Chiều nhạt nắng. Xóm Muối bên sông vắng hoe, chỉ còn mấy bông hoa nắng xuyên qua kẽ lá rơi xuống đường làng buồn thiu. Chợ chiều cũng thưa người, lác đác mấy mớ rau héo queo còn sót lại trên mấy cái mẹt mốc thếch, chỏng chơ. Lủng cúi xuống thả cái ống quần đang xắn lên quá gối, lùa tay cột lại mái tóc khét nắng. Sao không khét cho được khi quanh năm nó toàn đi đầu trần, dù lên biền hay ra đồng, nắng cũng như mưa. Nó chẳng biết đến giày dép là gì, cứ chân trần mà ra đồng. Từ bến sông, Lủng vừa đi vừa nhảy lò cò về nhà, trên tay cầm một mớ hoa dại mới hái ngoài triền sông. Qua sân đình nó nhìn trước nhìn sau rồi ù té bỏ chạy. Nhưng không kịp, tụi con trai xóm Muối đang tụ tập trên sân đình đã nhìn thấy nó. Một đứa hét lên:
- Ê con Lủng hái hoa về cho mẹ nó cài đầu kìa!
Vậy là cả bọn thi nhau cười lăn lộn. Lủng lầm lũi đi thiệt nhanh, mắt cặm xuống bàn chân. Nó sợ tụi con trai xóm Muối lại nghĩ ra trò mới trêu chọc nó. Tụi nó vui mà Lủng đau, đau kiểu như ai cầm con dao cùn mà cứa qua cứa lại khúc ruột, nơi mà từ lâu đã chằng chịt vết thương. Từ nhỏ nó đã sợ tụi con trai xóm Muối. Có lần tụi nó kêu mà Lủng giả lơ bỏ đi, một đứa trong bọn chạy lại túm mớ tóc dài của nó kéo xềnh xệch, rồi cả bọn cười ha ha. Không còn trò gì chơi, chúng lại đi tìm Lủng để tiêu khiển, chúng hành hạ Lủng như hành hạ một con mèo ốm yếu. Mỗi khi lên biền Lủng toàn đi đường vòng, mà đường vòng xa lắm, lại đi qua cái nghĩa trang nắng chang chang không một bóng cây, chỉ có hoa cỏ dại mọc thành từng lùm rậm rịt.
Mẹ Lủng là người đàn bà điên nhưng xinh đẹp nhất làng. Mấy khi có người đàn bà điên nào xinh đẹp, nhưng mẹ Lủng thì đẹp, đẹp đến nỗi những người đàn bà xóm Muối phải kéo chồng đi nhanh hơn nếu bất chợt gặp mẹ long nhong trên đường làng hay ở bến sông. Ông Bốn Mảnh mài dao ở đầu chợ kể, Lủng ra đời trong một đêm mưa, mẹ trở dạ rồi sinh nó luôn ở chợ, trên cái sạp tạp hóa đã dọn vào. Cũng may chợ tan còn mấy bà mấy cô ở lại dọn hàng chưa về, mỗi người một tay, Lủng ra đời bình yên vô sự.
Từ khi biết chạy quanh xóm Muối chơi, thứ duy nhất Lủng thèm là cái tên. Nó không có tên, nó biết nó được sinh ra là may lắm rồi, ở đó mà đòi tên! Mỗi khi nghe ai kêu tên con Hồng, con Hương, con Huệ… là nó lại thèm. Tên tụi nó hay gì đâu! Đâu như nó, đến cái tên cũng không có. Bà con xóm Muối toàn gọi “Ê!”. Mấy đứa con trai hay nghịch ác còn gọi “Con bà điên”. Nó ghét hai cái tên đó, nó thích là Hồng, Hương, Huệ hơn nhiều.
Một lần Lủng ngất giữa chợ vì đói, bà con xóm Muối khiêng nó vô trạm xá. Cô y tá hỏi tên, bà con mới sực nhớ hỏi nhau: “Ủa, mà nó tên gì vậy ta?”. Hỏi rồi bỏ đó. Ông Bốn Mảnh mài dao đầu chợ hôm bữa thấy nó đi qua, cái áo trùm lên đầu che nắng, cái quần ống thấp ống cao lủng lỗ chỗ, khi không ông bật ra cái tên, kêu luôn:
- Ê Lủng!
