đó bán được bao nhiêu tôi không quan tâm. Nhưng về đạo lý làm người như thế là không được. Còn tình anh em trong nhà, còn dòng họ nội, họ ngoại nữa chứ. Bao đời nay anh em nhà ta sống có kỷ cương, sống trong sạch sao giờ lại nứt ra cái thằng như thế không biết!”. Cậu em tôi dưới nhà nghe tin tôi như vậy bắt cháu đưa lên thăm, khuyên tôi bình tĩnh. Trước sau gì rồi trắng đen sẽ được làm rõ.
Hai tuần sau, cháu Tâm mang tập giấy photo hồ sơ lên thăm tôi và nói đồng chí Chủ tịch huyện thống nhất cho phòng cháu cử người về xã xác định thêm, làm việc với đương sự; nếu cần thì công an sẽ vào cuộc. Chủ tịch và Bí thư xã những khóa trước người đã nghỉ, người chuyển đi nơi khác. Tay Phong, cán bộ địa chính xã đã nghỉ hưu. Hai công chứng viên Nguyễn Anh Tuấn, Tạ Thị Hồng Lam thuộc phòng công chứng của Luật sư Nguyễn Hải đã bỏ làm việc ở đó. Luật sư Nguyễn Hải nhận trách nhiệm tìm hai nhân viên này để làm rõ sự việc. Phòng Tài nguyên và môi trường mời Nguyễn Hữu Tư và Lại Anh Đào lên, nói cho hai vợ chồng biết toàn bộ hồ sơ nguồn gốc địa chính thửa 452/289 đều là giả mạo. Nếu tự giác xin lỗi và trả lại đất cho gia đình tôi thì cơ quan sẽ giải quyết kỷ luật ở mức độ tự nguyện của vợ chồng anh. Nhưng vợ chồng Tư vẫn cho là việc làm của Tư đúng pháp luật. Trưởng phòng Tâm đề cập đến việc có bằng chứng vợ chồng chú Thiều mượn đất của vợ chồng tôi. Vợ chồng Tư nói không có điều đó. Vợ chồng hắn chỉ biết di chúc của bố hắn chứ không quan tâm đến những điều khác: “Các anh cho là chúng tôi giả mạo thì các anh đưa bằng chứng ra. Nếu các anh không đủ bằng chứng là các anh vu cáo!”. Về sau nghĩ lại, tôi theo ý nhà tôi và các cậu em, cũng như các con tôi, tôi nhờ cháu Tâm báo cáo với đồng chí Chủ tịch là để cho gia đình tôi xử lý trong nội bộ. Nhưng cháu Tâm nói việc mạo giấy tờ lừa cả một hệ thống công quyền từ xã đến huyện lại còn không nhận lỗi, e là khó thuyết phục được đồng chí Chủ tịch. Cháu Thái nhà tôi cũng nói nếu Tư tỉnh ra mà làm theo ý chúng tôi khuyên thì tội giả mạo gấy tờ của Tư nó cũng có thể can thiệp cho nhẹ bớt đi chứ không thể cho qua được. Tôi điện cho cháu Quang nhưng cháu đang trong đoàn các doanh nghiệp của ta đi thăm dò thị trường và ký hợp đồng ở các nước Bắc Âu. Khi cháu Quang về, vợ chồng tôi, vợ chồng cháu Quang, vợ chồng cháu Thái thống nhất là nên xin giải quyết nội bộ về chuyện này. Quang xem số hồ sơ photo do Phòng Tài nguyên và môi trường cung cấp, Quang lắc đầu và nói đây là Tư lập biên bản giả, Tư đã mạo chữ ký của tất cả. Quang thưa với tôi và Thái là Quang lo không biết Tư có dừng ở đây không hay còn có việc xa hơn thì quá rắc rối. Gần đây, mỗi lần về tỉnh công tác hay bạn bè ra làm việc, Quang được biết Tư lợi dụng ảnh hưởng quyền hành của mình giao tiếp rất rộng, nhất là với giới nhà đất. Tư biết những chỗ sẽ có dự án xây dựng các khu công nghiêp, các đường giao thông liên huyện, liên tỉnh, các công trình công cộng khác để vợ mình liên kết với một số người mua bán đất ở những nơi này để kiếm lời; cung cấp thông tin cho những người có khả năng bỏ vốn ra mua những mảnh đất vàng. Năm vợ chồng Tư dọn ra phố ở, Quang và các chị đã nhắc Tư thu dọn để trả đất, vợ chồng Quang và các chị trong nhà đã tâm sự với vợ chồng Tư: “Trong lúc gia đình mình khó khăn về kinh tế, về