Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh
Trang chủ   /   Truyện ngắn   /   Chuyện tình của một người nuôi tu hài (Truyện ngắn)
Chuyện tình của một người nuôi tu hài (Truyện ngắn)

1. Trong tay có mỗi mẫu giấy ghi số điện thoại của ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Đồn do thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh viết cho, tôi phải đi mất hơn năm tiếng rưỡi đồng hồ bằng nhiều loại phương tiện: xe đò, xe bus, xe ôm, xe ngựa và cuối cùng còn thêm một chuyến sang đò nữa mới đến được nơi khảo sát thực tế về con tu hài, một loại động vật nhuyễn thể mà tôi đang lấy làm đề tài để viết luận án tiến sĩ sinh học.
2. Lái đò là một chị trên dưới bốn mươi tuổi, thái độ cởi mở, nắm chắc lấy cánh tay tôi, giúp đưa xuống đò kèm theo một câu khen:
- Cô người Hà Nội mà chắc phết?
Tôi vội thanh minh:
- Em không phải Hà Nội đâu chị ạ, em dân miền trong.
- Sao tiếng nghe nhẹ thế? Lại rất xinh nữa!
Tôi lại “dạ” và nói tiếp, tôi có được giọng nói nhẹ như chị khen là do được hơn tám năm sống ở Hà Nội và cũng chừng ngần ấy thời gian, tôi len lỏi làm gia sư trong nhiều phố phường của thủ đô nên phải cố rèn cho mình cách phát âm chuẩn như “người Hà Nội” và tránh những từ quê mùa; còn xinh thì tôi không dám nhận, vì tôi đã từng bị anh người yêu đầu đời chê là đen trước khi bất ngờ chia tay… hoàng hôn.
Nghe thế, chị lái đò buông một tiếng gay gắt như mắng mỏ, xả giận: 
- Mẹ kiếp chứ, rặt một lũ háo sắc quáng gà. Đen của người ta là đen giòn, đen duyên. Đúng là quân quáng gà, quáng gà cả cụm. Mẹ kiếp!
Chưa hiểu ý tứ vì sao chị lái lại bất ngờ bức xúc như vậy nên tôi đành im lặng bí mật quan sát từng động thái của chị. Phải đến ba, bốn phút sau đó tôi mới tự giới thiệu để làm thân: 
- Chị ơi, em là Đan, còn tên chị là gì ạ? Em thật có phúc được gặp chị, chứ không thì đêm nay, chắc chắn em thành dân vô gia cư mất.
Chị lái đò thở dài, ngờ vực nhìn tôi và nói: 
- Tôi tên là Nu! Khổ cho cô! Thân gái dặm trường! Sao đàn bà phụ nữ ra đảo mà chỉ đi có một mình?
Tôi đành phải kể lý do cuộc đi đến đây và may mắn gặp chị Nu…
Quê tôi là một làng vùng biển nhưng ở phía Tây lại có hai ngọn núi đất giao nhau bởi một đường võng xuống như cái dấu “á”. Trên hai ngọn núi đó, cây phi lao mọc xanh ngắt quanh năm nên khi tôi mới lớn lên đã nghe trong làng, người ta gọi hai ngọn núi đó là rừng Sa Mộc. Khoảng trống giữa rừng Sa Mộc và biển là cánh đồng ruộng đất cát rộng thênh, rộng thang. Người làng tôi từ bao đời nay chuyên trồng cây dưa hấu trên cái đồng đất cát ấy.
Dưa quê tôi, quả nhỏ, chắc, da xanh nhẵn bóng, ruột lòng đào thơm ngon nức tiếng trong cả vùng nhưng từ ngày dưa hấu phía Nam tràn ra với các loại quả to, màu sắc trong ruột đỏ tươi và độ đường cao nên dưa làng tôi mất thị trường. Vì thế, người trong làng đa phần chuyển đất trồng dưa sang trồng khoai và các loại hoa màu khác. Trong làng chỉ còn chưa đầy chục hộ nhớ nghề trồng vài khoảnh nhỏ để giữ lấy giống và chỉ tiêu thụ nội bộ.
Là một giáo viên sinh học có tuổi thơ theo mẹ đi bán dưa ngoài chợ, tôi nảy ra ý định đi thi sau đại học, làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về đề tài, cách thức đưa khoa học công nghệ, và chế độ dinh dưỡng, chế độ cải tạo thổ nhưỡng để phục hồi giống dưa truyền thống của quê hương mình. 