Con Lủng vẫn không hay biết, nó đi thẳng. Ông Bốn Mảnh chạy theo, đưa nó trái bắp luộc.
- Ông cho nè, Lủng!
Con Lủng ngơ ngác một lúc rồi hiểu ra, nó nhảy cẫng lên chạy quanh tìm tụi trẻ con xóm Muối.
- Hồng, Hương, Huệ ơi! Tao có tên rồi nè, là Lủng đó!
Chẳng đứa nào thèm để ý, nhưng từ ngày đó bà con xóm Muối đều gọi nó là Lủng. Thật ra nó chẳng ưa cái tên đó chút nào. Lủng, nghe kỳ kỳ. Nhưng thôi kệ, có tên là may lắm rồi. Đồ nó mặc trên người là toàn đồ các bà các cô trong chợ góp lại cho, mà đồ lủng người ta mới cho, chớ không lủng người ta để mặc chớ ai cho làm chi! Vậy tên Lủng là đúng rồi, đòi hỏi chi!
Giữa đồng có cái ao nước trong vắt. Lần nào đi qua Lủng cũng len lén soi xuống ngắm mình. Lủng nhận ra mình đẹp. Mà sao Lủng không đẹp cho được khi mẹ đẹp đến ngẩn ngơ. Rồi Lủng bần thần, Lủng có cần đẹp đâu? Lủng chỉ cần có cha thôi. Ngủ đêm nào Lủng cũng mơ, trong mơ cha là một người đàn ông cao lớn, đẹp như diễn viên đóng phim trên tivi, cha nắm tay mẹ chạy dọc triền sông, mẹ hớn hở chạy bên cha, tóc xõa tung. Trong mơ lần nào Lủng cũng thấy mẹ đâu có điên, mẹ đâu có hái hoa cài đầu chạy nhong nhong quanh xóm Muối. Lần nào Lủng cũng chạy theo hai người, chân vấp cục đá đau điếng. Lủng choàng dậy, mồ hôi đầm đìa. Lủng tiếc, tiếc vì chưa kịp chạy lại nắm tay, hỏi tên cha, tiếc vì cha mẹ chưa kịp làm cô dâu chú rể, để bà con xóm Muối hết nói Lủng không cha. Lần nào choàng dậy sau cơn mơ Lủng cũng bần thần, gương mặt buồn rượi, da diết. Lủng đặt tên những giấc mơ đó là “Thương”. Tỉnh dậy buồn rượi nhưng Lủng vẫn muốn hôm sau được gặp lại “Thương”. Lâu dần Lủng cũng quen với những giấc mơ tên “Thương” không có thật bao giờ.
Mẹ dạo này đi xa hơn, có đêm không về. Một mình Lủng ngủ trong căn nhà trống huơ trống hoác gần bến sông. Căn nhà bà ngoại để lại cho mẹ con Lủng có chỗ rúc ra rúc vô. Căn nhà không bao giờ khép cửa, vì có gì đâu để mất. Lủng nằm nghe tiếng chuột kêu rinh rích, đó là thứ âm thanh duy nhất làm Lủng đỡ sợ về đêm. Tội nghiệp bà ngoại, tới lúc nằm xuống cũng chưa yên. Bà Hai Tri gần nhà kể: Ngày con gái mẹ đẹp lắm, lại hiền lành. Bà ngoại dựng tạm cái quán bên bến sông ngồi bán nước, buổi sáng mẹ ra đồng, chiều ra quán trông coi cho bà đi chợ. Bến sông ngày đó tấp nập, mỗi ngày không biết bao nhiêu chuyến ghe chở muối qua sông. Mỗi tháng đôi lần, những sà lan chở cát cũng cập bến vô quán.
Nhà ngoại gần bến sông, đêm đêm trai làng cứ lượn lờ, người thổi sáo, kẻ hát cải lương trước nhà tới sáng, chỉ mong mẹ để mắt tới. Mẹ chẳng để bụng thương ai, chỉ cặm cụi ra đồng làm ruộng, chiều lại ra quán nước trông coi cho bà. Mấy chiếc ghe muối vội vàng đến mấy cũng ghé vô quán bà làm ly nước rồi đi, chỉ để tranh thủ ngắm mẹ. Mấy sà lan chở cát mỗi lần dừng là inh ỏi một khúc sông, vậy rồi cũng đều đặn ghé vô quán bà.