chỗ ở chật chội, hai bác đã tạo mọi điều kiện chỗ ở, nghề nghiệp cho bố mẹ mới có sức đủ nuôi anh em ăn học thành người. Không may bố bị bạo bệnh mất sớm hai bác đã thay cha, cùng mẹ lo toan, chỉ vẽ cho anh em học hành, phấn đấu. Dù lớn dù nhỏ chúng ta là những người có địa vị trong xã hội, không thể là kẻ vô ơn “qua cầu rút ván” như vậy”. Nhưng Tư cứ hứa quanh, không chịu trả đất. Tư cho là Tư đã có bản đồ địa chính 286 làm cơ sở. Vợ chồng Tư tránh gặp Quang và các chị. Vợ chồng Quang đưa mẹ về làng cùng các em gái quây quần trong khu nhà thờ của ông Thiều để họp bàn về chuyện trả khu vườn cho ông bà tôi nhưng vợ chồng Tư không về... Trước khi trở ra Hà Nội, vợ chồng cháu Quang có ghé qua báo cáo với hai ông bà tôi tinh thần của cuộc họp gia đình của các cháu là như thế. Nhưng ông bà tôi khuyên các cháu cố gắng thuyết phục vợ chồng Tư một lần nữa xem sao. Vợ chồng Tư vẫn không nghe. Cuối cùng, vợ chồng Quang bàn với các em và con trai tôi để Quang gọi thợ đến khoán cho người ta mua gạch về xây rào mặt tiền của khu đất nhìn ra con đường lớn mới mở. Tốp thợ đang làm thì có mấy thằng phóng xe phân khối lớn đến hỏi đểu, hăm dọa, chửi bới tục tĩu và một thằng đá vào mông một anh thợ xây. Toán thợ làng tôi không chịu thua. Sẵn xẻng, vét đánh hồ, dao xây, cả hội quyết xông trận. Vừa đánh trả vừa hô hoán người quanh đó túa ra đánh cho mấy thằng đầu gấu hỏng một xe, bỏ chạy mất dép. Toán thợ định đốt xe, may khi đó công an xã đã có mặt và ngăn lại không lại thành chuyện to. Tuần trước cháu Tâm cho biết thêm là Trần Hồng Phong, cán bộ địa chính đến công an huyện xin nạp lại số tiền 30 triệu và khai được Tư đưa cho 50 triệu để ký chứng nhận và giúp Tư xin chữ ký của Nguyễn Anh Tuấn, Tạ Thị Hồng Lam với giá 20 triệu có đóng dấu của văn phòng công chứng Nguyễn Hải.
- Thế thì thằng con trai tôi mất đứt tiền đặt cọc với Tư đến nơi rồi. Con vợ hắn nói với tôi hai bên đã ăn giá tám triệu một mét vuông. Thằng nhà tôi đã đặt cọc một tỷ. Chả trách giờ hắn câm như hến, con vợ thì cứ thở dài thườn thượt.
- Thực ra cũng như tôi nói với anh từ đầu, hay chi chuyện bố con, bác cháu, anh em ra hầu tòa việc tranh giành đất đai. Bên nào thắng kiện thì gia đình chúng tôi đều thua! Người ta sẽ đánh giá về nề nếp gia phong nhà mình! Vợ chồng cháu Quang và mấy đứa em nó, vợ chồng thằng Thái nhà tôi chúng nó bực vì thuyết phục mãi vợ chồng thằng Tư vẫn không chịu. Nó không kìm chế nỗi chuyện một thằng em lừa dối cha chú, mua chuộc công cán nắm luật pháp, lừa các cơ quan nhà nước do lòng tham. Bọn chúng thưa với vợ chồng tôi và thím Thiều không nên xin nữa mà cứ để cho pháp luật giải quyết. Chúng không sai nhưng tôi vẫn cứ áy náy! Chả trách người đời đã có câu “có con là tội sống!”. Vì đồng tiền nó đã buông bỏ cả vong linh cha ông; buông bỏ cam kết ông nội nó đã soạn thảo như là nhắc nhở, răn dạy cha mẹ nó và hai ông bà tôi trước đây. Anh nghĩ mà xem, nếu vợ chồng hắn phải ra tòa về chuyện mua chuộc cán bộ tư pháp, cán bộ hành pháp thì vợ hắn có đủ tư cách là người giáo viên nữa không? Bản thân thằng Tư có còn tư cách để giữ chức Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng nữa không? Dứt khoát là không. Mấy chục năm công tác đổ xuống sông, xuống biển dù là nhận án treo chứ chưa chừng lại ngồi nhà đá!