Đề tài của tôi lúc đầu rất được hội đồng chấm thi khuyến khích nhưng sau đó các thầy “vận động” tôi chuyển hướng sang nghiên cứu về con tu hài với hai lý do: Tu hài là loại động vật biển đang cần được nuôi trồng theo công nghệ mới để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế biển. Nghiên cứu sinh nào theo đuổi loại đề tài này sẽ được cấp vài khoản tài trợ nhất định; thứ hai vùng biển quê tôi cũng có nguồn thủy sinh và độ mặn, ánh sáng và diện tích đủ để nuôi được giống động vật nhuyễn thể có áo giáp này. Quê tôi lại sát một thành phố nghỉ mát nổi tiếng, nếu nuôi tu hài thành công thì luôn có tương lai về một thị trường tiêu thụ tiềm tàng.
Là giáo viên dạy sinh học ở một trường cấp ba thuộc địa bàn nghèo nhất nhì huyện xa, tỉnh lẻ, lại đang phải nuôi con mọn nên tôi vui lòng chấp nhận sự thay đổi đề tài nghiên cứu. Chấp nhận rồi, tôi mới nhận ra rất nhiều khó khăn thực tại và phía trước. Tuy nhiên tôi không hề nản. Vì thế, tôi đã từng đi tàu hỏa, vé ngồi ghế gỗ vào tận Nha Trang để khảo sát và nghiên cứu về con tu hài. Tôi cũng đã đến bảy, tám nơi ở các huyện miền duyên hải, dài đến hơn một trăm cây số của tỉnh nhà để lấy tư liệu thực tế về môi trường, về “chế độ thủy sinh” đủ cho giống tu hài phát triển để viết các bài khóa luận và chuẩn bị cho giai đoạn viết bản luận án chính văn. Thế mà vẫn chưa đủ nên lần này tôi đến huyện đảo Vân Đồn, vì theo truyền thông, ở địa chỉ này, việc nuôi tu hài đang thành phong trào, nhiều hộ ngư dân đã coi đây là một nghề mưu sinh trụ cột, có tiền đồ. Sản phẩm của các hộ nuôi trồng tu hài trong huyện đã có mặt tại các đô thị lớn, ở các chuỗi khách sạn nổi tiếng và còn được xuất khẩu cho một số nước lân cận nữa.
“Dấn vốn” chỉ có hơn ba triệu rưỡi đồng, trong đó đã gửi hai triệu về bà ngoại nhờ nuôi con nhỏ, tôi còn phải đi các loại xe như đã nói ở trên mới đến được bến đò có chị lái tốt bụng này.
Có lẽ trông thấy tôi mệt mỏi, nhếch nhác sau chặng đường dài nên chị Nu lấy chai nước loại một lít rưỡi đưa cho tôi uống rồi thốt lên nhắc lại lời thấu cảm đã nói: “Khổ cho cô! Thân gái dặm trường!”.
3. Đi đò với chị Nu sang bến bên phía đảo chính, tôi mới biết chị không phải là người làm nghề lái đò. Con thuyền nhỏ chắc chắn do chị chèo là “cái xe máy” trên đường sông nước của gia đình như cách chị nói.
Nghe tôi kể rõ lí do chuyến đi, chị Nu thay cách gọi tôi là cô bằng gọi là em. Chị bảo:
- Nếu chỉ có thế thì em không cần vội gặp ngay ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện đảo làm gì. Bây giờ em đến nhà chị nghỉ ngơi, ăn tối, ngủ đẫy một giấc cho lại sức. Rồi từ sáng mai, tha hồ mà nghiên cứu với khảo sát. Nhà chị có ba bè lớn, nhỏ cả thảy; cái bè lớn làm thành nhà ba gian thì một gian làm lồng nuôi tu hài đang cho nhập sản, các gian còn lại làm chỗ ở. Hai bè nhỏ thì có bốn chuồng loại ba mươi khối, mỗi chuồng nuôi một loại tu hài có độ tuổi khác nhau. Nếu em cần phải giữ lễ để sau này còn quan hệ công tác thì hôm nào xong việc, trước khi về Hà Nội, gọi phôn cảm ơn ông Chủ tịch Hội Nông dân một câu; hoặc để chị mời ông ấy xuống đây, em gặp trực tiếp cũng được.
Tôi sung sướng đến mức reo lên như trẻ con thấy mẹ về chợ: 
- Ôi thế ạ! Em lại lần nữa gặp được quý nhân phù trợ rồi!
