Người đàn bà trên đèo Cái Rốn (Truyện ngắn)
Phó Chủ tịch huyện Mường Chiềng, vội vàng chạy đến ôm lấy bà cụ:
- Mú(1) lại trốn lên đèo nữa à? Mú già rồi. Già lắm rồi. Đừng ở nhà cỏ trên đèo nữa mú ơi! Cháu trai đã làm nhà sàn cho mú rồi mà. Một ngôi nhà sàn có cái bếp khách thật rộng, thật to. Bên cạnh bếp khách có cả những chĩnh rượu cần nữa đấy! Buổi tối mú vẫn đốt lửa cho sáng cửa sáng nhà. Bếp khách của mú có lửa, người Chiềng Hạ đến sàn chơi thăm mú rất đông. Người già uống rượu cần. Con gái, con trai, đàn ông, đàn bà cũng đến uống rượu cần. Người Chiềng Hạ vừa uống rượu cần vừa đối Xường(2) với nhau! Mú ngồi nghe xường rồi cứ thế cười. Mú bảo: Cười nhiều cho người nó khỏe ra. Mú phải khỏe để lên đèo xem người ta làm con đường lớn. Con đường lớn này sắp đến rồi mú ạ. Ta xuống núi thôi.
Bà lão chỉ tôi rồi nói như mê sảng:
- Nó đến rồi! Người làm đường đã đến rồi. Nó đấy! Du Chẻm(3) thấy không?
- Cháu thấy rồi. Người làm con đường lớn đến rồi. Sang năm Chiềng Hạ ta sẽ có đường. Mú phải sống thật lâu để nhìn thấy con đường mới. Đúng không nào?
Bà lão mếu máo cười:
- Ta phải sống chứ. Ta sống để đợi cháu ta. Nó là thằng trai Mường tốt! Nó đã cõng ta lên đèo thăm môống xô(4) nó đấy. Có đường mới môống xô nó sẽ về nhà, ta không phải lên đèo thăm nữa. Đúng không du Chẻm?
Tôi đến bên thiếu phụ Mường Chiềng:
- Bà cụ luôn miệng nhắc đến cháu trai mình. Người đó là ai? Tại sao cậu ta không chăm sóc cho bà.
- Đó là cháu ngoại của mú. Cháu nuôi thôi. Anh ấy về Chiềng tìm rồi nhận mú làm bà ngoại đã sáu, bảy năm rồi. Người cháu này công tác ở nước ngoài. Một năm anh chỉ về nước được vài lần. Tiền làm nhà sàn. Tiền nuôi dưỡng, chăm sóc bà cho đến cuối đời cũng là của anh ấy cả. Cháu còn nghe nói: Tiền sửa chữa, nâng cấp đường Khe Lum là do anh ấy làm thêm và vận động người Việt đang sống và làm việc ở Nhật Bản đóng góp rồi gửi về đúng không cô?
Tôi ấp úng trả lời:
- Nhà tài trợ này muốn giấu mặt, giấu tên nên mình cũng không biết là ai. Lần này mình lên đây là để bàn với địa phương một vấn đề quan trọng: Bộ muốn nhân dân địa phương tự chọn lấy nhà thầu và cùng tham gia làm đường với tư cách là người kiểm tra, giám sát. Bộ trưởng đã quyết định chuyển thẳng số tiền đầu tư này về cho nhân dân Mường Chiềng tự quản lý. Người ta đầu tư cho dân thì nó phải thực sự là của dân. Phải do nhân dân làm chủ. Cô thấy quyết định này thế nào?
Phó Chủ tịch huyện Mường Chiềng rất cảm động. Chị nói:
- Cháu thay mặt nhân dân Mường Chiềng cảm ơn Bộ trưởng.
Thiếu phụ nhìn xuống đường rồi nói tiếp:
- Mường Chiềng đang rất khát một con đường cô ạ. Tỉnh đã làm dự án trình Bộ từ mấy năm nay nhưng chưa được duyệt. Không biết dự án này bị vướng mắc ở chỗ nào? Rất may là có được một tấm lòng vàng. Nhà đầu tư này còn nói: Đây là con đường đền ơn đáp nghĩa. Cháu cũng không hiểu vì sao. Nhưng vì sao thì Mường Chiềng cũng được cứu rồi! Có đường thì gần hai mươi vạn dân của huyện này mới mong thoát được nghèo.