Mẹ ngại ra đồng hơn, bà ra quán, mẹ ở nhà soi gương, tỉa tót. Đêm đến đợi bà ngủ say, mẹ lén ra sông. Bà biết được, cấm mẹ ra quán, chỉ ở trong nhà lo cho đàn heo trong chuồng, tưới luống rau. Đêm chưa xuống bà đã khóa cửa trong cửa ngoài bằng một cây gỗ chắn ngang với mớ dây cột. Mẹ yên lặng, ngoan ngoãn nghe lời bà.
Một đêm, bà thiu thiu ngủ chợt bật dậy vì tiếng thét thất thanh của mẹ. Mẹ đang nằm bên bà, sau tiếng thét, mẹ bật dậy tông cửa lao ra đường, bà chạy theo nhưng không cách nào tìm thấy. Hai ngày sau người làng thấy mẹ ngủ dưới cây vông đồng cuối xóm. Người ta chạy về gọi bà. Bà chạy đến khóc nức nở, mẹ bật dậy ngơ ngác, ai hỏi gì mẹ cũng đưa mắt nhìn trân trối, đến bà mẹ cũng không nhận ra. Nhìn mẹ, bà hiểu ra sụp xuống khóc ngất. Ba năm trời bà chạy vái tứ phương mong chữa cho mẹ trở lại bình thường, nhưng đã muộn. Từ ngày đó mẹ trở nên điên loạn. Người làng đồn thổi, người nói mẹ thất tình, kẻ nói mẹ giữa trưa đứng bóng đi qua cái miếu ở ngã ba sông mà không biết vô thắp cây hương, nên bà tổ cô phạt.
Ba năm chạy chữa cho mẹ không xong, bà đành chấp nhận mẹ vĩnh viễn làm người điên. Tuổi bà ngày càng cao, gánh nặng càng đè lên đôi vai. Bà ra đồng, ra quán, chiều về còn lo cho đàn heo trong chuồng, lo cho đứa con gái ngẩn ngơ. Chiều chiều, cứ hễ bà ra quán nước, mẹ cũng mở cổng lang thang khắp làng, có lần mẹ ra bến đứng ngó qua sông, như vẫn nhen nhóm hy vọng một ngày được gặp lại người thương, cho đến đêm mẹ chưa chịu về. Bà ra dắt về, lấy roi quất một trận. Nhưng hôm sau ra bến đò bà cũng không nỡ khóa cửa nhốt mẹ trong nhà.
Buổi chiều ngoài bến sông về, bà sửng sốt khi thấy mẹ ngồi trước hiên nôn thốc. Tưởng mẹ cảm như mọi khi, bà lấy muỗng cạo gió. Lần này bà cạo hoài lưng mẹ vẫn trắng bóc chẳng thấy gió máy đâu. Linh cảm chuyện chẳng lành, bà lật mẹ lại, nhìn vào bầu vú, tức thì bà gục xuống khóc lóc. Bà biết, lại thêm một gánh nặng nữa đè lên vai bà cho đến hết đời.
Rồi bà cũng gạt nước mắt lo cho mẹ. Bà làm lụng quần quật, mong khi mẹ sinh nở còn có chút đỉnh lo cho cháu. Ai ngờ bà ra đi đột ngột trong đêm. Bà ngủ luôn không bao giờ dậy nữa. Bà Năm nhà bên buổi sáng đang xới đất cho vạt bắp trong vườn, mẹ chạy qua nắm áo bà giật giật. Bà Năm ngơ ngác đi theo, vô đến giường lay cách gì bà cũng không dậy nữa. Làng xóm thương thì mừng bà từ nay thoát kiếp nạn trần gian. Người thương mẹ thì lo lắng chép miệng, không biết mẹ sống ra sao.