Chị Nu hì lên tiếng nói: 
- Quý nhân, quý nhiếc gì, là phụ nữ với nhau, thấy em vì việc học mà phải đi lại vất vả nên chị thương tình cho em thôi. Với lại, nhà ông Chủ tịch Hội Nông dân ở trung tâm đảo, xa cách đây hơn mười cây số. Tối rồi, mình đàn bà phụ nữ tìm đến nhà quan chức lúc đêm hôm cũng không tiện cho lắm.
Tôi đáp: 
- Vâng, cũng chỉ là đến ông ấy để nhờ giới thiệu xuống cơ sở thôi ạ. Đã có chị Nu là một “cơ sở” hết sức hảo tâm và thương quý bảo lãnh rồi thì em hoàn toàn yên tâm ạ!
Thuyền vừa đáp bến, chị Nu gọi phôn cho ai đó rồi cột thuyền vào một cái ụ nhỏ sơn màu đen. 
Hai chúng tôi lên bến được một lúc thì chồng chị, anh Tùng chạy một chiếc Min-khơ màu đỏ, hai ống xả đến. Chị Nu bảo tôi, chị đã gọi cho chồng chở thẳng chúng tôi ra nhà bè luôn và sẽ ăn cơm tối tại đó.
Anh Tùng, người dáng cao, mặt hơi gầy nhưng thân thể chắc lẳn, vai và lưng rộng một cách hoành tráng. Thấy tôi, anh gật đầu chào trước rồi sau khi nghe vợ giới thiệu mấy lời trích ngang và lí do tôi đến đây làm khách, anh cười hiền lành ra hiệu cho vợ và tôi lên xe.
Anh zin ba, chị Nu ngồi giữa, tôi ngồi chặn hậu phía sau chị.
Khi đã yên vị rồi, anh dặn: “Đường núi gồ ghề! Mọi người phải ôm chặt vào nhau đấy nhé!”.
Chị Nu kéo tay tôi bảo, ôm chặt lấy chị trước khi chị ôm eo ông xã chị và vui vẻ phát lệnh: 
- Chúng em xin vâng nhời! Mời thủ trưởng ra quân, lên đường, vù về nhà ạ!
Con đường nhỏ mới mở băng qua một lèn núi thấp, đá dăm còn lổn nhổn lẫn với đất đỏ thế mà ông xế của hai chúng tôi đã khéo lựa tay lái, tay phanh nên xe không bị chồm, bị pan chút nào. Chị Nu áp má vào cái lưng áo đẫm mồ hôi của anh chồng như muốn tận hưởng bằng hết ân tình phu phụ. 
4. Buổi tối, chúng tôi cơm xong ở sàn nhà bè chính thì trăng mười sáu đã lên cao chừng độ con sào.
Anh Tùng nằm ở cái võng lưới kể chuyện cổ tích cho con gái tên Na, bảy tuổi nghe, còn chị Nu thì dẫn tôi đi thăm các lồng bè nuôi tu hài, xem cảnh chúng sinh trưởng ban đêm.
Mỗi người chúng tôi đều buộc một ngọn đèn pin lên trán, thế nên chỉ cần cúi xuống là thấy thế giới đời sống sinh hoạt ban đêm của cộng đồng tu hài đông đúc trong từng chiếc thùng gỗ lớn hình vuông đeo trên các con sào trong lồng nuôi. Chị Nu bảo tôi, chỉ cần lướt qua để “làm quen” thôi, chứ phải có thời gian dăm bảy ngày thì mới biết hết các cách chúng sinh sôi nảy nở trong cát lẫn nước như thế nào, chúng ăn gì, uống gì, ngoi lên đưa vòi hít không khí để thở và lớn lên từng ngày như thế nào? Chúng có khỏe mạnh, hay bị dịch bệnh không? Rồi người nuôi cần thuốc men chữa trị như thế nào để có được những con tu hài thành phẩm, khi bán, khách hàng không tiếc bỏ đồng tiền ra mua…
Cưỡi ngựa xem hoa thế giới tu hài chừng gần một giờ thì xong, chị Nu giục tôi đi ngủ sớm kẻo mệt.
Tôi thưa với chị, tôi chẳng hề mệt mỏi gì, chắc là nhờ bữa ăn ngon toàn hải sản tươi sống và kết quả công việc đi thực tế của tôi ngay thoạt đầu đã may mắn, hanh thông. Tôi đề nghị chị rất muốn được hóng mát và ngắm trăng giữa thiên nhiên trời nước bao la trong đêm đầu đến huyện đảo Vân Đồn mà trước đây tôi chỉ mới được xem truyền hình hoặc đọc trong sách, báo.