Tôi cười:
- Đúng thế! Con đường còn là cốt lõi để xóa đói giảm nghèo bền vững. Mà này! Cháu bảo: Nhà đầu tư gọi đây là con đường “Đền ơn đáp nghĩa” à?
- Vâng! Lần đầu tiên về thăm Chiềng người này đã nói: Gia đình mình nợ người dân Mường Chiềng nhiều lắm! Không chỉ nợ nghĩa, nợ tình mà nợ cả xương máu nữa cô à.
Tôi giật nảy mình: “Con đường... đền ơn đáp nghĩa... Nhà đầu tư công tác ở nước ngoài... Nhật Bản... Không chỉ nợ tình, nợ nghĩa mà nợ cả xương máu nữa...”. Chuyện này là sao nhỉ? Lẽ nào lại là nó? Không thể nào là nó được... Thằng bé không thể làm được chuyện động trời này.
Đã non trưa. Mây trắng vẫn chảy tuôn từ trên núi cao xuống các thung lũng sâu như thác đổ. Những cơn gió vật vã. Đỉnh đèo Cái Rốn trôi bồng bềnh. Khuôn mặt của người đàn bà tuổi tác lúc ẩn lúc hiện. Tiều tụy, xanh xao. Đôi mắt mờ đục của bà nhìn tôi xuyên qua lớp mây trắng đục, mỏng tang. Bà nhìn mãi, nhìn mãi. Tôi rùng mình khi thấy từ trong hai hốc mắt của bà ứa ra hai giọt nước khô khốc, nóng bỏng. Một cảm giác mơ hồ nhưng rất nặng nề chợt ập đến. Tôi há miệng đớp lấy một túm mây cho dễ thở hơn. Bà lão này! Cái nhìn ấy... quen quen: “Không những nợ tình, nợ nghĩa mà nợ cả xương máu nữa...”. Tôi thảng thốt kêu lên:
- Không thể có chuyện này. Không đúng!
Thiếu phụ Mường Chiềng giật mình quay lại.
Tôi vẫn bị đẩy trôi đi trong mây. Đi đâu? Chỉ là những bước chân vô thức. Tôi quay ngoắt lại. Cũng bằng những hành động vô thức, tôi sà xuống bên cái lều cỏ cô đơn giữa đỉnh đèo, phũ phàng gạt thiếu phụ Mường Chiềng ra rồi cởi cái áo khoác màu xanh rêu choàng lên vai bà lão. Bà vẫn nhìn tôi. Không biết bà lão đã nhìn thấy gì qua lớp mây trắng mỏng tang đang vật vờ trôi giữa mặt tôi với khuôn mặt vàng bủng, nhăn nheo của bà? Nhưng đúng là cái nhìn ấy, ánh mắt này. Bốn mươi năm trước bà cũng nhìn tôi như thế! Chỉ có điều: Bà không khóc, lúc ấy bà rất đẹp. Thanh tú. Đoan trang. Đôi môi đỏ thắm và đôi mắt long lanh.
*
Đường Khe Lum có một đoạn dài bảy cây số vắt ngang qua một con đèo có cái tên rất lạ. Đèo Cái Rốn. Hồi ấy và bây giờ vẫn thế, chưa bao giờ tôi tìm hiểu xem: Tại sao con đèo cao chênh vênh giữa các ngọn núi cao chất ngất của rặng Pù Luông âm u này lại có cái tên lạ lùng như thế? Đèo Cái Rốn. Lần ấy Khe Lum bị thương rất nặng. Đơn vị chúng tôi vừa san lấp xong hơn chục hố bom trên khắp tuyến thì bảy cây số qua đèo Cái Rốn lại bị tắc. Chiến trường đang giữa mùa khô. Những trận đánh lớn diễn ra khắp nơi, nhất là vùng cực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Mặt trận giao thông - vận tải ở hậu phương càng trở nên nóng bỏng và cấp bách hơn. Những con đường, những cây cầu bị địch tập trung hỏa lực đánh phá dữ dội suốt ngày đêm. Việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực và thuốc men vào chiến trường gặp rất nhiều khó khăn nên phải phân tán rộng ra thành rất nhiều tuyến đường vận tải ở miền biển, vùng núi và đồng bằng để tránh tổn thất không đáng có. Các phương tiện vận tải được huy động tối đa. Các con đường được mở ra cấp tốc. Những tuyến đường mòn qua núi, xuyên rừng trở thành các con đường chiến lược vô cùng quan trọng. Đường Khe Lum chạy qua đèo Cái Rốn không dài. Nhìn từ trên cao xuống, đường Khe Lum giống như một dấu hỏi lớn nằm dưới chân những dãy núi có những con đèo cao chênh vênh và những bờ vực sâu thăm thẳm trong mây nhưng lại không thể không có con đường này để vận chuyển vũ khí, lương thực, dược phẩm ra mặt trận