2. Ba tháng sau, buổi sáng ông bà Trãi đang ngồi uống trà thì chị giúp việc lên thưa là ông bà có khách. Là anh Trần Văn Đức, cán bộ địa chính xã. Sau khi uống chén nước cùng với ông bà Trãi, anh Đức lấy trong cặp ra tờ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vườn và nói: “Hôm qua cháu nhận được điện của Phòng Tài nguyên và môi trường lên để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vườn trước đây ông bà cho ông bà Thiều mượn về vào sổ địa bạ xã và đưa giao tận tay cho ông bà. Qua báo chí, biết anh Nguyễn Hữu Tư còn dính dáng đến chuyện tiền đền bù giải phóng mặt bằng ở nhiều xã phường trên thành phố trong các dự án; Cấu kết thỏa thuận ăn chia với một số người khi định giá tài sản công trong cổ phần hóa các công ty, xí nghiệp làm thất thoát nhiều tỷ đồng của nhà nước, chắc sẽ đưa ra xét xử trong một ngày gần đây. Còn vụ lập biên bản giả về thực hiện di chúc của ông Thiều đã được làm rõ. Sổ địa bạ ở xã, ở huyện còn lưu quyền sở hữu diện tích, nguồn gốc đất vườn là của ông bà. Giấy ông bà Thiều mượn đất vườn của ông bà ở còn lưu ở xã nên Phòng Tài nguyên và môi trường đã đề nghị lên Chủ tịch huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vườn của ông bà cho ông bà là trả lại quyền sử dụng đất cho chính chủ!”.
3. Như thường lệ, ngày mùng 4 âm lịch hàng năm, dòng họ Nguyễn Hữu tổ chức gặp mặt đầu xuân để chúc thọ cho các cụ cao niên và phát phần thưởng cho các cháu học giỏi. Gia đình cụ Nguyễn Hữu Trãi và gia đình cụ Trần Thị Mơ về đông vui. Năm nay cụ ông và cụ bà Nguyễn Hữu Trãi tuổi 95. Cụ Trần Thị Mơ tròn tuổi 90. Đặc biệt năm nay theo đề nghị của cụ Trưởng họ và gia đình cụ Trãi, cụ Bồng, họ mời ông chủ tịch UBND xã, ông phụ trách địa chính xã, các ông bà Trưởng thôn, đại diện Hội Nông dân tập thể, Hội người cao tuổi, và các cụ ông, cụ bà họ Lê, họ Bùi sống trong ngõ xóm cạnh nhà cụ Trãi, cụ Bồng, cụ Mơ. Sau phần chúc thọ các cụ cao niên và phát phần thưởng cho các cháu học giỏi xong đến phát biểu của các cụ được chúc thọ và cháu đại diện cho các cháu học sinh giỏi. Cụ Nguyễn Hữu Trãi phát biểu về sự vui mừng khi năm nay cụ ông và cụ bà đều ở tuổi 95, em dâu hai cụ là cụ Mơ ở tuổi 90. Cụ mời cụ bà và cụ Mơ đưa cái phong bì đã chuẩn bị sẵn cùng lên. Cụ thưa: “Tôi xin cám ơn ông Chủ tịch xã, ông Bí thư kiêm Trưởng thôn và các ông bà đại diện cho các đoàn thể thôn ta, thưa ông Trưởng họ và thân mến cùng các cháu, ông bà tôi và thím Thiều đã thống nhất hiện nay thôn Bình Tây và thôn Bắc An ta sáp nhập lại thành thôn Bình An, đang cần có một nhà văn hóa lớn cho xứng tầm với thôn mới đang phấn đấu là thôn Nông thôn mới kiểu mẫu; Ông bà tôi, thím Thiều cùng các con, các cháu xin được sử dụng quyền chính chủ, kính tặng thôn Bình An ta khu vườn trước kia là của hồi môn của bà nhà tôi được vợ chồng chú thím Thiều cùng các cháu đã gìn giữ, chăm sóc mấy chục năm nay để ta làm nhà văn hóa mới to đẹp hơn. Chúng tôi xin trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu vườn lại cho ông Chủ tịch xã để ông chỉ thị cho địa chính xã làm thủ tục giao đất cho thôn được kịp thời khởi công xây Nhà văn hóa trong mùa xuân này. Một lần nữa, đại gia đình chúng tôi xin chân thành cám ơn ông Chủ tịch UBND xã, các vị đại diện cho các đoàn thể, ông bà trưởng họ, các ông bà đại diện cho các chi, các phái và bà con trong họ cũng như các cháu đang có mặt tại đây hôm nay. Xin chúc toàn thể các vị sức khỏe, bình an và hanh thông mọi việc!”.
Ông Chủ tịch xã và ông trưởng thôn lên nhận túi đựng sổ đỏ từ tay cụ Trãi, cụ Bồng và cụ Mơ trong tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô của các vị đại biểu cùng con cháu trong dòng họ Nguyễn Hữu.
NGUYỄN HUY SÚC