Chị Nu xởi lởi: 
- Cô em cũng lãng mạn đấy. Chị sẽ chiều cô em ngay! Chờ chị tí!
Nói rồi, chị đi nhanh về phía buồng ngủ. Lúc chị quay ra, thấy một tay xách hai cái ghế màu đen, loại ghế làm giường nằm khá bắt mắt, còn một tay cầm túi nilon đựng mấy chai nước.
Tôi giúp chị Nu bày ghế, bày nước. Hai chị em nằm hướng ra phía biển ngắm trăng lên.
Bỗng chị Nu nghển người lên, ngó sang tôi, hỏi: 
- Em thấy cảnh ở đây thần tình chưa?
Tôi hưởng ứng: 
- Rất tuyệt, rất thần tình chị ạ! Tiên cảnh chắc cũng chỉ được như thế này thôi!
Chị Nu cười lớn: 
- Đúng là em học cao, rất tâm hồn đấy! Anh xã chị cũng hay ví chỗ này giống tiên cảnh mỗi khi vợ chồng chị nằm chơi hóng mát, hóng trăng! Chị thấy anh xã chị và em nói rất hay về sông nước ở đây! Đúng là tiên cảnh! Đúng là thần tình.
Tựa như có một sự hoan hỉ bùng phát trong lòng nên tôi liền lên giọng nịnh chị Nu: 
- Vâng! Anh chị thật hạnh phúc! Hạnh phúc trang trọng! Lúc ở bến đò, thoạt nhìn chị, em đã cảm thấy chị nét nào cũng đầy dặn, vẻ nào cũng khoan hậu, chị đúng là típ người sinh ra để làm phúc và hưởng phúc!
Chị Nu: 
- Em khen chị quá lời rồi! Phận chị cũng nhọc lắm em ơi. Ối trời trời, em mà nghe nỗi truân chuyên của chị thì đêm nay không khéo bị mất ngủ trắng đêm đấy, mà chung quy cũng chỉ phải cái tội rất ất ơ là thời con gái, da chị đen như củ súng ấy.
Tôi làm bộ tò mò: 
- Thế ạ! Nhưng em thấy da chị rất hồng hào mà!
Chị Nu nói:
- Giờ mình có con, đàn bà phụ nữ sau mỗi lần sinh nở là một lần lột xác. Chị cứ phải luôn lạy giời phù hộ cho đấy! Đan có biết, tại sao lúc mới gặp nhau ở bến đò, em nhắc đến cái thằng người yêu đầu đời quáng gà chê em là da đen khiến chị nổi nóng không? Chị bức xúc là có cớ, có chứng đấy nha.
Tôi vẫn giọng nịnh: 
- Dạ! Chị Nu thật nhạy cảm và có ý chí, có bản lĩnh bảo vệ nữ quyền tới cùng đấy ạ…
Chị Nu bỗng thở dài: 
- Cô lại làm chị phổng mũi rồi! Chị có bản lĩnh, bản lương, nữ quyền nữ lợi gì đâu? Nó như cái dằm, đụng đến là nhói, là kến trong da, trong thịt. Nghe thấy, nhớ đến là tức lắm, tức lắm lắm...
Nói đến đấy, chị Nu lại nghển mình, dùng hai chân chuồi chuồi, nhích cái ghế giả giường nằm sát vào cạnh ghế của tôi, rồi rủ rỉ kể về tình yêu và sự cơ nhỡ của chị…
… Mới lên mười tuổi, cô bé Nu đã theo cha mẹ làm nghề chèo đò ở quê. Với gia đình cô, chèo đò là nghề truyền đời, truyền nghèo. Ít năm sau, khi vào tuổi sắp lớn thì cha cô giao chiếc đò gần như tã nát cho vợ con để đi phương xa tìm việc, mong đổi đời khỏi cái nghề đò giang sông nước. Người cha đi một năm không về, rồi hai, ba năm sau cũng không thấy về cùng với rất nhiều lời đồn thổi, rằng ông ấy đã có vợ hai, rằng ông ấy đã chết; rằng ông ấy đi mở sòng bạc ở Campuchia giàu lắm rồi phắn sang Canada nhập quốc tịch G7…
Khi cô bé Nu bước vào tuổi mười bảy, thành một cô gái khỏe mạnh xinh giòn thì được một chàng học trò lớp mười hai trường huyện tên là Nhân yêu như mất hết cả hồn vía.
Nhân là con nhà gia thế nổi tiếng trong vùng, người cha tên là Phúc từng làm Phó Chủ tịch huyện và đặt tên đàn con bốn đứa của mình thành một dãy nối dài là Phúc - Lộc - Đắc - Nhân - Tâm.