phía bên kia dãy Trường Sơn. Đường Khe Lum luôn luôn bị tắc vì bị địch đánh phá suốt ngày đêm. Trên đỉnh đèo Cái Rốn có một Đại đội Thanh niên xung phong gái đóng quân. Hồi ấy tôi mười chín tuổi. Gần nửa thế kỷ rồi! Trước mắt bà lão mắt mờ chân chậm kia không phải là một cô gái có nước da xanh xao vì đói, vì công việc nặng nề, cực nhọc mà là một người đàn bà thơm phức, một cán bộ cao cấp của Bộ Giao thông Vận tải, là người có thể đỡ đầu cho một con đường lớn với số tiền vốn đầu tư khổng lồ ra đời và cũng có thể dùng mọi tà phép để cho một con đường mãi mãi bị lãng quên trên giấy tờ. Lúc ngồi xe lên đèo, Phó Chủ tịch huyện Mường Chiềng đã nói với tôi:
- Người Mường Chiềng rất cần con đường Khe Lum này cô ạ. Thời chiến tranh, con đường cũng giống người lính. Con đường cũng phải tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Hòa bình rồi nó vẫn rất cần cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ở huyện miền núi khó khăn này.
Tôi nói:
- Đúng thế cháu ạ! Đường Khe Lum ra đời trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go nhất, ác liệt nhất nên cũng giống như bao nhiêu con đường khác, Khe Lum phải làm tròn bổn phận đường sá của mình trong chiến tranh một cách dũng cảm, kiên cường. Hòa bình rồi, mọi con đường đều gánh trên vai một sứ mệnh mới cũng vô cùng quan trọng: Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh cho các cộng đồng dân cư trên khắp đất nước. Vùng Mường này của cháu còn rất nghèo nên nhiệm vụ của Khe Lum càng nặng nề hơn. Cô mong rằng Khe Lum sớm được hoàn thành.
- Cháu cảm ơn cô! Cô cũng biết đấy! Khe Lum không phải là một con đường quốc lộ rộng, dài nhưng người Mường Chiềng đều biết: Không những Khe Lum có đủ khả năng để kéo núi cao, rừng rậm xích về gần với biển hơn mà con đường còn có thể rút ngắn khoảng cách giữa các ngôi làng hẻo lánh của vùng Mường heo hút này với phố phường nữa cô ạ. Chạy dài theo con đường là đất đai, là rừng, là khoáng sản, là không gian văn hóa truyền thống của người Mường. Nguồn tài nguyên này chưa được khai thác chỉ vì Khe Lum xuống cấp lắm rồi.
Quả là Mường Chiềng rất cần con đường Khe Lum này. Sau mấy chục năm khai thác một cách triệt để sức lực của nó. Dự án sửa chữa, nâng cấp và mở rộng con đường đã được tỉnh này đưa lên Bộ từ lâu lắm rồi. Đã vài lần tôi định trình lên Bộ trưởng, nhưng mỗi khi chạm vào những giấy tờ, những bản vẽ kỹ thuật với những tên đất, tên Mường quen thuộc ấy tôi lại cảm thấy bất an. Lý do để dự án này ngủ im hơn hai năm trời trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi chỉ mình tôi biết. Tôi muốn con đường này mãi mãi bị lãng quên như tôi muốn quên đi một phần quá khứ của cuộc đời mình. Tôi đã đưa ra rất nhiều lý do để dự án này trở nên vô vọng. Lý do nào cũng khiến cho chủ dự án im lặng ngồi nghe rồi buông những tiếng thở dài nặng nề, ngao ngán. Lần này thì không còn con đường nào cho tôi thoát hiểm: Có một người hảo tâm giấu mặt, giấu tên đã chuyển về nước hai triệu USD để tài trợ cho Mường Chiềng sửa sang, nâng cấp con đường này. Đích danh Bộ trưởng đã tiếp nhận số tiền và giao lại cho tôi. Tôi phải có trách nhiệm chuyển số tiền này về tận cơ sở để nhân dân bắt tay vào hồi sức cho con đường. Đây là lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ tôi trở lại Mường Chiềng, đường Khe Lum, đèo Cái Rốn và cả con người nữa: Tuổi tác cả rồi. Con đường đã hoàn toàn bị xuống cấp nhưng Khe Lum vẫn kiên cường luồn lách