Ngày đưa bà ra đồng, mẹ đi theo sau, không khóc, con mắt ráo hoảnh nhìn đâu đâu. Người ta về rồi, mẹ ở luôn ngoài mộ. Ngày ngày mẹ ra chợ kiếm ăn, ai cho gì mẹ cũng ăn. Ăn xong mẹ lại ra mộ bà nằm. Trời thương cho mẹ khỏe đến lúc sinh con. Từ ngày sinh con, mẹ mới chịu về nhà. Mẹ biết cho con bú, ru con ngủ, đút con ăn. Thỉnh thoảng con ngủ rồi, mẹ lại để đó long nhong quanh làng, lần nào mẹ cũng đi qua nghĩa trang hái một nắm hoa cỏ cài lên tóc rồi soi mình xuống sông. Có khi mẹ ngửa mặt lên trời mà cười, cười cho tới khi ai đó đi qua nhắc: “Mau về cho con mày bú kìa!” mẹ mới sực nhớ chạy về.
Rồi Lủng cũng lớn lên như cây cỏ ngoài đồng. Khi tụi con Hồng, con Hương, con Huệ tới tuổi đi học, Lủng cũng bắt đầu tự kiếm ăn, chứ ai mà suốt ngày ra chợ chờ người khác thương. Ai sai gì Lủng cũng làm, Lủng làm nhanh lắm: Bẻ bắp, hái đậu, vô phân… Lủng còn biết giữ em cho người ta. Ai cho gì ăn cũng để dành về cho mẹ. Trời thương cho Lủng sức khỏe, từ nhỏ tới giờ chẳng biết ốm đau là gì. Nước da ngăm ngăm, thân hình gầy nhẵng, mái tóc dài bóng mượt chẳng biết đến dầu gội, quanh năm Lủng buộc túm sau gáy bằng sợi dây thun.
Năm nay Lủng đã mười hai tuổi. Mỗi khi đi qua cái ao giữa đồng, Lủng lén soi xuống lâu hơn, dưới kia con bé mắt biếc, môi hồng đang chúm chím cười. Trưa nào bên kho muối mấy bà mấy cô cũng túm tụm lại bắt chấy cho nhau, thấy Lủng đi qua liền kêu ời ời, xong khen: “Cái con, đẹp chi mà đẹp ác rứa!”. Nói xong chép miệng: “Tội nghiệp! Phải chi nó có cha…”. Lại cái câu xát muối vào lòng. Người ta nói Lủng con bà điên, Lủng không đau, người ta nói Lủng không cha, Lủng đau lịm người.
Chiều nay tụi con trai xóm Muối lại tụ tập. Lủng từ bến sông về, lặng lẽ đi sát bờ mương. Một đứa phát hiện, vậy là cả bọn rủ nhau hét lên cứ như chỉ có Lủng mới có trò vui. Lủng cắm đầu chạy, vừa chạy nước mắt vừa ứa ra. “Răng mẹ lại sinh Lủng ra chi trên đời này!” - Lủng tủi thân tựa vào xưởng lò rèn, nước mắt thi nhau chảy ra. Có tiếng chân sè sẹ tới gần, một bàn tay ấm áp đặt lên vai Lủng. Lủng ngẩng lên, là chú Nhân, thợ sửa tivi. Chú Nhân sống một mình trong căn nhà cuối xóm Muối, vợ chú chết từ khi Lủng chưa có mặt trên đời. Nhà cũng là nơi chú mở tiệm sửa tivi. Năm thì mười họa trong xóm mới có cái tivi hư, bà con đem tới sửa có khi còn thiếu nợ, chú chỉ cười: “Thôi để đó, lần sau sửa trả luôn”.
- Sao lại khóc? - Chú Nhân hỏi nó.
Lủng yên lặng lấy tay áo quệt nước mắt. Xưa nay chú Nhân luôn là người quan tâm nó nhất cái xóm này. Nhiều lần thấy tụi con trai trêu chọc, chú phải lấy roi ra tụi nó mới thôi. Chiều nay vẫn là chú Nhân nhưng sao nó thấy gần gũi quá. Không nén được, nó ào vào lòng chú tức tưởi. Nó khóc như mưa giăng qua mắt, khóc như lần đầu nghe người ta nói nó không cha.
- Nín đi, con! - Chú Nhân vỗ nhè nhẹ lên vai nó.
Nó ngẩng lên. Một thoáng linh cảm, nó lặng nhìn chú hồi lâu, miệng mấp máy không thành lời. Chú Nhân kéo nó lại gần:
- Đừng khóc, có ba đây! - Chú khẽ nói rồi im bặt như vừa buột miệng thốt ra một bí mật.