Trong số bốn con của ông Phúc, chỉ có Nhân là con trai vì thế cậu ta được cưng chiều hết mực.
Nhân đẹp trai, dáng người cao ráo, đường nét thanh tú với nước da trắng hồng kiểu công tử thời xưa với vẻ mặt đẹp như ngọc, với đôi môi đỏ như son. Không những thế Nhân được tiếng là học giỏi và quảng giao.
Nhân yêu Nu do các lần anh ta sang đò lên phố huyện trọ học. Một lần, do chuyến đò vắng cập bờ, lúc được Nhân nắm tay và ghé vào tai ngỏ lời yêu thương tỏ tình, cô choáng đến lặng cả người, phải vội rời tay ra, ôm ngực và lảo đảo quỵ xuống, khiến Nhân tưởng Nu bị ngất, vội ôm chặt lấy cô “dựng” lên.
Nu run lẩy bẩy và tóa hết mồ hôi hột trong vòng tay của Nhân rồi gắng hết sức, thều thào hỏi nhỏ: 
- Anh ơi! Anh nói, anh yêu em là thật chứ? Anh mà đùa em, phải tội chết!
Nhân vẫn ôm Nu, chà chà, lướt lướt đôi môi “đỏ như son” lên môi, lên má, lên mắt, lên mặt cô, tay ôm siết chặt hơn thay cho trả lời.
Trong mê man tia chớp tình đầu, Nu vẫn cố gặng thêm mấy lời đứt quãng: 
- Anh Nhân yêu em thật… chư…ứ? 
- Hơn cả thật! - Nhân đáp trong nhừa nhựa nước miếng đã đầy cả miệng!
Thế là đủ để Nu tin Nhân, lập cập đi theo Nhân vào sâu, vào sâu hơn lối mòn vắng vẻ trong đồi kè.
Chàng trai và cô gái say sưa, iu ấp, thề thốt bao nhiêu điều, hỏi đi hỏi lại bao nhiêu điều về tình yêu, về yêu ít, yêu nhiều, về ngày mai, ngày mốt… hết cả buổi sáng mà chàng đã bỏ bốn tiết học, nàng bỏ mấy chuyến đò. Họ cũng chẳng có tí thời gian nào để mà biết sợ, rằng trong đồi kè cổ thụ này, tương truyền là luôn có ba, bốn ma nữ, dòng thất tình, bạc mệnh hiện hình mỗi khi đêm xuống, mỗi khi trăng tà, trăng lu.
Sau hiệp cuối thiên đàng trước khi trở lại bến đò, nghĩ mình đã hoàn toàn thuộc về Nhân từ chân tơ kẽ tóc, Nu đầy hy vọng, tự tin và thành tâm hỏi: 
- Anh Nhân thấy em thế nào? Cứ coi em là người vợ hiền đi, anh có chê cũng được, em không tự ái đâu!
Nhân ôm lấy cô gái ánh mắt đang tràn trề hy vọng, khen:
- Em đẹp từng mi li - xăng ti, em là thần tượng của anh.
- Anh đừng nói với em lời cao xa đấy làm gì! Em nhà quê lại ít học, anh có điều nào, ý nào điều chỉnh em, em xin sửa ngay.
Nhân cười tóa, rồi đưa tay xuống phía dưới Nu, nghịch ngợm gang dọc gang ngang, trước khi lại ôm chặt lấy Nu: 
- Rất mực hoành tráng! Không hề có tì vết gì cả. Anh tự hào có Nu trong suốt cuộc đời anh.
Nu vẫn tiếp tục gặng hỏi, cuối cùng thì Nhân lại mở cúc ngực áo của Nu ra hôn hít rồi bất ngờ nhận xét: 
- Bên trong em đều trắng ngần sao mặt lại hơi… bị đen đen nhỉ?
Nu không hề tự ái, có lẽ vẫn đang cơn mê man với yêu đương nên cô vội nói như thanh minh: 
- Em chèo đò suốt ngày phơi nắng, phơi mưa nên da bị cháy đi đấy! Bố mẹ em đặt tên em là Nu cũng phải! Anh Nhân có thương em nhiều không?
Nhân nói tiếp:
- Thương lắm! Chính em ngăm ngăm da nâu thế này nên càng nhìn lâu càng đẹp, càng thấy sự đằm thắm, duyên dáng.
Nu mừng đến ứa nước mắt, hỏi lại: 
- Thật vậy không anh? Anh Nhân “Đừng chê em xấu em đen/ Em như nước đục đánh phèn lại trong”, anh nhé!