qua những khu rừng âm u của dãy Pù Luông mà tồn tại. Đến chỗ đèo Cái Rốn bám chênh vênh giữa triền núi, con đường như muốn chững lại. Những ổ voi, ổ gà sâu hoắm làm cho con đường gẫy nát, cũng may đã có một cụm dân cư thưa thớt nống ra chân đèo. Đó là một phần cư dân làng Chiềng Hạ. Họ đã nống ra chân đèo để làm ăn, buôn bán. Mươi cái quán nhỏ ven đường. Một khu trường học lẻ loi. Một trạm y tế xã. Một trạm kiểm lâm. Con ngầm dưới chân đèo đã được tôn cao thêm hơn một chút, phía dưới chi chít những máy phát điện nhỏ. Có lẽ con đường thấy thế cũng lấy làm mừng nên nó lại cố bám chặt hơn vào con đèo cao lừng lững ấy mà leo lên. Ngày qua, đêm tới. Hè đến, xuân đi, con đường vẫn cần cù, nhẫn nại làm nhiệm vụ của mình. Những chiếc xe tải lầm lũi, những chuyến xe khách ì ạch qua đèo. Mươi năm trước thỉnh thoảng lại có một vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Cũng lâu rồi không thấy có tai nạn thương tâm nào nữa nhưng lại rộ lên những tin đồn: Đèo Cái Rốn có ma! Một cậu lái xe khách ở cạnh nhà tôi kể lại rằng:
- Chuyện đèo Cái Rốn có ma là thật cô à!
Tôi cười và thử hù dọa cậu tài xế này xem sao:
- Đó có thể là oan hồn của những người bị tai nạn giao thông trên đèo.
Cậu tài xế hăng hái cãi lại:
- Không phải đâu. Con ma này tốt thật cô ơi!
- Ma mà cũng có ma tốt, ma xấu nữa sao?
Cậu tài xế nói:
- Đó là một con ma già xấu xí, thân hình nhỏ thó, mặt mũi nhăn nheo nhưng không phải là loại ma rừng độc ác. Con ma già này có đôi mắt đã to lại đỏ rực như hai cục than lớn. Nó chỉ xuất hiện trên đỉnh đèo vào những ngày mưa gió, trời tối như bưng và những hôm mây mù dày đặc. Con ma đứng trên đỉnh đèo, ngay bên bờ vực, toàn thân bị bó chặt trong mây. Hai mắt mở căng và không ngừng liếc qua liếc lại. Những cái liếc mắt đã phát ra một thứ ánh sáng đỏ rực lúc tỏ, lúc mờ. Nhờ vào điểm đứng và ánh sáng huyền ảo ấy mà khối chiếc xe không bị đâm đầu xuống vực. Cháu cũng đã qua cửa địa ngục vài lần nhưng nhờ con ma này mà được bình an vô sự đấy cô ơi!
Tôi không tin vào chuyện ma quỷ hiện hình nhưng vừa dừng xe trên đỉnh đèo, tôi đã rất kinh ngạc khi thoáng nhìn thấy một bóng ma: Con ma chính là một bà già nhỏ thó, cái lưng còng gấp và mái tóc bạc phơ. Tôi đã nhanh chóng nhận ra bà và cũng biết rất rõ nguyên nhân: Tại sao những hôm xấu trời, những buổi mây mù dày đặc bà lão lại một mình xuất hiện trên đèo để làm một bóng ma? Con đường này có một phần máu thịt của bà. Bà lão sống cô đơn, côi cút giữa cuộc đời này nhưng tình yêu của bà đối với con đường chưa hết. Bà cũng rất yêu chồng mình. Người đàn ông làng Chiềng Hạ, chồng bà đã bị vùi mất xác vào một đêm mưa gió trên đèo. Con người và con đường đều phải hy sinh vì một mục đích giống nhau nên bà không muốn vì những tai nạn thương tâm mà con đường làm mất đi danh dự của mình. Con ma này chính là thiếu phụ xinh đẹp, đoan trang mà tôi đã gặp vào cái buổi chiều nhập nhoạng năm ấy dưới chân đèo khi tôi đang chạy trốn khỏi đơn vị của mình. Tôi nhận ra bà qua cách bà đã nhìn tôi vào chính lúc bà chồm người khỏi vòng tay thiếu phụ Mường Chiềng. Bà lão nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi. Giọng bà như mếu:
- Đói à? Con gái mế đói rồi à? Mường Chiềng ta có đủ cơm lam cho con. Nhà ta cũng có đủ cơm lam cho con mà. Nhịn đói làm gì? Con nhịn đói không có sức mà cứu con đường. Bộ đội họ giận đấy. Người Mường Chiềng ta cũng sẽ giận con. Ta cũng sẽ giận con lắm lắm. Biết không nào?