Con Lủng nhìn sững chú Nhân, không biết tỉnh hay mê, nó lấy tay nhéo vô đùi thiệt đau. Là thiệt, không phải mê! Mặt Lủng sáng trưng, nó lấy tay quệt nước mắt:
- Thiệt không… ba?
Chú Nhân gật đầu, nước mắt cũng ứa ra. Con Lủng đứng dậy lao ra đường, nó muốn hét lên với cả xóm Muối rằng nó đã có cha. Cha nó tên Nhân, đẹp như diễn viên đóng phim trên tivi mà nó thường mơ. Vậy rồi nó chạy, dọc đường gặp mấy bà mấy cô ra chợ về, nó nghẹn lại không nói thành lời. Về nhà không thấy mẹ đâu, nó quýnh quáng đi tìm, chỗ nào mẹ thường lê la nó cũng ghé qua. Sẩm tối mới thấy mẹ ngồi bên gốc cây vông đồng, đội lên đầu vòng hoa dại, miệng nhấm nháp cọng cỏ, bâng quơ. Thấy nó, mẹ ngửa mặt lên trời cười hơ hơ:
- Đẹp hông? Cô dâu đẹp hông?
- Đẹp, mẹ đẹp mà! Ba cũng đẹp! - Nước mắt con Lủng trào ra sung sướng.
*
Chiều nay xong việc đồng bãi, con Lủng lại chạy đến nhà ba. Ba nó vừa sửa tivi vừa nghe nó thủ thỉ đủ thứ chuyện trên đời. Lần nào ba cũng hỏi mẹ, dặn dò nó trông chừng, đừng để mẹ ra sông. Lần nào nó về ba cũng gói đồ ăn cho mẹ, khi thì con cá nướng, lúc lại mấy cái bánh ú, miếng kẹo đậu. Nó lâng lâng tận hưởng niềm hạnh phúc có cha. Nó nghĩ lại rồi, sẽ không khoe với ai cả. Từ giờ người ta nói nó không cha nó cũng chẳng còn buồn nữa, vì nó đã có cha.
Có chuyện gì che mắt thiên hạ được đâu, qua tháng sau cả xóm Muối biết hết. Mới đầu là ông Bốn Mảnh mài dao, sau đến các bà các cô hay bắt chấy đầu đình. Thấy nó dạo này tươi tỉnh, chiều nào ra đồng về cũng nhảy chân sáo đến tiệm sửa tivi. Người ta để ý, mỗi người một mắt, mỗi người một câu: “Thằng cha Nhân ngó hiền rứa mà kinh!”. “Lâu ni giấu, chừ mới lòi ra!”. “Ai đời, người ta điên mà ức hiếp chi hông biết nữa!”. Con Lủng nghe hết. Nó thương ba nhưng chẳng biết làm sao. Ba nó ban đầu nghe buồn lắm, sau đành bỏ ngoài tai nhưng khổ nỗi, mỗi khi bước chân ra tới cổng đầu làng đã nghe người ta bóng gió. Hôm rồi giỗ hội, ba nó tới, vừa ngồi xuống chiếu, tức thì đám thanh niên trong làng kiếm cớ đứng lên, để ba nó ngồi tơ hơ một mình. Con Lủng đứng bên ngoài nhìn ba cố nuốt cho xong, nước mắt nó trào ra, nó thấy trong mắt ba có cái gì đó rất thê lương mà tuổi nó chưa hiểu hết.
Chỉ có mẹ vẫn hồn nhiên, ngày ngày lang thang khắp nơi hái hoa đội đầu, gặp ai cũng rủ làm cô dâu. Ba nó cũng thôi, đóng cửa tiệm, tính chuyện sắm cái ghe ra bến sông chở hàng, chứ giờ tivi lỡ có hư, người làng cũng chở lên thị trấn mà sửa, chứ nhất định không đem tới chỗ “cái thằng cha mắc dịch”.