Nhân bế bổng Nu lên xoay một vòng. Nu như được bay trong một thế giới huyền ảo còn ắp đầy hương vị xúc cảm từ cuộc ái ân vừa mãn…
Hôm đó, lúc chạp tối từ bến đò về nhà, Nu đã không giấu giếm gì bà mẹ một đời chèo đò với niềm tự hào sẽ được làm vợ một chàng trai đẹp nổi tiếng, làm con dâu một gia đình có dòng họ nổi tiếng trong làng… và, tương lai sẽ không phải làm cái nghề chèo đò vất vả, luôn có nguy hiểm rình rập nữa.
Bà mẹ nghe xong lặng đi một lúc rồi mới khóc mếu, khóc máo nói với cô con gái còn chưa đủ thành niên, rằng bà chẳng thể tin điều hy vọng của con gái bà sẽ trở thành hiện thực. Bởi vì không môn đăng hộ đối, bởi vì đũa lệch bát mẻ chòi mâm son. Bà không tin còn bởi, lời của cậu Nhân là lời nói huếnh, chỉ lời nói của một kẻ háo sắc mới lớn…
Bà mẹ càng nói càng chứa chan nước mắt và khi bà sợ cái nỗi không còn trinh trắng của cô thì Nu hét lên: 
- Mẹ im đi! Mẹ nói lời độc miệng quá!
*
Cái hôm Nu và Nhân ra khỏi đồi kè cổ thụ, tuy người trước người sau, cách nhau mười phút rồi chàng cưỡi xe đạp địa hình lên trường còn nàng theo một lối khác có rặng tre um tùm cạnh sông để về bến đò nhưng chỉ ngày sau, câu chuyện tưởng như chỉ có trời đất và các tán lá kè biết thì cả làng đều biết, rồi ở trường cấp ba trên huyện cũng biết.
Ông Phó Chủ tịch huyện phải chạy cho cậu con trai duy nhất sang tỉnh bạn học, có sự giám sát của vợ chồng người con gái đầu tên là Lộc, đang là quan chức cấp phòng và phó sở bên đó.
Cậu Nhân, khi chia tay với mấy thằng bạn thân ở làng để đi “du học” tỉnh bạn, đã dặn lại: “Cái con Nu mặt đen đúng là của nợ! Tao vừa dính vào nó liền bị đen như chó mực ngay! Chúng mày liệu hồn mà tránh xa nó đấy!”.
Lời ác khẩu bạc tình bất nghĩa đó đến với cô trong lúc đang đưa một chuyến đò đầy sang sông…
Chị Nu kể đến đó liền ngồi bật dậy, mở chai nước, uống một hơi gần cạn, mắt chị đăm đắm nhìn vào chỗ không có ánh trăng.
Tôi chép miệng:
- Đồ tồi!
Chị Nu bực dọc nói:
- Phải nói là đểu xỏ, bất lương mới đúng.
Tôi đáp “vâng” và tò mò gạ hỏi: 
- Thế, chị Nu ra Vân Đồn đã lâu chưa ạ? 
- Ngay chiều ngày hôm ấy! Lúc đầu cũng chẳng biết đi đâu. Cứ nghĩ, phải vọt đại lên một cái xe vào Nam ra Bắc gì gì cũng được. Ba ngày đầu chị sống như người bị chứng ngây, có lúc phải nhặt một cái kim tiêm, vờ đóng vai con nghiện đói thuốc mới thoát được bọn bắt cóc. Nửa tháng sau thì gặp được ân nhân, một đại ân nhân, em có biết là ai không?…
Tôi đáp:
- Em đoán ra rồi! Có phải là anh Tùng, xế nhà mình không ạ?
Chị Nu nhìn nhanh về phía gian nhà làm phòng ở rồi nói: 
- Cô tinh đấy! Còn lấy đâu ra nữa?
Tôi cười hỏi thêm một câu nữa để gợi thêm sự trải lòng của chị: 
- Cuộc với anh Tùng chắc là một thiên diễm tình có hậu chị nhỉ? Đúng là anh hùng cứu mỹ nhân.
Chị Nu cao hứng: 
- Còn gấp mấy lần thế, em ạ! Anh chị không phải anh hùng mà cũng chẳng phải mỹ nhân nhưng là tình yêu, là khoan dung, là hạnh phúc, chị chẳng mong gì hơn thế!