Đất dưới chân tôi chao đảo. Thì ra bà lão không điên như tôi vẫn tưởng. Bà cũng đã nhận ra tôi. Tôi khẽ rùng mình: Lẽ nào bà lão bắt tôi phải hiện nguyên hình, bắt tôi phải đối diện với chính con người mà tôi đã đào sâu, đã chôn chặt ở đỉnh đèo này từ bấy đến nay? Một cảm giác vừa xấu hổ vừa xót xa, nghẹn ngào ập đến bóp nghẹt trái tim tôi. Chân tay tôi lạnh buốt, tê dại. Một vài tia nắng đầu tiên trong ngày bất chợt lóe lên. Cụm mây trắng từ nãy đến giờ cứ vật vờ quanh tôi bị xé toang ra. Tôi trơ trọi giữa đỉnh đèo. Nhợt nhạt. Xanh xao. Thiếu phụ Mường Chiềng thấy thế vội dang tay định đỡ lấy tôi. Nàng nhặt cái áo khoác màu xanh rêu bà lão ném xuống đất choàng lên người tôi rồi lo lắng nói:
- Cô bị cảm rồi! Trên này gió quá. Ta xuống núi thôi.
Tôi nói với thiếu phụ Mường Chiềng bằng hơi thở nặng nề:
- Bà cụ… không điên?
- Mú không điên nhưng lúc nhớ, lúc quên. Những lúc như thế này mú thường trốn lên đèo một mình.
Bà lão đã chui tọt vào trong lều cỏ. Mây trắng đã bị những tia nắng vàng vọt, ốm yếu xé thành những cụm nhỏ rồi nhờ gió đẩy nhanh về phía cái lều, bịt kín cửa lại. Cái dáng nhỏ bé, tiều tụy, đôi vai gầy so, cái lưng còng gấp và mái tóc bạc trắng của bà lão biến mất. Tôi bật khóc! Mấy cán bộ kỹ thuật đang đo đo, vẽ vẽ gần chạy xô đến. Họ định xốc nách dìu tôi vào trong xe để tránh gió nhưng tôi đã hét lên như một kẻ mất trí:
- Các người cứ để mặc tôi!
Mọi người nhìn nhau. Có ai đó nói:
- Ngày xưa đơn vị Thanh niên xung phong của sếp đã chốt giữ trên tuyến đường này suốt bốn năm. Những kỷ niệm đã làm bà xúc động.
Tôi trân trố nhìn cái lều cỏ bằng đôi mắt đẫm lệ. Tôi vẫn khóc. Khóc rất lâu. Khóc nhưng không hiểu tại sao mình lại khóc? Thương bà lão bệnh tật, già nua, côi cút này ư? Tôi đâu có xứng đáng được rơi nước mắt vì bà?
*
Một ngày cách đây đã hơn bốn mươi năm.