Từ dạo ba nó ra bến sông chở hàng, con Lủng càng thích vì nó được gần ba hơn. Từ biền chạy ra nó đã thấy ba ngồi đó, bên cái ghe chờ người ta kêu. Chiều nay xong việc nó chạy ra bến, nhìn trước nhìn sau không thấy ghe ba đâu, nó ngồi đợi. Nó đợi đến sẩm tối cũng không thấy ghe ba cập bến. Nó đứng lên đi về, mới đi được mấy bước nó nghe tiếng chân huỳnh huỵch trên bãi cát, một đám thanh niên đang khiêng một người đàn ông. Nó chột dạ chạy lại. Là ba nó! Người ta để ba nằm trên cát, mắt ba nó nhắm lại như ngủ. Nó hét lên. Một người đàn ông khiêng ba nó lên bờ kể, mấy thằng bé xóm trên đi học về, ra sông tắm rồi đuối nước. Ba nó ngồi trên ghe thấy vậy nhảy xuống, đưa được đứa cuối cùng lên ba nó lả đi rồi chìm nghỉm, đến khi bà con xóm Muối phát hiện thì đã muộn. Con Lủng nghe xong hét lên rồi khuỵu xuống.
Đám tang ba Lủng cả xóm Muối tới viếng đông đen, ai cũng thắp nén nhang, lầm rầm trước di ảnh ba nó thiệt lâu. Nó nhìn thấy những gương mặt lam lũ, nhọc nhằn, những gương mặt suốt đời cắm mặt ngoài biền, ngoài sông hôm nay như thương cảm, ân hận. Nó mừng cho ba nhưng cũng đau đớn nhận ra, từ đây nó lại không cha. Nó không khóc được nữa, gương mặt dại đi, thất thần. Cả xóm Muối lo, sợ nó lại như mẹ. Bên hiên, mẹ nó vẫn ngồi nhấm nháp cọng cỏ gà, hát nghêu ngao nhìn người ta ra vô, thấy ai mẹ cũng rủ làm cô dâu.
- Lại thắp cho cha con Lủng cây hương đi! - Ông Bốn Mảnh nói với mẹ.
- Hông! Hông thắp! - Mẹ lắc đầu quầy quậy.
Người làng sửa soạn đưa ba nó ra đồng, đám thanh niên trai tráng trong làng xỏ đòn gánh, cúi xuống chưa kịp khiêng ba đi, bất ngờ một người đàn ông từ ngoài chạy vào, quỳ sụp xuống trước di ảnh ba nó:
- Tui là người có tội! Cha con Lủng chính là tui! Bao năm qua tui không dám nhận con. Anh vì thương con tui bơ vơ mà chịu tiếng đời...
Vừa nói người đàn ông vừa khóc nấc lên. Tiếng lao xao im bặt, chỉ còn nghe tiếng khóc rấm rứt, nghẹn ngào của mấy bà mấy cô trong làng. Không ai bảo ai, bà con đều cúi đầu yên lặng trước di ảnh ba nó. Con Lủng từ góc nhà đi ra như người mộng du, nó trân trối nhìn người đàn ông như thể lần đầu nó nhìn thấy người từ hành tinh khác tới. Nó sững sờ hồi lâu, rồi yên lặng quay đi. Người đàn ông lặng nhìn theo nó rồi bật ra tiếng kêu đau đớn:
- Con!
Lủng quay lại, toàn thân nó rung lên:
- Cha! - Lủng khẽ gọi nhưng không lại gần. Nó đi giật lùi ra cửa rồi vụt chạy. Mẹ nó kêu lên:
- Lủng! Quay lại đi!
Người làng sững sờ nhìn chị. Trong ánh ban mai, gương mặt chị đằm thắm, dịu dàng, không còn thần sắc gì của một người đàn bà điên...
Đêm. Vẫn là những đêm như thế, trăng chảy xuống lòng sông, nguyên vẹn một màu bàng bạc, những bụi bèo dâu dạt về phiêu bạt, một cánh vạc lẻ loi tìm mồi. Mấy mùa trăng là mấy mùa Lủng nhớ người đã nhận nó làm con, mặc cho miệng đời cay nghiệt. Lủng ngước nhìn trời, lòng sông phản chiếu ánh sáng rờ rỡ của trăng khuya. Đêm nay nó chợt nhận ra mảnh trăng cũng mồ côi, và dòng sông cũng trở thành góa bụa, góa bụa ngay trên mảnh đất quê mình...
VŨ NGỌC GIAO