Tôi gạ: 
- Vâng ạ! Chị Nu ơi, trăng đang đẹp thế này mà em được nghe kể tiếp về một thiên tình sử đã vượt qua bao nỗi thì cũng đáng là một chuyến đi thực tế để đời. Chị ơi, chị kể về tình yêu của anh chị đi ạ.
Chị Nu khẽ cười: 
- Cô em khéo quá đi mất. Ừ thì coi như gặp được người cùng cảnh, chị lại dốc hết ruột gan với cô nữa đây.
Chị Nụ dịch người ghé gần tôi hơn chút rồi chị kể: Chị gặp được anh Tùng lúc chị gần như bị đói lả. Anh ấy hỏi vì sao lại cơ nhỡ đến nông nỗi này. Chị dốc hết sự tình. Anh ấy bảo, nếu không còn con đường nào nữa thì anh ấy sẽ cưu mang cơm ăn nước uống một tuần, nếu giao công việc mà làm tròn được thì trả bằng công thợ chính bốn trăm nghìn đồng một ngày, không trừ tiền cơm. Sau một tuần, tính tiếp. Nơi chị đến tá túc trong bảy ngày là ra đảo. Nghe nói ra đảo chị hoảng vội chối, anh ấy bảo, tùy. Chị vẫn chối, anh ấy đưa cho chị năm trăm nghìn đồng bảo, cầm lấy, độ nhật, kẻo chết đói rồi vù xe chạy đi. Chẳng biết thế nào mà chị lại chạy theo, gọi thất thanh “Anh ơi, chờ em với!”. Anh Tùng quay xe lại. Chị khóc, nói: “Em không còn đường sống nữa nhưng em không phải người xấu, anh đừng hại em, anh nhé”. Nghe thế anh Tùng cười nhạt: “Cô nhìn cái mặt tôi đi, kẻ hại người mà mặt mũi như thế này à? Có đi hay không thì bảo? Tôi đang vội!”. “Dạ, em vâng lời anh trai”. Chị nói thế và ngồi lên xe anh Tùng. Khi chạy qua một cửa hàng tạp hóa, anh ấy dừng xe bảo: “Năm trăm nghìn đồng tôi vừa đưa, cô vào mua đồ phụ tùng chị em đi, ra đảo của ấy hiếm, phải đi gần chục cây số mới mua được”. Chị ngượng chín cả người nhưng răm rắp nghe lời và thầm phục anh Tùng là người cực kỳ tinh tế, thấu cảm.
Ra đến đảo, tức là chỗ nhà bè chị em mình đang nằm hóng trăng đây này, anh Tùng chỉ cho chị chỗ tắm giặt, rồi anh lấy các thứ bảo chị làm cơm đủ hai người ăn tối. Còn anh thì đi chăm sóc bữa ăn cho các chuồng nuôi giống tu hài. “Bữa cơm đó chắc ngon lắm!” - tôi ngắt lời chị Nu. Chị bảo: “Lại còn không ngon nữa! Nhưng chị vừa ăn trong nước mắt, vừa lo lo vì anh Tùng cứ luôn tiếp cho chị”. Tôi lại ngắt lời chị Nu: “Anh Tùng chu đáo thế sao chị còn phải lo lo?”. “Cái cô này, ai mà biết trước đàn ông là thế nào? Trên trời dưới nước, một đàn ông, một đàn bà trên bè, sao chị lại không lo? Nhưng rồi cơm nước xong, anh Tùng đưa chìa khóa cho chị, bảo khóa trái trong phòng lại mà ngủ cho yên giấc, đi suốt mấy ngày lại đói khát, chắc chị mệt lắm. Chị cảm thấy xấu hổ trong lòng, rồi líu ríu cảm ơn anh Tùng, đi vào phòng ngủ. Tuy vậy, chị vào phòng rồi chị vẫn khóa trái cửa và còn chẹn thêm một cái ghế nữa.
Hôm sau, chị dậy sớm thì đã thấy anh Tùng đã ở nhà bè. Anh bảo chị, làm bữa sáng bằng mì sợi nấu với tôm và rau cải cúc để hai người ăn.
Từ buổi sáng ấy, ngày ngày từ bình minh đến chập tối, chị phụ giúp anh Tùng nuôi tu hài và đặc trách khoản cơm nước.
Đến chiều ngày thứ bảy, anh Tùng tự tay pha trà mời chị uống và hỏi, chị có tiếp tục công việc này được không? Nếu tiếp tục thì tiền lương một tháng là mười triệu đồng, cơm nuôi.
Chị mừng như bắt được vàng mười và chỉ một mực nói lời tạ ân.