Giữa lúc đang mưa như trút nước thì đơn vị chúng tôi nhận được mệnh lệnh khẩn cấp: Có một đoàn xe quân sự đặc biệt quan trọng sắp qua đèo. Bằng bất kỳ giá nào: Mười tám tiếng đồng hồ nữa đường đèo phải được thông xe! Trời đất ơi! Chiến tranh. Đoàn xe quân sự nào mà không đặc biệt quan trọng? Nhận được lệnh mà tôi tưởng như đã nhận được một cái án tử hình. Tôi hoang mang, lo lắng: Mười tám tiếng đồng hồ để thông một con đường đèo dài bảy cây số bị đất tụt từ trên núi xuống vùi mất tăm! Chúng tôi chỉ có một đại đội. Toàn con gái. Dù tinh thần chiến đấu có “Cao hơn đèo” nhưng sức lực con gái thì không phải là vô hạn. Phải làm sao để hoàn thành được cả núi công việc trong vòng mười tám tiếng đồng hồ? Không ai tìm được câu trả lời? Trời vẫn đang mưa sầm sập. Trước mắt chúng tôi là đèo cao. Sau lưng chúng tôi là vực sâu thăm thẳm. Nước lũ từ trên núi vẫn tiếp tục mang theo vô khối đất đá chảy xối xuống đường đèo. Nguyền rủa cả cái con ngầm dưới chân đèo kia nữa! Nó cũng đồng lõa với thời tiết để làm khó chúng tôi. Nước trong ngầm cứ dâng lên mỗi lúc một cao. Đã thế, buổi sáng có hai thằng F105D xoẹt qua. Mỗi thằng quẳng xuống ngầm một chùm bom. Chúng quẳng vu vơ thôi nhưng con ngầm hư đốn ấy đã ôm gọn hai quả nổ chậm vào lòng. Chết tiệt! Để làm gì thế không biết? Lũ con gái này đâu có kinh nghiệm phá bom nổ chậm chìm sâu trong nước? Mà nước thì càng ngày càng trở nên thừa mứa. Con ngầm đã bị nhấn sâu tới gần mét nước. Lũ từ trên núi cao vẫn tiếp tục đổ xuống. Con ngầm hả hê réo chảy như một hung thần đầu bạc khiến cho lòng tôi xót xa, cồn cào như bị xát trong muối mặn. Sang chiều mưa càng dữ dội hơn. Cả Đại đội vẫn bám chặt lấy đỉnh đèo. Khối lượng công việc thì nhiều. Thời gian trôi đi nhanh như gió cuốn. Chỉ còn một đêm, tức là mười hai tiếng đồng hồ nữa để Đại đội chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Ai mà lên đèo giữa đêm hôm khuya khoắt, mưa gió mịt mù như thế này cho được?
Lo lắng. Bế tắc. Nhập nhoạng tối, tôi quyết định bỏ đi. Tôi không thể kham nổi công việc nguy hiểm và cực nhọc này được nữa! Thời tiết này, biết đâu một nửa quả núi còn lại sẽ tụt xuống. Nước lũ và đất đá sẽ đẩy chúng tôi xuống vực sâu rồi vùi lấp lại? Chúng tôi là Thanh niên xung phong, cũng là người lính? Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, Đại đội trưởng là tôi phải ra Tòa án binh là cái chắc! Đằng nào cũng tù tội. Bỏ ngũ, cùng lắm là bị nhốt vào Trạm thu dung một năm, dăm bảy tháng nhưng vẫn giữ được mạng sống của mình. Khốn nạn thay cho một đứa hèn! Nơi này chỉ duy nhất có một con đường độc đạo vắt qua con đèo cao chênh vênh này. Đường bị tắc. Một cân gạo, một lạng muối cũng không có cách nào chuyển lên được. Cả Đại đội phải ăn cháo và măng luồng trừ bữa từ mấy hôm nay. Một phần quân số của Đại đội đã mắc phải căn bệnh “đi nhanh về chậm”. Có người đứng không vững nữa nhưng vẫn lên đèo vì không nỡ nằm nhà. Tôi thì không thể! Áp lực công việc, sự thiếu thốn, bệnh tật đã đè lên tôi bẹp dí. Tôi sợ hãi, hoang mang. Tôi sợ đói. Sợ công việc quá nhọc nhằn. Sợ núi cao, rừng rậm. Sợ núi lở, đá sập. Tôi đã bỏ đi. Trên đường chạy trốn tôi đã khóc. Không tìm được đường để trốn tôi càng khóc to hơn. Một tháng sau tôi đã viết trong bản báo cáo thành tích cá nhân mình: “… Tôi đã đứng trên bờ suối gần hết buổi chiều. Tôi muốn tìm ra một giải pháp gì đó để khắc phục khó khăn, trở ngại trước mắt, nhưng mãi vẫn không tìm được cách gì để chế ngự con suối bất trị ấy tôi đã khóc! Bao nhiêu đá đã ném xuống ngầm nhưng vẫn như muối bỏ biển, nước mỗi ngày một dâng cao. Thất vọng quá đã khiến tôi bật khóc. Tôi khóc rất nhiều… Tôi vừa khóc vừa kêu: “Mẹ ơi!”. Tôi thật không ngờ trong lúc miệng tôi bật lên tiếng gọi “Mẹ ơi” thiêng liêng ấy thì trong đầu tôi cũng bật lóe lên được một ý tưởng, một sáng kiến…”. Những lời bịa đặt mà tôi đã viết bằng những câu văn hoa như thế lúc ấy không ai đi điều tra. Không ai thẩm định. Người ta tin tôi. Tin những lời tôi đã nói, tin những câu tôi đã viết, nhưng cũng vài chục năm nay thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác lo lắng, bồn chồn. Hình như có người nào đó biết rõ sự dối trá của tôi hồi ấy. Kẻ đó nhất định không phải là trời, không phải là đất, không phải là núi, là rừng và những cơn mưa! Tôi bắt đầu điểm mặt từng người. Không phải cô gái ấy! Cô ta đã chết rồi! Hôm ấy cô ta vắng mặt suốt ngày, cả đơn vị đều nghĩ rằng: Cô gái này đã bỏ trốn khỏi đơn vị! Sẩm tối, cô ta xuất hiện trên đỉnh đèo. Cùng lên đèo với cô là thanh niên và dân quân tự vệ của làng Chiềng Hạ. Thì ra trong lúc bế tắc này cô gái ấy đã nghĩ ra được một sáng kiến: phải nhờ địa phương giúp đỡ. Cô ấy đã lặn lội vào làng. Lực lượng dân quân tự vệ địa phương đã hăng hái lên đèo để giúp Thanh niên xung phong, nhưng cô gái này đã hy sinh ngay sau khi công việc vừa hoàn tất. Cầu qua ngầm đã bắc. Bảy cây số đường đèo đã được dọn xong. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trước thời gian quy định hai tiếng đồng hồ. Bỗng nhiên một khối đất đá lớn nữa lại từ trên núi cao tụt xuống. Con đường vẫn an toàn, nhưng có bốn người phải hy sinh. Cô gái ấy, hai chiến sĩ của Tiểu đội ba và một người đàn ông Mường Chiềng. Bốn người bị đẩy xuống vực sâu. Đại đội mất đứt ba ngày đào bới nhưng không tìm thấy xác. Cái vụ nhân dân này tôi không viết trong báo cáo thành tích cá nhân nhưng trong các hội nghị lớn của tỉnh, của Trung ương và cả ở Liên Xô nữa tôi đều đã nói: “Lúc ấy tôi đã nghĩ: Không có gì hơn sức mạnh của nhân dân nên tôi đã lặn lội đi tìm dân để nhờ giúp đỡ…”. Lúc cô gái này trở lại đỉnh đèo cùng với lực lượng dân quân tự vệ làng Chiềng Hạ tôi không có mặt ở hiện trường. Tôi đang tìm đường chạy trốn. Nhưng vắng mặt vì chạy trốn hay đi tìm người giúp đỡ thì cũng thế cả thôi. Không ai biết tôi vắng mặt vì lý do gì. Cô gái ấy đã chết rồi. Chết không tìm thấy xác thì lấy mồ đâu đội lên mà giành công trạng với tôi?
Vẫn có một người đàn bà nữa. Hình ảnh người đàn bà này đã ám ảnh tôi rất nhiều năm. Hơn bốn mươi năm rồi, chưa một lần tôi dám trở lại con đèo này để đối mặt với quỷ thần hai vai, với ma rừng, ma núi, với người đàn bà bí ẩn của vùng rừng xa xôi, hẻo lánh này. Hồi ấy bà còn chưa đáng tuổi mẹ tôi. Khi tôi khóc và lớn tiếng gào: “Mẹ ơi!” thì bà xuất hiện:
- Chỉ huy à! Phải bắc cầu thôi! Mưa lớn thế này nước suối còn dâng cao nữa đấy. Không vá ngầm bằng đá được đâu?
Đang lúc tuyệt vọng nên tôi đã hét thẳng vào giữa mặt bà:
- Chết tiệt! Toàn một lũ con gái ăn hại, đái nát. Chặt hạ được một cây gỗ to mất đứt cả ngày. Đưa về ngầm bằng cách nào đây? Ngón tay bà thì không bắc được cầu. Bà hãy câm miệng lại!
Tôi cũng thật không ngờ người đàn bà xinh đẹp ấy cũng hét lên. Bà lớn tiếng ra lệnh cho tôi:
- Cho người vào Chiềng Hạ dỡ nhà tao mà bắc cầu! Dỡ nhà sẽ nhanh hơn chặt cây trong rừng đấy! Đêm nay người Chiềng Hạ sẽ giúp chúng mày lăn đá, xúc đất trên đèo. Sẽ xong việc sớm thôi. Đừng khóc to như thế nữa.