Hôm sau, anh Tùng đưa chị vào đất liền mua thêm quần áo mới và một số trang phục bảo hiểm cho chị. Sau đó đưa chị đến các đại lý thức ăn gia súc, gia cầm “ra mắt” để chị sẽ thay anh ấy đi mua. Rồi anh Tùng sắm hẳn một con thuyền làm đò để mỗi khi vào đất liền có việc. Đấy, cô em “thông” cả rồi chứ? 
- Dạ! Anh Tùng thật quân tử, thật báu vật, nói như cách bọn trẻ bây giờ là người đàn ông sành điệu, đẳng cấp năm-bờ-oăn. Chị Nu ơi, thông thì em thông rồi nhưng em vẫn cứ muốn nghe tiếp vài trường đoạn mới của thiên diễm tình anh Tùng, chị Nu.
Chị Nu bật cười thành tiếng nhưng rồi hạ giọng chỉ đủ cho tôi và chị nghe: 
- Cô vẫn khéo quá đấy nhưng báu vật thì phải biết bí mật mà giữ gìn chứ, chị không kể đâu. Nếu em thấy anh chị thật sự hạnh phúc và hanh thông công việc thì coi như chị đã kể xong đến tận đoạn kết rồi! Khuya rồi đấy, em vào ngủ đi, mai là ngày bắt đầu, sẽ rất nhiều việc đấy.
Nói thế rồi, chị Nu liền thu dọn các thứ, tôi cùng giúp với chị. Dưới ánh trăng như ban ngày, tôi thấy gương mặt chị ngời sáng các nét vui tươi hoàn hảo.
5. Là người vốn dễ ngủ, thế mà đêm ấy, khi trăng mười sáu đã chếch về mé sau nhà bè, đầu óc tôi vẫn tỉnh như sáo, cơ thể chẳng có biểu hiện gì mỏi mệt sau một chuyến đi đường dài hết bộ đến thủy, hết xe đến đò. Có lẽ tâm thái tôi đang hứng khởi, phấn chấn bởi những gì tôi cần biết kỹ hơn về loài thủy sản tu hài thì chúng nằm ngay dưới các lồng bè quanh tôi. Chỉ bốn, năm tiếng đồng hồ nữa thôi, khi ngày mới bắt đầu bằng ánh bình minh từ phía biển, tôi sẽ thực hiện việc quan trọng nhất trong chuyến đi của mình. Trong đầu tôi hiện lên cái đề cương bản chính văn luận án tiến sĩ, hiện lên lời nói đầu và các chương mục… Tất cả đều rõ nét như có thể đọc được từng con chữ, từng dấu chấm xuống hàng. Đang khi ấy thì có tiếng bé gái ọ ẹ rồi tiếng chị Nu, tuy có ngái ngủ nhưng dịu dàng nựng dỗ: “Ây ầy, con gái ngoan ngủ nào, Na của mẹ ngủ ngoan đi nào…”. Rồi tiếp đó là lời ru mượt mà, tỉnh táo trong trẻo của chị cất lên: “À.. à ạ ơi! Đừng chê em xấu, em đen/ Em như nước đục đánh phèn lại (ơ) trong… ong”.
Nghe thế, tôi liền “tâm tư” với câu chuyện tình đầu đời của chị Nu. Phải chăng mặc dù đã có hạnh phúc viên mãn rồi nhưng cái quá khứ bị khinh khi, rẻ mạt thời nghèo chưa xa đã biến thành nỗi niềm đeo bám, mọc rễ trong số phận chị?
Có thể lắm chứ và âu đó cũng là một sắc thái không hề cá biệt của nữ tính. Đó là hay hồi cố và luôn đằm thắm căn cơ ân nghĩa. Vâng! Một trạng thái nữ tính mà tôi vừa mới chợt nghĩ ra thôi.
   

TRẦN ĐOAN TRANG  


Các tin liên quan

Thống kê truy cập
 Đang online: 109
 Hôm nay: 1702
 Tổng số truy cập: 9053334
Cửa sổ văn hóa

  • TẠP CHÍ VĂN NGHỆ XỨ THANH
  • Địa chỉ: Tầng 9, trụ sở hợp khối các đơn vị sự nghiệp tỉnh, đường Lý Nam Đế, Phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa - Điện thoại: 0237.3859.400
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Thy Lan
  • Website: tapchixuthanh.vn - Email: tapchixuthanh@gmail.com
  • Giấy phép số 187/GP-TTĐT do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cấp ngày 26/10/2023
  • Đơn vị xây dựng: Trung tâm CNTT&TT Thanh Hóa