Tôi lấy tay áo quệt ngang nước mắt rồi trân trố nhìn bà:
- Nhà bà có gỗ dài à? Có dài đủ cho con ngầm này không?
- Mấy cây cang bằng gỗ lim nhà tao dài hơn chiều rộng con ngầm này. Chỉ cần bốn cây cang ấy làm dầm. Lấy cột, kèo bắc ngang, lấy ván sàn lát lên mấy lượt là có cầu cho xe qua tốt. Làm đi! Nhanh lên. Đừng đứng đó mà há mồm ra nữa.
Đêm ấy chúng tôi đã bắc được một cây cầu vững chãi qua ngầm bằng gỗ lấy từ ngôi nhà sàn năm gian của người phụ nữ làng Chiềng Hạ. Xong cầu, cả Đại đội với sự giúp sức của hơn một trăm dân quân tự vệ và nhân dân làng Chiềng Hạ tập trung giải phóng đường đèo. Tang tảng sáng thì thông xe, cũng đến tận lúc ấy tôi mới biết: Người đàn ông hy sinh trong lúc giúp chúng tôi giải phóng đường đèo chính là chồng người phụ nữ đã ra lệnh cho tôi đến dỡ nhà bà để lấy gỗ bắc cầu qua suối.
Sau vụ bắc cây cầu gỗ ấy đơn vị chúng tôi được nhận danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Ngay sau khi nhận danh hiệu “Quyết thắng” Đại đội được điều về đồng bằng, tôi thì được gọi về Tổng đội ngồi viết bản thành tích cá nhân. Cả năm ấy tôi bận bù đầu vì phải đi khắp nơi để báo cáo thành tích, báo cáo điển hình tại các Đại hội nghị mừng công lớn. Lại còn được đi cả Liên Xô để dự Liên hoan Thanh niên thế giới nữa! Hơn một năm sau nữa thì giải phóng. Tôi được cử đi học một lớp bồi dưỡng chính trị cấp tốc rồi được đề bạt vào một vị trí quan trọng tại một cơ quan rất quan trọng của tỉnh. Chả bao lâu thì được đề bạt vượt cấp rồi được đặt ngồi vào cái ghế cao ngất ngưởng của Bộ Giao thông Vận tải.
Những năm đầu được ngồi ở vị trí này tôi hoàn toàn cảm thấy yên tâm và cũng rất tự hào. Tôi tự hào vì tôi xứng đáng. Chỉ thế thôi. Năm tháng qua đi. Thời gian đã đủ dài khiến cho các thế hệ sau này trở nên xa lạ với cuộc kháng chiến khốc liệt mà ông bà, cha mẹ chúng ta đã phải trải qua nên thỉnh thoảng tôi cũng kể cho đứa con trai duy nhất của mình nghe chuyện: “Ngày xưa… ngày xưa…”. Cả chuyện có và cả những chuyện… không phải chính tôi làm. Những lần nghe tôi kể chuyện, thằng bé chỉ im lặng thở dài. Nhưng cái thở dài buồn bã của con khiến tôi lo lắng, tôi chưa bao giờ dám nghĩ: Con đã biết những chuyện bí mật của tôi trên đèo Cái Rốn. Thì ra là nó! Cái cảm giác bất an vẫn đeo đẳng theo tôi là do nó gây ra. Con tôi đã biết hết. Nó đã biết tất cả chuyện của tôi. Có lẽ từ ngày ấy thằng bé đã xem tôi như một con nợ khó đòi. Thì ra từ bấy lâu nay một mình con đã âm thầm trả món nợ của tôi cho bà lão và cho con đường đã thấm máu chồng bà. Tôi hãi hùng khi biết được chuyện này, nhưng tôi cũng lấy làm mừng: “Nó là một thằng trai Mường tốt” - Bà lão đã nói thế! Nó thực sự xứng đáng với bà ngoại của nó hơn tôi.
HÀ THỊ CẨM ANH
(1) Mú: Bà.
(2) Đối Xường: Một lối hát xường giao duyên của người Mường.
(3) Du Chẻm: Cháu dâu. Người cháu đã có con gái đầu lòng.
(4) Môống xô: Ông ngoại.